1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

lundi 30 avril 2007

30/4/07 DCVOnline phỏng vấn Bùi Tín

DCVOnline phỏng vấn Bùi Tín

Mạc Việt Hồng - thực hiện



Việt Hồng: Thưa ông, nhân dịp ngày 30/4, DCVOnline chúng tôi muốn có cuộc trao đổi cùng ông với tư cách là một cựu đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam, một nhà báo, về cuộc chiến đã qua. Xin ông cho biết, ông thường hay nghĩ về cuộc chiến 32 năm trước không và cảm giác của ông khi nghĩ về nó như thế nào?


Bùi Tín (11/2006)
Nguồn/Ảnh: DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------

Bùi Tín: (cười) Chiến tranh kết thúc đã lâu lắm rồi nhưng làm sao có thể quên được. Cảm giác của tôi là Đảng Cộng Sản (ĐCS) đã bỏ lỡ một cơ hội sau khi hòa bình thống nhất đất nước, bỏ lỡ cơ hội hòa hợp, hòa giải dân tộc để xây dựng một đất nước giầu đẹp hơn. Đó là điều hết sức đáng tiếc vì đó là cơ hội ngàn năm một thuở. Lúc đó chúng ta có điều kiện hòa giải dân tộc, thống nhất anh em sau nhiều năm chia rẽ.

Việt Hồng: Ông muốn nói tới những sai lầm của ĐCS sau khi thống nhất đất nước?

Bùi Tín: Đúng. Nếu ĐCS khôn ngoan, thông minh, có trách nhiệm với dân tộc thì phải tận dụng cơ hội này để thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc, thống nhất lòng người, xóa bỏ hận thù, không được áp đặt chính sách ta – địch, chính – tà nữa... ĐCS phải chịu trách nhiệm về chính sách "học tập cải tạo” đối với những người thất trận mà thực chất là giam cầm không xét xử hàng mấy trăm ngàn người, rồi sự ra đi của cả cả triệu người Việt Nam mà hàng trăm ngàn người đã chết chìm dưới biển cả. Càng nghĩ tôi càng lấy làm tiếc vì ĐCS đã tin vào một học thuyết vô lý, đề cao sự đối kháng giai cấp dẫn đến chia rẽ dân tộc, chia rẽ lòng người, chia rẽ gia đình... Nếu ĐCS biết tận dụng cơ hội đó thì đâu đến nỗi chúng ta thua kém Thái Lan, thua kém Đại Hàn... đến như vậy.

Tôi mong lãnh đạo sẽ tỉnh lại để "còn nước còn tát”, nhìn thẳng vào những sai lầm trước kia mà sửa chữa để hàn gắn lại đoàn kết dân tộc.

Việt Hồng: Thưa ông, những người Việt Nam vượt biên vào những năm sau khi chiến tranh kết thúc, trước kia bị Đảng cho là "con cháu của tàn quân Ngụy", là đám đĩ điếm chây lười lao động, chạy theo cơm thừa, sữa cặn của Đế Quốc Mỹ... Nay, tuy ĐCS không nói lời xin lỗi nhưng trên thực tế Nghị quyết 36 đã gọi họ là những Việt Kiều, là "bộ phận không thể tách rời của dân tộc”. Sắp tới đây, có thể Đảng còn miễn visa, chấp nhận song tịch... Vậy có thể nói là ĐCS đang sửa chữa sai lầm?

Bùi Tín: Tôi không thấy thế đâu cô à. Cách đặt vấn đề của ĐCS vẫn là kiểu trịch thượng của người chiến thắng, không thấy hết múc độ sai lầm đáng tiếc của mình. Đó là thái độ ban ơn, coi người Việt Nam ở nước ngoài ở một tầm rất thấp, chủ yếu nhìn vào cái túi Đô-la của họ thôi. Vì vậy có được bao nhiêu người hưởng ứng lời kêu gọi của đảng đâu. Theo thống kê chính thức của Hà Nội, bà con Việt Kiều mới đầu tư được trên 200 triệu Đô-la. Đó là chưa kể tới hàng mấy trăm ngàn trí thức Việt Kiều mà không mấy ai hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng cả. Bởi vì, đa số bà con Việt Kiều thấy không chấp nhận được nghị quyết 36 này.

Việt Hồng: Xin phép ông được quay lại với ngày 30/4 của chúng ta. Cách đây 32 năm, ông đang say sưa với niềm vui chiến thắng, cảm giác của ông khi đó như thế nào?

Bùi Tín: Vâng, ngày 30/4 khi chúng tôi vào Sài Gòn có thể nói là vui vô cùng. Vì sau mấy chục năm bao nhiêu hy sinh, nay hòa bình, thống nhất, đất nước đứng trước bao nhiêu triển vọng làm sao không vui được.

Việt Hồng: Khi nào thì ông bắt đầu thấy thất vọng hay thấy kém vui đi?

Bùi Tín: Từ khi tôi thấy những người lính miền Nam hay những người làm việc cho chế độ cũ bị đi "học tập cải tạo”. Là một nhà báo nên tôi đến các trại cải tạo đó. Thực chất đó là những trại giam do Cục Quản lý Trại giam của Bộ Công an quản lý. Ở đó có cả xà lim, phòng giam... Lúc đó tôi cũng nông nổi. Tôi nghĩ chắc chỉ học tập vài ba tháng, tôi biết đâu là người ta dử vào đó rồi không xét xử, bỏ tù vô thời hạn... Nếu là học tập thì phải tiếp thu một cách tự do, bình đẳng chứ.

Từ đó tôi bị hẫng, hàng triệu người bị hẫng. Hiện nay ĐCS vẫn không muốn nói một điều đáng tiếc về chuyện đó. Ngay cả ông Võ Văn Kiệt cũng không dám nói ra, mặc dù những người chủ trương đường lối phi dân tộc, phi nhân tính đó đều đã chết.

Rồi việc giải thể không kèn không trống Chính phủ Lâm thời, Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam... Đáng ra nên để lại để giữ quan hệ với phương Tây để giữ sự hòa hợp giữa hai miền Nam- Bắc.

Tôi đã từ bỏ tất cả những huân huy chương của tôi vì tôi cho rằng nó không có gì là vinh hạnh cả. Mấy triệu người VN chết mà toàn là anh em giết lẫn nhau. Cuộc chiến vừa qua là một trang đen tối trong lịch sử VN, không có gì để kiêu ngạo, để hãnh diện cả.

Việt Hồng: Để có những huân huy chương đó, ông đã tham gia những công việc cụ thể gì trong chiến tranh?

Bùi Tín: Tôi vào quân đội lúc 19, 20 tuổi, lúc đó còn hăng hái lắm. Lúc đầu là lính thôi, rồi tham gia cách mạng Tháng Tám, hoạt động ở mặt trận trong những năm 1945-1949. Sau Điện Biên Phủ tôi vào Hà Nội, rồi chuyển sang làm báo chí tuyên truyền. Sau đó tôi về báo Nhân Dân. Trong những năm chiến tranh (1965- 1975), tôi làm báo là chính, tôi cũng vẫn tiếp tục làm báo cho tới năm 1990 khi tôi sang Pháp. Sau 44 năm trong ĐCS, hơn 37 năm trong quân đội, bây giờ tôi là nhà báo tự do để tham gia một cuộc đấu tranh mới giành lại tự do dân chủ cho đất nước mình.

Việt Hồng: Thưa ông, thế hệ của các ông, thế hệ của những người:

"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Là một người cầm bút, một nhà báo, ông đã cổ vũ động viên những nam thanh nữ tú đó đi vào chiến trường mà thực chất là đi vào nơi chết chóc với lòng "phơi phới”. Chắn chắn trong sự viết lách của các ông khi đó, có những thông tin sai sự thật. Ông có thấy mình phải chịu trách nhiệm ít nhiều trong sự "phơi phới” đó hay không?

Bùi Tín: Có chứ, cô Việt Hồng. Cho nên tôi vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân tham gia vào những hướng sai lầm đó. Một con người không thể thoát khỏi hoàn cảnh lịch sử được.

Nếu tôi ở Miền Nam, có khi số phận tôi đã khác. Ở Miền Bắc, tôi phải theo cái xu hướng lịch sử như thế. Lúc đó, tôi nghĩ rằng cuộc kháng chiến là đúng đắn, rằng hòa bình, thống nhất sẽ có độc lập, tự do... Dù sao cũng may mắn là tôi đã tỉnh lại!

Việt Hồng: Ký ức mãnh liệt nhất về cuộc chiến của ông là gì?

Bùi Tín: Tôi thường hay nghĩ tới những người đồng đội của mình. Đồng đội của tôi chết nhiều lắm! Tôi vuốt mắt cho hàng trăm người, khi tôi là Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng. Thương lắm! Đau lắm! Tôi cứ suy nghĩ mãi, những người chết hình như là những người thông minh nhất, dũng cảm nhất... Nhiều anh trong đó đã thi đỗ đầu vào các trường đại học vậy mà vẫn xung phong vào chiến trường, rồi 10 đi thì 7, 8 không trở lại. Cả hai bên đều là những người đã xả thân vì lá cờ của mình, về những giá trị mà mình cho là thiêng liêng.

Việt Hồng: Thưa ông, ông vừa nhắc tới những người lính phía bên kia chiến tuyến. Ở chiến trường ông đã coi họ là những kẻ thù. Vậy xin ông cho biết từ khi nào nhận thức của ông về họ thay đổi?

Bùi Tín: Đó là khi tôi gặp họ trong các trại giam, tôi hỏi kỹ họ. Dần dần tôi nhận ra. Đến khi tôi ra nước ngoài, tôi gặp họ và bây giờ tôi kết thân với nhiều người lắm. Ví dụ như tướng Nguyễn Trọng Bá, rất thân với tôi và còn nhiều anh em tướng tá khác. Do hoàn cảnh lịch sử thôi, nếu tôi ở Miền Nam, chắc tôi cũng cùng cầm súng với họ. Nếu họ ở Miền Bắc, có khi cũng cùng cầm súng với tôi. Nhưng một số người thì có quan điểm cực đoan, quá khích, họ không tin tôi, cho tôi là cộng sản nằm vùng...

Việt Hồng: Còn với vong linh của những người lính đã mất, ông có muốn nói điều gì không?

Bùi Tín: Tôi coi họ ngang nhau, không hơn không kém với cả hai phía. Tôi thương khóc họ như nhau. Tôi tôn trọng tất cả các liệt sỹ của cả hai miền Nam - Bắc, cả những đồng bào đã mất trong cuộc chiến, dù Nam hay Bắc đều là những người ruột thịt của tôi.

Việt Hồng: Tôi nghĩ rằng, lịch sử của một dân tộc cũng giống như số phận của một con người. Đặt ra vấn đề "nếu như thế này...”, "giá như thế kia...” đều không giải quyết được gì cả. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng, nếu ông Hồ Chí Minh (HCM) không đem học thuyết cộng sản vào Việt Nam thì đã không xảy ra một cuộc chiến mấy chục năm, thiệt hại vài triệu mạng người như vậy. Ông nghĩ sao về giả định này?

Bùi Tín: Đúng là ông Hồ đã đem chủ nghĩa Cộng Sản tới Việt Nam, nhuộm đỏ cả Bắc Việt Nam, muốn nhuộm đỏ cả Lào và Miên..., rồi còn muốn nhuộm đỏ cả Đông Nam Á, châu Á và tham gia vào việc nhuộm đỏ cả Thế giới. Đó là mục tiêu của ĐCS lúc bấy giờ, một mục tiêu được cho là rất cao cả (cười).

Việc đánh giá về ông Hồ phải rất thận trọng. Về việc này thì tôi có viết trong một cuốn sách. Việc coi ông Hồ là tội đồ của dân tộc, ngu dốt... hay việc đề cao ông quá đều không đúng. Nhưng nếu ông Hồ không tiếp thu chủ nghĩa CS từ Lenine, Stalin, không sang tận Nga để học tập... thì sẽ không có đảng CSVN, không có mặt trận Việt Minh, có thể cũng không có cuộc chiến tàn khốc và nước Việt Nam không bị nhuộm đỏ tới bây giờ. Chúng ta có thể sẽ như Thái Lan, Philippines..., tức là một nước dân chủ. Nhưng những sai lầm đó, tôi cho rằng HCM không cố tình mà đó là sai lầm mang tính lịch sử. Ông Hồ đã tưởng rằng chủ nghĩa Marx-Lenine là tốt đẹp

Trên hình thức thì ĐCS đã lãnh đạo kháng chiến thành công nhưng thực tế thì họ áp dụng học thuyết CS, thực hiện cương lĩnh của Quốc Tế III. Trong đó sai lầm nhất phải kể tới việc đấu tranh giai cấp. Từ việc theo học thuyết này, VN tự đặt mình đối lập với thế giới dân chủ....

Việt Hồng: Xin được hỏi ông một câu cuối cùng, hơi riêng tư một chút. Việc ông từ bỏ hàng ngũ ĐCS, tranh đấu cho tự do dân chủ, ĐCS cho ông là phản bội, còn ngay ở hải ngoại, một số người không tin tưởng ở ông, cho ông là nằm vùng... dùng những lời lẽ có thể nói là xúc phạm tới ông. Ông có buồn không?

Bùi Tín: Ồ, tôi cũng không có gì buồn cả vì khi dấn thân, tôi đã lường trước những khó khăn rồi. Sẽ có lúc tôi bị kẹt giữa 2 làn đạn. Trong nước họ bảo tôi là bất mãn, phản động nhưng tôi rất mừng là số đó ít thôi và ngày càng ít đi, chỉ có một số trong bộ máy tuyên truyền của công an, ban tư tưởng thôi. Còn tôi nhận được không biết bao nhiêu thư từ, e-mail của đồng bào trong nước, của thế hệ trẻ, người ta bày tỏ sự thông cảm, chia sẻ với tôi. Ở ngoài nước có một số người họ nhìn tôi cũng quá đáng, họ cho rằng tôi vẫn mang lập trường CS. Thậm chí cho rằng tôi là nhân viên tình báo làm việc cho CS, dân chủ cuội, nhưng tôi tin rằng đông đảo mọi người hiểu tôi. Tôi có ngày càng nhiều bạn, những người bạn tốt họ thông hiểu mình. Rồi những bài báo mà tôi viết ra, trong và ngoài nước họ thi nhau phổ biến đó cũng là an ủi lớn với tôi khi xa những người ruột thịt.

Việt Hồng: Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn mà ông đã dành cho DCVOline.

Bùi Tín: Cám ơn Đàn Chim Việt đã đăng rất nhiều những bài viết của tôi. Tôi cũng đã đi dự cuộc gặp mặt ĐCV năm ngoái và được gặp anh em toàn những người trẻ tuổi khắp 5 châu. Xin cám ơn cô về những câu hỏi rất thú vị hôm nay.

© DCVOnline
dcv

Aucun commentaire: