1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 2 mai 2007

30/4/07 và những chặng đường dân chủ

30/4 và những chặng đường dân chủ



DCVOnline – Như Đàn Chim Việt đưa tin hôm 30/4/2007, tác giả Đỗ Thái Nhiên đã có mặt tham dự Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tổ chức tại Montréal chiều ngày 29/4/2007 theo lời mời của Cộng đồng Người Việt Quốc gia vùng Montréal. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của tác giả với tựa đề Ba mươi tháng tư và những chặng đường dân chủ.

Ba mươi tháng tư và những chặng đường dân chủ.
Đỗ Thái Nhiên


Trong bất kỳ cuộc chiến nào, các phe lâm chiến bao giờ cũng nhân danh quyền lợi dân tộc, quyền lợi nhân loại để chiến đấu. Chừng nào quyền sống của con người chưa được thực sự tôn trọng, chừng đó chiến tranh còn tiếp diễn. Trên bình diện quân sự, chiến tranh tại Việt Nam đã chấm dứt kể từ 30/4/1975. Thế nhưng sau 30/4/75 dân chủ nhân quyền tại Việt Nam ngày càng bị chà đạp tàn tệ. Vì vậy 30/4/1975 chỉ là cột mốc lịch sử ghi nhận chiến tranh Việt Nam đã chuyển đổi từ quân sự qua chính trị. Và cũng vì vậy, hàng năm cứ vào dịp 30/4 là người Việt Nam lại cùng nhau kiểm điểm xem công cuộc vận động tự do dân chủ cho Việt Nam đã gặp những khó khăn nào? Thuận lợi nào? Con đường tiến tới tự do dân chủ còn bao xa? Để tìm giải đáp cho các thắc mắc vừa nêu, nhân dịp 30/4 lần thứ 32, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu tình hình chính trị Việt Nam thông qua ba chủ đề sau đây:

I. Vị trí chính trị của cộng sản Việt Nam trên bàn cờ thế giới.
II. Mưu đồ theo Mỹ nhưng không mất đảng của cộng sản Việt Nam.
III. Phương pháp luận của các thế lực đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam


I. Vị trí chính trị của cộng sản Việt Nam trên bàn cờ thế giới:

Trong bang giao quốc tế , giới chức ngoai giao cộng sản Việt Nam bao giờ cũng khẳng định: Việt Nam làm bạn với mọi quốc gia của thế giới. Tuy nhiên, thực tế chính tri quốc tế đã dẩy cộng sản Việt Nam đứng trước một chọn lựa dứt khoát: hoặc theo Trung Quốc, hoặc theo Hoa kỳ. Đâu là chọn lựa cộng sản Việt Nam phải nắm lấy? Đáp số của câu hỏi vừa nêu nằm giữa ba mối bang giao: cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ, Hoa Kỳ và Trung Quốc.


A. Bang giao cộng sản Việt Nam và Trung Quốc:

Lịch sử bang giao giữa Trung quốc và Việt Nam là lịch sử của xâm lăng và chống xâm lăng. Bài viết này chọn những va chạm giữa Việt Nam và Trung Quốc chung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như chỉ dấu của tính thăng trầm trên bang giao Việt Hoa.

Cổ sử cùng với thực tiễn đời sống đều xác nhận: toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Quần đảo này gồm Tây Hoàng Sa và Đông Hoàng Sa. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng Đông Hoàng Sa. Việt Nam Cộng Hoà chỉ còn giữ Tây Hoàng Sa.



Ngày 4/9/1958, Trung Quốc tuyên bố hải phận của họ rộng 12 hải lý. Vì vậy, từ Đông Hoàng Sa đếm qua Tây Hoàng Sa 12 hải lý thi toàn bộ Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.

Ngày 14/9/58 Phạm Văn Đồng ký công hàm cam kêt tôn trong hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, tức là xác nhận toàn bộ Hoang Sa là của Trung Quốc.

Ngày 19 và 20/01/1974, nhằm bảo vệ Hoàng Sa, hải quân Việt Nam Cộng Hoà đã đánh phủ đầu hải quân Trung Quốc, gây thiệt hại nặng nề cho Trung quốc:

Hộ tống hạm Kronstad 247 bị đánh chìn.
Hộ tống hạm Kronstad 271 và hai trục lôi hạm 389, 396 bi phá hủy.
Bẩy hải quân đại tá, 7 trung tá cùng 2 thiếu tá tử trận

Về phía Việt Nam Cộng Hoà:
Trung tá hạm trưởng Nguỵ Văn Thà, thiếu tá hạm phó Nguyễn Thành Trí cùng 24 chiến sĩ hải quân hy sinh.

Nhìn chung, gần như toàn bộ ban tham mưu hải quân Trung quốc bị tiêu diệt do trận đánh phủ đầu của HQViệt Nam Cộng Hoà. Tuy nhiên, ngay sau đó, HQViệt Nam Cộng Hoà gặp các khó khăn sau đây:

– Chiến đấu cơ của Trung quốc đông đảo hơn chiến đấu cơ của Việt Nam Cộng Hoà.
– Đường bay Hải Nam – Hoàng Sa ngắn hơn đường bay Đà Nẵng – Hoàng Sa.
– Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ hoàn toàn quay lưng lại với Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà.

Ngay cả thương binh HQViệt Nam Cộng Hoà trôi dạt trên biển, hải quân Mỹ vẫn không cứu vớt.

Ba khó khăn nêu trên đã dẫn tới sự việc toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung quốchiếm đóng (Chiến Bại Trong Can Trường –Hành trình của một Thủy Thủ , trang 155 và các trang kế tiếp – Phó Đô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại 2006)

Kể từ tháng 1/1974 cho đến tháng 2/1979, cộng sản Việt Nam không hề nhắc đến Hoàng Sa. Sau chiến tranh Việt Hoa tháng 2/1979, trong tranh cãi với Trung quốc về các hải đảo, cộng sản Việt Nam lại đưa ra luận cứ rằng: Hoàng Sa thuộc Việt Nam Cộng Hoà, cộng sản Việt Nam là kế thừa của Việt Nam Cộng Hoà, vì vậy, Hoàng Sa thuộc về lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam. Thế rồi, “quyền kế thừa quần đảo Hoàng Sa” chưa kịp đề cao đã bị hạ xuống bởi chính sách ngoại giao 16 chữ vàng: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai” Đàng sau 16 chữ vàng óng ả kia là những vụ nhượng đất cắt biển cho Trung quốc vào các năm 1999 và 2000. Mặc dầu cộng sản Việt Nam đã chịu cúi đầu dâng đất và biển, Trung quốc vẫn tiếp tục quấy phá dọc biên giới Việt Hoa, tíếp tục bắt bớ, bắn giết ngư dân Việt Nam trên biển Đông. Tóm lại nội dung bang giao giữa Việt Nam và Trung quốc gồm hai thái độ:

Trung quốc miệng nói rất ngọt, tay không ngừng nổ súng.
Cộng sản Việt Nam: vừa bang giao vừa tìm đường thoát thân
.

Cơ hội thóat thân là APEC 2006. Ngay sau APEC 18/11/2006, ngày 28/12/2006 và 14/2/2007, phát ngôn viên ngoại giao Lê Dũng đã hai lần xác nhận quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Nhằm đáp lễ chính sách “ngoại giao hậu APEC” của cộng sản Việt Nam đối với Trung quốc, ngày 10/4/07, bộ ngoại giao Trung quốc lên tiếng phản đối Việt Nam hợp tác với công ty British Petrolium của Anh quốc để lắp đặt đường ống khí đốt chạy qua Trường Sa cũng như tổ chức bầu cử trên quần đảo này. Bộ ngoại giao Trung quốc nhấn mạnh một cách trịch thượng “đã giao thiệp nghiêm khắc với Việt Nam” về vụ này.

Ngày 12/4/2007, bộ ngoại giao cộng sản Việt Nam đã mạnh mẽ trả lời Trung quốc: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Điều rất đáng chú ý là nhân khi Trung quốc nhắc đến Trường Sa để gây sự, cộng sản Việt Nam lại kéo theo cả Hoàng Sa vào vụ tranh cãi. Rõ ràng cộng sản Việt Nam đang cố tình châm thêm dầu vào lửa. Câu hỏi đặt ra là: cộng sản Việt Nam và công ty BP của Anh quốc bắt đầu thực hiện chương trình kinh doanh dầu khí tại Trường Sa (trị giá 2 tỷ Mỹ kim) từ năm 2000, tại sao mãi tới 2007 Trung quốc mới phản đối? Câu trả lời nằm trong mối bang giao giữa cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ.


B. Bang giao cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thời gian gần đây, bang giao giữa cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ có rất nhiều chuyển biến ngoạn mục. Sau đây là các chuyển biến đáng quan tâm:

1. Ngày 14/3/07, đài BBC thuật lại nhận định của ông Nguyễn Khanh (Đài Á Châu Tự Do, RFA). Nhận định rằng: “Trước đây mươi tháng, không ai nghĩ đến chuyện Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác chiến lược nhưng mới một tháng trước đây, Đại Sứ Hoa Kỳ Michael Marine trả lời trực tuyến nói đến chuyện hai bên đi các bưóc đầu tiên để bước vào quan hệ chiến lược”.

2. Ngày 20/3/2007, tin AFP cho biết theo đề nghị của Việt Nam, Hoa Kỳ đồng ý sẽ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên.

3. Ngày 21/3/2007, website của bộ ngoại giao Hoa Kỳ loan tin ngày 15/3/07, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết một thỏa hiệp song phương về hàng hải. Theo thỏa hiệp này, năm năm sau ngày ký thỏa hiệp 15/3/07, các công ty hàng hải Hoa Kỳ được phép hoạt động độc lập thay vì phải liên doanh với Việt Nam như trước kia. Sự thể này có thể dẫn đến những va chạm trực tiếp giữa hàng hải Hoa Kỳ và hàng hải Trung quốc trên lãnh thổ Việt Nam.


Thiếu Tướng John Toolan.
Nguồn: usmc.mil

4. Ngày 23/3/2007, tướng John Toolan thuộc bộ quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Việt Nam rằng: “Hoa Kỳ từ từ tiến tới việc bán cho Việt Nam các trang bị và kỹ thuật mà Việt Nam cần”. John Toolan còn bổ túc: “Có thể có cả vũ khí quân sự”. Ngày 3/4/2007, Thông Tân Xã Việt Nam xác nhận: “Với điều khoản bổ xung trong luật chuyển giao vũ khí quốc tế, bộ ngoại giao Mỹ sẽ xem xét từng trường hợp để cấp giấy phép xuất khẩu hay nhập khẩu các mặt hàng quốc phòng không gây chết người và các dịch vụ quốc phòng cho Việt Nam hoặc có xuất xứ tù Việt Nam”. Nếu Hoa Kỳ xuất khẩu sản phẩm quốc phòng cho Việt Nam và ngược lại Việt Nam cho phép Hoa Kỳ xử dụng vịnh Cam Ranh, chúng ta hãy hiểu đó là một dịch vụ quốc phòng có xuất xứ từ Việt Nam và được Việt Nam “xuất khẩu” sang Hoa Kỳ.

5. Ngày 11/4/2007, đài BBC loan tin cộng sản Việt Nam đã tham gia vào tổ chức khủng bố trên không và trên biển, Proliferation Security Initiative, gọi tắt là PSI. Tổ chức này bao gồm một số nước Âu Châu, Úc, Nhât, Singapore và Mỹ. Trung quốc từ chối tham dự PSI. Sự thể này có hai ý nghĩa:

Một là cộng sản Việt Nam không còn theo đuôi Trung quốc như giai đoạn ký hiệp ước thương mãi song phương với Mỹ và WTO với thế giới. cộng sản Việt Nam đã độc lập đối với Trung quốc.

Hai là cộng sản Việt Nam sẽ qua PSI trong đó có Hoa Kỳ, xác định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại những nơi có tranh chấp lãnh thổ với Trung quốc. Sự việc này không thể không làm “phiền lòng” Trung quốc.

6. Giới tư bản “ddỏ” Việt Nam ồ ạt mang tiền bạc, vợ con cất dấu trên lãnh thổ Hoa Kỳ là một thực tế hiển nhiên. Người Vịệt có câu nói “DDồng tiền liền khúc ruột”. Tiền của cộng sản Việt Nam cất dấu tại Mỹ, cộng sản Việt Nam không thể không theo Mỹ.

Sáu lý do trên đã dẫn đến kết luận: Trên danh nghĩa ngoại giao, cộng sản Việt Nam vẫn tuyên bố là họ đang đi dây giữa Hoa Kỳ và Trung quốc. Thế nhưng trong thực tiễn kinh tế, chính trị, họ đã ngả hẳn về phía Hoa Kỳ.


C. Bang giao Hoa Kỳ và Trung quốc.

Sở dĩ cộng sản Việt Nam phải ngả hẳn về phía Hoa Kỳ, phần vì bị đe dọa bởi chính sách bành trướng của Bắc Kinh, phần vì được hoa Kỳ niềm nở đón tiếp. Thái đô niềm nở của Hoa Kỳ bắt nguồn từ những quả bom nổ chậm nằm trên bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung quốc. Những quả bom nổ chậm kia có cội nguồn như sau:

Nhân số thế giới ngày càng gia tăng trong khi nguồn năng lượng của thế giới ngày càng sụt giảm. Hoa Kỳ và Trung quốc là hai quốc gia tiệu thụ năng lượng nhiều bậc nhất thế giới. Do đó hai quốc gia này gặp xung đột quyền lợi về năng lượng. Xung đột năng lượng kéo theo vô số xung đột khác trên các địa bàn kinh tế, chính trị, quân sự. Thời gian gần đây quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc có các điểm nóng rất đáng quan tâm.

Ngày 3/4/2007, đài BBC loan tin: Hoa Kỳ tỏ ý quan ngại về mức độ gia tăng chi phí quốc phòng của Trung quốc. Phó Tổng Thống Mỹ Dick Cheney nói rằng việc Trung quốc chế tạo và tiến hành thử tên lửa hồi tháng giêng 2007 là không phù hợp với việc Bắc Kinh theo đuổi mục đích “phát triển vì hòa bình”. Trong vụ thử này Trung quốc đã phá hủy một vệ tinh theo dõi thời tiết, không còn hoạt động.


Tang Jiaxuan và Condoleezza Rice
Nguồn: chinadaily.com.cn

Vẫn ngày 3/4/07, tin từ Bắc Kinh cho biết: ông Đường Gia Triền Ủy Viên Đối Ngoại Quốc Vụ Trung quốc, khi gặp ông John Negroponte, Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ, đã đưa ra lời kêu gọi Hoa Kỳ hãy ngưng ngay việc bán 450 tên lửa các loại cho Đài Loan.

Nếu Đài Loan là gai nhọn bên hông Trung quốc, thì Iran là gai nhọn trước mắt Hoa Kỳ. Ngày 28/10/2004, tại Bắc Kinh, Trung quốc và Iran đã ký kết với nhau một hiệp ước về khí đốt. Theo hiệp ước này Iran cho phép Trung quốc khai thác khí đốt tại Yadavaran của Iran trong thời hạn 25 năm, mỗi năm Trung quốc khai thác 10 triệu tấn. Đồng thời Iran từ chối tái tục các hiệp ước dầu hỏa với Nhật, một đồng minh thân tín của Mỹ.

Xung đột quyền lợi giữa Hoa Kỳ và Trung quốc là xung đột muôn hình vạn trạng. Trung quốc trả đũa Hoa Kỳ thông qua phương pháp bí mật hỗ trợ các tổ chức khủng bố quốc tế nhằm cầm chân Hoa Kỳ. Từ đó Trung quốc sẽ vượt trội Hoa Kỳ về mọi mặt... Chính sách ngoại giao quấy nhiễu này rất dễ biến chiến tranh lạnh Mỹ – Hoa trở thành chiến tranh nóng. Đó là lý do giải thích tại sao Hoa Kỳ tìm tới Việt Nam để biến Việt Nam thành một đồng minh chiến lược và đó cũng là lý do khiến cho Hoa Kỳ xuất khẩu sản phẩm quốc phòng sang Việt Nam.

Nhìn chung lại, một mặt bị Trung quốc hiếp đáp, mặt khác được Hoa Kỳ đón nhận như một đồng minh chiến lược với nhiều quyền lợi kinh tế, chính trị rất hấp dẫn. Hai mặt kia cọ sát lẫn nhau khiến cho cộng sản Việt Nam quyết định phải theo Mỹ. Vấn đề không còn là có nên theo Mỹ hay không? Vấn đề chính là: làm thế nào theo Mỹ nhưng không mất đảng?


II. Mưu đồ theo Mỹ nhưng không mất đảng.

Trước 1975, với sự hỗ trợ của hệ thống CS thế giới, cộng sản Việt Nam đã dự phần vào việc tạo ra phong trào phản chiến ngay trong lòng xã hội Mỹ. Phong trào này – lá phiếu của phong trào này thì đúng hơn – đã làm cho lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ quyết định từng bước một bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà. Biến cố lịch sử này đã cung cấp cho cộng sản Việt Nam bài học rằng muốn theo Mỹ mà không mất đảng thì phải tìm cách chi phối quốc hội Hoa Kỳ. Vì vậy, cộng sản Việt Nam hoạch định hai sách lược đối nội và đối ngoại:

A. Đối ngoại.

1. Đường từ Hà Nội tới Vatican: Qua Vatican, Hà Nội sẽ tạo quan hệ tốt đẹp với giáo hội công giaó Hoa Kỳ. Tập thể tín đồ Công giáo người bản xứ này hiển nhiên là một khối cử tri rất lớn tại Mỹ. Đó là lý do thầm kín và là lý do chính khiến Thủ Tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có mặt tại Vatican ngày 25/1/07.

2. Đường từ Hà Nội tới cộng đồng người Mỹ gốc Việt: cộng sản Việt Nam sẽ triệt để thực thi nghị quyết 36 nhằm lấy lòng khối cử tri người Mỹ gốc Việt. cộng sản Việt Nam sẽ mở rộng những hoạt động như dậy Việt ngữ, trình diễn văn nghệ tại Mỹ, cho phép người Mỹ gốc Việt mua bất động sản tai Việt Nam...


B. Đối nội.

1. Khống chế tinh thần người dân: Cưỡng bách toàn dân học tập tư tưởng Marx Lenin. Bằng công việc này, cộng sản Việt Nam có chủ ý tạo dựng trong tâm trí mỗi người Việt Nam một lương tâm xã hôi CS. Lương tâm có hai loại: lương tâm tự nhiên và lương tâm xã hội. Con người tự nhiên cảm thấy bất an nếu giết người, cướp của... Đó là lương tâm tự nhiên. Luật lệ xã hội (luật giao thông chẳng hạn) nhiều khi không liên hệ gì tới đạo đức nhưng khi vi phạm con người vẫn cảm thấy bất an. Đó là lương tâm xã hội. Lương tâm xã hội do xã hội nhào nặn ra. Với kỹ thuật tuyên truyền, giáo dục nhồi sọ, cộng sản Việt Nam sẽ biến tư tưởng Marx Lenin thành một loại lương tâm xã hội. Lương tâm này gây cho người Việt Nam cảm nghĩ rằng đòi hỏi tự do dân chủ là điều tội lỗi. Từ đó ngọn lửa đấu tranh dân chủ sẽ bị tàn lụn. Ngày 26/3/2007, Tân Hoa Xã đưa tin: tại Bắc Kinh, sau khi gặp ngoại trưởng Trung quốc Lý Triệu Tinh, ông Phạm Gia Khiêm, ngoại Trưởng cộng sản Việt Nam tuyên bố: “Hai bên dự kiến sẽ tổ chức trao đổi về công tác lý luận, xây dựng xã hội chủ nghĩa lần thứ hai trong năm nay và sẽ triển khai với Trung quốc, giúp đào tạo cán bộ lý luận cho Việt Nam” (BBC 26/3/07). Lý luận ở đây là lý luận lấy lương tâm xã hội kiểu Marx Lenin, triệt hạ lương tâm làm người của người dân. Từ đó , người dân chấp nhận tuân phục chế độ độc tài cộng sản Việt Nam như một công lý hiển nhiên.

2. Khống chế thể chất người dân: Ngày 29/12/2006 khi đề cập đến sự việc Hoa Kỳ quyết định xuất và nhập khẩu sản phẩm quốc phòng với Việt Nam, TT Bush đã xác nhận đây là chính sách “tăng cường an ninh của Hoa Kỳ” (BBC 6/4/2007). Như vậy, nguyên nhân hàng đầu khiến Hoa Kỳ tới Việt Nam không là kinh tế, lại càng không là dân chủ nhân quyền mà chính là an ninh của nước Mỹ. Đó là lý do khiến Hoa Kỳ , trong thời gian gần đay, phần nào xem nhẹ nhu cầu tự do dân chủ cho Việt Nam. Lợi dụng tình trạng xem nhẹ này, cộng sản Việt Nam ra tay tận diệt mọi mầm mống đòi hỏi tự do, dân chủ trong nước. Việc bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, linh mục Nguyễn Văn Lý v.v... đầu năm 2007 là những trường hợp cụ thể về “chiến dịch nhổ cỏ dân chủ, nhổ tận gốc”cu?a cộng sản Việt Nam.


III. Phương pháp luận của nổ lực vận động dân chủ cho Việt Nam.

Người Việt hải ngoại khoảng ba triệu người. Theo American Community Survey 2005, người Việt tại Hoa Kỳ là 1418334 người. Số còn lại sống rải rác khắp thế giới. Vì vậy phương pháp luận mà bài viết này đề cập tới là phương pháp luận chủ yếu dành cho người Việt tại Hoa Kỳ. Điều này không có ý nghĩa phủ nhận sự phối hợp cực kỳ cần thiết của người Việt trên tòan thế giới trong công cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam. Trước khi đi đến những hành động cụ thể, chúng ta nên ghi nhận một số tư tưởng căn bản sau đây:


A. Tư tưởng căn bản:

1. Lịch sử của loài người là lịch sử của xây dựng và phát triển tự do dân chủ. Chế độ nô lệ, phong kiến, độc tài CS... đều phải bị lịch sử đào thải.

2. Mỹ và cộng sản Việt Nam đang nâng cao bang giao thân hữu. Đối với Mỹ, liên kết đồng minh và phản bội đồng minh chỉ là chuyện mưa nắng. Đừng vì những mưa nắng kia mà những người đấu tranh cho tự do dân chủ Việt Nam nản lòng. Bàn cờ chính trị quốc tế có thể thay đổi nhưng công cuộc đòi hỏi tự do dân chủ vẫn phải tiến hành liên tục và kiên trì.

3. Chính phủ Mỹ, dầu là đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa cầm quyền, không bao giờ dám dùng tiền thuế của người dân để chi viện lâu dài cho một chế độ tham ô kiểu cộng sản Việt Nam: tham ô cơ cấu, kinh niên, mãn tính, tham ô không có thuốc chữa. Không tham ô, không còn là cộng sản Việt Nam.

4. Ngày 31/1/2007 đài Á Châu Tự Do loan tin người Việt vùng Washington DC đã tổ chức cuộc triển lãm mang chủ đề “Exit Saigon, Enter Little Saigon” (Lìa Xa Saigon Yêu Dấu, Nhập Tiểu Saigon Thân Thương). Cuộc triển lãm này diễn ra tại viện bảo tàng Smithsonian, một viện bảo tàng lớn bậc nhất Hoa kỳ.Chi phí cho cuộc triển lãm là một triệu Mỹ kim, do người Việt tự nguyện đóng góp. Sư thể này là bằng chứng dứt khoát rằng người Việt hải ngoại bao giờ cũng yêu nước và trân trọng giữ gìn tư cách tỵ nạn CS của họ. Nói cách khác lòng ái quốc và ý chí tự trọng của người Việt hải ngoại chính là chất keo sơn giúp chúng ta gắn bó với nhau trên con đường xây dựng dân chủ cho Việt Nam.

Bốn tư tưởng căn bản nêu trên cho thấy người Việt hải ngoại có quyền và có nghĩa vụ đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam.


B. Những hành động cụ thể.

Bí mật là yếu tố quan trọng hàng đầu của họat động đấu tranh, vì vậy bài viết này chỉ trình bày một số hoạt động đấu tranh ở mức tổng quát. Sau đây là những trận đồ đấu tranh có tính gợi ý.

1. Huy động người Việt đi bỏ phiếu đông đảo ở mọi kỳ bầu cử. Ngày 6 tháng 2 năm 2007, tại Orange County, California, có tổ chức cuộc bầu cử gồm 10 ứng cử viên tranh nhau một ghế trong Orange County Board of Supervisors. Kết quả hai ứng viên Mỹ gốc Việt về đầu với ghi chú dân số của Orange County là 2.988072 người và người Mỹ gốc Việt là 275.000 (US Census Bureau 2005). Lá phiếu của người Việt ngày càng có sức nặng đối với các cấp dân cử tại Mỹ. Song song với khối cử tri Mỹ gốc Việt, chúng ta nên kết thân với khối cử tri Mỹ gốc Cuba. Lá phiếu của người Cuba sẽ hổ trợ chúng ta gây sức ép với quốc hội Mỹ, đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam.

2. Tại Mỹ cơ hội để tạo áp lực đối với hành pháp bao giờ cũng có sẵn. Nếu Tổng Thống là đảng viên Cộng Hòa thì chúng ta liên minh với Dân Chủ. Nếu Tổng Thống là Dân Chủ thì chúng ta liên minh với Cộng Hòa. Cứ như thế mà cuộc đòi hỏi dân chủ cho Việt Nam của chúng ta xoay vần liên tục.

3. Hỗ trợ người tù chính tri tại Việt Nam trong thời gian đương sự ở tù cũng như sau khi rời nhà tù. Giúp đỡ tù chính trị xin tị nạn chính trị trong trường hợp họ vượt thoát khỏi Việt Nam.

4. Bảo trợ công nhân đình công về mặt pháp lý cũng như tài chính. Đình công là vòng thòng lọng đang từ từ xiết cổ chế độ CS độc tài

5. Truy tìm và phổ biến tin tức về tệ trạng tham ô và bất công của xã hội Việt Nam dưới chế độ CS. Sự thể này làm cho người dân ngày càng chán ghét và xa lánh nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Năm loại công việc được trinh bày khái quát ở trên vừa gây tác động chính trị trong xã hội quốc tế, vừa làm nức lòng đồng bào quốc nội trong nổ lực đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam. Như vậy là bàn cờ chính trị quốc nội và quốc tế đã được trình bày. Ý đồ theo Mỹ nhưng không mất đảng của cộng sản Việt Nam đã bị vạch trần. Một số kỹ thuật đấu tranh đã đặt lên bệ phóng. cộng sản Việt Nam hay thế lực tự do dân chủ sẽ thắng? Câu trả lời nằm trong ý dân. Dân yêu thương chế độ thì chế độ tồn tại. Dân khinh ghét chế độ thì chế độ ra đi. Muốn biết ý dân xin hãy tìm hiểu những suy nghĩ của người dân đối với hàng ngũ đảng viên CS, những quan chức của chế độ. Sau đây là một bài thơ ý dân vừa mới xuất hiện ở hè phố từ Hà Nội vào đến Saigòn. Thơ rằng:


Miền Bắc có lắm thằng điêu,
Trong túi có tiền, nó bảo rằng không,
Nghị quyết nó hiểu rất thông,
Nói như thánh phán nhưng không làm gì!

Miền Trung có lắm thằng gian,
Bảo đi cửa trước, nó luồn cửa sau.
Nghị quyết nó thuộc từng câu,
Chọn ra từng chữ bắc cầu để leo!

Miền Nam có lắm thằng tài,
Nó tiêu như phá, nó xài như điên.
Trong túi rủng rỉnh có tiền,
Đã có bà lớn, cưới liền bà hai!
Nghị quyết nó học lai rai,
Đến khi hỏi tới, không ai nhớ gì!



Bài thơ đã bộc bạch rất rõ: Ý dân là ý khinh miệt chế độ cộng sản Việt Nam. Ý dân là ý Trời. Ý dân vừa là tối thượng, vừa là tối hậu. Vì vậy bài viết này xin trân trọng chấm dứt ở đây.

dcv
© DCVOnline

Dân chủ trong lòng dân chủ

Aucun commentaire: