GS sử học Phan Huy Lê:
Điều chỉnh vị trí xây Nhà Quốc hội trong lô D
11:02' 13/03/2007 (GMT+7)
(VietNamNet)- Tôi nghĩ rằng thực hiện chủ trương xây Nhà Quốc hội trong lô D thì đây là một sự lựa chọn và điều chỉnh hợp lý nhất - GS sử học Phan Huy Lê.
GS sử học Phan Huy Lê
Gần đây, có thông tin trên một vài tờ báo rằng Nhà Quốc hội mới sẽ được xây dựng tại khu C và D (theo bản đồ khảo cổ học) của lô D trong khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Thông tin này có chính xác không, thưa Giáo sư?
- Quả thật tôi không biết các tờ báo trên đã lấy thông tin từ đâu. Theo chỗ tôi được biết thì gần đây theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã điều chỉnh lại địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội. Nhà Quốc hội vẫn xây dựng trong lô D theo bản đồ qui hoạch khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Lô D bao gồm toàn bộ các khu A, B, C, D theo bản đồ khai quật khảo cổ học và cả khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay, nằm trong giới hạn các phố Hoàng Văn Thụ - Độc Lập - Bắc Sơn - Hoàng Diệu. Cần phân biệt lô D theo bản đồ qui hoạch và khu D theo bản đồ khai quật khảo cổ học.
Lãnh đạo vẫn giữ chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội trong lô D, nhưng có một sự điều chỉnh quan trọng, đưa vị trí về Hội trường Ba Đình nghĩa là xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên của Hội trường Ba Đình hiện nay.
Trước đây, đã có đề xuất những vị trí khác trong khu chính trị Ba Đình có thể lựa chọn để xây nhà Quốc hội, như lô H6, H7 nằm hai bên đường Hùng Vương, giữa phố Trần Phú và Lê Hồng Phong, có diện tích gần 4 hecta hay lô A7 nằm đối diện với Bảo tàng Hồ Chí Minh có diện tích khoảng 3,5 hecta. Nay trước sự điều chỉnh này của Chính phủ, GS có suy nghĩ gì?
- Chúng tôi đã từng đề nghị tìm một địa điểm ngoài khu di tích Hoàng thành tại 18 Hoàng Diệu để xây dựng Nhà Quốc hội, có thể là lô H6, H7 hay A7 và lúc đó ai cũng nghĩ rằng Hội trường Ba Đình là một di tích lịch sử cần phải bảo tồn. Trong Báo cáo của Chính phủ trình trước kỳ họp thứ X Quốc hội khóa XI vào cuối tháng 11/2006 nêu lên 6 phương án địa điểm để xem xét lựa chọn xây dựng Nhà Quốc hội, trong đó cũng không có địa điểm Hội trường Ba Đình.
Địa điểm mới là ô vàng sẫm ở mép trong Khu vực khai quật khảo cổ 18 Hoàng Diệu
Nhưng lãnh đạo vẫn giữ chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội trong lô D của Trung tâm chính trị Ba Đình và trong chủ trương đó, chọn vị trí khuôn viên Hội trường Ba Đình là một đề xuất hoàn toàn mới. Tôi nghĩ rằng thực hiện chủ trương xây Nhà Quốc hội trong lô D thì đây là một sự lựa chọn và điều chỉnh hợp lý nhất. Tôi hoan nghênh sự điều chỉnh này. Tôi vui mừng nhận thấy chắc lãnh đạo Đảng và Chính phủ có lắng nghe, tham khảo, nghiên cứu các ý kiến đề xuất, tư vấn của giới khoa học trong nước, Việt kiều nước ngoài, chuyên gia quốc tế và một số vị lão thành cách mạng, để điều chỉnh địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội, vừa bảo đảm Nhà Quốc hội vẫn giữ vị trí trang trọng trong lô D của khu Trung tâm chính trị Ba Đình, vừa trên thực tế, bảo tồn được toàn bộ khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ.
> Cấm Thành trước những lựa chọn mang tính lịch sử
> Hoàng Thành Thăng Long chưa được công nhận là di sản cấp Quốc gia
> Hoàng Thành Thăng Long trong tương quan với kinh đô cổ
> GS. Phan Huy Lê: Đã xác định được Cấm Thành Thăng Long
> GS Phan Huy Lê trả lời về việc bảo tồn Hoàng Thành
> Bản đồ Cấm Thành qua sử liệu và dấu vết thực địa
> Giao 0.9 hecta di tích Thành Cổ cho Thành phố Hà Nội
> Kiến nghị của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Liệu ý tưởng bảo tồn nguyên trạng toàn bộ 19.000m2 khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đã phát lộ có khả thi trong điều kiện hiện nay của Việt Nam không?
- Tôi nói bảo tồn toàn bộ khu di tích không có nghĩa là bảo tồn nguyên trạng cả 19.000 m2 đã phát lộ. Bảo tồn di tích khảo cổ học, nhất là khảo cổ học đô thị và kinh thành, là rất khó và tốn kém. Hơn nữa ngành khoa học này ở nước ta cho đến nay còn rất ít kinh nghiệm và chưa có chuyên gia, nên chúng ta cần sự tư vấn và hỗ trợ của UNESCO và chuyên gia quốc tế.
Điều đáng mừng là ông Chủ tịch UNESCO, Chính phủ và tổ chức khoa học một số nước như Nhật Bản, Pháp... đều bày tỏ thái độ sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam để nghiên cứu và bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Tôi và một số nhà khoa học Việt Nam nghĩ rằng trên cơ sở chủ trương bảo tồn chung, cần phải nghiên cứu thật kỹ để chọn một số diện tích tiêu biểu bảo tồn nguyên trạng, còn những hố khai quật khác có thể lấp cát để bảo tồn trong lòng đất và sau này có điều kiện sẽ khai quật để tiếp tục nghiên cứu bảo tồn bằng nhiều giải pháp khác nhau.
Những chỗ lấp cát, có thể trồng cây cỏ làm vườn hoa, có thể dựng lại mô hình di tích nằm bên dưới, tạo nên cảnh quan đẹp cho toàn khu vực trong một quy hoạch thống nhất và lâu dài. Đồng thời cần xây dựng nhà trưng bày để giới thiệu các di tích, di vật cùng một số mô hình, kể cả mô hình giả định để người xem hình dung được kiến trúc cung điện xưa cùng công năng các vật liệu xây dựng đã phát hiện... Còn việc phục dựng một vài cung điện tiêu biểu cũng cần đặt ra nhưng chắc chắn phải nghiên cứu lâu dài và chỉ có thể thực hiện khi hội đủ các cứ liệu khoa học cần thiết. Qua những lần tham quan Nhật Bản, tôi thấy cũng có thể áp dụng công nghệ tin học hiện đại như kỹ thuật 3D (ba chiều) để phục dựng trong không gian ảo nhằm hoàn thiện từng bước trước khi phục dựng thật...
Tất nhiên đây chỉ là vài gợi ý, mọi việc cần nghiên cứu công phu và tranh thủ sự tư vấn của UNESCO và chuyên gia quốc tế. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể và kế hoạch lâu dài, tùy khả năng kinh phí, chúng ta triển khai từng bước, trong đó có bước quan trọng nhằm mục tiêu kỷ niệm Thăng Long nghìn tuổi.
Với quyết định xây dựng nhà Quốc hội trong khuôn viên Hội trường Ba Đình, đồng thời vẫn bảo tồn toàn bộ khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ, các đại biểu Quốc hội có chấp thuận không, thưa GS?
- Theo tôi biết thì trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XI vào cuối tháng này và đầu tháng sau, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận và đưa ra quyết định cuối cùng về chủ trương và địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội. Địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội đã quan trọng, lại liên quan đến việc bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long là một di sản văn hóa vô giá của dân tộc mang tầm cỡ thế giới và là vấn đề vô cùng nhạy cảm được dư luận trong nước, dư luận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và quốc tế quan tâm, nên đưa ra Quốc hội thảo luận và quyết định là rất cần thiết, biểu thị quyền hạn và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trước nhân dân, trước lịch sử.
Tôi hoan nghênh chủ trương này và tin rằng các đại biểu Quốc hội sẽ có quyết định hợp lòng dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Tôi cũng hi vọng phương án điều chỉnh địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội sẽ dễ dàng được Quốc hội chấp thuận. Tuy nhiên Quốc hội chỉ quyết định chủ trương và địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội, còn công việc thiết kế, xây dựng sẽ do các cơ quan chức năng của Chính phủ đảm nhiệm.
Bất cứ công trình nào xây dựng trong khu chính trị Ba Đình đều rất cần chú ý đến sự hài hòa với những không gian xung quanh. Theo GS, với vị trí của Nhà quốc hội mới thì đó sẽ là những sự hài hòa nào, và GS có đề xuất cụ thể gì với các cơ quan chức năng sẽ đảm nhiệm việc thiết kế, xây dựng Nhà Quốc hội?
- Về mặt này, tôi muốn đề xuất mấy ý kiến tư vấn sau đây:
Thứ nhất là Nhà Quốc hội xây dựng trên khuôn viên Hội trường Ba Đình và dĩ nhiên phải dỡ bỏ kiến trúc cũ. Hội trường Ba Đình đã trải qua nhiều lần tu bổ, cải tạo, mở rộng và kiến trúc hiện nay không còn giữ được dạng nguyên gốc, nền móng lại không kiên cố, nhiều chỗ sụt lún, không bảo đảm độ an toàn cao. Tuy nhiên Hội trường Ba Đình phải được coi là một di tích cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh vì chính tại nơi này đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại như Đại hội đại biểu chính trị toàn quốc, Đại hội trí thức toàn quốc, một số Đại hội Đảng, nhiều kỳ họp Quốc hội và đặc biệt là lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh... Vì vậy nên nghiên cứu một hình thức nào đó để lưu dấu di tích lịch sử này như vẫn giữ tên Hội trường Ba Đình hay trong Nhà Quốc hội mới có biển ghi lại di tích này cùng một phòng lưu niệm trưng bày mô hình Hội trường Ba Đình cùng một số ảnh, di vật tiêu biểu...
Thứ hai là Nhà Quốc hội xây dựng ngay trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nên hướng nhà, quy mô, độ cao... cần bảo đảm sự hài hòa với Lăng Bác Hồ.
Thứ ba là Nhà Quốc hội nằm sát bên khu di tích Hoàng thành Thăng Long về ba mặt bắc, đông và nam. Nhà Quốc hội là một kiến trúc hiện đại, khu di tích trên nghìn năm của tổ tiên xây bằng đất, gạch ngói, gỗ, đá kê cột của kỹ thuật thủ công cổ truyền. Cái khó của nhà thiết kế và xây dựng là phải tạo nên sự hài hòa giữa Nhà Quốc hội và khu di tích về các mặt, nhất là giới hạn, qui mô và kiểu dáng kiến trúc.
Thứ tư là phải đặt Nhà Quốc hội trong một quy hoạch tổng thể rộng lớn hơn bao gồm cả khu Trung tâm chính trị Ba Đình với thành cổ Hà Nội và các kiến trúc hiện có trong khu vực để tạo nên sự hài hòa trong đa dạng. Trong quy hoạch này cần phải nghĩ đến tiêu chí Di sản văn hóa Thế giới của khu di tích Cấm thành nằm ở trung tâm của Hoàng thành Thăng Long.
Nghĩa là, với sự điều chỉnh về vị trí xây dựng Nhà Quốc hội (tại khuôn viên của Hội trường Ba Đình), sẽ không ảnh hưởng đến khả năng thủ đô Hà Nội có một di sản văn hóa thế giới?
- Các chuyên gia hàng đầu của UNESCO và quốc tế đều thống nhất đánh giá cao giá trị của khu di tích và khẳng định có đủ khả năng được công nhận Di sản văn hóa Thế giới. Cần phải nghĩ đến yêu cầu trọn vẹn, vừa xây dựng Nhà Quốc hội trong lô D, vừa không tự đánh mất một di sản văn hóa thế giới giữa lòng thủ đô Hà Nội. Với quyết định điều chỉnh địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình, tôi nghĩ rằng nếu xác lập được một qui hoạch và thiết kế hài hòa, chúng ta có thể thực hiện được nguyện vọng tha thiết đó của nhân dân Hà Nội và cả nước cùng kiều bào hải ngoại và bạn bè quốc tế.
- Xin cảm ơn GS.
Khánh Linh (thực hiện)
http://www.vietnamnet.vn/vanhoa/chuyende/2007/03/672445/
• Những phát hiện mới về Hoàng thành Thăng Long (12/02/2007)
- Tội tày trời đã khởi đầu ? Chớ có liều ! Hãy biết kinh, biết sợ ! (20/4/2007)
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire