1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

jeudi 26 avril 2007

Nước Ðức và ngày 30.04

Trần Văn Tích
Nước Ðức và ngày 30.04

Ngày 05.06.1947, vào dịp nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Viện Ðại học Harvard, Ngoại trưởng Hoa Kỳ George C. Marshall công bố kế hoạch viện trợ kinh tế nhằm chống lại đói khổ, nghèo nàn, thất vọng và hỗn loạn trên lãnh thổ Tây Ðức. Tình trạng nước Ðức lúc bấy giờ cực kỳ bi đát. Về tinh thần là nỗi nhục gây chiến để rồi thất trận, bị cả thế giới nguyền rủa. Về vật chất là sự kiệt quệ hậu chiến: nam giới tử trận, bị thương hoặc ở tù; lực lượng xây dựng và sản xuất chủ yếu gồm phụ nữ, cho nên đã có khái niệm Trümmerfrauen để chỉ những người đàn bà tái thiết từ các đống gạch vụn. Ngoài ra kho tàng của cải bị kẻ chiến thắng tịch thu hay cướp giật, nhất là do Hồng quân Nga. Ðội ngũ trí thức bị mua chuộc hay áp giải ra nước ngoài: chương trình phát triển hoả tiễn cả của Mỹ lẫn của Nga sau Ðệ nhị Thế chiến đã có sự đóng góp công sức quan trọng của chuyên viên Ðức. Từ 1948 đến 1952, Kế hoạch Marshall chi cho vùng đất thuộc quyền kiểm soát của đồng minh 1,4 tỷ Mỹ kim để vực Tây Ðức đứng dậy. Ngoài ra, còn có 1,8 tỷ Mỹ kim viện trợ lương thực. Tam cường Mỹ Anh Pháp chủ trương giải Quốc xã, triệt quân bị, phân quyền kinh tế và tái giáo dục người Ðức theo tinh thần dân chủ. Về phần mình, ngày 21.06.1948, chính quyền Tây Ðức ban hành biện pháp cải tổ tiền tệ. Những chính sách vừa kể kết hợp với tinh thần nhẫn nại kiên trì của người dân Ðức đã biến Tây Ðức từ một đống gạch vụn sau Ðệ nhị Thế chiến thành một cường quốc kinh tế và một đất nước dân chủ; và trong tổng số 3,2 tỷ Mỹ kim thuộc viện trợ thực phẩm và Kế hoạch Marshall, Tây Ðức đã hoàn trả 1,2 tỷ Mỹ kim.

Cho dẫu giá trị đồng tiền có giảm sút qua thời gian vì biến động kinh tế, vì tình trạng lạm phát thì con số khiêm tốn chưa đến một tỷ rưỡi Mỹ kim đầu thập niên 50 để góp phần nâng Tây Ðức từ một đống gạch vụn lên địa vị giàu mạnh thật quả không đáng kể so với con số khổng lồ một nghìn hai trăm năm mươi tỷ Âu kim để hồi phục kinh tế Ðông Ðức vào thiên kỷ mới. Hơn nữa, nếu Tây Ðức trước đây chỉ cần chưa đến năm năm để làm được phép lạ kinh tế thì ngày nay, sau hơn mười lăm năm thống nhất, mới bắt đầu thấy dấu hiệu hồi sức khả quan của toàn thể nước Ðức. Sự thực hiển nhiên này nói lên tất cả thảm hoạ do chủ nghĩa cộng sản để lại trên quê hương của Goethe.

Gánh chịu thảm hoạ do ngoại cường Xô-viết áp đặt thông qua sự thần phục của Đảng Cộng sản Đông Đức (SED), người dân Ðông Ðức đã đấu tranh, chống đối. Còn người dân Tây Ðức, dưới sự lãnh đạo của các chính đảng dân chủ, tất nhiên đã yểm trợ nhưng đồng thời, luôn luôn tự chế, tránh cho quốc gia tạm thời chia cắt đại hoạ chiến tranh ý thức hệ.

Ngày 17.06.1953 thợ thuyền Ðông Ðức đã nổi dậy. Nguyên nhân của vụ nổi dậy là tình trạng kinh tế khó khăn, mức sống thấp kém, công dân mất tự do. Khắp nơi người dân sống nơm nớp dưới quyền hành của cán bộ cộng sản và mật vụ Stasi. Ðất nước lởm chởm những trại lính, những đồn công an, đóng trên các vị trí chiến lược, trên những trục đường giao thông hiểm yếu. Thực ra chính người Ðức cũng nhận rằng dân mình không có truyền thống làm cách mạng. Năm 1953 họ vùng lên thoạt tiên chỉ vì chỉ tiêu lao động bị nâng cao, định mức sản xuất bị gia tăng. Phong trào không hề được chuẩn bị kỹ lưỡng cho nên nó sẽ tan vỡ nhanh chóng khi bị đàn áp. Những thành phần dấy nghĩa, ứng nghĩa đầu tiên là công nhân và trước sau hầu như chỉ có công nhân dấy nghĩa, ứng nghĩa. Ở rất nhiều nơi có biểu tình tuần hành, có nơi xảy ra bạo động trừng trị cán bộ cộng sản, ví dụ ở thành phố Rathenow, đảng viên cộng sản Wilhelm Hagedorn bị đám đông phẫn nộ gia hình tại trận. Trên toàn quốc, phong trào chống đối qui tụ một triệu hai trăm ngàn người xuống đường dấy nghĩa đòi tự do dân chủ tại hơn bảy trăm địa phương. Đảng Cộng sản hoảng sợ hạ lệnh giới nghiêm trên 217 thành phố, thị trấn và chỉ dám huỷ bỏ lệnh giới nghiêm vào ngày 11.07.53, lúc 23 giờ.

Thật ra khi thấy lòng dân bất mãn, Đảng Cộng sản Ðông Ðức đã phải nhượng bộ. Cho nên ngày 16.06.53, giới lãnh đạo Đảng đã rút lại các quyết định tăng chỉ tiêu sản xuất và nâng định mức lao động cực kỳ thất nhân tâm. Vẫn là bài ca cũ rích và phổ biến: Đảng sai lầm thì Đảng sửa sai. Và giữa bầu không khí chính trị lúc bấy giờ, không ai có thể ngờ rằng người dân đang quằn quại trong khối Xô-viết cộng sản lại có thể phẫn uất đến độ chủ động vùng lên. Người Ðức cho rằng năm 1953 là bước đầu của những năm khác, ở những nước khác: 1956 ở Ba Lan, cũng 1956 nhưng ở Hung Gia Lợi và 1968 ở Tiệp Khắc. Rồi 1980 ở Ba Lan với phong trào Công đoàn Ðoàn kết. Rồi ở chính nước Ðức với ngày 09.11.1989, ngày bức tường sụp đổ.

Dân chúng Ðông Ðức nổi dậy ngày 17.06.1953 hoàn toàn không có chuẩn bị chu đáo. Tập thể phản kháng không có người lãnh đạo, quần chúng chống đối không hề có phát ngôn viên. Phong trào 17.06 là một phong trào đột khởi và là một phong trào vô danh. Các sự kiện lịch sử thường gắn liền với những tên tuổi nhân vật lịch sử. Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 của chúng ta có Nguyễn Thái Học. Xả thân vì đại nghĩa chống chính quyền cộng sản Việt Nam năm 1985 có Trần Văn Bá. Cách mạng Pháp 1789 có Robespierre. Cách mạng Bolshevik 1917 ở Nga có Lenin. Âm mưu hành thích Hitler ngày 20.07.1944 có Graf von Stauffenberg. Ðối với giới trẻ châu Âu sau thế chiến, số phận Anne Frank hay định mệnh anh em Scholl là những tấm bảng chỉ đường hành động. Nhưng sự trỗi dậy của lương dân Ðông Ðức tháng Sáu 1953 lại không mang dấu ấn danh tính của một con người nào cả. Cho nên trong giới truyền thông báo chí Ðức, có người mệnh danh nó là một cuộc khởi nghĩa không chân dung. Tuy nhiên giới này không chịu ngừng lại ở đây và họ dốc lòng đi tìm những anh hùng vô danh ẩn tích.

Một trong những người đó là Fritz Hahn. Sáng hôm 16.06, hàng ngàn công nhân xây dựng biểu tình trên Đại lộ Stalin và ngừng lại trước toà nhà Hội đồng Bộ trưởng. Họ bất mãn vì tính chất ngu dốt của các quyết định độc đoán từ giới chóp bu: chính quyền cộng sản gia tăng số giờ làm việc trong khi vật liệu xây dựng lại thiếu trước hụt sau! Quần chúng sôi sục căm phẫn, đòi trực tiếp chất vấn Chủ tịch Đảng Walter Ulbricht hay Chủ tịch Hội đồng Chính phủ Otto Grotewohl. Nhưng chỉ có Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Fritz Selbmann đến tiếp xúc với thợ thuyền. Ông ta leo lên một chiếc bàn nhỏ, diện đối diện với đám đông biểu tình và thông báo chính phủ đã thu hồi quyết định tăng chỉ tiêu lao động. Như vậy, công nhân chẳng còn lý do gì để bất mãn nữa. Ðám đông như hụt hẫng sau hằng giờ đứng ngồi trong bầu không khí nóng bức oi ả. Và vụ nổi dậy cơ hồ sắp sửa chấm dứt như một quả bóng xì hơi. Nhưng bỗng nhiên một người đứng tuổi, ăn mặc xuềnh xoàng, hùng dũng bước lên phía trước tách khỏi đám đông và đẩy vị Bộ trưởng sang một bên để lên tiếng. Ông nhấn mạnh, vấn đề không chỉ liên quan đến những người thợ ở Đại lộ Stalin hôm nay, mà đến cả toàn vùng (ganze Zone, hàm ý toàn Ðông Ðức). Chẳng phải chỉ vì định mức lao động mà có đấu tranh, mà còn vì giá cả hàng hoá trong các cửa hiệu quá cao, mà còn vì quá nhiều tù nhân chính trị tiếp tục bị giam giữ, mà còn vì không có bầu cử tự do, mà còn vì nước Ðức chưa thống nhất. Giây phút đó là thời điểm biến cố lịch sử thực sự bắt đầu. Sau lời hô hào của nhân vật này, công nhân bị kích động mạnh mẽ và hẹn nhau sẽ lại tập họp vào ngày hôm sau. Một số người sang vùng Tây Berlin [1] , đến trụ sở RIAS [2] yêu cầu cho phát thanh lời kêu gọi phản kháng. “Nhân dân" bắt đầu nói đến tổng đình công. Con người can trường mà hành động gần như là chất xúc tác cho làn sóng vùng lên của dân chúng Ðức ngày 17.06 lịch sử chính là Fritz Hahn. Sau khi vụ nổi dậy bị đàn áp, Fritz Hahn tất nhiên đi tù nhưng rồi di cư được sang Tây Ðức. Nhiều người khác cũng bị đày đoạ giam cầm vì hành động dũng cảm. Paul Othma, lãnh đạo tiểu ban đình công ở Bitterfeld, ứng khẩu hô hào quần chúng ở công trường Bãi chợ Marktplatz, bị tù mười hai năm và chỉ được thả ra khi gần chết. Herbert Stauch đòi thả tù nhân chính trị ở trụ sở cơ quan công an thành phố Magdeburg bị kết án tử hình và bị hành quyết ngay sau đó. Max Fettling nhân danh công nhân xây dựng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Grotewohl rút lại quyết định tăng chỉ tiêu lao động, bị lãnh án mười năm tù giam. Wolfgang Boehmer, từng là Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Cộng hoà Liên bang Ðức, tường thuật rằng vào năm 1953, ông ta 17 tuổi và đã chứng kiến cảnh một người bà con ở một làng nhỏ cạnh thị trấn Görlitz kéo cây cờ Ðông Ðức xuống, quấn quanh cổ cán bộ chủ tịch xã rồi bảo: “Anh mang nó về nhà đi, chúng tôi không cần nó nữa". Người này bị mười năm “cải tạo" và chỉ được thả ra sau chín năm cấm cố vì bệnh nặng, để rồi vài tháng sau thì từ trần. Kết quả chính sách khủng bố tàn bạo, theo tài liệu sưu tầm chính thức được công bố, là có ít nhất 250 người biểu tình bị hạ sát đương trường. Chỉ riêng ở thành phố Leipzig đã có 12 người bị giết. Sau đó còn có thêm 20 người bị xử tử, 13.000 người bị bắt giữ, 1.500 người bị kết án tù giam.

Những công nhân anh hùng của ngày 17.06 là những người thợ anh hùng cô đơn. Các thành phần được coi như tinh hoa của dân tộc xa lánh họ, tránh né họ. Giới đại học chẳng những không ủng hộ họ mà còn đứng về phía kẻ mạnh, và rồi đến năm 1989 cũng vậy. Còn giới trí thức, giới cầm bút, giới nghệ sĩ thì rụt cổ cúi đầu và lại giữ nguyên thái độ hèn nhát đó đối với những biến động năm 1956 ở Hung Gia Lợi. Bỉ ổi hơn nữa, có kẻ phụ hoạ lớn tiếng thoá mạ công nhân lao động. Nếu bạo quyền cộng sản lăng nhục cuộc nổi dậy là một vụ phiến loạn phát-xít (faschistischer Putsch) thì những người có trí tuệ, có học vấn hùa theo và gọi những thành phần chống đối là bọn lưu manh phát-xít (faschistischer Mob). Bertolt Brecht [3] ngả sang phe đàn áp rất nhanh chóng. Ngay sáng hôm 17.06, Brecht gửi thư cho Chủ tịch Đảng Ulbricht, tự phát nhận định rằng mình thấy có bổn phận phải bày tỏ tình đoàn kết với Đảng Xã hội Thống nhất Ðức (tức Đảng Cộng sản Ðức). Khi chiến xa Nga lăn bánh xích rầm rộ lao vào đám biểu tình thì Brecht đứng bên lề đường giơ tay vẫy chào. Nhà văn Friedrich Wolf tuyên bố, nhìn những người xuống đường khiến ông ta nhớ lại những quân đê tiện Quốc xã đốt nhà đốt sách năm 1933. Nhà văn Stefan Heym – sau ngày nước Ðức thống nhất còn đại diện Đảng Cộng sản vào được Quốc hội Ðức, từng là niên trưởng Quốc hội – thì gọi thợ thuyền chống đối là lũ vô lại biệt kích mang bít tất rằn ri và sơ mi cao bồi. Vào thời điểm đó, bộ máy tuyên truyền khủng bố cộng sản còn hoạt động hữu hiệu trong khi những kẻ gọi là trí thức chỉ có được cái tiểu thông minh tầm thường mà không đạt được tầm đại trí tuệ xuất chúng. Nhưng dầu sao ở Bertolt Brecht vẫn còn nhất điểm linh đài. Không bao lâu sau Brecht sẽ nghĩ lại, sẽ hiểu ra và sẽ bảo Đảng Cộng sản Ðông Ðức: “Schaff’ dein Volk ab und wähl’ dir ein anderes." (Hãy huỷ dân tộc của ngươi đi và chọn một dân tộc khác). Ngày nay, thậm chí Đảng PDS, hậu thân của Đảng Cộng sản Ðông Ðức SED, cũng phải thú nhận rằng cung cách mà Đảng Cộng sản Ðông Ðức mô tả cuộc nổi dậy 17.06 là một trong những điều láo khoét trâng tráo nhất của lịch sử Ðức.

Phương Tây chỉ đứng nhìn. Hơn thế nữa, khi phái đoàn công nhân Ðông Ðức đến tiếp xúc với Egon Bahr, lúc bấy giờ là tổng biên tập đài phát thanh RIAS, để yêu cầu phổ biến lời kêu gọi tổng đình công thì bị từ chối. Làm sao một đài phát thanh do Hoa Kỳ chỉ đạo lại có thể kêu gọi đình công ở “phía bên đó"! Viên Cao ủy Mỹ Dr. Conant còn gọi điện thoại để hỏi phải chăng đài RIAS muốn bắt đầu thế chiến thứ ba! Sau này, người Ðức nhận thức được rằng lúc bấy giờ cả Mỹ lẫn Nga đều chỉ muốn giữ nguyên trạng. Không thể vì Berlin mà xảy ra chiến tranh. Tám năm sau, khi bức tường được dựng lên thì người Ðức cũng sẽ phải cay đắng chấp nhận thực tiễn lịch sử này. Liên Xô chưa muốn nhả con mồi Ðông Ðức. Cho đến thời đại Gorbachev, đế quốc Xô-viết mới chịu buông ra.

Sau khi nước Ðức thống nhất, nhiều thị trấn có bảng tên đường mới: Straße des 17. Juni, Ðường 17 tháng Sáu. Trung tâm sinh hoạt của thị trấn Sandersdorf mang tên Paul Othma. Phường Friedrichshain ở Berlin có công viên Max Fettling. Ðó là danh tính những anh hùng vô danh của ngày 17.06.1953.

Ngày 13.08.1961 là một ngày chủ nhật. Thủ tướng Tây Đức Adenauer đến nhà thờ cầu nguyện như thường lệ. Thị trưởng Tây Berlin Willy Brandt ngủ trên chuyến tàu vận động tranh cử ở Nürnberg. Tổng thống Hoa kỳ John F. Kennedy nghỉ hè trên du thuyền. Chúa tể điện Kremlin Nikita Khrushchev vừa cho mang thư hoả tốc đến Ðông Berlin chấp thuận biện pháp xây tường. Lãnh tụ Đông Đức Ulbricht triệu tập phiên họp bất thường của Hội đồng Chính phủ lúc nửa đêm và tuyên bố: “Lúc một giờ sáng, Chiến dịch Hoa Hồng bắt đầu, nhằm khoá cửa Tây Berlin, các đồng chí đồng ý cả chứ?” Mọi người im lặng và mọi người gật đầu. “Thợ nề xây tường” Erich Honecker gọi điện thoại cho Bộ trưởng Quốc phòng: “Ðồng chí biết nhiệm vụ của mình. Lệnh hành quân đã được ban bố.” Trước đó, đối diện với tình trạng mọi thành phần dân chúng cứ tiếp tục tìm mọi cách bỏ nước ra đi, dư luận bắt đầu đồn đại sẽ có một bức tường ngăn cách hai nước Ðức. Ðược hỏi về biện pháp này, Walter Ulbricht, Chủ tịch Đảng Cộng sản, khẳng định: “Không ai có ý định dựng một bức tường.” Hai tháng sau, ông ta cho lệnh xây bức tường Berlin.

Vở bi kịch rùng rợn bắt đầu bằng thủ thuật black-out. [4] Cả vùng biên giới giữa hai nước Ðức chìm trong bóng đêm. Xe cam nhông nhà binh rú ga, xiết thắng. Lính vũ trang liên thanh tuần tiễu khắp nơi, cứ hai mét lại có một binh sĩ đứng gác. Máy đào đường chạy bằng khí nén nổ ầm ĩ. Trùng trùng điệp điệp dây thép gai phân đôi thành phố. 81 trạm giao liên bị bít chặt. 48 nhà ga tàu điện ngầm bị vây kín. Tuy nhiên tuyệt không có một tiếng súng nổ. Nhưng ngay ngày đầu tiên, vẫn có 1500 người trốn chạy được. Bức tường đứng vững được 10.680 ngày, 28 năm.

Thoạt tiên bức tường Berlin tạm thời chỉ có cột sắt, cột xi măng và dây thép gai. Dây thép gai nguyên mua từ trước ở Tây Ðức. Ít lâu sau nó mới được xây thành bức tường gạch đá bê tông cốt sắt. Thật ra phương Tây đã được biết trước về kế hoạch xây bức tường. Cả CIA lẫn BND [5] đều được điệp viên phúc trình về dự định này, nhưng hầu như chẳng có chính trị gia nào muốn tin. Cho đến khi Chiến dịch Hoa Hồng khởi sự. Nhưng phương Tây không làm gì cả. Vì John F. Kennedy bảo: “Biện pháp bức tường chẳng tốt đẹp chi, nhưng vẫn còn hơn một cuộc chiến tranh.” Dẫu sao Mỹ cũng phản ứng cho có lệ: xe thiết giáp được lệnh dàn hàng trước điếm canh Charlie, nòng đại bác hướng về phía xe tăng Xô-viết. Nhưng chỉ biểu diễn thôi, vì quân lực Hoa Kỳ có vỏn vẹn 27 chiến xa đồn trú ở Berlin. Thủ tướng Tây Ðức Konrad Adenauer lúc bấy giờ 85 tuổi và ở Bonn – đang là thủ đô Tây Ðức – chỉ biết cầu nguyện cho Berlin mà không có hành động gì cụ thể. Chín ngày sau ông mới bay đến Berlin. Và liên đảng CDU-CSU mất đa số tuyệt đối vào kỳ bầu cử ngày 17.09 năm đó. Hai năm sau, Adenauer rút lui khỏi chính trường. Thị trưởng Tây Berlin Willy Brandt xông xáo hơn, bỏ ngang cuộc vận động tuyển cử để bay về Berlin hôm 13.08. Hội đồng quản trị thành phố được triệu tập. Brandt nổi giận gần như phát điên vì hoàn cảnh hoàn toàn bất lực của mình. Chỉ 24 giờ sau mới có văn thư phản kháng yếu ớt của các tư lệnh vùng Tây phương gửi cho tư lệnh Xô-viết. Mãi 48 giờ sau mới có phản kháng chính thức ở cấp độ quốc gia từ Paris, London, Washington. Sau ba ngày, cộng sản thấy rõ là chẳng có gì phải e sợ. Chiến dịch Hoa Hồng không phải là mạo hiểm, không hề là phiêu lưu. Mềm nắm rắn buông, được đằng chân lấn đằng đầu; Ulbricht yên tâm làm tới, cho xây bức tường bằng gạch đá, vôi, xi măng. Ba ngày đã đủ để cộng sản vững tâm hành động. Thực ra Willy Brandt có trực tiếp cầu cứu Hoa Kỳ qua thư gửi đến đích thân Tổng thống Mỹ. Ông nhấn mạnh là phản kháng suông bằng văn kiện ngoại giao không đủ, phải có phản ứng cứng rắn. Kennedy cố gắng thoả mãn và cho lệnh điều động một lực lượng bộ binh Mỹ gồm 1.500 quân nhân từ Helmstedt [6] đến Berlin. Dân chúng Tây Berlin đón chào họ nồng nhiệt. Phó Tổng thống Johnson cũng đến Berlin. Giới chính trị Ðức lúc bấy giờ nhẹ nhàng châm biếm rằng Johnson đã bay qua đại dương nhanh hơn Adenauer vượt sông Rhein. Tuy nhiên cuối cùng phương Tây đành thừa nhận sự kiện ngăn cách biên giới hai nước Ðức bằng xi măng cốt sắt là một hiện thực lịch sử. Phe đồng minh chỉ ra công bảo vệ tự do cho Tây Berlin và cho lối vào thành phố (ví dụ qua tổ chức cầu không vận Berlin); nhưng qua đó, Tây phương cũng duy trì được tính chất ổn định của Cộng hoà Liên bang Ðức, thiết lập được một đối trọng của Cộng hoà Dân chủ Ðức và tạo dựng được một địa bàn ẩn náu cho những người tỵ nạn cộng sản. Tuy nhiên nếu Chiến dịch Hoa Hồng là một thành công nhỏ của chính quyền cộng sản Ðông Ðức thì nó lại là một thất bại lớn của chủ nghĩa cộng sản thế giới. Nó chứng tỏ ý thức hệ cộng sản đã phá sản. Một chế độ xây dựng trên lý tưởng thế giới đại đồng lại nhè xây vách đắp tường nhằm nhốt chặt quần chúng, cách ly dân chúng khỏi phần nhân loại còn lại. Nhưng cộng sản quả không còn biện pháp nào khác. Và giới lãnh đạo Tây Ðức kiên nhẫn đợi chờ. Phần mình, Khrushchev và Ulbricht đã từng tính toán rằng muốn đẩy ba quốc gia đồng minh ra khỏi Berlin thì phải gây chiến. Nhưng chưa muốn lâm chiến, hai lãnh tụ đỏ cho xây bức tường để ít nhất cũng đạt được mục tiêu tối thiểu là chặn đứng những đợt vượt biên. Vì chỉ nội trong mười bốn ngày đầu tháng Tám năm 1961 đó, đã có đến 17.500 người tỵ nạn từ Ðông Berlin trốn chạy sang Tây Berlin. Còn suốt chiều dài phân cách hai nước Ðức thì đã có tất cả 40.896 người tìm cách vượt tường. 2.624 người tỵ nạn là bộ đội biên phòng. Hình ảnh Conrad Schumann, công an nhân dân, 19 tuổi, mang quân phục, khoác súng trường, đội mũ sắt, đi giày ống, phi thân qua hàng rào dây thép gai tìm tự do, đã được truyền khắp thế giới. Tuy nhiên nếu nhiều người thành công thì cũng có những người thất bại. Những thành phần không may này sẽ được Tây Ðức tìm cách chuộc. Ðương nhiên Tây Ðức đành chịu bất lực, chẳng thể nàotrả giá được cho các công dân bỏ mình trên đường vượt tuyến. 257 người Ðức chết nơi chân bức tường ngăn đôi Berlin. 372 người Ðức chết nơi miền đất chia cắt lãnh thổ. 189 người chết trên biển cả.

Walter Ulbricht thấy rõ lòng bất mãn cao độ của dân chúng nên chủ trương phải làm sao cho kinh tế xã hội chủ nghĩa vượt trội hẳn kinh tế tư bản chủ nghĩa thì mới cầm chân được người dân. Và đó sẽ là bước đầu để tiến đến một nước Ðức thống nhất xã hội chủ nghĩa. Ðông Ðức phải trở thành tiền đồn của phe cộng sản về trí tuệ, về khoa học và về kinh tế. Nhưng nếu cứ đi theo đường lối kinh tế chỉ huy của Liên Xô với các kế hoạch ngũ niên thì sẽ chẳng thể nào thành công. Cho nên đã có “đổi mới tư duy“, đã có cải tổ cơ cấu. Ðông Ðức thành lập hệ thống NÖSPL [7] , sau này cải danh thành NÖS. Der neue Kurs, Ðường lối mới, được Ðông Ðức ban bố. Kết quả là nếu Liên bang Xô-viết thu hoạch được 18 tạ ngũ cốc mỗi hecta thì Ðông Ðức đạt đến 56 tạ mỗi hecta. Kỹ thuật trồng bắp, kỹ thuật nuôi súc vật được canh tân. Ðông Ðức gian khổ cựa mình thoát khỏi gông cùm ý thức hệ của học thuyết tác hại Lyssenko [8] trong sinh học. Và Ðông Ðức vẫn duy trì được thứ hạng số một về sản xuất hạt giống ở châu Âu. Nhưng tất cả vẫn chẳng đi đến đâu vì DDR tiếp tục thua xa BRD [9] . Ðến nỗi sau ngày thống nhất nước Ðức, chính bản thân Erich Honecker phải thú nhận là Ðông Ðức không có khả năng nhập cảng đủ chuối cho dân chúng tiêu thụ!

Và cũng chính Erich Honecker có dịp bảo với Mikhail Gorbachev hôm 06.10.1989: “Bức tường sẽ còn đứng vững một trăm năm nữa.” Một tháng ba ngày sau đó, ngày lịch sử 09.11.1989, Ủy viên Trung ương Ðảng Günter Schabowski họp báo quốc tế và bỗng nhiên bốc đồng tuyên bố rằng biên giới kể từ giờ phút đó được bỏ ngõ. Lần đầu tiên Đảng Cộng sản Ðông Ðức can trường đưa ra một quyết định mà không bàn trước với Đảng Cộng sản Liên Xô, không thỉnh ý “mẫu quốc”. Và đó cũng là lần cuối Đảng Cộng sản Ðông Ðức thực thi quyền quyết định của mình. Hôm đó, 09.11.1989, là một ngày thứ năm. Trời lạnh, mưa rào, hàn thử biểu chỉ 8 độ bách phân. Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl đang công du Ba Lan. Erich Honecker đang được điều trị chống đau bằng thuốc phiện trong bệnh viện. Ðội bóng đá Stuttgart đang đấu với đội Bayern-München. Giữa không gian khí tượng và trong bối cảnh lịch sử đó, lời tuyên bố của Günter Schabowski nổ ra như một quả bom. Lập tức một cơn hồng thủy hai trăm ngàn công dân Ðông Berlin tràn qua Tây Berlin. Trong tự do và không sợ hãi. Nơi cổng Brandenburg, người dân hai nửa thành phố chia cắt ùa theo nhau leo lên bức tường. Hãng vô tuyến truyền hình CNN trực tiếp truyền đi những hình ảnh đẹp đẽ nhất thời hậu chiến. Thị trưởng Tây Berlin Walter Momper: “Dân tộc Ðức trong đêm thứ năm rạng ngày thứ sáu là dân tộc hạnh phúc nhất thế giới.” Willy Brandt: “Một cuộc cách mạng thầm lặng.” Và Gorbachev: “Tôi hy vọng là mọi sự sẽ tiếp tục diễn biến yên ổn và hoà bình."

Ðể cùng chung sống yên ổn và hoà bình, Tây Ðức đã giúp đỡ Ðông Ðức. Tuy nhiên đây là một hình thức tài trợ kinh tế chủ động, chiến lược. Không bao lâu trước ngày 10.09.1989, ngày biên giới Hung-ga-ri bị đạp tung để cho người dân Ðông Ðức ào ạt tràn sang Tây Ðức, góp phần vào tiến trình thống nhất nước Ðức trong tự do dân chủ, khi Honecker vòi tiền Liên Xô thì Gorbachev trả lời: “Tôi cũng đâu có tiền, đồng chí hãy đi tìm người khác.” Trước thời điểm đó, Tây Ðức đã yểm trợ Ðông Ðức hết tỷ Ðức mã này đến tỷ Ðức mã khác, với điều kiện Ðông Ðức phải để cho người dân bên đó dễ dàng sang Tây Ðức. Kết quả từ con số dưới ba vạn du khách hằng năm – trên một dân số mười tám triệu – chỉ trong vòng hai năm 1988 và 1989, đã có ba triệu người Ðông Ðức qua Tây Ðức. Khi được hỏi về tác động của Milliardenkredit này, cựu Thủ tướng Tây Ðức Helmut Kohl đã trả lời: “Tác động được ghi nhận ở München, ở Frankfurt, ở Bonn. Người dân Ðông Ðức chứng kiến tận mắt Thủ tướng đi bộ từ trụ sở Quốc hội về Phủ Thủ tướng và ai muốn thì cứ đến mà hỏi chuyện ông ta. Họ đã có dịp vào các cửa hàng bách hoá, các siêu thị. Một người đến từ Leipzig. Anh ta đã phải chờ đợi từ năm này qua năm khác mà chưa mua được ô tô. Ở München, anh thấy trước một hãng xưởng hàng ngàn xe hơi của những người công nhân bình thường. Cho nên chỉ qua đêm là tất cả những điều tuyên truyền thêu dệt nhằm bôi nhọ Cộng hoà Liên bang Ðức tiêu tan. Ðó là thời điểm bắt đầu kết thúc Ðông Ðức.”

Cái chế độ gọi là “xã hội chủ nghĩa” của Ðông Ðức thực chất hầu như chỉ hiện diện trên đầu môi của những người cộng sản và dựa vào ba cột trụ để thống trị dân chúng: khủng bố, đàn áp công dân qua bộ máy an ninh mật vụ là một, tuyên truyền xuyên tạc mạ lỵ phương Tây là hai và hù doạ bằng hình ảnh người anh em vĩ đại Liên Xô sẵn sàng can thiệp bảo vệ chính quyền nhân dân trong trường hợp hai cột trụ một và hai thất bại là ba. Cái cột thứ ba đổ nhào trước tiên qua đường lối cải cách của Gorbachev, tuy rằng mới đầu giới lãnh đạo cộng sản Ðông Ðức đã tỏ ra không mấy lo ngại vì hy vọng triều đại Gorbachev sẽ không tồn tại lâu dài. Cái cột thứ hai gãy gục khi hàng vạn người Ðông Ðức tràn qua biên giới Hung-Áo ngày 11.09.1989, sau những làn sóng tỵ nạn chiếm cứ các toà đại sứ Tây Ðức ở Praha, ở Warszawa, thực hiện hình thức bỏ phiếu bằng chân và bằng xe. Cái cột thứ nhất đứng vững lâu nhất. Nó chỉ lung lay khi chính người dân Ðông Ðức bắt đầu không còn sợ chế độ stalinit nữa để đưa ra những khẩu hiệu đấu tranh mới Chúng ta là nhân dân (Wir sind das Volk) và Chúng ta ở lại đây (Wir bleiben hier). Bốn mươi năm lịch sử quốc gia Ðông Ðức là bốn mươi năm lịch sử hoạt động đối lập và bốn mươi năm lịch sử đàn áp đối lập. Hoạt động liên tục và đàn áp liên tục. Nhưng kể từ cuối thập niên 70, lực lượng đối lập càng ngày càng phát triển cả về nhân sự lẫn tổ chức. Thoạt tiên là những phản kháng thuộc lĩnh vực văn hoá. Rồi hướng đấu tranh trở nên đa dạng, lan toả sang phạm vi bảo vệ hoà bình và bảo vệ môi sinh. Kế đến các giáo hội đứng ra nhận vai trò đầu tầu, đứng lên giữ tác dụng đầu não. Mặt khác, giới trẻ càng ngày càng ý thức rõ trách nhiệm và chức năng của mình, càng ngày càng tỏ ra bất bình đối với chế độ toàn trị độc đảng. Tuy cơ quan mật vụ Stasi cũng thành công trong công tác nội vận lũng đoạn các tổ chức đối lập và trong rất nhiều trường hợp, từng tàn bạo đàn áp, nhưng thanh thế và sức mạnh các phe đối kháng vẫn càng ngày càng bành trướng, song song với những biến chuyển ở các quốc gia lân cận. Năm 1989, cả Ðông Ðức lẫn Tây Ðức đều cùng kỷ niệm bốn mươi năm thành lập. Tuy nhiên tình hình ở Ðông Ðức dưới sự khống chế của Đảng Cộng sản SED với thủ lãnh Honecker, cứ càng ngày càng xấu đi. Trong khi hàng vạn công dân Cộng hoà Dân chủ Ðức trốn chạy qua biên giới Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc, thì lực lượng đối lập trong nước mỗi ngày mỗi mạnh. Chỉ vài hôm sau ngày Quốc khánh Đông Đức, hàng trăm ngàn người tụ tập biểu tình bất bạo động chống bạo quyền áp bức. Rồi sáng kiến đấu tranh mới nảy sinh: dân Ðông Ðức đòi thống nhất với Tây Ðức. Khẩu hiệu thuở ban đầu Wir sind das Volk (Chúng ta là nhân dân) được đổi thành Wir sind ein Volk (Chúng ta là một dân tộc). Các lực lượng đối lập cứ tiến dần từng bước như thế, để đi đến giai đoạn đòi hỏi cải cách dân chủ. Kết quả một bàn tròn (der Runde Tisch) qui tụ các tập thể phản kháng và Đảng Cộng sản SED cùng các tổ chức vệ tinh đạt được chiến thắng quyết định đầu tiên khi bức bách Stasi phải giải tán, khi đòi hỏi biên soạn được hiến pháp dân chủ và tổ chức bầu cử quốc hội tự do. Người dân Ðông Ðức đã biết tận dụng cả thời lẫn thế. Và nhất là họ thấy rằng chỉ có họ mới đòi được tự do cho họ. Cho nên họ đã chuyển hướng và chuyển hoá hình thức đấu tranh. Thoạt đầu là bỏ nước ra đi bằng mọi giá, kể cả bằng sinh mệnh bản thân. Nhưng đến một thời điểm nhất định, họ không bỏ phiếu bằng xe bằng chân nữa, họ bỏ phiếu bằng tay bằng miệng. Họ quyết định ở lại để đấu tranh, wir bleiben hier.

Nước Ðức bị chia cắt khi các Hội nghị Yalta và Potsdam sau Ðệ nhị Thế chiến phân định lại lãnh thổ lục địa Âu châu. Cùng một loạt các quốc gia khác, Ðông Ðức thiết lập chủ nghĩa cộng sản. Nhưng chính người dân Ðông Ðức không hề rước cái gọi là chủ nghĩa xã hội vào nước họ. Chỉ có giới lãnh đạo tuân theo đường lối cộng sản do Liên Xô dẫn dắt. Nhưng dẫu vậy, họ vẫn phần nào biết nghĩ đến tổ quốc và đồng bào. Cho nên nước Ðức mới có những ngày bi hùng và hoành tráng: 17.06.1953, 13.08.1961, 09.11.1989. Và ngày 03.10.1990, ngày hai nước Ðức chính thức thống nhất trong hoà bình, dân chủ, tự do.

Dân tộc Việt Nam cũng đã từng cả triệu triệu người bỏ phiếu bằng chân, bằng thuyền, bằng máy bay, thực hiện giai đoạn chống đối thứ nhất. Giai đoạn kế tiếp thuộc về đồng bào trong nước. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã hình thành qua hành động thách thức số mệnh, qua quyết định mạo hiểm ly hương. Cộng đồng hải ngoại Việt Nam trong cảnh sống lưu vong trên những mảnh đất xa lạ không hề hiếu khách đã đứng được vững và ngay khi mới lại hồn, đã dốc lòng yểm trợ phong trào đấu tranh trong nước. Nhưng nếu trong nước không ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình thì chữ S trên bờ Thái Bình Dương sẽ còn lâu mới được như mảnh đất nhìn ra Bắc Hải.

Chúng ta đều biết rằng chỉ có nước chúng ta mới có ngày 30.04. Sai lầm chiến lược của những người cộng sản khiến cho hơn ba triệu thanh niên nam nữ thuộc ba thế hệ đã hy sinh xương máu ròng rã trong bốn mươi năm trải qua ba cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Thế giới Tự do Dân chủ và chống lẫn nhau (chiến tranh Miên-Việt, chiến tranh chống bá quyền). Trong số những nước thuộc địa, bảo hộ và giám hộ tại Á Châu, tất cả các quốc gia khác đã đấu tranh ôn hoà, hợp pháp, bất bạo động, không vọng ngoại và không liên kết với quốc tế cộng sản. Họ đều độc lập mà không có ngày 30.04.

Ðối với nước Ðức, ngày 30.04 chỉ là một ngày như mọi ngày. Tất cả hạnh phúc của người dân Ðức nằm ở điểm này, trong khi tất cả tai hoạ của người dân Việt nằm ở điểm ngày 30.04 cứ khơi gợi hận thù và đau thương. Và sẽ còn khơi gợi hận thù và đau thương.

Westpreußenstr., 12.04.2007

© 2007 talawas


--------------------------------------------------------------------------------
[1]Lúc bấy giờ chưa có bức tường, người dân từ Ðông Berlin có thể qua Tây Berlin.
[2]RIAS: Rundfunk im amerikanischen Sektor: cơ quan truyền thanh ở Tây Berlin trong khu vực do Hoa Kỳ kiểm soát.
[3]Bertolt Brecht (1898-1956), nhà thơ, nhà viết truyện, nhà dựng kịch, nhà lý luận văn học nổi tiếng thế giới. Con một chủ nhà máy. Học y khoa. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang học thì bị động viên vào quân đội. Năm 1918 làm y tá quân y chăm sóc thương binh. Cùng năm đó bắt đầu làm thơ và bài hát phản đối chiến tranh với thái độ phủ nhận tôn giáo, bài xích xã hội; nhận chức Ủy viên Hội đồng Công nhân Augsburg, tuy chỉ tham gia sinh hoạt có vài ngày. 24 tuổi viết vở kịch Trommeln in der Nacht (Tiếng trống đêm), được Giải thưởng Văn học Kleist. 1928 học trường công nhân mác-xít, sáng tác chống lại giai cấp thống trị. 1928 với vở Dreigroschenoper (Ca kịch ba xu), Brecht nổi danh khắp châu Âu, toàn nước Ðức bắt đầu hát những Lieder, lời của Brecht do K. Weil soạn nhạc. 1933 Hitler lên cầm quyền, sách của Brecht bị đốt. Brecht sống lưu vong 15 năm ở Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Ðan Mạch, Thụy Ðiển, Phần Lan, Liên Xô, Hoa Kỳ. Trong giai đoạn này sáng tác dồi dào thi ca trí tuệ: Die Gewehre der Frau Carrar (Những khẩu súng của bà Ca-ra, 1937), Furcht und Elend des Dritten Reiches (Lo âu và khổ cực của Ðế chế thứ Ba, 1938), Mutter Courage und ihre Kinder (Mẹ Dũng cảm và các con, 1939), Leben des Galilei (Cuộc đời Galilêi, 1940). Chiến tranh chấm dứt, Brecht về nước sinh sống ở Ðông Ðức, được chính quyền cộng sản tài trợ rộng rãi phương tiện hoạt động văn hoá, cùng vợ là Helene Weigel (1900-1971) thành lập đoàn kịch Berliner Ensemble, trình diễn thường xuyên ở Theater am Schiffbauerdamm, mang lại uy tín quốc tế cho sân khấu Ðức. Giải thưởng Quốc gia Cộng hoà Dân chủ Ðức 1951. Giải thưởng Hoà bình Quốc tế Lenin 1954.
[4]Black-out: việc che ánh đèn tối thui bất thình lình trên sân khấu trình diễn, lệnh tắt đèn chiến thuật cho địch quân khỏi trông thấy.
[5]BND: Bundesnachrichtensdienst, Cơ quan Tình báo Liên bang (Tây Ðức).
[6]Helmstedt: thành phố Tây Ðức, bang Niedersachsen, nằm sát biên giới Đông Đức, bang Sachsen-Anhalt
[7]NÖSPL: Neues Ökonomisches System der Planung und Leitung: Hệ thống Kinh tế mới về Hạch toán và Chỉ huy.
[8]Trofime Denissovitch Lyssenko (1898-1976) nhà thực vật học và nhà di truyền học Xô-viết, chủ xướng học thuyết Mendel là sản phẩm tiểu tư sản, qua đó phủ nhận sự hiện hữu của gen.
[9]DDR: Cộng hoà Dân chủ Ðức (Ðông Ðức), BRD: Cộng hoà Liên bang Ðức (Tây Ðức).

talawas

Aucun commentaire: