Chiến tranh Triều Tiên: Kỷ niệm 50 năm hiệp định đình chiến.
28-July-2003
Click here to listen to Hoai Huong 949KB
Nghe trực tiếp trên mạng Click here to listen to Hoai Huong 949KB Click here to listen to Hoai Huong 2.80MB
Lời dẫn: Thưa quý thính giả, đúng 50 năm về trước, khi tiếng súng cuối cùng ngưng bặt trên bán đảo Triều Tiên vào ngày 27 tháng 7 năm 1953, khoảng 2 triệu người đã thiệt mạng, nhiều người hơn nữa bị thương, và vô số người đã phải cách ly với gia đình quyến thuộc. Nhưng cuộc chiến kéo dài 3 năm giữa hai miền của bán đảo Triều Tiên chưa được tuyên bố kết thúc chính thức bằng một hòa ước, thế cho nên, trên nguyên tắc, Hán Thành và Bình Nhưỡng vẫn trong tình trạng chiến tranh với các cuộc xung đột lẻ tẻ thỉnh thoảng lại bùng nổ. 50 năm sau hiệp định hưu chiến, một lần nữa bán đảo Triều Tiên đang có nguy cơ sa vào một cuộc chiến khác, vì cuộc tranh chấp liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của nhà nước Bắc Triều Tiên. Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên nói rằng các hành động khiêu khích của chính quyền miền Bắc trong nửa thế kỷ qua đã tăng nguy cơ tái bùng nổ xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Tiết mục Nhìn về Á Châu sau đây được soạn thảo dựa trên bài tường trình của thông tín viên Kurt Achin của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.
Tổng thống Eisenhower:Tối hôm nay, với những lời cầu nguyện và tạ ơn, chúng ta đón mừng tin chính thức là một hiệp định đình chiến đã được ký kết tại Triều Tiên cách đây gần một tiếng đồng hồ.
Ngày 27 tháng 7 năm 1953, một hiệp định đình chiến đã chấm dứt các cuộc xung đột trong chiến tranh Triều Tiên, như lời loan báo của Tổng Thống Eisenhower của Hoa Kỳ mà chúng ta vừa được nghe. Trong cuộc tranh chấp tàn khốc kéo dài 3 năm này, ước lượng hơn một triệu quân nhân đã bỏ mạng hoặc mất tích, trong khi đó dựa trên một số nguồn tin, số thường dân thiệt mạng có thể lên đến khoảng 3 triệu người. Sau khi hưu chiến, Bắc Triều Tiên triệt thoái về phía bên kia đường ranh biên giới. Hai bên thiết lập một khu phi quân sự , một vùng trái độn vẫn phân chia hai miền. Trong 50 năm qua, đã nhiều lần hai bên đã tiến gần đến bên bờ vực chiến tranh.
Giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn coi Nam Triều Tiên và các nước đồng minh, đặc biệt Hoa Kỳ, là một mối đe dọa đối với sự sống còn của chế độ cộng sản ở miền Bắc. Dựa trên tin tưởng đó, Bình Nhưỡng đã tìm cách gây bất ổn cho chính phủ Nam Triều Tiên, và khiêu khích Hoa Kỳ, là nước vẫn duy trì một lực lượng trên dưới 37 ngàn quân, trấn đóng vùng biên giới đối diện Bắc Triều Tiên để bảo vệ miền Nam.
Đã hai lần Bắc Triều Tiên tìm cách ám sát Tổng Thống Nam Triều Tiên Park Chung-hee, lần đầu vào năm 1968, và lần thứ nhì, 6 năm sau đó. Mặc dù Tổng Thống Park Chung-hee thoát chết, song phu nhân Tổng Thống đã thiệt mạng trong cuộc mưu sát thứ hai.
Năm 1983, hai cán bộ Bắc Triều Tiên thú nhận họ đã gài một quả bom tại một buổi tiếp tân do đại sứ quán Nam Triều Tiên tổ chức tại Miến Điện. 17 viên chức chính phủ Nam Triều Tiên, kể cả ông đại sứ, mất mạng trong vụ nổ. Giám Đốc chương trình Á Châu thuộc Trung Tâm Quốc Tế Woodrow Wilson tại Washington, ông Robert Hathaway nhắc lại biến cố này như sau:
Vụ nổ đó rất có thể đã giết chết Tổng Thống Nam Triều Tiên, nếu như ông không đến trễ. Có thể đây là vụ tấn công táo bạo nhất, nhưng chắc chắn không phải là cuộc tấn công duy nhất do Bắc Triều Tiên thực hiện.
Năm 1987, một chiếc Boeing 707 của Hãng Hàng Không Nam Triều Tiên nổ tung trên không, giết chết tất cả 95 hành khách và 20 người trong phi hành đoàn. Một điệp viên Bắc Triều Tiên bị bắt thú nhận rằng chính y thị và một đồng nghiệp đã gài bom, với mục đích gây sợ hãi trong giới hâm mộ thể thao để họ đừng đến tham dự Thế Vận Hội năm 1988, tổ chức tại Hán Thành.
Trong cùng năm, Bình Nhưỡng cho phóng một phi đạn đạn đạo trên vùng trời Nhật Bản, gây quan ngại trong các cấp chính quyền Châu Á và Hoa Kỳ.
Bắc Triều Tiên không ngần ngại bắt cóc ngừơi nước ngoài để thực hiện các mục tiêu của họ. Hồi tháng 9 năm 2002, Bình Nhưỡng đã làm thế giới kinh ngạc khi thú nhận rằng họ đã bắt cóc 13 công dân Nhật Bản trong những năm của thập niên 1970 và 1980, để buộc những người này phải huấn luyện các gián điệp Bắc Triều Tiên.
Giới thẩm quyền Nam Triều Tiên đã khám phá 4 đường hầm đào từ miền Bắc, đủ rộng để hàng trăm ngàn quân có thể xâm nhập lãnh thổ miền Nam. Nam Triều Tiên cũng đã nhiều lần bắt được gián điệp Bắc Triều Tiên tìm cách len lỏi vào miền Nam, đôi khi sử dụng cả tầu ngầm.
Về phía Nam Triều Tiên và đồng minh, thì Hán Thành và Washington tích cực theo dõi và dọ thám Bắc Triều Tiên, một hành động mà Bình Nhưỡng cho là có tính cách đe dọa. Ông Michael Breen là một doanh gia có trụ sở đặt tại Hán Thành, ông đã từng hành nghề ký giả, và đã xuất bản một quyển sách mang tựa đề Người Triều Tiên: Họ là ai, Họ muốn gì, Tương Lai của bán đảo Triều Tiên. Theo ông Breen, thì cả hai bên đều có những hành động khiêu khích, mặc dù trong phần lớn trường hợp, có thể quy lỗi cho Bình Nhưỡng. Sau đây là ý kiến của ông Breen:
Trong một chừng mực nào đó, Bắc Triều Tiên xem sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở miền Nam là một hành động khiêu khích. Và có những câu chuyện, chưa được kiểm chứng, là những vụ mưu sát nhắm vào các Tổng Thống Nam Triều Tiên là những hành động trả đũa đối với các hành động khiêu khích của Nam Triều Tiên. Nhưng trong 100 biến cố xảy ra, thì 99 trường hợp có thể quy lỗi cho Bắc Triều Tiên.
Trong những năm gần đây, những căng thẳng giữa Bình Nhưỡng, Hán Thành và Washington chủ yếu xoay quanh chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Giới lãnh đạo miền Bắc nói rằng Bắc Triều Tiên cần có vũ khí hạt nhân để răn đe Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ chớ có xâm lăng Bắc Triều Tiên.
Hồi đầu thập niên 1990, Bắc Triều Tiên đe dọa sẽ rút ra khỏi Hiệp Ước Cấm Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân, và không cho phép các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc giám sát để bảo đảm Bình Nhưỡng không sản xuất bom hạt nhân. Đến cuối năm 1993, có tin về khả năng Hoa Kỳ có thể tấn công để phá hủy các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Giữa năm 1994, chuyến viếng thăm của Tổng Thống Carter đã hóa giải được tình trạng bế tắc giữa hai nước, và cuối cùng Bắc Triều Tiên hứa sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân, để đổi lấy Hoa Kỳ sẽ giúp cung cấp năng lượng cho miền Bắc, thế nhưng trong nhiều tháng qua, Bình Nhưỡng đã hủy bỏ những cam kết đã đưa ra, và thừa nhận họ có một chương trình chế tạo bom hạt nhân. Cho tới nay, Bắc Triều Tiên vẫn chống cự áp lực từ Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc muốn họ từ bỏ chương trình hạt nhân, và một mực đòi Washington phải ký kết một hiệp định bất tương xâm trước đã.
Vì cuộc tranh chấp này mà nửa thế kỷ sau hiệp dịnh đình chiến, vùng biên giới giữa hai miền bán đảo Triều Tiên vẫn là một điểm nóng trên thế giới, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến khác còn nguy hiểm hơn là chiến tranh Triều Tiên hồi 50 năm về trước.
http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2003-07/a-2003-07-28-28-1.cfm
Vietsciences;Phạm Văn Tuấn;Von Braun
Cuộc chiến tranh Triều Tiên xẩy ra. Năm 1950, các nhà bác học Đức được đưa về Huntsville, Alabama, và được lệnh chế tạo cho Lục Quân một loại hỏa tiễn có ...
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire