1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

vendredi 25 mai 2007

Biến đổi trong quan hệ Việt Xô thời chiến

Biến đổi trong quan hệ Việt Xô thời chiến

Những tài liệu và nghiên cứu được công bố gần đây cho người ta hiểu một cách tinh tế hơn mối quan hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam với Liên Xô trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam.

Khác với những tuyên truyền chính thức trước đây rằng quan hệ Việt Xô luôn thắm thiết, những nghiên cứu mới cho thấy tình thân và mâu thuẫn đã là hai mặt của mối quan hệ, và thay đổi theo từng giai đoạn.

Trong tác phẩm vừa xuất bản năm 2006, Mari Olsen, chuyên gia về chính sách đối ngoại thời Xô viết và đang làm ở Bộ Quốc phòng Na Uy, đã trình bày những thăng trầm trong quan hệ Việt Xô và vai trò của Trung Quốc từ 1949 đến 1964.

Sử dụng tư liệu lưu trữ của Nga, tác giả cho biết giai đoạn từ 1962 đến 1964, Liên Xô ngày càng phải dựa nhiều hơn vào thông tin của 'các nước XHCN anh em' để nắm tình hình ở Việt Nam, vì Việt Nam tỏ ra miễn cưỡng trong việc chia sẻ thông tin.

Sự phụ thuộc thông tin của Liên Xô bắt đầu từ mùa thu 1962, khi các viên chức ngoại giao Liên Xô ở Hà Nội ngày càng bị cô lập, và kéo dài cho đến mùa thu 1964, khi sự liên lạc đầy đủ giữa Moscow và Hà Nội được nối lại.

Lạnh nhạt

Cần nhắc lại từ cuối thập niên 1950, ban lãnh đạo đảng Lao Động (tên mà Đảng Cộng sản Việt Nam chọn sử dụng lúc này) phân hóa thành hai nhóm: một ủng hộ chính sách ngoại giao và thống nhất đất nước trong hòa bình, và một nhóm muốn dùng quân sự để thống nhất.

Đến đầu thập niên 1960, sự chia rẽ chính xảy ra giữa cái gọi là nhóm thân Liên Xô và nhóm thân Trung Quốc.

Đến mùa xuân 1962, trong mắt người Nga, Trung Quốc đã tăng mạnh ảnh hưởng ở miền Bắc Việt Nam. Theo số liệu của Moscow, viện trợ kinh tế của Trung Quốc cho Bắc Việt từ 1955 đến 1962 cao hơn cả Liên Xô trong cùng thời kỳ.

Cũng trong thời điểm này, sự quan tâm của Moscow đến Việt Nam tỏ ra thụ động. Phân ban Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Liên Xô, tháng Chín 1962, đề nghị một loạt biện pháp cải thiện quan hệ với Bắc Việt.

Trong đó có đề xuất rằng Tổng bí thư Nikta Khrushchev nên đi thăm Hà Nội. Ban này cũng khuyến nghị Moscow nên quan tâm hơn đến vấn đề thống nhất của Việt Nam.

Nhưng mặc dù bày tỏ ủng hộ Bắc Việt, nhưng trong năm 1962, Liên Xô không làm gì nhiều để thuyết phục bạn của mình rằng họ có thể dựa vào Liên Xô khi khó khăn.

Việc Khrushchev không thăm Việt Nam vào 1962 và cả 1963 cho thấy sự thiếu quan tâm của Liên Xô đến Đông Dương vào lúc này.

Có vẻ như những lo lắng đối ngoại khác, như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, và sự thiếu hiểu biết thật sự tình hình ở Việt Nam khiến Moscow tự hài lòng với sự chú tâm vừa phải của mình ở Đông Dương. Lúc này họ không xem ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Hà Nội là mối đe dọa thực sự cho quan hệ Việt Xô.

Cô lập

Từ giữa năm 1962, theo Mari Olsen, các đảng viên ở Hà Nội ngày càng tỏ ra thận trọng về mức độ thông tin họ chia sẻ với các viên chức ngoại giao Liên Xô.

Kết quả là Moscow phải dựa nhiều hơn vào thông tin của các đại diện ngoại giao Đông Âu như Ba Lan và Tiệp Khắc ở Hà Nội.

Không khí ở Hà Nội lúc này thay đổi khi người Việt ngày càng đặt nhiều niềm tin hơn vào Trung Quốc. Để có thể cập nhật, Liên Xô phải dùng mọi nguồn tin có được.

Tháng Giêng 1963, chủ tịch Tiệp Khắc, Antonin Novotny, thăm Hà Nội và đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh sự cùng tồn tại trong hòa bình - một quan điểm được Khrushchev cổ vũ.

Sứ quán Liên Xô ở Hà Nội xem đây là sự kiện quan trọng đánh dấu việc Hà Nội tiến lại gần hơn với Moscow.

Nhưng chỉ một năm sau, sau Hội nghị Trung ương lần thứ Chín tháng 12-1963, ngoại trưởng Ung Văn Khiêm bị nhóm thân Trung Quốc loại ra khỏi Bộ Chính trị vì ông này đã ủng hộ tuyên bố của Novotny.

Theo sứ quán Ba Lan ở Hà Nội, thực chất ngay sau khi chuyến thăm của Novotny kết thúc, nhóm thân Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch để làm giảm nhẹ tầm quan trọng chính trị của tuyên bố chung Việt Nam - Tiệp Khắc.
Điều này, cùng nhiều ví dụ khác, cho thấy quan hệ Việt Xô đã xấu đi giữa lúc quan hệ Trung Xô cũng trở nên tồi tệ hơn. Ảnh hưởng tiêu cực của chuyến thăm của Novotny đánh dấu chặng đầu tiên khi Bắc Việt ngả sang Bắc Kinh.

Chuyển hướng sang Bắc Kinh

Hội nghị Trung ương lần thứ Chín năm 1963 là bước đệm cuối cùng, đánh dấu việc Hà Nội tách hẳn khỏi đường lối chính sách đối ngoại của Moscow.

Vào lúc Hội nghị đang diễn ra, vào ngày 25-12- 1963, ông Hồ Chí Minh mời đại sứ Liên Xô ở Hà Nội, Tovmasyan, đến ăn trưa cùng ông, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và Xuân Thủy.

Theo lời kể của Tovmasyan mà được lưu trữ trong văn khố Nga, vào cuối bữa ăn, ông Hồ Chí Minh nói ông sẽ 'về nghỉ' vì tuổi cao.

Ông nói công việc về đảng từ nay sẽ do ông Lê Duẩn nắm, Phạm Văn Đồng phụ trách vấn đề của chính phủ, Xuân Thủy về đối ngoại và quốc hội thuộc về trách nhiệm của ông Trường Chinh.

Vì sao ông Hồ Chí Minh lại loan báo việc 'về nghỉ' này với đại sứ Liên Xô?
Có thể đoán rằng đây là cách ông Hồ cảnh báo về ảnh hưởng sút giảm của ông ở Hà Nội và về kết quả sắp đưa ra ở Hội nghị lần thứ Chín. Sự tiếp tục nhấn mạnh của ông Hồ về mối quan hệ gắn bó với Moscow phần nào đó đưa ông trở thành vật chắn cuối cùng trước xu hướng thân Trung Quốc.

Trong nỗ lực tìm kiếm thêm ủng hộ từ Liên Xô, Bắc Việt gửi phái đoàn do ông Lê Duẩn dẫn đầu đến Moscow tháng Hai 1964.

Theo cái nhìn từ Việt Nam, chuyến đi là một thất bại. Nếu ý định ban đầu là giải thích các quyết định đưa ra ở Hội nghị Chín và nhờ người Nga giúp đỡ cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam, thì ông Lê Duẩn đã rời Moscow mà không đạt được điều gì.

Quan hệ giữa hai nước đầu năm 1964 khá căng thẳng.

Ngày 27-7-1964, Liên Xô ra tuyên bố dọa từ nhiệm khỏi chức đồng chủ tịch hội nghị Geneva về Lào. Mặc dù lời đe dọa không được thực hiện, nhưng nó thể hiện sự lo ngại và bực bội của Moscow trước việc Bắc Việt quyết tâm theo đuổi chính sách dùng vũ trang thống nhất đất nước.

Từ lạnh nhạt sang đồng chí

Thế nhưng cũng từ giữa năm 1964, quan hệ Việt Xô bắt đầu đầm ấm trở lại.
Vì sao có diễn biến có vẻ trái ngược như vậy?

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ tháng Tám 1964, theo Mari Olsen, đã làm biến đổi cái nhìn của Liên Xô về tầm quan trọng của Việt Nam.

Với viễn cảnh Mỹ trực tiếp đưa quân vào Việt Nam, Việt Nam nay trở thành trung tâm của mâu thuẫn Chiến tranh Lạnh.

Đến cuối năm 1964, Liên Xô đã trở thành nhà cung cấp quân sự và kinh tế chính cho Bắc Việt, và bỏ hẳn sự nhấn mạnh đến ngoại giao và thương lượng.
Trong vòng chưa đầy một năm, sự dính líu của Moscow tại Việt Nam đã đổi từ lạnh nhạt sang chủ động can dự.

Mari Olsen dẫn hai lý do chính khiến Bắc Việt nối lại quan hệ đồng minh với Liên Xô. Thứ nhất, viễn cảnh một cuộc chiến trực diện với Mỹ khiến Hà Nội nhận thấy họ phải dựa vào Liên Xô, chứ không phải Trung Quốc, để có khả năng quân sự.

Thứ hai, một sự phụ thuộc duy nhất vào Bắc Kinh sẽ khiến Hà Nội mất đi những lựa chọn khác trong hoàn cảnh chiến tranh. Bắc Kinh luôn từ chối việc xem xét khả năng đàm phán; trong khi Liên Xô nói họ có thể cân nhắc và thậm chí góp sức vào một giải pháp thương lượng cho tình hình Việt Nam nếu có thể.

Có ít nhất ba lý do khiến Moscow thay đổi quan điểm về Việt Nam.

Thứ nhất, Moscow nhận thấy họ là cường quốc duy nhất đủ khả năng hỗ trợ Bắc Việt trong cuộc đối đầu trực diện với một cuộc xâm lấn của Mỹ.

Thứ hai, quan hệ Liên Xô - Trung Quốc lúc này đã sụp đổ hoàn toàn. Nếu Moscow muốn duy trì sự kiểm soát tình hình ở Việt Nam, họ buộc phải dấn sâu nhiều hơn.

Thứ ba, nền chính trị ở Trung Quốc đã trở nên quá tả trong hai năm 1963, 1964 và Moscow lo ngại chiến lược mà Trung Quốc muốn Bắc Việt thực hiện sẽ hủy hoại cơ hội cho một kết quả mà Moscow muốn có tại Việt Nam.

(trich xcafevn)


CỰU NGOẠI TRƯỞNG TRẦN VĂN LẮM TIẾT LỘ VỀ HIỆP ĐỊNH...
Tìm Hiểu HƯ THỰC " Saigon et moi "

Aucun commentaire: