1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

lundi 16 avril 2007

Ông Đại sứ

Ông Đại sứ
Tiến Hồng

Trong không khí sôi động cuối tháng 3/2007 chung quanh vụ xử L.M. Nguyễn văn Lý, một nhà lãnh đạo của phong trào dân chủ, thì tại thành phố Rennes, thủ phủ của miền Tây nước Pháp đã diễn ra một cuộc hội thảo về hiện tình Việt Nam và mối quan hệ kinh tế Việt-Âu do Maison de l’Europe và nhật báo hàng đầu của Pháp Ouest-France bảo trợ. Đại sứ Việt Nam Nguyễn Đình Bin được mời phát biểu. Tôi muốn nêu một số cảm nghĩ chung quanh buổi hội thảo này.

http://i38.photobucket.com/albums/e113/diendantudodanchu/viet_cong/VCbin.jpg
Ðại sứ Nguyễn Ðình Bin đã tỏ ra lúng túng khi phải trả lời những câu hỏi nhạy cảm

Để nhắc nhở ông Bin và quan khách về hiện trạng chính quyền cộng sản Việt Nam gia tăng bóp nghẹt nhân quyền sau khi đã gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO, một nhóm người Việt tại Rennes đã trưng biểu ngữ và phân phát truyền đơn ngay cạnh phòng họp. Báo Ouest-France đã tường thuật lời phát biểu của người đại diện nhóm: người Việt tị nạn chúng tôi đòi hỏi chính quyền tôn trọng tự do phát biểu và đối lập trong hệ thống chính trị. Được hỏi về yêu cầu chính đáng này, ông Bin đành thừa nhận và coi đó là đương nhiên và dễ hiểu (naturelle et compréhensible). Cái tai hại trơ trẽn trong lời phát biểu này là hiện nay chính quyền đã không tôn trọng nó, mà tờ truyền đơn đã nêu lên những trường hợp điển hình trong báo cáo của tổ chức nhân quyền. Để gỡ gạc thể diện, ông thêm vào: Nhiều người Việt đã xa xứ lâu năm nên thiếu thông tin đúng đắn (informations correctes) về đất nước. Đây lại là một lỗi lầm tai hại nữa của ông Bin. Trong buổi hội thảo kế tiếp «Pouquoi aller au Vietnam maintenant» (tại sao lại đến Việt Nam lúc này), một đại diện khác của nhóm người Việt tị nạn đã đặt câu hỏi: quý vị có biết số tiền mà người Việt ở nước ngoài chuyển về nước hàng năm là bao nhiêu không ? Đáng xấu hổ biết bao khi nhiều người trong ban tổ chức đưa ra những con số trên trời dưới biền, chỉ mãi cuối cùng mới có người nêu lên con số gần đúng (3 tỉ mỹ kim). Với phương tiện truyền thông internet mà nhiều sites người trong nước bị bức tường lửa ngăn chận, người Việt ở nước ngoài có thể biết rõ hơn người trong nước về phiên toà ô nhục xử cha Lý đấy ông Bin ! Tôi còn nhớ một câu chuyện xảy ra cách đây vài năm khi một phái đoàn người Việt dự cuộc thi Đố vui tại Pháp. Một thành viên trong phái đoàn khi được cho xem photocopy bức thư viết tay của anh Nguyễn Tất Thành xin theo học tại trường thuộc địa (1) để về phục vụ mẫu quốc, đã sửng sốt và thốt lên: nếu giới trẻ trong nước mà biết được tin này thì họ sẽ không còn niềm tin về những gì đã được dạy về ông Hồ... Đó là những thông tin đúng đắn không thể chối cãi!

Trong bài diễn văn soạn sẵn mà ông rất vất vả để đọc với một giọng Pháp văn không giống ai khiến cử toạ phải ngao ngán, ngoài một số chi tiết nêu ra không đúng (như cho Việt Nam là nước xuất khấu gạo đứng đầu thế giới (2) ..), ông Bin chỉ nêu những thành quả đạt được như xoá đói giảm nghèo, tỉ lệ phát triển cao, mà không hề nhắc đến những vấn đề nan giải của phát triển bền vững như giáo dục tồi tệ, tham nhũng hết thuốc chữa vì thuộc bệnh cơ chế, ô nhiễm môi sinh trầm trọng, tệ nạn và bất công xã hội gia tăng (HIV, buôn người và trẻ em, hố ngăn cách giàu nghèo tăng, tình trạng dân oan khiếu kiện đất đai vô vọng, đình công hàng loạt của công nhân ...).

Nhưng sang đến phần chất vấn, ông đã tỏ ra lúng túng khi phải trả lời những câu hỏi nhạy cảm. Ông tìm cách nói dông dài câu giờ để cho anh thông dịch câu giờ luôn, nại cớ là mình dở tiếng Pháp ! Tình trạng muốn độc diễn này đã bị một sinh viên Pháp của trường kỹ sư ở Rennes đã từng làm việc ba tháng ở Việt Nam lột trần trong mục diễn đàn của tờ Ouest-France ! Đáp câu hỏi tại sao Việt Nam lại rơi vào tình trạng kinh tế tụt hậu mấy chục năm so với các nước lân bang như Thái Lan, Mã Lai, ông cho rằng Việt Nam chỉ thực sự có điều kiện bình thường để phát triển kể từ 12 năm nay (1995) sau khi nối lại bang giao bình thường với Mỹ , Asean, châu Âu. Ông không nói tới những sai lầm của Đảng cộng sản trong chính sách kinh tế bao cấp, tập trung, đánh phá tư sản (1975-86) đã chủ yếu gây nên thảm cảnh thuyền nhân và chính sách đối ngoại hoàn toàn thiếu sáng suốt đã gây nên cuộc chiến kéo dài ở Căm-phu-chia và xung đột biên giới 2 lần với Trung quốc. Việt Nam đã tự mình cô lập với thế giới chứ không phải bị thế giới cô lập như ông nói đâu.

Sang câu hỏi thứ hai: tại sao Việt Nam còn giữ nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong khi chế độ xã hội chủ nghĩa đã bị nghị viện châu Âu lên án qua nghị quyết 1481 ? Chính ở câu hỏi này tôi thấy tội nghiệp cho ông đại sứ. Ông loay hoay mấy phút, hết giở trang này, lật trang kia trong bài diễn văn như để câu thời gian tìm lời giải đáp. Ông không chờ đợi một câu hỏi khó khăn như thế trong hoàn cảnh cử toạ là những nhà thức giả nước ngoài. Cuối cùng, bằng nụ cười cầu tài giả tạo, ông đành ấp úng trả lời: Thôi, về mặt lý luận thì tôi xin dành cho các nhà nghiên cứu, người nói thế này, người nói thế kia. Giai đoạn tư bản chủ nghĩa sẽ phát triển và kéo dài không biết đến bao giờ. Đối với người cộng sản Việt Nam chúng tôi thì xã hội chủ nghĩa chỉ có nghĩa là: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ! À, thì ra đơn giản chỉ như vậy (!) (nhưng phải thực hiện mới được chứ) và gần như y chang câu trả lời của ông thủ tướng Dũng trong buổi truyền hình trực tuyến tháng 2/2007. Tất nhiên câu trả lời đó đã lờ đi những tội ác của chế độ cộng sản Việt Nam gây ra trong quá khứ (cải cách ruộng đất là chủ yếu) nhân danh hai nguyên tắc: đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản.

Chúng ta chỉ xét đến ý nghĩa và hệ luỵ của quan niệm không giống ai về xã hội chủ nghĩa này. Tại sao đảng cộng sản Việt Nam phải đi đến một định nghĩa thô thiển như vậy về xã hội chủ nghĩa ? Bởi vì đã từ lâu, các nhà lý luận và lãnh đạo của đảng đã không tìm ra câu giải đáp- trừ câu giải đáp tào lao của Đỗ Mười mà sau đó đảng phải cho chìm luôn ! Mọi người trong và ngoài đảng đều đã biết điều đó. Phải nói đây là là một thú nhận rõ ràng sự bất lực và thất bại trong việc đi tìm các bước đi đáng ra phải có về mặt lý luận trong chủ nghĩa Mác-Lênin. Đảng cộng sản Trung Quốc lại vừa mới ban hành đạo luật trả lại quyền tư hữu cho người dân mà chắc rằng đảng cộng sản Việt Nam cũng sẽ phải noi theo để có thể giải quyết phần nào những vụ khiếu kiện đất đai chồng chất hiện nay. Về nội dung duy vật, người ta đang chứng kiến sự nở rộ phong trào những nhà ngoại cảm tìm mộ tử sĩ vì đã liên lạc được với tâm linh người chết. Giáo sư Trần Văn Hà đã nêu kiến nghị trong một buổi họp chuyên đề của Mặt trận Tổ quốc dịp gần Tết: Nhà nước chính thức thừa nhận có thế giới tâm linh (3) !

Nếu nội dung xã hội chủ nghĩa chỉ còn là câu khẩu hiệu ngắn như vừa kể thì tại sao lại bắt các em học sinh, sinh viên phải học tập chủ nghĩa Mác-Lênin trên ghế nhà trường và bắt công quỹ phải trả cho mấy chục học viện trên toàn quốc ! Về mặt chính danh, đảng cộng sản phải đổi tên cho phù hợp với thực trạng ! Nhưng đảng cộng sản Việt Nam cũng phải trả lời trước nhân dân về việc có thực hiện hay không nội dung khẩu hiệu đã nêu. Đặc biệt là việc thực hiện xã hội dân chủ. Chúng ta đã biết ngay cả báo chí trong nước như VietNamNet đã «có ý kiển» về tính cách phản dân chủ trong tiến trình bầu đại biểu Quốc hội khoá 12. Rồi vết nhơ vụ án dân chủ Nguyễn Văn Lý đã đi vào lịch sử. Chưa kể việc chính thức coi đảng Việt Tân thuộc thành phần khủng bố. Đảng cộng sản đã đi quá xa trong việc không thực thi dân chủ chỉ vì đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi đất nước. Hãy nghe ông Đai sứ Mỹ M.Marine nêu ý kiến xác đáng trên website toà đại sứ:

«Tôi cho rằng Việt Nam sẽ không bao giờ có thể đạt được mọi tiềm năng của mình, cũng như không thể thực sự đạt được các khát vọng toàn cầu của mình, nếu không tăng cường nền pháp quyền, giải quyết tham nhũng, bảo đảm các quyền tự do cơ bản của công dân và mở cửa hệ thống chính trị. ».

Đây là bài học mà giới lãnh đạo đảng nên suy gẫm trước khi quá muộn.
Tiến Hồng

(1) Nguồn: Service de Contrôle et d'Assistance en France des Indigènes des Colonies francaises, “Notice sur Nguyen Ai Quoc (26/6/1932)” ; CAOM (Aix), INF, carton 326, d. 2637.
(2) Số ngoại tệ mang về do xuất khẩu gạo cũng chỉ bù trừ số phải nhập để mua hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật ...
(3) Ông nêu lên có nhiều uỷ viên trung ương và cả Bộ Chính trị đã đi tìm những nhà ngoại cảm. Ông còn đề nghị Chủ tịch Nước chính thức xin lỗi nhân dân thay cho các bậc tiền nhiệm vì đã để xảy ra những vụ phá đền chùa hàng loạt trong quá khứ. Ngoài ra, nên lập đàn cầu siêu cho tử sĩ hai miền trong cuộc chiến như thiền sư Nhất Hạnh đã làm.

Aucun commentaire: