1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 21 avril 2007

Cần quan tâm bảo quản khu di sản văn hoá Cấm Thành Thăng Long

1

Cần quan tâm bảo quản khu di sản văn hoá Cấm Thành Thăng Long
Gs. Phan Huy Lê
“…Chỉ cần một tư duy cởi mở hơn thì sẽ giải quyết được một cách trọn vẹn mọi vấn đề. Giữa thủ đô Hà Nội có một Di sản văn hóa thế giới sẽ nâng vị thế của Hà Nội, là điều mọi người dân Hà Nội và cả nước đều mong chờ…”

Phạm Đỉnh: Thông Luận xin chuyển đến bạn đọc một bài viết cần được mọi giới quan tâm. Bài in dưới đây là một tập hợp ba bài báo in trên VietNamNet ngày 22/11/2006, trong đó phần chính là bài trả lời phỏng vấn của Gs. Phan Huy Lê do Khánh Linh thực hiện. Chúng tôi biện tập lại và đặt tựa đề mới.

Quan điểm của Hội Khoa học Lịch sử về vấn đề quản lí khu di sản văn hoá/khảo cổ Hoàng thành Thăng Long là rất xác đáng, phù hợp với tầm nhìn của giới khoa học vá văn hoá quốc tế. Chúng tôi đăng lại bài phỏng vấn như một cử chỉ biểu đồng tình, và kêu gọi công luận Việt Nam trong và ngoài nước cùng lên tiếng để văn hoá Việt Nam không phải gặp một sai lầm có tính lịch sử về vấn đề này, trong những ngày sắp tới.
***

Nhắc đến Hoàng thành Thăng Long là nhắc đến tính liên tục của các lớp văn hóa Lý - Trần - Lê được giấu kỹ dưới lòng đất, mà nếu không có cuộc khai quật bất ngờ năm 2003 tại số 18 Hoàng Diệu thì vẫn là bí mật, vẫn chỉ là những lời văn trong sử liệu, qua những bản đồ khá sơ lược. GS Phan Huy Lê gọi di tích này là “bộ sử bằng di vật” của kinh thành Thăng Long, để từ đó ta hiểu được rất nhiều về kiến trúc, về bản sắc văn hóa, về sự kết hợp thiên nhiên (thích nghi và tận dụng), kết hợp triệt để giao thông đường thủy, xử lý không gian…


Giếng nước cổ thời Đại La - hố B9


Về các công trình kiến trúc nổi thì Hoàng Thành Thăng Long không còn được bao nhiêu (nghĩa là thua xa Huế), quý nhất và xưa nhất đến giờ chỉ có nền điện Kính Thiên và Đoan Môn của thời Lê Mạc (hậu Lê), Cấm Thành cũng không còn mấy, Hoàng Thành chỉ còn mấy đoạn, cửa ô duy nhất chỉ còn ô Quan Chưởng… Nhưng việc phát hiện số 18 Hoàng Diệu đã đủ chứng tỏ những giá trị vô giá của kinh thành Thăng Long từ nghìn năm trước còn lại trong lòng đất, đủ khiến ta thấy may mắn khi nhờ sự bảo tồn của lòng đất mà ta, và các thế hệ con cháu, sẽ còn nhiều cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử.

Theo GS Phan Huy Lê, nhờ vị trí của Cấm Thành không thay đổi qua các triều đại, nhờ ngày xưa chủ yếu là san nền rồi xây lên, có đào móng trụ cũng chỉ trên dưới 1m cho các chân cột nên các nền kiến trúc cũ được lấp đi, vì thế dù là “phế tích” nhưng giá trị còn rất rõ, các chuyên gia quốc tế quý Hoàng Thành Thăng Long bởi qua bề dày cả ngàn năm mà còn bảo tồn được như vậy là rất hiếm.

Di tích Hoàng Thành Thăng Long cũng thể hiện nét đặc sắc của bề dày văn hóa biểu thị trong các kiến trúc, di vật, cách xử lý xây dựng cấu trúc đô thành, cách ứng xử quan hệ với thiên nhiên (qua các di chỉ khảo cổ dòng sông, con thuyền). Hay từ câu chuyện những viên gạch có tên đại phương, phiên hiệu quân đội mà cảm phục tính tổ chức và trách nhiệm cao của các thế hệ cha ông. Nhờ khảo cổ học, ta có thể tìm hiểu về cuộc sống cung đình, thấy sự hội tụ của kiến trúc tiêu biểu nhất, di vật tiêu biểu nhất của bề dày văn hóa Việt Nam. Đó không chỉ là việc của thế hệ này, mà của cả những thế hệ sau.

Đã xác định được Cấm Thành Thăng Long


Điều đáng ngạc nhiên là khu di tích đặc biệt quý hiếm 18 Hoàng Diệu, Hoàng Thành Thăng Long được phát hiện từ năm 2003 nhưng cho đến nay vẫn chưa được công nhận là Di tích đặc biệt cấp quốc gia. Giáo sư sử học Phan Huy Lê trả lời VietNamNet về những rắc rối xung quanh việc bảo tồn di tích này.
Được biết, Hội Sử học đã gửi kiến nghị đến các cơ quan lãnh đạo cấp cao nhất về vấn đề "khu di tích Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội" nhưng xin phép được hỏi giáo sư tại sao chúng ta không tiến hành các thủ tục đăng ký Di tích đặc biệt cấp quốc gia ngay khi có đánh giá sơ bộ về giá trị đặc biệt quý hiếm của Hoàng Thành?

- Chúng tôi đã nói rất nhiều lần, nhưng vẫn còn sự lấn cấn. Đánh giá về giá trị thì thống nhất tương đối sớm. Ở hội nghị khoa học toàn quốc (8/2004) với sự hiện diện của các nhà khoa học Bắc – Trung – Nam là đã thống nhất cao độ. Nhưng vẫn không tìm được sự đồng thuận trong việc tìm ra phương án bảo tồn, nên vấn đề cứ dai dẳng mãi.


Mộ cổ thời Lý tìm thấy ở Hố A4


Đến hội nghị tháng 2/2006 do Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì do yêu cầu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi đã đưa ra lời kêu gọi rằng những vấn đề khoa học thì ta cứ tiếp tục nghiên cứu, nhưng đã đến lúc các nhà quản lý – khoa học – văn hóa phải thể hiện trách nhiệm của mình, không thể cứ tranh luận mà để di tích phơi mưa phơi nắng như thế, dù sau này đã có mái che nhưng vẫn xuống cấp, các chuyên gia nước ngoài còn thấy xót.

Không nên sa đà quá vào những vấn đề khoa học, ta còn đủ thời giờ để nghiên cứu, tranh luận thì luôn mở cửa, nhưng đã thống nhất giá trị tổng quan thì nên thống nhất kiến nghị bảo tồn để có thể bắt đầu thực hiện. Lúc đó vẫn có hai phương án, bên chúng tôi thì luôn khẳng định phải bảo tồn toàn bộ, giải pháp thì từng bước, chỗ bảo tồn chỗ lấp cát.

Còn phương án kia thì vẫn muốn bảo tồn một phần, còn vẫn dành chỗ xây Nhà Quốc hội. Phải đến hội nghị tháng 2/2006 mới thống nhất cả giá trị lẫn việc sẽ bảo tồn toàn bộ, giải pháp từng bước, những chỗ chưa bảo tồn ngoài trời được thì lấp đất lại để thế hệ con cháu làm tiếp. Sau đó tháng 6/2006 có kết luận của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, từ đó mới bắt đầu tiến hành việc đăng ký Di sản văn hoá thế giới và nghiên cứu qui hoạch, giải pháp bảo tồn, Hà Nội thành lập tổ chức chịu trách nhiệm quản lý và bảo tồn...

Giáo sư có thể trình bày sơ đồ kiến trúc Cấm Thành theo sử liệu?

- Kết quả nhiều năm nghiên cứu về cấu trúc thành Thăng Long kết hợp với 2 năm nghiên cứu khảo cổ vừa rồi đã hội đủ những căn cứ khoa học cho phép khẳng định khu di tích 18 Hoàng Diệu nằm trong Cấm Thành. Ngay từ khi mới phát lộ năm 2003, các nhà sử học, khảo cổ học đã xác định khu di tích nằm trong Hoàng Thành, nay tiến lên một bước xác định khu di tích nằm trong Cấm Thành tức trung tâm của Hoàng Thành. Chúng ta có một số vật chuẩn quan trọng để định vị Cấm Thành.

Thứ nhất, trung tâm của Cấm Thành là Điện Kính Thiên thời Lê sơ, xưa là điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý, thời Trần. Đó là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi tiến hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi tiếp sứ giả nước ngoài, nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Nền điện Kính Thiên bây giờ còn đó với bậc thềm và lan can đá chạm rồng mang đặc trưng nghệ thuật trang trí thế kỷ XV. Kiến trúc này xây dựng trên núi Nùng tức Long Đỗ (Rốn Rồng), nơi tụ hội khí thiêng của non sông theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền.

Thứ hai là Đoan Môn là cửa Nam của Cấm Thành. Tài liệu sử sách cho biết vị trí của Đoan Môn cũng không thay đổi qua các triều đại. Vừa rồi khảo cổ đã đào thám sát và xác định chắc chắn Đoan Môn còn lại hiện nay được xây dựng từ thời Lê, đến thời Nguyễn có sửa sang. Dưới chân Đoan Môn đã phát hiện dấu tích kiến trúc của thời Lý, thời Trần. Đoan Môn phải hiểu là cửa Nam phía trong trong cùng của Cấm Thành, bởi theo Phan Huy Chú và Nguyễn Văn Siêu thì phía nam Cấm Thành có ba lần cửa, nhìn trên bản đồ Hồng Đức cũng thấy điều đó. Theo một số tài liệu đời Nguyễn thì Cột Cờ được xây dựng trên nền cửa Tam Môn là cửa Nam ngoài cùng của Cấm Thành. Như vậy là Kính Thiên – Đoan Môn – Cột Cờ/Tam Môn là trục trung tâm của Cấm Thành.

Thứ ba là chùa Một Cột. Theo văn bia Sùng Thiện Diên Linh (chùa Đọi, Duy Tiên, Hà Nam) do Nguyễn Công Bật soạn năm 1121 thời Lý thì chùa Diên Hựu tức chùa Một Cột dựng ở phía tây Cấm Thành. Vậy tường thành phía tây của Cấm Thành không thể quá vị trí Chùa Một Cột. Theo bản đồ Hồng Đức và nhiều tài liệu địa lý học lịch sử, ở phía tây bắc của Cấm Thành có cửa Tây (Tây Môn) và phía ngoài có núi Khán Sơn và chùa Khán Sơn là nơi vua Lê Thánh Tông lên duyệt binh. Đầu thế kỷ XIX khi nhà Nguyễn xây dựng lại thành Thăng Long, từ năm 1831 đổi tên là thành Hà Nội, thì Khán Sơn nằm bên trong, ở về phía tây bắc của thành Hà Nội, nghĩa là nằm ở khoảng cuối Hùng Vương gần Phan Đình Phùng, trước mặt Phủ Chủ tịch và Thủ tướng phủ hiện nay. Từ đó, tôi phỏng đoán tường thành phía tây Cấm Thành ở vào khoảng đường Độc Lập đến giữa Quảng trường Ba Đình.

Vậy là ta đã xác định được vị trí trung tâm, trục trung tâm cùng giới hạn phía nam và phía tây của Cấm Thành. Theo bản đồ Hồng Đức, Cấm Thành có hình chữ nhật, nhưng Đông cung và Thái miếu ở phía đông - theo Nguyễn Văn Siêu - dù nằm trong tường thành bảo vệ nhưng không coi là trong Cấm Thành, và như thế Cấm Thành gần như hình vuông. Điều này cũng rất phù hợp với việc nhà Nguyễn xây dựng thành Hà Nội trên cơ sở mở rộng Cấm Thành, vì trong chỉ dụ của vua Gia Long có nói thành Thăng Long (Cấm Thành) chật hẹp, cho nên phải mở rộng thêm. Thành Hà Nội của nhà Nguyễn vì thế rộng hơn Cấm Thành, nhưng nhỏ hơn Hoàng Thành.



Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức (1490)


Những dấu vết kiến trúc mới phát lộ tại khu di tích 18 Hoàng Diệu được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá là cực quý hiếm, xin giáo sư làm rõ tầm mức quan trọng bậc nhất của khu di tích này?

- Theo kết quả xác định trên thì khu khai quật chắc chắn nằm trong Cấm Thành và chỉ cách điện Kính Thiên chưa đầy 100m, tức gần vùng trung tâm của Cấm Thành. Các kết quả khai quật khảo cổ thời gian qua càng khẳng định điều đó. Ở đây đã tìm thấy dấu vết của cung Trường Lạc, là cung của hoàng hậu vua Lê Thánh Tông và là Hoàng thái hậu của vua Lê Hiển Tông. Rồi còn có Hoàng Môn Thự thời Trần, gần đây lại có dấu tích của Kim Quang điện thời Lê Thánh Tông. Đây là những cung điện nằm trong phạm vi Cấm Thành. Khảo cổ học còn tìm thấy những "đồ ngự dụng" chỉ dành cho nhà vua như bát có hình rồng 5 móng.

Trong các di tích đã phát lộ còn có giếng Đại La, nhưng trên đó lại có lớp gạch xây thêm thời Lý. Điều đó cho thấy khi vua Lý Thái Tổ dời đô về đây, đúng như nhà vua nói trong "Chiếu dời đô" là dời đô về "thành Đại La" của Cao Vương. Buổi đầu, nhà vua sử dụng thành Đại La cùng một số cung điện, kiến trúc có sẵn rồi cải tạo và mở mang thêm. Đồng thời, Lý Thái Tổ cho kiến thiết rất nhiều, ngay từ năm đầu tiên đã xây dựng thêm 8 điện 3 cung, xây một lớp thành bảo vệ bên ngoài.

Trong thời Lý, thành Thăng Long với cấu trúc ba lớp thành đã được kiến tạo. Từ đời Lý sang đời Trần, qua các biến cố cuối thời Lý, một số kiến trúc cung đình bị phá huỷ và nhà Trần lại tiếp tục công việc dinh tạo, mở mang và xây dựng thêm. Trong thời Trần, ba lần kháng chiến chống Mông-Nguyên, kinh thành lại bị tàn phá và sau đó lại xây dựng.

Còn từ thời Trần sang thời Lê, qua 20 năm Minh thuộc, kinh thành có nhiều thay đổi. Thời Lê Thánh Tông, Hoàng Thành được mở rộng về phía tây nam và Cấm Thành cũng có nhiều kiến trúc mới. Tại khu di tích Hoàng Thành phát lộ ở 18 Hoàng Diệu, dấu vết của các đời Lý – Trần – Lê Sơ rõ nét nhất và đó cũng là những thời kỳ hoàng kim nhất của Thăng Long, thời kỳ của kỷ nguyên Văn minh Đại Việt.

Trong lịch sử thành Thăng Long, La thành (hay Đại La thành), Hoàng Thành trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng Thành, đặc biệt là vị trí, qui mô của Cấm Thành (còn gọi là Cung thành) thì gần như không thay đổi, chỉ có kiến trúc bên trong thì dĩ nhiên qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu di tích 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử.

Vẫn còn giải pháp hay cho Cấm Thành


Cho đến thời điểm này các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được các phương án bảo tồn di tích 18 Hoàng Diệu, Hoàng Thành Thăng Long nhưng đã có ý tưởng áp dụng các công nghệ bảo tồn tiên tiến nhất để xây dựng một công trình lớn tại đây... Giáo sư sử học Phan Huy Lê đã trả lời VietNamNet về vấn đề này.


Bản đồ Tỉnh Hà Nội
(Trong Đồng Khánh Dư địa chí)

Sau 3 năm phát hiện, công tác bảo quản khu tích này vẫn chưa có phương án cụ thể và lâu dài. Giả sử chúng ta xây dựng những công trình lớn trên đó và áp dụng công nghệ tiên tiến nhất để bảo tồn thì mức độ ảnh hưởng sẽ như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng sự kế tục truyền thống văn hiến của trung tâm quyền lực là ý tưởng hay, nhưng không nên quan niệm không gian lịch sử văn hoá truyền thống này chỉ trên mảnh đất 18 Hoàng Diệu và chỉ xây dựng trên khu vực này mới thể hiện được tính kế thừa truyền thống của cơ quan quyền lực.

Đúng Cấm Thành là vùng trung tâm nhất, nhưng nói "địa linh", "thắng địa" của kinh thành thì cần hiểu bao gồm cả Hoàng Thành Thăng Long và rộng ra là cả vùng kinh sư như vua Lý Thái Tổ đã xác định "ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước", "chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư của muôn đời". Thậm chí có người cho rằng nhà Quốc hội cần xây dựng trong khu trung tâm của Cấm Thành, phía trước nền điện Kính Thiên, giữa Đoan Môn và Cột Cờ vì núi Nùng là "Rốn Rồng", là trung tâm theo quan niệm phong thủy và tâm linh, mọi long mạch của non sông đất nước đều từ đây tỏa ra.

Chúng ta không bàn về thuyết phong thuỷ, nhưng xin lưu ý là nếu theo phong thuỷ thì xây dựng một công trình hiện đại với móng đào và đóng cọc sâu đến vài ba chục mét là tự ta đã cắt đứt long mạch rồi.

Hơn nữa, về phương diện lịch sử thì dù đất thiêng đến đâu cũng phải trải qua những bước thăng trầm lúc thịnh lúc suy của lịch sử. Như thời Lê mạt thì Cấm Thành dành cho các vua Lê danh nghĩa, còn đâu là vượng khí nữa? Chúa Trịnh thời đó không ở trong Cấm Thành mà dựng Phủ chúa bên khu hồ Hoàn Kiếm. Cơ quan quyền lực thực sự đã chuyển ra ngoài Cấm Thành.



Dấu vết nền cung điện thời Lý - Hố A20


Tôi rất ủng hộ chủ trương trong khu trung tâm chính trị Ba Đình cần có Nhà Quốc hội. Công trình kiến trúc này phải có vị trí, cảnh quan và qui mô xứng đáng với vai trò Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Rõ ràng Hội trường Ba Đình quá nhỏ và nên bảo tồn như một di tích lịch sử văn hoá hiện đại vì tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nếu xây dựng Nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu tức trong không gian của khu di tích Hoàng Thành Thăng Long vừa phát lộ thì theo tôi, gặp rất nhiều hạn chế. Chiều cao sẽ bị khống chế bởi gần Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh. Diện tích xây dựng bị thu hẹp vì phải bảo tồn di tích Hoàng Thành, chí ít là khu A, B (theo sơ đồ khai quật khảo cổ học).

Trên phần còn lại là khu C, D, qua những hố khai quật cũng tìm thấy nhiều di tích, di vật không kém gì khu A, B và vì thế phải tìm những giải pháp bảo tồn trong nền Nhà Quốc hội không đơn giản, lại bị khống chế về chiều sâu. Theo tính toán sơ bộ thì diện tích xây dựng chỉ còn khoảng 7000-8000 mét vuông. Đó là chưa nói tới việc xây dựng Nhà Quốc hội ở đây sẽ được gì, mất gì. Trong thư kiến nghị của Hội Khoa học lịch sử, chúng tôi cũng đã bước đầu cảnh báo những hệ quả có thể xảy ra.

Điều cần quan tâm nhất là xây dựng Nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu, dù với phương án nào, qui mô nào cũng phá vỡ không gian lịch sử văn hoá của khu di tích và không bảo đảm được tính toàn vẹn của di tích, tức tự làm mất khả năng được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Tôi cũng muốn nói rõ là tính toàn vẹn của khu di tích ở đây không phải là sự toàn vẹn của Cấm Thành hay Hoàng Thành mà thực tế là đã bị thu hẹp và xáo trộn, một phần bị huỷ hoại.

Nhưng khu di tích đã phát lộ và cả phần còn lại của di tích Hoàng Thành hay Cấm Thành chưa bị các kiến trúc hiện đại phá huỷ, thì cần được bảo vệ nghiêm ngặt trong một qui hoạch do chúng ta đề xuất theo đúng tiêu chí Di sản văn hoá thế giới của UNESCO. Nếu xây Nhà Quốc hội ở đây thì theo tôi hiểu, chắc chắn UNESCO sẽ không chấp nhận hồ sơ đăng ký Di sản văn hoá thế giới của chúng ta.

Nhiều người cho rằng chỉ cần bảo tồn khu A, B trong di tích Hoàng Thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu) thôi, còn khu C, D thì có thể xây dựng Nhà Quốc hội trên đó, và bảo tồn phía dưới được. Giáo sư nghĩ sao về lập luận này?

- Khu C thì ta chưa khai quật bao nhiêu nên tôi không dám khẳng định, còn khu D dù chỉ mới khai quật mấy hố, nhưng đã thấy dày đặc di tích. Như Hoàng Môn Thự ở đây, Kim Quang điện ở đây, rồi nhiều gạch của thời Lý, Trần và cả của thời thành Đại La cũng thấy ở đây. Nếu xây nhà Quốc hội thì sẽ phải dành thời gian khai quật, mà khai quật thì sẽ phát hiện thêm rất nhiều di tích.

Khi xây Nhà Quốc hội ở đây, cũng đã nghĩ đến giải pháp là các di tích phát hiện sẽ bảo tồn tại chỗ ngay dưới nền nhà Quốc hội, có kính để nhìn xuống, có đường hầm xuống để tham quan. Còn nếu di tích dày đặc quá thì sau khi khai quật và nghiên cứu, sẽ dùng các giải pháp làm cứng hóa các di tích-di vật rồi lấy ra và xây dựng xong lại đưa vào vị trí cũ.

Với công nghệ hiện đại thì trên lý thuyết có thể xây nhà ở trên mà bảo tồn di tích ở dưới, và nhiều nơi đã thực hiện. Gần đây tôi thăm Osaka ở Nhật Bản, có một di tích khảo cổ học phát hiện bên cạnh thành cổ Osaka, bộ phận di tích lớn thì họ bảo vệ toàn bộ, còn bộ phận nhỏ tách ra thì họ xây dựng một tòa nhà cao tầng lên trên, bảo tồn nguyên trạng bên dưới (không phải lấy ra rồi chuyển vào), có kính để xem, có đường xuống tham quan bên dưới.


Dấu tích kiến trúc thời Lý - Trần ở hố D4 - D6 (khu D)


Nhưng các chuyên gia Nhật có nói với tôi là làm thế vẫn là chuyện vạn bất đắc dĩ, và với công nghệ xây dựng hiện đại, họ cũng chỉ có thể làm dầm thép dài tối đa là 80m, nhiều lắm cũng chỉ 100m, nghĩa là chỉ có thể bảo tồn nguyên vẹn dưới nhà di tích nhỏ mà không phải đào móng phá huỷ di tích. Tuy cố gắng như vậy, công trình vẫn bị dư luận Nhật lên án. Còn khu D của ta lớn hơn nhiều và công việc bảo tồn nguyên trạng dưới nền nhà không đơn giản và rất tốn kém.

Dù đó là giải pháp tối ưu trong trường hợp quyết định xây dựng Nhà Quốc hội ở đây, nhưng sẽ không tránh khỏi những hệ quả. Thứ nhất, về mặt cảnh quan thì Nhà Quốc hội rất hiện đại bên cạnh di tích cổ xưa rất đơn sơ nhưng rất quý giá và linh thiêng của tổ tiên để lại, đó sẽ là sự đối chọi mang tính phản cảm, phá vỡ không gian lịch sử văn hóa, kiến trúc hiện đại sẽ che khuất các di tích lịch sử ngàn năm. Thứ hai, việc bảo tồn bên dưới trên lý thuyết thì dễ, nhưng trên thực tế thì không đơn giản chút nào. Bảo tồn y nguyên đã khó, đưa ra khỏi tầng văn hoá rồi chuyển vào chỗ cũ lại còn khó hơn nhiều, có làm được thì di tích cũng mất đi phần quan trọng giá trị của nó, đâu còn tính nguyên trạng. Cái giá ta phải trả đắt nhất khi xây dựng Nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu là làm mất khả năng được công nhận khu di tích là Di sản văn hóa thế giới.

Hội Khoa học lịch sử cũng như cá nhân tôi, tự xác định trách nhiệm của mình là phải cảnh báo tất cả những hệ quả có thể xảy ra và cung cấp những ý kiến tư vấn cho lãnh đạo. Đây là một quyết định rất hệ trọng và nhạy cảm, dĩ nhiên người ra quyết định xây dựng sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước công luận trong nước và thế giới, và chịu trách nhiệm trước sự phán xét của lịch sử. Trong trường hợp cấp trên vẫn quyết định xây dựng Nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu thì tôi phải chấp hành nhưng cá nhân tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình vì tôi cho rằng quyết định như thế là sai lầm.


Con đường lát gạch hoa chanh
- Di tích Đoan Môn


Giáo sư sẽ lập luận thế nào với những lý do được đưa ra để khẳng định không còn vị trí nào khác để xây nhà Quốc hội trong khu chính trị Ba Đình?

- Tôi và giáo sư Phan Khanh đã từng suy nghĩ về địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội trong khu trung tâm chính trị Ba Đình. Sau đó một số cơ quan có trách nhiệm cũng đã đề xuất những vị trí có thể lựa chọn như lô H6, H7 nằm hai bên đường Hùng Vương, giữa phố Trần Phú và Lê Hồng Phong, có diện tích gần 4 hecta hay lô A7 nằm đối diện với Bảo tàng Hồ Chí Minh có diện tích khoảng 3,5 hecta. Lô H6, H7 chỉ có những kiến trúc của nhà nước, có thể nghiên cứu một qui hoạch vừa giữ một số công trình làm cơ quan của Quốc hội, vừa phá dỡ một số nhà để làm diện tích xây dựng Nhà Quốc hội.

Lô A7 nếu chọn làm địa điểm xây Nhà Quốc hội thì phải giải tỏa một số nhà dân, tôi tin rằng người dân sẽ hoàn toàn ủng hộ nếu biết vận động và đền bù thỏa đáng. Quốc hội vận động giải toả thành công có khi còn tạo ra mô hình mẫu mực trong công việc giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn hiện nay. Còn việc phá một số nhà đã xây dựng hay chi phí một khoản đền bù cho dân, để xây dựng Nhà Quốc hội theo tôi không nên coi là lý do để biện hộ cho việc xây dựng Nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu làm xâm hại đến một di sản vô giá có tầm cỡ thế giới của cả dân tộc. Trong trường hợp cần thiết, có thể nghĩ đến khả năng xây dựng Nhà Quốc hội trên qui mô lớn gồm cả lô H6, H7, A7 và mở một con đường hầm trang hoàng đẹp dưới đường Hùng Vương.

Theo tôi xây dựng Nhà Quốc hội tại lô H6, H7, A7 sẽ tạo nên một cấu trúc rất đẹp cho Trung tâm chính trị Ba Đình. Chúng ta hình dung, ở giữa là Lăng Bác Hồ, nhà sàn Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh, bên phải tức phía bắc là Đảng (Nguyễn Cảnh Chân), Nhà nước (Chủ tịch phủ), Chính phủ (Thủ tướng phủ), bên trái tức phía nam là Nhà Quốc hội, mặt trước tức phía đông là Nghìn năm Thăng long-Hà Nội. Một qui hoạch và mô hình như vậy là vừa bảo tồn được toàn bộ khu di tích Hoàng Thành Thăng Long gắn kết với thành cổ Hà Nội và phần còn lại của Cấm Thành, lập thành Công viên lịch sử-văn hoá Thăng Long-Hà Nội rồi đây sẽ được tôn vinh là Di sản văn hoá thế giới, vừa có một toà Nhà Quốc hội bề thế xứng đáng với vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.

Còn cách suy nghĩ xây dựng Nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu là tự đặt mình vào thế bí, vào bài toán mà đáp số sẽ loại trừ lẫn nhau, được cái toàn vẹn của khu di tích thì không có nhà Quốc hội, còn có nhà Quốc hội thì xâm hại di tích, tước đi khả năng có một Di sản văn hoá thế giới trong lòng Hà Nội. Chỉ cần một tư duy cởi mở hơn thì sẽ giải quyết được một cách trọn vẹn mọi vấn đề. Giữa thủ đô Hà Nội có một Di sản văn hóa thế giới sẽ nâng vị thế của Hà Nội, là điều mọi người dân Hà Nội và cả nước đều mong chờ. Đó sẽ là sự kết hợp hoàn hảo của truyền thống và hiện đại, là bài tính trọn vẹn, được mọi mặt.

Khánh Linh (thực hiện)
Nguồn: VietNam Net, ngày 22/11/2006
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1280

Aucun commentaire: