1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

vendredi 20 avril 2007

Bầu cử Quốc hội khoá XII: Độc Đảng cử, dân bầu

Loạt bài: Bầu cử Quốc hội khoá XII
1 2 3 4
14.3.2007
Đinh Từ Thức
Độc Đảng cử, dân bầu

Ðiều 83 của hiến pháp Việt Nam hiện hành ghi: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Phần mở đầu bản báo cáo về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 6 tháng 3 năm 2007, nói: “Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất diễn ra vào năm 2002, chẳng có tự do cũng không công bằng, vì tất cả ứng cử viên đều được chọn bởi Mặt Trận Tổ Quốc của Đảng, một nhóm bao trùm kiểm soát các tổ chức đại chúng”. Một cơ quan quyền lực cao nhất nước, mà không được thành lập theo thể thức tự do và công bằng. Tình trạng này nếu cứ tiếp tục, tương lai sẽ ra sao?

Sau khi Hội nghị Trung ương IV của Đảng Cộng sản bế mạc, vào ngày 29-1-07, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã loan báo cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng Năm. Từ khi loan báo cho tới ngày bầu cử, thời gian dưới 150 ngày, mà không có thay đổi cụ thể nào được công bố, dư luận “hiểu ngầm” là không có thay đổi đáng kể, và như vậy, đã có lý do để chỉ trích.

Nhìn lại lịch sử, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước VNDCCH, ngày 3-9-45, Hồ Chí Minh đã đưa ra sáu vấn đề cần giải quyết ngay, mà vấn đề thứ ba là bầu cử: “Tôi đề nghị chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng Tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v…”

Hiến pháp lâu đời nhất trên thế giới được thi hành liên tục, là Hiến pháp Hoa Kỳ quy định mọi công dân đủ 25 tuổi có quyền ứng cử dân biểu (Điều 1, khoản 2). Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà (1956) cũng quy định mọi công dân đủ 25 tuổi có quyền ứng cử (Điều 50). HCM chủ trương công dân 18 tuổi đã có thể ứng cử. Hiến pháp hiện hành của Việt Nam (1992) quy định ứng cử viên phải đủ 21 tuổi trở lên. Như vậy, trên lý thuyết, Việt Nam hiện nay có vẻ tiến bộ hơn cả, vì tuổi tối thiểu của ứng cử viên thấp nhất.

Nhưng từ lý thuyết tới thực tế, là chuyện xa vời. Từ cuộc bầu cử trước, bốn chữ “Đảng cử dân bầu” đã được dùng để mô tả thể thức bầu cử ở Việt Nam. Nhưng thật ra, chống “Đảng cử dân bầu” là không đúng. Bởi vì, có thể nói, bầu cử ở mọi nơi, kể cả những nước dân chủ nhất thế giới, cũng theo thể thức Đảng cử dân bầu. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, các đảng Dân chủ và Cộng hoà cũng cử ứng viên của mình trước, để dân bầu sau. Bên Anh, các đảng Bảo thủ và Lao động cũng làm như vậy. Điểm khác biệt là ở Anh Mỹ, có nhiều đảng được cử ứng viên, và những ai không được Đảng cử, vẫn có thể ứng cử với tư cách độc lập, và vẫn có thể đắc cử, như trường hợp của Nghị sĩ Joseph Lieberman của Bang Connecticut trong kỳ bầu cử tháng 11-2006. Còn tại Việt Nam, tất cả ứng viên đều do một Đảng cử, là Đảng Cộng sản (qua MTTQ). Kể cả ứng viên “tự ứng cử”, cũng phải được Đảng chấp thuận. Như vậy, điều đáng chống đối trong thể thức bầu cử ở Việt Nam, không phải là “Đảng cử dân bầu”, mà là “Độc Đảng cử dân bầu”.

Nhờ khoa thăm dò ý kiến ngày càng tinh vi, ngay tại các nước thực sự dân chủ, các chuyên viên bầu cử có thể đoán trước ai sẽ đắc cử. Nhưng theo thể thức bầu cử tại Việt Nam, chẳng cần tới khoa thăm dò dân ý, người ta có thể biết chắc chắn ai sẽ đắc cử, vì mọi sự đã do Đảng Cộng sản xếp đặt sẵn. Điều này làm cho quyền bầu cử của người dân không còn ý nghĩa. Và chi phí tổ chức bầu cử thành vô ích.

Theo thể thức bầu cử hiện hành, ứng cử viên được chọn qua các hội nghị hiệp thương, gồm ba vòng, do MTTQ chủ động. Vòng thứ nhất đã diễn ra vào ngày 23 tháng Hai năm 2007. Theo các tin chính thức công bố ngày 24-2, người ta được biết: Số Đại biểu Quốc hội khoá XII là 500 người, với thành phần như sau: Ở trung ương, các cơ quan Đảng dự kiến có 10 đại biểu (bằng với số đại biểu ở Quốc hội khoá XI); Cơ quan Chủ tịch nước có 3 đại biểu; Số đại biểu Quốc hội chuyên trách khoảng 84- 85 người (tăng thêm 26 người); Chính phủ có 15 đại biểu (giảm 7 đại biểu so với Quốc hội khoá XI); Mặt trận Tổ quốc có 31 đại biểu (giảm 5 đại biểu). Toà án, Viện kiểm sát mỗi đơn vị có 1 đại biểu. Bộ Quốc phòng có 15 đại biểu (giảm 2 đại biểu). Bộ Công an có 3 đại biểu (tăng 1 đại biểu). Các cơ quan thông tấn báo chí có 4 đại biểu.

Về cơ cấu đại biểu: 90 đại biểu thuộc dân tộc thiểu số; 150 đại biểu nữ; 50 đại biểu ngoài Đảng (10%); 70 đại biểu trẻ (dưới 40 tuổi); Số đại biểu Quốc hội khoá XI tái cử là 160. Giới khoa học dự kiến có 4 đại biểu, giới doanh nghiệp có 5 đại biểu. [1]

Nhìn vào thành phần Quốc hội sắp tới của Việt Nam, người ta thấy bầu cử là chuyện khá khôi hài và tốn kém vô ích, vì mọi chuyện đã được Đảng quyết định trước. Ngoài việc xếp đặt sẵn, thành phần Quốc hội cũng là chuyện ngộ nghĩnh. Chẳng hạn, tại sao Bộ Quốc phòng cũng cần có 15 đại biểu tại Quốc hội? Và có lẽ Bộ Công an trong tương lai đóng vai trò quan trọng hơn, vì được tăng thêm đại biểu. Đặc biệt giới truyền thông, đã có báo, có đài để nói lên tiếng nói của mình, mà vẫn được dành cho 4 đại biểu tại Quốc hội: “Đối với các cơ quan thông tấn báo chí, UBTVQH dự kiến có 4 đại biểu, phân bổ cho: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Báo Nhân dân.” [2]

Như đã trình bày, ngay cả thành phần “tự ứng cử” phải được Đảng chấp thuận, và con số “tự ứng cử” cũng đã được định sẵn. Theo lịch trình bầu cử, ngày 13-3 mới có danh sách ứng cử viên, nhưng ngày 27-2-07, ông Huỳnh Đảm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQVN đã cho biết: “Có tổng cộng 850 ứng viên cho 500 ghế đại biểu, như thế mỗi đơn vị bầu cử sẽ có số dư ít nhất là 2 người.” [3]

Không phải tất cả 350 ứng viên “dư” trên đây đều là những người tự ứng cử, vì ngoài 500 ứng cử viên sẽ đắc cử, gọi là “quân đỏ”, để che mắt thế gian, Đảng còn đề cử những ứng cử viên thứ yếu, gọi là “quân xanh”. Trừ quân đỏ, quân xanh rồi mới có chỗ cho, tạm gọi là “quân trắng”, những người tự ứng cử. Trên đây là việc chia chác tại trung ương. Dưới đây là một thí dụ tại địa phương:

Các đại biểu dự Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của tỉnh Thái Bình đã thảo luận và thống nhất số lượng người được giới thiệu ra ứng cử ĐBQH Khoá XII là 22 người gồm: Thường trực Tỉnh uỷ 1 người, ĐBQH chuyên trách 2 người, UBMTTQ tỉnh 2 người, quân đội 2 người, ngành Y tế 4 người, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội 3 người; lĩnh vực sản xuất kinh doanh 4 người, tự ứng cử 1 người, trung ương giới thiệu 3 người. Kỳ này, Thái Bình được bầu 9 đại biểu, trong đó trung ương 3 đại biểu, địa phương 6 đại biểu. [4]

Như vậy, tỉnh Thái Bình sẽ có 9 ứng cử viên thuộc diện quân đỏ, là những người sẽ đắc cử, 12 quân xanh để che mặt thế gian, và chỉ có một chỗ cho người “tự ứng cử”. Nếu trước ngày bầu cử, có chuyện không hay xảy ra cho quân đỏ, như từ trần, hay bị loại vào phút chót như trường hợp Trần Mai Hạnh vì có liên hệ với tướng cướp Năm Cam trong cuộc bầu cử trước, quân xanh sẽ được đôn lên cho đắc cử. Nhưng “quân trắng” hầu như vô hy vọng. Trong hội nghị hiệp thương ngày 23-2, Phó Chủ tịch Uỷ ban TƯMTTQVN Hoàng Xuân Sính đã thắc mắc: “Nhìn vào cơ cấu, số lượng dự kiến, tôi thật không biết những người ứng cử tự do nằm ở đâu?” [5] Không biết nằm ở đâu, vì đám quân trắng này chỉ được Đảng dự kiến cho “tự ứng cử”, mà không được dự kiến cho đắc cử.

Hội nghị hiệp thương vòng một cho biết: “Theo cơ cấu dự kiến, số đại biểu ngoài Đảng của Quốc hội khoá XII vẫn giữ nguyên là 50 đại biểu, chiếm 10%”. Như vậy, trong số 500 Đại biểu đắc cử, chỉ có 450 người là đảng viên Đảng Cộng sản, còn 50 người tạm gọi là “Đảng nô”, không chính thức là đảng viên, nhưng cũng được Đảng ưu ái đặc biệt, chọn ra ứng cử và cho đắc cử. Có thể giờ đây, Đảng đã viết sẵn cả thông cáo báo chi để phổ biến sau ngày bầu cử 20-5, đại ý: “Cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII đã diễn ra vô cùng tốt đẹp theo thể thức hoàn toàn tự do dân chủ. Trong số 850 ứng cử viên tranh nhau 500 ghế đã có nhiều người tự ứng cử, và trong số đắc cử, có tới 50 người, tức 10% ngoài Đảng...” Tất nhiên, sẽ có những nhà báo quốc tế, một vài chính khách như John Kerry, có thể gồm cả Tổng thống Bush, sẽ lên tiếng khen ngợi cuộc bầu cử phù hợp với tinh thần tự do dân chủ, như hồi năm ngoái ông Bush đã khen Việt Nam cứu mạng phi công John McCain.

Trong khi ấy, có những cán bộ cao cấp của Đảng, hầu như không thoả mãn với Quốc hội hiện nay, đã chủ trương phải làm cách mạng, để có một cơ quan dân cử tốt đẹp như... Quốc hội đầu tiên năm 1946.

Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh chia sẻ tại Hội nghị Hiệp thương bầu cử ĐBQH khoá XII lần 1 rằng trong suốt quá trình theo dõi hoạt động của Quốc hội chỉ thấy khoảng 1/4 số ĐBQH hoạt động hiệu quả, sắc sảo. Gần hết một nhiệm kỳ vẫn có những đại biểu đều đặn xuân thu nhị kỳ có mặt tại Hội trường Ba Đình nhưng chưa một lần có ý kiến về vấn đề gì... [6]

Theo ông Tào Hữu Phùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách: “Một số ĐBQH không đạt trình độ, năng lực làm đại diện cho dân, có ĐBQH suốt cả nhiệm kỳ không phát biểu câu nào, không thấy đóng góp gì cho Quốc hội”. Ông Phùng chủ trương:

“[T]rên cơ sở tiêu chuẩn, chất lượng đặt lên hàng đầu, khi lựa chọn ứng cử viên không để xảy ra tình trạng quân xanh, quân đỏ. Những ứng cử viên phải ngang nhau về trình độ, một chín, một mười. Không nên bầu tròn, bầu sát quá. Càng nhiều ứng cử viên cho dân lựa chọn càng tốt. Như vậy, mới phát huy được dân chủ thực sự. Ví dụ như cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, chúng ta đưa ra hàng chục người và chỉ chọn 10 người, 5 người. Kết quả là lựa chọn được những ĐBQH tốt nhất, đóng góp tích cực cho hoạt động của Quốc hội.

Cuộc bầu cử lần này nếu thực hiện theo đúng Nghị quyết của Đảng thì chúng ta phải làm một cuộc cách mạng. Cách mạng từ khâu hiệp thương, giới thiệu lựa chọn nhân sự. Chúng ta phải từ bỏ quan niệm cũ, nặng về cơ cấu, đưa ra 5 ứng cử viên, nhưng ngầm hiểu là có 2 quân xanh. Trong khi ai cũng biết rằng, quân xanh thường được chọn qua loa, đại khái với mong muốn sẽ trượt. Nếu chúng ta cứ áp đặt như vậy, chẳng may quân xanh trúng cử thì rõ ràng không bảo đảm chất lượng đại biểu.” [7]

Sử gia Dương Trung Quốc, một Đại biểu Quốc hội đương nhiệm, trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Thanh Tâm thuộc website Người Đại biểu Nhân dân cũng đề cao Quốc hội 1946. Ông nói: “Xét trên nhiều nội dung hoạt động cụ thể của Quốc hội thì đúng là có nhiều điều Quốc hội hiện nay đang phấn đấu theo kịp... ngày xưa”.

Muốn biết Quốc hội ngày xưa (1946) được bầu cử và sinh hoạt ra sao, ta có thể đọc trong hồi ký Một cơn gió bụi của sử gia Trần Trọng Kim:

“Chính phủ lâm thời tổ chức cuộc tổng tuyển cử để triệu tập Quốc hội. Cuộc tuyển cử được ấn định vào ngày 23 thán chạp, sau hoãn đến ngày mồng 6 tháng giêng năm 1946. Khi ấy tôi đã về ở Hà Nội rồi, thấy cuộc tuyển cử rất kỳ cục. Mỗi chỗ để bỏ phiếu, có một người của Việt Minh trông coi, họ gọi hết cả đàn ông đàn bà đến bỏ phiếu, ai không biết chữ thì họ viết thay cho. Việt Minh đưa ra những bản kê tên những người họ đã định trước, rồi đọc những tên ấy lên và hỏi anh hay chị bầu cho ai? Người nào vô ý nói bầu cho một người nào khác thì họ quát lên: "Sao không bầu cho những người này? Có phải phản đối không?" Người kia sợ mất vía nói: "Anh bảo tôi bầu cho ai, tôi xin bầu người ấy". Cách cưỡng bách ra mặt như thế, lẽ dĩ nhiên những người Việt Minh đưa ra được đến tám chín mươi phần trăm số người đi bầu. Ðó là một phương pháp rất mới và rất rõ để cho mọi người được dùng quyền tự do của mình lựa chọn lấy người xứng đáng ra thay mình làm việc nước.

Trước Việt Minh đã định lấy có 300 ghế đại biểu, sau họ muốn làm cho êm dư luận nên lấy thêm 70 ghế nữa, cho Việt Nam Quốc Dân Ðảng được 50 ghế và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội được 20 ghế để hai đảng ấy tự cử người mình ra.

Mấy ngày trước kỳ họp Quốc hội, Việt Minh và Quốc Dân Ðảng công kích nhau kịch liệt. Những tướng Tàu như Lư Hán và Tiêu Văn muốn làm tiền, tỏ ra có ý bênh vực Việt Nam Quốc Dân Ðảng, sau hình như bọn tướng Tàu ấy được số vàng lớn mới đứng ra dàn xếp, họp các lãnh tụ hai đảng ở nhà Lư Hán, có Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh v.v... đến bàn định cách chia các ghế bộ trưởng trong chính phủ mới.

...

Khi việc dàn xếp của các tướng Tàu xong rồi, đến ngày mùng 2 tháng ba thì mở cuộc họp Quốc hội. Quốc hội này có cái đặc sắc hơn cả Quốc hội của các nước trên thế giới là chỉ họp có một ngày xét qua bản lập hiến của Việt Minh đã định, và thừa nhận một chính phủ liên hiệp do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Quốc hội lại giao toàn quyền cho một ủy ban thường trực có 15 người do chính phủ đề cử, và để ông Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban. Ðoạn Quốc hội giải tán. Nếu Quốc hội các nước mà biết làm việc lanh lẹ như thế thì đỡ được bao nhiêu thì giờ và tiền chi phí!”

Quốc hội năm 1946 đang là niềm mong ước của những người tâm huyết trước cuộc bầu cử Quốc hội khoá tới. Điều này chứng tỏ giá trị của Quốc hội hiện nay.

“Trước hết, đại biểu không do nhân dân bầu ra mà chỉ một nhóm (...) bầu ra. Sau nữa những đại biểu này chỉ có quyền thông qua chứ không có quyền bàn cãi gì cả. (...)

Trò hề dân biểu này không lừa bịp được nhân dân Việt Nam. (...) Thấy người Việt Nam bề ngoài im lặng thì chúng tưởng họ đã hoàn toàn đầu hàng, họ thiếu lòng yêu nước. Nhưng thực ra chúng nó ngồi trên ngọn núi lửa cách mạng mà không hay. [8]

Những dòng chữ trên đây, do chính Hồ Chí Minh viết ra cách đây 60 năm, để tả cái Viện dân biểu bịp bợm thời Tây đô hộ Việt Nam, nhưng giống Quốc hội thời nay như một bức hoạ truyền thần.

© 2007 talawas


--------------------------------------------------------------------------------
[1]HL, Website: http://www.nguoidaibieu.com.vn/, ngày 24-2-07.
[2]Hồng Loan: http://www.nguoidaibieu.com.vn/. 24-2-07.
[3]Hồng Loan: http://www.nguoidaibieu.com.vn/ 28-2-07.
[4]http://www.nguoidaibieu.com.vn 24-2-2007.
[5]Hồng Loan, như trên.
[6]Phạm Thúy, “Nghĩ thêm về việc đổi mới chất lượng ĐBQH”, http://www.nguoidaibieu.com.vn/ 26-2-2007.
[7]T. Tâm “Chúng ta phải làm một cuộc cách mạng trong cuộc bầu cử ĐBQH Khoá XII” http://www.nguoidaibieu.com.vn/ 24-2-2007.
[8]Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch: “Nhân dân không có chút quyền tự do nào cả, ngoài "quyền" nộp thuế, đau khổ và chết chóc. Để lừa bịp dư luận Pháp và thế giới, bọn thuộc địa tổ chức những viện dân biểu cho một số ít là địa chủ phong kiến và tư sản mại bản hợp tác với đế quốc. Trước hết, đại biểu không do nhân dân bầu ra mà chỉ một nhóm thân hào bầu ra. Sau nữa những đại biểu này chỉ có quyền thông qua chứ không có quyền bàn cãi gì cả. Cuối cùng thì chính phủ thực dân có quyền bỏ tù những nghị viên nào không nghe lời chúng. “Trò hề dân biểu này không lừa bịp được nhân dân Việt Nam. Tuy vậy, thực dân Pháp say sưa vì những món lời khổng lồ mà chúng vơ vét được. Thấy người Việt Nam bề ngoài im lặng thì chúng tưởng họ đã hoàn toàn đầu hàng, họ thiếu lòng yêu nước. Nhưng thực ra chúng nó ngồi trên ngọn núi lửa cách mạng mà không hay.”

-----------
- Quốc Hội hay đảng hội ?
- HÃY ĐỂ CHO NHÂN DÂN TỰ QUYẾT ĐỊNH NGƯỜI ĐẠI BIỂU C...
- Đại biểu Quốc hội đại diện cho dân hay cho đảng?
- Nền tảng quyền lực- Ý Dân hay Ý Đảng?
- QUỐC HỘI LÀ GÌ?
- Từ Đại Hội đến Quốc Hội (I)
- Từ Đại Hội đến Quốc Hội (Kết)
- Trò hề bầu cử đã mở màn (2/2007)
- Hiến pháp va bầu cử - BT
- QUỐC HỘI VIỆT NAM: ĐẢNG CỬ dân bầu ra sao ??

Aucun commentaire: