Phỏng Vấn Tiến Sĩ Võ Nhân Trí: Việt Nam Cần Đổi Mới Thật Sự
(LÊN MẠNG Thứ sáu 20, Tháng Năm 2005)
Lời giới thiệu của VNN: Chính sách Đổi mới của nhà cầm quyền CSVN trong hơn một thập niên qua đã đưa đến một số thay đổi tại Việt Nam, nhưng nó có đem lại phúc lợi thật sự cho đại khối người dân Vìệt Nam không? Trong khi đất nước vẫn tiếp tục tụt hậu so với lân bang và thu nhập bình quân của người Vìệt Nam hiện vẫn còn dưới mức nghèo đói được ấn định bởi Liên Hiệp Quốc. Việt Nam Cần Đổi Mới Thật Sự phải chăng là giải pháp cấp thiết nhất hiện nay? Tại sao?... Thông tấn VNN đã rất hân hạnh được Tiến sĩ Võ Nhân Trí, từ Paris, dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây do phóng viên Võ Triều Sơn thực hiện. Xin kính mời quý vị theo dõi.
Sơ lược Tiểu sử Tiến sĩ Võ Nhân Trí (trích từ Nguyệt san Thế Kỷ 21, số 179, tháng 3/2003):
- Sinh quán tại Sa Đéc.
- Tốt nghiệp Tiến sĩ Luật và Kỹ sư Thương Mại tại Pháp (Grenoble, 1955 và 1956).
- Tiến sĩ Kinh tế tại Anh (Birmingham, 1957).
- Gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1952 rồi Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) năm 1961.
- Sau khi thành tài tại Âu Châu, Tiến sĩ trở về phục vụ tại miền Bắc năm 1960.
- Khi thấy được những sự thật của chế độ CSVN, Tiến sĩ rất thất vọng và đau đớn.
- Sau khi đi dự Hội Nghị Kinh Tế Gia tại Budapest và ghé thăm Paris năm 1974, trở về Hà Nội, Tiến sĩ bị CSVN theo dõi vì những phát biểu chê bai chế độ trong khi công tác tại hải ngoại.
- 1980, bị CSVN bắt giam vì tình nghi vượt biên, cho vợ con ở lại nước ngoài bất hợp pháp và không còn tích cực trong công tác.
- Ngay sau đó, Tiến sĩ từ bỏ ĐCSVN và xin qua Pháp để đoàn tụ với gia đình.
- Nhờ sự can thiệp bền bỉ của một số nhân vật thân chế độ CSVN sống lâu năm tại Pháp, Tiến sĩ qua được Pháp năm 1984.
Những tác phẩm đã xuất bản:
Ngoài rất nhiều bài nghiên cứu về Việt Nam hầu hết đã được phổ biến trên các tạp chí chuyên môn, Tiến sĩ còn viết những sách về kinh tế và chính trị sau đây:
- Croissance Economique De La République Démocratique Du Vietnam, 1945-1965, Hanoi: 1967.
- Vietnam: The Third Five-Year Plan 1981-1985, Performance And Limits, No. 4, Indochina report (special issue), October-December 1985, Singapore: 1985.
- Socialist Vietnam's Economy, 1975-1985. An Assessment, Monograph V.R.F. Series. No. 139, Institute of Developing Economies, Tokyo: January 1987.
- Vietnam's Economic Policy Since 1975, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore: 1990.
- Việt Nam Cần Đổi Mới Thật Sự, nhà xuất bản Đông Á, Vancouver, Canada: 2003.
Đã làm việc tại:
- Viện Kinh tế (Hà Nội), từ 1960-75.
- Viện Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh, 1976-1984.
- Từ năm 1985-1991, nghiên cứu kinh tế tại Institute of Development Studies (Sussex, Anh), Institute of Developing Economies Tokyo (Nhật), Institute of Southeast Asian Studies (Singapore), Australian National University (Canberra, Úc) và Centre National de Recherche Scientifique (Paris, Pháp).
VNN: Kính thưa Tiến sĩ, điều không thể chối cãi là sau hơn một thập niên đổi mới kinh tế và hội nhập các khu vực kinh tế, đời sống người dân Việt có một chút cải thiện hơn xưa và CSVN cũng phải giảm bớt cường độ độc tài toàn trị. Điều đáng nói nữa là trong Lễ Ký kết Thương ước Việt - Mỹ tại Toà Bạch ốc ngày 13.7.2000, Tổng Thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố: "Thương ước sẽ đem lại nhiều thay đổi tốt đẹp về tự do và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam trong một nền kinh tế phồn thịnh hơn..." Những thực tế nầy có phải là kết quả và niềm hy vọng bước đầu của giải pháp dùng kinh tế để chuyển hóa chính trị không? Xin Tiến sĩ cho biết nhận định như thế nào về vấn đề nầy? Và cải tổ kinh tế có tự động đưa tới cải tổ chính trị không? Tại sao?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Nói chung thì, theo tôi, kinh tế và chính trị đều gắn bó chặt chẽ với nhau; hai mặt nầy có tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau một cách biện chứng.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Việt Nam (và Trung Quốc) cải tổ kinh tế không tự động dẫn tới cải tổ chính trị bởi vì Đảng Cộng sản (ĐCS) cố tình ngăn cách, tạo một sự phân đôi (dichotomy) giả tạo giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; tức là họ cởi trói phần nào về mặt kinh tế nhưng, về cơ bản thì vẫn muốn đông lạnh về mặt chính trị (như duy trì chế độ độc đảng, không tôn trọng nhân quyền và dân quyền v.v...). Do đó, tôi hoàn toàn tán thành lập trường của các chiến sĩ dân chủ ở trong nước yêu cầu, khi thực hiện chính sách đổi mới thì phải, từ lúc đâu, đi cả hai chân, cả kinh tế lẫn chính trị. Chính vì không làm như vậy nên hiện nay công cuộc đổi mới đi vào ngõ cụt!
Để khai thông con đường phát triển kinh tế, để đạt được một mức tăng trưởng cao và bền vững thì cần phải có một ''đột khẩu phá'' về mặt chính trị theo hướng dân chủ hóa thật sự đất nước, tức là thực hiện một nền dân chủ đa nguyên như các nhà lão thành cách mạng, các nhân sĩ trí thức ở trong nước và một số công thần của chế độ (như cựu Trung ương Ủy viên Đặng Quốc Bảo, Giáo sư Trần Văn Hà v.v...) đã yêu cầu.
VNN: Trong tác phẩm: "Việt Nam Cần Đổi Mới Thật Sự" của Tiến sĩ, xuất bản đầu năm 2003, đã được nhiều người đón nhận và ngưỡng mộ, Tiến sĩ có đề cập đến chính sách Đổi mới của CSVN. Nhân đây, xin Tiến sĩ cho biết rõ một lần nữa, chính sách Đổi mới ấy bắt đầu khi nào, do từ nguyên nhân nào? Chính sách ấy có dựa trên một nền tảng ý thức hệ nào không? Nếu có, xin Tiến sĩ có thể cho biết những điểm chính yếu của ý thức hệ Đổi mới ấy như thế nào?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Chính sách ''đổi mới'' của Đảng CSVN (ĐCSVN), như ai cũng biết, đã bắt đầu từ Đại hội 6 của ĐCS hồi tháng 12/1986, tức là sau 10 năm thống nhất đất nước. Đáng lẽ, nếu ĐCSVN sáng suốt hơn, thì sau 1975 họ có thể rút kinh nghiệm về kết quả thảm hại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa Xã hội (CNXH) theo kiểu Mác-Lê-Mao ở miền Bắc trước đó, và đề ra chủ trương đổi mới liền sau ngày thống nhất đất nước. Nhưng, như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thú nhận, vì ''bệnh giáo điều, tả khuynh (cho nên ĐCS) đã bỏ lỡ thời cơ, đánh mất khá nhiều tiềm lực kinh tế mà đáng ra (ĐCS) có thể phát huy mạnh lên thì đổi mới không phải quá khó khăn trong 10 năm đó (1976-86)'' (Xem phỏng vấn của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong Tạp chí Xây Dựng Đảng và Tuổi Trẻ Online (29/04/05). Về lý do tại sao ĐCS phải chủ trương đổi mới, ông Kiệt còn nói rõ thêm: ''Do chậm đổi mới về tư duy, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng và kéo dài, gây nhiều khó khăn, thiếu thốn cho nhân dân vốn đã từng chịu đựng bao gian khó, hy sinh trong ngót nửa thế kỷ'' (như trên).
Tuy nhiên, rất tiếc là chính sách ''đổi mới'' của ĐCSVN chỉ là đổi mới nửa vời thôi vì nó vẫn còn nằm trong quỹ đạo Xã hội chủ nghĩa (XHCN) cho nên chính sách chủ nghĩa xã hội đổi mới (gọi tắt là ''đổi mới'') chứa đầy mâu thuẫn khó dung hòa, nhứt là trong dài hạn.
Nền tảng ý thức hệ của chính sách ''đổi mới'' bao gồm, một mặt, CNXH theo kiểu Mác-Lê-Đặng (Đặng Tiểu Bình), mặt khác, cái gọi là ''tư tưởng Hồ Chí Minh''. CNXH theo kiểu Đặng Tiểu Bình bao gồm 7 đặc điểm mà đặc điểm chính là vai trò lãnh đạo tuyệt đối của ĐCS để xây dựng CNXH theo kiểu mới (về chi tiết, xem Võ Nhân Trí, Việt Nam Cần Đổi Mới Thật Sự, nxb Đông Á, Vancouver, Canada, 2003, tr. 19-20). Còn về cái gọi là ''tư tưởng Hồ Chí Minh'' thì chỉ cần nhấn mạnh ở đây là viện lý ''tư tưởng'' nầy để hỗ trợ cho ''đổi mới'' kinh tế hiện nay như ĐCSVN đang làm là một nghịch lý hoàn toàn; còn dựa vào ''tư tưởng'' nầy để hỗ trợ cho ''đổi mới'' chính trị thì phải công nhận rằng dù có đổi chút ít trong một số khía cạnh, nhưng về nội dung cơ bản thì không có gì là mới cả! (về chi tiết, xem sđd., tr. 22-39).
VNN: Rất cảm ơn Tiến sĩ. Lãnh đạo CSVN vẫn thường xác định: chính sách Đổi mới hiện nay dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh. Xin Tiến sĩ cho biết rõ thêm tư tưởng ấy nghịch lý như thế nào đối với ''đổi mới kinh tế'' và ''đổi mới chính trị''?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Trở lại cái gọi là ''tư tưởng Hồ Chí Minh'' thì tôi nhắc lại là về mặt kinh tế thì, vì ông Hồ chủ trương ''tiến thẳng lên CNXH'' nên ông ta đã khẳng định là phải ''xóa bỏ các hình thức sở hữu không XHCN làm cho nền kinh tế gồm nhiều thành phần phức tạp trở nên một nền kinh tế thuần nhất dựa trên chế độ sở hữu toàn dân (tức là sở hữu quốc doanh, thuộc về nhà nước - VNT) và sở hữu tập thể (tức là của hợp tác xã trong nông nghiệp và thủ công nghiệp), và cả hai loại sở hữu nầy đều thuộc về khu vực kinh tế XHCN cả - VNT)''. Ông Hồ còn nói thêm: ''chúng ta (ĐCS) phát triển thành phần kinh tế quốc doanh để tạo nền tảng vững chắc cho CNXH và thúc đẩy việc cải tạo XHCN'' (H.C.M., Tuyển Tập, nxb Sự Thật, Hà Nội, 1980, tập 2, tr. 130-131). Chính xuất phát từ chủ trương xóa bỏ các thành phần kinh tế tư nhân cho nên ông Hồ thúc dục ''thực hiện cải tạo XHCN đối với nông nghiệp (tức là gò ép nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp - VNT), thủ công nghiệp, và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh (tức là đánh tơi bời giai cấp tư sản dân tộc)''(H.C.M., Tuyển Tập, sđd; tập 2, tr.161) ở miền Bắc trong những năm 1958-60.
Ngược hẳn với chủ trương nầy, tại Đại hội lần thứ 6 (tháng 12/1986) của ĐCSVN, họ chủ trương quay trở lại ''một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần'' tức là quay trở lại việc chấp nhận phát triển các thành phần kinh tế tư nhân mà ông Hồ đã chỉ thị phải ''cải tạo'' trước kia. Như vậy là ĐCSVN đã sửa chữa sai lầm trước kia như ông Nguyễn Đức Bình, cựu Ủy viên Bộ Chính trị đã thừa nhận: ''Đảng ta đã phạm sai lầm... nóng vội trong cải tạo XHCN xóa bỏ nền kinh tế nhiều thành phần... (trước đây)'' (N.Đ.B., Tạp chí Cộng Sản, số 4, tháng 2/2000, tr. 17). Do đó, khẳng định rằng ngày nay những luận điệu của ông Hồ về CNXH ở Việt Nam ''vẫn giữ nguyên ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới'' kinh tế như ĐCS đang làm là một nghịch lý hoàn toàn.
VNN: Cảm ơn Tiến sĩ đã phân tích rõ. Những ưu điểm nào của chủ nghĩa tư bản đã được CSVN cũng như Trung Quốc khai thác tối đa cho mục tiêu Đổi mới nói trên của họ?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Cũng như ĐCS Trung Quốc, ĐCSVN khi nói cần mở cửa ra thế giới bên ngoài, nhứt là thế giới tư bản chủ nghĩa, là nhằm học tập kinh nghiệm quản lý của họ và lợi dụng vốn liếng, kỹ thuật công nghệ, viện trợ của họ để xây dựng CNXH và hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân, nhứt là trong giai đoạn đầu xây dựng CNXH.
Ông Nguyễn Đức Bình cũng đã giải thích về sự cần thiết phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản để xây dựng CNXH ở Việt Nam như sau: ''... lấy đâu ra máy móc, thiết bị, công nghệ, vốn liếng, kinh nghiệm để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là khi không còn bao cấp quốc tế (tức là không còn viện trợ của phe XHCN nữa - VNT). Tìm đâu ra những thứ đó nếu không sử dụng chủ nghĩa tư bản, tư bản trong nước và tư bản nước ngoài?'' (N.Đ.B., Tạp chí Cộng Sản, Hà Nội, số 11, tháng 6/1997, tr.8).
VNN: Như vậy, kính thưa Tiến sĩ, mô hình kinh tế thị trường theo định hướng XHCN của CSVN hiện nay, về thực chất, ai có lợi nhiều nhất: nhà cầm quyền CSVN hay đại khối nhân dân Việt Nam? Tại sao?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Trong kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, tập đoàn lãnh đạo và tay sai trong ĐCS - từ trung ương tới địa phương - là kẻ hưởng lợi nhiều nhất chớ không phải là đại đa số nhân dân.
Cách đây vài năm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã tuyên bố là từ khi có kinh tế thị trường XHCN, nhứt là từ đầu những năm 2000, những người giàu mới đã làm giàu rất mau. Họ là những ngườI đang có ''đặc quyền đặc lợi'' và ''có thế lực trong xã hội'', tức là một số Ủy viên Trung ương, các bí thư tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy ở địa phương, và những kẻ đồng lõa với họ trong một số ngành đang gặt hái ra nhiều tiền (như thị trường bất động sản ở các thành thị - nhất là các khu vực sắp được đô thị hóa - các công trình xây dựng với vốn từ các nguồn ngoại viện v.v...). Chính những thành phần nầy đang lợi dụng ''đặc quyền'' để lôi kéo vợ con, họ hàng và bạn bè khai thác những ''đặc lợi'' làm cho họ trở thành siêu tỷ phú một cách rất nhanh chóng'' (Lê Đăng Doanh, Thời Báo Kinh Tế, Sài Gòn, 28.8.03) (tôi nhấn mạnh - VNT). Lợi dụng quyền lực để tham nhũng, để dựa vào vây cánh làm ăn bất chính, để không phải đóng thuế tài sản và thu nhập bất chính của mình, họ còn lợi dụng quyền lực để đứng trên pháp luật và không bị đưa ra ánh sang. Chính vỉ có ''siêu tỷ phú'' nầy mà ta thấy ''chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng trong xã hội tăng lên'' một cách nhanh chóng. (Lê Đăng Doanh, như trên).
VNN: Kính thưa Tiến sĩ, những năm gần đây, nhà cầm quyền CSVN ra sức cổ vũ cho những chương trình và kế hoạch ''Xóa đói, giảm nghèo''. Phải chăng CSVN đã chứng tỏ thiện chí đáp ứng yêu cầu của các định chế tài chánh quốc tế về mục tiêu đẩy lui nghèo đói (lutte contre la pauvreté, poverty alleviation)? Sự thực về vấn đề nầy tại Việt Nam hiện nay như thế nào, xin Tiến sĩ có thể cho biết rõ?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Về vấn đề ''xóa đói giảm nghèo'' thì tôi xin có vài nhận xét sau đây:
a) Cần phải nhắc lại nguyên nhân chủ yếu của sự nghèo khổ của đại đa số nhân dân, nhất là ở nông thôn và miền núi là do chính sách kinh tế sai lầm trầm trọng và kéo dài của ĐCS trong mấy chục năm qua mà chính các nhà lãnh đạo cộng sản cũng đã thừa nhận. Do đó, họ không có lý do gì để tỏ ra quá hoan hỉ về sự giảm dần tỷ lệ người nghèo từ từ 75% năm 1988 xuống còn 11% năm 2003. Bởi vì đó chỉ là kết quả của việc sửa sai mà họ phải chịu trách nhiệm trước dân, và cũng là nhờ có sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế. Điều đáng chú ý là việc ''xóa đói giảm nghèo'' nầy được thực hiện không đồng đều. Số đồng bào Thượng nghèo chiếm 30% tổng số người nghèo của cả nước, gấp đôi người kinh.
Dù tỷ lệ người nghèo có giảm đi nhưng đừng quên rằng, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2003, vẫn còn có 30 triệu người sống trong nghèo khổ. Hơn nữa, theo một nhà nghiên cứu ở Hà Nội thì ''mấy năm gần đây, việc xóa đói giảm nghèo có xu hướng chậm lại, và số hộ nghèo tăng lên'' (Phạm Xuân Nam, Tạp chí Cộng Sản, số 13, tháng 7/2004, tr. 24).
Cũng cần nói thêm là chương trình xóa đói giảm nghèo nói trên là một dịp may cho một số cán bộ trong bộ máy Nhà nước lo về việc nầy để bòn rút một số mỹ kim khá lớn do ngoại viện đem lại.
b) Dù có hiện tượng giảm tỷ lệ người nghèo như đã nói bên trên, nhưng - đó là điều đáng chú ý hơn cả - hố cách biệt giữa giàu và nghèo đã không ngừng tăng lên và tăng nhanh từ khi Việt Nam bước vào kinh tế thị trường. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Hà Nội) thì hệ số chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam và thu nhập bình quân đầu người của 20% hộ giàu nhứt so với 20% hộ nghèo nhất đã tăng từ 4,1 lần năm 1990 lên 8,1 lần năm 2002 (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, 03/03/05). Hiện nay, số chênh lệch nầy chắc chắn là cao hơn thế nhiều. Cần lưu ý ở đây là số liệu kể trên không thể chính xác được vì các hộ, nhứt là hộ giàu, không đưa vào thống kê nhiều khoản thu phi chính thức, phần nhiều là bất hợp pháp.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã tỏ ra ''rất lo ngại khi sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng mở rộng hơn do những thu nhập bất chính. Khoảng cách giàu nghèo ở nước ta tiếp tục doãn ra nhanh với mức độ phát triển của kinh tế thị trường..., khi thị trường bất động sản công khai hoạt động mà không được kiểm soát..., khi còn thiếu một Nhà nước pháp trị, thiếu sự công khai minh bạch..., không ít những người có chức quyền đã dùng quyền lực của cơ chế xin-cho để làm giàu phi pháp'' (Tin Sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ), số 1, tháng 1/2004, tr. 68).
Về phía mình thì nhà đối lập Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cho rằng: ''Mang danh XHCN nhưng bất công, phân hóa giàu nghèo (ở Việt Nam) còn ghê gớm hơn các nước tư bản chủ nghĩa giàu có rất nhiều. Chỉ số GINI của Nhật Bản, Đan Mạch chỉ cỡ trên dưới 25. Trong khi Việt Nam là xấp xỉ 40... Tư bản đỏ, địa chủ cộng sản ngày nay giàu có và tàn bạo gấp trăm lần các nhà tư sản và địa chủ bị (ĐCS) đấu tố, tù đày, bắn giết hồi cải cách ruộng đất (ở miền Bắc) và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh'' (N.T.G.,''30 năm - Vài cảm nhận'', Hà Nội, 30/4/05).
Mức chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng - một quả bom nổ chậm - là một trong những nguyên nhân sẽ gây ra sự bất ổn xã hội lớn trong tương lai nếu như Nhà nước cộng sản không có biện pháp hữu hiệu để cải thiện tình trạng bất quân bình nầy.
VNN: Rất cảm ơn Tiến sĩ. Có chủ trương tạo dựng sức mạnh kinh tế của Việt Nam không thể dựa vào khả năng xuất cảng tài nguyên thiên nhiên mà chủ yếu phải dựa vào khả năng phát triển của các lãnh vực khoa học, kỹ thuật, xuất cảng và thương mại. Xin Tiến sĩ cho biết nhận định như thế nào về chủ trương nầy?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Để tạo dựng sức mạnh kinh tế thì Việt Nam không thể chỉ dựa vào xuất cảng dầu thô (27%), thủy sản (16%), nông lâm sản thô v.v... như hiện nay mà cần phải cải tiến mạnh mẽ cơ cấu xuất khẩu bằng cách chuyển dần sang xuất cảng hang hóa chế biến và công nghệ.
Để tăng sức mạnh kinh tế của mình, Việt Nam cần, theo thiển ý của tôi, một mặt tiếp tục đổi mới kinh tế mạnh mẽ hơn nữa, mặt khác, thay đổi cả cơ cấu chính trị lẫn guồng máy hành chánh hiện nay để có thể gia tăng hiệu năng quản trị và năng xuất lao động.
VNN: Điều không thể phủ nhận là hiện nay, ngày càng có nhiều khuynh hướng bi quan về hiện tình đất nước, đặc biệt là giới trí thức trong nước cũng như trong hang ngũ CSVN, như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang hay mới đây nhất như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh mà Tiến sĩ vừa đề cập trên... Việt Nam Cần Đổi Mới Thật Sự đang trở thành quan điểm chung của hầu hết những người Việt Nam còn nghĩ tới tương lai đất nước. Như vậy, kính thưa Tiến sĩ, tình trạng Đổi mới chưa thật sự hiện nay của CSVN đang trì cản như thế nào sự phát triển đất nước nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Chính sách ''đổi mới'' chưa triệt để của ĐCSVN trong mấy chục năm qua một mặt, làm cản trở sự phát triển kinh tế, cả về tốc độ tăng trưởng lẫn chất lượng, làm cho Việt Nam vẫn bị tụt hậu so với các nước láng giềng, mặt khác, đang duy trì một chế độ độc đảng lạc hậu và một bộ máy hành chánh vừa cồng kềnh vừa yếu kém. Cả hai mặt nầy đều làm cho Việt Nam không những không phát huy được nguồn lực của dân tộc mà còn kìm hãm sức sống của dân tộc.
Do đó, cần phải thiết lập ngay một nền dân chủ đa nguyên/ đa đảng để mở ra một triển vọng tươi sáng cho đất nước, cả về chính trị lẫn kinh tế như các nhà lão thành cách mạng và nhân sĩ trí thức trong nước đã yêu cầu. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây cụm từ dân chủ đa nguyên/ đa đảng chứ không phải cái gọi là ''dân chủ nhất nguyên/ độc đảng'' như ĐCSVN đang quảng cáo rùm ben gần đây (Xem chẳng hạn Giáo sư Phạm Ngọc Quang, Tạp chí Cộng Sản, số 18, tháng 9/2001, tr. 39 và lời tuyên bố của con vẹt Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tại Hội nghị ASEM 5 ở Hà Nội hồi đầu tháng 10/2004). Khái niệm ''dân chủ nhất nguyên/ độc đảng'' là một quái tượng chính trị (political monstrosity) do ĐCSVN bịa đặt ra để biện bạch cho một nền chuyên chính trá hình của họ mà thôi, chớ trong đời nầy làm gì có cái loại ''dân chủ'' như thế! (Vả lại, ghép hai chữ dân chủ với hai chữ nhất nguyên/ độc đảng là mâu thuẫn trong từ ngữ rồi!).
Khái niệm ''dân chủ nhất nguyên/ độc đảng'', theo tôi, là một khái niệm dân chủ đểu mà những người dân chủ chân chính ở trong và ngoài nước cần phê phán và bác bỏ. Dân chủ thật sự, như Giáo sư Phan Đình Diệu gần đây đã nhắc lại, tất yếu phải là đa nguyên/ đa đảng thôi, Giáo sư Diệu nói: ''... Một nền dân chủ phải là đa nguyên thôi, vì đa nguyên luôn luôn là điều kiện cần của dân chủ, đó là điều mà cả về lý luận lẫn thực tiễn ta không có cách gì có thể bác bỏ được'' (Thông Tin, Hannover (Đức), No 30, tháng 12/ 2004, tr. 30).
VNN: Để giải quyết những bế tắc trầm trọng trên đây hầu xóa bỏ vĩnh viễn nỗi quốc nhục tụt hậu hiện nay, nhân đây, xin Tiến sĩ cho biết rõ một lần nữa, Việt Nam cần phải có những giải pháp cấp thiết như thế nào? Chỉ thuần tuý kinh tế không thôi hay phải giải quyết luôn cả cơ chế chính trị hiện nay? Tại sao?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Để tránh tụt hậu hơn nữa đối với các nước láng giềng, chính quyền Hà Nội cần khởi dậy tất cả các tiềm lực hiện có ở trong nước, và thực hiện một chiến lược phát triển kinh tế đứng đắn, như tôi đã đề nghị trong quyển sách (V.N.T., sđd, tr. 35-78), để đạt một tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, bằng cách đẩy nhanh quá trình tích lũy tư bản ở trong nước và nhất là tư bản ở ngoài nước, song song với việc phát triển kinh tế có hiệu xuất.
Để phát triển có hiệu xuất thì Việt Nam cần phải:
a) Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế quốc doanh và kinh tế tư nhân, và hội nhập tích cực vào thị trường vùng và thế giới.
b) Tạo ra một nguồn nhân lực có chuyên môn, đồng thời tạo ra một cơ chế để nhân tài được sử dụng đúng chỗ.
c) Tạo môi trường thuận lợi để khoa học và công nghệ được ứng dụng rộng rãi, để tri thức về công nghệ và quản lý kinh tế, kinh doanh được lan rộng ra khắp nước.
d) Cải tổ mau lẹ bộ máy hành chánh và tạo cơ chế để người có tài và đạo đức có thể đảm nhiệm việc quản lý Nhà nước. Điều cần lưu ý là để thực hiện các điều vừa kể trên, để thiết lập một nền kinh tế thị trường theo thông lệ quốc tế (tức là phi XHCN) thì nhất thiết phải có một ''đột khẩu phá'' về mặt chính trị theo hướng dân chủ hóa thật sự đất nước. Bởi vì, như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã nói: ''Có dân chủ (thật sự) đất nước mới phát triển nhanh và phát triển lành mạnh được''. Thiết lập một nền kinh tế thị truờng thật sự theo thông lệ quốc tế (chứ không phải là một nền kinh tế thị trường đểu như hiện nay) song song với việc xây dựng một nền dân chủ đa nguyên/ đa đảng (chớ không phải là một nền dân chủ đểu như tôi đã nói bên trên) là hai việc cần thiết phải làm ngay, vì hai vấn đề nầy gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau.
VNN: Cảm ơn Tiến sĩ. Nhà cầm quyền Việt Nam cũng như Trung Quốc rất cổ vũ cho mô hình phát triển của Singapore, một đảo quốc có một nền kinh tế phát triển nhanh và mạnh trong một chế độ độc tài. Xin Tiến sĩ cho biết Hà Nội và Bắc Kinh muốn gì khi cổ vũ cho mô hình Singapore nầy?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Khi Hà Nội cổvũ cho mô hình pháttriển của Singapore là họ muốn biện bạch cho luận điệu cho rằng cần có một chế độ độc đảng, độc đoán để duy trì ''ổn định'' chính trị để có thể phát triển kinh tế; và nên phát triển kinh tế trước đã rồi sau đó mới thực hiện được dân chủ. Quan điểm nầy là ngược hẳn quan điểm của các chiến sĩ dân chủ ở trong nước vì họ chủ trương - và tôi cũng đồng tình với họ - là muốn đổi mới thật sự thì phải đi cả hai chân, từ lúc đầu, như đã nói bên trên.
Báo cáo hang năm của UNDP, năm 2000 chẳng hạn, cũng đã nhấn mạnh: tự do dân chủ là điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế. Cựu Tổng Thống Nam Triều Tiên, ông Kim Đại Trọng đã từng nói:''dân chủ đa nguyên và phát triển kinh tế phải đi đôi với nhau''. Giáo sư Amartya Sen, Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1998 cũng đã nhấn mạnh về quan hệ mật thiết giữa dân chủ đa nguyên và phát triển kinh tế.
Ngoài ra, chúng ta cần phân biệt một chế độ tư bản chủ nghĩa độc đoán, chuyên quyền (authoritarian regime) như ở Singapore với một chế độ xã hội chủ nghĩa toàn trị (totalitarian regime) như ở Việt Nam (và Trung Quốc). Ở Singapore thì chỉ có độc đoán chủ yếu về mặt chính trị đối nội thôi, còn về các mặt khác thì họ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, và tôi nghĩ rằng tới một ngày nào đó thì họ có thể chuyển dần sang một chế độ dân chủ đa đảng để cho phù hợp với một nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, như đã xảy ra ở Đài Loan, Nam Triều Tiên, Indonesia v.v... Nhưng ở Việt Nam thì, dù có phát triển kinh tế, ĐCS và chính quyền cộng sản không thể tự động (và tự nguyện) chuyển sang một nền dân chủ đa nguyên/ đa đảng được vì bản chất của CNXH theo kiểu Mác-Lê không thể chấp nhận việc từ bỏ cái mà họ gọi là ''chuyên chính vô sản'' mà thực chất là chuyên chính của tập đoàn lãnh đạo của ĐCS như điều 4 của Hiến pháp 1992 đã ghi rõ. Chỉ khi nào mà áp lực tối đa và liên tục của phong trào dân chủ ở trong và ngoài nước đạt đến một mức độ mà họ không thể cưỡng lại được thì lúc đó họ mới có thể chấp nhận chuyển sang một chế độ dân chủ đa nguyên/ đa đảng; họ sẽ không bao giờ tự nguyện làm điều nầy nếu không có áp lực nói trên. Do đó, cần có một đồng vận, một nguồn cộng năng (synergy) của tất cả các lực lượng dân chủ trong và ngoài nước, đoàn kết một lòng, để tạo ra một sức ép hết sức mạnh mẽ hòng đem lại kết quả nói trên.
VNN: Kính thưa Tiến sĩ, chúng tôi được biết, Tiến sĩ là người đã từng nhiều năm làm việc và nghiên cứu kinh tế tại Pháp, Anh, Nhật, Úc và Singapore. Theo nhận định của Tiến sĩ, mô hình kinh tế nào thích hợp nhất cho Việt Nam trong tương lai? Tại sao?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Theo tôi, mô hình kinh tế thích hợp nhất cho Việt Nam trong giai đoạn trước mắt là mô hình mà các nước ở Trung Âu như Ba Lan, Hungari, Cộng Hòa Tiệp v.v... đã thực hiện sau khi chế độ cộng sản đã sụp đổ ở các nước ấy vào đầu những năm 90.
Kinh nghiệm của họ cho thấy rằng những nước nầy kiên quyết thay đổi một cách dứt khoát hệ thống chính trị-kinh tế cũ bằng một hệ thống chính trị-kinh tế mới từ lúc khởi đầu đều thành công cả về mặt phát triển kinh tế lẫn tiến bộ dân chủ về mặt chính trị.
Theo tôi thì các nhà kinh tế học Việt Nam cần tham khảo một cách chu đáo các lý luận sâu sắc về thời kỳ quá độ từ nền kinh tế XHCN sang một nền kinh tế thị trường thật sự mà nhà kinh tế học nổi tiếng Hungari, Giáo sư Janos Kornai, đã nêu lên trong các tác phẩm của ông, và cố gắng áp dụng những lý luận đó một cách sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam.
Có thể nêu lên vài tác phẩm chính của Giáo sư Kornai, như sau:
_ J. Kornai: The Socialist System, The Political Economy of Communism, Princeton University Pr., New Jersey, 1992.
_ J. Kornai: ''What the Change of System From Socialism to Capitalism Does and Does Not Mean'', Journal of Economic Perspectives, Vol.14, No 1, Winter 2000.
_ J. Kornai: Presentation at UNDP, Vietnam, March 2001.
VNN: Báo Le Monde, số ra ngày 18.9.2004, có trích dẫn bình luận của một nhà ngoại giao Tây phương về ông Hồ Cẩm Đào, nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc hiện nay, như sau: Ông Hồ là một người Mác xít canh tân, vẫn tin tưởng ở sự thực hiện của XHCN trong khi ông Giang cho phép giới thương buôn gia nhập Đảng là người đại diện của giới doanh nhân... Điều đó, kính thưa Tiến sĩ, phải chăng Trung Quốc đang cố gắng hoàn thiện CNXH và CSVN cũng sẽ rập khuôn theo? Nếu điều nầy xảy ra, sẽ là một may mắn hay bất hạnh cho dân tộc Việt Nam?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: ĐCS Trung Quốc đang thực hiện CNXH theo kiểu riêng của họ như việc cho phép các nhà kinh doanh tư nhân (nhưng trên thực tế phần lớn họ là con ông cháu cha, là cán bộ, đảng viên) gia nhập ĐCS. Có nhiều khả năng là, không sớm thì muộn, ĐCSVN cũng theo con đường nầy. Nhưng, theo tôi, điều nầy không có nghĩa là một điều may mắn cho Việt Nam. Cái mà dân tộc Việt Nam cần hiện nay là thay thế chế độ độc đảng bằng một chế độ dân chủ đa đảng, trong đó, ngoài ĐCS ra, còn có thể có một số đảng nữa, và trong đó sẽ có môt đảng đại diện chân chính cho quyền lợi của các nhà kinh doanh tư nhân. Như thế thì có lẽ là hợp lý hơn việc cố nhét các nhà kinh doanh tư nhân nầy vào ĐCS, một việc làm trái khoáy hoàn toàn!
VNN: Cảm ơn Tiến sĩ. Đầu năm 1999, trả lời phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do, khi đề cập đến mối liên hệ giữa giới trí thức Việt Nam ở hai bờ chiến tuyến trước đây, Giáo sư Hoàng Minh Chính đã nói: Họ đều nung nấu về tình hình đất nước. Họ đều theo dõi tình hình để biết là đất nước hiện nay đang tụt hậu, là điều rất xót xa. Vì thế, tôi không thấy có gì ngăn cách giữa những người trí thức với nhau. Tiến sĩ nhận định như thế nào về quan điểm nầy của Giáo sư Hoàng Minh Chính?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm nầy của Giáo sư Hoàng Minh Chính. Giới trí thức ở hai bờ giới tuyến trước đây cần đoàn kết lại trong một liên minh hết sức rộng rãi, cả trong lẫn ngoài nước, nhằm đấu tranh chống độc tài cộng sản, vì dân chủ đa nguyên/ đa đảng là một điều hết sức cần thiết hiện nay.
VNN: Trở lại với tác phẩm Việt Nam Cần Đổi Mới Thật Sự, trong ấy, Tiến sĩ có nói rằng: chính sách Đổi mới nầy CSVN đã rập khuôn theo chính sách Đổi mới của Trung Quốc (đã bắt đầu áp dụng từ 1978). Lúc ấy, CSVN đang trong vòng ảnh hưởng của Liên Sô. Điều ấy có gây trở ngại gì cho CSVN không? Tại sao?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Trước Đại hội 6 của ĐCSVN (tháng 12/1986), ông Trường Chinh được cử làm Tổng Bí thư tạm thời sau cái chết của Lê Duẫn, và lúc đó, ông Trường Chinh chủ trương chính sách ''đổi mới theo tinh thần perestroika và glasnost của M. Gorbachev.
Sau vài năm cởi mở (1987-88), ông Nguyễn Văn Linh, ngườI được bầu làm Tổng Bí thư tại Đại hội 6, bắt đầu siết trở lại từ năm 1989, khi thấy phe XHCN bắt đầu bị tan rã (Ba Lan v.v...) và sau khi xảy ra cuộc tàn sát sinh viên ở Thiên-an-môn (tháng 6/1989). Từ đó trở đi, ĐCSVN coi ông M. Gorbachev là ''hữu khuynh'' là ''xét lại'', thậm chí là ''tay sai của đế quốc Mỹ'' nữa! Và từ đó trở đi, Liên Sô không còn có ảnh hưởng gì đến chinh sách ''đổi mới'' của ĐCSVN nữa.
VNN: Xin Tiến sĩ cho phép một câu hỏi về cuộc đời riêng của Tiến sĩ. Chúng tôi được biết, năm 1960, Tiến sĩ đã tình nguyện trở về phục vụ miền Bắc XHCN với tất cả lý tưởng của một trí thức Việt Nam thành tài ở hải ngoại. Nhưng khi sống với thực tại miền Bắc lúc ấy, điều gì đã làm cho Tiến sĩ thất vọng nhiều nhất để đi tới quyết định từ bỏ ĐCS sau đó?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Điều làm tôi thất vọng để đi tới quyết định từ bỏ ĐCS và sau đó xin đi ra khỏi nước là vì tôi nhận thấy rằng chế độ cộng sản là một chế độ tàn bạo, dối trá và nói chung là vô nhân đạo.
Dựa vào hai cột trụ chính là công an và quân đội, chính quyền Hà Nội đã thiết lập một nền ''chuyên chính vô sản'' khủng khiếp đối với những phần tử chống đối và bất đồng ý kiến dựa theo nguyên tắc: ai không đi với tôi là chống lại tôi. Đối với các phần tử nầy (bao gồm cả cán bộ, đảng viên, các nhà lão thành cách mạng v.v...) thì, sau khi bị bắt vào tù, chế độ Hà Nội liệt họ vào hang ''dưới người'' hoặc coi họ như ''một con số không, hơn nữa một con số âm'' như nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã nhận xét; do đó, dưới con mắt của chính quyền, họ không ''đáng được đối xử như những con người'' vì họ đã ''phạm những tội ác đối với cách mạng'' (như trên). Và họ bị đối xử một cách hết sức tàn tệ. Không những đối với cá nhân họ thôi, mà đối với cả vợ và con của họ cũng bị liên lụy và bị trừng phạt, cả về mặt chính trị, kinh tế, xã hội lẫn giáo dục v.v... Do đó, ai cũng đều run sợ. Sợ là một bịnh kinh niên khá phổ biến trong nhân dân Việt Nam. Nói chung là không có an toàn cá nhân vì bất cứ ai cũng có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Ngoài ra, chế độ cộng sản còn khuyến khích nhân dân tố giác lẫn nhau bằng mọi cách, kể cả trong đảng.
Ở Việt Nam, bạo lực sinh ra từ ''chuyên chính vô sản'' và nó được thực hiện hàng ngày; nó được nâng lên thành một thể chế, trong lúc đó thì sự dối trá của ĐCS và Nhà nước được nâng lên thành một quốc sách, như tôi đã nói rõ trong quyển sách.
Ấn tượng chung của tôi về chế độ cộng sản ở Việt Nam là một chế độ vô nhân đạo, không có tình người. Trong chế độ nầy, người và người không phải là bạn như người ta đã tuyên truyền!
VNN: Xin Tiến sĩ một câu hỏi cuối: Là một trí thức Việt Nam đã dũng cảm hành động theo tiếng gọi của lương tâm mình, đã trải qua nhiều chế độ chính trị và nhiều giai đoạn lịch sử cam go và nghiệt ngã của dân tộc, Tiến sĩ có điều gì muốn chia sẻ thêm cùng tuổi trẻ Việt Nam hiện nay không?
Tiến sĩ Võ Nhân Trí: Đối với các bạn trẻ ở trong nước, tôi xin gợi ý một điểm quan trọng duy nhất là không nên chỉ chạy theo cuộc sống hàng ngày thôi, mà cũng nên quan tâm đến vận mạng của đất nước. Do đó, cần tích cực tham gia vào các phong trào đấu tranh cho dân chủ thật sự hòng tiếp sức với các chú bác, nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh để dân chủ hóa đất nước; cần coi phong trào đấu tranh cho dân chủ trong thế kỷ 21 nầy có tầm quan trọng như phong trào đấu tranh giành độc lập trong thế kỷ 20 vậy.
Còn đối với các bạn trẻ ở ngoài nước tôi xin thêm vài gợi ý như sau:
a) Cần phải cảnh giác đối với giọng quyến rũ của chính quyền Hà Nội trước sự kêu gọi tinh thần yêu nước chung chung hoặc tinh thần đoàn kết dân tộc chung chung như đã thể hiện trong Nghị Quyết 36/TU mà Bộ Chính trị ĐCSVN đã đưa ra hồi năm ngoái (26/03/04). Bởi vì phải biết rằng trong các tài liệu nội bộ và trong báo chí của ĐCS người ta thường nhấn mạnh là yêu nước thì phải yêu nước XHCN mới được, còn đoàn kết dân tộc thì phải đoàn kết dưới trướng của ĐCS, dưới sự lãnh đạo của ĐCS, để thực hiện mục tiêu do ĐCS đề ra. Những điều nầy là không thể chấp nhận được. Chúng ta thì ai mà không yêu nước, nhưng không thể yêu nước XHCN được, chỉ yêu nước thuần túy thôi, tức là yêu nước nhưng phi XHCN. Vả lại, yêu nước thật sự ngày hôm nay tức là phải đoàn kết lại tất cả những người yêu chuộng dân chủ chân chính để chống lại chế độ độc tài của ĐCS nhằm đem lại một tương lai sáng sủa cho đất nước, khắc phục tình trạng tụt hậu hiện nay so với các nước láng giềng v.v... Còn đoàn kết thì phải đoàn kết trên cơ sở bình đẳng và dân chủ để thực hiện mục tiêu mà tôi vừa nói, chớ không thể dưới trướng của ĐCS được!
b) Các bạn trẻ không nên cả tin, không nên để chính quyền chiêu dụ, lôi cuốn vào các hoạt động nhằm tiếp tay cho ĐCS trong các lãnh vực kinh tế hoặc chuyên môn. Nếu có tham gia vào các hoạt động chuyên môn hoặc từ thiện ở trong nước thì luôn luôn phải tự mình đặt ra câu hỏi sau đây (trong từng trường hợp một): Làm việc nầy có lợi cho ai? Nếu chung quy lại là có lợi cho ĐCS và Nhà nước thì không nên làm; nếu có lợi cho nhân dân thì nên làm.
c) Cuối cùng, xin thêm một gợi ý nữa: Không nên quên hay bỏ qua quá khứ như ĐCS đang khuyến khích. Ngược lại, cần phải ghi nhớ quá khứ để có thể nhận xét và hành động đúng trong hiện tại và tương lai. Do đó, tôi đề nghị các bạn trẻ chuyên về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, quan hệ quốc tế nên, bắt đầu từ bây giờ, sưu tầm và viết lại lịch sử chính trị, kinh tế v.v... một cách khách quan, vì ĐCS đã cố tình bóp méo sự thật về lịch sử Việt Nam trong các lãnh vực nói trên trong mấy chục năm qua.
Ngoài ra, trong chế độ hậu cộng sản sau nầy, có lẽ cần phải thành lập một Viện bảo tàng nhằm vạch ra mặt thật của chế độ cộng sản trong mấy chục năm qua để nhắc nhở lại cho thế hệ trẻ những việc tai hại mà ĐCS đã làm đối với dân tộc. Đó là, theo thiển ý của tôi, một nhiệm vụ Ký ức tập thể (duty of collective memory) mà các chiến sĩ dân chủ sớm muộn gì cũng phải làm.
Võ Triều Sơn: Đại diện cho thông tấn VNN, tôi xin chân thành cảm tạ Tiến sĩ Võ Nhân Trí, tuy rất bận rộn công việc vẫn dành nhiều suy nghĩ và thì giờ quý báu để giúp cho VNN chúng tôi cống hiến quý độc giả cuộc phỏng vấn rất hữu ích nầy. Xin kính chúc Tiến sĩ cùng quý quyến luôn được dồi dào sức khoẻ và thành đạt mọi ước nguyện.
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire