Tưởng Niệm Thống Tướng William Westmoreland (1914-2005)
Vũ Hữu Trưởng
Tướng William Westmoreland là Đại Tướng 4 sao của Quân Đội Hoa Kỳ, nắm quyền tư lệnh chỉ huy Quân Lực Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1968 (nên được gọi là thống tướng (highest commander), tương đương chức thống soái hay nguyên soái của quân lực đông phương. Xin mời quý vị đọc bài sau đây của ông Vũ Hữu Trưởng viết về vị danh tướng này.
THÀNH KÍNH TRI ÂN VÀ TIỄN BIỆT THỐNG TƯỚNG WESTMORELAND
Vũ Hữu Trường
Ðối với người Việt sinh sống tại Miền Nam Việt Nam trước 1975, nhất là với các chiến hữu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thống tướng Westmoreland là nhân vật được nhiều người biết đến và kính trọng vì ông từng giữ trọng trách tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam vào những năm 1964-1968, trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam có nhiều biến cố sôi nổi nhất.
Theo lý lịch quân bạ, William Westmoreland sinh ngày 26 tháng 3 năm 1914 tại Spartanburg, tiểu bang South Carolina, trong một gia đình có nghề dệt vải và ngành Ngân hàng. Sau khi tốt nghiệp Trung học, Westmoreland gia nhập Viện Quân sự tại West Point, New York. Tại trường huấn luyện, chàng trai trẻ đã nêu gương sáng về tận tụy, chấp nhận gian khó và tay nghề tinh xảo, khiến các đồng đội phải thán phục và kính nể. Do đó, khi tốt nghiệp vào năm 1936, dù không đạt được điểm cao, nhưng với tài năng lãnh đạo, Westmoreland được các bạn đồng khóa bầu làm thủ khoa khóa sinh tốt nghiệp, một vinh dự và cấp bậc cao nhất dành cho sĩ quan tốt nghiệp.
Vào quân nghiệp thời Thế Chiến II (1939-45), ông là sĩ quan phục vụ trong ngành Pháo Binh tại Tunisia, Sicily, Pháp, Bỉ và Ðức, từ 1942 đến 1944. Năm 1944-45, ông làm chỉ huy trưởng Sư đoàn 9 Bộ binh và từ 1960-63, làm Tổng giám thị tại Viện Quân sự West Point. Ông được vinh thăng Ðại tướng và giữ chức vụ Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam năm 1964-68. Sau đó, trở về Hoa Kỳ, ông làm tham mưu trưởng Lục Quân từ 1968 cho đến khi về hưu vào 1972. Là một cựu chiến binh, năm 1974, ông dự định ứng cử vào chức vụ thống đốc bang South Carolina, nhưng bất thành.
Năm 1982, tại thủ đô Washington, ông hướng dẫn cuộc tuần hành của các nhóm cựu quân nhân nhằm vinh danh Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tại Việt Nam. Cố Thống tướng William Westmoreland có vợ, ba con, một trai, hai gái. Ông qua đời tại nhà hưu dưỡng Bishop Gadsden tối Thứ Hai 18-7-2005, hưởng thọ 91 tuổi.
Tưởng nhớ Thống tướng Westmoreland.
Trong thời gian đảm trách chức vụ Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, từ 1964 đến 1968, Thống tướng Westmoreland đã được biết đến qua những hoạt động tiêu biểu như sau:
Năm 1964, khi ông nhậm chức thay tướng Paul Harkins, tổng số quân đội Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam là 16,000 người. Ông đã xin tăng thêm quân và quân số lên 60,000 người vào 1965; rồi 268,000 người năm 1966, đến 449,000 người năm 1967 và 535,000 quân nhân các cấp vào 1968. Trong vai trò tổng tư lệnh, ông đã xin Quốc Hội và chính phủ Hoa Kỳ cho phép quân đội tiến hành các cuộc tiến công vào sào huyệt của Cộng sản tại Cambodge, Ai lao và Bắc Việt, nhưng đệ trình của ông không được chấp thuận. Tháng 7-1965, cơ quan Hoa Kỳ Chỉ huy Hỗ trợ Quân sự tại Việt Nam - Military Assistance Command, Vietnam, gọi tắt là MACV, nhận xét rằng việc Hoa Kỳ hỗ trợ có hiệu quả cho các Vùng I, II và III Chiến Thuật vì với quân số và quân viện gia tăng, quân đội Hoa Kỳ và đồng minh có thể hỗ trợ đắc lực cho quân đội VNCH. Trái lại, tại Vùng IV Chiến thuật, với đồng bằng sông Cửu Long trải rộng, số cộng quân từ Cambodge, Ai lao, xâm nhập vào dân cư ở các tỉnh, thành, thị trấn phì nhiêu của Miền Nam VN, càng ngày càng gây áp lực nặng nề vào Quân lực VNCH. Với sự đồng ý và hỗ trợ của tướng Westmoreland, phụ tá của ông là Trung tướng William E. DePuy, đặc trách MACV, đã tiến hành hình thành kế hoạch Lực lượng Ven Kinh Rạch Di động, Mobile Riverine Force, viết tắt là MRF, cơ bản được hoàn tất cuối năm 1965 với quân tuần tra ven sông, kinh, rạch, vào hang ổ VC.
Từ tháng 3-1966, hoạt động của MACV do tướng DePuy phụ trách, dưới sự chỉ huy của tướng Westmoreland, lại phối hợp với Bộ Chỉ huy Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, mở rộng hoạt động tại các tỉnh đến phía Bắc sông Mê-kông, như Gò Công, Ðịnh Tường, Kiến Phong, Kiến Tường, vượt cả phía Bắc vùng đồng bằng Bãi Sậy. Lực lượng MRF gồm các chiến sĩ được huấn luyện tinh vi, kể cả quân binh đặc biệt mang tên SEAL, với trang bị tối tân, là sức mạnh xung kích vào cộng quân xâm nhập suốt các sông ngòi kinh rạch chằng chịt tại Ðồng Bằng Sông Cửu Long. Tuy vậy, trong thời gian phục vụ, tướng Westmoreland đã gặp phải một biến cố quan trọng là vụ cộng quân tổng tấn công dịp Tết Mậu Thân 1968, đem quân xâm nhập tới cả Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ ở đường Thống Nhất Sàigòn. Tuy cuộc tiến chiếm chỉ trong vòng một ít giờ, nhưng biến cố cũng gây tiếng vang tại Mỹ, vì qua các cơ quan truyền thông, nhất là truyền hình và báo chí, dư luận đại chúng Hoa Kỳ chê trách các lực lượng quân đội Mỹ-VNCH đã để cho cộng sản Bắc Việt đánh vào Tòa Ðại sứ Mỹ ở Sàigòn. Như thế xem như bằng chứng cụ thể về yếu kém trong tình báo, phòng chống, bảo vệ và tiến công của quân đội Hoa Kỳ, của quân Ðồng Minh và quân lực VNCH trước mưu đồ xâm lăng của cộng quân.
Sau biến cố nầy, thống tướng Westmoreland phải thuyên chuyển về Washington vì tai tiếng cho rằng ông đã đánh giá sai về sức mạnh của đối phương cộng sản. Nhưng ông không sờn lòng mà vẫn tiếp tục yêu cầu gia tăng quân viện hầu đối phó với mưu đồ tấn công điên rồ của CS Hà nội. TT Lyndon Johnson đưa ra kế hoạch giới hạn gia tăng quân số, tiến đến thời biểu rút quân đội ra khỏi Việt Nam. Dù vậy, quân lính Hoa Kỳ cũng đã lên đến 539,000 người vào 1969 và giảm xuống 415,000 người năm 1970, đến mức 239,000 quân năm 1971 và chỉ còn 47,000 người vào năm 1972.
Từ thập niên 1960 đến 30 tháng 4-75, khi CS Bắc Việt bất chấp Hiệp Ước Paris (27-1-1973), đem quân tràn ngập thủ đô Sàigòn, cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ đã phải hy sinh hơn 58,000 quân nhân tại Việt Nam.
Ðặc điểm mà thống tướng Westmoreland đã để lại trong lòng người Việt quốc gia và đa số các cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam là lập trường kiên định của ông xác quyết về chiến thắng của Chính Nghĩa: Cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Việt Nam cho Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền là cuộc chiến có chính nghĩa, hợp với ước nguyện của con người, đáng được ủng hộ. Sau khi rời quân ngũ, ông đã đi đến nhiều nơi để trình bày lập trường của ông và tích cực tham gia vào các cuộc hội thảo bênh vực các Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tại Việt Nam. Năm 1982, đài CBS đã đưa ra tài liệu tựa đề “The Uncounted Enemy: A Vietnam Deception” (Không lượng định được địch quân: Một sự thất vọng tại Việt Nam), hàm ý cho rằng ông (Westmoreland) đã báo cáo sai lầm với TT Lyndon Johnson và quần chúng Hoa Kỳ về sức mạnh của quân đội cộng sản tại Việt Nam. Tướng Westmoreland đã kiện đài PBS và đòi bồi thường 120 triệu Mỹ Kim vì đã nhục mạ danh dự của ông. Theo ông vấn đề “không phải về chiến tranh Việt Nam đúng hay sai, mà phải xét xem tại đất nước của chúng ta, một hệ thống truyền hình có được quyền phá hoại danh tiếng của một con người có danh dự chăng?” Thế nhưng, sau 18 tuần lễ tranh biện tại New York, nội vụ được thu xếp ổn thỏa.
Tướng Westmoreland là một quân nhân thuần túy, từng tham gia tích cực vào ba cuộc chiến, Thế Chiến II tại Âu Châu (vào 1942-44); cuộc chiến tại Triều Tiên (vào thập niên 1950), và chiến tranh Việt Nam (từ 1964 đến 1968). Ðối với nhiều người Mỹ, ông Westmoreland là nhà lãnh đạo quân sự mà tài năng chiến thắng đã bị làm lu mờ do những chính trị gia do dự và bất nhất. Các nhóm Cựu Chiến Binh thường hoan nghênh nhiệt liệt phát biểu sâu sắc qua các diễn văn của ông. Họ nhìn nhận và đề cao như vị thủ lãnh của các cựu chiến binh Hoa Kỳ.
Ðối với các đoàn thể chính trị của người Việt tại hải ngoại, Thống tướng Westmoreland là thành viên danh dự của Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do, một tổ chức hình thành do công sức của Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã bôn ba vận động các chính khách ngoại quốc trợ lực với mục tiêu yểm trợ công cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ thực sự.
Hai mươi năm sau biến cố Thảm Nạn 30 tháng Tư 1975, cựu thống tướng Westmoreland đã tham dự và phát biểu ý kiến trong cuộc Hội Thảo Chính trị Quốc tế do UBQT/YTVNTD tổ chức vào ngày 2 tháng 5, 1995, tại Tòa Nhà Thượng Viện Hoa Kỳ, gọi là Dirksen Senate Building, thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Ðáp lại Câu hỏi: “Thống tướng nghĩ sao về biến cố 30-4-75?” Tướng Westmoreland cho biết: “Quân đội Hoa Kỳ và Quân Lực VNCH không thua cuộc chiến tại Việt Nam, mà chính những nhà hoạch định chính sách và các thành viên trong Quốc Hội Hoa Kỳ đã đòi buộc chúng ta thua cuộc chiến đó...”
Ðối với các chiến sĩ Quân Lực VNCH, Thống tướng Westmoreland khẳng định: “Tôi đã cùng chiến đấu với các anh trong 4 năm, tôi kính phục các anh và giờ đây, tôi vẫn tiếp tục kính phục các anh. Theo tôi, Tự do Dân chủ, cuối cùng sẽ thắng!”.
Các tham dự viên và phóng viên báo chí còn nêu câu hỏi:
- “Là Tư Lệnh Quân đội Mỹ ở Việt Nam, Thống tướng nhận xét thế nào về tinh thần và khả năng chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ và quân đội Miền Nam Việt Nam khi đối đầu với quân cộng sản Bắc Việt?”
Thống tướng Westmoreland đáp:
“Tôi kính trọng tinh thần chiến đấu của quân đội Miền Nam Việt Nam. Về phía quân đội Hoa Kỳ, tôi thấy không có gì để nói thêm. Bởi vì cuộc chiến ở Việt Nam chấm dứt xuất phát từ vấn đề chính trị chứ không phải vấn đề quân sự!”
(Thời Luận 11-5-95 ICFV - Nguyễn Vạn Hùng phỏng vấn TT Westmoreland).
(Trích “Những Trận Ðánh Không Tên Trong Quân Sử” do Nhóm Những Nhà Văn Quân Ðội, January 2003.
Từng là một cựu quân nhân Quân Lực VNCH, là người Việt quốc gia yêu chuộng Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, chúng tôi xin thành kính bày tỏ lòng tri ân đối với vị tướng lãnh Hoa Kỳ đã nhiệt tình, tận tụy với chính nghĩa Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam đồng thời tỏ lòng thương tiếc tiễn biệt Anh Hùng Westmoreland.
Cầu chúc vong linh Thống Tướng về Nơi Yên Nghỉ Vĩnh Phúc!
Vũ Hữu Trường
http://www.congdongvietnam.com/cdvn/tp.asp?topicID=2881&subcateID=1&cateID=1&offset=0
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire