Ất Dậu 1885 - Ất Dậu 1945: Từ Nô Lệ Thực Dân Đến Nô Lệ Cộng Sản
Nguyễn Lý Tưởng
Đọc sử sách Việt Nam được biên soạn từ thời nhà Trần, nhà Lê đến nhà Nguyễn do Quốc Sử Quán hoặc do các dòng họ để lại như: Đại Việt Sử Ký (1273) của Lê Văn Hưu đời Trần, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1479) của Ngô Sĩ Liên đời Lê, Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ tục biên của Phạm Công Trứ (1665) và các sử gia đời Lê như Lê Hy và Nguyễn Quý Đức (1697), Phủ Biên Tạp Lục (1776) của Lê Quý Đôn, Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ (1726- 1780), Hoàng Lê Nhất Thống Chí (cuối thế kỷ 18) của Ngô Thời Chí, Ô Châu Cận Lục (1553) của Dương Văn An, thời nhà Mạc, An Nam Chí Lược (1333) của Lê Tắc đời Trần (viết trong khi lưu vong ở Trung Quốc), các sách sử do Quốc Sử Quán triều Nguyễn như Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (1844), Đại Nam Thực Lục (1841 gồm Tiền Biên và Chính Biên), Đại Nam Liệt Truyện (1852 gồm Tiền Biên và Chính Biên).
Ngoài ra còn có bộ Đại Nam Nhất Thống Chí (1882) viết về địa lý, lịch sử các địa phương và nhiều sách khác như Châu Bản Triều Nguyễn là tài liệu hành chánh lưu trữ ghi chép nội dung các văn thư hành chánh, quyết định của vua và triều đình v.v... từ Gia Long trở về sau (giống như Công Báo của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975) v.v... Chúng tôi thấy những năm Dậu thường có nhiều biến cố lịch sử quan trọng: từ Tân Dậu (181) thời nước ta lệ thuộc nhà Hán (Trung Quốc) cho đến thời hiện đại, sử sách ghi chép quá nhiều, không thể sao lục lại tất cả theo thứ tự thời gian được.
Riêng hai năm Ất Dậu gần đây (1885 và 1945) là những năm có rất nhiều biến cố quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc Việt Nam chúng ta. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi muốn trình bày lại hai biến cố đó để những thế hệ sau chúng ta biết đến những nỗi đau thương, chua xót của thân phận làm dân nước Việt, dưới gót giày thực dân Pháp và Cộng Sản Việt Nam.
Mỗi chu kỳ 12 năm (nhất giáp) lại có các năm Ngọ, Mùi, Thân, Dậu và người ta lại nhắc đến câu Sấm của Trạng Trình:
"Mã đầu, Dương cước: anh hùng tận,
Thân, Dậu niên lai kiến thái bình"
(Đầu năm Ngọ, cuối năm Mùi: anh hùng hết số,
Năm Thân, năm Dậu sắp đến sẽ thấy thái bình trở lại)
Và mỗi chu kỳ 60 năm (lục giáp) thì trở lại những năm Giáp Thân, Ất Dậu... Hai năm Ngọ (2002), Mùi (2003) gần đây, Saddam Hussein bị bắt... (anh hùng tận số) và qua năm Thân (2004) bọn khủng bố Hồi giáo không còn gây rối trên đất Hoa Kỳ được nữa. Như thế cũng tạm gọi là "kiến thái bình" rồi, chỉ còn chiến tranh đang tiếp diễn ở Iraq chưa chấm dứt.
Hy vọng năm Ất Dậu (2005) này, sẽ có thái bình thực sự chăng?
I- Ất Dậu (1885): Kinh Thành Huế Thất Thủ, Đưa Cả Nước vào tròng nộ lệ thực dân Pháp
Ở Huế có lệ hằng năm vào ngày 23 tháng 5 âm lịch, nhà nhà đều sắm nhang, đèn, hoa, quả, lễ vật... để cúng cô hồn. Từ đời cha đến đời con cứ nhắc nhở nhau mà làm; nhưng có nhiều người không biết cô hồn đó là những ai? Và ngày 23 tháng 5 âm lịch là ngày kỷ niệm gì, biến cố lịch sử đã xảy ra vào thời nào? Trình bày lại biến cố này cũng là điều hữu ích đối với những ai sinh trưởng ở Huế hay ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam chúng ta.
Ngày 23 tháng 5 âm lịch năm Ất Dậu (1885) là ngày kinh thành Huế thất thủ dưới đời vua Hàm Nghi, ngày có hàng ngàn quân lính và dân vô tội chết oan dưới họng súng của giặc Pháp và sau đó từ Nam chí Bắc, hàng vạn người theo đạo Thiên Chúa bị giết một cách dã man do chủ trương "Bình Tây, Sát Tả" (đánh giặc Pháp và giết hết người theo Tà đạo) do tinh thần yêu nước cực đoan của người Việt Nam trong giai đoạn đó.
Vua Tự Đức không có con nên đã nuôi ba người cháu làm con nuôi: Ưng Chân, Ưng Kỵ và Ưng Đăng. Sau khi vua Tự Đức mất, đã để lại di chiếu cho người con nuôi lớn nhất là Ưng Chân (tước Thoại Quốc Công, thường gọi là Hoàng Tử Dục Đức) nối ngôi và đặt ba vị Phụ Chính là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết giúp vua điều khiển việc nước. Được 3 ngày thì hai quan Phụ Chính là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chủ trương truất phế Dục Đức và đưa em vua Tự Đức là Hồng Dật (tức Lạng Quốc Công, con thứ 29 của vua Thiệu Trị) lên ngôi lấy niên hiệu Hiệp Hòa.
Vua Hiệp Hòa thấy Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thao túng triều đình, muốn tìm cách loại trừ hai ông. Vì thế hai ông liền tìm lý do truất phế (ép vua uống thuốc độc chết ngày 29 tháng 11, 1883). Người con nuôi thứ ba của vua Tự Đức là Ưng Đăng (thường gọi là Dưỡng Thiện) mới 15 tuổi lên ngôi, niên hiệu Kiến Phước. Kiến Phước chết bất ngờ sau một cơn bệnh vào tuổi 16 tuổi. Người con nuôi thứ hai của vua Tự Đức là Ưng Kỵ (hay Ưng Đường) thường gọi là Chánh Mông, không được nối ngôi. Hai vị phụ chính Tường và Thuyết lại đưa người em của ông này là Ưng Lịch mới 12 tuổi lên ngôi, niên hiệu Hàm Nghi. Việc tôn phong đã xảy ra vào ngày 02 tháng 8, 1884 một cách vội vàng và bí mật, không cho người Pháp biết trước.
Khâm Sử Pháp ở Huế là Rheinart phản đối và bắt phải xin phép nước Pháp trước khi lập vua mới. Nguyễn Văn Tường phải thay mặt triều đình qua gặp Rheinart để thương lượng và làm đơn xin lập vua Hàm Nghi.
Thống Tướng De Courcy, tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Việt Nam và Trung Hoa đến Hà Nội, sau đó, đem theo một lực lượng hùng hậu 1.500 lính đến Huế. Ông tuyên bố sẽ đến thăm vua Hàm Nghi. Theo tục lệ thì chỉ có vị đại diện nước Pháp (De Courcy) được đi cửa chính ở Ngọ Môn, còn phái đoàn tùy tùng thì đi vào bằng cửa hai bên. De Courcy đòi cho cả vợ con cùng quan lính đi theo bằng cửa chính. Bên Việt Nam lúc đầu không chịu, nhưng cuối cùng cũng phải theo ý của Pháp. Thái Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (Mẹ vua Tự Đức, vai vế bà nội vua Hàm Nghi) gởi quà tặng, nhưng De Courcy từ chối. De Courcy lại đòi cho được cả hai vị phụ chính Tường và Thuyết qua Tòa Khâm Sứ họp bàn về nghi lễ dịp vua Hàm Nghi tiếp kiến vua các quan Pháp. Nhưng Tôn Thất Thuyết cáo bệnh không đi. Do đó, tình hình ngoại giao giữa hai bên rất căng thẳng.
Trước đó, Tôn Thất Thuyết đã chuẩn bị tăng cường quân đội tại kinh thành và lập chiến khu bí mật tại Tân Sở (Quảng Trị) để chống Pháp. Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 5 âm lịch năm Ất Dậu (đêm 4 qua ngày 5 tháng 7, 1885), quân ta bất thình lình tấn công quân Pháp tại đồn Mang Cá (trong thành nội Huế) và tòa Khâm Sứ Huế (phía Nam sông Hương).
Tối đó, quân Pháp ăn tiệc say sưa, khoảng nửa đêm, nghe tiếng súng nổ, lửa cháy, chưa biết chuyện gì xảy ra. Lúc đầu, quân Pháp có vẻ hốt hoảng, lộn xộn. Nhưng sau đó, họ đã kịp thời phản công. Tôn Thất Liệt chỉ huy quân ta tấn công Tòa Khâm Sứ, dùng lửa đốt được mấy dãy nhà chung quanh sứ quán. Súng trong thành Huế bắn qua, gây thêm nhiều đám cháy nữa... nhiều chỗ trúng đạn bị sụp đổ. Nhờ các đám cháy làm cho lính Pháp thấy rõ quân ta và họ đã chĩa súng vào đó rất chính xác.Tàu Pháp đậu ở Thuận An, chạy lên sông Bao Vinh, dựa theo mục tiêu có lửa cháy, đã bắn trọng pháo vào các cơ quan quân sự của ta, gây tổn thất nhân mạng, nhà cửa cho ta rất nhiều. Hỏa lực của ta yếu kém hơn hỏa lực của Pháp, súng đại bác lâu ngày không sử dụng nên thiếu chính xác. Súng trên thành dần dần hết đạn, càng lúc càng thưa. Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn đích thân chỉ huy đánh đồn Mang Cá thất bại, liền trở vào cung thúc giục vua và Hoàng Gia thu xếp nhanh để chạy trốn vì quân Pháp sắp tới nơi rồi.
Nhưng quân Pháp chưa kịp xuất hiện thì xa giá vua đã ra khỏi cung. Đô Thống Hồ Văn Hiển chỉ huy, Đề Đốc Trần Xuân Soạn đi tiên phong, khoảng một trăm lính có súng đi hộ tống. Vua Hàm Nghi, Thái Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức), Hoàng Thái Hậu Thuận Hiếu (tức Bà Trang Ý, Chánh Phi của vua Tự Đức, mẹ nuôi Dục Đức), Bà Học Phi (mẹ nuôi vua Kiến Phước) cùng các hoàng tử, công chúa, các quan đại thần trong đó có Nguyễn Văn Tường, tất cả khoảng 1.000 người. Họ định lên lăng vua Tự Đức tạm trú ít hôm, đợi tình hình lắng dịu sẽ trở về. Trong lúc đi đường, Nguyễn Văn Tường bàn với bà Từ Dũ trở về đầu thú Pháp để bảo vệ lăng miếu, cung điện khỏi bị Pháp đốt phá. Bà Từ Dũ đồng ý và ủy thác cho Nguyễn Văn Tường đi lo vụ đó. Lợi dụng lúc tình thế lộn xộn, không ai để ý, Tường chạy đến nhà thờ Kim Long, xin gặp Giám Mục Caspar, nhờ ông này làm trung gian cho Tường ra đầu thú với Pháp.
Riêng Tôn Thất Thuyết, sau khi sắp đặt xong công việc gia đình, bèn đuổi theo và bắt kịp vua Hàm Nghi. Thuyết ra lệnh đưa xa giá vòng qua chùa Thiên Mụ ra phía làng La Chữ, dừng lại nghỉ một lúc rồi thẳng đường ra Quảng Trị. Một số các quan chạy theo vua như Phạm Thận Duật, Trương Quang Để, Tôn Thất Liệt, Trần Xuân Soạn... Những người khác ở lại hoặc bỏ trốn.
Tối hôm đó, xa giá ở lại làng Văn Xá, sáng hôm sau lên đường ra Quảng Trị. Tôn Thất Thuyết đưa vua lên Tân Sở (miền núi phía Tây-Bắc, cách thị xã Quảng Trị chừng 20 cây số). Nhận thấy để vua ở lại Tân Sở không tiện, ra Bắc thì bị quân Pháp chặn đường trên quốc lộ số 1, nên Tôn Thất Thuyết đưa vua vượt sông Tchépône, qua Lào ra vùng núi Tuyên Hóa (giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh). Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi truyền hịch "Cần Vương" chủ trương "bình Tây sát Tả" (đánh giặc Pháp và giết người theo Tà đạo tức đạo Thiên Chúa), nho sĩ khắp nơi hô hào dân chúng cùng với quân lính đi đốt phá giết hại người theo đạo Công Giáo vô tội. Hàng chục ngàn người bị chết oan. Vua ở lại trong rừng với Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm còn Tôn Thất Thuyết ra Bắc tìm Nguyễn Thiệt Thuật và cùng nhau qua Trung Quốc cầu viện nhà Thanh.
Đến sáng, quân Pháp từ đồn Mang Cá tiến ra và từ Tòa Khâm tiến vào hoàng thành. Chúng đi trên đường rất chậm, vừa đốt phá nhà cửa, dinh thự, vừa cướp của, gặp ai cũng bắn giết, bất kể già trẻ trai gái. Toàn bộ kho tàng của quốc gia và các đồ đạc, châu báu trong hoàng thành đều bị Pháp tịch thu.
Sau hai tháng không tìm được vua Hàm Nghi trở về, Nguyễn Văn Tường bị Pháp đày qua đảo Tahiti và ông đã chết ở đó.
Lúc đầu Pháp dưa Thọ Xuân Vương (Miên Định), chú vua Tự Đức, lên làm Giám Quốc, và đưa Nguyễn Hữu Độ, Khâm Sai Kinh Lược Bắc Kỳ vào làm Phụ Chính, thay thế Nguyễn Văn Tường. Nguyễn Hữu Độ vận động cho người con nuôi thứ hai của vua Tự Đức là Ưng Kỵ (hay Ưng Đường) thường gọi là Hoàng Tử Chánh Mông lên ngôi, lấy niên hiệu Đồng Khánh. (Vua Đồng Khánh được rước vào cung ngày 6 tháng 8, 1885 và chính thức lên ngôi ngày 09-09-1885). Nước Việt Nam hoàn toàn thuộc quyền cai trị của Pháp. Từ đây các phong trào chống Pháp giành độc lập liên tục hoạt động cho đến năm 1945: Nhật đầu hàng Đồng Minh và Việt Minh cướp chính quyền (tháng 8, 1945).
Trang : 1 2 3 4 5 6
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire