VÌ SAO LIÊN SÔ SỤP ĐỔ
Trực Ngon
R Reagan (trái) và M Gorbachev (phải) góp công đầu trong
việc chuyển thế giới sang thời 'hậu chiến tranh lạnh và hậu cộng sản '.
Theo nhà sử học Trần trọng Kim, khi nhận xét về sự hưng vong các triều đại trong lịch sử, thì sự sụp đổ các triều đại bắt đầu bằng sự kiện tự mình làm cho mình yếu kém trước, tức nguyên do nội tại, rồi sau mới đến người khác lợi dụng cơ hội làm cho yếu kém thêm để đi đến chỗ sụp đổ, đó là nguyên do ngoại tại. Dân Việt nam cũng có câu : « Lỗi ai hay lỗi tại mình », một cơ thể bị bệnh, đầu tiên là cơ thể đó yếu đi, kháng độc tố không còn đủ mạnh ; rồi sau mới đến vi trùng tấn công. Sự sụp đổ của Liên Sô cũng không ngoại lệ, bắt nguồn từ nguyên do nội tại, rồi sau mới ngoại tại. Theo Jacques Julliard : “ Hãy nên nhớ chiến thắng của Thế giới Tự do trên Chủ nghĩa Cộng sản không phải chỉ vì vấn đề quân sự và vấn đề kinh tế tiền bạc, mà còn là vấn đề dân chủ, nhân quyền. Chính trên lãnh vực này mà Liên Sô sụp đổ. ” ( Jacques Julliard - la Chronique - Le Nouvel Observateur - số 2066 từ 10 tới 16/tháng 6/2004)
A) Nguyên do nội tại của sự sụp đổ đế quốc Liên Sô
1) Người ta có thể nói nguyên do đưa đế sự sụp đổ của đế quốc cộng sản Liên Sô
khởi sự ngay từ lúc đầu, từ những sai lầm của lý thuyết Mác.
Thật vậy lý thuyết của Mác không những không có tính chất khoa học, mà còn phản kinh tế và phản phát triển, phản dân chủ. Dân chủ mà ngày nay người ta coi như mảnh đất mầu mỡ để phát triển kinh tế nảy mầm, không có dân chủ thì không có phát triển kinh tế ; trong khi đó thì Marx và những người cộng sản sau ông, chủ trương độc tài, qua quan niệm độc tài vô sản nơi Marx , quan niệm độc khuynh, độc đảng, ở bất cứ một hiến pháp cộng sản nào, như điều 4 của hiến pháp 1992 cộng sản Việt Nam chủ trương ( Xin xem thêm Phê Bình lý thuyết của Mác hay Lý thuyết của Mác thần dược hay độc dược hoặc Tại sao phải dân chủ hóa Việt Nam của Trực Ngôn Chu chi Nam trên www.conong.com hay www.diendandanchu.com ).
Trong Tuyên Ngôn Thư Đảng Cộng sản, Mác viết : “ Người cộng sản có thể tóm tắt lý thuyết của mình trong một câu duy nhất : bãi bỏ quyền tư hữu “ ( K. Marx - Le Manifeste du Parti communiste - trang 36 - Union généraled 'Editions - 1962 - Paris ). Đây là lầm lẫn lớn nhất của Marx , theo tôi, về vấn đề kinh tế. Thứ nhất quyền tư hữu không thể bãi bỏ, mà chỉ có thể chuyển nhượng. Marx và Engels có thể dẫn chứng những công trình nghiên cứu của các nhà nhân chủng hay xã hội học, như Engels đã dẫn chứng nhà nhân chủng học Morgan trong quyển Nguyên Nhân của Quyền Tư Hữu , của Gia đình và của Nhà nước ( L'Origine de la Propriété privée , de la Famille et de l'Etat ) ; nhưng đó mới chỉ là những nguyên do tất yếu, chứ không phải là nguyên do đủ để kết luận con người sinh ra là không có đầu óc tư hữu. Hơn thế nữa, Marx và Engels tự cho lý thuyết của mình là khoa học, thế mà lại đi kiếm nguyên nhân, kiếm cái “ Tại Sao “ ( le Pourquoi ), trong khi đó khoa học chỉ tìm hiểu cái “ Thế nào “ ( le Comment ) của sự vật. Cái “ Thế nào “ và hiện tại của quyền tư hữu, đó là chúng ta hãy quan sát một em bé, mặc dầu nó mới sinh được một vài tháng, nó đã biết ai là mẹ nó, nó biết phân biệt tiếng nói của mẹ nó với người khác, về sau nó biết cái nào là đồ chơi của nó để giữ gìn. Hơn thế nữa, chúng ta cũng chẳng cần đi xa xôi, cảnh “ Cha chung không ai khóc, ruộng chung không ai cày, nhà chung không người chăm sóc “, ở những nước cộng sản đã là những bằng chứng hùng hồn chứng tỏ rằng quan niệm bãi bỏ quyền tư hữu chỉ đưa đến tình trạng kinh tế trì trệ, nếu không nói là tụt hậu. Thời Liên Sô cũ , 3% đất tư nhân sản xuất 30% khoai lang trên thị trường, trong khi đó 97% đất công trong hợp tác xã sản xuất 70% phần còn lại và trong 70% khoai lang này, thì hơn 30% bị bỏ thối ở ngoài đồng. Ngày hôm nay, tại Việt Nam, “ Chi phí tiếp thị của các doanh nghiệp nhà nước cao hơn các công ty tư nhân từ 4 đến 16 lần. Tỷ lệ lao động/vốn của các công ty tư nhân cao hơn các công ty nhà nước 10 lần. Tóm lại các công ty tư nhân có hiệu năng cao hơn các xí nghiệp quốc doanh và mới có triển vọng cạnh tranh với các hãng ngoại quốc.
Các công ty cỡ nhỏ và trung bình sẽ là động cơ chính thúc đẩy nền kinh tế tương lai, nếu nhà nước cung cấp các phương tiện đầy đủ cho khu vực này phát triển tự do » ( Nguyễn quốc Khải – Kinh tế Việt Nam trước ngưỡng cửa của tổ chức Mậu dịch quốc tế ).
Bãi bỏ quyền tư hữu chính là bãi bỏ một nguyên động lực chính giúp con người làm việc. Nhưng quyền tư hữu không thể bãi bỏ mà chỉ có thể chuyển nhượng, nên sau những vụ đánh tư bản, mại sản, tư hữu của toàn dân bị chuyển nhượng sang tay một thiểu số người, đó là đảng cộng sản. Xã hội đương nhiên trở thành một xã hội 2 giai cấp, đại đa số dân thì bỗng chốc trở thành vô sản, các cán bộ trở thành những ông chủ đỏ vô cùng giàu có. Điều này lại đúng với lời tiên đoán về cách mạng tất yếu của Marx ( Xin xem thêm : Tại sao cách mạng tất yếu không xẩy ra tại các nước tư bản, mà đã và còn xảy ra tại những nước cộng sản của cùng tác giả, trên 2 tờ báo vừa đề cập).
Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến tướng Tưởng giới Thạch, mặc dầu là quân nhân, thường bị coi là ít học, nhưng, theo tôi, ông là người nhìn ra rõ hiểm họa cộng sản sớm nhất ở Á châu. Năm 1923, ông được Tôn dật Tiên gửi sang Liên Sô học. Theo nguyên tắc, ông phải ở bên đó lâu, nhưng chỉ một thời gian ngắn ông trở về nước. Người ta hỏi ông tại sao. Ông trả lời : « Bên đó không có gì để tôi học ! » Ông còn nói thêm : « Giai tầng trí thức và trung lưu là xương sống của một xã hội. Một con người không có xương sống, thì suốt đời chỉ phải bò. Cộng sản chủ trương đánh tư bản mại sản, giết chết giai tầng trí thức và trung lưu, đánh gãy xương sống của xã hội. Vì vậy xã hội cộng sản không phát triển được, chỉ biết có bò ». Vào những năm 30, trong thời chiến tranh Hoa-Nhật, ông chĩa mũi dùi vào việc tiêu diệt cộng sản, người ta hỏi ông tại sao, ông trả lời : “ Nhật bản là bệnh ngoài da, còn cộng sản là bệnh trong xương tủy. ” Vì câu nói này mà nhiều người cho rằng ông không ái quốc, và đây cũng là một trong những lý do khiến ông thua với cộng sản vào năm 1949. Nhưng ngày hôm nay người ta mới rõ. Chúng ta nên lưu ý là vào những năm 20, rất nhiều đại trí thức coi chủ nghĩa của Marx như thần dược, như Trần độc Tú, Khoa Trưởng Văn Khoa đại học Bắc Kinh, Lý đại Siêu, quản thủ thư Viện Bắc Kinh, 2 người là đồng sáng lập viên với 11 người khác của đảng cộng sản Tàu vào năm 1921, trong đó có Mao trạch Đông. Ngày nay, mọi người bắt đầu bởi những lãnh tụ cộng sản như Gorbatchev , B.Eltsine , đều thấy lý thuyết Mác Lê là độc dược chứ không phải thần dược.( Xem thêm bài của tac gia ; Lý thuyết Mác lê là thần dược hay độc dược, trên www.diendandanchu.net hay www.conong.com ).
Chúng ta nên nhớ tư tưởng triết học, quan niệm nhân sinh quan, kinh tế, xã hội, cơ cấu chính trị là nền tảng của một xã hội. Nếu nền tảng sai, không vững, thì không thể nào xây dựng xã hội vững chắc và tốt đẹp được. Chẳng khác nào như một căn nhà, nền móng không vững chắc, thì làm sao xây dựng cột kèo vững chắc được, từ đó làm sao có thể tu bổ căn nhà tốt đẹp. Căn nhà Việt Nam hiện nay được xây dựng trên nền tảng sai lầm là lý thuyết Mác Lê như điều 4 Hiến Pháp Hiện hành Cộng sản Việt Nam chủ trương, thì làm sao có thể vững chắc và tốt đẹp được . Đây cũng là câu trả lời cho những người chủ trương làm cải cách kinh tế trước, rồi cải cách chính trị sau. Nền tảng chính trị không vững, thì không thể nào làm kinh tế được ! ( Xin xem thêm bài của tác giả Dân Chủ hóa Việt Nam trên 2 tờ báo vừa kể) .
Vì vậy chúng ta có thể nói nguyên nhân nội tại đầu tiên đưa đến sự sup đổ của Liên sô là những sự sai lầm lý thuyết của Marx .
2) Sự sụp đổ của liên sô bắt nguồn từ quan niệm bạo động lịch sử, đấu tranh giai cấp là một lời hô hào, kêu gọi nội chiến triền miên, khiến mọi người nghi ngờ lẫn nhau, ngay cả những người cộng sản, những giới lãnh đạo cộng sản. Người Việt chúng ta có câu « An cư rồi mới lạc nghiệp. Tâm có ổn thì mới làm tốt công việc ». Đằng này, trong thế giới cộng sản, mọi người không bao giờ được an cư, tâm không bao giờ ổn, hơn thế nữa, giới lãnh đạo còn gây lòng ghen tỵ, hận thù, xoi mói, ghi kỵ lẫn nhau. Làm sao mà có thể cùng nhau xây dựng, làm kinh tế.
Tuy nhiên chúng ta phải công nhận rằng từ sau Thế chiến Thứ Nhì tới thập niên 60, kinh tế thế giới chưa đi vào kinh tế tri thức, điện toán, cách tổ chức nhà nước độc đoán, độc tài, cưỡng bách lao động, bắt dân làm việc, ai không chịu, phản đối, thì đi “ goulag “, tù đày, như chính sách của Staline cũng mang lại một vài kết quả.
Liên Sô đã phóng người ra ngoài không gian đầu tiên, khiến Khrouschev vào đầu năm 1960, hăng say trong thành công, tiên đoán Liên sô sẽ bắt kịp Hoa Kỳ trong 10 hay 15 năm nữa. Lời tiên đoán của ông chưa tắt, thì ông phạm vào một số sai lầm như vụ cải cách canh nông thất bại, làm cho Liên Sô lần đầu tiên phải nhập cảng lúa mì từ Hoa Kỳ năm 1963, rồi vụ ông gửi hỏa tiễn sang Cuba , đi đến chỗ thế giới có thể xẩy ra đại chiến, ông phải rút những hỏa tiễn này về. Một phong trào nổi lên chống ông ở ngay Trung Ương đảng, trách ông là thiếu thận trọng, mạo hiểm và theo chủ nghĩa đầu hàng tư bản. Ông bị hạ bệ vào năm 1964, và Brejnev , chủ tịch nhà nước, lên thay.
Phải nói rằng Khrouschev là người đã nhìn thấy những sai lầm của chế độ cộng sản, khi ông tuyên bố : “ Mục đích của kinh tế không phải là chia đều sản xuất, mà là làm thế nào để tăng gia sản xuất. ” Ông là người đã hạ bệ Staline , vì ông, theo như nhật ký ông viết, là nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa này. Mỗi lần Staline gọi đi họp, là ông phải từ giã vợ con, vì không biết bị thủ tiêu lúc nào, mặc dầu ông là người được Staline chỉ định để kế vị. Ông bị Staline bỉ mặt, bắt nhảy gấu ( danse de l'ours ), dù người ông to lớn, mập mạp, bụng bự, nhảy khó khăn. Chính sách của ông là đóng cửa, hòa hoãn với tư bản, để chú trọng vào sửa sai nội bộ trước. Năm 1956, ông đề nghị 2 nước Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc, ông có thăm Hoa Kỳ.
Để hạ bệ Khrouschev , Brejnev chủ trương hãy quên khó khăn nội bộ, mà dồn lực vào tấn công tư bản, chiến thắng tư bản rồi quay về sửa sai cũng không muộn, và đã đưa ra một kế hoạch gồm 2 kế sách : thượng sách và trung sách được trình bày trong Trung Ương đảng và được ủng hộ, nên ông lên thay thế Khrouschev . Thượng sách, đó phải bỏ qua những khó khăn nội bộ, đẩy mạnh công cuộc chinh phục tư bản, để sớm chiến thắng toàn thế giới, để ngọn cờ cộng sản cắm ở mọi nơi. Trung sách đó là : Nếu không chiến thắng toàn thế giới, thì chia thế giới ra làm 2, lấy trục Sài gòn, Nam Vang, Bangkok , Kaboul , Moscou làm giới tuyến. Phía đông bến này giới tuyến, thuộc về cộng sản ; phía tây thuộc về tư bản.
Để thực hiện thượng sách này ông đã dùng 2 con chốt. Con chốt ở Á châu là Việt Nam, Việt Nam dưới thời Lê Duẫn và Lê đức Thọ là hoàn toàn theo kế hoạch bành trướng của Liên Sô, từ việc gửi quân vào trong Nam, đến việc đánh sang Căm bốt, xích mích với Trung Cộng ( vì lúc đó Nga và Trung Cộng đang tranh chấp). Con chốt thứ nhì ở Nam Mỹ và Phi hâu là Cuba , chúng ta còn nhớ vào thời Brejnev , Cuba đã gửi quân sang giúp Angola , Ethiopie , gửi Ché Guévara sang giúp các nước Nam Mỹ. Brejnev đã dồn hết nỗ lực vào việc giúp đỡ các nước, các đảng và phong trào cộng sản ; và quyết liệt chạy đua vũ trang, sản xuất vũ khí. Vào thời ông, hàng năm số lượng xe tăng, hỏa tiễn và vũ khí sản xuất của mình nước Liên Sô bằng tổng số toàn thế giới. Trong khi đó thì những khó khăn nội bộ không được giải quyết mà càng ngày càng gia tăng : ăn cắp của công, hối lộ, tham nhũng, bằng cấp giả, không chịu đi làm việc, hay đến sở chỉ để có mặt, nghiện rượu. Số người nghiện rượu từ đầu năm 70 đến đầu năm 80 tăng lên gấp 3 lần. Các cửa tiệm trống vắng vì không có hàng cung cấp. Trước khi chết vào năm 1982, Brejnev phải than : “ Xã hội chủ nghĩa gì mà 1/3 xe chạy ngoài đường là ăn cắp săng của công, 1/3 bằng cấp là giả, đến sở thì không chịu làm việc, hay làm việc cho lấy lệ, hút xách nghiện ngập đầy đường ! »
Brejnev và Trung Ương đảng Cộng sản Liên Sô hạ bệ Khrouschev vào năm 1964. Có thể nói vào từ năm 1964 tới những năm đầu của thập 70, Brejnev thực hiện thượng sách ; nhưng thấy không xong, có một vài chiến thắng nhỏ, nhưng không đủ để dứt điểm tư bản, ngọn cờ cộng sản không thể cắm ở mọi nơi trên toàn thế giới. Trong khi đó thì khó khăn nội bộ trong chính Liên sô càng tăng, tranh chấp Nga-Hoa càng trầm trọng.
Năm 1969 quân đội Nga-Tàu đánh nhau ở vùng biên giới 2 nước, trên sông Tình Thương ( fleuve d'Amour ) làm cho 800 quân đội Tàu và 60 quân đội Liên Sô thiệt mạng. Hồng Vệ Binh đến biểu tình và đốt phá tòa Đại Sứ Liên Sô ở Bắc Kinh. Thấy không thể nào thực hiện được thượng sách, Brejnev quay sang thực hiện trung sách, gửi quân sang đánh A Phú hãn năm 1979, xúi cộng sản Việt Nam sang đánh Căm Bốt năm 1978, lăm le đánh sang Băng Cốc, để làm giới tuyến đông tây, theo trung sách của Brejnev .
Theo tài liệu mới công bố của đảng Cộng Sản Thái Lan, thì vào những năm 70, nhiều lần đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị giúp họ nổi lên cướp chính quyền ; nhưng họ từ chối. Chúng ta nên nhớ, trước khi đánh Căm Bốt, Cộng sản Việt Nam có ký hiệp ước quân sự với Liên sô. Nhưng ngay cả trung sách của Brejnev cũng không thể thực hiện được vì tranh chấp Nga-Hoa, Việt-Hoa, vì Liên Sô sa lầy ở A Phú Hãn, CSVN sa lầy ở Căm Bốt, nội bộ khó khăn ; trong khi đó thì có sức ép của Hoa Kỳ và thế giới tự do, đi từ chính sách be bờ ( containment policy ) có tính chất phòng thủ lúc ban đầu, sau đó bước sang giai đoạn tấn công, nhất là về chính trị, kinh tế, ngoại giao và nhân quyền vào những năm đầu thập niên 70.
Hội nghị Helsinki , họp vào tháng 7/1975 giữa các nước Âu Châu trong đó có Hoa Kỳ và Liên Sô, ép Liên Sô phải tôn trọng nhân quyền, nếu muốn được Hoa Kỳ và các nước Âu Châu giúp đỡ và buôn bán, là nằm trong chiến lược tấn công Liên Sô của Hoa Kỳ và Âu Châu trên phương diện kinh tế, ngoại giao và ý thức hệ.
Có thể nói, trước khi chết vào năm 1982, cả 2 sách lược của Brejnev đều bị phá vỡ :
- Bị phá vỡ vì tình trạng kinh tế càng ngày càng xấu, tụt hậu, tệ nạn xã hội càng ngày càng tăng, có thâu nhận được một vài chiến thắng, nhưng những chiến thắng này không phải là quyết định để dứt điểm tư bản, mà ngược lại quá hao tốn ; những quốc gia, những phong trào cộng sản mới thành lập chỉ là những trương mục mới để Liên Sô gửi tiền, không giúp gì cho Liên Sô, như chính một nhân viên cao cấp trong Trung Ương Đảng Liên Sô than phiền.
- Bị phá vỡ vì đối sách của Hoa Kỳ.
Brejnev chết, 2 ông già trong Bộ Chính Trị lên thay, lúc đầu là Andropov , được hơn một năm, rồi cũng chết. Tchernenko lên thay thế vào năm 1984, chưa đầy 1 năm thì chết luôn. Gorbatchev , người trẻ nhất trong Bộ Chính Trị lúc bấy giờ, là 55 tuổi, lên thay vào năm 1985.
3) Liên Sô sụp đổ vì chính sách “ Perestroika “( Tái Cấu Trúc), “ Glasnost “ (Trong Sáng) và chính sách Hòa hoãn, ngưng chạy đua vũ khí với Hoa Kỳ.
Thực ra bảo Liên Sô sụp đổ vì Gorbatchev cũng là oan uổng cho ông. Cái lỗi của ông đó là ông đã cố gắng sửa đổi một chế độ không thể sửa đổi. Nói như Boris Eltsine , Ủy Viên trong Bộ Chính Trị, Đặc trách của đảng ở Moscou , thì : “ Chế độ cộng sản không thể cải tổ, mà phải thay đổi. »
Thật vậy chế độ cộng sản là một chế độ độc đoán, độc tài, kinh tế tập trung, nay cải tổ để trở thành một chế độ dân chủ, kinh tế thị trường, thì là một sự thay thế hoàn toàn, chế độ cộng sản phải cáo chung. Hơn thế nữa, chế độ cộng sản Liên Sô vào lúc Gorbatchev lên nắm quyền, có thể ví như một căn nhà quá mục nát hay một chiếc xe quá cũ kỹ, Gorbatchev đụng đến đâu cũng thấy đổ nát, tháo bộ phận này ra sửa cũng không xong, tháo bộ phận kia ra sửa, xe cũng không chạy, từ từ tháo hết các bộ phận ra, thì không còn là chiếc xe nữa, mà chỉ là một đống sắt vụn. Chúng ta nên nhớ Gorbatchev lên nắm quyền vào tháng 3/1985, thì ngày 26/04/1986 xẩy ra vụ nổ nhà máy nguyên tử Tchernobyl , làm cả dân Liên sô, giới lãnh đạo và cả thế giới sững sờ trước tình trạng cẩu thả về xây cất kỹ nghệ, thô sơ về những phương tiện an ninh, cấp cứu của Liên Sô. Những người đến cấp cứu mà không có tới một bộ đồ chống phóng xạ để mặc.
Trước hiện tượng đó, Gorbatchev chủ trương chỉ còn con đường duy nhất là cải tổ tận gốc rễ chế độ. Đó là chính sách Tái Cấu Trúc và Trong sáng. Tchernobyl là hồi chuông báo tử của chế độ cộng sản Liên Sô. Ngày hôm nay có người nói bệnh cúm gà, bệnh SARS , bệnh xuất huyết, bệnh AIDS là hồi chuông báo tử cho 2 chế độ cộng sản Trung Cộng và Việt Nam. Điều này, theo tôi, cũng không ngoa, vì nó cho ta thấy tình trạng y tế thiếu thốn, chậm tiến, tham nhũng của Việt Nam và Trung Cộng.
a) Chính sách Tái Cấu trúc ( Perestroika ) : Cơ cấu hành chánh Liên sô lúc bấy giờ là bị tham nhũng, hối lộ từ trên xuống dưới, để chống tham nhũng, Gorbatchev bắt buộc phải tái cấu trúc, thay thế từ trên xuống dưới. Từ trên, ông loại những người bảo thủ và tham những, bắt đầu bằng cách loại Ligatchev , nhân vật thứ 2 trong Bộ Chính trị, sau đó ông chỉ định 500 quan tòa đi thanh tra và bắt tham nhũng ở địa phương. Nhiều người nói lịch sử biến chuyển thế này, thế nọ, theo đường thẳng, theo đường trôn ốc ; nhưng riêng tôi, tôi thấy lịch sử nhiều khi lập lại. Chúng ta chỉ cần suy ngẫm về sự sụp đổ của những triều đại như đế quốc La mã, triều đại nhà Tống bên Tàu, thì chúng ta rõ. Khi giai tầng lãnh đạo đã mất lý tưởng, hủ hóa, chơi bời, tham nhũng, thì không thể nào chữa trị được. Tham nhũng như một bệnh ung thư, nếu không chữa trị, thì nó ăn xâu vào lục phủ ngũ tạng, rồi bệnh nhân chết. Nếu chữa trị, thì phải cắt dần cắt mòn cơ thể, bệnh nhân cũng chết. Chúng ta nhớ, thời nhà Tống bên Tàu, Bao Công cố chữa hối lộ, tham nhũng, xử cả đến phò mã, con rể của vua, nhưng đó chính là chặt dần chặt mòn chân tay của chế độ, sau đó nhà Tống trở nên yếu, sụp đổ trước sự tấn công của quân Mông Cổ.
b) Chính sách Trong Sáng (Glasnost ) : không có nghĩa gì hơn là bỏ chính sách bưng bít, che dấu, tuyền truyền dối trá của chế độ cũ.Nhưng chính chính sách này làm cho sự bất tài, bất lực và bất lương của những chính quyền trước đó được phơi bày, người dân trở nên bất mãn, chán nản. Những phong trào chống đối nổi lên, trong đó có cả những phong trào đòi độc lập của những nước chung quanh.
c) Chính sách ngưng chạy đua vũ trang : Trong suốt thời kỳ nắm quyền của Brejnev , từ năm 1964 tới năm 1982, suốt 19 năm trời, Liên Sô đã bị Hoa Kỳ kéo theo vào một cuộc chạy đua vũ khí không tiền khoáng hậu, bị lâm vào hoàn cảnh nhà nghèo chạy đua tiêu tiền với nhà giàu, như một lực sĩ yếu sức, nhưng cố gắng chạy đua với một người sung sức, đến khi ngừng, thì kẻ yếu sức bị ngưng tim mà chết.
4) Chúng ta cũng đừng nên quên vai trò quan trọng của những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ; ở ngoài nước như nhà toán học Pliouch , nhà văn giải Nobel văn chương Soljennytsine , chủ trương nói sự thật về quốc nội, lấy câu châm ngôn Nga : “ Một lời nói sự thật nặng hơn quả địa cầu “ làm kim chỉ nam ; ở trong nước như nhà bác học Sakharov , các giáo sư, sinh viên, học sinh, cũng chủ trương nói lên sự thật, tẩy chay tuyên truyền, nói dối cuả cộng sản, bãi bỏ những giờ học tuyên truyền, lý thuyết nhồi sọ. Cộng thêm những nhạc sĩ, tạo lên một phong trào nhạc bình dân, nói lên sự thật, kêu gọi dân Nga đứng lên, chẳng hạn như một bài nhạc có câu : « Cái gì cũng có giới hạn. Trong khi đó thì đảng cộng sản đàn áp dân vô giới hạn. Hãy đứng lên, dân tộc Nga ! ” Sự chống đối cũng bắt đầu ngay trong Bộ Chính trị, Trung Ương đảng và Quốc hội, đại diện là những người như Boris Eltsine và những nghị sĩ đại diện các quốc gia muốn đòi độc lập.
Tôi xin nhắc lại câu của J. Julliard , mà tôi vừa trích ở trên : “ Hãy nên nhớ chiến thắng của Thế giới Tự do trên Chủ nghĩa Cộng sản không phải chỉ vì vấn đề quân sự và vấn đề kinh tế, tiền bạc, mà còn là vấn đề dân chủ, nhân quyền. Chính trong lãnh vực này mà Liên Sô sụp đổ. ” Dân chủ, nhân quyền là một trong những mũi tiến công mạnh mẽ nhất của những người đấu tranh chống cộng sản ở Nga Sô và Đông Âu, phụ với sự trợ giúp của Thế giới Tự do.
Đó cũng là sức ép từ bên ngoài qua đối sách của Hoa Kỳ và Thế giới Tự do.
B) Nguyên nhân ngoại tại của sự sụp đổ Liên Sô
Nguyên do ngoại tại của sự sụp đổ Liên Sô đến từ Hoa Kỳ và các nước tự do trong hoàn cảnh Chiến tranh Lạnh từ sau Thế Chiến Thứ Hai cho tới khi Liên Sô sụp đổ vào năm 1991. Người ta có thể nói cuộc tranh hùng tư bản-cộng sản bắt đầu ngay từ khi nhà nước cộng sản đầu tiên được thành lập ở Nga, bởi Lénine và Trotski vào năm 1917. Các nước Tây Phương đã gửi quân sang Nga giúp những người Bạch Nga lấy lại chính quyền, nhưng thất bại, rồi đi đến sự hòa hoãn, như việc Anh và Liên Sô ký kết hòa ước thương mại năm 1921, tiếp theo sau là tư bản-cộng sản bắt tay nhau diệt phát xít.
Sau khi Phát xít bị diệt, cuộc tranh hùng tư bản-cộng sản trở lại với Chiến tranh Lạnh.
Cuộc tranh hùng này kéo dài 45 năm gồm 2 chiến lược : Chiến lược phòng thủ với chính sách be bờ ( containment policy ) và chiến lược tấn công bằng ý thức hệ dân chủ, nhân quyền, ngoại giao, kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ.
Trước khi bức tường Bá Linh sụp đổ không bao lâu vào năm 1989, ông Paul Nitzé , cha đẻ chính sách be bờ cùng với ông George Kennan , đã tuyên bố : “ Chúng ta đã chiến thắng Chiến tranh Lạnh. ” Vậy P. Nitzé là ai ?
Ông là Cố vấn An ninh cho Tổng thống Truman , đã tham dự Hội nghị Potsdam từ ngày 17/7 đến ngày 2/8/1945, cùng với Truman , Staline và Churchill . Theo những nhà báo và sử gia, thì Paul Nitzé đã mang theo quyển truyện Trại Súc Vật ( Animal Farm ) của nhà văn hào Anh George Orwells và coi như quyển sách gối đầu giường. Người ta còn nói ông đã đưa cho Staline coi. Chính sách be bờ cộng sản của ông là lấy ý từ quyển sách này.
Theo G. Orwells , trong một trại súc vật nọ, một hôm, một con heo già mà người đọc liên tưởng tới K. Marx , nằm ngủ trưa, rồi mơ tới một thế giới khác, quả là tốt đẹp, thiên đàng ; bỗng bừng mắt dậy, thấy thực tế quá đau thương, phũ phàng. Con heo già loay hoay, suy nghĩ, tìm câu trả lời và bất chợt đã tìm ra nguyên do : đó là con người, ông chủ trại. Con người, con heo già nghĩ thầm, không có một tài cán gì, nó không biết đẻ trứng như con gà, không biết kéo xe như con ngựa, không biết cho sữa như con bò, chưa nóng thì nó đã bức, chưa lạnh thì nó đã rét ; thế mà nó lại ăn sung, mặc sướng, chẳng qua chỉ vì nó biết bóc lột, bóc lột mấy con vật. Thế rồi con heo già tụ tập mấy con vật khác lại : nào gà, nào vịt, nào chó, nào ngựa, nào bò, nào chim v.. v..., để tuyên truyền và hô hào làm cách mạng. Lúc đầu ông chủ con người có chống lại, nhưng vì sức mạnh súc vật quá lớn và quá hăng, nên thất bại. Cách mạng súc vật thành công.. Ban đầu thì thóc gạo do ông chủ để lại trong kho còn nhiều, nên chia chác công bằng, con vật nào cũng hỉ hả. Sau đó, vì súc vật không biết làm kinh tế, không biết sản xuất, thóc gạo trong kho càng ngày càng cạn, chia chác bất công, súc vật cắn quái lẫn nhau. Cách mạng súc vật sụp đổ, xã hội súc vật tan rã.
Theo P. Nitzé , đương đầu với cộng sản lúc đầu, lúc cao điểm hăng say của nó là lao đầu vào chỗ chết. Phải đợi. Chính vì lẽ đó mà P. Nitzé cùng với G. Kennan , một chuyên viên về chủ nghĩa cộng sản, sau là ngoại trưởng, đã soạn thảo ra chính sách be bờ.
Chính sách này đã được gói ghém trong một tài liệu mật từ năm 1950 tới 1989. Tài liệu này được chính giới, nhất là giới ngoại giao, coi như kinh thánh, cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, trong thời Chiến tranh Lạnh, mang tên “ Chỉ thị số 68 của Hội đồng An Ninh Quốc gia “, định ra những mục tiêu dài hạn và phương thức đối xử với cộng sản. Những mục tiêu đó là :
1) Ngăn chặn sự bành trướng của Nga Sô ở Á châu ;
2) Tăng cường sự giúp đỡ các nước Tây Âu và Khối Bắc Đại Tây Dương về vật chất cũng như về tinh thần, để Nga Sô không thể làm áp lực để mặc cả với Thế giới Tự do ;
3) Kiên nhẫn chờ đợi tranh chấp bùng nổ trong lòng chế độ cộng sản ; lúc đó mới đổi từ thế phòng thủ, be bờ sang thế tấn công .
Tài liệu này còn nhấn mạnh rằng đừng bao giờ hạ nhục Liên Sô, mà ngược lại tìm cách tạo những dịp và phương tiện thuận lợi để Liên Sô biến đổi, đi theo chiều hướng dân chủ tây phương, tôn trọng quyền tự do của những dân tộc khác.
Trải qua nhiều nhiệm kỳ tổng thống, dầu là dân chủ hay cộng hòa, ông Paul Nitzé vẫn giữ chức Trưởng Phái đoàn về vấn đề tài giảm binh bị Nga-Mỹ ở Genève ( Thụy sĩ). Ngày hôm nay người ta mới rõ rằng đây là một đài quan sát để biết rõ tình hình quân sự và võ trang của Liên Sô, ngõ hầu lôi nước này vào trong một cuộc chạy đua vũ trang, chẳng khác nào một cuộc thi đua tiêu tiền giữa một người giầu và một người nghèo, để đến lúc kẻ nghèo kiệt sức mà chết. Đó là lúc vào những năm của thập niên 80, tổng thống Reagan , nhất là vào nhiệm kỳ đầu (1980-1984), đã thách thức Liên Sô chạy đua vào hệ thống phòng thủ không gian, được mệnh danh là Chiến tranh giữa các hành tinh, và cũng là lúc mà Liên Sô kiệt quệ, rồi sụp đổ.
Năm 1989, ông Paul Nitzé 82 tuổi, xin về hưu, không làm Trưởng Phái đoàn thương thuyết tài giảm binh bị nữa, mới tiết lộ đứa con tinh thần của mình “ Chỉ Thị số 68 của Hội Đồng Anh Ninh Quốc gia Hoa Kỳ “, và hãnh diện tuyên bố : “ Chúng ta đã chiến thắng Chiến tranh Lạnh.” Đó cũng là ý kiến của tướng Brent Scrowcroft , Cố vấn An Ninh của Tổng thống Bush (cha), khi ông tuyên bố vào ngày 9/4/1989 : “ Tây phương đã chiến thắng cộng sản trên phương diện ý thức hệ. »
Một cách tổng quát, người ta cố thể chia chiến lược ngoại giao toàn cầu của Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh ra làm 2 thời kỳ : giai đoạn phòng thủ và giai đoạn tấn công.
1) Giai đoạn phòng thủ chính là giai đoạn của Chính sách Be Bờ đi từ cuối Thế chiến thứ Hai đến cuối thập niên 60, đầu thập niên 70.
Trong giai đoạn này, theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 68, Hoa Kỳ kiên nhẫn phòng thủ trước sự tấn công của phe cộng sản trên mọi phương diện, từ ý thức hệ, chính trị, kinh tế và quân sự. Phe tư bản chỉ tìm cách be bờ ngăn chặn sự bành trướng cộng sản. Khi chúng ta biết rõ chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ, thì chúng ta mới hiểu tại sao Tổng thống Truman cách chức tướng M. Carthur , đương là Tổng Tư Lệnh Lực Hoa Kỳ ở Triều Tiên, khi ông này có ý muốn dùng nguyên tử để tấn công Trung cộng, cũng như chúng ta hiểu tại sao Hoa Kỳ không tìm cách tấn công ra ngoài Bắc, trong chiến tranh Việt Nam.
Về ý thức hệ, Liên Sô dùng lý thuyết Mác-Lê như một lợi khí tuyên truyền nhằm giải phóng con người, giải phóng các dân tộc bị trị ra khỏi ách thống trị của những đế quốc, để đi đến một thế giới cộng sản đại đồng.
Về chính trị, kinh tế, quân sự và xã hội, Liên sô một mặt giúp đỡ những đảng cộng sản tại các nước Tây Âu, xúi giục thợ thuyền đình công, biểu tình, gây tê liệt kinh tế, xáo trộn xã hội, mặt khác giúp các phong trào, tổ chức cộng sản ở những nước nhược tiểu đòi độc lập. Cộng sản đã tấn công các nước tư bản từ lâu, ngay từ thời Lénine , lúc đầu với chiến lược tấn công trực tiếp, theo đúng tinh thần của Marx cho rằng cách mạng cộng sản chỉ có thể xẩy ra ở những nước tư bản kỹ nghệ tiền tiến, vì chỉ ở những nước này mới có giai cấp vô sản, thợ thuyền trong những kỹ nghệ, được Marx gọi là “ Đội quân tiên phong của cách mạng cộng sản “. Nhưng Marx đã hoài công chờ đợi cách mạng cộng sản tất yếu xảy ra. Lúc đầu Marx hy vọng ở Anh, sau đó ở Đức. Rồi Marx chết. Lénine cũng vậy, lúc đầu Lénine đặt rất nhiều kỳ vọng vào cuộc nổi dậy của Đảng cộng sản Đức ở Bá Linh vào năm 1921. Nhưng cuộc nổi dậy này thất bại, bị dẹp trong trứng nước.
Năm 1923, Đại Hội Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản họp từ tháng 11 tới tháng 12, với đề tài “ Vấn đề thuộc địa và Đông phương “. Trong Đại hội này, Lénine đổi chiến lược, bỏ chiến lược tấn công trực tiếp mà chọn chiến lược tấn công gián tiếp. Ông nói : « Cách mạng cộng sản sẽ đi qua cả ngõ Bắc Kinh, Tân Đề Ly, rồi mới tới Ba lê và Luân đôn. », có nghĩa là đánh các nước tư bản từ những nước thuộc địa. Chính vì lẽ đó mà Hồ chí Minh, khi ở Pháp đã được kết nạp vào Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản, mặc dầu ông chưa hiểu rõ Đệ Nhị và Đệ Tam như thế nào, như chính lời ông nói trong quyển Những Mẩu Chuyện về cuộc đời Hồ chí Minh, tác giả là Trần dân Tiến, chính là ông.
Chiến lược tấn công gián tiếp các nước tư bản từ những nước thuộc địa của Lénine được các đàn em, nhất là vào thời của Brejnev , thi hành triệt để, đã mang lại nhiều chiến thắng ngoạn mục. Phong trào đòi độc lập, phần lớn đứng sau là đảng cộng sản,đã chiến thắng ở nhiều nơi từ Á qua Phi tới châu Mỹ. Những chiến thắng này tuy ngoạn mục, nhưng không phải là những đòn chí tử làm ngã gục các nước tư bản, thêm vào đó, ở những nước tư bản họ biết sửa sai, và vì đã có truyền thống dân chủ, nên họ bắt buộc phải sửa sai, trong khi đó Liên Sô, vì những sai lầm của Marx chủ trương bãi bỏ quyền tư hữu, một động lực khiến con người làm việc, kinh tế trở nên trì trệ, cộng thêm chế độ độc tài, giáo điều, bảo thủ, song song với việc chi tiêu hao tốn vì chiến lược tấn công gián tiếp và việc chạy đua vũ trang ; tất cả những yếu tố đó làm cho Liên Sô kiệt quệ. Có một người trong Trung Ương Đảng Cộng sản Liên Sô cuối thời Brejnev đã phải than : “ Các đảng cộng sản, các quốc gia mới theo cộng sản không giúp ích gì cho Liên Sô, ngoài việc là những trương mục để Liên Sô gửi tiền giúp đỡ hàng năm ! »
2) Giai đoạn phản công trong chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh
Chúng ta nên lưu ý là phản công ở đây mang nặng tính chất ý thức hệ, chính trị, ngoại giao, kinh tế và thương mại nhiều hơn là quân sự. Và đây cũng cắt nghĩa một phần nào sự rút quân Mỹ ở Việt Nam và sự không ủng hộ của Hoa Kỳ đối với chính quyền của vua Iran vào năm 1978, đưa đến việc Khomeiny lên nắm quyền ở xứ này.
Có thể nói giai đoạn phản công của Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 1968, khi Nixon lên tổng thống, khi “ tranh chấp nội bộ bùng nổ trong lòng cộng sản “, như lời khuyên của Chỉ thị số 68 Hội Đồng An ninh Quốc gia, qua sự việc tranh chấp Nga-Hoa lên cao điểm, qua việc Hoa Kỳ đạt được ưu thế về khoa học kỹ thuật với việc đưa người lên mặt trăng vào năm 1969, việc Nixon thăm viếng Trung Cộng năm 1972.
Để phản công, Hoa Kỳ cũng tấn công cộng sản trên nhiều phương diện.
Về ý thức hệ, Hoa Kỳ chứng minh cho thế giới thấy thực tế cộng sản hoàn toàn trái ngược với lý thuyết và tuyên truyền cộng sản. Cộng sản không mang lại ấm no, hạnh phúc, mà là nghèo đói, lạc hậu, mất tự do, mất nhân quyền, không giải phóng các dân tộc mà là độc tài, xiềng xích. Để đánh mạnh cộng sản về vấn đề nhân quyền, tháng 7/1975, Tổng thống Hoa Kỳ Gérald Ford ký Hiệp Ước An Ninh Âu Châu ở Helsinki , trong đó có phần yêu cầu Liên Sô tôn trọng nhân quyền, mà nhiều người vào lúc đó cho là phụ ( corbeille supplémentaire ), nhưng ngày hôm nay người ta đã thấy nó là chính, vì nó đã thay ngược thế cờ, từ thế phòng thủ sang thế tấn công, chọc thủng phòng tuyến địch trên phương diện ý thức hệ.
Về kinh tế, Hoa Kỳ tìm cách bình thường hóa thương mại với Liên Sô và các nước Đông Âu, biến kinh tế của họ từ kinh tế tự cung, tự cầu ( economie autarcique ) thành kinh tế tương thuộc, ngành này lệ thuộc ngành kia, vùng này lệ thuộc vùng kia, và đồng thời lệ thuộc Tây phương và Hoa Kỳ, để đến lúc có thể gây ra một cuộc khủng khoảng kinh tế toàn diện, kéo theo một cuộc khủng khoảng chính trị, và đưa đến sự sụp đổ của chế độ. Ở điểm này chúng ta có thể tiên đoán sự sụp đổ trong tương lai của cộng sản Việt Nam và Trung Cộng rất có thể giống Liên Sô và Đông Âu.
Khi ký Hiệp ước bình thường hóa bang giao kinh tế và thương mại với Việt Nam, tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố : “ Việc bình thường hóa kinh tế, thương mại giữa Hoa Kỳ và các nước Đông Âu đã giúp dân tộc các nước này tìm thấy mô hình tổ chức nhân xã dân chủ và tự do.Tôi hy vọng rằng Hiệp Ước bình thường hóa bang giao kinh tế, thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ giúp dân tộc Việt Nam tìm thấy mô hình tổ chức nhân xã dân chủ và tự do. »
Về chính trị, ngoại giao, Hoa kỳ khai thác sự bất đồng, tranh chấp Nga-Hoa, vì vậy có việc Nixon sang thăm viếng Trung Cộng năm 1972, việc Đặng tiểu Bình sang viếng Hoa Kỳ năm 1978, rồi việc Trung Cộng “ dạy cho Việt Nam một bài học “, theo lời của họ Đặng, qua chiến tranh Hoa-Việt năm 1979, việc Hoa Kỳ giúp Liên đoàn Đoàn kết Ba Lan, tăng cường hệ thống phát thanh vào các nước cộng sản Đông Âu để nói lên sự thật bị bưng bít bởi cộng sản.
Về quân sự, ngoài việc thách thức Liên Sô chạy đua vũ trang, như việc thách thức về hệ thống phòng thủ không gian, Hoa Kỳ còn giúp kháng chiến quân A Phú Hãn, làm cho Liên Sô sa lầy ở đây.
Cho tới ngày bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989, bước đầu đưa đến sụp đổ chế độ cộng sản, giai đoạn phản công của Hoa kỳ kéo dài trên dưới 20 năm.
Có người nói chiến lược ngoại giao toàn cầu của Hoa Kỳ trong gần 50 năm Chiến tranh Lạnh rất là mâu thuẫn, tay phải đánh tay trái, chân trái đá chân phải.
- Đúng, nếu chúng ta nhìn cục bộ và ngắn hạn, như ở Việt Nam, Iran , qua những sự kiện rút quân vội vã ở Việt Nam năm 1975, việc những nhà ngoại giao Hoa Kỳ bị bịt mắt dẫn độ ở ngoài đường phố Téhéran năm 1978.
- Sai, ở chỗ nếu chúng ta nhìn toàn bộ và dài hạn. Ngày hôm nay không ai chối cãi là Hoa Kỳ đã lãnh đạo và chiến thắng Chiến tranh Lạnh. Lãnh đạo một cuộc chiến trong suốt nửa thế kỷ, rồi chiến thắng nó, mặc dầu không có tiếng vang ; đó không phải là kẻ tầm thường, thiếu kiên nhẫn, cũng như chiến lược thi hành trong suốt thời gian Chiến tranh Lạnh không phải là thiếu khôn ngoan và không hợp lý. Theo Tôn Tử : “ Không đánh mà khuất phục được quân người, ấy là người giỏi trong những người giỏi “ ( Tôn Ngô Binh Pháp- Ngô văn Triện dịch- trang 51 “ hay “ Chiến thắng mà thiên hạ khen giỏi, không phải là người giỏi trong những người giỏi “ ( trang 73).
Chỉ tiếc rằng Chiến tranh Lạnh đã chiến thắng, mà Việt Nam vẫn còn là cộng sản, mặc dầu phần đóng góp của những người Việt chống cộng và có thể nói là của dân Việt vào cuộc chiến này không phải là nhỏ. Tuy nhiên dân Việt mới thua một vài trận với cộng sản, chưa thua chiến tranh. Chiến tranh vẫn còn tiếp tục.Năm 1986, thủ tướng cộng sản Phạm văn Đồng tuyên bố : “ Chúng tôi đã chiến thắng quân sự ; nhưng chúng tôi đang chiến bại hòa bình. » Từ đó đến nay, cộng sản Việt Nam đang chiến bại hòa bình đã quá rõ :
- Rõ trong việc đưa đất nước chúng ta tụt hậu, trở thành một trong những nước nghèo đói nhất thế giới.
- Rõ trong việc đưa nền đạo đức, luân lý, giáo dục đến chỗ suy đồi, băng hoại : bằng giả, gian lận thi cử, con người không còn nhân cách và liêm sỉ, không phải tất, nhưng phần lớn những người cộng sản, đĩ điếm đầy đường, nghiện ngập tràn lan, phụ nữ thì phải đi lấy chồng ngoại quốc, trẻ em mặc dầu còn vị thành niên mà phải đi làm khẩu dâm ở Căm Bốt. ( Xin xem thêm bài Tai sao Luân Lý, giáo dục bị suy đồi dưới chế độ cộng sản trên www.diendandanchu.net hay www.conong.com , www.saigonbao.com )
- Rõ trong việc lệ thuộc Trung cộng, dâng đất, nhượng biển cho Trung cộng, hàng hóa, phim ảnh Trung cộng tràn ngập thị trường Việt Nam.
Người Việt chống cộng sản ngày hôm nay đang trên đường chiến thắng hòa bình cộng sản. Chiến thắng đó sẽ tới trong một tương lai gần. Có thể nó không có tiếng súng, không có tiếng tàu bay, không có tiếng vang mạnh mẽ. Nhưng đó là chiến thắng của những người giỏi trong những người giỏi. Gương Cộng sản Liên sô, Đông Âu sụp đổ là những thí dụ điển hình, những kinh nghiệm lịch sử quí giá cho chúng ta suy ngẫm.
Ba lê ngày 11/08/2004
Trực ngôn Chu chi Nam
ttct-lienxosupdo.htm
http://fr.wikipedia.org/wiki/Ronald_Reagan
http://en.wikipedia.org/wiki/Mikhail_Gorbachev
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire