1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 18 avril 2007

Những tội ác của CSVN qua các phong trào cải cách

Những tội ác của CSVN qua các phong trào cải cách
Monday, April 09, 2007

LTS – Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston.


HOUSTON (NN) – Hai năm trước, tình cờ tôi tìm được một bức ảnh đen trắng, hình chụp gia đình tôi năm 1954, trong ngày đám cưới của ông anh cả, đúng vào năm đất nước chia đôi. Bức hình gia đình chụp trước căn nhà gỗ, mái ngói, những đứa bé trong hình ăn mặc rất giản dị, quần cụt áo trắng chân đi đất, trông thật buồn cười, đúng là bức ảnh của một gia đình mới vào Nam. Gia đình chúng tôi thích hợp với hoàn cảnh mới, ngoại trừ cha tôi, trong những bữa cơm gia đình, ông đều nhắc lại Nghệ An quê của ông, nhất là những lần ông nhận được những bức thư từ “ngoài ấy” gởi vào.

Tôi hoàn toàn không thông cảm trước tâm trạng của cha tôi vào những năm sau 1954 về quê của ông. Trong trí tôi, những thay đổi trong những năm của phong trào cải cách ruộng đất chỉ xẩy ra ở những quê miền Bắc chứ không ảnh hưởng ở chính quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh cho đến khi đọc “Chuyện làng ngày ấy” của Võ Văn Trực. [LTS: Xin xem thêm nơi trang B3] Những câu chuyện thật xẩy ra ở làng Diễn Châu tỉnh Nghệ An sau ngày cách mạng từ năm 1946, của nhà văn từng đoạt giải văn nghệ Hà Nội và giải Hội Nhà Văn Việt Nam viết từ năm 1993 sau khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cởi trói cho giới văn nghệ sĩ Việt Nam năm 1990. Những khuôn mặt nhà văn phản kháng một thời như Nguyễn Huy Thiệp, Trần Mạnh Hảo, và ngay cả Dương Thu Hương đã từ từ bước vào quá khứ trong năm này. Những gương mặt mới, đáng kể là nhà văn Võ Văn Trực, nhà văn Tô Hoài bắt đầu nổi lên với những cuốn sách viết về thời kỳ đấu tố, và những tội ác của phong trào cải cách ruộng đất, những sai lầm của đảng Cộng Sản, giống như các tác phẩm thời “Nhân Văn Giai Phẩm”, thời phong trào “Trăm Hoa Đua Nở”.


Chuyện làng ngày ấy và Ba người khác


“Chuyện làng ngày ấy” được Võ Văn Trực viết ra với “Quê hương là thượng nguồn của cảm xúc và sáng tạo”. Với lối văn cảm xúc ông đã kể lại hết những thay đổi ở làng Diễn Châu, Nghệ An từ sau 1945. Tác giả viết vì những “bồn chồn, sốt ruột, một cái gì từ bề sâu thăm thẳm cứ trồi lên, đào lên và thôi thúc tôi phải viết... Chuyện làng xóm, gia đình xẩy những năm sau cách mạng tháng 8”.

Nhân vật chính trong chuyện là bác Chắt Kế: “năm 1927 đứng lập Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội của làng tôi. Bác đi khắp bốn phương trời”. Hình ảnh bác Chắt Kế gợi người đọc hình ảnh ông Hồ Chí Minh, một người Nghệ An khác. “Bác Chắt về là cách mạng về, là ăn no mặc ấm, được đến trường học hành.” Cách mạng đem đến hy vọng cho tuổi trẻ, những tuổi trẻ ngây thơ tội nghiệp trong “Chuyện làng ngày ấy” được: “Bác nhìn chúng tôi vui vẻ, tụi này lớn lên được hưởng thế giới đại đồng, sướng lắm...”

Thế giới đại đồng ấy bắt đầu bằng những cuộc cách mạng – Các tác phẩm của thời phong trào trăm hoa đua nở nói lên những tội ác và sai lầm của phong trào Cải cách Ruộng đất nhưng ít nhắc đến tội ác văn hóa của đảng Cộng Sản vào thời 1945, tinh thần của tội ác văn hóa ấy được tiếp diễn cho đến sau năm 1975 khi Cộng sản chiếm miền Nam. Cách mạng là thay cũ đổi mới hoàn toàn: “Tết độc lập lần đầu tiên năm 1946, suốt từ ngày19/8 đến ngày 2/9, mọi người nô nức mặc quần áo mới đi dự hội... Tết cách mạng đã có, Tết dân tộc phải bỏ là cái chắc. Nhiều ngày hội cổ truyền khác phải bỏ: Rằm tháng Giêng, Thanh Minh, Đoan Ngọ, Rằm tháng Bẩy... đó là phong kiến cổ hủ, là mê tín dị đoan. Thế là cả làng làm cách mạng triệt để, thay cũ đổi mới hoàn toàn...” Ngay cả cái Tết Nguyên Đán cũng thay đổi: “Chiều 29 Tết ông tôi mở hòm gỗ trắc, lau bụi đôi hạc đồng, xếp lại đôi câu đối rồi... khóa hòm. Tôi ngỡ ngàng hỏi: sao ông không để ra cúng Tết? Ông trả lời ngậm ngùi: “bây giờ là cách mạng khác rồi cháu ạ...” như tấm lòng ông tôi khóa lại niềm thờ kính phụng thờ tổ tiên.”

Những cái Tết sau 1946 là những cái Tết buồn thảm: “Sau vài cái Tết vắng tiếng trống tuồng, làng xóm buồn tẻ. Nhưng mà diễn lại các tích vua phong kiến chỉ có hại. Một nền nghệ thuật được xây dựng qua mấy trăm năm bị phế bỏ hoàn toàn. Trong tâm tưởng của những lớp người cao tuổi vẫn lưu lại những hình ảnh đẹp đẽ: Thúy Vân Long xông vào hang quỷ cứu công chúa. Vua Trần Anh Tông cỡi áo bào đắp cho người ăn mày nằm bên lề đường...”

Ở quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh của ông Hồ Chí Minh, cách mạng phá hủy văn hóa, rồi phá huỷ đến thiên nhiên, phá rừng, chặt cây đa cổ thụ, phá cồn Mục đồng cổ xưa để xây dựng đất nước “to đẹp hơn, hoàn toàn hơn”. “Những cây cổ thụ là tình yêu là máu thịt của quê hương, những chứng tích kỳ diệu của thời gian, họ muốn chặt phá đi tất cả những gì xưa cũ để vun trồng những gì non tơ hơn, mới mẻ hơn giầu sức sống hơn”. Cách mạng quyết thắng thần thánh ma quỷ. Đào tận gốc trốc tận rể đầu óc mê tín dị đoan. Họ thay “tôn giáo thuốc phiện quần chúng” bằng chất ma túy Mác Lê: “Phá ngôi miếu, chẻ đôi bệ thờ”, “Nhà thờ làm nơi cư ngụ của bà O ông Dượng. Đời sống mới gì lạ thế? Đời sông mới đến đâu cũng phải giữ lấy nề nếp gia phòng chứ!” Cách mạng tập trung Thần, Thánh, Phật, tập trung mồ mả, đào cả mồ những người sáng lập làng như mộ của Đức Triệu Cơ Võ Chính Đạo hay mộ của vua Lê Võ Cương”. Chánh sách dời mồ mả để qui hoạch đồng đều theo thế đứng Xã hội Chủ nghĩa tiếp tục cho đến sau 1975 ở cả hai miền.

Phong trào đấu tố được nhà văn Võ Văn Trực tả lại, không có gì mới lạ so với những tác phẩm của thời trăm hoa đua nở: “toà án nhân dân xử những người không luật lệ, buồn thì “treo cổ một thằng để làm gương”, vui thì “thằng ngoan cố, treo ngược lên xà nhà” – “một lũ ngồi lúc nhúc ở giữa vòng vây những người nung nấu căm thù, nóng hực như vòng lửa”.

Những kẻ phản động bị đấu tố, rồi chính bác Chắt Kế cũng bị đấu. Tác giả nhắc lại câu nói của giáo sư Đặng Thái Mai, trí thức có uy tín của Đảng thời ấy: “Dùng nhục hình tra tấn là cái nhục của người Cộng sản”.

“Chuyện làng ngày ấy” bị cấm năm 2005, nhưng văn nghệ phản kháng như cái lò xo, những câu chuyện thật ở làng Diễn Châu, Nghệ An bị cấm đọc thì tiểu thuyết “Ba người khác” ở tỉnh Thanh Hóa của nhà văn Tô Hoài lại được xuất bản. Đám trí thức ăn “cá gỗ” “cắt to kho mặn” vùng Thanh Nghệ Tĩnh của Bác thật là phản động! Câu chuyện “Ba người khác” là câu chuyện từ một đội cải cách, được tưởng tượng thêm thắt mắm muối để tránh kiểm duyệt của đảng. Nhà văn Tô Hoài từng là đội phó đội cải cách, chánh tòa án thời ấy thời kỳ cải cách ruộng đất viết lại câu chuyện không giải đáp được bao nhiêu phần sự thật nhưng “có một sự thật trong tâm thức đầy ẩn mật của tác giả”, tả bức tranh toàn cảnh của toàn thời kỳ cách mạng ruộng đất dù hụt khuyết một số mảng. Các thời kỳ mà “nhiều nhà khá giả xem đấu địa chủ đã xanh mặt xuống Hải Phòng vào Nam”. Những cảnh đấu tố trong truyện của Tô Hoài cũng không mới lạ “ngoài chợ tỉnh cũng bầy bán trẻ con như bán chó. Tôi dự một cuộc đấu tố địa chủ. Có người rể bị đói đã lâu quá, đứng lảo đảo, hét lên một tiếng rồi lăn ra chết”. Những cảnh đói kém sau 1945, tác giả nhớ khủng khiếp “về những bữa ăn cám lẫn cơm”.

Cái mới của Tô Hoài là dám nói thật tinh thần cán bộ, những cán bộ đảng gian tham hủ hóa, mơ về các trại đại đồng, thế giới đại đồng như trong “Chuyện làng ngày ấy” của Võ Văn Trực: “Năm dẫy nhà dài hơn 100 m, bên trong là một loạt hai hàng giường nứa cho một trăm người, nhà phụ nữ riêng bên kia dồi cũng to rộng thế. Chỉ đánh một tiếâng kẻng điều khiển được cả nghìn người... Ai nấy răm rắp, miếng cơm manh áo như nhau, không có ganh tỵ vì không ai hơn ai...” Trong cái thế giới đại đồng ảo tưởng đó, cán bộ như Duyên chỉ mong “em thành đảng viên. Đứa nào mọ vào thì có mà chết tươi. Đảng viên rồi, còn lên cán bộ, lên chi uỷ làm gì cũng được”.

Cán bộ lợi dụng tư tưởng Mác Lê, lợi dụng Bác, đảng để khủng bố nhân dân, như bộ mặt thật như Tô Hoài tả “Chúng tôi một bọn lén lút cờ gian bạc lận, kéo ra đây đánh xóc đĩa lột nhau giữa nơi hoang phế đồng không mông quạnh. Hoặc như ngày xưa, cảnh cướp tụ ba ba một chỗ đợi đêm tối bật hồng lên xông vào làng. Chúng tôi đương làm thay đổi cái làng này, cái xã này. Cả nước đã đứng lên. Các tổ chức sẽ bị đánh đổ, bao nhiêu bọn địa chủ và bọn bóc lột phải đạp xuống đất đen, chúng tôi phóng tay đưa bần cố nông lên vị trí và địa vị người chủ thực sự của đồng ruộng.”

Cũng như nhân vật bác Chắt Kế của “Chuyện làng ngày ấy”, cán bộ phản bội nhau, Nguyễn Văn Đình đấu tố người, bị tòa án nhân dân đấu tố về tội phản động, gián điệp cho Quốc Dân Đảng, sau 1975 sống trên vỉa hè, dưới gầm cầu “nghe tin thống nhất, tiếng đồn trong Nam đất đai sướng lắm, làm ăn chơi thật” cho vợ con vào Nam, xin cái giấy đi vùng kinh tế mới Lâm Đồng.


Vết sẹo và Cái đầu hói


Giới văn học trong nước cho rằng những tác phẩm phản kháng mới của Tô Hoài, Võ Văn Trực là kếât quả của sự va chạm giữa hai phe “đổi mới” và “bảo thủ” ở trong nước. Những câu chuyện về phong trào đấu tố ruộng đất, những đòi hỏi phải phục hồi danh dự cho nhóm “Nhân văn Giai phẩm”, xẩy ra như ở Trung Hoa với phong trào xuất bản sách tố cáo những sai lầm của Đảng Cộng Sản Trung Hoa trong thời Cách Mạng Văn Hóa.

“Chuyện làng ngày ấy” và “Ba người khác” nhắc về cải cách ruộng đất còn “Vết sẹo và cái đầu sói”, truyện mới của Võ Văn Trực nhắm vào thời kỳ kinh tế “toàn cầu hóa”, thời kỳ kinh tế đổi mới với những cán bộ ở cơ quan đầâu óc cũ, tinh thần hủ hóa đồi truỵ dùng Đảng để củng cố chức vụ và “đâm thọc” nhau. Nếu thời kỳ cải cách ruộng đất là thời kỳ tàn ác của đảng viên Cộng Sản thì thời kỳ kinh tế đổi mới là thời kỳ lưu manh như nhân vật Quách Quyền Lực: “Triệt để khai thác kiểu học thuật láu cá trên đây một cách hữu hiệu”. Nhân vật chánh “Vết sẹo và cái đầu sói”, Quách Quyền Lực bị sẹo trên đầu sau khi ngã xuống từ cây mít, vết thương lành tóc không mọc được, để lại cái sẹo phô ra trắng hếu. Tư cách của Lực sẹo, lộ rõ ngay trong phần đầu câu chuyện, người đọc khó tưởng tượng tư cách cán bộ cao cấp: Lực quỳ sụp trước mặt Hòn vừa vái lậy: “Tôi đội ơn ông Cù Văn Hòn...” trong khi cần phô uy quyền thế thì la hét “một Phan Chấn chứ mười Phan Chấn cũng không làm gì được tôi. Các ghế đảng đặt cho tôi ngồi là vững chắc không ai lay được cái ghế của tôi”. Nhà văn Võ Văn Trực, một Vũ Trọng Phụng của thời đại mới, vạch trần bộ mặt ngu dốt của Lực trong giới văn học hiện đại “Lực nghĩ rằng viết phê bình thì dễ trực tiếp phát biểu quan điểm chánh trị của mình, chứ làm thơ nhiều lúc chông chênh và cấp trên dễ hiểu là “biểu tượng hai mặt”. Khi đã trói vào ngòi bút cái sợi dây “biểu tượng hai mặt khó mà dẫy ra được để tiến thân trên đường quan lộ... Muốn tỏ ra vững vàng về lập trường, tư tưởng trong lời nói và bài viết thỉnh thoảng nên trích dẫn nghị quyết Đảng hoặc một đồng chí lãnh đạo đảng cao cấp”. Quách Quyền Lực lên đến viện trưởng viện Văn Hiến, làm tổng biên tậïp một tơ báo say mê quyền lực, dùng báo chí đe dọa làm tiền với “những phong bì”. Tình trạng như những tờ báo trong nước dưới sự kiểm soát của đảng hiện nay, những tờ báo được bảo trợ bởi những ông lớn, những cán bộ cao cấp trong Đảng, như những tin đồn bên trong đảng đưa ra, như bài đồng dao mới: “Cán bộ to ở nhà nhỏ, cán bộ nhỏ ở nhà to. Cán bộ to đi xe nhỏ, cán bộ nhỏ đi xe to. Cán bộ nhỏ ôm bồ to. Cán bộ to ôm bồ nhỏ. Cán bộ to phong bì nhỏ. Cán bộ nhỏ phong bì to.”

“Cái thời buổi cơn bão táp tiền tệ của cơ chế thị trường ào đến... Lực đang bị biến dạng trong cơn bão táp tiền tệ ấy.” Nhưng Lực phạm phải lỗi lầm cho in truyện ngắn “Thần Tượng” – Một thần tượng eo sèo như truyện của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng tối kỵ ngay cả thời đại mới, người ta có thể tố cáo tham nhũng nhưng “không được hạ thần tượng được cả dân tộc tôn vinh, thờ phượng”, “chưa bao giờ báo chí ta sai lầm nghiêm trọng như lần này. Kể cả thời cải cách ruộng đất, nhiều phần tử đả kích Đảng ta cũng không ai đả kích thâm độc như thế.”

Làm báo thời này ở Việt Nam vẫn phải tránh vết chân của bọn Nhân Văn Giai Phẩm “lợi dụng khuyết điểm của Đảng để chông chủ nghĩa Cộng Sản, làm tay sai không công cho bọn gián điệp phương Tây... vẫn phải hâm nóng lời dậy của Bác Hồ và đề phòng âm mưu diễn biến hòa bình dùng đô la để chinh phục dân tộc Việt Nam.

Cuốn truyện “Vết sẹo và cái đầu hói” có lẽ rồi cũng bị cấm như số phận của “Chuyện làng ngày ấy” trong một xã hội thiếu pháp luật nghiêm chỉnh, một xã hội “trăm năm ta trồng người” lệch lạc của đảng từ năm 1945. Nhân vật chính Cù Văn Hòn kết luận nước nhà cần một nền pháp luật như ông cha ngày trước, phải có một “tình yêu mãnh liệt đối với thôn mạc và tổ quốc” mới viết được những dòng chữ như trong cuốn “Phú thành hương ước” với những điều khoản giản dị như
“điều khoản 24: người nào chặt một cây tre về làm của riêng, bất kể dân thường hay chức sắc đều phải trồng bù cây tre khác và chịu phạt năm mươi roi. Điều 102; hai ngươì làng đi ra thiên hạ, một trong hai người bị hà hiếp vô cớ mà người kia không binh vực, bất kể dân thường hay chức sắc, đều phải chịu phạt 70 roi. Điều 123: Kẻ nào bịa chuyện vu khống người khác, bất kể dân thường hay chức sắc, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà chịu phạt 10 quan tiền, 20 quan tiền, 30 quan tiền v.v...”
Sáu bản hương ước, bốn bản từ thời Lê, hai bản sao lại từ đời Thành Thái. “Các bản hương ước trở thành giấy lộn và bị tiêu tán trong cái bát nháo của một xã hội đang đập phá cái cũ mà chưa hình thành cái mới”.

Đêm đọc xong “Chuyện làng ngày ấy”, “Ba người khác”, “Vết sẹo và cái đầu hói”, tôi nhớ lại một nhận định của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, người hay nói chuyện hòa giải: “Người Việt nước ngoài ai cũng chống Cộng”, có lẽ người đọc chúng ta cũng có một nhận định ngược lại: “Văn nghệ sĩ trong chế độ cộng sản quê nhà ai cũng phản kháng!”

Việt Nguyên
20-3-07

Aucun commentaire: