1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 9 mai 2007

Ho Chi Minh on Revolution

* Chương 05*

BERNARD FALL

và Ho Chi Minh on Revolution



Trước khi tử nạn ngày 21-2-1967 ở vùng sình lầy Dãy Phố Buồn Thiu (*) phía bắc Huế, Bernard Fall đã hoàn tất việc chuẩn bị ấn hành 2 tác phẩm được giao cho nhà xuất bản Frederick A. Praeger. Đó là cuốn The Two Viet Nams sẽ được tái bản và cuốn Ho Chi Minh on Revolution vừa viết xong.

Bernard Fall, sinh năm 1926, ký giả Pháp, nhưng cha mẹ đều là người Áo gốc Do Thái và là nạn nhân của chế độ Quốc Xã Đức. Năm 1942, khi mới 16 tuổi, Bernard Fall đã gia nhập hàng ngũ kháng chiến Pháp chống Đức, sau đó tốt nghiệp đại học Paris và Munich rồi hoạt động trong lãnh vực báo chí. Ông là một nhà báo đã có mặt trên nhiều chiến trường Việt Nam trước và sau 1954, từng gặp gỡ nhiều nhân vật lãnh đạo cả hai miền Nam Bắc và có một tác phẩm viết rất sớm về Việt Nam là cuốn La Rue Sans Joie. Tác phẩm Ho Chi Minh on Revolution có lẽ là tác phẩm cuối cùng của Bernard Fall.

Trong tác phẩm này, tác giả đã chọn lựa và giới thiệu phần lớn những văn kiện do Hồ Chí Minh viết từ 1920 đến 1966 dựa theo tài liệu từ bộ Hồ Chí Minh tuyển tập bằng ngoại ngữ, bố cục thành 5 phần, kèm theo lời bàn và chú thích ở cuối trang như sau:

– 01: Đi tìm sứ mạng 1920-1924.

– 02: Con Đường Quốc Tế Cộng Sản 1924-1930

– 03: Chiến tranh cách mạng và giải phóng1930-54

– 04: Tái thiết và những sai lầm 1954-1960

– 05: Tái chiến 1960-1966

Mở đầu sách, tác giả giới thiệu một nhận định chung về các chính trị gia nổi tiếng thế giới và chia thành 2 loại. Loại thứ nhất gồm những người vừa có khả năng lãnh đạo vừa có văn tài như Julius Caesar, Napoleon I, Winston Churchill và Charles De Gaulle... Loại thứ hai gồm những người chỉ nổi bật nhờ khả năng tổ chức, lãnh đạo như Louis XIV, Tito, Lyndon B. Johnson... Hồ Chí Minh được xếp vào loại thứ hai này với lời diễn giải “ông ta quá bận bịu về hoạt động, tổ chức, bày mưu tính kế để cuối cùng thành cha già dân tộc – He has been too much the doer, the organizer, the conspirator and, finally, the father of his own country…”

Trước khi viết Ho Chi Minh on Revolution, Bernard Fall đã hai lần kể tiểu sử Hồ Chí Minh trong các tác phẩm Le Viet Minh và The Two Viet Nams. (1) Trong Ho Chi Minh on Revolution, Bernard Fall chỉ lập lại những tài liệu và cái nhìn đã có về đối tượng. Bernard Fall cho biết Hồ Chí Minh từng theo học trường Quốc Học, Huế – "Quốc Học Huế được lập theo sáng kiến của ông Ngô Đình Khả, thân phụ ông Diệm... Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Ngô Đình Diệm đều là học sinh trường nổi tiếng này. Theo Phạm Văn Đồng thì ông Hồ bỏ Quốc học vào năm 1910 mà không có bằng cấp gì.”

Cũng như Jean Larteguy cho rằng cha của Hồ Chí Minh bị bãi chức không vì lý do nghiền rượu và biển thủ công quỹ, Bernard Fall nói cụ Nguyễn Sinh Huy là người yêu nước nhất định không chịu học tiếng Pháp nên người Pháp ghét bỏ mà sa thải. Còn anh chị em của Hồ Chí Minh đều là những nông dân cần cù với đồng ruộng, hoàn toàn xa lánh mọi hoạt động chính trị. Khi viết tác phẩm Ho Chi Minh on Revolution, vào năm 1967, Bernard Fall đã nghe được nhiều nguồn tin nói Hồ Chí Minh có vợ, nhưng tác giả ghi lại là cả Hồ Chí Minh lẫn những người xung quanh đều phủ nhận hoàn toàn các tin đồn này.

Đánh giá cao con người Hồ Chí Minh, Bernard Fall nhắc việc giáo sư P. J. Honey của đại học đường Luân Đôn đã ví Hồ Chí Minh với thánh Gandhi của Ấn Độ, khi trả lời một cuộc phỏng vấn truyền hình năm 1966. Tác giả cũng ghi lại chi tiết Hồ Chí Minh được biết tới như một kẻ giả dối, kẻ có tài đóng kịch – Ho is known to be a talented comedian – và cho là điều này không đúng, vì "nếu đúng vậy thì Hồ đã thành công trong việc diễn chỉ một màn kịch duy nhất cho những khán giả gồm từ các người Cộng Sản Tây phương đến các nông dân Việt Nam và cả những sĩ quan mật vụ OSS của Mỹ suốt trong 40 năm mà không một lần bị lộ tẩy.”

Tác giả không tin Hồ Chí Minh có khả năng diễn xuất cao như thế nên tỏ ra đồng ý với Honey. Nhận định của Honey năm 1966 được Bernard Fall lập lại năm 1967 và 4 năm sau, đến phiên nhà báo Mỹ Halberstam đưa vào bức chân dung Hồ Chí Minh của mình:“Hồ Chí Minh một phần là Gandhi, một phần là Lenin, tất cả là Việt Nam”

Thực ra, người đọc khó nắm vững cái phần Gandhi, cái phần Lenin, kể cả cái toàn thể Việt Nam mà Halberstam nói bao gồm trong con người Hồ Chí Minh cụ thể là những gì. Riêng Bernard Fall nói rõ là Hồ Chí Minh có sự thẳng thắn bộc trực của Gandhi và cho rằng đặc tính này đã giúp Hồ Chí Minh bảo toàn được uy tín khi chế độ Hà Nội phạm những lỗi lầm khủng khiếp trong chính sách cải cách ruộng đất. Tính thẳng thắn bộc trực đó biểu hiện bằng những giọt nước mắt không cần che đậy và những lời thành khẩn nhận lỗi trước công chúng nên dễ dàng được chấp nhận và tin phục.

Về dư luận chê trách Hồ Chí Minh tán đồng việc chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 vào tháng 7-1954, Bernard Fall cho rằng thà chấp nhận như thế còn hơn phải đương đầu với một cuộc thế chiến.

Tác giả so sánh hai nhân vật lãnh đạo hai miền Nam - Bắc Việt Nam thời đó với nhận định sau: “Cả 2 ông Ngô và Hồ đều độc thân và đều được coi như cha già của dân tộc. Nhưng chỉ có ông Diệm nhận chức ấy, vì đó là truyền thống quan lại. Còn ông Hồ thì từ chối không nhận. Chỉ nhận làm Bác mà thôi”. (2)

Bernard Fall không cho biết dựa vào cơ sở nào để xác định như vậy nhưng người đọc có thể thấy rõ tác giả hoàn toàn không biết việc Hồ Chí Minh đã dùng bút hiệu Trần Dân Tiên viết sách nhắc nhở dân chúng suy tôn mình là cha già dân tộc và có lẽ cũng không có dịp hiểu rõ về người đang lãnh đạo miền Nam lúc đó.

Phác họa tư tưởng Hồ Chí Minh, Bernard Fall nhận định Hồ Chí Minh có xu hướng quốc gia hơn xu hướng cộng sản và kết luận:“Nói như một số học giả Tây phương gần đây rằng Hồ để lòng trung thành với chủ nghĩa Cộng Sản trên lòng yêu tổ quốc là không đúng. Thực ra nói ngược lại mới đúng”

Với Bernard Fall, cuộc gặp gỡ Hồ Chí Minh vào tháng 7-1962 cũng lưu lại một mối thiện cảm đặc biệt. Bernard Fall đã kể lại trong Ho Chi Minh on Revolution cuộc gặp gỡ đó gần giống như Jean Lacouture từng kể về cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh năm 1961. Cũng như Jean Lacouture, Bernard Fall được Phạm Văn Đồng tiếp kiến tại Phủ Chủ Tịch và khi đang trò chuyện cùng Phạm Văn Đồng thì Hồ Chí Minh nhẹ nhàng bước vào, tham gia câu chuyện rất tự nhiên cởi mở. “Hồ ngồi xuống sát bên tôi với nét mặt chợt lóe rạng vẻ đùa cợt, vỗ lên đùi tôi: Vậy ra ông là chàng thanh niên đã quan tâm nhiều đến mọi chi tiết nhỏ nhặt về cuộc đời của tôi đó à? – Hồ sits down next to me, a humourous gleam on his face, and slaps me on the thigh: So you are the young man who is so much interested in all the small details about my life.”

Tác giả chú thích thêm rằng mình từng viết một cuốn sách mang tựa đề Le Viet Minh, trong đó có phần tóm lược tiểu sử Hồ Chí Minh và đoán là Hồ Chí Minh đã biết về cuốn sách đó. Con người luôn được bao phủ bằng huyền thoại đã xuất hiện thật giản dị thân mật và tiếp nối câu chuyện bằng lời lẽ cởi mở như đang tâm sự với một người bạn để nói lên sự mất lòng dân của chính phủ Sài Gòn, sự đánh giá sai của Mỹ về ý chí của nhân dân Việt Nam sẵn sàng chiến đấu lâu dài, dù là hàng chục năm, để bảo vệ đất nước. Rồi Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ vận động dư luận thế giới ủng hộ chúng tôi chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa chống nhân dân miền Nam Việt Nam.”

Khi Bernard Fall hỏi trong trường hợp có cơ hội, ông có chịu thương lượng để đi đến một giải pháp nào đó không, Hồ Chí Minh đáp là sẵn sàng nhưng chỉ với những người sẵn sàng ngồi cùng bàn với chúng tôi để trò chuyện – causer.

Hồ Chí Minh còn tỏ ra hết sức thoải mái cho biết về hình thức hiệp thương giữa hai miền trong tương lai, miền Nam muốn hình thức nào cũng được, kể cả hình thức giao thương như giữa hai nước Đức, mặc dù sự hiện diện của bức tường Bá Linh.

Toàn bộ lập trường của miền Bắc về cuộc chiến đang diễn ra tại miền Nam và các vấn đề liên quan tới Miên, Lào qua lời tuyên bố của Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đã được Bernard Fall ghi âm để phổ biến trên báo và sau đó, ghi lại trong tác phẩm. Câu hỏi chính của Bernard Fall đặt ra cho Phạm Văn Đồng: "Xin cho biết những điều kiện để Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có thể chấp nhận một cuộc dàn xếp xung đột hiện có ở miền Nam?”

Sau đây là một số lời Phạm Văn Đồng tuyên bố:

“Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã nói khá đầy đủ về vấn đề này, nhưng tôi xin nhấn mạnh mấy điểm sau: Nguồn gốc và nguyên nhân trực tiếp của tình hình cực kỳ nguy hiểm ở miền Nam là sự can thiệp vũ trang của Mỹ và chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng nên để dùng làm công cụ cho việc can thiệp.”

Tiếp theo, Phạm Văn Đồng xác định những điểm chủ yếu trong lập trường của miền Bắc đối với tình hình lúc đó:

– Thứ nhất: Ủng hộ lập trường của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.

– Thứ hai: Tin tưởng với sự ủng hộ của nhân dân thế giới, miền Nam sẽ ra khỏi hoàn cảnh nguy hiểm.

– Thứ ba: Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng hiệp định Genève, tiếp tục hợp tác với Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến và hy vọng sẽ thành công.

Về bản hiệp định Genève 1962 trung lập hóa Ai Lao vừa được ký kết, Phạm Văn Đồng cho biết: "Chúng tôi sẽ tôn trọng hiệp định về Ai Lao và sẽ bằng mọi giá giữ bang giao tốt đẹp với Cam Bốt."

Phần phỏng vấn Hồ Chí Minh gồm 11 câu đối đáp, trong đó có 3 câu chủ yếu liên quan đến cuộc chiến miền Nam.

– Hỏi thứ 1: Đây là cuộc chiến ý thức hệ, hay chiến tranh dành độc lập?

· Đáp: Mỹ phá hoại hiệp định Genève, lại làm cuộc chiến tranh xâm lược, buộc nhân dân VN phải đứng lên bảo vệ tổ quốc đến cùng.

– Hỏi thứ 4: Chủ Tịch có cần chí nguyện quân của phía đồng minh (ý nói Liên Xô và Trung Cộng) và các quốc gia thân hữu không, hay chỉ cần vật liệu hợp thời đại?

· Đáp: Muốn đánh Mỹ mạnh như thế, phải dựa vào sức mình đồng thời vận động để có viện trợ đắc lực nhất của quốc tế. Hàng chục vạn chí nguyện quân các nước Xã Hội Chủ Nghĩa và những nước khác đã tuyên bố sẵn sàng cùng chúng tôi đánh Mỹ. Cám ơn họ. Khi cần sẽ kêu gọi họ giúp.

– Hỏi thứ 5: Có thể hy vọng ở những hoạt động của nhóm thiểu số được gọi là tự do ở Mỹ không?

· Đáp: Chúng tôi cho rằng phong trào ở Mỹ chống cuộc chiến tranh bẩn thỉu này là một hỗ trợ tích cực cho chính nghĩa của chúng tôi. Mặc dầu bị chính quyền bách hại, phong trào này vẫn không ngừng phát triển.

Ghi lại những lời tuyên bố trên, tác giả không lưu tâm đối chiếu với thực tế để đưa ra một nhận định nào mà chỉ làm công việc lưu trữ chứng liệu về hành vi và lời lẽ trong một thời điểm trên con đường theo đuổi cách mạng của Hồ Chí Minh.

Nhưng cũng có thể hiểu đây là một lối mô tả nhân vật mà Bernard Fall đã lựa chọn theo cách đưa các sự việc và ngôn ngữ của nhân vật ra nói thay cho nhận định của mình. Lựa chọn này không hề gây ngạc nhiên vì Bernard Fall từng khẳng định Hồ Chí Minh là người đặt lòng trung thành với tổ quốc trên lòng yêu chủ nghĩa Cộng Sản. Vì thế, Bernard Fall tỏ ra không hề ngờ vực tính chân xác của những lời nói và có vẻ không hề băn khoăn cân nhắc thêm về thực chất của mọi biến cố đang diễn ra, cụ thể là cuộc chiến tại miền Nam lúc đó.

Cũng vì thế, trong số 85 văn kiện của Hồ Chí Minh được đề cập, Bernard Fall đánh giá chỉ có Bản án chế độ thực dân Pháp in ở Paris năm 1926 là quan trọng, mặc dù cho biết chỉ gồm mấy tập mỏng lên án chế độ thực dân một cách thô thiển, ngây ngô. (3) Để củng cố cho nhận định Hồ Chí Minh luôn nhắm mục tiêu đấu tranh chống thực dân, giải phóng dân tộc, Bernard Fall viện dẫn thêm dư luận chung tại Á Châu như sau: "…Tại phần lớn Á châu và theo phần đông các nhà chuyên môn về Đông Nam Á thì Hồ được coi như có tinh thần quốc gia trước, rồi mới là người Cộng Sản – hầu như mãi cho đến trận Điện Biên Phủ."

Trong tương quan giữa Hồ Chí Minh với Cộng Sản, Bernard Fall ghi lại vài điểm mốc thời gian và một số văn kiện. "Hồ đã bỏ phiếu xin gia nhập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản, chống lại các đảng viên xã hội và trở thành một trong những người sáng lập đảng Cộng Sản Pháp, ngày 30-12-1920.” (4)

Về việc Hồ Chí Minh rời Pháp đi Nga lần đầu, Bernard Fall đưa ra một số chi tiết khác hẳn với các tác giả khác bằng sự khẳng định Hồ Chí Minh tới Nga dự đại hội kỳ 4 của Đệ Tam Quốc Tế từ tháng 11 đến tháng 12-1922 và như vậy từng được gặp Lênin – như báo Nhân Dân xuất bản tại Hà Nội đã loan trong số ra ngày 12-5-1961.

Theo Bernard Fall, Hồ Chí Minh cũng được đảng Cộng Sản Pháp phái sang Nga tham dự Đại Hội I của tổ chức Quốc Tế Nông Dân khai diễn ngày 10-10-1923 tại điện Kremlin và đã có dịp gặp nhiều lãnh tụ Đệ Tam Quốc Tế như Radek, Zinoviev, Bukharin, Dimitrov và Trotsky ... Đây là lần thứ nhì, Hồ Chí Minh tới Nga và có mặt tại Mạc Tư Khoa ngày 23-1-1924, hai ngày sau khi Lenin qua đời.

Một bài viết của Hồ Chí Minh đăng trên tờ Le Paria – Kẻ Cùng Khổ, số tháng 7-1924, sáu tháng sau khi Lênin chết, nhan đề Lênin và các dân tộc Phương Đông, được Bernard Fall trích lại, trong đó Hồ Chí Minh gọi Lênin là thủ trưởng, là lãnh tụ, là thầy của các dân tộc phương Đông, ca tụng Lênin là thiên tài, có đời tư trong sáng, coi rẻ sự sang trọng, một lòng yêu thích lao động để đi tới kết luận: "Tóm lại chính sự vĩ đại, sự mỹ miều của bậc thầy này đã ảnh hưởng to tát trên các dân tộc Á châu và thu hút trái tim họ đến với Người”. (5)

Bernard Fall cũng trích một bài viết khác với tựa đề Lênin và Đông Phương đăng trên tờ Le Sifflet ở Paris ngày 21-1-1926. Trong bài này, Hồ Chí Minh xỉ vả nhóm Đệ Nhị Quốc Tế Cộng Sản là tổ chức tiểu tư sản gồm những tên xã hội chủ nghĩa gian xảo, làm lợi khí cho bọn bóc lột và lừa đảo, đồng thời cổ võ "Lênin đã mở ra một kỷ nguyên mới, thực sự cách mạng, tại nhiều thuộc địa khác nhau.” (6)

Bản báo cáo của Hồ Chí Minh gửi Đệ Tam Quốc Tế tháng 7-1939 ghi rõ 8 điểm liên quan đến đường lối của đảng Cộng Sản Đông Dương cũng được trích trong Hồ Chí Minh on Revolution trong đó có điểm 4 mạt sát những người Cộng Sản Đệ Tứ Quốc Tế, chủ trương "phải tiêu diệt chúng về chính trị” và điểm 5 chỉ thị cho Mặt Trận Dân Chủ Đông Dương giữ liên lạc chặt chẽ với Mặt Trận Bình Dân Pháp, "vì mặt trận này cũng tranh đấu cho tự do dân chủ và có thể giúp đỡ chúng ta” (7)

Những tài liệu trích dẫn về tương quan giữa Hồ Chí Minh với Đệ Tam Quốc Tế chỉ chủ yếu nhắm đề cao tinh thần quốc gia của Hồ Chí Minh qua sự kiện Hồ Chí Minh chấp nhận gia nhập Đệ Tam Quốc Tế do tin tưởng tuyệt đối ở chủ trương bênh vực các dân tộc bị trị của Lenin.

http://www.saigonforsaigon.org/staticpages/index.php?page=20060401124852969

Aucun commentaire: