1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 2 mai 2007

VIỆT NAM SAU HƠN BA THẬP NIÊN DƯỚI CHẾ ĐỘ CSVN

VIỆT NAM SAU HƠN BA THẬP NIÊN DƯỚI CHẾ ĐỘ CSVN
Date: 2007-04-14 10:20



Vào đầu tháng 4 năm 2005, những đảng viên lão thành trong ĐCSVN đã từng nắm giữ những chức vụ cao trong đảng và trong chính quyền, khoảng 40 người, gồm có Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Chu Huy Mân, Mai Chí Thọ, v.v., họp với Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, Ủy Viên Tổ Chức Trần Đình Hoàn, và Bí Thư Ban Thường Trực Phan Diễn về “những thành quả” sau 30 năm Sài Gòn thất thủ cũng như bàn đến tương lai của Việt Nam. Trong cuộc họp này, một câu hỏi được nêu ra và mọi người đã lặng thinh không dám trả lời: “Nếu chủ nghĩa Mác và Xã Hội cao đẹp và hiệu quả như vậy thì tại sao chỉ có 4 nước (Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn, và Cuba) theo mà thôi? Cả thế giới đâu rồi và còn khoảng 200 quốc gia nữa sao họ không theo chủ nghĩa này? Tại sao Đông Âu và Liên Xô lại bỏ chủ thuyết này?” Những người Cộng Sản không còn nắm quyền nữa đã có những xung đột gay gắt với những người còn đang cầm quyền. Tuy nhiên, tất cả những người hiện diện trong phiên họp này đều phải công nhận trước năm 1975, Sài Gòn phồn vinh hơn Thái Lan rất nhiều, nhưng sau 30 năm dưới sự cai trị của Cộng Sản, Sài Gòn bây giờ tụt hậu thua xa Thái Lan. Sau đó, vào ngày 14 tháng năm 2005, trả lời phỏng vấn của báo Quốc Tế, Võ Văn Kiệt, cựu Thủ Tướng của Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thú nhận rằng trong 30 năm qua, ĐCSVN đã say ngủ trên chiến thắng làm cho đất nước tụt hậu thua những quốc gia khác. Sau này vào cuối năm 2006, trên tờ Việt Weekly News, ông Võ Văn Kiệt kêu gọi người Quốc Gia và Cộng Sản hãy quên đi quá khứ, hòa hợp hòa giải nhưng ông vẫn khăng khăng giữ vững lập trường “hòa hợp hòa giải dưới sự chỉ đạo của ĐCSVN” làm cho nhiều người rất bất bình cho rằng ông Võ Văn Kiệt không có thành tâm mong tìm một giải đáp cho vấn nạn tụt hậu của Việt Nam.
Tại sao những người lãnh đạo ĐCSVN, sau 30 năm cầm quyền, lại có một ánh nhìn tiêu cực như vậy? Lý do cho ánh nhìn tiêu cực này thật là rõ ràng: Chủ nghĩa Mác và Xã Hội không những là một thiên đàng ảo tưởng mà còn là một chủ thuyết chống lại con người; vì thế, trong lúc hành xử, người thắng bạc đãi kẻ thua một cách dã man làm cho guồng máy xã hội không còn hiệu năng dẫn đưa đến sự tụt hậu của cả quốc gia.
Như thế, trong hơn 30 năm qua, ĐCSVN đã làm những gì đối với đất nước?
Sau khi cưỡng chiếm Nam Việt Nam năm 1975, để đạt tới mục tiêu trở thành thực thể duy nhất nắm quyền cai trị đất nước, ĐCSVN đã áp đặt và thi hành những chính sách tàn bạo biến cả đất nước thành một trại tù vĩ đại qua hai chính sách Học Tập Cải Tạo và Vùng Kinh Tế Mới.
Cái mà được gọi là Trại Cải Tạo thì giống y hệt trại tù khổ sai gulags của Liên Xô và laogai của Trung Quốc. Đây chính là địa ngục ở trần gian như lời miêu tả những kinh nghiệm đau thương của ông Thế Sỹ Trần Văn Hùng:

Đọc lệnh xong, trực trại dẫn tôi qua nhà 11 biệt giam. Cửa phòng 4 biệt giam vừa hé mở, sức nóng hòa lẫn với chướng khí bị dồn nén trong căn hầm nhỏ hẹp lùa ra như xua đuổi giám thị và trực trại lùi xa hai mét.
Nhìn thẳng vào hầm biệt giam, thấy chẳng khác gì một chiếc áo quan được đúc bằng xi-măng, chiều dài 2 mét, chiều ngang 1 mét 2, chiều cao 1 mét 9. Từ nóc hầm rọi xuống một bóng điện tròn. Bốn bề xây kín không một lỗ thông hơi. Cánh cửa có lỗ khoan tròn nhỏ đủ đút một ngón trỏ xuyên qua để cán bộ tuần tra nhíu mắt vào quan sát. Ở giữa ghép ba tấm ván gắn liền với chiếc cùm gỗ, sát chân cùm một sô chứa phân và nước tiểu. Ba tù nhân ngồi trần trụi ép vào nhau mồ hôi nhễ nhãi. Trực trại hạ lệnh:
“Tụi bay ngồi ép lại, cho thêm một người nữa vào.”
Một anh bạn kêu ca:
“Hầm bề ngang chỉ được một mét hai, ba đứa tôi ngồi không lọt, nay thêm một người nữa, bọn tui làm sao nằm được cán bộ?”
Lời trực trại:
“Không còn phòng trống, ngồi so le, đứa trước đứa sau.”
Tôi bỏ chân vào cùm, viên trực trại khóa lại, khép chặt cửa đi ra..
Chúng tôi mới nhỏ to được vài câu chuyện, phía hông trái tôi sáp sát vào thành hầm nhói lên cùng lúc như hàng chục mũi kim ghim vào da thịt, tôi giật mình theo phản ứng tự nhiên, đưa mắt nhìn vào bức tường vôi màu vàng, thì ôi thôi! Hàng trăm con rệp lớn nhỏ túa chạy tứ tung như chùm pháo bông. Con tìm chỗ hổng ẩn núp, con nhát sợ thì chạy quíu chân rơi xuống ván nằm, mình mẩy tôi gai ốc nổi lên.

Tác giả kể tiếp những tù nhân chỉ được một chén cơm hẩm với vài ba hạt muối và một lít nước mỗi ngày. Họ bị cùm như thế suốt ngày đêm, mỗi tuần chỉ được tháo ra 15 phút ra ngoài trời hít khí thở. Riêng trường hợp ông Thế Sỹ Trần Văn Hùng, ông ở trong cái hầm khủng khiếp này khoảng 2 năm trời!
Hòa Thượng Thích Thiện Minh, tục danh Huỳnh Văn Ba, (sinh ngày 29/8/1955 tại Xã Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), chỉ vì trung thành với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, năm 1979, ngài bị Cộng Sản bắt giam hành hạ đủ điều trong 26 năm trời, mãi tới năm 2005 mới được trả tự do nhưng bị công an khu vực giám sát chặt chẽ. Năm 2006, Hòa Thượng Thích Thiện Minh lập ra Hội Aùi Hữu Tù Nhân Chính Trị Tôn Giáo Việt Nam và xuất bản quyển Hồi Ký 26 Năm Lưu Đày. Lập tức, dịp Tết Đinh Hợi 2007, CSVN cho công an bắt đấu tố ngài ở Bạc Liêu, khủng bố tinh thần, ngăn tỏa không cho ai đến viếng thăm ngài. Trong quyển hồi ký của ngài, ngài kể lại trại tù Xuân Phước của CSVN như sau:

Những ngày đầu mới thành lập trại này thì thật là khủng khiếp, tù nhân bệnh nặng không có thuốc chữa trị, mặc dầu có bác sĩ giỏi, bác sĩ đang cải tạo đành phải bó tay đứng nhìn bệnh nhân giãy chết. Bệnh nhân là những người anh em cùng cảnh ngộ như mình rất đáng thương, thương lắm nhưng biết phải làm sao? Giai đoạn đầu tù nhân chết không có quan tài, chỉ bó sơ một chiếc chiếu không được lành lặn cho lắm. Về sau mới có quan tài nhưng không đủ đinh để đóng nắp đậy, khi đưa xác đi chôn quan tài được đặt trên một chiếc xe, gọi là “xe cải tiến” dùng tay đẩy đi. Khốn khó trong khi đẩy, đinh bị mục, ván thùng xe rớt xuống đất, chiếc quan tài cũng rớt theo, thi hài lộ ra ngoài nằm sõng soài trên đất. [Trang 133]
Những tháng ngày kỷ luật tại K2, linh mục Nguyễn Huy Chương đã chết vì đói khát, vì bạo bệnh không được chữa trị kịp thời bởi thủ tục rườm rà và nhất là có thành kiến với tôn giáo. Có những hôm trong kỷ luật, linh mục Chương cùng Thượng Tọa Thích Huệ Đăng tức Thầy Nguyễn Ngọc Đạt phải ngồi rửa từng hạt cơm và đếm chỉ được vài mươi hạt. Hai nhà lãnh đạo tinh thần ngồi nhìn nhau rồi lắc đấu, vì nước muối quá mặn, thóc sạn cũng quá nhiều và thêm mấy lát khoai mì có mùi ẩm mốc; nước muối quá mặn nên ai cũng bị khát nước, khát đến khô cuống họng. Hôm nào có người trong phòng được gọi lên làm việc, khi đi ngang chỗ lò rèn ghé tạt ngồi xuống thật nhanh, uống thật nhiều nước ngâm sắt lò rèn để về phòng tiểu lại cho bạn tù uống, hoặc đi làm việc mà xin được đi tắm thì cũng uống nước thật đầy bụng để về “chia sẻ” với anh em. [Trang 125]
Trong lúc ấy mọi người chúng tôi quần áo bị mục nát, quần đùi không còn đủ để che thân. Linh mục Vàng bị mủ ghẻ khắp thân thể, ngoại trừ trên mặt thì không có, ghẻ mủ dày như dề cơm cháy khét đen. Còn linh mục Nguyễn Quang Minh thì bị đánh trọng thương, đánh ra máu miệng, cả hậu môn, chỉ vì đem vào trại vài chiếc “bánh thánh” để rồi qua đời sau đó mấy ngày. Riêng linh mục Nguyễn Luân bị bệnh phổi nặng (ung thư phổi) do nhiều năm trong kỷ luật ngủ không mùng, không chiếu. Bản thân tôi bị lao hạch và trong phổi có nước. Mọi người sống trong không khí ô trược vì chiếc hủ vệ sinh để trực tiếp ngày đêm trong phòng, tiểu tiện tại chỗ, lâu lâu mới cho đi đổ một lần, để lâu sinh ra giòi, chân tôi bị quyện lâu ngày lở loét, tối đến giòi bọ bò lên chỗ loét, tới sáng mới phát hiện ra!! [Trang 144]
Mỗi lần tôi đi ra ngoài đổ hủ vệ sinh, tôi nhanh tay với hái một nắm cỏ mầng trầu hoặc loại cỏ nước mặn, loại cỏ tạp cho bò ăn. Cỏ còn có mùi phân người, tôi lén đem vào phòng lấy nước rửa sơ rồi chia nhau mỗi người một ít, để nhai ăn cho đỡ thèm rau tươi, chúng tôi ăn cỏ mà cảm thấy nó ngọt vô cùng. Nếu bị phát hiện họ không cho đem vào phòng, tôi tìm cách trả lời “đem cỏ vào để trên mặt hủ vệ sinh để đi tiêu cho nước khỏi dơ.” [Trang 145].

Hơn nửa triệu quân dán cán chính Việt Nam Cộng Hòa và các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo đã bị đày đi vô trại cải tạo như thế. Vì tù đày quá khắc nghiệt nên nhiều người đã chết. Nhiều người bị giam cầm 5 năm, 10 năm, 13 năm hoặc hơn thế nữa. Thí dụ, ông Trần Văn Tuyên, 64 tuổi, một chính khách lỗi lạc của Nam Việt Nam, 2 tháng sau khi Sài Gòn thất thủ, đã bị Cộng Sản bắt. Ông Tuyên bị cai tù Cộng Sản liệt vào thành phần “cứng đầu”. Họ buộc ông Tuyên phải viết lời tự thú. Ông Tuyên nộp trả lại xấp giấy trong đó chỉ viết vỏn vẹn có 2 câu: “Tôi không hề phạm tội gì chống lại Tổ Quốc hay dân tộc Việt Nam của tôi. Nếu tôi có làm gì sai, thì đó chỉ là việc sai quấy dưới ánh mắt của ĐCSVN.” Ông Tuyên chết trong trại cải tạo năm 1976. Đầu thập niên 1990s, dưới áp lực của Hoa Kỳ và quốc tế, CSVN đồng ý thả các tù nhân chính trị này ra để họ đoàn tụ với gia đình và di dân sang Hoa Kỳ qua chương trình H.O.
CSVN lùa dân chúng vào Vùng Kinh Tế Mới mà nơi đây là rừng thiêng nước độc hoặc những đất khô cằn. Người dân bị Cộng Sản ép buộc làm từ sáng tới tối để dọn sạch cây cối trong rừng và đào kênh dẫn nước vào những vùng đất khô cằn này. Nhiều người đã phải bỏ mình vì thiếu thuốc men và dinh dưỡng. Đây là những trại khổ sai chớ không phải là những Vùng Kinh Tế Mới như Cộng Sản rêu rao.
Vì những chính sách phi nhân như vậy nên từ năm 1975-1989, khoảng 2 triệu người bỏ nước ra đi tìm tự do bằng cách đi bộ hoặc vượt biên trên các ghe thuyền nhỏ. Hàng ngàn người đi bộ đã bị cộng quân của Pol Pot bắt giết, và khoảng nửa triệu người vượt biên bị làm mồi cho biển cả hoặc bị hải tặc bắt hiếp và thủ tiêu. Nhiều người bị đắm thuyền do những tai ương của thiên nhiên. CSVN cũng kế hoạch cho người dân vượt biên và họ đòi mỗi đầu người là 10 cây vàng hoặc hơn nữa. Sau khi đã nhận được tiền, Cộng Sản làm ngơ để cho các ghe thuyền rời khỏi Việt Nam. Có những trường hợp, CSVN nuốt lời, họ cho công an rượt đuổi bắt những người vượt biên, nhốt những người này lại, tịch thu tài sản, hành hạ họ đủ điều. Có những trường hợp Cộng Sản dấu thuốc nổ trong ghe, và khi ghe ra ngoài khơi, nhiều chiếc đã bị nổ tung không còn một người sống sót. Cộng Sản đã sử dụng hoàn cảnh và lòng ước muốn của người dân muốn ra khỏi nước để vắt kiệt từng xu hào của họ, và Cộng Sản đã lấy làm khoan khoái trước những khổ đau của những người cùng giòng máu với họ. Những mất mát và thương đau của người Việt vượt biên đã động lòng những dân tộc khác đến độ người ta gọi đây là Lễ Hy Tế Của Thế Kỷ. Sự ra đi ồ ạt của người dân Việt Nam là một trong những bằng chứng hùng hồn cho thế giới thấy rằng chế độ Cộng Sản không phải là một chế độ hợp pháp để đại diện cho người dân Việt Nam; do đó, các cơ quan quốc tế cần phải làm áp lực để cho Cộng Sản trả lại quyền tự quyết cho dân tộc Việt ngõ hầu họ tự chọn lấy số mạng cũng như những ai xứng đáng để đại diện cho họ.
Sau khi Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô đầu thập niên 1990s, ĐCSVN ngưng không làm đầy tớ của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản nữa, họ chuyển sang làm nô bộc cho các đại tư bản. Để đáp ứng nhu cầu cần nhân công rẻ mạt của các tay đại tư bản, ĐCSVN trở thành những tên mộ phu mới của thời đại, ép buộc và khai thác sức lao động của các công nhân Việt Nam. Vào đầu năm 2007, thống kê của Bộ Lao Động CSVN cho biết có hơn 150 ngàn nhân công Việt Nam xuất khẩu lao động ở những quốc gia tại Đông Âu, Nga, Trung Đông, Singapore, Mã Lai Á, v.v. Thêm vào đó, hàng trăm ngàn thiếu nữ Việt Nam, vì sự khó khăn tài chánh, đã bị dụ dỗ hoặc bị ép buộc làm nô lệ tình dục và khổ sai qua hình thức hôn nhân với những người nước ngoài. Cuối năm 2003, trên mạng Ebay đã có những hình của thiếu nữ Việt Nam và người ta rao bán các thiếu nữ này với giá khoảng $10,000.00 Mỹ Kim. Chính vì việc làm ô nhục này, cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã cùng với nhiều nhóm tranh đấu cho nhân quyền biểu tình phản đối mãnh liệt.
Sau hơn ba thập niên cai trị đất nước, ĐCSVN biến nước Việt thành một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới. Lợi tức của Việt Nam khoảng 50 tỷ Mỹ Kim một năm, chia đều ra thì khoảng chừng 650 Mỹ Kim cho một người. Trong 50 tỷ Mỹ Kim đó, CSVN nhận viện trợ từ các nước ngoài khoảng hơn 3 tỷ (năm 2006, Nhật viện trợ cho Việt Nam 1.25 tỷ USD, Châu Âu viện trợ cho Việt Nam 1.5 tỷ USD, và Mỹ viện trợ cho Việt Nam gần .5 tỷ USD), các công ty nước ngoài đầu tư vào thêm 1.5 tỷ USD, và những người Việt Nam ở nước ngoài gởi về giúp thân nhân trong nước khoảng 5 tỷ USD mỗi năm. Trước đây, khi những người Việt vượt biên thì Cộng Sản đã gọi họ là “những tên phản bội” đất nước và dân tộc, nhưng giờ đây họ lại liếm lại những lời đã nhổ ra và gọi những người Việt hải ngoại là “khúc ruột ngàn dặm”. Hiện nay, mức tăng trưởng hàng năm của Việt Nam là 8%, nhưng mức lạm phát cũng không thua kém gì mức tăng trưởng, đó là 8%. Do đó, mức phát triển của Việt Nam rất là chậm so với các quốc gia khác. Những kỹ nghệ và sản phẩm chính của Việt Nam là gạo, cao su, đường, sợi dệt, hóa chất, và các kỹ nghệ nhẹ như sản xuất thực phẩm, quần áo, giày dép, v.v. Điều này cho thấy Việt Nam sản xuất nguyên liệu, và nguyên liệu thì rẻ mạt, mà phải nhập cảng những hàng hóa đã chế biến xong, và sự nhập cảng thì lại mắc mỏ rất nhiều lần. Sự khác biệt này vắt kiệt tài nguyên của Việt Nam làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia nô lệ ở một dạng thái mới.
Cộng Sản đổ lỗi nói rằng đất nước nghèo đói là vì những di sản của chiến tranh và vì những lực lựơng thù nghịch chống đối phá không cho họ xây dựng đất nước. Lập luận này của Cộng Sản không thuyết phục được ai vì những lý do sau đây:
1/ Năm 1945, Nhật đầu hàng Hoa Kỳ. Nhật đã phải bồi hoàn chiến tranh cho những thiệt hại gây ra cho Hoa Kỳ và Đồng Minh trong Đệ Nhị Thế Chiến với một số tiền khổng lồ, thế mà, chỉ sau 15 năm, Nhật đã trở thành một siêu cường về kinh tế. Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 3 thập niên rồi, gấp 2 lần thời gian Nhật cần để tái thiết đất nước, do vậy, Cộng Sản đổ lỗi cho sự trì trệ và không phát triển được của đất nước là những hệ lụy tồn động lại của chiến tranh là ngụy biện;
2/ Trước năm 1975, mỗi năm Nam Việt Nam nhận viện trợ $750 triệu Mỹ Kim từ Hoa Kỳ và những quốc gia khác, thế mà Nam Việt Nam vừa phải đánh nhau với Bắc Việt, vẫn xây dựng được đất nước trở thành một quốc gia hùng mạnh trong vùng, hơn hẳn cả Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Singapore. Bây giờ, mỗi năm Cộng Sản nhận trợ giúp và đầu tư của các quốc gia là 4 tỷ USD, người Việt hải ngoại gởi về 4 tỷ USD nữa, và đây là thời bình, thế mà với số tiền to lớn hơn cả 10 lần như vậy, kinh tế Việt Nam vẫn không vực dậy nổi, vẫn èo uột!!
3/ Những lực lượng mà Cộng Sản cho là “phản động” hiện nay không bằng 1% với những hoạt động của Cộng Sản trước đây đối với chính phủ của Nam Việt Nam. Dầu Cộng Sản phá thối với một phạm vi to lớn và quy mô, Nam Việt Nam vẫn phát triển trở thành một quốc gia phồn thịnh, tại sao?
Lý do chính yếu kinh tế Việt Nam hôm nay không phát triển được là vì nhà nước Việt Nam được điều hành bởi độc đảng làm cho tệ nạn tham nhũng lớn mạnh tràn lan, luật pháp không tôn trọng, đưa đến nhiều bất công áp bức đối với dân chúng. Nhà nước Việt Nam sử dụng ngân khoản quá lớn, khoảng 25% lợi tức của quốc gia, để sử dụng vào lực lượng công an, cảnh sát và tình báo ngõ hầu bảo vệ quyền lợi của ĐCSVN và sự thống trị của đảng này hơn là quyền lợi của dân chúng và sự an ninh của quốc gia. Đây là sự hoang phí làm thiệt hại đất nước, và chính cơ chế độc đảng này làm trì trệ hệ thống điều hành, gây trở ngại cho những người ngoại quốc và ngay cả những Việt kiều cũng không dám đầu tư vào Việt Nam nên không lạ gì hậu quả của nó là một tai họa về kinh tế.
Đương nhiên hiện nay ở Việt Nam có những thay đổi và những xây cất các tòa nhà và đường xá mới. Nhưng, mức phát triển của Việt Nam quá chậm so với những quốc gia lân cận. Đáng buồn thay, những xây cất chiến lược như xây cất trường học, nhà thương, dịch vụ xã hội, các nhà máy xưởng kỹ nghệ nặng và kỹ nghệ nhẹ, thì lại quá ít so với sự tăng triển dân số cũng như mức độ phát triển nhanh chóng của các quốc gia trong vùng. Những xây cất các hộp đêm, quán càfé, những nơi giải trí, v.v. là một hình thức ru ngủ dân chúng Việt Nam, và ĐCSVN đang tung hỏa mù tạo ảo ảnh cho những người nước ngoài nghĩ rằng đất nước đang phồn thịnh, song le, sau vài năm đầu tư vào Việt Nam, nhiều công ty nước ngoài bỏ của chạy lấy người vì cái gọi là phồn vinh kia hoàn toàn là hiện tượng hơn là bản chất.
Hơn nữa, CSVN tiếp tục đàn áp tự do tín ngưỡng như gần đây đầu năm 2007, nhân dịp Tết Đinh Hợi, họ phát động chiến dịch bắt giam và khủng bố các vị lãnh đạo tinh thần linh mục Nguyễn Văn Lý , mục sư Nguyễn Hồng Quang, mục sư Hồng Trung của Đảng Vì Dân, Thượng Tọa Thích Thiện Minh ở Bạc Liêu, giam lỏng hai đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, v.v, chỉ vì những nhà lãnh đạo tinh thần này dám đứng lên đòi tự do tín ngưỡng và chỉ trích ĐCSVN dám ngang nhiên tịch thu tài sản của các giáo hội.
Ngày 18 tháng 6 năm 2004, CSVN thông qua Pháp Lệnh Tôn Giáo, có hiệu lực vào ngày 15 tháng 11 năm 2004, ngăn cấm tất cả những truyền giáo tại tư gia. Đây là một hình thức đàn áp mới trên tự do tín ngưỡng.
Thêm vào đó, dịp Tết Đinh Hợi (2007), CSVN cũng ruồng bắt và khủng bố những tiếng nói dân chủ như luật sư Lê Chí Quang, ông Nguyễn Khắc Toàn, cựu đại tá Phạm Quế Dương, ông Nguyễn Vũ Bình, các thành viên của Đảng Thăng Tiến như Ls. Lê Thị Công Nhân, ông Nguyên Phong, chị Hoàng Thị Anh Đào, anh Nguyễn Bình Thành, những người trong Khối 8406 như Ls. Nguyễn Văn Đài, kỹ sư Đỗ Nam Hải. v.v.
Chính sách tàn bạo của CSVN làm cho cả những người sắc tộc phải bất mãn. Vào trung tuần tháng 4 năm 2004, hàng trăm ngàn người sắc tộc ở Ban Mê Thuột biểu tình đòi được tự do tín ngưỡng và đòi nhà cầm quyền CSVN trả lại đất tổ tiên cho họ. CSVN đàn áp cuộc biểu tình này cách dã man, nhiều người bị giết chết, hàng ngàn người bị thương, và hàng chục ngàn người bỏ chạy trốn trong rừng sâu và nhiều ngàn người di tản sang tỵ nạn ở Cambodia.
Người dân làng Kim Nỗ cũng có những cuộc biểu tình tương tự giống như những sắc dân thiểu số. Vào tháng 12 năm 2004, dân làng mang giáo mác gậy gộc, những dụng cụ của nhà nông, và cầm đá tấn công đội ngũ công an do Trung Ương sai đến. Trung Ương sai công an đến dẹp cuộc biểu tình để tịch thu đất đai của dân làng. CSVN nói họ mua đất của dân làng, nhưng trong thực tế, họ ép buộc giá rẻ như bèo để lấy đất này cho một công ty người Nam Hàn thuê làm một sân golf. Năm 1995, CSVN ký một hiệp ước với Daeha, một công ty Nam Hàn, và theo hiệp ước này, CSVN cho công ty Daeha thuê hàng 100 năm một khu đất rộng 128 hecta để làm sân golf. Giá cả cho thuê rất là cao, các cán bộ cao cấp của CSVN lấy tiền bỏ túi. Năm 1998, CSVN cho công an xuống đuổi dân làng Kim Nỗ ra khỏi vùng đất tổ tiên của họ, dân làng nổi giận và đã phản kháng. Công ty Daeha thấy sự phản kháng mãnh liệt của dân làng Kim Nỗ, họ hãi sợ, xin tạm rút lui kế hoạch. CSVN khéo léo lập ra một công ty khác dưới ô dù của Trung Ương, công ty Noble, và họ dùng công ty Noble để điều hành việc xây cất sân golf. CSVN nghĩ rằng họ dùng chính người Việt Nam đàn áp người Việt Nam thì chắc dân làng không dám phản kháng. Tháng 12 năm 2004, công ty Noble quyết định tiến hành kế hoạch đuổi dân làng Kim Nỗ đi, thế là xảy ra cuộc đụng độ lớn giữa dân làng Kim Nỗ và lực lượng công an. Dân làng Kim Nỗ không có một cây súng trong tay, nhưng với lòng quyết tâm, họ đã đẩy lùi được lực lượng công an. Nếu CSVN dám làm những chuyện tàn ác phi nhân như vậy với dân làng Kim Nỗ thì chuyện gì mà họ không dám làm với những người dân tộc thiểu số như ở Tây Nguyên? Vì những vụ cướp đất như vậy nên nông dân trong những năm qua tề tựu về Vườn Hoa Mai Xuân Thưởng biểu tình đòi Nhà Nước và ĐCSVN phải trả lại nhà cửa đất đai cho họ. Những nông dân này đã được sự hỗ trợ đặc biệt của các nhà đấu tranh cho Tự Do – Dân Chủ như nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và nhà báo Nguyễn Khắc Toàn. E ngại sự lớn mạnh của cuộc biểu tình, Cộng Sản đã liên tục khủng bố các nhà đấu tranh cho Tự Do – Dân Chủ và số phận của họ bị tù đày lúc nào cũng không biết.
Chưa hết, vào năm 2004, CSVN thông qua Nghị Quyết 36 quyết định chi nhiều trăm ngàn Mỹ Kim để cho các tình báo của họ xâm nhập vào sinh hoạt trong các cộng đồng người Việt hải ngoại ngõ hầu tạo sự phân hóa trong các lực lượng Quốc Gia, và từ đó các lực lượng này suy yếu đi tạo cơ hội cho Cộng Sản dễ dàng kiểm soát và khống chế các lực lượng này. Vì sách lược này của Cộng Sản, người Việt hải ngoại quyết tâm hơn nữa trong việc chống Cộng, và họ thề không bao giờ tin tưởng để cộng tác với Cộng Sản trong cái gọi là “hòa hợp hòa giải” xây dựng đất nước. Ở trong nước thì vào ngày 29/11/2006, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng thừa lệnh Bộ Chính Trị ra Chỉ Thị 37 siết họng truyền thông báo chí, cương quyết không cho tư nhân hóa bất kỳ một cơ quan truyền thông nào ở bất kỳ mọi hình thức, cả hình thức trang nhà trên mạng thông tin hoàn cầu. Tháng 11 năm 2006, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC (CPC = Countries of particular concerned - các quốc gia cần được quan tâm), nhưng sau đó thấy những việc làm vi phạm nhân quyền vừa nêu trên, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và tổ chức Human Rights Watch lập tức lại phải liệt kê Việt Nam là một trong những quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất.
Chính vì những đàn áp như vậy, không lạ gì văn hóa Việt Nam ngày hôm nay là văn hóa cung đình sặc mùi ca tụng các lãnh tụ Cộng Sản, từ đó, xã hội bị băng hoại, càng ngày tội ác càng gia tăng, giá trị luân lý mà cha ông đã nâng niu tôn trọng bị coi thường và chà đạp: Hơn ba thập niên cai trị của CSVN là hơn ba thập niên thảm họa cho đất nước. Cầu xin cho chế độ này sớm chấm dứt để Việt Nam và nhân loại được tươi sáng hơn.
Nhưng, khi Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô cũ, chỉ vài năm sau, người ta ngạc nhiên khi thấy các thoái thân của các Đảng Cộng Sản lừng lững trở lại nắm chính quyền chỉ vì Lực Lượng Dân Chủ không giải quyết được những yêu cầu của quần chúng. Thí dụ, Tổng Thống Lech Walesa, người hùng của Công Đoàn Đoàn Kết, con chim đầu đàn làm sụp đổ chế độ Cộng Sản tại Ba Lan, năm 1990 được bầu làm Tổng Thống đầu tiên của chế độ dân chủ, thế nhưng vào năm 1995 lại thua cho ông Aleksander Kwasniewski, 41 tuổi, Chủ Tịch của Liên Minh Dân Chủ Tả Phái tức là hậu thân của Cộng Sản!! Tháng 11 năm 2006, ông José Daniel Ortega của Đảng Cộng Sản Sandinista đã đắc cử chức Tổng Thống tại Nicaguara sau khi chế độ Cộng Sản đã bị thoái trào hơn 10 năm tại quốc gia này. Câu hỏi được đặt ra đó là liệu hiện tượng này có diễn ra tại Việt Nam sau khi ĐCSVN thoái trào? Câu hỏi này chỉ được trả lời khi nào phe đấu tranh cho Tự Do – Dân Chủ chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhân sự, sách lược và tài chính. Đặc biệt, phe đấu tranh cho Tự Do – Dân Chủ phải có lòng bao dung với nhau, lá lành đùm lá rách, tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh thì may ra mới ngăn chận hiện tượng đau lòng là sự trở lại nắm quyền của Đảng Cộng Sản./.

Houston ngày 7/3/2007
Hoa`ng Duy Hu`ng

Aucun commentaire: