1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 18 avril 2007

TT Nixon sang Tàu không bán đứng NVCH để giữ Đài Loan

TT Nixon sang Tàu không bán đứng NVCH để giữ Đài Loan
Monday, April 16, 2007


LTS – Đúng vào dịp 32 năm miền Nam Việt Nam rơi vào tay CS, một tác giả người Gia Nã Đại, bà Margaret Macmillan đã ra mắt cuốn “Nixon và Mao” và tiết lộ nhiều việc mà hơn ba thập niên qua, dư luận vẫn hiểu lầm về chuyến đi của TT Nixon qua Trung Hoa hồi 1972. Đối với người Việt Nam thì nhiều sự kiện đáng cho ta chú ý trong đó quan trọng nhất là TT Nixon đã không bán đứng VNCH để đánh đổi vấn đề Đài Loan và đã có những bằng chứng rõ rệt là Trung Cộng ngoài việc tài trợ đã gửi hơn 300 ngàn quân sang Bắc Việt, điều mà CSVN luôn luôn bác bỏ.

Nhân dịp 30 tháng 4 nhà báo Việt Nguyên trong cột mục thường xuyên của mình, Từ Bàn Viết Houston, sẽ đi sâu vào các vấn đề do bà Macmillan nêu ra trong cuốn sách.


HOUSTON (NN) – Tháng 4, đọc “Nixon và Mao”, cuốn sách của bà Margaret Macmillan, sử gia người Gia Nã Đại, lòng vẫn thấy đau như vết dao chém.

Đúng 35 năm trước, ngày 17-2-1972, TT Richard Nixon rời tòa Bạch Ốc lên đường đi Trung Hoa, được trực tiếp truyền hình, gây chấn động trên toàn thế giới. Nhà lãnh đạo đầy mưu mẹo, nổi tiếng đánh xì phé (ba cây sất thắng ba cây xì) thích ngoại giao hơn đối nội, đã mở rộng mối bang giao với Trung Hoa. Canh bài lịch sử được TT Nixon tự ví ngang với chuyến du hành lên mặt trăng của phi hành gia Neil Armstrong năm 1969. Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đến Trung Hoa, sau chuyến đi đã gọi cuộc thăm viếng Mao Trạch Đông ở Bắc Kinh là “Tuần lễ thay đổi thế giới”.

Chuyến đi đã được chuẩn bị kỹ bởi ông cố vấn Henry Kissinger, qua những chuyến tiếp xúc bí mật với thủ tướng Chu Ân Lai ở Paris và Bắc Kinh, qua trung gian của cựu bộ trưởng Văn hóa Pháp André Malraux, cựu tổng thống Pakistan Mohammad Yahya Khan, tổng thống Lỗ Ma Ni Nicolar Ceausescu và ông Hoàng Kampuchea Norodom Shihanouk.


Bốn nhân vật với “viễn kiến”


Đầu thập niên 1970, những sự kiện lịch sử của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Hoa đã dẫn đến mối bang giao giữa hai nước như một sự không thể tránh. Trung Hoa đang ở trong cảnh nghèo đói và yếu thế sau những cuộc cách mạng Cộng Sản và cách mạng Văn Hóa. Chánh quyền Cộng sản Trung Hoa bị cô lập với thế giới và bị ông láng giềng Sô Viết đe dọa. Năm 1971, Liên Hiệp Quốc đã thay ghế Trung Hoa Dân Quốc trong Đại Hội Đồng cho Trung Cộng. TT Richard Nixon, con người chống Cộng nổi tiếng, thấy cần phải thay đổi “nỗi sợ Cộng Sản ở khắp nơi của người Mỹ” và đưa Trung Quốc vào cộng đồng thế giới.

35 năm trước báo chí Việt Nam hay ví cố vấn Henry Kissinger với Khổng Minh Gia Cát Lượng, người chia ba nước Trung Hoa thời Tam Quốc để bình thiên hạ nhưng cuốn sách của bà Macmillan cho thấy ý kiến quân bình quyền lực thế giới thập niên 1970 là của chính TT Richard Nixon chứ không phải từ Henry Kissinger như mọi người đã tưởng.

Trong bài diễn văn viết cho Thống đốc Nữu Uốc Nelson Rockefeller năm 1968, ông Kissinger đề nghị một ngày trong tương lai Hoa Kỳ cần cải thiện bang giao với Trung Hoa nhưng mối quan tâm chánh của ông Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia khi được giao trách nhiệm là cải thiện bang giao giữa Hoa Kỳ và các Đồng minh Âu Châu nhằm đối phó với đế quốc Sô Viết. Ngày 19/2/1969, TT Nixon lần đầu tiên nói với ông Kissinger, Hoa Kỳ phải bang giao với Trung Hoa. Ông cố vấn đã ngạo TT Nixon nói với tướng Alexander Haig, lúc đó là phụ tá của ông: “Nhà lãnh đạo của chúng ta xa rời thực tế chỉ nghĩ đến những chuyện tưởng tượng”. Cuối năm 1969, TT Nixon nhắn lời với những người Mỹ gốc Hoa nhằm liên lạc với Bắc Kinh, ông Kissinger vẫn hoài nghi và cười mai mỉa. Trong hồi ký, TT Nixon đã nhấn mạnh là ông khởi xướng bang giao với Bắc Kinh, mọi việc do ông điều hành còn ông Kissinger chỉ thừa lệnh, nhưng Kissinger trong hồi ký dành công về phần mình. Khi ông cố vấn Henry Kissinger được chọn “người trong năm” của báo Time, TT Richard Nion đã giận tím mặt. Ông ghen tức khi ông Kissisnger được trao giải thưởng Nobel Hoà Bình với ông Lê Đức Thọ. TT Richard Nixon đã gọi chuyến đi Bắc Kinh năm 1972 là thành quả lớn nhất trong đời chính trị của ông.

Cuộc hôn nhân giữa hai ông Nixon và Kissinger là cuộc hôn nhân miễn cưỡng, ép nối hoàn toàn vì quyền lực và cô hội. TT Nixon gốc bình dân, thực tiễn, làm việc liên tục, ít ngủ. Bác sĩ gọi ông là người nóng nẩy, mắc bệnh thần kinh (Neurotic), nghi ngờ cộng sự viên, không thân với ai kể cả những người trong gia đình, nghi ngờ những người Mỹ gốc Do Thái, ghét những người có bằng cấp cao, nhất là từ đại học Harvard và những dân nhà giầu miền Đông.

Ba tuần sau khi đắc cử, TT Nixon chọn ông Kissinger làm Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia, chức vụ được tạo ra bởi TT Harry Truman năm 1947. TT Nixon đã đặt Hội đồng An ninh Quốc gia cao hơn Bộ Ngoại giao. Ông cố vấn Kissinger, giáo sư đại học Harvard, người Đức gốc Do Thái, nói giọng phát âm nặng Đức, ghét Nixon, khi làm việc với Thống đốc Nelson Rockefeller đã gọi Nixon là người “không xứng đáng làm Tổng thống”.

Đệ nhất phu nhân Pat Nixon đã gọi liên hệ giữa Nixon – Kissinger là cuộc hôn nhân miễn cưỡng. Vào tòa Bạch Cung cả hai ít khi giao thiệp với nhau, khác với TT Bush và bà Rice ngày nay, hai người không xem football chung. Ông Kissinger cũng nghi ngờ ông Nixon. Ông giáo sư con của người Do Thái lúc nào cũng có cảm tưởng bị đối xử như người vòng ngoài ở toà Bạch Cung. TT Nixon dùng ông Kissinger vì tài, tính thông minh, hiểu rõ chánh sách đối ngoại và có thể thực hành nhanh chóng ý của Nixon. TT Nixon đặêt chiến lược còn ông Kissinger sắp đặt chiến thuật ngoại giao.

Cuộc hôn nhân miễn cưỡng giữa TT Nixon và ông Kissinger tương tự như cuộc hôn nhân của hai ông Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Thủ tướng Chu Ân Lai sanh trưởng trong gia đình quan lại, theo Khổng học, đi du học Nhật Bản, qua Pháp năm 1920, một trong những sáng lập viên đảng Cộng Sản Trung Hoa ở Âu Châu năm 1922. Năm 1932, Chu Ân Lai trở thành phụ tá trung thành không phản bội của Mao Trạch Đông, được Mao tin cậy và không bao giờ có tham vọng làm lãnh tụ thay Mao Trạch Đông. Ông Chu Ân Lai có dáng lạnh lùng, khôn khéo, ít để người đôi diện biết được ông đang nghĩ gì, được xem là nhân vật ôn hoà những cũng nhúng tay vào tội ác giết các đồng chí, thanh lọc đảng viên trong cuộc Vạn lý Trường Chinh. Ông Chu Ân Lai uyển chuyển nhờ vậy trở nên một thương thuyết gia giỏi như ông Henry Kissinger.

Ông Mao Trạch Đông gốc bình dân giống như TT Nion. Bác sĩ riêng của ông Mao nghĩ ông mắc bệïnh thần kinh (schizophrenia) thiếu ngủ, nghi ngờ mọi người, chỉ tin gái, sợ bị đầu độc, di chuyển từ nhà này sang nhà khác. Làm cách mạng cho giai cấp nông dân nhưng nông dân là nạn nhân đau khổ nhất vì chánh sách cải cách ruộng đất của Mao Trạch Đông. Nhà độc tài Krushchev ví Mao như Stalin “xem người cộâng sự như bàn ghế, khi cũ thì thay và vứt đi”. Được Sô Viết viện trợ, trong huyền thoại Vạn Lý Trường Chinh, Mao Trạch Đông không hề đi bộ, chỉ nằm cáng có người khiêng, đọc sách. Nhà độc tài không tim xem dân như rác.

Trong phim Việt Nam “Vượt Sóng” (Journey from the fall) của hãng Imagin Asian vừa chiếu, quản giáo trong trại học tập đã đánh thiếu tá tù nhân một trận nhừ tử sau khi hỏi “anh có hiểu tại sao người ta sợ Cộng Sản? Vì người Cộng Sản không thích khôi hài”. Tôi lại nghĩ khác, người ta sợ Cộng sản vì Cộng sản có nhiều óc khôi hài. Nhà độc tài Stalin thích giết người, gọi “một người chết là một thảm cảnh, triệu người chết chỉ là một con số vô nghĩa”. Mao Trạch Đông nổi tiếng có máu khôi hài. Sau cách mạng 1949, chánh quyền Mao giết từ 35 đến 72 triệu người, bước nhẩy vọt vĩ đại về kinh tế giết 40 triệu người vì nạn đói. Mao Trạch Đông lúc ấy nói “Dân Trung Hoa nên đói vì quá mập và dân Trung Hoa nên chết bớt trong cuộc Cách mạng Văn hóa vì Trung Hoa đang sắp đến tình trạng nạn nhân mãn!”


Các đề tài bàn cãi


Cuốn sách của bà Macmillan đã cho thấy những chi tiết bên trong của cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa TT Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông. Ở trụ sở đảng Cộng Sản Chung Nam Hải, Chủ tịch Mao Trạch Đông tiếp TT Nixon như Hoàng đế Trung Quốc qua hơn bốn ngàn năm lịch sử của họ. TT Nixon đến Bắc Kinh không hề biết chắc sẽ gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông, không được hẹn cho đến giờ chót. Ba tuần trước đó, Chủ tịch Mao Trạch Đông bị bệnh nặng không chịu uống thuốc. Con người thiếu vệ sinh cá nhân cuối cùng phải nghe lời bác sĩ riêng mang bình dưỡng khí, uống thuốc trợ tim để đón TT Nixon.

Trong cuộc tiếp xúc đầu tiên ngắn ngủi trong vòng một tiếng đồng hồ, Chủ tịch Mao Trạch Đông có ấn tượng tốt về TT Nixon, thích cánh hữu ở Mỹ hơn cánh tả vì bọn cánh tả “nói một đàng, làm một nẻo”, không có ấn tượng lắm với Kissinger “người lùn buồn cười”.

Trong cuộc tiếp túc này, Mao Trạch Đông chỉ muốn bàn về “triết lý chính trị” còn phần chánh sách ngoại giao được dành cho thủ tướng Chu Ân Lai, đúng cung cách Hoàng đế và Tể tướng.

Ba vấn đề chánh được đem ra bàn cãi, Sô Viết, Việt Nam và Đài Loan. Mao Trạch Đông chỉ diễn lại một tuồng tuyên truyền cũ: Trung Hoa lúc nào cũng yêu chuộng hòa bình. Quân đội Trung Hoa không bao giờ có mặt ở ngoại quốc, yêu cầu Nixon rút quân khỏi Việt Nam.

Trái với những lời đồn 35 năm trước TT Nixon đến Bắc Kinh để trao đổi, giữ Đài Loan và rút quân khỏi Việt Nam. Trong sách bà Mac Millan cho thấy, TT Nixon viết trong sổ tay: Đài Loan vấn đề chủ yếu nhất. Việt Nam: Vấn đề khẩn cấp nhất.

TT Nixon và ông Kissinger muốn Trung Cộng áp lực với Bắc Việt để chấm dứt chiến tranh Việt Nam vì hội nghị Paris kéo dài từ 1968 đến 1972 không kết quả. Hai điều Bắc Việt đòi hỏi: loai trừ chánh quyền miền Nam của TT Nguyễn Văn Thiệu (điều Hoa Kỳ không dám làm ngay cả đến tháng 4, 1975) và Bắc Việt không rút quân khỏi miền Nam ngay cả khi Hoa Kỳ rút quân. Hoa Kỳ hi vọng áp lực được Hà Nội qua Bắc Kinh sau khi cuộc điều đình với ông Dobrynin đại sứ Sô Viết ở Hoa Thịnh Đốn bị thất bại.

Ngày 27/4/1971, ông Kissinger lạc quan nói với TT Nixon “Hoa Kỳ sẽ chấm dứt chiến tranh VN trong năm nay”, khi Thủ tướng Chu Ân Lai nhắn lời mời TT Nixon qua Trung Hoa. Chu Ân Lai từ chối không giúp Hoa Kỳ áp lực với Bắc Việt vì Trung Cộng phải ủng hộ đàn em chống lại đế quốc xâm lăng. Thủ tướng Chu Ân Lai khi gặp ông Kissinger đã chối là Trung Hoa chỉ giúp Bắc Việt xây dựng cầu đường chứ không gởi quân qua Việt Nam, nhưng theo các tài liệu của bà Margaret Mac Millan Trung Cộng đã giúp Bắc Việt và Việt Cộng ở miền Nam VN từ đầu thập niên 1950 trong trận chiến chống Pháp và cuộc xâm lăng miền Nam.

Chánh phủ Trung Quốc đã viện trợ cho BV lên đến 20 tỷ Mỹ kim từ năm 1950 đến năm 1975 khi Saigon sụp đổ. Trung Quốc gởi hàng trăm ngàn súng đạn, quân cụ, quân trang quân dụng ngay cả mùng chống muỗi, tổng cộng 320,000 quân vào cuối thập 1960. Trung Quốc xây cầu đường nhưng đồng thời xử dụng, điều khiển đại pháo chống phi cơ và hỏa tiễn phòng không. Sự hiện diện của lính Trung Cộng giúp Bắc Việt rảnh tay đánh lại Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. Mối bang giao giữa Trung Cộng và Bắc Việt là tương quan giữa răng và môi mặc dù răng và môi đôi khi cắn nhau.

Ap lực của TT Nixon trong chuyến đi có kết quả ngắn hạn. Ông Chu Ân Lai đến Hà Nội tháng 3/1972, tiếp tục giúp Bắc Việt nhưng yêu cầu phải giải quyết chiến tranh. Hoa Kỳ dội bom mạnh hơn đúng theo sự lo lắng của Tổng bí thư Lê Duẫn. Chủ tịch Mao Trạch Đông khuyên Bắc Việt thành lập chánh phủ liên hiệp với chính quyền của TT Nguyễn Văn Thiệu: “Khi Hoa Kỳ rút quân, họ sẽ không trở lại, lúc đó VC sẽ tiếp tục chiến tranh đến chiến thắng cuối cùng”.

Về vấn đề Đài Loan, TT Nixon hứa rút hết quân ra khỏi Đài Loan, nhưng không đề cập trong bản Thông Cáo Chung Thượng Hải. Đối với ông Chu Ân Lai “Đài Loan không cần thiết nhưng là vết thương lớn của chúng tôi”. Đối với cố vấn ông Kissinger, vấn đề quan trọng nhất là cân bằng cán cân với Sô Viết, ngưng cuộc chạy đua vũ khí. Còn TT Nixon viết trong bản Memoranda khi chuẩn bị cho buổi gặp riêng lần thứ hai với Mao Trạch Đông: Trung Quốc đòi lại Đài Loan. Hoa Kỳ đòi Trung Hoa ngưng viện trợ cho Bắc Việt, không bán đứng VNCH để trao đổi với Đài Loan.

Cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh về vấn đề thế giới hay bị cắt quãng bởi chủ tịch Mao, xoay về vấn đề gái. Hoàng đế hay làm việc lúc hai giờ sáng trên giường cùng quần thần với gái nằm cạnh, chú ý đến Kissinger người đã qua Paris 12 lần và qua Bắc Kinh một lần mà không ai biết kẻ cả ký giả nhờ dùng gái đẹp để che dậy.

Kết quả của “Tuần lễ làm thay đổi thế giới”, chánh sách ngoại giao “Nix-Singer” không mang lại “Bước nhẩy vọt đem đến hòa bình cho nhân loại” như bốn nhà “viễn kiến” mong đợi theo ý họ. Ông cố vấn Kissinger bị chỉ trích là người thiếu dạo đức chính trị, thiếu trung thành với Đồng Minh, nhân quyền và các giá trị dân chủ. Trong “Tuần lễ thay đổi thế giới” ông Kissinger đã cung cấp tài liệu tình báo tối mật của Sô Viết và ngay cả Ấn Độ, một đồng minh của Hoa Kỳ cho Trung Cộng.

Tổng thống Nixon phải từ chức vì vụ Watergate. Cố vấn Henry Kissinger rời tòa Bạch Ốc. Trung Hoa nghèo đói thời Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai (thiếu cả máy Xerox để sao lại tài liệu các buổi họp mặt) phải chờ cho tới thời Đặng Tiểu Bình cuộc cách mạng kinh tế tư bản mới đưa đến một Trung Hoa thịnh vượng. TT Nixon từ chối bàn về vấn đề ngoại thương giữa hai nước 35 năm trước, nay Hoa Kỳ phải chịu 260 tỷ Mỹ kim thâm hụt trong giao thương trong năm 2006. Hoa Kỳ chỉ thành công với hiệp ước Salt I trong thời Nixon. Đế quốc Xô Viết xụp đổ gần 30 năm sau nhờ một TT Cộng Hòa khác, Ronald Reagan. Đài Loan không bị trao trả về cho Trung Quốc. Trung Quốc không áp lực Bắc Việt như Hoa Kỳ mong muốn. TT Nixon không bán đứng Việt Nam Cộng Hòa trong tuần lễ ở Bắc Kinh, nhưng Hoa Kỳ đã bỏ VNCH với “học thuyết Nixon”. Vào mùa hè năm 1967 ở Bohemian Grove, TT Nixon tuyên bố: “Hoa Kỳ không còn khả năng để đánh những trận chiến cho các quốc gia khác. Mặc dù Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ nhưng đồng minh phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu cho chính họ”, và “chúng ta không có đồng minh vĩnh viễn, chúng ta không có kẻ thù muôn đời, chỉ có quyền lợi của chúng ta là vĩnh viễn và muôn đời.”

Định mệnh của Việt Nam Cộng Hòa và của TT Nixon có lẽ đã như ngày TT Nixon vào tòa Bạch Ốc. Ông chọn bàn viết của TT Dân Chủ Woodrow Wilson, thần tượng của ông, “một người hành động” nhưng lại chọn lầm bàn viết của ông Henry Wilson, người thợ đóng giầy, phó tổng thống của TT Ulysses S. Grant!

Việt Nguyên
(9-4-07)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=58487&z=100

Aucun commentaire: