Giáo dục Việt Nam – Vận mệnh quốc gia
Chấn Quốc Hưng
Bối cảnh xã hội
Đất nước đã thống nhất, hòa bình đã nở nụ cười rạng rỡ với mẹ Việt Nam tròn 32 năm.
Nhìn lại chặng đường đất nước đã qua trong suốt 3 thập kỷ xây dựng và phát triển, mỗi người Việt đều nhìn nhận theo cách khác nhau, hình thành hai luồng tư tưởng chính:
– Luồng thứ nhất cho rằng: Việt Nam đã và đang đi đúng hướng, công cuộc đổi mới đưa đất nước phát triển ngày càng thịnh vượng hơn xưa. Cụ thể là bản thân họ, đời sống gia đinh rất khá: nhà cửa, xe cộ, tiện nghi vật chất... không thua kém gì ở các nước tư bản.
– Luồng thứ hai quả quyết: thể chế chính trị do Đảng Cộng sản độc tài lãnh đạo không thể đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, khó lòng theo kịp các nước trong vùng và quốc tế.
Dễ nhận biết được họ là ai, thuộc những tầng lớp nào trong hai nhóm nói trên. Đó là nghịch lý trong lòng người, ở góc độ tổng thể khách quan, có thể nhận thấy những nghịch lý xã hội vẫn đang tiếp diễn với mức độ ngày càng trầm trọng.
Nghịch lý 1
Hạ tầng cơ sở còn ở mức thấp:
– Các đô thị lớn đều quá tải, không được quy hoạch cho sự phát triển lâu dài
– Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không đều còn ở tình trạng lạc hậu
– Năng lượng chưa thể đáp ứng cho nhu cầu tối thiểu của sinh hoạt cộng đồng
– Môi trường ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên bị xâm hại đến mức báo động
– Nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên
thô và lệ thuộc nhiều vào đầu tư ngoại quốc
Các quan chức có quyền thế lộ diện chân dung những tư bản đỏ thời XHCN:
– Nhà đất, biệt thự cao cấp, xe hơi đời mới
– Mượn danh nghĩa đầy tớ phục vụ dân để thao túng những tập đoàn, ngành nghề chủ chốt trong xã hội với mục tiêu làm giàu bất chính
– Con cái du học ở nước ngoài hoặc ăn chơi sa đọa
– Tài sản cá nhân, chi phí gia đình đều lấy từ nguồn tham nhũng, hối lộ, rút ruột công trình, ăn chặn tiền vay từ các dự án phát triển kinh tế, giáo dục...
Quê hương tôi vào thời đổi mới
Quan tham xây biệt thự cao vời
Hầm cống nghẹt, đèn đường tắt lịm
Nước thải tràn ngõ tối, quan ơi!
Nghịch lý 2:
Người có năng lực, trình độ tay nghề cao tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài. Tài năng không được phát huy để canh tân đất nước, chỉ mang về lợi ích cá nhân hoặc phục vụ cho ngoại quốc.
Hệ thống công chức nhà nước rất khó chen chân, chủ yếu dựa trên mối quan hệ gia đinh, phong bì. Phần lớn nguồn nhân lực trong hệ thống công quyền đều yếu kém trên cả hai yếu tố: đức và tài. Ngân sách quốc gia hằng năm phải chi trả cho một bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả.
Những thành phần cơ hội chủ nghĩa rất thích hợp với môi trường công chức nhà nước. Lợi dụng cơ chế quản lý yếu kém, nhiều người đã làm giàu rất nhanh từ nguồn tiền của đáng ra phải phục vụ cho lợi ích cộng đồng.
Đâu đó trên đường phố, người ta vẫn thấy những người bán kem, đẩy xe hủ tiếu, xay từng cây mía… nhưng thông thạo cả 2 ngoại ngữ Anh, Pháp. Họ là những trí thức chế độ cũ không chen chân được vào hệ thống công chức XHCN.
Phần lớn viên chức nhà nước hiện nay đều có bằng cấp chuyên môn, đủ cả bằng A, B tiếng Anh, có cả chứng chỉ Tin học văn phòng. Nhưng, tìm ra người viết được một đoạn văn tiếng Việt không sai chính tả, ngữ pháp thì hơi khó!
Nghịch lý 3:
Việt Nam tự hào có số lượng thạc sĩ, tiến sĩ cao nhất Đông Nam Á.
Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ở Việt Nam vẫn ở hạng yếu kém.
Thực trạng cho thấy, việc sắm bằng tiến sĩ, tậu học vị của phần lớn “trí thức” Việt Nam hiện nay là hệ lụy tất yếu của nền giáo dục “cấp 4”. Các giáo sư, tiến sĩ cũng soạn bài, đọc cho sinh viên chép. Bằng cấp, học vị không chứng tỏ khả năng nghiên cứu, học thuật mà đơn thuần là giấy thông hành để tồn tại trong môi trường coi trọng những giá trị giả tạo.
Xã hội Việt Nam trong giai đoạn này có thể tóm tắt trong 8 chữ: “Văn minh xe-máy – Văn hóa phô-tô”.
Văn minh xe-máy: Vào giờ cao điểm mỗi ngày, đứng trên cao nhìn xuống quang cảnh các đô thị lớn đều thấy một điểm chung: rất nhiều xe gắn máy. Hàng triệu chiếc nườm nượp chen nhau chạy hối hả trên mọi ngả đường, tình trạng kẹt xe tại các nút giao thông trọng yếu diễn ra thường xuyên. Ai cũng thấy, cũng biết tác hại của việc dùng xe máy cá nhân so với việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đó là:
– Hao phí nhiên liệu
– Ô nhiễm môi sinh
– Nguyên nhân chính gây tai nạn
Nhưng thử đặt ngược vấn đề: Nếu không có xe gắn máy liệu người ta có sống được không? Khó lắm thay! Mặt bằng tiền lương luôn thấp hơn mức sống tối thiểu. Ngoài công việc chính hằng ngày, phụ nữ còn phải lo chạy chợ, đàn ông lo chạy mánh kiếm thêm thì mới dám sinh con, đẻ cái. Con lớn thì phải lo chạy trường, chạy việc làm… Giữa cơ chế nhũng nhiễu quan liêu, mọi quan hệ đều được bôi trơn bằng phong bì, chạy chọt các kiểu thì còn phương tiện nào hữu dụng hơn chiếc xe gắn máy?
Thầy giáo lương lĩnh ba đồng,
Làm sao sống nổi mà không đi thồ?
Thầy giáo mà lại đi thồ,
Làm sao xây dựng cơ đồ Việt Nam?
Văn hóa phô-tô: Chưa bao giờ giá trị tinh thần được xem nhẹ như ở Việt Nam lúc này. Một cuốn sách hay nhưng lại quá đắt tiền? Chuyện nhỏ! Đã có máy photocopy. Nếu muốn bao bì mẫu mã đẹp hơn nhưng giá phải chăng thì đã có hàng lậu, hàng luộc, hàng nhái… tha hồ chọn.
Một ngày đẹp trời, bạn dạo bước qua các quầy bán đĩa software và hỏi mua một sản phẩm có bản quyền sử dụng (license/copyright). Hãy cẩn thận, vì người ta có thể xem bạn là người không bình thường, thậm chí còn cho là bạn mắc bệnh tâm thần. Sống chung với lũ, dần dà mắt mũi và đầu óc người ta cũng đục ngầu theo dòng nước. Đến một ngày, bạn giật mình tự hỏi: Tại sao không? Tại sao ta phải bỏ ra số tiền bằng mấy tháng lương để sở hữu một sản phẩm được bán với giá chưa bằng một bữa ăn sáng? Ta ngu đần, không thức thời hay thực sự bị mất lý trí?
Cảm nhận về cùng một vấn đề của mỗi người tùy thuộc vào mức độ hiểu biết của họ, tức là quá trình giáo dục mà họ được trao truyền. Nền giáo dục nước nhà hiện nay ra sao?!
Giữa thời buổi bon chen coi trọng vật chất, xem nhẹ đời sống tâm linh tinh thần như hiện nay bỗng nhiên xuất hiện nhiều loại “đạo” rất quái lạ. Đó là: đạo nhạc, đạo văn thơ, đạo phần mềm, đạo luận án… Âu cũng là quy luật bù trừ, khi đạo làm người đi xuống, ắt sẽ có nhiều “đạo” khác phát triển đi lên!
Năm đồng đổi lấy một xu,
Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy.
Rủ nhau đi bắt con cầy,
Thầy không đi nhậu, đố mầy làm nên!
Cái gì là nguyên nhân cốt lõi gây nên thảm trạng của nền giáo dục Việt Nam hiện nay?
Nguyên nhân
Để tìm ra cội nguồn hiện trạng, ta nên lược qua một vài khái niệm căn bản liên quan đến giáo dục và đào tạo.
Giáo dục là gì?
Trên bình diện quốc gia, giáo dục là tất cả những hoạt động, nỗ lực hướng đến việc phát triển toàn diện trí tuệ, thể xác và tâm hồn của công dân – nhằm tạo nên nguồn lực có khả năng quyết định sự tồn vong của đất nước.
Nói theo ngôn ngữ dân gian, đó là việc rèn luyện con người có đủ cả đức và tài. Trong đó, yếu tố đạo đức luôn đặt lên hàng đầu, kế đến mới là tài năng. Điều này không có gì mới mẻ, nó đã trở thành chân lý xuyên suốt chiều dài lịch sử, văn hóa của dân tộc: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Tiếc thay, điều đơn giản ấy trong thời buổi hậu kinh tế XHCN lại bị bóp méo đến kinh sợ: Cái lễ “đầu tiên” ấy mặc nhiên được hiểu là “tiền đâu”!
Điều gì có ma lực hủy hoại đạo lý ngàn đời của cả một dân tộc?
Trong tất cả mọi bản năng của con người, bản năng sinh tồn được xem là mạnh mẽ nhất. Điều này được minh họa rất chân thực và sống động qua tác phẩm “Tình yêu cuộc sống” của Jack London. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, bản năng sinh tồn có thể biến loài người văn minh thành một con thú ăn thịt.
Lẽ nào tình yêu cuộc sống đã đẩy những con người văn minh XHCN đến chỗ “ăn thịt” đạo lý chính nghĩa? Có thể xem như vậy.
Ngược dòng lịch sử một chút thôi, ta trở lại giai đoạn 11 năm từ 1975 đến 1986. Chính sách kinh tế sai lầm, ngu muội của nhà cầm quyền đã đưa đất nước đến bờ vực của sự đói rách, ô nhục. Mọi người làm quần quật suốt ngày, quanh năm cũng chỉ đủ cái ăn cầm hơi. Không dùng từ “miếng cơm” ở đây, vì có được miếng cơm đã là quá hạnh phúc rồi. “Cái ăn” ở đây bao gồm rất ít cơm, chủ yếu là bobo, khoai lang và khoai mì phơi khô.
Người nghèo khó đã khổ, kẻ giàu có cũng không kém phần bất hạnh. Những người kinh doanh thành đạt trong chế độ cũ bị xem là “tư sản mại bản”, bị tịch thu hết nhà cửa, tài sản, bị đối xử như những kẻ tội đồ.
Có gia đình nọ vẫn còn cất giấu chút ít vàng không bị tịch thu, con cái cũng chưa đến nỗi phải ăn độn (tức là được ăn cơm không trộn lẫn bobo, khoai, sắn…) Một hôm, mấy đứa con nói với mẹ: “Chúng con thèm thịt gà quá má ơi!”. Lòng cha mẹ nào không xót xa, bà mẹ bắt đầu cuộc hành trình mạo hiểm với món thịt gà.
Ra chợ với chiếc giỏ đan lát che kín mọi thứ bên trong, thận trọng đến hàng bán thịt thưa người, lấm lét nhìn quanh xem có người quen nào không, rồi vội vàng mua không dám trả giá. Chưa hết, về đến nhà trước khi nổi lửa phải đóng kín các cửa, đề phòng mùi thịt thơm phức bay ra xung quanh. Đến bữa ăn không được lớn tiếng, kẻo hàng xóm biết được thì khổ!
Thử hỏi, trong cái thời buổi bần cùng khốn nạn như thế, đem giáo lý văn chương lễ nghĩa ra áp dụng khác nào đem “bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu” ?
Vai trò của tôn giáo và đời sống tâm linh trong giáo dục.
Vấn đề giáo dục đạo đức nhân cách làm người là điều tế nhị và đòi hỏi những nỗ lực nhất định. Tâm sinh lý con người luôn vẽ nên những biểu đồ phức tạp, phụ thuộc rất nhiều vào môi trường văn hóa, truyền thống gia đình, lịch sử dân tộc. Ở những nước văn minh tiến bộ, chính phủ cũng phải san sẻ trọng trách này cho các tôn giáo.
Đời sống tâm linh luôn hướng con người về cái thiện, đó là điều tối cần thiết trong xã hội hiện đại đầy rẫy những sự cám dỗ.
Tiếc thay, sau hơn 62 năm thống trị ở miền bắc, 32 năm toàn quyền trên cả nước, chủ thuyết vô thần đã làm mai một đời sống tâm linh trên toàn cõi Việt Nam. Nguy hại hơn, nó còn sản sinh nhiều tổ chức “tôn giáo quốc doanh” với các mục tiêu mù quáng:
– Kềm cặp, uốn nắn tôn giáo hoạt động theo hướng có lợi cho bộ máy cầm quyền,
– Tạo công ăn việc làm cho một số lượng lớn công an mật vụ,
– Gây tổn thương, chia rẽ trong niềm tin của dân chúng đối với tôn giáo.
Sự phát triển của xã hội hiện đại luôn kèm theo những hiệu ứng phụ không mong muốn. Điều này dễ nhận thấy qua các vụ thảm sát trong học đường vừa rồi ở Mỹ; qua sự gia tăng số người tự tử vì bế tắc tâm lý, áp lực tinh thần nặng nề ở một số nước châu Âu; qua nạn tự tử của học sinh Nhật vì áp lực cạnh tranh quá mức… Chỉ có tôn giáo và đời sống tâm linh mới có khả năng cân bằng và giảm thiểu những hiệu ứng này. Như vậy, có thể nói tôn giáo đã đóng góp một phần rất lớn trong việc giáo dục đạo đức con người và làm cho xã hội lành mạnh hơn.
Mỉa mai thay, các chế độ độc tài Mác-xít lại đổ ra những khoảng chi ngân sách không nhỏ chỉ để làm công việc chặt đi cánh tay đắc lực của mình trong việc vun bồi đạo đức làm người. Thay vào đó những giá trị giả tạo như “đạo đức cách mạnh, đạo đức XHCN” được nhồi nhét vào những tâm hồn thơ ngây, trong sáng của lớp trẻ.
Ta biết rằng 1 đồng đầu tư cho giáo dục sẽ mang lại ít nhất là 10 đồng lợi nhuận cho xã hội. Như vậy, hơn 30 năm sai lầm trong đào tạo con người đất nước Việt Nam sẽ phải trả giá bao nhiêu?
Hiện nay vấn nạn giáo dục đã được nói đến rất nhiều, nhưng chỉ mới ở mức độ cảnh báo và đề ra vài biện pháp khắc phục ở phần ngọn. Khoảng trống hơn 30 năm không dễ gì lấp nổi nếu không có cuộc cải tổ triệt để từ thượng tầng chính trị. Khi giáo lý Mác-Lê còn là chiếc thòng lọng treo trên đầu tư tưởng lãnh đạo, thì mọi cải cách giáo dục chỉ là câu chuyện tán dóc ngoài vỉa hè, mua vui trong quán nhậu.
Thanh niên trí thức thời nay, họ là ai?
Nguồn nhân lực hoạt động tích cực nhất của xã hội nằm trong khoảng độ tuổi từ 18 đến 55. Như vậy, thành phần nắm giữ những vị trí trọng yếu trong xã hội hiện nay đều được đào tạo qua trường lớp XHCN. Hơn nữa, đại đa số những người có quyền cao, chức lớn đều phải là đảng viên.
Vì sao tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra hằng ngày, thâm nhập vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế? Những vụ bị phơi bày trên mặt báo chỉ là phần nổi của tảng băng, chỉ là nạn nhân của những vụ thanh toán quyền lực trong giới chóp bu nắm quyền. Ai cũng hiểu rằng hệ thống đục khoét tài nguyên, ngân khố quốc gia là cả một tập đoàn lớn mạnh, một con bạch tuộc mà vòi của nó vươn dài đến từng ngõ ngách của xã hội.
Vì sao giới trí thức thời nay lại là những bộ phận chính trong cơ thể con bạch tuộc khổng lồ nói trên?
Đó là kết quả của một nền giáo dục lấy dối trá làm nền tảng. Từ thời thơ ấu, tâm hồn thơ trẻ đã bị vấy bẩn bởi những điều khốn nạn, nhưng rất thực: “Văn hay chữ tốt, không bằng thằng dốt lắm tiền”. Thế hệ thầy cô giáo của chúng, mỉa mai thay, không phải là những tinh hoa chọn lọc của tầng lớp trí thức mà là những thứ phẩm hạng xoàng: “Chuột chạy cùng rào, mới vào sư phạm”, hoặc là “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, sư phạm bỏ qua…”.
Nhưng có sao đâu, tất cả đều đã được bảo kê bằng sự dối trá: dù kết quả học tập có thế nào thì chúng vẫn được lên lớp, vẫn là học sinh tiên tiến, xuất sắc… Tỉnh nọ có vài ngàn học sinh ngồi nhầm lớp, tỉnh kia có nhiều em học đến lớp 6 vẫn chưa biết đọc… Có gì đáng nói chứ, điều quan trọng là các em vẫn cứ lên lớp, để góp một phần bé nhỏ vào bản báo cáo thành tích của ngành giáo dục.
Vào đại học, sự dối trá vẫn cứ đeo đẳng theo chúng như là một định mệnh quái ác. Có những môn học chúng hoàn toàn không thể tiếp thu, thậm chí có đứa còn chỉ ra được những lý thuyết sai lầm trong đó, nhưng chúng vẫn phải thi đạt kết quả tốt nhất bằng mọi cách (kể cả những biện pháp đốn mạt như góp tiền bỏ phong bì cho giáo viên). Chúng hiểu rằng, thành tích học tập sẽ giúp ích cho việc kiếm chỗ làm sau này. Cho dù cái thành tích cao ngất ấy có thể bị sổ toẹt dễ dàng bởi một lời gửi gắm của ông bố làm giám đốc, hay một chiếc phong bì dày cộp…
Đi làm. Những lý tưởng cao đẹp của một thời trai trẻ nhanh chóng bị vùi dập trong những cuộc họp triền miên, chán ngấy. Nội dung của chúng không gì hơn ngoài những trò bới móc, tìm khuyết điểm đấu đá nhau giữa chốn quan trường. Chúng cay đắng nhận ra rằng, cách tiến thân nhanh nhất và dễ dàng nhất là gia nhập guồng máy tai ác kia; phải gào to những điều mình ghét cay, ghét đắng; phải biết nói đi nói lại thật nhiều những điều sáo rỗng;
da mặt phải dày và liêm sĩ phải lặng câm.
Từ bỏ những lý tưởng cao cả, chúng thu mình để sống qua ngày. Sự dối trá vẫn tiếp tục đọa đày. Để tồn tại trong hệ thống công chức nhà nước, điều trước tiên là phải có tư tưởng chính trị tốt. Đâu có gì khó khăn chứ!
Chỉ cần tham gia đầy đủ các buổi học tập chính trị, các cuộc thi tìm hiểu truyền thống này nọ là ổn. Khốn nạn thay, tham gia các hoạt động kia (tức là tiếp tục lừa dối bản thân mình) lại là những thử thách quá sức đối với mẩu lương tâm còm cõi đã thường xuyên bị giày xéo từ thời đi học.
Dối đi em, dối trá nhau mà sống
Nếu chân tình, thành tích sẽ bằng không
Chẳng mấy chốc em thành tên phản động
Đạo lý luân thường kết bạn tù gông
Thanh niên trí thức thời nay là ai? Họ là nạn nhân của một nền giáo dục phi khoa học. Một công dân trưởng thành, có học thức phải đối diện với 2 lựa chọn nghiệt ngã:
1. Tự loại mình ra khỏi đời sống cộng đồng để có được tâm hồn thanh thản, tự tại
2. Chấp nhận sống chung với lũ, tức là phải tự lừa dối bản thân mình để hòa nhập với đời sống xã hội
Hơn 30 năm sai lầm trong quốc sách giáo dục không chỉ đưa đất nước đến bờ vực của sự nghèo đói, mà điều nguy hiểm tột cùng là nó làm mất đi nhuệ khí của cả một thế hệ. Con người ta không dám nhìn thẳng vào sự thật, ngại nói lên chính kiến của riêng mình. Thanh niên trí thức hầu như mất đi khả năng tự đánh giá, nhận định bản chất vấn đề, dẫn đến triệt tiêu mọi nguồn cảm xúc sáng tạo.
Bài học xưa còn đó
Sau Đệ nhị thế chiến, hai quốc gia bại trận của phe phát-xít là Nhật và Đức gần như kiệt quệ trên mọi mặt. Thủ đô Berlin của Đức quốc bị phi cơ đồng minh oanh tạc đến độ không còn đường để đi, cảnh tượng những người phụ nữ xách từng xô nước leo trên đống gạch vụn thật là thê thảm. Đất nước lại bị chia cắt làm hai, đặt dưới quyền kiểm soát của Liên xô và Mỹ. Nhật bản tuy không bị chia cắt lãnh thổ, nhưng cũng bị Mỹ chiếm đóng và đã phải hứng chịu hai trái bom nguyên tử kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại…
Hơn 30 năm sau, Đức trở thành cường quốc kinh tế số 1 châu Âu, Nhật trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới (chỉ đứng sau Mỹ). Đó không phải là những kỳ tích cho chúng ta học hỏi hay sao?
Thử nhìn lại 32 năm qua, sau khi đất nước thống nhất trên vị thế của một quốc gia thắng trận, chúng ta đã làm được những gì? Nên nhớ rằng vào thời điểm 1975, Nam Việt Nam có một hạ tầng cơ sở đủ thể phát triển ngang hàng với Đại Hàn, Đài Loan, Singapore và không hề thua kém Thái Lan.
Câu trả lời đã rõ, sai lầm cũng đã được công khai thừa nhận sau nhiều năm bưng bít. Một trong những sai lầm căn bản nhất là nền giáo dục XHCN kéo dài suốt hơn 3 thập kỷ.
Tuy nhiên, vấn đề chính là ở chỗ khắc phục những sai lầm đã mắc phải như thế nào. Những lời hô hào cải tổ, đổi mới trong những năm gần đây thực sự chỉ là biện pháp tình thế, xoa dịu dư luận. Nếu giới lãnh đạo cầm quyền có được một chút tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật, họ đã sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, tuyên bố đoạn tuyệt với chủ thuyết hoang đường cộng sản mà đưa đất nước sang một trang mới.
“Việc trị nước cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo…”
Bài học quý báu từ hàng trăm năm trước của cha ông vẫn còn đó. Nhà tù, xiềng xích chỉ dành cho quân cướp của, giết người, khủng bố… Đối với tầng lớp trí thức, tự do lớn nhất là tự do trong tư tưởng.
Khi họ đã mất đi quyền được phát biểu chính kiến, tư tưởng bị bóp nghẹt thì xét xử, giam cầm hay tước đi mạng sống cũng chỉ là vô nghĩa. Bắt thêm một người tranh đấu cho tự do dân chủ, là góp phần khuấy động lòng người chính trực.
Trăm họ chưa yên, lòng người còn ly tán thì mọi nỗ lực cải tổ giáo dục chỉ là dã tràng xe cát. Giáo dục bế tắc, thì sự tồn vong của đất nước chỉ còn đếm lùi theo năm tháng…
Tháng 5/2007
© DCVOnline
dcv
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire