Sau 30 năm giữ yên lặng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Melvin R. Laird nói gì về cuộc chiến tranh ở Việt Nam?
Nguyễn Quốc Khải
Ông Melvin R. Laird giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong những năm 1969-1973 dưới thời Tổng thống Richard Nixon. Ông rời khỏi Ngũ giác Đài sau khi việc rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam đã hoàn tất. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ông trở lại làm Cố vấn Nội vụ cho Tổng thống Nixon vào tháng 6.1973. Tám tháng sau ông xin từ chức khi cuộc khủng hoảng Watergate trở thành nghiêm trọng. Từ ngày rời khỏi Bộ Quốc phòng và chính trường, ông Laird hoàn toàn giữ yên lặng về chiến tranh tại Việt Nam, một vấn đề chiếm nhiều thì giờ nhất khi ông làm việc tại Ngũ giác Đài. Vào cuối năm vừa qua, lần đầu tiên ông lên tiếng về cuộc chiến này vì có nhiều người liên hệ chiến tranh hiện nay ở Iraq với cuộc chiến tại Việt Nam.
Dù ông Laird là một trong những người thân cận của Tổng thống Nixon trong giai đoạn Watergate, nhưng tư cách của ông vẫn giữ được vẹn toàn. Ông Laird là người chính trực và có đầy đủ thẩm quyền để nói về chiến tranh Việt Nam. Những phần sau đây trình bày các nhận định của ông Laird vể cuộc chiến này. [1] Nhiều ý kiến của một số nhân vật khác cũng sẽ được trích dẫn để so sánh.
Mục tiêu của bài này là tìm hiểu sự thật về chiến tranh Việt Nam dù là sự thật cay đắng. Nhưng với sự can đảm nhìn thẳng vào sự thật đó, tác giả mong học được những bài học cho việc phát triển đất nước trong tương lai.
Sự thật về việc tham chiến của Hoa Kỳ
Từng là dân biểu trong Quốc hội Liên bang và Bộ trưởng Quốc phòng, ông Laird nhận định rằng cuộc chiến Việt Nam là một biến cố bi thảm, tệ hại, và được vận hành một cách vụng về trong lịch sử của Hoa Kỳ, với sự tổn thất nhân mạng lớn lao cho cả mọi phe. Nhưng ông nghĩ rằng chúng ta không thể kết luận một cách ngắn gọn rằng chiến tranh Việt Nam là một sai lầm. Cuộc chiến này khá phức tạp: một hỗn hợp của tốt và xấu mà từ đó có thể rút tỉa ra nhiều bài học giá trị. Tuy nhiên chỉ có một bài học xem ra tiếp tục tồn tại là “Đừng nên để bị mắc kẹt vào một Việt Nam thứ hai.” Có những người ở Hoa Kỳ ưa châm chọc vào vết thương thay vì để yên cho nó lành lại. Họ sẵn sàng đem con ngáo ộp Việt Nam ra đe dọa bất khi nào có cuộc xung đột võ trang. Đối với những người này, Việt Nam là một chính sách bảo hiểm để bảo đảm cho nền hoà bình ở nội địa nếu Hoa Kỳ không bao giờ phiêu lưu ở thế giới bên ngoài nữa. Do đó, cần phải vạch ra và xoá bỏ những ý niệm sai lầm về cuộc chiến Việt Nam để Hoa Kỳ phục hồi sự tự tin vào khả năng xây dựng quốc gia.
Theo ông Laird, sự thật về Việt Nam là Hoa Kỳ không thua trận khi rút quân vào năm 1973. Sự kiện cho thấy rằng Hoa Kỳ đã chuốc lấy thất bại, bỏ lỡ mất cơ hội chiến thắng hai năm sau khi Quốc hội chấm dứt viện trợ cho miền Nam Việt Nam và do đó làm mất khả năng chiến đấu của Việt Nam Cộng hoà. Hồ sơ chiến tranh do Hà Nội bạch hoá mới đây cho thấy rằng Sô Viết đã vi phạm Hiệp định Paris 1973 vì đã tiếp tục viện trợ cho Bắc Việt 1 tỉ Mỹ kim mỗi năm thay vì chỉ được phép thay thế võ khí và máy móc. Trong khi đó Hoa Kỳ chỉ viện trợ quân sự giới hạn cho miền Nam trong 2 năm. Sau khi xẩy ra biến cố Watergate, Hoa Kỳ đã thất bại trong việc tiếp vận cho đồng minh ở miền Nam Việt Nam vì sự sụp đổ của cơ cấu lãnh đạo ở Washington. Chính quyền tiếp nối không giữ lời hứa của chính quyền trước đã gây ảnh hưởng tai hại trong việc thương thuyết giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam.
Ông Laird cho rằng chiến tranh Việt Nam bắt nguồn từ những sai lầm quá tệ hại về tình báo. “Hoa Kỳ đã không hiểu được động lực nào thúc đẩy ông Hồ Chí Minh trong thập niên 1950. Nếu hiểu được tinh thần quốc gia sâu xa của Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ đã có thể thay đổi khuynh hướng cộng sản của ông.”
Cái cớ để Hoa Kỳ nhảy vào cuộc chiến Việt Nam là việc chiến hạm U.S.S. Maddox bị ba tàu phóng thủy lôi của hải quân Bắc Việt tấn công vào ngày 2.8.1964 trong vịnh Bắc Việt cách duyên hải Việt Nam 25 dặm. Cuộc tấn công đơn lẻ này có thể xem như là một lầm lẫn bất thường (aberration). Nhưng hai ngày sau, chiến hạm U.S.S. Maddox, với sự tham dự của chiến hạm U.S.S. Turner Joy, đã báo cáo rằng tàu bị tấn công lần thứ hai. Năm năm sau, khi là Bộ trưởng Quốc phòng, căn cứ vào các báo cáo, ông Laird nhận định rằng không có lần tấn công thứ hai. Đây là một sự nhầm lẫn, sợ hãi quá độ, và thông tin sai lệch xảy ra trong đêm tối. [2] Ông Laird từng phục vụ trên chiến hạm U.S.S. Maddox trong Đệ nhị Thế chiến và đã bị thương khi chiến hạm này bị phi công cảm tử của Nhật tấn công trên biển Thái Bình Dương. Mảnh đạn còn lưu lại trong cơ thể của ông cho đến ngày nay.
Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara không che giấu hoặc giải thích sai lầm của tin tình báo không đúng về vụ hải quân Bắc Việt tấn công tàu Maddox. Nhưng sự kiện là ông McNamara đã hăm hở đến Quốc hội và đưa ra một lời tuyên bố không có nghĩa là chiến tranh, nhưng dù sao cũng đã gây ra chiến tranh. [3] Ông Laird cùng với 501 đồng nghiệp ở Quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết vịnh Bắc Việt (Tonkin Gulf Resolution), cho phép Tổng thống Johnson gia tăng vai trò của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trước đó Hoa Kỳ một phần là kẻ ngoại cuộc, một phần là một kẻ chiến đấu bí mật, phần khác là cố vấn. Ông Laird gián tiếp kết luận rằng Hoa Kỳ đã dần dần, một cách bí mật, và sơ ý rơi vào vấn đề Việt Nam.
Ông Laird công nhận rằng Hoa Kỳ có một số ít quyền lợi kinh tế ở Việt Nam. Mặt khác, một vấn đề an ninh quốc gia là cần phải ngăn ngừa ảnh hưởng giây chuyền theo đó toàn thể thế giới sẽ rơi vào vòng kiểm soát của cộng sản, nếu mất vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên lý do này không có đủ trọng lượng. Nhưng theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Melvin R. Laird, chiến tranh Triều Tiên vào đầu thập thập niên 1950 là một bằng chứng về mối đe dọa của cộng sản tại Á châu. Vào hai thập niên 1960 - 1970 mối đe dọa này tiếp tục và là sự thật đặc biệt ở vùng Đông Nam Á. Tại Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Tân Gia Ba, Nam Dương và ngay cả tại Ấn Độ, phong trào cộng sản đã thiết lập được các căn cứ địa vững vàng. Mục tiêu của Hoa Kỳ là chặn đứng sự bành trướng của cộng sản ở Á châu.
Diễn biến của chiến tranh
Theo ông Laird, việc Mỹ hoá chiến tranh Việt Nam, hay nói một cách khác là Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, là một thảm họa lớn, một quyết định sai lầm. Kế hoạch này bắt đầu bằng việc Tổng thống John F. Kennedy gửi vài trăm cố vấn đến Việt Nam. Vào năm 1962 Hoa Kỳ đã có 16,000 cố vấn tác chiến (combat advisers) tại Việt Nam. [4] Tổng thống Johnson nhận định rằng Đông Nam Á là nơi để chặn đứng sự bành trướng của cộng sản. Do đó Johnson quyết định vung tiền và sử dụng không hạn chế nhân lực vào mục tiêu này. Những đơn vị tác chiến đầu tiên của Hoa Kỳ được gửi đến Việt Nam vào năm 1965.
Trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ chủ trương giúp thành lập bất cứ một chính phủ địa phương nào có thể thực thi chiến lược về chiến tranh lạnh của Hoa Kỳ, không cần phải là một chính quyền dân chủ. Theo ông Laird, đây là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Đại Sứ Philip Habib là người đã soạn thảo Hiến Pháp 1967 cho Việt Nam. Hoa Kỳ đã làm đạo diễn (choreograph) cho những cuộc bầu cử để trao quyền hành cho “những kẻ tham nhũng, ích kỷ, và độc tài khoác bộ áo lãnh tụ quốc gia.”
Hoa Kỳ lúc đó đã đánh giá quá thấp sự cần thiết của một chính quyền hợp pháp thật sự tại miền Nam Việt Nam. Thay vào đó, Hoa Kỳ quan niệm rằng một chính quyền không chính thức (shadow government) và một lực lượng quân sự cũng đủ để có thể đem lại chiến thắng. Ông Laird đã không tin rằng một ngày nào đó chính phủ Sài Gòn có thể sụp đổ vì thiếu chính danh và thiếu sự toàn vẹn.
Trong 2,8 triệu công dân Mỹ phục vụ tại Việt Nam và vùng phụ cận trong thời gian chiến tranh, chỉ có dưới 10% phục vụ trong các đơn vị bộ binh ở tiền tuyến. Mặt khác quân lực Hoa Kỳ lúc đó gồm những binh sĩ bị động viên, khiếp sợ, không được huấn luyện và trang bị đầy đủ để đối phó với chiến tranh du kích. Một số không đếm được những thường dân vô tội Việt Nam đã bị giết trong những cuộc truy lùng cộng sản trong đám dân ở nông thôn. Việc tàn sát thường dân ở Mỹ Lai không xẩy ra dưới thời ông Laird, nhưng việc xử án trung uý William Calley đã diễn ra khi ông còn đang làm việc ở Ngũ giác Đài. Ông nhận xét rằng quần chúng Mỹ đã phản đối việc dùng Calley làm vật hi sinh trong khi các cấp chỉ huy được tự do.
Ông Laird nhận định rằng một trong những chiến thuật cộng sản áp dụng tại Việt Nam là kéo dài chiến tranh để thử thách ý chí và sự kiên nhẫn của Hoa Kỳ. Trên thực tế vào khoảng cuối thập niên 1960, một trong những bài học về chiến tranh Việt Nam không được nhiều người công nhận. Đó là tổn thất chiến tranh không phải là điều quan tâm chính của quần chúng Hoa Kỳ. Binh sĩ Hoa Kỳ sẽ thi hành nhiệm vụ, và quần chúng Hoa Kỳ sẽ chấp nhận tổn thất nhân mạng, nếu cuộc chiến có những mục tiêu đích đáng có thể đạt được, và được chính phủ hỗ trợ rõ ràng. Ngoài ra những nhà lãnh đạo cần phải thành thực về những mục tiêu này. Đây lại không phải là trường hợp Việt Nam như sẽ được trình bày thêm ở đoạn về chiến tranh giới hạn ở bên dưới.
Một lầm lỗi thê thảm nữa về chiến tranh Việt Nam là những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã thua trên mặt trận giao tế. Đại tướng Creighton Abrams thường xuyên than vãn với ông Laird rằng ông rất nản lòng về cách mô tả cuộc chiến của truyền thông Hoa Kỳ và sự khác biệt với sự thật mà ông nhìn thấy. Ông phải tham dự hàng trăm buổi thuyết trình được thu âm với hơn 500 phóng viên có mặt tại Sài Gòn. Các ký giả gần như được hoàn toàn tự do đi lại tại Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam là một cuộc tranh chấp quân sự đầu tiên được trực tiếp truyền hình. Nếu các cha mẹ của những binh sĩ Hoa Kỳ phục vụ trong Đệ nhị Thế chiến nhìn thấy những hình ảnh của CNN về cuộc đổ bộ vào ngày D theo như phim Saving Private Ryan được tường thuật trực tiếp trên màn ảnh truyền hình, họ có thể nghĩ Âu Châu không đáng được cứu vãn.
Theo ông Laird, cuộc chiến Việt Nam dù đã phải trả một giá đắt, có thể xem như là một chiến thắng. Mặc dù đã xây dựng được các căn cứ địa vững vàng tại chỗ, cộng sản đã thất bại tại Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Tân Gia Ba, Nam Dương, và Ấn Độ vì cuộc chiến ở Việt Nam đã thu hút nhiều tài nguyên của Liên Sô.
Chiến tranh giới hạn
Trong cuộc chiến Việt Nam, bộ binh Hoa Kỳ tham chiến tại miền Nam Việt Nam, nhưng không được phép tiến ra ngoài Bắc. Không quân chỉ được phép đánh vào Bắc Việt, Lào và Campuchia ào ào một lúc rồi lại ngưng, khi thì bí mật, khi lại công khai, pha trộn với những lừa dối và mưu mẹo, thực hiện theo mức lên xuống của công luận thay vì đòi hỏi quân sự. Trong những năm đầu của chiến tranh, không có sự nhất trí giữa các ngành trong chính phủ. Ngay cả Bộ Ngoại giao cũng có quyền phủ quyết những cuộc không kích. Tổng thống Johnson thức khuya để bàn cãi trong khi các tướng lãnh không được hỏi han đến.
Khi Tổng thống Nixon ra lệnh ném bom bí mật ở Campuchia, ông Laird đã phản đối mạnh mẽ. Ông không phản đối việc ném bom vì tin rằng Hoa Kỳ nên chiến đấu ở bất cứ nơi nào cần phải chiến đấu - bất cứ nơi nào có kẻ thù ẩn náu - hoặc là không chiến đấu, nhưng ông chống lại thủ đoạn lừa gạt (deception) công luận. Khi bí mật này bị lộ, như ông tiên đoán, ông bị nghi ngờ một cách sai lầm là nguyên nhân của sự tiết lộ này. Tổng thống Nixon đã chấp thuận đề nghị của ông Kissinger ra lệnh cho Cơ quan Điều tra Liên bang (Federal Bureau of Investigation - FBI) đặt máy nghe lén điện thoại ở nhà của người phụ tá của ông Laird. Dân chúng Hoa Kỳ không muốn bị lừa dối, không chấp nhận bí mật và cũng không muốn bị gạt ra ngoài cuộc tranh luận về chiến tranh.
Việt Nam hoá chiến tranh
Nếu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara thi hành chính sách tham chiến tại Việt Nam của Tổng thống Lyndon B. Johnson, thì ông Laird, người kế vị ông McNamara, là người thực hiện chính sách chấm dứt sự liên hệ của Hoa Kỳ vào cuộc chiến này của Tổng thống Nixon. Theo ông Laird, khi ra tranh cử Tổng thống vào năm 1968, ông Nixon hứa chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam dưới tiêu đề “Hoà bình trong danh dự” (Peace with Honor), nhưng chưa có một kế hoạch cụ thể nào cả. [5] Vào năm 1968, ông Laird chỉ mới đề nghị cho vào cương lĩnh của Đảng Cộng hoà ý kiến giảm vai trò của Hoa Kỳ trong chiến tranh (de-americanize the war). Chính Bộ trưởng Quốc phòng Laird là người đã thiết lập kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh mà ông cho là thành công. Ông quan niệm trả lại chiến tranh cho người Việt, những người quan tâm đến vấn đề này nhất, để tư họ lo lắng theo điều kiện của chính họ. Người Việt cần tiền của Mỹ và huấn luyện nhưng không cần thêm máu của quân nhân Mỹ nữa. Đó là những lời khuyên đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Laird dành cho Tổng thống Nixon. Ông Laird gọi kế hoạch này là “Việt Nam hoá chiến tranh” (Vietnamizing the war) và Tổng thống Nixon gọi là Việt Nam hoá việc tìm kiếm hoà bình (Vietnamizing the search for peace).
Khi hai ông Nixon và Laird thừa kế cuộc chiến tại Việt Nam vào năm 1969, cuộc chiến đã kéo dài được 4 năm với 31.000 binh sĩ Hoa Kỳ đã thiệt mạng, 540.000 quân Mỹ hiện diện tại Việt Nam và thêm 1,2 triệu quân thuôc bộ binh, hải quân và không quân yểm trợ cuộc chiến từ các căn cứ quân sự trong vùng, trên các chiến hạm và hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương. Chiến tranh Việt Nam gây ra sự chia rẽ trầm trọng trong nước Mỹ và sự chỉ trích từ nhiều nước bạn cũng như thù địch.
Ông Laird từ giã Quốc hội sau chín nhiệm kỳ để gia nhập nội các của Tổng thống Nixon vào năm 1969. Ngày đầu tiên làm việc tại Ngũ giác Đài, ông mở đọc hai hồ sơ tối mật để trong tủ an toàn ngay tại phòng làm việc. Hồ sơ thứ nhất gồm những tài liệu về một việc đã xảy ra dưới thời ông McNamara: Làm sao Hoa Kỳ bị lôi cuốn vào chiến Việt Nam. Không lâu, hồ sơ này được tiết lộ cho báo New York Times với cái tên là “The Pentagon Papers” mà ông Laird gọi là “The McNamara Papers”. Khi là một dân biểu ở Quốc hội Liên bang ông đã nghe khá nhiều về đề tài này. Do đó ông không đọc hết hồ sơ mật thứ nhất. Việc đã xảy ra không còn là một mỗi quan tâm của ông lúc đó. Hồ sơ tối mật thứ hai mỏng hơn nhưng đặt ra nhiều vấn đề. Đó là việc Đại tướng William Westmoreland xin tăng quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam từ 500.000 lên đến 700.000. Yêu cầu này không được giải quyết trong khoảng một năm. Nó không được chấp nhận mà cũng không bị từ chối. Hành động đầu tiên của ông Laird với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng là chính thức bác bỏ lời yêu cầu của Tướng Westmoreland. Việc này đánh dấu sự bắt đầu rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam trong vòng 4 năm.
Theo Bộ trưởng Laird, sự thật là chiến tranh luôn luôn biến đổi. Do đó sứ mệnh của nó cũng phải thay đổi. Đây là một định luật chứ không phải là một biệt lệ. [6] Vào mùa Xuân 1969, do sáng kiến của Bộ trưởng Laird, Hoa Kỳ thay đổi mục tiêu chiến lược từ “gây áp lực tối đa vào quân địch” sang “hỗ trợ tối đa miền Nam Việt Nam để tự chiến đấu.” Những người chống lại kế hoạch này lại là chính phủ của miền Nam Việt Nam vì đã quá quen lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Một số cấp chỉ huy quân sự Hoa Kỳ mang ảo tưởng về một sự toàn thắng của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á bằng sức mạnh của Hoa Kỳ cũng chống đối việc giảm quân số. Ngay cả nếu điều đó có thể xảy ra, Mỹ hoá chiến tranh là một sai lầm ngay từ đầu, và sự kiên nhẫn của quần chúng Hoa Kỳ sẽ biến mất trước khi mục tiêu đạt được.
Sứ mệnh của Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam thật sự thay đổi vì tình hình thế giới đã thay đổi một cách quan trọng từ vài năm trước khi kế hoạch Việt Nam hoá bắt đầu. Mục tiêu lúc đầu của Hoa Kỳ là chặn đứng sự bành trướng của cộng sản ở vùng Đông Nam Á. Nhờ sự thay đổi về mối quan hệ giữa Nga Sô và Trung Quốc từ anh em thành kẻ thù và phong trào cộng sản ở Nam Dương bị dẹp tan, mối đe dọa của đế quốc cộng sản giảm bớt. Theo ông Laird, Hoa Kỳ không muốn bỏ rơi Việt Nam nhưng muốn trả lại quyền tự quyết cho quốc gia này. [7]
Đợt rút quân Mỹ đầu tiên được công bố sau hội nghị Việt - Mỹ tại đảo Midway vào tháng 6.1969. Trước đó ba tháng, Bộ trưởng Laird đã bay qua Sài gòn để thông báo cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về quyết định này. Trong khi dư luận chống chiến tranh ngày càng lên cao, việc rút quân Mỹ cũng không phải là một điều dễ dàng. Tổng thống Thiệu cũng như hầu hết những cấp chỉ huy quân sự Hoa Kỳ, từ Tổng tham mưu trưởng trở xuống, đều muốn tăng quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam. Mỗi lần phải giảm quân số, các tướng lãnh trong Bộ Tổng tham mưu đều đề nghị những con số thê thảm. Ông Laird lại phải bơm những con số này lên sau khi tham khảo ý kiến với Tướng Abrams. Ngay cả Tổng thống Nixon, người đã chấp thuận rút quân và hứa hẹn chấm dứt chiến tranh, cũng miễn cưỡng chấp thuận giảm quân số mỗi lần Bộ trưởng Laird đệ trình yêu cầu. Chỉ trong vòng 6 tháng sau Hội nghị Midway, Hoa Kỳ đã rút 60.000 binh sĩ, bao gồm 20% của lực lượng tác chiến, ra khỏi Việt Nam. Vào giai đoạn đó có lẽ đồng minh duy nhất của Bộ trưởng Laird là Tướng Abrams vì ông ta hiểu, nhưng những người khác không hiểu rằng sự kiên nhẫn của quần chúng Hoa Kỳ đã cạn. Sau vụ Watergate, uy tín của Tổng thống Nixon bị suy giảm trầm trọng khiến ông mất hết khả năng để vận động dư luận quần chúng.
Khả năng của quân lực Việt Nam Cộng hoà
Sau khi người lính tác chiến cuối cùng của Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam vào đầu năm 1973, quân lực Việt Nam Cộng hoà đã chiến đấu dũng cảm và đáng kính phục trong hai năm kế tiếp, để chống lại lực lượng Cộng quân được viện trợ đầy đủ hơn. Từ cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 cho đến khi Sài Gòn sụp đổ, miền Nam Việt Nam không bao giờ thua một trận lớn nào. Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân chính là một chiến thắng của miền Nam Việt Nam và là một thảm bại của quân đội miền Bắc với sự thiệt mạng của 289.000 binh sĩ riêng trong năm 1968. Ngược lại, đa số các cơ quan truyền thông đã mô tả cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân và cuộc chiến tiếp theo là một thất bại của Hoa Kỳ và chính phủ Sài Gòn. Bộ trưởng Laird trước đây và hiện nay vẫn tin rằng quân lực miền Nam Việt Nam có đủ khả năng tự vệ nếu được viện trợ đầy đủ.
Miền Nam Việt Nam đã đánh bại được quân khủng bố Việt cộng bằng sự phối hợp của võ lực và sự thuyết phục, mặc dù Việt cộng được tài trợ dồi dào, trang bị đầy đủ bởi Nga Sô, được khích động theo lãnh tụ Hồ Chí Minh và mục tiêu quốc gia của ông ta. [8] Nhưng miền Nam còn phải đối phó cả với lực lượng chính quy miền Bắc. Tổng số Cộng quân là hơn 1 triệu binh sĩ vào năm 1973. Vào thời điểm này, miền Bắc đã tổn thất 1,1 triệu binh sĩ và 2 triệu thường dân. Tuy nhiên Cộng quân tiếp tục chiến đấu vì chiến thắng là tất cả đối với Bắc Việt nhưng không là gì cả đối với một dân Mỹ bình thường.
Hoa Kỳ chiến đấu đơn độc
Cũng giống như chiến tranh Triều Tiên, lúc đầu Hoa Kỳ coi thường vai trò của đồng minh, hầu như tự ý chiến đấu đơn độc ở Việt Nam với một liên minh không đáng kể. Hoa Kỳ cung cấp phần lớn tiền bạc, súng đạn, và nhân lực để giúp hai nước này chống lại cuộc xâm lăng của Cộng sản. Như Tổng thống Nixon nhận định, dân tộc Hoa Kỳ thích làm mọi việc lấy một mình và là một dân tộc thiếu kiên nhẫn. Những tính chất này đã thấm sâu vào chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Ngay trong năm đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Nixon đề ra ba nguyên tắc sau, làm căn bản cho chính sách ngoại giao mới của Hoa Kỳ, trong một buổi họp báo tại đảo Guam vào ngày 25.7.1969: [9]
Hoa Kỳ sẽ tôn trọng những thoả hiệp đã cam kết.
Hoa Kỳ sẽ bảo vệ chống lại một cường quốc nguyên tử, nếu cường quốc này đe dọa nền tự do của một nước đồng minh với Hoa Kỳ hoặc một quốc gia mà sự sống còn rất quan trọng cho sự an ninh của Hoa Kỳ.
Trong trường hợp liên hệ đến những cuộc xâm lăng khác, Hoa Kỳ sẽ yểm trợ quân sự và kinh tế khi được yêu cầu theo những thoả hiệp đã được cam kết. Nhưng Hoa Kỳ trông đợi quốc gia bị đe doạ trực tiếp lãnh trách nhiệm chính về việc cung cấp nhân lực để tự bảo vệ.
Các nguyên tắc trên đây được áp dụng vào kế hoạch “Việt Nam hoá cuộc tìm kiếm hoà bình” và được giải thích rõ ràng trong bài diễn văn của Tổng thống Nixon vào ngày 3.11.1969 về chiến tranh Việt Nam. Chính sách mới của Hoa Kỳ là giúp các quốc gia chiến đấu nhưng không chiến đấu cho những quốc gia này. [10] Chính sách này được gọi là “chủ thuyết Nixon” (Nixon Doctrine) còn nhắm vận động sự hợp tác các nước đồng minh và các quốc gia thân thiện của Hoa Kỳ. Một năm sau, trong bản phúc trình đệ trình Quốc hội, Tổng thống Nixon tuyên bố: “Hoa Kỳ không thể và sẽ không tạo ra tất cả mọi kế hoạch, phác họa ra tất cả mọi chương trình, thi hành mọi quyết định và phụ trách bảo vệ những quốc gia tự do trên thế giới. Chúng ta sẽ giúp đỡ những nơi có thể tạo sự khác biệt và được xem như hợp với quyền lợi của chúng ta.”
Chủ thuyết Nixon đánh dấu sự bắt đầu của kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh.
Sự phản bội của Hoa Kỳ
Theo ông Laird, trường hợp Việt Nam đã làm cho Hoa Kỳ mang tiếng là đã không yểm trợ đồng minh. Điều xấu hổ không phải là Hoa Kỳ đã có mặt ở Việt Nam lúc ban đầu mà là Hoa Kỳ đã phản bội đồng minh của Hoa Kỳ vào lúc cuối cùng. Chính Quốc hội đã ngoảnh mặt đi đối với những lời hứa liên quan đến Hiệp định Paris. Ông Laird nói Tổng thống [Gerald Ford], bộ trưởng ngoại giao [Henry Kissinger], và Bộ trưởng Quốc phòng [James R. Schlesinger] phải chia sẻ nỗi nhục nhã này. Họ đã không đứng lên để giữ những cam kết với miền Nam Việt Nam. Đặc biệt là ông Kissinger, người đã tham dự trực tiếp vào cuộc hội đàm Paris.
Vào năm 1954, Hành pháp Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống hiến cử Eisenhower tỏ ra bất lực, đã để Quốc hội làm những quyết định về cuộc khủng hoảng lần thứ nhất tại Đông Dương. Lịch sử Hoa Kỳ lại tái diễn vào năm 1975. Trong những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Jerry Ford do hiến pháp chọn thay ông Nixon, bãi bỏ thuyết Domino và tuyên bố lấy lệ rằng sự thất bại của Hoa Kỳ tại Đông Dương không phải là ngày tận thế và cũng không phải là dấu hiệu ám chỉ rằng vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới chấm dứt… Cuộc phiêu lưu sai lầm và bi thảm của Hoa Kỳ tại Đông Dương không làm giảm nhu cầu duy trì những cam kết quốc tế của Hoa Kỳ theo bất cứ phương cách nào. Bộ trưởng Henry Kissinger phản ứng như một đứa trẻ với cái tôi bị tổn thương nặng: “Chúng tôi thật là không đáng tin cậy… Sự phụ bạc của chúng tôi đã gây ra tai họa.” [11]
Thái độ muốn bỏ rơi Việt Nam của Quốc hội Hoa Kỳ đã khá rõ ràng qua những quyết định sau đây: 1. chấm dứt can thiệp quân sự vào tháng 8.1973; 2. cấm can thiệp trở lại vào Việt Nam; 3. cấm trả đũa trong trường hợp Hiệp định Paris bị vi phạm; 4. giảm viện trợ cho Việt Nam từ 1,4 tỉ Mỹ kim xuống còn 700 triệu Mỹ kim vào năm 1974; 5. từ chối cứu xét yêu cầu của Tổng thống Ford xin viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam vào đầu tháng 4.1975. [12]
Báo chí thay đổi lập trường 180 độ.
Tờ New York Times vào ngày 3.11.1963 viết: “… Mất Việt Nam cho cộng sản có thể tăng nghi ngờ khắp mọi nơi trên thế giới về giá trị của những cam kết của Hoa Kỳ về việc bảo vệ các quốc gia chống lại áp lực của cộng sản… Ảnh hưởng của những phong trào cách mạng trên toàn thế giới sẽ rất nghiêm trọng. May mắn lắm là chủ nghĩa trung lập sẽ bành trướng trong cuộc tranh chấp Đông - Tây. Phần lớn Á châu sẽ có cảm nghĩ rằng cộng sản - dưới sự lãnh đạo và khát vọng của Bắc Kinh - sẽ là những đợt sóng của tương lai.”
Gần 12 năm sau, vào ngày 24.4.1975 tờ New York Times không nhắc lại đến chuyện cũ, đưa ra lời bình luận mới như sau: “Chấm dứt cuộc phiêu lưu quân sự lầm lẫn tại Á châu sẽ làm cho vận mệnh của Hoa Kỳ dễ dàng trở về với viễn tượng của Tổng thống Lincohn.”
Theo ông Laird, những kẻ đào ngũ sau cùng đã thắng và những đồng minh của Hoa Kỳ bị phản bội sau bao nhiêu cố gắng của Hoa Kỳ giúp đỡ họ đứng vững. Họ chỉ nhìn vào mặt đẹp đẽ của sự thất trận với những thay đổi hiện nay ở Việt Nam như kinh tế phát triển và liên hệ tốt đẹp với Tây phương. Họ quên cái giá trực tiếp của sự phản bội: hai triệu người tị nạn bị đẩy ra khỏi Việt Nam, 65.000 người bị hành quyết, và 250.000 người bị đưa vào các trại tù cải tạo. Ông Laird chưa kể đến hàng triệu vợ con của những người này không nơi nương tựa và hàng trăm ngàn người mất tích trên biển cả.
Thay phần kết luận
Một yếu tố liên hệ khác khá quan trọng mà báo chí và các chính trị gia, kể cả ông Melvin Laird, từ chối không nói đến là ảnh hưởng của chiến tranh Trung Đông giữa Do Thái với các nước Á Rập đối với Việt Nam. Từ năm 1967 đến năm 1973 đã xẩy ra hai chiến tranh ngắn ngủi nhưng đấm máu giữa Do Thái một bên và Ai Cập, Syria, Jordan, và Iraq một bên. Trận chiến 6 ngày trong tháng 6.1967 đã gây tổng số thiệt hại về nhân mạng của cả hai bên là 22.000 lính tử trận và 48.000 lính bị thương. Chiến tranh Yom Kippur trong tháng 10.1973 có tổng số thiệt hại nhân mạng của cả hai bên là 11.200 binh sĩ tử trận và 27.000 binh sĩ bị thương. Hoa Kỳ luôn luôn ủng hộ Do Thái về cả súng đạn và tài chánh. Trung Đông rất quan trọng đối với Hoa Kỳ vì ba lý do: 1. dầu hoả; 2. Do Thái là đồng minh của Hoa Kỳ, và 3. ảnh hưởng và thế lực chính trị và tài chánh của người Mỹ gốc Do Thái rất mạnh. Sách lược quân sự của Hoa Kỳ đã thay đổi từ khả năng đương đầu với 2 ½ cuộc chiến cùng một lúc xuống còn 1 ½ cuộc chiến kể từ đầu thập niên 1970. Do đó Hoa Kỳ đã phải chọn lựa Trung Đông thay vì Đông Nam Á với áp lực của người Mỹ gốc Do Thái sau khi đã đầu tư nhiều năm vào bán đảo Đông Dương.
Một vấn đề khác cần làm sáng tỏ là ai thực sự chịu trách nhiệm bỏ rơi miền Nam Việt Nam, Quốc hội, chính quyền Ford hay Nixon? Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Laird, như đã trình bày ở trên, Quốc hội Hoa Kỳ là thủ phạm chính. Tổng thống Ford, và hai Bộ trưởng Kissinger và Schlesinger là phụ vì không đủ ý chí phấn đấu với Quốc hội. Nhưng theo sư phân tích của GS. Larry Berman, khi ký Hiệp định Paris 1973, Tổng thống Nixon và Bộ trưởng Kissinger đều biết rõ rằng Hiệp định này có một điểm rất bất lợi cho miền Nam Việt Nam vì nó cho phép 150,000 quân cộng sản Bắc Việt (CSBV) ở lại miến Nam Việt Nam. Những tài liệu mới giải mật do GS. Berman tìm kiếm được cho thấy Hiệp định Paris chỉ là một sự thoả thuận để cho Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Việt Nam và lấy lại tù binh an toàn. Hiệp định Paris 1973 được chính quyền Nixon gọi là “Thoả hiệp Chấm dứt Chiến tranh và Tái lập Hoà bình tại Việt Nam” (Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam). Khi thoả hiệp này được Lê Đức Thọ và Henry Kissinger ký tắt tại Paris vào ngày 23.1.1973, Tổng thống Nixon tuyên bố tại Washington rằng “Hoa Kỳ không phản bội đồng minh để đánh đổi lấy hoà bình, không bỏ rơi tù binh, không chấm dứt chiến tranh đối với Hoa Kỳ, nhưng lại để chiến tranh tiếp tục đối với 50 triệu dân ở Đông Dương.” [13] Nhưng thực tế là Hiệp định Paris không đem lại hoà bình thực sự và lâu dài, đúng như ông Lê Đức Thọ tuyên bố khi ông từ chối nhận giải thưởng Nobel Hoà Bình. Hơn ai hết, ông Lê Đức Thọ biết rõ Hà Nội đã có sẵn âm mưu vi phạm hiệp định này và vẫn theo đuổi việc chiếm trọn miền Nam Việt Nam.
Tổng thống Nixon biết rõ rằng việc bảo đảm hoà bình là một điều rất khó thực hiện trên căn bản Hiệp định Paris. Nhưng ông dự trù can thiệp bằng không lực, theo một thoả thuận bí mật giữ Tổng thống Nixon và ông Nguyễn Văn Thiệu, để hỗ trợ chính quyền miền Nam Việt Nam cho đến khi mãn nhiệm kỳ nếu Bắc Việt vi phạm trắng trợn. Vụ Watergate đã làm hỏng kế hoạch của ông Nixon. Bộ trưởng Kissinger đã tiên đoán rằng Bắc Việt sau cùng sẽ thắng và miền Nam sẽ chỉ đứng vững được trong một năm rưỡi. Do đó kế hoạch thực hiện “Hoà bình trong danh dự” chỉ là ảo tưởng. [14]
Sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, thuyết Domino không xảy ra ở Á châu như một số chính trị gia tiên đoán, nhưng đã có những chứng cớ hiển nhiên trong quá khứ cũng như vào hai thập niên 1970 và 1980. Một năm sau khi Mao Trạch Đông chiếm được Hoa Lục vào năm 1949, cộng sản Bắc Triều Tiên tấn công Nam Triều Tiên và chiến tranh kéo dài đến khi hai bên chấp nhận hưu chiến vào năm 1953. Cộng sản tiếp tục bành trướng lãnh thổ ở Á châu với sự chiếm đóng miền Bắc Việt Nam vào năm 1954. Cuba trở thành một nước cộng sản đầu tiên ở Châu Mỹ Latin vào năm 1959. Vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 có thêm bốn nước theo chủ nghĩa cộng sản là Bắc Yemen, Cộng hoà Nhân dân Congo, Somalia, và Ethiopia. Ngay sau khi cộng sản đã chiếm được cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia vào mùa Xuân 1975, một loạt các nước khác rơi vào tay đế quốc cộng sản như Benin, Angola, Mozambique, Afghanistan, Grenada, và Nicaragua. Đến năm 1979 làn sóng đỏ mới ngưng. Vào thời điểm đó, chế độ cộng sản cai trị một phần ba dân số thế giới, nhưng không tồn tại được lâu. Đến cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, chế độ cộng sản tan rã tại hầu hết các quốc gia này, đồng loạt với các nước Đông Âu, Nga Sô, Trung Á, và Mông Cổ.
Riêng tại Á châu, phản ứng của những nước bạn với Hoa Kỳ rất rõ ràng. Thái Lan yêu cầu Hoa Kỳ trả lại 5 căn cứ và rút 27.000 binh sĩ ra khỏi lãnh thổ trước ngày 17.3.1976. Chính phủ Phi Luật Tân đòi lại chủ quyền về Căn cứ Không quân Clark và Căn cứ Hải quân Subic, và duyệt xét lại Hiệp định An ninh giữa hai quốc gia. Kết quả là Hoa Kỳ đã hoàn trả tất cả các căn cứ Hoa Kỳ đang sử dụng cho Phi Luật Tân vào năm 1979. Tổng thống Lý Quang Diệu của Tân Gia Ba nhận định rằng Hoa Kỳ không còn khả năng để can thiệp vào vùng Đông Nam Á nữa và chỉ còn lai hai đối thủ cạnh tranh thế lực trong vùng này là Trung Quốc và Nga Sông Nam Hàn lo sợ Bắc Hàn dùng võ lực để thống nhất hai miền như đã xẩy ra trước đó một phần tư thế kỷ. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Bắc Hàn Kim Il Sung viếng thăm Bắc Kinh trong khoảng thời gian 18-26.4.1975 vài ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. Lúc đó có nhiều dấu hiệu từ Bắc Kinh cho biết là Nam Hàn sẽ là một con cờ domino, nhưng không nhất thiết phải xảy ra ngay sau Việt Nam. [15]
Trở lại vấn đề Việt Nam, Cộng sản chiếm đoạt được miền Nam bằng võ lực nhưng đã không chiếm được lòng dân. Chính sách xã hội hoá miền Nam và củng cố xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã thất bại hoàn toàn. Cộng sản Việt Nam đã theo đuổi một cuộc chiến mà không có kẻ chiến thắng. Chỉ có nhân dân ở cả hai miền Bắc và Nam là những kẻ thua cuộc vì phải trả một giá rất đắt bằng hàng triệu sinh mạng và đổ vỡ thê thảm về vật chất và tinh thần. Biết bao gia đình bị ly tán và đạo đức suy đồi, mà ảnh hưởng tai hại sẽ còn kéo dài qua nhiều thế hệ.
Hệ thống chính trị độc đảng, công an trị ngày càng tham nhũng và trở nên thối nát. Trong khi đó người dân bị khước từ mọi quyền tư do căn bản. Sau 30 năm nhìn lại, người dân tự hỏi mục tiêu gây ra chiến tranh của Cộng sản Việt Nam là gì nếu không phải là một cuộc phiêu lưu điên rồ.
Sau 10 năm thống nhất được lãnh thổ, Cộng sản Việt Nam đã không thống nhất được lòng người mà còn gây thêm hận thù và đưa đất nước xuống đáy tận cùng của vực thẳm nghèo đói và ngu dốt. Tình thế đã buộc Cộng sản Việt Nam phải thực thi chính sách cởi trói trong 20 năm qua nhưng đất nước ngày càng tụt hậu so với các nước láng giềng, xã hội ngày càng phân hoá và xa đọa. Một dân tộc không thể kiêu hãnh được nếu chỉ đứng nhất về những xấu xa và đứng hạng chót về những cái tốt.
Một môi trường mô tả như trên không thể thích hợp cho sự phát triển lành mạnh và quân bình. Trong khi một thiểu số quá giàu, đa số dân chúng vẫn nghèo, không được hưởng những tiện nghi tối thiểu như nhà ở, điện, nước, y tế, giáo dục, v.v…
Phát triển tại Việt Nam đòi hỏi nhiều thứ hơn là “giải phóng kinh tế bây giờ với tiềm năng có tự do dân chủ sau này… Phát triển thật sự và lâu bền phải bắt đầu bằng dân chủ.” [16] Nhiều dấu hiệu cho thấy phong trào đòi tự do dân chủ và công bằng xã hội ngày càng lớn mạnh ở Việt Nam. Các nhà nhân quyền và dân chủ ở trong nước đã mạnh mẽ công khai lên tiếng đòi hỏi tự do đi lại, tự do tôn giáo, tư do ngôn luận. Mỗi ngày hàng trăm người đến các Nhà tiếp dân để khiếu nại về việc mất đất đai và nhà cửa. Hàng ngàn công nhân bất chấp luật lệ cấm đoán, đã đình công đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, đòi quyền sống. Các cuộc tranh đấu này được hỗ trợ của các quốc gia dân chủ Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ và 3 triệu người Việt ở hải ngoại. Chỉ khi chế độ độc đoán hiện nay được loại bỏ, kinh tế mới thật sự có môi trường phát triển toàn diện, dân Việt Nam mới được thực sự giải phóng, và đất nước mới có cơ hội thoát ra khỏi quốc nạn tụt hậu đã kéo dài khoảng nửa thế kỷ.
Washington, DC, 25.02.2006
© 2006 talawas
[1]Melvin R. Laird, “Iraq: Learning the Lessions of Vietnam,” Foreign Affairs, November / December 2005.
[2]There was confusion, hysteria, and miscommunication on a dark night.
[3]McNamara hotfooted it over to Capitol Hill with a declaration that was short of war but that resulted in a war anyway.
[4]Richard Nixon, “President’s Speech on Vietnamization,” Washington, DC, November 3, 1969.
[5]Richard Nixon, “Peace with Honor,” Presidential Speech, January 23, 1973.
[6]The truth is, wars are fluid things and missions change. This is more the rule than the exception.
[7]Unwilling to abandon South Vietnam, the United States changed its mission to self-determination for Vietnam.
[8]Quân thuộc Mật trận Giải phóng miền Nam Việt Nam.
[9]Wikipedia, “Nixon Doctrine,” Free Encyclopedia Online.
[10]Richard Nixon, “President’s Speech on Vietnamization,” Washington, DC, November 3, 1969.
[11]Earl C. Ravenal, “Consequences of the End Game in Vietnam,” Foreign Affairs, July 1975.
[12]Earl C. Ravenal, “Consequences of the End Game in Vietnam,” Foreign Affairs, July 1975
[13]Richard Nixon, “Peace with Honor,” text of President Nixon’s radio and television broadcast announcing the initialing of the Paris Agreement, White House, January 23, 1973.
[14]Larry Berman, No Peace No Honor: Nixon, Kissioger, and Betrayal in Vietnam, Simon & Schuster Adult Publishing Group, August 2001.
[15]Earl C. Ravenal, “Consequences of the End Game in Vietnam,” Foreign Affairs, July 1975
[16]Ashifa Kassam, “The Rocky Road To Development In Vietnam,” CBC News Viewpoint, January 4, 2006
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire