Hoàng-Sa và Trường-Sa là lãnh-thổ của Việt-Nam
Trương Nhân Tuấn
LTS: Nhân việc tuần qua Trung-Quốc lên tiếng cảnh-cáo Việt-Nam về vấn-đề đặt ống dẫn gaz tại vùng biển Đông, gần quần đảo Trường-Sa; Trung-Quốc cho rằng Việt-Nam đã “xâm-phạm chủ-quyền của Trung-Quốc”. Tòa-soạn Tổ-Quốc quyết định trích đăng lại tài-liệu sau đây nhằm mục-đích cho mọi người thấy sự lên tiếng của Trung-Quốc là hoàn-toàn sai-trái, không căn-cứ. Thực-tế Trung-Quốc không có thẩm-quyền gì ở vùng biển Đông thuộc chủ-quyền của Việt-Nam. Họ thành-công trong việc đặt chân tại vùng này phần lớn là do các lãnh-đạo CSVN trong quá-khứ và hiện-tại.
Tài-liệu này trích từ chương thứ 6 của quyển « Biên-Giới Việt-Trung 1885-2000 » của tác-giả Trương Nhân Tuấn. Nguyên-bản là tập tài-liệu bằng Pháp-ngữ có tựa đề « Les Archipels Hoang-Sa et Truong-Sa Territoire Vietnamien » do Bộ Ngoại-Giao Việt-Nam phát-hành 1981, lưu-trữ tại Trung-Tâm Văn-Khố Hải-Ngoại Pháp (CAOM, Aix-En-Provence, Pháp-Quốc) dưới mã-số Br 14.279.
I. Chiếu theo sử-liệu Việt-Nam :
Dân-tộc Việt-Nam từ lâu đã khám-phá Hoàng-Sa và Trường-Sa. Quốc-gia Việt-Nam đã chiếm-hữu và hành-sử chủ-quyền của mình tại các nơi đây. Nhiều bộ cổ-sử và nhiều bản-đồ xưa của Việt-Nam đã ghi-nhận một cách rõ-rệt rằng Bãi Cát Vàng, Hoàng-Sa, Vạn-Lý Hoàng-Sa, Ðại Trường-Sa hay Vạn-Lý Trường-Sa đã từ lâu là lãnh-thổ của Việt-Nam.
- Bộ Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Ðồ Thư, là bộ bản-đồ của Việt-Nam do Ðỗ-Bá, tự Công-Ðạo, thành-lập vào thế-kỷ thứ 17, đã ghi đại-ý rất rõ-rệt trong phần phụ-chú phủ Quảng-Ngãi, tỉnh Quảng-Nam rằng: “ngoài biển khơi có một quần-đảo với những bãi cát dài, được gọi là Bãi Cát Vàng”, “mỗi năm vào tháng cuối mùa đông, Chúa Nguyễn[1] phái ra đó một hải-đội gồm 18 chiếc thuyền để thu-nhặt hàng-hóa, nhờ vậy mới có được một số-lượng lớn vàng, bạc, tiền, súng-ống và đạn-dược”.
- Bản-đồ Giáp-Ngọ Bình Nam Ðồ do Ðức-Doãn Quận-Công Bùi Thế Ðạt thiết-lập năm 1774 cũng có ghi-nhận Bãi Cát Vàng là một phần lãnh-thổ Việt-Nam.[2]
- Tác-phẩm Phủ-Biên Tạp-Lục của nhà bác-học Lê Quí Ðôn (1726-1784) viết về lịch-sử, địa-lý và hành-chánh của Ðàng Trong (miền Nam hiện nay) dưới thời Chúa Nguyễn, viết rằng những đảo Ðại Trường-Sa (tức Hoàng-Sa và Trường-Sa) thì thuộc về phủ Quảng-Ngãi:
“Ngoài khơi cửa An-Vĩnh[3] thuộc huyện Bình-Sơn, phủ Quảng-Ngãi, có một đảo tên là đảo Ré, chiều dài khoảng 30 dặm[4]. Ngày xưa, dân làng Tu-Chính ra trồng đậu tại đó. Người ta vượt biển đến đó mất bốn canh (một đêm có năm canh). Phía xa hơn đảo Ré là những đảo Ðại Trường-Sa. Ở đó có nhiều hải-sản và hàng-hóa các loại. Công-Ty Hoàng-Sa được thành-lập để ra đó thu-nhặt đồ vật. Phải mất ba ngày ba đêm để đến những đảo nầy, đây là vùng gần Bắc Hải”.
- Ðại-Nam Nhất-Thống Toàn Ðồ là bản-đồ Việt-Nam thành-lập năm 1838, có ghi nhận Hoàng-Sa và Trường-Sa là một phần lãnh-thổ của Việt-Nam.
- Ðại-Nam Nhất Thống Chí, địa-dư chí của Việt-Nam được Quốc-Sử Quán nhà Nguyễn (1802-1945) viết năm 1882, ghi-nhận rằng Hoàng-Sa thuộc lãnh-thổ Việt-Nam và trực-thuộc hành-chánh tỉnh Quảng-Ngãi. Ðoạn văn liên-hệ viết về tỉnh nầy như sau:
“Ở phía Ðông của tỉnh Quảng-Ngãi thì có những đảo cát gọi là Hoàng-Sa; nơi đây cát và biển kết-lẫn vào nhau để tạo thành bờ triền; phía Tây là vùng núi dựng như là những tường-thành chắc-chắn; phía Nam tiếp-giáp với Bình-Ðịnh ở đèo nằm ngang thuộc Bến Ðá; phía Bắc tiếp-cận với tỉnh Quảng-Nam ở đèo Sa-Thọ”.
Từ nhiều thế-kỷ đã qua, nhiều nhà hàng-hải và truyền-giáo tây-phương đã xác-nhận rằng Hoàng-Sa (Parcel hay Paracels) thì thuộc về Việt-Nam:
- Một nhà truyền-giáo tây-phương, đi từ Pháp đến Trung-Hoa năm 1701 trên chiếc thuyền tên Amphitrite, đã viết trong một lá thư như sau: “Hoàng-Sa là một quần-đảo thuộc vương-quốc An-Nam”[5].
- Linh-mục J. B. Chaigneau (Bá-Ða-Lộc), cố-vấn của vua Gia-Long, năm 1820 có viết một phụ-chú thêm vào trong bút-ký “Mémoire sur la Cochinchine”[6]:
“Nước Nam (Cochinchine), đứng đầu là vị Hoàng-Ðế, gồm có Cochinchine (tức miền Nam), Tonkin (miền Bắc)... một số đảo có người sinh-sống không xa bờ và quần-đảo Hoàng-Sa (Paracels), gồm có nhiều đảo nhỏ, đá, bãi san-hô... không có người ở”[7]
- Linh-mục J. L. Tabert, trong “Ghi-nhận về Ðịa-Lý Việt-Nam” (Note sur la géographie de la Cochinchine), xuất-bản năm 1837, đã trình-bày quần-đảo Hoàng-Sa là một phần của lãnh-thổ Việt-Nam và ghi rõ thêm rằng Việt-Nam gọi “Paracels” hay “Pracel” dưới tên là Cát Vàng[8].
Bản-đồ An-Nam Ðại-Quốc Họa Ðồ của ông năm 1838 có vẽ một phần của quần-đảo Hoàng-Sa với phụ-chú : “Paracel hay Cát Vàng”, ở phía ngoài những đảo cận bờ của miền Trung Việt-Nam, tức ở vào vị-trí của Hoàng-Sa hiện-tại.
- Qua bài viết “Géographie de l’Empire Cochinchine” của Gutzlaff năm 1849 trong đó có một đoạn ghi-nhận rằng Paracels thuộc lãnh-thổ Việt-Nam, có tên là “Kat Vang”[9].
Các triều-đại vua chúa cai-trị Việt-Nam trong nhiều thế-kỷ qua đã phái nhiều đội thuyền để thám-hiểm nhằm thẩm-định tài-nguyên ở Hoàng-Sa và Trường-Sa. Những bộ sử và địa-dư chí của Việt-Nam từ thế-kỷ thứ 17 đã ghi lại kết-quả của những cuộc thám-hiểm này:
- Toản Tập Thiên-Nam Tứ Chí Lộ Ðồ Thư (thế-kỷ thứ 17) đại-ý viết:
“Ngoài biển khơi có một quần-đảo kết-tạo bằng những dãi cát dài, có tên “Bãi Cát Vàng”, độ dài khoảng 400 dặm và rộng khoảng 20 dặm, nổi lên từ biển sâu, đối-diện với đoạn bờ biển từ bến Ðại-Chiêm[10] đến bến Sa-Vinh[11]. Vào mùa gió Tây-Nam, những thương-thuyền của các nước đi ngang vùng nầy thường bị đắm, người đi trên thuyền bị chết đói, hàng-hóa dồn đống ở nơi đó.” [12]
- Lê Quí Ðôn (1776) viết trong Phủ Biên Tạp Lục đại-ý như sau:
“Làng An-Vĩnh, thuộc huyện Bình-Sơn, phủ Quảng-Ngãi ở cận biển. Ngoài khơi làng này, về hướng Ðông-Bắc, có trên 130 đảo trải dài, lớn nhỏ hay đá ngầm, từ đảo nầy qua đảo khác khi thì mất một ngày, khi thì mất vài canh bơi thuyền. Trên một vài đảo thì có nước ngọt. Một trong những đảo đó có tên Bãi Cát Vàng, có chiều dài ước-lượng 30 dặm, mặt đảo bằng-phẳng, tọa-lạc ở một vùng nước rất trong; nơi đây có rất nhiều ổ yến. Chim-chóc nhiều vô số kể và chúng tấn-công người không sợ-hãi. Người ta cũng gặp rất nhiều sò-ốc quái-dị, có mầu sắc sặc-sở gọi là ốc tai-tượng, lớn bằng cái nia và dấu trong thân những hạt to bằng ngón tay, màu đục nhưng không đẹp như ngọc trai; vỏ ốc người ta có thể đẽo ra từng miếng hay dùng để chế-biến vôi làm nhà. Cũng có những loại ốc xa-cừ dùng để chạm trổ và ốc hương. Thịt ốc có thể muối hay dùng làm nhiều món ăn. Những thương-thuyền ngoại-quốc bị gặp bão ở vùng biển thì thường bị đắm và trôi dạt vào ở những đảo này”.
- Ðại-Nam Thực-Lục Tiền Biên, là một quyển lịch-sử nói về các Chúa Nguyễn, do Quốc-Sử Quán viết năm 1844 (nhà Nguyễn) viết đại-ý như sau:
“Ngoài khơi làng An-Vĩnh huyện Bình-Sơn phủ Quảng-Ngãi có hơn 130 đảo và đá ngầm lớn nhỏ, trải dài hàng ngàn dậm nên gọi là Vạn-Lý Trường-Sa; khoảng cách từ đảo này đến đảo kia độ một ngày hoặc vài canh đi thuyền. Trên một vài đảo có giếng nước ngọt. Sản-phẩm ở đây gồm hải-sâm, rùa, đồi-mồi, sò ốc có hình màu sắc sặc-sở v.v...”
- Ðại-Nam Nhất Thống Chí (1882) có ghi đại-ý:
“Quần-đảo Hoàng-Sa ở phía Ðông của đảo Ré, huyện Bình-Sơn. Bắt đầu từ bờ biển Sa-Kỳ, nếu thuận gió người ta có thể đi đến đó trong ba hay bốn ngày thuyền. Người ta tính có hơn 130 đảo và đá ngầm lớn nhỏ, những đảo này cách nhau có khi một ngày, có khi vài canh đi thuyền. Trong những đảo này có những bãi cát vàng trải dài hàng trăm dặm gọi là Vạn-Lý Trường-Sa. Trên những dãi cát đó có giếng nước ngọt và chim-chóc ở đó nhiều vô số kể. Ngưòi ta cũng thấy có hải-sâm, rùa, sò-ốc có màu sắc sặc-sở, đồi-mồi... và hàng-hoá của những thương-thuyền bị bão đánh đắm”.
( còn nữa )
Trương Nhân Tuấn
[1] Dòng dõi Chúa Nguyễn 1558-1775, lãnh-đạo Đàng Trong, tức miền Nam VN hiện nay.
[2] Xem bộ Hồng-Đức Bản-Đồ.
[3] Phía Nam của Sa-Kỳ, làng An-Vĩnh ở trên đảo Ré cũng thuộc Quảng-Ngãi.
[4] Đơn-vị đo chiều dài của Việt-Nam, khoảng 500 mét.
[5] Xem « Mistère des Atolls – Journal de Voyage au Paracel », đăng trong tuần báo « Indochine » số 3, 7 và 10 tháng 7 năm 1941.
[6] Từ-ngữ Cochinchine hay Cochinchina trong các bài viết của người Tây-Phương thì gồm có hai nghĩa tùy theo hoàn-cảnh : Việt-Nam hay chỉ là miền Nam.
[7] A. Salles có ghi lại trong « Bulletins des Amis du vieux Huê », số 2, 1923, trang 257.
[8] Note on Geography of Cochinchina của Linh-Mục Jean Louis Tabert, đăng trong The Journal of the Aslatie Society of Bengal. Vol VI, 1837, page 745.
[9] Geography of the Cochinchinese Empire, đăng trong The Journal of the Royal Geography Society of the London, bộ số XIX, 1849, trang 93.
[10] Tức là bến Cửa Đại thuộc Quảng-Nam – Đà-Nẵng.
[11] Sa-Vinh tức Sa-Huỳnh hiện nay, thuộc tỉnh Quảng-Ngãi.
[12] Ngày xưa Bãi Cát Vàng là một vùng rất nguy-hiểm, đầy dẫy những dãi cát và đá ngầm, ở ngoài khơi của Biển-Đông.
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire