1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

jeudi 26 avril 2007

Tiến Sĩ Linda Trinh Võ: “Quên sự kiện 30 Tháng Tư tức là xóa bỏ lịch sử”

Tiến Sĩ Linda Trinh Võ: “Quên sự kiện 30 Tháng Tư tức là xóa bỏ lịch sử”
Wednesday, April 25, 2007


LTS.- Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, tạo ra một làn sóng tị nạn và di cư đông đảo người Việt đến Hoa Kỳ. Cho đến nay, sau 32 năm, cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ đã lớn mạnh rất nhiều, đã phần nào hòa vào dòng chính và đã thành công trên nhiều mặt. Tuy nhiên, một số người, nếu không muốn nói là nhiều người, vẫn chưa quên sự kiện lịch sử này. Nhật báo Người Việt đã có cuộc phỏng vấn với Tiến Sĩ Linda Trinh Võ, hiện là giáo sư ngành Asian American Studies tại đại học UCI về vấn đề nêu trên.

NV: Sau 32 năm chấm dứt cuộc chiến Việt Nam, người Mỹ gốc Việt ngày nay nghĩ gì?

TS. Linda Trinh Võ: Ngày 30 Tháng Tư, 1975 sẽ luôn luôn là một ngày quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Sự kiện này đã thay đổi lịch sử Việt Nam và tạo ra làn sóng tị nạn và di dân từ Việt Nam đến Hoa Kỳ. Vì thế, sự kiện này rất quan trọng đối với tất cả người Mỹ gốc Việt, cho dù họ có tưởng niệm ngày này hay không.

NV: Một số người cho rằng chúng ta nên quên ngày này và nhìn về tương lai. Tiến sĩ nghĩ sao?

TS. Linda Trinh Võ: Ðây là một sự kiện rất quan trọng đối với người Mỹ gốc Việt. Vì thế, chúng ta không nên quên nó. Nếu quên sự kiện này đi tức là xóa bỏ lịch sử. Cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ đang hướng về tương lai, đang xây dựng một cuộc sống tốt đẹp tại Hoa Kỳ và đang lớn mạnh một cách vững chắc, đặc biệt là đối với thế hệ sinh trưởng tại đây. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta nên quên lịch sử của chúng ta.

NV: Sau 32 năm, tại sao có nhiều người Mỹ gốc Việt đã trở lại thăm quê hương Việt Nam, lại có nhiều người vẫn chưa về?

TS. Linda Trinh Võ: Có nhiều người Mỹ gốc Việt không trở về Việt Nam vì họ không ủng hộ chế độ hiện thời. Một số khác không về được vì họ không có, hoặc chưa có, điều kiện. Ðối với những người khác, về Việt Nam không có nghĩa là ủng hộ chế độ hiện nay tại quê nhà. Ðơn giản là họ chỉ muốn về thăm gia đình và bạn bè thân thuộc.

NV: Những khẩu hiệu chống chính quyền Việt Nam, hoặc vấn đề cờ vàng, đã từng là đề tài tranh cử sốt dẻo trong các cuộc vận động chính trị tại Little Saigon. Những vấn đề này còn hấp dẫn cử tri gốc Việt nữa không?

TS. Linda Trinh Võ: Ða số người Mỹ gốc Việt đều sinh ra và lớn lên tại Việt Nam và là thế hệ di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ. Vì thế, những vấn đề chính trị liên quan đến Việt Nam vẫn còn liên hệ tới họ. Tất cả những vấn đề này ngày nay vẫn còn ảnh hưởng cử tri gốc Việt trong việc bỏ phiếu của họ. Và chính trị gia vẫn chú trọng đến những vấn đề này trong việc chiến thắng lá phiếu của cử tri người Mỹ gốc Việt.

NV: Trong cộng đồng Việt Nam, một số người đã hòa nhập vào dòng chính, một số khác hòa nhập một phần nào, trong khi một số khác có vẻ như không hòa nhập nổi. Tại sao vậy?

TS. Linda Trinh Võ: Ðối với thế hệ người Việt đầu tiên đến Hoa Kỳ, khó khăn khi hội nhập vào xã hội mới là lẽ đương nhiên. Little Saigon là một nơi sống thoải mái đối với nhiều người gốc Việt vì họ có thể nói ngôn ngữ của mình với nhiều đồng hương. Vì thế, thật sự không có lý do gì để họ phải hội nhập. Ðối với thế hệ trẻ hơn hoặc thế hệ sinh ra và lớn lên tại đây thì hội nhập dễ hơn.

NV: Ðối với thế hệ trẻ, có hai nhóm. Một nhóm biết rất ít, hoặc không biết gì, về sự kiện 30 Tháng Tư, 1975. Một nhóm khác lại biết rất nhiều về sự kiện này qua văn chương, phim ảnh, sách báo... Tại sao vậy?

TS. Linda Trinh Võ: Chúng ta phải nên nhớ rằng thế hệ trẻ có những thử thách rất lớn. Một mặt cha mẹ của họ muốn con cái mình giữ gìn truyền thống Việt Nam. Mặt khác, xã hội lại muốn họ hội nhập càng nhanh càng tốt. Chính hai yếu tố trái ngược này làm họ lẫn lộn. Ðối với những người trẻ sống trong hoặc gần cộng đồng Việt Nam, họ dễ dàng thấu hiểu tầm quan trọng của sự kiện 30 Tháng Tư. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy những người trẻ sống trong cộng đồng Việt Nam nhưng hiểu rất ít về lịch sử của gia đình và cộng đồng. Thật sự là họ không quan tâm đến vấn đề này. Chúng ta phải hướng dẫn cho con em chúng ta biết nhiều hơn nữa, thông thường bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt. Chúng ta cũng cần phải thu ngắn sự cách biệt giữa hai thế hệ để thế hệ lớn hơn có thể chia sẻ kinh nghiệm với thế hệ trẻ hơn. Ngoài ra, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc giảng dạy lịch sử người Mỹ gốc Việt ngay từ các lớp tiểu học đến trung học cũng như ủng hộ các chương trình này tại các trường đại học hai năm và bốn năm. Ðiều này có nghĩa là cộng đồng chúng ta cần dùng sức mạnh chính trị của mình để bảo đảm rằng lịch sử Việt Nam và lịch sử người Mỹ gốc Việt phải được giảng dạy cho thế hệ trẻ. Ðối với thế hệ trẻ này, biết lịch sử của chính họ có thể tạo sự tin tưởng cũng như minh định được chính mình là ai và tự hào với truyền thống của mình. Sau đó, thế hệ trẻ này mới có thể đóng góp và giúp cộng đồng chúng ta phát triển tốt hơn.

NV

Aucun commentaire: