Quy hoạch Nhà Quốc hội mới lấn sang khu khảo cổ A,B?
22/03/2007 (GMT+7)
(VietNamNet)- Sau khi xem bản vẽ kèm theo Báo cáo phương án quy hoạch, xây dựng Nhà Quốc hội, thấy có sự thay đổi về vị trí và diện tích so với kết luận của Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 28/02/2007; rất nhiều độc giả trong và ngoài nước đã gửi phản hồi về hỏi lại cho rõ.
Vì không đủ kiến thức chuyên môn nên chúng tôi đã tìm đến Giáo sư Sử học Phan Huy Lê để nhờ ông phân tích, trả lời độc giả. Dưới đây là ý kiến của riêng Giáo sư Phan Huy Lê. VietNamNet sẽ tìm hiểu và đưa thông tin khách quan về việc này.
Bản vẽ này căn theo bản vẽ kèm Báo cáo phương án quy hoạch, xây dựng Nhà Quốc hội (phần giới hạn bởi đường viền nâu và đường xanh đã lấn vào khu khảo cổ A,B)
Theo kết luận của Bộ Chính trị cũng như báo cáo của Chính phủ gửi Các vị đại biểu Quốc hội về phương án quy hoạch, xây dựng Nhà Quốc hội tại lô D khu trung tâm chính trị Ba Đình, Nhà Quốc hội mới sẽ xây trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay với quy mô 0.8ha, nhưng bản vẽ kèm theo báo cáo này thì chỉ riêng diện tích xây dựng Nhà Quốc hội đã là 1.2 ha và lấn cả vào khu A,B,C,D. Đây là sự nhầm lẫn khi vẽ bản đồ quy hoạch hay còn vì lý do nào khác, thưa Giáo sư?
GS Phan Huy Lê: - Khi nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ trình trước phiên họp thứ XI Quốc hội khoa XI, tôi cũng nhận thấy giữa nội dung báo cáo với 3 bản vẽ kèm theo, trong đó có bản vẽ mặt bằng phương án xây dựng Nhà Quốc hội, có chỗ không phù hợp.
Báo cáo viết rõ “Chính phủ đã đề xuất phương án xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay (với qui mô chiếm đất khoảng 0,8 ha)”.
Theo kết quả khảo sát thực địa và tính toán trên cơ sở bản đồ thì khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay với tường ngăn rõ ràng, có diện tích khoảng 1,2 ha. Nhưng theo bản vẽ thì mặt bằng xây dựng Nhà Quốc hội đã lên đến khoảng 1,4 ha. Hơn nữa, phạm vi chiếm đất quanh Nhà Quốc hội lên đến khoảng 2,6 ha, tức rộng gấp hơn hai lần diện tích khuôn viên của Hội trường Ba Đình hiện nay (khoảng 1,2 ha).
> Điều chỉnh vị trí xây Nhà Quốc hội trong lô D
> Cấm Thành trước những lựa chọn mang tính lịch sử
> Hoàng Thành Thăng Long chưa được công nhận là di sản cấp Quốc gia
> Hoàng Thành Thăng Long trong tương quan với kinh đô cổ
> GS. Phan Huy Lê: Đã xác định được Cấm Thành Thăng Long
> GS Phan Huy Lê trả lời về việc bảo tồn Hoàng Thành
> Bản đồ Cấm Thành qua sử liệu và dấu vết thực địa
> Giao 0.9 hecta di tích Thành Cổ cho Thành phố Hà Nội
> Kiến nghị của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Phạm vi chiếm đất này lại lấn sang gần một nửa diện tích các hố 3, 4, 5, 6 của khu D (theo sơ đồ khai quật khảo cổ học) có nhiều di tích quý thời Lý, Trần, khoảng một nửa khu C trong đó có hố C3 đã khai quật cũng có di tích quan trọng thời Lý, và một phần phía nam khu A, B làm gara ô tô.
Tôi không thể đưa ra nhận xét là do nhầm lẫn hay lý do gì khác. Nhưng một điều cần khẳng định là dù chỉ là bản vẽ minh họa, nhưng trong một báo của Chính phủ trình Quốc hội với yêu cầu nghiêm túc của một văn bản nhà nước, không thể thiếu tính thống nhất giữa văn bản và minh họa, hơn nữa lại có sự sai biệt quá lớn đến như vậy.
Theo bản vẽ đi kèm báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội thì gara của Nhà Quốc hội mới đã lấn hẳn sang khu, A,B nơi có những di chỉ khảo cổ quan trọng, cần bảo tồn toàn vẹn. Nếu đúng như vậy thì Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu có còn đủ điều kiện để công nhận là di sản thế giới hay không?
GS Phan Huy Lê: - Theo bản vẽ kèm theo Báo cáo của Chính phủ thì một phần phía nam khu A, B giáp đường Bắc Sơn sẽ dùng làm gara ô tô. Tại đây đã có những hố khai quật A7, A8 và B8, tuy không thấy di tích kiến trúc, nhưng lại có di tích ao hay hồ.
Dù là di tích kiến trúc hay dấu tích ao, hồ thì vẫn là bộ phận cấu thành của khu di tích Hoàng thành, cần phải bảo tồn. Hơn nữa lại sử dụng diện tích này làm gara ô tô, tất nhiên mới chỉ là sơ đồ phác họa, nhưng phản ánh một thái độ ứng xử "không phải đạo" đối với một di sản văn hóa vô giá mang tính thiêng liêng của dân tộc và có tầm cỡ thế giới.
Theo bản vẽ minh họa kèm theo này, khu Di tích Hoàng thành Thăng Long phát lộ ở 18 Hoàng Diệu bị xâm phạm nặng nề, không bảo đảm tính toàn vẹn của di tích thì chắc chắn hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản văn hóa thế giới sẽ bị loại bỏ ngay.
Trong phiên họp thứ nhất ngày 19-3-2007 của Ủy ban chuyên gia hỗn hợp Việt-Nhật (thành lập theo ý kiến Thủ tướng tại văn bản số 6723/VPCP-VX ngày 15-11-2006), các chuyên gia Nhật Bản cũng đã yêu cầu phía Việt Nam bảo đảm tính toàn vẹn của khu di tích thì mới có thể hợp tác trong nghiên cứu và bảo tồn khu di tích cũng như tư vấn giúp Việt Nam hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Một số chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản trong thư gứi lãnh đạo Việt Nam ngày 15-1-2007 cũng nói rõ: " Với những hiểu biết và kinh nghiệm của chúng tôi , nếu xây dựng bất cứ một công trình hiện đại nào xâm hại đến di tích và không bảo vệ được tính toàn vẹn của khu di tích thì dù khu di tích có giá trị cao đến đâu cũng sẽ không được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và như thế Việt Nam tự đánh mất một Di sản văn hóa thế giới giữa lòng thủ đô vốn là cái nôi của Nhà nước và Văn hóa Việt Nam".
Có điểm khác nhau rất cơ bản giữa báo cáo ý kiến của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường gửi các đai biểu Quốc hội với kết luận của Bộ Chính trị và báo cáo của Chính phủ, đó là việc sẽ mở rộng khuôn viên của Nhà Quốc hội mới sang cả khu C và D theo bản đồ khảo cổ học. Giáo sư đánh giá sự "vênh" nhau này như thế nào?
GS Phan Huy Lê: - Theo tôi biết thì đúng là trong Báo cáo của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có đề xuất ý kiến xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay và có mở rộng (khu C và D theo bản đồ khai quật khảo cổ học). Theo tôi tất nhiên Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường có quyền đề xuất ý kiến của mình để Quốc hội xem xét và quyết định.
Nhưng theo suy nghĩ của tôi, như thế là không phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị trong phiên họp ngày 28-2-2007 và chưa suy tính toàn diện đến yêu cầu bảo đảm tiêu chí Di sản văn hóa thế giới cho khu Di tích Hoàng thành Thăng Long.
Kết luận mới của Bộ Chính trị trong phiên họp ngày 28-2-2007 là vừa khẳng định xây dựng Nhà Quốc hội trong lô D, vừa xác định phương án xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay và dùng toàn bộ khu làm việc và khuôn viên Bộ Ngoại giao hiện nay làm trụ sở của các cơ quan Quốc hội. Kết luận cũng chỉ rõ, việc xây dựng Nhà Quốc hội và bảo tồn di tích cần được triển khai đồng thời trong một qui hoạch tổng thể để tạo thành một quần thể văn hóa trong khu Ba Đình lịch sử gồm từ khu di tích Hoàng thành 18 Hoàng Diệu, thành cổ Hà Nội cho đến các di tích thời đại Hồ Chí Minh như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà Quốc hội...
Nhà Quốc hội cần được xây dựng trang trọng và đồng bộ, gắn với phương án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử trong khu vực trên. Khi được biết kết luận này, qua trả lời phỏng vấn, tôi đã bày tỏ sự hoan nghênh và thái độ đồng thuận. Theo kết luận này, Nhà Quốc hội xây dựng trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay và nếu phát lộ di tích, di vật khảo cổ học thì cần nghiên cứu, lập hồ sơ và thu thập đưa vào Bảo tàng hay Nhà trưng bày.
Thực hiện nghiêm túc kết luận này, chúng ta vừa có Nhà Quốc hội trang trọng trong lô D của Trung tâm chính trị Ba Đình, vừa bảo đảm tính toàn vẹn của khu di tích Hoàng thành Thăng Long để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, khu di tích này với một phạm vi qui hoạch hợp lý là di tích có thể nói là duy nhất hội đủ các tiêu chí để trở thành Di sản văn hóa thế giới. Tôi nghĩ rằng xây dựng Nhà Quốc hội trang trọng xứng đáng với vai trò của Quốc hội, đồng thời bảo đảm tính toàn vẹn của khu di tích Hoàng thành Thăng Long để có một Di sản văn hóa thế giới nằm giữa khu trung tâm của Thăng Long-Hà Nội, đó là trọng trách đang đặt ra cho các đại biểu Quốc hội trước nhân dân và trước lịch sử.
Với kết luận mới của Bộ Chính trị, chỉ cần xác lập một qui hoạch được tính toán hợp lý và một thiết kế hài hòa về qui mô, kiểu dáng là chúng ta có thể đồng thời đạt cả hai mục tiêu: Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay và Di sản văn thế giới giữa lòng Hà Nội. Giới khoa học trong nước và quốc tế, nhân dân cả nước và Việt kiều hải ngoại thực sự đang nóng lòng chờ đợi một quyết định sáng suốt, hợp lòng dân, đáp ứng nguyện vọng tha thiết, chính đáng của toàn dân mà kết luận mới của Bộ Chính trị đã vạch ra phương án thỏa đáng nhất.
Khánh Linh
http://www.vietnamnet.vn/vanhoa/chuyende/2007/03/676002/
• Những phát hiện mới về Hoàng thành Thăng Long (12/02/2007)
- Tội tày trời đã khởi đầu ? Chớ có liều ! Hãy biết kinh, biết sợ ! (20/4/2007)
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire