1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 9 mai 2007

Tại sao Hồ Chí Minh ký hiệp định Genève?

Tại sao Hồ Chí Minh ký hiệp định Genève?
Ngô Nhân Dụng

Từ năm 1955 cho đến 1975, người Việt ở miền Nam vẫn gọi ngày 20 Tháng Bảy là Ngày Quốc Hận. Ðó là mối hận đất nước bị chia đôi, tái diễn tấn bi kịch huynh đệ tương tàn Trịnh Nguyễn phân tranh gần 300 năm trước.” Chế độ cộng sản miền Bắc không coi ngày đó mang một niềm ân hận, ngược lại họ còn cho đó là một thành quả.

Người quốc gia ở miền Nam thì vẫn đa cảm; các lãnh tụ cộng sản sắt đá hơn vì họ tin tưởng ở một chủ nghĩa “siêu việt” và một phong trào vô sản toàn thế giới. Ở miền Nam nhiều học sinh cũng than thở, “Ðây sông Gianh, đây biên cương thống khổ - Ðây sa trường, đây nấm mộ ngư᡻?i Nam.” Ông Võ Thành Minh đã tuyệt thực ở bên hồ Leman để chống lại việc cắt đôi đất nước. Tất cả báo chí ở miền “quốc gia” đều loan tin tiếng sáo thở than của Võ Thành Minh, nhưng phía cộng sản thì không nhắc tới ông, sau này ông qua đời đời trong vụ Tết Mậu Thân ở Huế. Ngoài Bắc, các lãnh tụ cộng sản còn đang lo hô hào cán bộ đẩy mạnh các cuộc đấu tố để tiêu diệt giai cấp địa chủ, thực hiện tư tưởng Mao Trạch Ðông. Hồ Chí Minh ký đạo luật “cải cách ruộng đất” vào Tháng Mười Hai năm 1953, một “bước tiến” trong cuộc cách mạng quốc tế mà ông theo đuổi. Khi một người tin mình nắm chân lý tuyệt đối trong tay thì họ dám làm bất cứ cái gì để thực hiện chân lý đó, một cuộc nội chiến giết hàng triệu người chỉ là một chi tiết nhỏ trong vở tuồng lịch sử vĩ đại mà họ coi là tất yếu.

Nửa thế kỷ nhìn lại, bây giờ nhiều người Việt Nam sống ở miền Bắc cũng công nhận việc chia đôi đất nước năm 1954 là một mối đau nhục, gây nên cảnh nồi da xáo thịt vô ích.

Ngày mai là đúng 51 năm kể từ khi ký Hiệp Ðịnh Genève, 20 Tháng Bảy năm 1954. Từ nửa thế kỷ nay nhiều sử gia vẫn đặt câu hỏi: Sau khi Việt Minh chiếm được căn cứ Ðiện Biên Phủ của Pháp, tại sao Hồ Chí Minh không thừa thắng xông lên, tiếp tục tấn công để chiếm lấy tất cả nước Việt Nam mà lại chịu ký hiệp định chia đôi đất nước? Mỗi sử gia có thể nhấn mạnh vào một lý do nào đó, không biết chắc ai đúng ai sai. Nhiều người cho là Cộng Sản Việt Nam đã chịu áp lực của Liên Xô và Trung Cộng. Các đàn anh cộng sản này muốn kết thúc cuộc chiến ở Ðông Dương, sau khi họ đã ký kết chấm dứt chiến tranh ở Hàn Quốc. Nghĩ như vậy tức là coi như Cộng Sản Việt Nam bị ép buộc nên phải cắt đôi đất nước. Ðể làm áp lực, hai nước cộng sản đàn anh hứa tiếp tục viện trợ với điều kiện Cộng Sản Việt Nam chịu đến bàn hội nghị ở Genève.

Có sử gia lại nói chính Cộng Sản Việt Nam muốn ký hiệp ước vì sợ đằng sau nước Pháp còn có Mỹ, phải ngưng chiến để không cho Mỹ có lý do can thiệp vào Việt Nam. Ông William J. Duiker, trong cuốn “The Communist Road to Power in Vietnam” kể rằng Hồ Chí Minh đã mất công thuyết phục cánh chủ chiến trong đảng Cộng Sản, trong phiên họp Trung Ương Ðảng vào Tháng Bảy năm 1954. Ông Hồ nói rằng những người trong Trung Ương Ðảng muốn tiếp tục chiến tranh không nhìn thấy mối nguy là quân Mỹ có thể sẽ nhảy vào Việt Nam giúp chính phủ quốc gia của Bảo Ðại, thay chỗ của Pháp.

Trong thời gian chiến cuộc Ðiện Biên Phủ, chính phủ Pháp đã yêu cầu Mỹ hỗ trợ bằng cách ném bom chung quanh thung lũng này để tiêu diệt quân Việt Nam đang tấn công. Không khí “chiến tranh lạnh” bao trùm thế giới từ sau Ðại Chiến Thứ Hai, cả Nga lẫn Mỹ đang nghi ngờ nhau. Bộ Quốc Phòng Mỹ vẫn giả thiết rằng sớm muộn Nga xô sẽ đánh Âu Châu và Trung Cộng sẽ tấn công chiếm các nước Ðông Nam Á. Mà các nước trong vùng đó đều có một (hay hai) đảng Cộng Sản địa phương đang nổi dậy, làm nội ứng. Lúc đó Mỹ đã rảnh tay ở Cao Ly mà lực lượng máy bay bom đạn của họ vẫn sẵn sàng ở Nhật Bản và Ðài Loan. Nhưng chính phủ Mỹ đã từ chối không giúp Pháp ở Ðiện Biên Phủ. Nếu sau đó chính phủ Pháp chấp thuận những điều kiện của Mỹ, thí dụ, trả lại nhiều quyền tự quyết về quân sự và ngoại giao cho chính phủ quốc gia Việt Nam hơn, sau khi Bảo Ðại đã phong nhậm một ông thủ tướng thân Mỹ, thì việc tham dự của Mỹ có thể thành sự thật. Ðó là mối lo chính đáng của Hồ Chí Minh, con người có kinh nghiệm quốc tế nhiều hơn các lãnh tụ cộng sản khác.

Ông Duiker cũng cho là vì lo ngại Mỹ sẽ nhúng tay trực tiếp nên Hồ Chí Minh đã lựa chọn giải pháp chia đôi Việt Nam, thay vì giải pháp ngưng bắn tại chỗ, mỗi bên giữ phần đất mình đang kiểm soát. Trong trường hợp ngưng bắn tại chỗ, Mỹ vẫn có thể chờ một biến cố nào đó để lấy cớ mà viện trợ trực tiếp cho chính phủ Ngô Ðình Diệm đánh nhau với Việt Minh trở lại. Khi chính phủ Mỹ không ký vào Hiệp Ðịnh Genève chia đôi Việt Nam, chúng ta có thể hiểu là họ nghiêng về giải pháp ngưng bắn tại chỗ, vì nó thích hợp với mưu đồ của họ hơn, đúng như ông Hồ lo ngại. Mặt khác, nếu chia đất theo lối “da beo” thì ông Hồ khó thi hành được chương trình đấu tố trong cải cách ruộng đất mà ông đã bắt đầu, dưới sự cố vấn của các đồng chí Trung Quốc.

Nhưng một câu hỏi thực tế là, lúc đó Việt Minh có đủ sứ tiến đánh tới toàn thắng, nếu Mỹ không can thiệp hay chăng? Tướng Navarre, người chỉ huy quân Pháp thời đó, cho biết rằng trong năm 1954 lực lượng Việt Minh đã cạn sức vì dồn hết sức vào chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ðể chiếm lấy một cứ điểm có 16,000 quân Pháp, Việt Minh đã huy động gần 50,000 quân chủ lực, 55,000 quân phụ lực, và 100,000 dân công tiếp tế cho chiến trường. Phía Pháp chết khoảng 1,500 quân, 4,000 bị thương; trong khi phía Việt Nam mất 25,000 người trong đó 10,000 người chết. Nhiều người phía Việt Minh thì cho là sau khi thắng trận ở Ðiện Biên Phủ, họ đủ sức sẵn sàng mở ra những cuộc hành quân ở vùng châu thổ sông Hồng Hà để tiêu diệt lực lượng Pháp và quân đội quốc gia. Tất nhiên họ không dự trù việc tham dự của Mỹ có thể xảy ra, và cũng không biết các điều kiện viện trợ của Liên Xô và Trung Cộng mà công nhân biết. Tướng Navarre thì nói sau trận Ðiện Biên Phủ các hoạt động tấn công của Việt Minh đã giảm hẳn đi, nhưng khi ông ta xin thêm 2 sư đoàn viện binh thì chính phủ Pháp từ chối. Mặt khác, thủ tướng Pháp lúc đó, ông Mendes France, đã hứa trước quốc hội khi nhậm chức là sẽ giải quyết chiến tranh Ðông Dương trước ngày 21 Tháng Bảy, cho nên có ký hiệp định đình chiến thì ngôi thủ tướng của ông mới tồn tại.

Bên cạnh các giả thuyết của các sử gia, có một tài liệu có thể coi là khách quan đối với tình hình quân sự tại Việt Nam lúc đó, trong cuốn Hồi Ký Khrushchev (Khrushchev Remembers), của người lãnh đạo Liên Bang Xô Viết năm 1954, bản dịch cuốn sách này xuất bản năm 1971 ở Mỹ. Gọi là khách quan, vì ông Nikita Khrushchev rất có cảm tình với ông Hồ Chí Minh. Hơn nữa, lúc đó ông nắm đủ các tin tức mà người ngoài không biết, do guồng máy các cố vấn Nga Xô bên cạnh Việt Minh cũng như ở Trung Quốc cung cấp.

Khrushchev kể rằng đầu năm 1954 Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh đến Mát Cơ Va họp để bàn một lập trường chung tại Hội Nghị Genève, “dựa trên tình hình ở Việt Nam.” Và Khrushchev mô tả, “Tình hình rất nghiêm trọng. Phong trào kháng chiến ở Việt Nam đang trên đà sụp đổ. Các dân quân hy vọng Hội Nghị Genève sẽ dẫn tới một thỏa hiệp ngưng bắn để họ có thể tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp...” Ðó là nhận xét của Khrushchev. Ông còn thuật lại lời Chu Ân Lai. Sau một phiên họp chung, có lúc Chu Ân Lai kéo Khrushchev vào một góc, nói, “Ðồng chí Hồ Chí Minh đã nói với tôi rằng tình hình ở Việt Nam đang tuyệt vọng, và nếu chúng ta không tiến đến một cuộc ngừng bắn sớm, thì người Việt Nam không thể đứng vững chống lại quân Pháp. Do đó, họ đã quyết định nếu cần sẽ rút lui về biên giới Trung Quốc, và họ xin Trung Quốc sẵn sàng tiến quân sang Việt Nam, như chúng tôi đã làm ở Triều Tiên. Nói cách khác, người Việt Nam muốn chúng tôi đánh đuổi Pháp giúp họ. Chúng tôi không thể nào đáp ứng yêu cầu của đồng chí Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã tổn thất quá nhiều ở Triều Tiên, cuộc chiến đó tốn kém quá đối với chúng tôi. Chúng tôi không thể nào dự vào một cuộc chiến tranh khác trong lúc này.”

Nghe Chu Ân Lai xong, Khrushchev đã tìm cách thuyết phục ông ta đừng từ chối ngay, “Ðồng chí không thể nào nói với ông Hồ là đồng chí sẽ không giúp đỡ khi ông ta bị Pháp đánh phải rút quân về biên giới Trung Quốc. Tại sao đồng chí không cứ nói dối một cách vô hại đi? Cứ để cho người Việt Nam họ tin là đồng chí sẽ giúp họ nếu cần, cái đó sẽ khích lệ họ chiến đấu chống quân Pháp hăng hái hơn.” Chu Ân Lai đã nghe lời khuyên đó, Khrushchev kể, ông ta “không nói với ông Hồ là Trung Quốc sẽ không đánh nhau với Pháp trên lãnh thổ Việt Nam.”

Chúng ta có thể tin những lời Khrushchev thuật lại là đúng, vì ông ta tỏ ra rất hâm mộ Hồ Chí Minh. Lần đầu Khrushchev gặp ông Hồ là vào Tháng Hai năm 1950, khi ông Hồ sang Mát Cơ Va xin Stalin viện trợ. Khrushchev mô tả Hồ Chí Minh là một con người “thành thật, nhân từ, trong sáng;” và nói rằng “Ông ta có thể chinh phục tất cả mọi người với tấm lòng chân thành và niềm tin tưởng không thể nào lay chuyển của ông rằng chủ nghĩa Cộng Sản là tốt nhất cho dân tộc ông và cho cả loài người.” Khrushchev tả Hồ Chí Minh có đôi mắt “chân thành trông thơ ngây như trẻ em.” Khrushchev ca ngợi, coi Hồ Chí Minh đáng là một vị “thánh cộng sản.” Nhưng cáo già Stalin thì không. Trong cuộc gặp gỡ đầu năm 1950 này, Hồ Chí Minh đã rút ra một tờ báo hình ảnh của Liên Xô, có hình Stalin, xin ông ta ký tên vào đó làm kỷ niệm. Stalin vui vẻ ký, nhưng sau đó đã ra lệnh mật vụ tới phòng Hồ Chí Minh lén thu hồi lại, vì Stalin cũng sợ ông Hồ sẽ lợi dụng, theo lời Khrushchev thuật. Mọi người đều biết hồi ông Hồ ở bên Trung Quốc và làm việc cho OSS, tổ chức tình báo Mỹ, ông có xin Tướng Chennault, chỉ huy phi đoàn Cọp Bay của Mỹ ở Trung Quốc, ký tặng Hồ một bức hình. Sau đó ông Hồ mang bức hình về Việt Nam, rồi khi họp hội nghị Tân Trào thì đem bức hình đó trưng bày, để mọi người nghĩ rằng ông đã được Mỹ ủng hộ, mà Mỹ thì đang thắng Nhật. Chưa chắc Stalin biết câu chuyện này, nhưng một lãnh tụ cộng sản như ông ta thì chắc cũng hiểu là không nên tin tưởng những lãnh tụ cộng sản khác.

Câu chuyện Khrushchev kể trong cuốn hồi ký về cuộc đối thoại với Chu Ân Lai có thể hoàn toàn là thật. Vì ông ta không có lý do nào để nói dối. Chu Ân Lai chắc cũng không cần bịa chuyện ra nói với Khrushchev. Năm 1954 là lúc bang giao giữa hai nước Nga-Hoa còn rất thân thiện, mà nếu Chu Ân Lai nói dối thì Khrushchev có thể kiểm tra lại, biết liền. Cho nên chúng ta có thể tin rằng Hồ Chí Minh quả thật đã thú nhận với cả hai lãnh tụ Nga và Trung Quốc tình hình lực lượng Việt Minh đang lo bị thua tới mức có thể phải rút sang Trung Quốc. Cũng có thể tin được là năm 1954, Hồ Chí Minh đã xin Trung Cộng đem quân vào Việt Nam.

Khi Chu Ân Lai nói với Khrushchev rằng Trung Cộng không thể tham dự một cuộc chiến nữa, sau khi đã tiêu hao lực lượng ở Cao Ly, điều này cũng đúng. Nhiều người vẫn nghĩ là chính Stalin thúc đẩy Trung Cộng đem quân sang Cao Ly để làm tiêu mòn lực lượng nước cộng sản anh em này, vì ai cũng biết chính Stalin bật đèn xanh cho Kim Nhật Thành gây chiến. Nhưng sau khi ký hiệp ước đình chiến ở Cao Ly, Trung Cộng đã thấy sự thiệt hại của họ quá lớn, cho nên không muốn dính vào một cuộc chiến khác. Theo William Duiker thì vào Mùa Thu năm 1953, Ngoại Trưởng Mỹ Foster Dulles đã cảnh cáo nếu Trung Cộng dính vào Chiến Tranh Ðông Dương thì sẽ “có hậu quả nghiêm trọng” khiến Bắc Kinh chấp nhận chính sách tỏ dấu hiệu ôn hòa của Nga Xô trong cuộc ganh đua với Mỹ, sau khi ông Stalin qua đời.

Như vậy thì việc ký Hiệp Ðịnh Genève một phần là do Hồ Chí Minh lo sợ nếu tiếp tục chiến tranh thì Mỹ sẽ can thiệp, mà sức lực Việt Minh lúc đó đang yếu; một phần khác cũng vì chủ trương ôn hòa của Nga Xô khiến cho ông Hồ lo ngại nếu không theo thì sẽ không còn được Nga và Trung Quốc viện trợ như trước nữa. Bản hiệp định chia đôi đất nước đó dẫn tới cuộc chiến tranh Nam Bắc làm chết mấy triệu người Việt Nam, cũng vì ông Hồ là một người cộng sản kiên cường, đúng như ông Khrushchev ca ngợi. Ông “thánh cộng sản” đó muốn cả hai miền Nam Bắc đều phải sống dưới chế độ cộng sản để tiến hành việc “giải phóng” cả vùng Ðông Nam Á và cả thế giới. Chính phủ Ngô Ðình Diệm lúc đó không chịu ký vào Hiệp Ðịnh Genève, cũng vì không muốn chịu trách nhiệm trước lịch sử việc tái diễn Hận Sông Gianh.


Ngô Nhân Dụng
Tuesday, July 18, 2006


--------------------------------------------------------------------------------
Copyright © 2002 by Nguoi Viet, Inc.
Nguoi-viet Online

Aucun commentaire: