1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

lundi 16 avril 2007

'Chống nhà nước' và 'phá hoại khối đoàn kết toàn dân'

'Chống nhà nước' và 'phá hoại khối đoàn kết toàn dân'
Lê Trọng Hiệp

Trong phiên xử đầy cảnh bi hài ngày 30.3.2007, Toà án nhân dân thành phố Huế, tuyên án Linh mục Nguyễn Văn Lý 8 năm tù và 5 năm quản chế với nhiều tội danh, trong đó đáng chú ý là tội 'chống đối nhà nước' và 'phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân'.

Trước sự tham dự của 4 hãng tin nước ngoài và gần 20 cơ quan báo chí trong nước, Linh mục Lý đã bị một công an thường phục đứng kềm sau lưng dùng tay bịt miệng hai lần, không cho phát biểu. Hình ảnh này đã được các hãng tin đưa lên mạng Internet.

Trong bài này người viết sẽ không đề cập, phân tích, đánh giá đến việc làm của Lm Nguyễn Văn Lý. Chỉ xin trích lại nhận định của ký giả Vincent Brossel, người đặc trách theo dõi khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Ký giả không biên cương về kết quả vụ án: 'Những gì ông ta thực hiện chỉ là bày tỏ quan điểm cá nhân. Quyền căn bản nhất của con người là chúng ta có thể tự do viết, xuất bản, hay phát ngôn quan điểm của mình. Linh mục Lý không gây ra bất cứ hành vi bạo động nào, cũng không tổ chức tấn công bất kỳ ai. Ông ta chỉ thực hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến và cho xuất bản một tờ báo độc lập. Đó không phải là cái tội, mà chỉ là một trong những quyền cơ bản nhất của con người trên thế giới này.'

Với lý do trên, người viết chỉ đề cập đến khái niệm 'chống nhà nước''phá hoại khối đoàn kết toàn dân' của những ông chủ tối cao đang điều khiển sau lưng phiên tòa. Bằng chính chứng cớ, lời lẽ của nhũng quan chức đảng viên cộng sản đang sống trong lòng chế độ và đang ca ngợi chế độ, chúng ta có thể thấy rằng:


1. Trên quan điểm của chính 'nhà nước', nếu muốn trừng trị những kẻ 'chống lại nhà nước' thì phải truy tố Đảng cộng sản Việt Nam ra tòa.

2. Trên quan điểm dân tộc, tức 'toàn dân', nếu muốn trừng trị những kẻ 'phá hoại khối đoàn kết toàn dân' thì phải truy tố Đảng cộng sản Việt Nam ra tòa.

Tội chống nhà nước
Chống nhà nước tức ngăn cản, phá hoại không cho nhà nước thực hiện nhiệm vụ của mình; là làm mọi cách để nhà nước không thể nào đạt đến những mục tiêu đã đề ra.

Xét về tội trạng này thì 'nghi can' lớn nhất, nhất, chịu trách nhiệm cao nhất và gây tác hại ở tầm vĩ mô nhất chính là Đảng cộng sản Việt Nam. Đảng với các hệ thống cấp ủy tại các địa phương, các ban cán sự đảng tại các cơ quan trung ương đã và đang đóng một vai trò ngăn trở rất lớn tới hoạt động của nhà nước và chính phủ.

Đây không phải là luận điệu tuyên truyền một chiều, đấy hằn học của một người bất mãn, chống Cộng đến điên cuồng mà là nhận định của chính một trí thức cộng sản thuộc vào hàng tỉnh táo, hiện đang sống trong lòng chế độ. Đó là người đã từng làm cố vấn cho các đời thủ tướng Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, từng làm Viện trưởng Viện trưởng nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Đó là Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Trong bài thuyết trình ngày 2.11.2004 do Ban Tổ chức trung ương đảng tổ chức với mục đích cung cấp thông tin cho giới lãnh đạo trước khi tiến hành đại hội đảng lần thứ 10, ông Doanh nói rất nhiều về tình hình Việt Nam trong tương quan thế giới và sự trì trệ của bộ máy đảng - nhà nước. Trong bài nói chuyện, có đoạn ông Doanh đã nhận xét về cơ chế đảng trong bộ máy nhà nước:

- 'Thế bây giờ, bộ máy quan hệ giữa Đảng và Nhà nước của chúng ta, theo tôi, còn có tình trạng vừa lẫn lộn, vừa để trống trách nhiệm. Những việc rất quan trọng như đổi mới cương lĩnh, đổi mới phương thức hoạt động để thực sự dân chủ thực sự xứng đáng là Đảng cầm quyền, dẫn dắt đất nước này đi lên văn minh, công bằng thì cái đó chúng ta chưa làm được tốt. Trong khi đó, tôi thấy qua nhiều những nghị quyết, chỉ thị về những vấn đề quá cụ thể luôn, như chỉ thị về chống cúm gia cầm, rồi thì HIV, rồi thì vân vân. Như vậy quá chồng chéo. Theo tôi không cần thiết. Và nên xác định giữa bộ máy của Đảng và Đảng lãnh đạo Chính phủ như thế nào chứ không có bây giờ, với cơ chế Ban cán sự đảng khéo là một cơ chế tốt để vô hiệu hóa Chính phủ. Tôi được nghe nhiều những người có trách nhiệm trong Chính phủ bảo là, trời ơi, cơ chế này thì Thủ tướng đồng ý rồi nó phải làm nhưng nó không thích làm.'Nó về họp Ban Cán sự Bộ lại, trình lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư với tư cách Ban Cán sự, nó thách thức luôn Chính phủ. Thế bên kia cũng chưa hỏi vấn đề này là thế nào cả, mới bảo là: thôi, bây giờ ta họp về vấn đề này. Tức là có nhiều việc cần phải làm nhưng chúng ta làm nhiều việc quá chồng chéo, có nhiều việc không ai làm cả. Đó là điều rất nguy hiểm, làm cho bộ máy của chúng ta kém hiệu quả.'

Như có thể thấy qua lời ông Doanh rằng, một khi 'cơ chế Ban cán sự đảng khéo là một cơ chế tốt để vô hiệu hóa Chính phủ' thì đảng đã là một yếu tố kìm hãm và ngăn cản hoạt động của nhà nước và chính phủ. Và khi mà sự kìm hãm đó đã tới mức độ 'rất nguy hiểm' thì cần phải trừng trị.

Nhưng nhân vật cao nhất trong cơ chế đảng ấy là ông tổng bí thư, người mà ông Doanh lại có cách đánh giá sau đây:

- 'Một điều nữa là cơ chế lựa chọn, bầu cử nhân sự. Ba thằng đứng lên cãi nhau, nói nhau ăn miếng trả miếng. Bây giờ Đảng mình là lãnh đạo, nhưng ông lãnh đạo tối cao ấy lại không phải trực tiếp do dân bầu ra, dân không được chọn cái ông ấy nhưng mà lại coi ông ấy là ông tối cao nhất. Thế thì chuyện ấy là thế nào? Thế thì bây giờ ông ấy là Tổng Bí thư. Ông là cao nhất vậy thì ông đứng ra tranh cử đi, ông hăng hái đi xuống dân đi, ông đi 'nhuộm bùn' đi.' Lúc bầy giờ, ông phát biểu tình hình ý kiến ra làm sao, nhìn xa trông rộng như thế nào? Tức là phải có thử thách như thế. Chứ bây giờ người dân chả biết ra làm sao cả. Rồi đùng một cái lại có một ông khác xuất hiện, rồi bảo là ông ấy thế mạnh lắm đấy, bắt đầu mới sợ sợ sệt sệt nghe báo chí; rồi rằng là báo chí hồi này nghe nói nhiều về bố của ông này, về mẹ của ông kia. Trời ơi, một đất nước văn minh mà mọi người đều hành xử như thầy bói xem voi, nghe ngóng làm cho câu chuyện trở nên không có văn minh gì hết cả. Rồi xun xoe là đến gặp ông này, đến thăm ông kia, rồi vận động chỗ này, vận động chỗ khác...'

Cao nhất là tổng bí thư nhưng ông này không phải là người do dân bầu lên. Trong khi đó thì hệ thống đảng do ông ta lãnh đạo lại 'khéo là' bộ máy kìm hãm hoạt động của nhà nước và chính phủ, do đó rõ ràng rằng đây chính là thủ phạm, là người chịu trách nhiệm cao nhất cho hoạt động 'rất nguy hiểm' kia

Bởi vậy, nói 'xử bắn' hay 'treo cổ' thì man rợ quá, nhưng điều rõ ràng là trước khi bỏ tù Lm Lý vì tội 'chống đối nhà nước' thì cần phải truy tố, phải đưa ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam: bộ máy đảng của ông đang kìm hãm hoạt động của nhà nước tới mức 'rất nguy hiểm'!

Phá hoại khối đoàn kết
Lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam là một lịch sử của sự gây chia rẽ, gieo rắc thù hận, kích động người Việt Nam chống lại người Việt Nam. Không nói đến những chuyện tàn sát không tránh khỏi hay quá trớn trong chiến tranh, chỉ tính những vụ tàn sát vì lý do chính trị giai cấp thì đảng này chính là một đảng 'phá hoại khối đoàn kết dân tộc'.

Tính từ phong trào sặc mùi Stalinist trong 'Xô viết Nghệ Tỉnh' vào giữa thập niên 30 cho đến các chiến dịch cải cách ruộng đất vào năm 1953 và 1956, hay chiến dịch cải tạo thương nghiệp ở miền Bắc năm 1956 hay ở miền Năm năm 1976, họ luôn sử dụng ngón đòn chia để trị.

Trong cải cách ruộng đất, ĐCSVN đã học theo lối của Trung Quốc để sắp hạng nông dân, rồi từng bước dùng người Việt trị người Việt. Đầu tiên là sử dụng phú nông để đánh địa chủ, kế đến là sử dụng trung nông để đánh phú nông, và sau rốt là kích động bần nông và cố nông để vùi dập trung nông.

Sau năm 1975, ĐCSVN không tiến hành cải cách ruộng đất mà chỉ cải tạo thương nghiệp. Không chỉ trong chiến dịch này mà về lâu về dại sau đó, trong cả trường học, họ luôn 'mắng vào mặt' những người làm thương mại như là những kẻ ăn bám vì chỉ mua đi bán lại chứ không làm ra của cải vật chất.

Khi làm như vậy thì họ đã gieo rắc tâm lý thù hận trong giới nông dân hay những thợ thủ công đối với giới thương nhân, xem đó như là những kẻ ăn bám vào mồ hôi nước mắt của mình, không mảy may suy nghĩ rằng chính nhờ có giới thương nhân mà sản phẩm họ làm ra không bị ứ đọng.

Trong chính sách giáo dục, có lúc ĐCSVN đã xếp hạng những công dân tương lai thành từng thứ hạng riêng theo tiêu chí lý lịch để xét tuyển đại học, và khi làm như vậy thì họ đã chia dân tộc Việt Nam thành những lớp người rõ rệt: lớp ngóc đầu lên được và lớp không thể ngóc đầu lên.

Với chính sách toàn trị của họ, những thể hệ này đã không thể sống như những con người bình thường: với bộ máy máy mật vụ dày đặc và tai mắt theo dõi của 'quần chúng nhân dân' thì họ hầu như bị rút phép thông công: không một ai dám quan hệ vì sợ chữ 'liên can', 'kết giao với thành phần phức tạp'.

Sau khi Nhà xuất bản Đà Nẳng tung cuốn tiểu thuyết Ba Người Khác vào cuối năm ngoái, dư luận đã nổi lên ầm ĩ trong khi giới nhà văn thì liên tiếp tổ chức tọa đàm. Trong buổi toạ đàm do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 22/12/20066.1.2007, nhà văn Trọng Tân đã dùng chính kinh nghiệm của mình để nói lên những điều mà anh đội Bối - nhân vật trong cuốn tiểu thuyết - chưa hề kể lại. Nguyễn Trọng Tân phát biểu về cái thời mà ông ta còn 'thò lò mũi xanh rồng rắn bám đít ông đội Bối đi xem đấu tố địa chủ':

- 'Bố tôi là đảng viên cộng sản, chủ tịch lâm thời ủy ban hành chính kháng chiến xã. Sau kháng chiến toàn quốc, ông thoát ly thành bộ đội chủ lực tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Mẹ tôi một người đàn bà mù chữ, ở nhà làm ruộng nuôi con. Thằng em tôi ba tuổi lúc cải cách, nó bé quá. Nhà tôi nghèo đến độ, trước đó giặc Pháp đốt làng, chỉ còn sót lại có một vì kèo. Phải gác nhờ cây cái móc vào vì kèo nhà bên cạnh mới lợp được hai mái rạ che nắng mưa. Mãi rồi bố tôi mới dựng được một túp nhà riêng giữa vườn chuối cho ba mẹ con trước khi ông đi thoát ly. Ngày đội cải cách về, chẳng hiểu cơn cớ làm sao mẹ tôi bị quy là cường hào ác bá (dây mơ dễ má đâu là chỗ ông nội tôi từng làm chân lý trưởng. Ông tôi mất năm 1933, trước ngày đội cải cách về đúng hai mươi năm. Đời bố tôi đã là một bần cố nghèo rớt mồng tơi, đi theo cách mạng).

Đang là con nít mải ăn mải chơi với trẻ con hàng xóm, lúc rủ nhau chui rào hái trộm ổi xanh, khi lang thang đúc dế ở chân đê, rồi đánh nhau lôi tên cái bố mẹ nhau ra mà chửi dọc đê làng... đùng một cái mẹ lôi hai anh em tôi xuống cái ổ rạ cạnh bếp vừa khóc vừa bảo (cái đũa bếp cháy vẹt một đầu đập đập theo tiếng thổn thức): "Bầm dặn thằng Tân từ hôm nay phải ngồi đóng gông ở nhà trông em. Không được đi chơi đi học nữa. Nếu gặp đám bạn con nhà hàng xóm thì phải khoanh tay chào bằng ông bà và xưng là con..."

Tôi phụng phịu phản ứng. Mẹ tôi giang tay tát một cái trời giáng vào mặt khiến hai mắt tôi nổ hoa cà hoa cải. Liền đấy bà ôm hai anh em tôi khóc như mưa như gió nói những điều mà tôi không hiểu: "Nhà ta từ nay là gia đình thành phần rồi con ơi..."

Mãi sau này tôi mới biết phần nào nỗi oan ức nhục nhã mà bà phải chịu. Cái tát vào mặt tôi cũng thể hiện sự cứng cỏi bà phải có để vượt qua những tháng ngày kinh khiếp và phi lý ấy. Mẹ tôi lấy bố tôi được hơn một năm thì nổ ra cướp chính quyền. Bố tôi hoạt động bí mật, thỉnh thoảng lại cùng các đồng chí của ông đem súng đạn, lựu đạn về cùng mẹ tôi chôn giấu xuống bên dưới các gốc chuối trong vườn nhà. Khi đủ chuyến các ông áp thuyền vào bến sông ngoài đê, đào vũ khí rồi chuyển lên chiến khu Vạn Thắng (vùng Hạ Hòa, Phú Thọ ngày nay). [... ]

Là cường hào ác bá nhưng nhà tôi chẳng đủ gạo ăn. Đã thế còn lại cấm quan hệ với anh em, họ hàng chòm xóm. Đó là nỗi nhục, nỗi uất lớn nhất của mẹ tôi. Bữa cơm chỉ có sắn khô meo mốc luộc lên nhai, nhiều bữa ăn cháo củ chuối... Đêm nào mẹ tôi cũng giật mình thon thót khi bước chân tuần tra của dân quân nện phía ngoài hàng rào. Nhưng cũng có những tiếng động làm giật mình mà bà chờ đợi. ấy là bà ngoại tôi, các dì tôi biết ba mẹ con tôi đói nên thỉnh thoảng lại gói khoai lang, bắp ngô, túm gạo... nhằm lúc không có người ném bụp vào trong vườn. Bần cố nông cứ tiếp tế lương thực cho cường hào mấy tháng liền mà không ai biết.

Với tôi ngoài nỗi khổ của mẹ, có lẽ in đậm nhất là trò đám cán bộ đội cải cách nghĩ ra để phá hoại nhà tôi. Ngoài mấy thước ruộng trồng lúa, nhà tôi còn có một cây hồng không hạt rất ngon, giống hồng Hạc Trì. Cây hồng cổ thụ xum xuê che rợp bóng xuống cả đoạn đê trước nhà. Mùa quả mẹ tôi hái, ngâm vào một dãy nồi đình. Khi ăn được bà đem cho hàng xóm mỗi nhà vài quả, còn thì gánh sang chợ Nhông bên Trung Hà bán. Nhìn trước ngó sau thấy gia đình tôi không có cái gì đáng giá để tịch thu, chia quả thực, cán bộ Th., một tên lưu manh mạt hạng, chuyên sờ sẩm quả trứng buồng chuối của xóm giềng được đội cải cách xâu chuỗi thành rễ cốt cán nghĩ ra trò rất ma bùn. Hắn làm hai cái cán cờ thật dài, cho hai tay dân quân cầm đi đầu đoàn mít tinh, đến ngang cây hồng nhà tôi hắn giơ thật cao. Cành hồng nào chạm vào cờ cách mạng hắn hô dân quân lên chặt. Cây hồng quý duy nhất của làng tôi bị chém xơ xác và năm đó nó chết. Bao nhiêu người tìm cách chiết cành, ươm rễ nhưng đều không sống được. Cũng hôm ấy, thấy người đi mít tinh vui quá, hùng dũng quá, tôi quên thân phận mình, quên lời mẹ dặn, chui rào trốn ra cùng đám bạn bám quanh cán cờ. Mắt tôi cũng long lanh kích động, cũng nắm tay thụi ngược miệng hô: "Đả đảo bọn địa chủ cường hào ác bá"; "đào tận củ trốc tận rễ bọn trí phú địa hào...". Chợt rễ Th. nhìn thấy tôi. Hắn túm gáy, bẹo tai tôi vặn ngược, lôi xềnh xệch ra mép đê, đạp một cú chí mạng vào ngực tôi miệng chửi: "Đ. mẹ thằng cường hào con. Ai cho mày mó vào cờ cách mạng hả". Tôi lộn mấy vòng xuống chân đê, trong lòng vừa hoảng sợ vừa uất ức cực độ.'

Không chỉ xử sự với 'kẻ thù giai cấp' như vậy, con cái của những cựu đồng chí cũng bị xử tệ không kém. Con của những cựu đảng viên có công với cách mạng như Đặng Kim Giang, Hữu Loan, Trần Dần cũng đã bị vùi dập, không thể nào ngóc đầu lên nổi.

Về điểm này thì tuy chế độ Việt Nam Cộng Hòa không phải là chế độ toàn hảo, ở mặt này nó thì vẫn tỏ ra nhân bản hơn, 'người hơn', biết gìn giữ tinh thần đoàn kết dân tộc hơn. Điều này đã được minh chứng qua cách mà chế độ VNCH cũng như những viên chức của VNCH xử sự với vợ con của Đặng Trần Đức, câu chuyện đã được đăng từng kỳ trên báo Thanh Niên vào năm 2003.

Đặng Trần Đức, có biệt danh là Ba Quốc, là thiếu tướng tình báo của cộng sản, được cài vào miền Nam từ năm 1954 theo làn sóng di cư và sau đó lọt vào Phủ đặc ủy tình báo. Khi người giao liên mang tài liệu Đức ăn cắp từ Bộ tổng tham mưu bị bắt giữa lúc đang trên đường ra Củ Chi, Đức biết mình bị lộ nên bỏ trốn, để vợ con ở lại Sài Gòn. Sau đó thì bà vợ và người con thứ ba bị bắt vì đã giúp Đức chụp phim tài liệu của Bộ Tổng Tham Mưu, để lại dấu vân tay trên phim; và sau đây là lời kể của con trái thư ba của Đức sau khi bố mình bỏ trốn.

- "Trong thời gian mẹ tôi và tôi ở trong nhà giam, ở nhà anh tôi một mình nuôi hai đứa em. Trước anh tôi cũng học Trường Lasan Đức Minh, đỗ tú tài 2 xong, do học giỏi, anh được cấp học bổng đi du học Colombia (Mỹ), Trường Đức Minh có 2 người được học bổng du học đợt đó, nhưng bố tôi không cho đi, nên anh thi và đỗ vào Trường Phú Thọ. (...) Khi bố tôi bị lộ, mẹ tôi và tôi bị bắt, Trường Phú Thọ chỗ anh tôi học không gây khó dễ gì cho anh tôi cả. Anh tôi vừa đi học, vừa đi làm, vừa đi dạy kèm. Giám học Trường Lasan Đức Minh là fère Bénile, thấy hoàn cảnh gia đình tôi như vậy cũng giúp đỡ bằng cách giới thiệu cho anh tôi đi dạy thêm. Trong những học trò mà anh tôi dạy có cả con của trung tướng Ngô Du, Tư lệnh Quân đoàn 2. Còn tại cư xá nhà tôi ở, phía dưới là nhà trung tá Ngọ, phi công. Bên cạnh là nhà ông Đán, trợ lý của linh mục Hoàng Quỳnh. Cạnh ông Đán là nhà ông Thụ, thiếu tá Biệt khu thủ đô. Trên lầu là 2 ông ở Bộ Nội vụ, cạnh đó là nhà ông Lộc, ông Phúc, ở Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo. Đối diện cầu thang nhà tôi là nhà đại tá Nguyễn Văn Y, trước là Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia thời Ngô Đình Diệm, lúc đó đã về hưu... Xung quanh toàn là những người như vậy cả, nhưng khi biết bố tôi là Việt cộng rồi mà không ai có định kiến gì. Có lẽ do cách sống, cách ăn ở của bố tôi làm ai cũng có cảm tình, nên khi biết ông là Việt cộng rồi mà không ai sợ liên lụy cả. Ngay cả những người ở Phủ Đặc ủy cũng kêu anh tôi đến dạy cho con họ. Chính vì vậy mà anh tôi mới có việc làm nuôi hai đứa em ăn học bình thường...".

Thử đặt hoàn cảnh của vợ con ông Ba Quốc trong bối cảnh miền Bắc thời trước 1975 sẽ thấy họ như thế nào? Nếu lúc đó ông ta người hoạt động cho VNCH và khi bị lộ thì bỏ trốn vào miền Nam, chắc chắc vợ con ông sẽ không thể nào sống ra con người. Với nhà nước là như vậy, với xóm giềng bạn hữu cũng chẳng khá hơn gì: bất kể là ông ăn ở như thế nào, sẽ chẳng một ai dám quan hệ với họ cả: đi đường gặp cũng không dám chào chứ đừng nói là giúp đỡ.

Như vậy, chính sách cai trị của chế độ đảng trị là một chính sách đặt trên căn bản của sự chia rẽ: trong xã hội đó thì người ta đâm ra nghi kỵ lẫn nhau, sợ hãi lẫn nhau, không còn tin nhau. Đó chính là một chính sách chia rẽ, đứng như tội danh mà họ quy chụp cho Lm Nguyễn Văn Lý: 'phá hoại khối đoàn kết toàn dân'.
Nhưng chưa hết, khối đoàn kết toàn dân còn là sự liên hệ khắng khít giữa các tộc người với nhau, và ĐCSVN đã làm gì để các tộc người ở Tây nguyên nổi dậy vào năm 2001?

Bằng chính lời những 'công bộc' của chế độ như nhà văn Nguyên Ngọc, hay ông Lê Đăng Doanh, chúng ta lại thấy rõ rằng thủ phạm cũng là ĐCSVN. Trong bài diễn văn trên, ông Doanh đã đề cập đến chuyện này:

- 'Thế bây giờ mình phải làm sao thiết kế một cơ chế và để cho thông tin phải thông suốt, phải có một kênh độc lập để nó giám sát phát hiện và để nó đưa lên kịp thời. Nếu mà chúng ta muốn hạn chế kênh đó không muốn nghe kênh đó thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều vụ Tây Nguyên. Mà vì Tây Nguyên có phải anh em người ta không báo đâu, báo từ lâu lắm rồi, có sách đã xuất bản rồi chứ, từ năm 1996 người ta đã viết là với tiết mục là cứ ào ạt lên lấy đất như thế này thì chắc chắn sẽ dẫn tới một xung đột trong xã hội mà không thể nào giải quyết được. Tôi lên Tây Nguyên gặp anh em nói rồi, về báo cáo lại rằng là người Tây Nguyên chưa có đất đâu. Các anh cứ để ý mà xem, khi mà đi ngoài đường thấy có dân tộc gùi một gùi măng, đang đi có một cái ôtô đỗ xịch, xuống mua mấy ký măng trả có 1.500 đồng. Tôi bảo sao các vị trả rẻ thế. Cô ta nói, các ông bênh gì bọn mọi đó. Mọi thì trả thế là tốt rồi. Vậy mình có phải đối xử với người dân tộc bình đẳng như anh em đâu. Mình cứ nói thế thôi, không phải như thế.'

Ở Tây nguyên thì những ai mới có ô tô đi đổ xịch như vậy trừ giới cán bộ chức quyền hay giới doanh nhân gắn chặt với chế độ? Khi những thành phần đặc quyền đặc lợi của chế độ xem những người miền núi là 'mọi', rõ ràng là chính sách dân tộc của chế độ đó có gì đó không ổn.

Từ đầu, chúng ta đã thấy rằng từ khi soạn cương lĩnh hành động, Đảng cộng sản Việt Nam đã hướng vào con đường chia rẽ dân tộc, gây thù hận giữa những thành phần dân tộc, gieo rắc tỵ hiềm và nghi kỵ lẫn nhau giữa người dân.

Khi lâm vào con đường bế tắc, phải dịu bớt những giọng điều 'chuyên chính vô sản', khi nhắm mắt theo đuổi những chính sách 'kinh tế phục vụ quốc phòng' khi ồ ạt đưa dân lên khai khẩn Tây nguyên, bộ máy nhà nước của họ đã vô hình trung phá nát những di sản thiên nhiên, văn hóa và tín ngưỡi của các tộc người ở đây, và do đó đã gây ra những chia rẽ sắc tộc ở mức độ cực kỳ dữ dội. Đó chính là thủ phạm đã gây ra tội phá hoại khối đoàn kết dân tộc.

Bởi lẽ đó, nếu nói rằng cần 'cạo đầu' ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh rồi đưa ra đấu tố như đấu tố địa chủ thì man rợ quá, tuy nhiên phải nhận thức được rằng trước khi bỏ tù Lm Lý vì tội 'phá hoại khối đoàn kết dân tộc' thì hãy nên đưa toàn bộ các đời tổng bí thư và các đời bộ chính trị ra tòa vì cùng một tội danh!

Lê Trọng Hiệp
(Việt Luận Online)

Aucun commentaire: