Lời phân trần của tướng Dương văn Minh về ngày 30 tháng 4 năm 1975
--------------------------------------------------------------------------------
• Trần Viết Ðại Hưng
Tướng Dương văn Minh
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã trôi qua được trên 31 năm. Thường thì thời gian là yếu tố xóa nhòa mọi nỗi đau của quá khứ, nhưng đối với đa số người miền Nam, vết đau 30 tháng 4 còn tươi rói vì những đau đớn, mất mát xảy ra cho họ và gia đình do Cộng sản gây ra sau ngày 30 tháng 4.
Hàng ngàn người bỏ mình trong những trại tù cải tạo độc ác, tàn bạo của Cộng sản, hàng trăm ngàn người bỏ mình trên biển cả khi vượt biển tìm tự do. Nghĩ đến ngày 30 tháng 4, đa số người dân miền Nam oán trách Tổng Thống Dương văn Minh ra lệnh đầu hàng để đưa đến cảnh "nước mất nhà tan " sau này.
Từ trước đến nay đã có nhiều dư luận phê phán chuyện đầu hàng ô nhục của tướng Minh nhưng tâm tư và suy nghĩ của tướng Minh khi quyết định đầu hàng Cộng sản là chuyện không ai suy đoán nổi. Ông Minh không viết sách và tránh trả lời phỏng vấn của báo chí nên khó ai đoán biết tâm tư, suy nghĩ của ông khi đầu hàng như thế nào. Sau này mới biết tướng Minh đã bộc bạch tâm tư suy nghĩ của ông về quyết định đầu hàng trong biến cố 30 tháng 4 trong một lá thư gửi cho một người đàn em cũ là Trung tướng Nguyễn Chánh Thi vào năm 1987 khi tướng Minh ở Pháp. Xin cám ơn Trung tướng Thi đã cho phép người viết bài này công bố bức thư của tướng Minh để soi sáng phần nào lịch sử Việt Nam cận đại.
Ðại tướng Dương văn Minh nhậm chức Tổng thống do Tổng thống Trần văn Hương trao lại chỉ vài ngày trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.( Dương văn Minh nhậm chức tổng thống vào ngày 27 tháng 4 năm 1975..Bởi vậy người ta thường gọi Dương văn Minh là tổng thống 3 ngày ). Buổi chiều nhậm chức tổng thống trong dinh Ðộc lập thì trời u ám và có mưa.. Phóng viên Nguyễn mạnh Tiến ( hiện nay đang làm ở Ðài Á châu tự do) lúc ấy đang làm cho Ðài phát thanh Sài Gòn, đã tường thuật buổi lễ nhậm chức này. Phóng viên Tiến đã bắt đầu bài phóng sự tường trình bằng câu nói " Buổi lễ nhậm chức tổng thống xảy ra vào buổi chiều trong dinh Ðộc lập trong khi bên ngoài trời mưa u ám như tình thế đất nước hiện tại.." Trực giác cảm nhận của Phóng viên Tiến thật chính xác vì chỉ vài ngày sau, miền Nam rơi vào tay Cộng sản để rồi đưa đến bao tang tóc, mất mát cho dân chúng miền Nam.
Toàn bộ bức thư của Tướng Dương văn Minh viết cho Tướng Nguyễn chánh Thi có nội dung như sau:
--------
15-4-87
" Thi,
Ðược tin Thi tôi rất mừng. Lúc nào tôi cũng nhớ anh em thuở xưa, mà tôi còn lưu lại rất nhiều kỷ niệm.
Từ khi tôi đến nước Pháp tới nay, lật bật đã gần sáu năm rồi, sống với một cuộc đời réfugié tuy có thong thả nhưng lúc nào cũng bận tâm. Thoát được chế độ Cộng sản với hai bàn tay không _ Pháp chẳng giúp đỡ gì _ mình sống ẩn thân trong một đô thị thật nhỏ, kể ra cũng tạm yên.
Nghe Thi kể chuyện các anh em quân nhân, tôi rất khổ tâm. Lúc đó tôi bị đày ở Bangkok cho nên có nhiều việc tôi không được rõ hết.
Anh em có đọc sách của anh Ðỗ Mậu kể chuyện lại cho tôi nghe; tôi phải công nhận anh Ðỗ Mậu kể chuyện như vậy là rất can đảm. Lên án Cần- lao và Công-giáo đến mức đó là cùng. Ngoài ra, anh Ðỗ Mậu có trách tôi không biết tự tử như các bực tiền bối, cũng có phần đúng. Nhưng đây chỉ là một vấn đề quan niệm mà thôi.
Theo tôi, tự tử không phải lúc nào cũng là đúng. Ðôi khi mình phải dám sống để hứng nhận những hậu quả cho sự quyết định của mình gây ra. Có lẽ anh Ðỗ Mậu ( cũng như nhiều người ) không rõ là tôi lấy quyết định cuối cùng sau khi đã tham khảo ý kiến với một số những vị dân biểu và nghị sĩ còn lại, với những anh em quân nhân đến gặp tôi vào giờ chót, với các thầy mà trong đó thầy Trí Quang và Trí Thủ đã nói và đã nhắn nhủ để cứu dân.
Riêng tôi, tôi không tự tử không phải vì thiếu can đảm, nhưng vì những lý do rất đơn sơ:
- Tôi không tự sát vì thân thể mình do Trời Ðất ( Ân trên) kết tạo, cha mẹ sanh dưỡng, mình không có quyền hy sinh.
- Mình có quyền hy sinh: tên tuổi, uy tín, tài sản, công nghiệp v..v Tóm tắt mình chỉ có quyền hy sinh những gì mình tạo ra mà thôi.
Ðây là một lý thuyết tôi đã hấp thụ từ khi biết khôn và áp dụng suốt đời, đối với tôi cũng như đối với tất cả người khác. Hôm nay tôi nói ra để cho Thi hiểu, vì lúc nào tôi cũng xem Thi như một người em trên mọi mặt, chớ không phải nói ra để phân trần chi chi. Tôi đã dám làm thì tôi cũng dám chấp nhận những búa rìu bất cứ từ đâu tới. Không có gì thắc mắc cả, và tôi coi đây chỉ là một giai đoạn thôi. Cầu xin dân ta và anh em giữ vững tinh thần thì có ngày sum họp trên quê cha đất tổ.
Tôi đã nói nhiều quá ! Lúc nào tôi cũng nhớ anh em, nhờ Thi gởi lời thăm tất cả. Tôi không mong gì hơn được gặp lại các bạn.
Thân mến
Dương văn Minh"
-----
Ðọc những lời phân trần trên của tướng Minh cho thấy những ảnh hưởng đến từ bên ngoài về quyết định đầu hàng Cộng sản ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ông cũng biện bạch cho quyết định không tự tử của ông sau khi đầu hàng. Thật ra những người đặt vấn đề tướng Minh nên tự tử vì nhìn gương của những bậc tiền bối như quan đại thần Phan thanh Giản đã uống thuốc độc tự tử khi phải giao mấy tỉnh ở miền Nam cho Pháp và quan Tổng đốc Hoàng Diệu treo cổ tự tử khi thành Hà Nội mất vào tay quân Pháp.
Sau này nhìn những tấm gương tử tiết của 5 vị tướng Phạm văn Phú, Trần văn Hai, Lê nguyên Vỹ, Lê văn Hưng, Nguyễn khoa Nam người ta lại tiếc cho tướng Dương văn Minh đã không tử tiết để nêu gương anh dũng cho ngàn sau. Dĩ nhiên quyết định tìm đến cái chết không phải lúc nào cũng là một quyết định dễ dàng trong bất kỳ tình huống nào của cuộc sống.
Tướng Minh đã biện luận cho quyết định không tự sát để duy trì mạng sống của ông vì lề lối suy nghĩ của ông và ông cho biết là ông sẵn sàng nhận chịu mọi sự phê phán của thế gian. Ða số dư luận quần chúng đánh giá tướng Minh thuộc loại người nhu nhược, hèn nhát, tham sống sợ chết.
Tướng Minh đã qua đời vào tháng 8 năm 2001 ở California, Hoa Kỳ. Hai tháng sau đó Tổng thống Thiệu cũng qua đời ở Boston . Biến cố miền Nam rơi vào tay cộng sản miền Bắc đã làm tử thương biết bao nhiêu nhân mạng của chiến sĩ và đồng bào, riêng hai ông tổng thống có trách nhiệm là Nguyễn văn Thiệu và Dương văn Minh đều chọn cách chết già êm ả. Thật đáng tủi hổ cho hai ông khi mang tiếng là lãnh đạo quốc gia trong thời ly loạn!
Sau khi được thông báo trả tự do, tướng Dương Văn Minh (phải) đã có cuộc gặp gỡ thân mật với tướng Trần Văn Trà - chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định. (vnexpress.net)
Phải nói rằng khi Tổng thống Nguyễn văn Thiệu từ chức ngày 21 tháng 4 năm 1975 thì tình hình miền Nam đã đi tới giai đoạn hết thuốc chữa. Quyết định không viện trợ khẩn cấp 300 triệu của Quốc Hội Mỹ coi như cái chết của miền Nam chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sau này có nhiều dư luận đặt vấn đề là tại sao Tổng thống Nguyễn văn Thiệu không bán đi 16 tấn vàng trong ngân khố để lấy tiền mua vũ khí cho quân đội miền Nam tiếp tục chiến đấu. Dĩ nhiên Tổng thống Thiệu không phải ngu dại gì mà không biết đến điều ấy nhưng phải thấy rằng chuyện giật sập miền Nam năm 1975 là quyết định của Mỹ và chắc chắn Mỹ sẽ không dễ dàng cho phép ông Thiệu bán vàng để mua vũ khí bảo vệ miền Nam.
Ông Thiệu thì không bao giờ làm cái gì trái ý Mỹ vì sợ Mỹ . Số vàng 16 tấn này sau này lọt vào tay Cộng sản sau 1975 và theo sự tiết lộ của cựu Ðại tá miền Bắc Bùi Tín thì số vàng này cũng dần dần bị tẩu tán bởi những tay lãnh đạo tham ô ở miền Bắc.
Phải nói là ở thời điểm ký Hiệp định Paris năm 1973, chắc chắn ở cương vị lãnh đạo, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu cũng nhìn thấy rõ sự rút lui chạy làng của người đồng minh Hoa Kỳ.. Ðáng lý ra ông Thiệu phải lo xây dựng chiến khu ở miền Tây để phòng sau này Sài gòn có bị mất thì ông sẽ về miền Tây lãnh đạo cuộc kháng chiến. Nhưng ông Thiệu không phải là người lãnh đạo yêu nước, thương dân. Ông chỉ quan tâm nhiều đến mạng sống và của cải của ông và gia đình. Ông tiếp tục bám víu quyền lực ngày nào còn viện trợ Mỹ, nghĩa là ngày nào còn xôi thịt.
Cuộc bầu cử độc diễn năm 1971 cho thấy ông Thiệu dùng mọi thủ đoạn xấu xa, bẩn thỉu để duy trì quyền lực. Ðến khi đất nước lâm nguy, Mỹ cúp viện trợ thì lúc ấy ông mới từ chức và tính chuyện " được làm vua, thua chạy trước ". Tội làm mất miền Nam là của Tổng thống mặt trơ trán bóng vô liêm sỉ Nguyễn văn Thiệu chứ nhất định không phải là tội của tướng Dương văn Minh.
Sau này có người đặt vấn đề với ông Thiệu về tội lỗi của ông trong chuyện làm mất miền Nam vào tay Cộng sản thì ông trâng tráo trả lời " Tôi chỉ có trách nhiệm mà không có tội " ..Thế nào là có trách nhiệm mà không có tội ?
Ðó là lối ăn nói của loại người vô liêm sỉ , thiếu tự trọng như Nguyễn văn Thiệu. Hãy nhìn cái hành vi tháo chạy nhục nhã , cam tâm bỏ lại chiến sĩ đồng bào trong vòng lửa đạn thì mới thấy ông Thiệu không có được một chút liêm sỉ và danh dự tối thiểu của người lãnh đạo.
Ðám đàn em của ông như Nguyễn tiến Hưng, Nguyễn bá Cẩn, Nguyễn văn Ngân viết sách viết báo nhằm bao che cho tội lỗi của chủ cũ Nguyễn văn Thiệu nhưng ông làm sao tránh khỏi búa rìu dư luận trước hành động hèn nhát bỏ anh em chiến sĩ, đồng bào của ông được. Bản chất của ông Thiệu là tham nhũng xôi thịt nên không ai ngạc nhiên gì khi thấy những hành động hèn kém, nhục nhã của ông trong biến cố 30 tháng 4 năm 1975.
Một con người khó có thể biến từ tiểu nhân thành quân tử trong một sớm một chiều. Khi cầm quyền thì chỉ biết làm tiền, tham nhũng thì làm sao có chuyện hy sinh cao cả cho đồng bào chiến sĩ khi nguy hiểm cận kề.
Một điều nữa cũng nên nói ra ở đây là trong những ngày hấp hối của miền Nam, có một chuyện lạ kỳ là Trung Cộng đã tìm cách liên lạc với chính phủ Dương văn Minh với ý định muốn viện trợ cho miền Nam chống lại sự tấn công của Cộng sản miền Bắc.
Trong một cuộc nói chuyện thân mật với anh em sinh viên ở Pháp sau khi định cư ở Pháp , tướng Dương văn Minh có kể lại chuyện này và cho biết ông từ chối đề nghị giúp đỡ của Trung Cộng vì nghĩ rằng Trung Hoa là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt. Ông Minh cho rằng chuyện nhận viện trợ của Trung Cộng là một chuyện làm không có lợi cho đất nước Việt Nam.
Cựu dân biểu VNCH Lý quý Chung ( vốn là bộ trưởng thông tin trong chính phủ Dương văn Minh) trong cuốn sách " Hồi ký không tên " xuất bản ở Việt Nam mới đây cũng có nói đến chuyện này nhưng ông Chung không dám nêu đích danh Trung Cộng mà chỉ nói đến một cách bóng gió. (1)Lý do là mối quan hệ giữa Việt Cộng và Trung cộng đang hồi thắm thiết hữu nghị nên ông Trung không dám nêu đích danh Trung Cộng là kẻ đã tìm cách viện trợ cho chính phủ Dương văn Minh của Việt Nam Cộng Hòa nhằm cứu vãn sự sụp đổ của miền Nam trước sự tấn công của miền Bắc.
Tại sao Trung cộng đã viện trợ cho Việt cộng trong nhiều năm mà lại tìm cách cứu vãn miền Nam khỏi sự sụp đổ trong những ngày tháng cuối cùng ?
Câu trả lời là mặc dù Trung cộng viện trợ cho Việt cộng vì là anh em trong khối xã hội chủ nghĩa nhưng Trung cộng rất ngại chuyện Việt cộng chiến thắng ở miền Nam vì Trung cộng nghĩ rằng một nước Việt Nam thống nhất và hùng cường sẽ là trở ngại cho âm mưu bành trướng bá quyền của Trung cộng. Ðó là nguyên nhân Trung cộng làm một chuyện rất nghịch lý và khó hiểu là tìm cách thương thảo để viện trợ cho chính phủ Dương văn Minh của miền Nam trong những giờ phút hấp hối.
Trung cộng tìm cách viện trợ cho miền Nam không phải vì thiện ý mong muốn nhân dân miền Nam được sống trong tự do mà vì không muốn nhìn thấy một nước Việt Nam thống nhất hùng cường, và chuyện này có hại có âm mưu bành trướng lãnh thổ của Trung cộng.
Tháng 12 năm 1976, Cộng sản mở Ðại hội Ðảng lần thứ 4 tại Hà Nội . Tất cả những đảng Cộng sản anh em trên thế giới đều gửi phái đoàn tham dự, kể cả đảng cộng sản ở quốc gia tư bản như Ðảng Cộng sản Pháp. Thế mà Trung Cộng không gửi phái đoàn tham dự đại hội Ðảng lần thứ 4 này của Việt Cộng . Nói thế để thấy Trung Cộng rất cay cú trước chiến thắng ở miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 của Việt Cộng.
Không hiểu sau này khi dâng đất, dâng biển tặng cho Trung Cộng thì Việt Cộng có biết được chuyện Trung Cộng đã tìm cách viện trợ cho miền Nam chống lại cuộc tấn công của Việt Cộng năm 1975 hay không?
Sau ngày đổi đời 30 tháng 4 năm 1975, Cộng sản đã không cho "tắm máu " hàng loạt như một số phóng viên ngoại quốc dự đoán nhưng đã cho " phơi xương" từ từ những người miền Nam ngã ngựa trong những trại tù cải tạo. Chính vị sự chết chóc do Cộng sản gây ra cho người miền Nam sau 30 tháng 4 làm cho người ta oán trách quyết định đầu hàng của Dương văn Minh. Nói Dương văn Minh đầu hàng để tránh sự đổ máu cho nhân dân miền Nam là một nhận xét không hoàn toàn đúng. Sài gòn không bị san thành bình địa vì quyết định đầu hàng của Dương văn Minh nhưng máu của người miền Nam vẫn tiếp tục đổ sau ngày 30 tháng 4..
Cựu Thủ tướng VC Võ văn Kiệt đã thẳng thắn ca ngợi quyêt định đầu hàng của Dương văn Minh trong một bài viết kỷ niệm ngày 30 tháng 4 mới đây. Dĩ nhiên quyêt định này đã tiết kiệm nhiều sinh mạng bộ đội miền Bắc. Cộng sản trả ơn cho Dương văn Minh bằng cách không đưa Dương văn Minh vào trại cải tạo và cho ra đi nước ngoài định cư sau này. Nếu sau ngày 30 tháng 4 mà không có sự trả thù tàn bạo của Cộng sản đối với những người miền Nam ngã ngựa thì dư luận phê phán chắc chắn sẽ bớt nghiêm khắc về quyêt định đầu hàng của Dương văn Minh.
Ðỗ Mậu trong cuốn hồi ký " Việt Nam máu lửa quê hương tôi " đã phê phán ông Minh vận động để lên chức tổng thống trong những ngày cuối của miền Nam là một chuyện " ách giữa đàng, mang vào cổ " . Ðó là một nhận xét chí lý. Ông Minh không phải là một nhà chính trị khôn ngoan, can đảm, quyền biến. Ông đã sai lầm khi tìm cách giành chức tổng thống trong giờ phút đất nước dầu sôi lửa bỏng nên ông đã phải hứng chịu nhiều sự chê trách, phê phán trong quyết định đầu hàng nhục nhã trong ngày 30 tháng 4. Nếu có một người lãnh đạo can đảm, tự trọng thì miền Nam dù có thua trận vì bị Mỹ bỏ cũng không có cảnh đầu hàng ô nhục như ngày 30 tháng 4. Còn nhớ lúc bộ đội Cs tiến vào dinh, Tổng thống Dương văn Minh ngỏ lời " Chúng tôi đang chờ các ông tới để bàn giao".
Tên bộ đội dội ngay một gáo nước lạnh vào mặt Dương văn Minh, " Các anh không có gì để mà bàn giao. Các anh chỉ còn đầu hàng vô điều kiện mà thôi". Không hiểu ông Minh có nhục nhã khi bị mắng như trên không? Chỉ vì quá quý trọng mạng sống mà ông bị làm nhục quá sức. Một người lãnh đạo có liêm sỉ và tự trọng không bao giờ chấp nhận để cho đối phương làm nhục như thế cả. Mạng sống quý thật nhưng đôi khi danh dự và liêm sỉ của một con người, nhất là người lãnh đạo quốc gia, lại càng quý hơn. Sống đục sao bằng thác vinh là như thế.
Có đọc lá thư trên mới thấy Dương văn Minh là con người hiền hòa, nhưng rõ ràng ông không có cái Dũng của một người làm tướng. Về điểm này ông giống Ðại tướng Võ nguyên Giáp của miền Bắc, cúi đầu nhận chức Cai đẻ mà không dám hó hé phản đối.
Trong phạm vi gia đình, sai lầm của người chủ gia đình có thể dẫn tới chuyện gia đình ấy suy sụp, tan vỡ. Còn nếu làm tới chức vụ nguyên thủ quốc gia như tướng Dương văn Minh mà " tham sinh úy tử " , nhu nhược, thiếu khôn ngoan quyền biến thì chỉ đưa quốc gia đến chỗ suy tàn, thảm bại. Bài học Dương văn Minh dành cho những người làm chính trị là phải luôn tự lượng sức mình, nếu mình " tài hèn, trí đoản " , tham sống sợ chết mà cứ nhắm tới những chức vụ to tát lãnh đạo quốc gia thì chức vụ cao trọng này không mang lại vinh quang mà chỉ mang lại cho mình những sự nhục nhã ê chề và bị bia miệng ngàn đời chê trách.
Los Angels, một chiều hiu quạnh, đìu hiu đầu tháng 10 năm 2006
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG
Email: dalatogo@yahoo.com
Trong cuốn sách " Hồi ký không tên " ở chương " Thời khắc lịch sử : đầu hàng " Lý quý Chung đã viết như sau:
" Vanuxem cho biết ông muốn hiến kế cho ông Minh để cứu vãn tình hình tuyệt vọng của chế độ SàiGòn. Theo Vanuxem, nên lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của một cường quốc, và chỉ cần có một yêu cầu chính thức của chính quyền miền Nam là cường quốc này sẽ can thiệp ngay. Ông Minh cười chua chát, " Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai.." Ðứng xớ rớ một lúc, Vanuxem biến lúc nào tôi không nhớ ."
Cường quốc mà Lý quý Chung không dám nói ra đó chính là Trung Cộng. Như vậy là Trung Cộng nhờ vả Pháp làm trung gian để liên lạc với chính phủ Dương văn Minh hầu có thể giúp đỡ khẩn cấp miền Nam chống lại Cộng sản miền Bắc trong cơn hấp hối.
(VVV)
-------------------------------------------------------------------------
- Lời phân trần của tướng Dương văn Minh về ngày 30 tháng 4 năm 1975
- 30 THÁNG 4, BA MƯƠI HAI NĂM SAU LOẠT BÀI CỦA VIỆN BẢO TÀNG VIỆT NAM SAN JOSE PHỔ BIẾN
- Tưởng niệm Trần Văn Hương nhân sĩ suốt đời giữ tiết tháo
Làm tướng giữ thành, thành mất, tuẫn tiết theo thành, ngày xưa có Tổng đốc Hoàng Diệu (1828 - 1882), Tổng đốc Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873). ...
- Quốc Hận 30-4-2006, viết lại nỗi bất hạnh của QLVNCH #2 - (Hồ Đinh)
- Tết Đoan Ngọ cũng là ngày Quân Lực 19-6 Kính nhớ những chiến sĩ VNCH đã hy sinh vì đại nghĩa dân tộc - (Hồ Đinh)
- Quốc Hận 30-4-2006, viết lại nỗi bất hạnh của QLVNCH - (Hồ Đinh) ===================================================
- 30/4/75 : các tướng lĩnh VNCH tuẫn tiết
- Thư cho con ... Gorbachev đã không ngần ngại nói
- Lời phân trần của tướng Dương văn Minh về ngày 30 ...
- 30 THÁNG 4, BA MƯƠI HAI NĂM SAU LOẠT BÀI CỦA VIỆN ...
- BORIS YELTSIN: HÃY THA THỨ CHO TÔI!
- Nga: Những người CS: các anh hãy là con người!
- Di sản của cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin? rfa
- Di sản để lại cho nước Nga của cựu tổng thống Yelt...
- Boris Yeltsin, Người giải thể Liên Xô qua đời
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire