Hồi Ức Nguyễn Thị Bình
Tiết Lộ Thêm Về Hiệp Ðịnh Paris
Lâm Lễ Trinh
(Tiến sĩ Lâm Lễ Trinh nguyên là Ðại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Syria, Jordan, Irak và Iran, Bộ trưởng Nội Vụ dưới chính quyền Ngô Ðình Diệm. Trước năm 1975 Ông là giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn và Phân khoa Chính Trị và Kinh Tế Ðại Học Ðà Lạt. Từ năm 1996 ông chủ trương tạp chí Nhân Quyền bằng Anh và Pháp ngữ, phát hành tại California hằng tam cá nguyệt).
Cách đây vài tháng Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Hà nội cho phát hành, với nhiều hình ảnh, quyển hồi ức 700 trang Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Chính phủ Cách Mạng Lâm thời tại Hội nghị Paris về Việt Nam của Nguyễn Thị Bình và tập thể tác giả Nguyễn Văn Hiếu, Dương Ðình Thảo, Lý Văn Sáu, Hà Ðăng, Ðoàn Huyên, Nguyễn Ngọc Dung, Nguyễn Bình Thanh, Phan Nhẫn, Phạm Văn Ba, Lê Mai, Trương Tùng..v..v.., một danh sách khá dài binh tôm tướng cá còn sống sót của Phong trào Dân tộc Giải phóng Miền Nam (GPMN) bị Ðảng CS khai tử sau 1975. Ban Biên tập gồm có Nguyễn Thị Bình (cựu Ngoại trưởng và Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris), Lý Văn Sáu (nguyên Ủy viên và phát ngôn viên của đoàn), Hoàng Phong tức Hoàng Huy Châu và Hà Ðăng tức Ðặng Ninh Ðăng ( cả hai là chuyên viên).
Sánh với hồi ký 1982 Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của Thượng tướng Trần Văn Trà (do Nhóm Nghiên cứu Việt sử xuất bản năm 1987 ở Houston, Texas vì bị cấm tại Việt Nam) và bộ sách dày 980 trang Chung Một Bóng Cờ- Mặt trận Dân tộc GPMN của Nguyễn Hữu Thọ, Trần Nam Trung, Trần Bạch Ðằng và Công ty (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà nội, 1993), hồi ức muộn màng của Nguyễn Thị Bình và một số đồng chí - viết 28 năm sau ngày ký kết Hiệp định Paris - tiết lộ một số suy tư và tài liệu chưa ai biết.
*
Những lời căn dặn và xúi bẩy của Hồ
Vì chủ trương đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào lâm vào thế bí cuối 1959 cho nên Hồ và các đồng chí xoay qua kế hoạch khác. Ðể bịp thế giới rằng dân chúng Miền Nam nổi loạn chống chính quyền của họ, Cộng sản Hà nội triệu tập đêm 19.12.1960 tại một khu rừng thuộc xã Tân Lập. huyện châu thành, Tỉnh Tây Ninh một Ðại hội và cho ra đời Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTGPMN) với lời hiệu triệu đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Ðình Diệm.. Lá cờ của Mặt trận nửa xanh, nửa đỏ với ngôi sao vàng năm cánh. Trước khi công nhận tổ chức bù nhìn này, chính phủ Bắc Việt vận động ráo riết với một số quốc gia thuộc xã hội chủ nghĩa hay thân CS trao đổi đại diện (như Cuba, ngày 25.7.1962) hay lên tiếng ủng hộ Mặt trận (như Algérie, Tiệp khắc, Nam Dương,Liên Xô, Trung quốc, Ðông Ðức, Roumanie, Mông Cổ, Lào, Miên, Thụy Ðiển, Na Uy, Phần Lan..v..v..). Ngày 12.12.1966 - sáu năm sau khi xuất hiện - Mặt trận mới chính thức đặt Phòng đại diện tại Hà nội, Nguyễn Văn Tiến làm trưởng đoàn và Nguyễn Phú Soại, phó trưởng đoàn.
Nguyễn Thị Bình - Phó trưởng đoàn từ 16.12.1968 đến 6.6.1969, lên thay Trần bửu Kiếm trong chức vụ Trưởng đoàn tại hòa đàm Paris, từ 10.6.1969 cho đến khi ký kết - khoe Mặt trận có đại diện tại trên hai chục nước tính đến cuối 1967. Hà nội dàn cảnh để Quốc tế tưởng Mặt trận là một thực thể chính trị riêng rẽ với Dân chủ Cộng hòa Miền Bắc (VNDCCH) và chiến tranh dưới vỹ tuyến 17 là một cuộc nội chiến.
Ngày 22.3.1965, Mặt trận ra tuyên cáo 5 điểm. Vài hôm sau - ngày 8.4.1965 - Hà nội tung nhịp nhàng tuyên cáo 4 điểm. Ðại cương, cả hai đòi Hoa Kỳ rút quân khỏi Miền Nam. CS tổng tấn công Tết Mậu thân đầu 1968 và cuộc đàm phán Paris mở màn ngày 13 tháng 5 năm đó. Hoa Kỳ đã phủ nhận MTGPMN tám năm nhưng cuối cùng, do thủ đoạn ma giáo của Hồ và vì nhu cầu chấm dứt chiến cuộc, phải chấp nhận tập đoàn cò mồi này ngồi vào bàn hội nghị ngang hàng với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
Theo Nguyễn Thị Bình, trong phiên họp ngày 15.7.1971, Trưởng đoàn Sài gòn Phạm Ðăng Lâm tuyên bố lần đầu tiên, chính quyền Nguyễn văn Thiệu sẵn sàng trực tiếp nói chuyện riêng với MTGPMN. Nơi trang 36 của Hồi ức, Nguyễn Thị Bình thú nhận: Việc đề cao vị trí quốc tế của MTDTGP có ý nghĩa lớn. Vị trí quốc tế vững chắc của Cách mạng miền Nam là một trong những nhân tố bảo đảm thắng lợi. Mỹ buộc phải nói chuyện với MTDTGP tại Hòa nghị bốn bên và đoàn đại biểu MTDTGP tham gia Hội nghị bốn bên với tư cách một đoàn độc lập là một thắng lợi ngoại giao to lớn của Cách Mạng miền Nam.. Tuy nhiên, về cách làm việc Nguyễn Thị Bình cũng không dấu diếm (HU, trang 40): Hai đoàn chúng ta tại Hội nghị Paris - VNDCCH và MTGPMN (trở thành Chính phủ Cách Mạng Lâm thời Miền Nam ngày 8.6.1969 do Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch, Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Hội đồng cố vấn và Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao) - tuy hai mà một, tuy một vẫn là hai: cùng chịu sự chỉ đạo chung từ trong nước, nhưng là hai đoàn độc lập giữ sắc thái riêng của mỗi đoàn, luôn luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai đoàn. Hàng tuần hai đoàn dựa vào sự chỉ đạo của bên nhà, trao đổi, bàn bạc về nội dung đàm phán, thông báo các cuộc gặp riêng, khi tại Choisy-le-Roi, (trụ sở đoàn miền Bắc), khi tại Verrières-le-Buisson (trụ sở đoàn miền Nam. Một điều nên ghi: trong thời gian Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy - trưởng đoàn miền Bắc - và đặc biệt, cố vấn Lê Ðức Thọ luôn luôn kềm chặt Nguyễn Thị Bình và chỉ vẽ đường lối. Xuân Thủy thường nhắc lại với các cộng sự viên lời nhắn nhủ (thâm sâu) của Bác: Hai đoàn như một nhưng mỗi đoàn có đặc điểm riêng; các anh chị em miền Nam rất tốt, rất thẳng thắn, có sao nói vậy, nên cần chủ động công tác nhưng lại phải hết sức chú ý khiêm tốn, chan hòa với anh chị em, cái gì về miền Nam mà mình không biết thì phải hỏi cho biết (HU, trang 505).. Nguyễn Thị Bình ví von: Ðoàn Mỹ đã lần lượt thay bốn trưởng đoàn: Harriman, Cabot Lodge, Bruce và Porter, còn ta trước sau đoàn miền Bắc chỉ có một trưởng đoàn là anh Xuân Thủy và đoàn miền Nam, chủ yếu là tôi..
Về chiến thuật chung tại bàn hội nghị, Nguyễn Thị Bình nói trắng: ..Từ giữa năm 1968, tôi cùng một số anh chị em được chỉ định vào một trận địa mới vừa đánh vừa đàm. Lúc bấy giờ tôi cũng chưa hình dung ra được cuộc đấu tranh này như thế nào và kéo dài bao lâu, mà chỉ nghĩ thầm rằng phải cố gắng làm hết sức mình theo yêu cầu của cách mạng. (HU, trang 36). Nguyễn Thị Bình nhắc thêm nơi trang 37: Bác Hồ từng căn dặn: trong đấu tranh phải giữ lập trường vững vàng để ứng phó với mọi tình huống. Dĩ bất biến ứng vạn biến. bác còn căn dặn; vạch trần tội ác của nhà cầm quyền Mỹ, nhưng phải tôn trọng nhân dân Mỹ.
Ngày 2.9.1969, Hồ về chầu Các Mác sau một cơn bạo bệnh. Nguyễn Thị Bình và Xuân Thủy trở lại Hà nội để chịu tang.
Trong bài Những kỷ niệm không bao giờ quên, (HU, trang 477), Lê Mai, cựu thành viên đoàn đại biểu CS tại Hội nghị Paris, từng phụ trách đàm phán 18 năm (1977-1995) với Hoa Kỳ để bình thường hóa ngoại giao giữa hai nước, kể lại: Năm 1983, anh Lê Ðức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, người trực tiếp đối thoại với Kissinger, bảo tôi viết cho anh một bài để kỷ niệm 10 năm ký Hiệp định Paris. Tôi hỏi nên viết cái gì và liều lượng ra sao. Anh bảo: Cậu viết sao để độc giả trong nước và nước ngoài nhận thức được thắng lợi có ý nghĩa nhất của Hiệp định Paris là quân Mỹ phải rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, còn quân miền Bắc thì vẫn ở lại miền Nam, dẫn đến việc thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta, cho phép ta đánh nhào quân ngụy để giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước. Nói tóm tắt, Hoa Kỳ đã bị bịp. Hà nội quyết tâm vi phạm Hiệp định bằng võ lực, sau đó giải tán con cờ thí MTGPMN khi đạt mục tiêu, bất chấp giải thưởng Nobel Hòa bình dâng cho Lê Ðức Thọ.
Sự giúp tay đắc lực của cánh tả quốc tế đối với CSVN
Có ba loại thuộc khối Xã hội chủ nghĩa và Thế giới Tự do (mù quáng), đã giúp nhiệt tình Bắc Việt và MTGPMN trong giai đoạn thương thuyết tại Paris: quần chúng, chính phủ và giới truyền thông.
a) Trong nhiều đoạn của hồi ức, Nguyễn Thị Bình đề cao vai trò chủ yếu của phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ trong việc gây áp lực kết thúc gấp chiến tranh. Khi cuộc đàm phán tại Paris dẫm chân tại chỗ hay Tòa Bạch Ốc cho dội bom Bắc Việt thì các thành phần vừa nói - có khi đông chút triệu người - rầm rộ xuống đường trước ống kính các đài truyền hình, phát thanh và báo chí trong và ngoài nước. Thí dụ, Nguyễn Thị Bình ghi lại ảnh hưởng có lợi cho Hà nội của những vụ biểu tình xẩy ra tháng tư và tháng năm 1971 tại Hoa Thịnh Ðốn và San Francisco, có Coretta King (vợ của cố Martin Luther King), George McGovern và vài chục Nghị sĩ Mỹ khác tham dự. (HU, trang 68). Sự trở mặt đối với Saigon của Thượng nghị sĩ William Fulbright và Wayne Morse gây chú ý. Ngày 28.4.1968, mười vạn người (một số mang cờ MTGP) phản đối chiến tranh ở New York, Thị trưởng Lindsay dẫn đầu. Ðể gây sức ép, báo New York Times cuối 1967 đăng trên trọn một trang bản mang chữ ký của 2500 mục sư và 54.000 giáo sư đại học Mỹ hiệu triệu Tòa Bạch ốc chấm dứt ngay chiến tranh Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Dung, thành viên đoàn đại biểu GPMN tại Paris, kể với nhiều chi tiết trong bài Một thời để nhớ của Hồi ức (trang 335-389) những cuộc tiếp xúc thường xuyên, ngoài phòng đàm phán giữa đoàn này và hàng nghìn người công dân Mỹ, ở nhiều vị trí khác nhau, trên đất Pháp và nhiều nước khác, nhưng có cùng mục dích, tìm kiếm hòa bình. Thành phần phản chiến gồm đủ hạng người: trí thức, đấu tranh nhân quyền, đại diện công đoàn, báo giới, sinh viên, lãnh đạo tôn giáo, gia đình chiến binh, chính trị gia, văn nghệ sĩ, tài tữ điện ảnh... Phản chiến là khuynh hướng thời đại ăn khách! Những cơ hội tiếp xúc như thế cũng thường được tổ chức tại Canada để giúp cho các công dân Mỹ di chuyển dễ dàng, tụ họp và biểu diễn show off.
b) Hầu gây uy thế quốc tế cho Chính phủ lâm thời GPMN, các lãnh tụ hàng đầu của Nga Sô, Trung quốc, Ấn Ðộ, Nam Dương, các quốc gia Ðông Âu, Cuba và một vài nước Phi châu, bắc Âu..v..v.. tiếp đón trang trọng Ngoại trưởng Thị Bình. Nguyễn Thị Bình khoe: đầu tháng 3.1973, để thi hành Hiệp định Paris, Hội nghị 12 Chính phủ và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kurt Waldheim nhóm tại Kléber. Waldheim đến thăm Nguyễn Thị Bình tại Verrières-le-Buisson trước phiên nhóm và gợi ý Việt Nam DCCH và Chính phú Cách mạng lâm thời miền Nam cần có - như Saigon - quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc. Theo Hà nội, việc Mỹ không phản đối điều này là bằng chứng Mỹ có thâm ý dùng Liên Hiệp Quốc ngăn chặn khả năng (của Bắc Việt) tiếp tục chiến đấu vũ trang và đi vào giải pháp chính trị theo ý đồ của Mỹ (HU,trang124). Bởi thế, CS từ chối LHQ chủ trì Hội nghị và chỉ đồng ý coi K.Waldheim như khách mời. Ðiều này lật tẩy ý đồ của Bắc Việt không tôn trọng Hiệp định Paris.
Nguyễn Thị Bình nêu ra một thắng lợi khác: Vì có sự phản đối Tòa thánh Vatican tiếp TT Nguyễn Văn Thiệu nên ngày 12.5.1973, Giáo hoàng Paul VI nhận tiếp Quốc Vụ Khanh Nguyễn Văn Hiếu. Bản đề nghị 6 điểm của Chính phủ lâm thời GPMN về Hội nghị hiệp thương La Celle- Saint Cloud được trao cho Ðức Giáo hoàng. (HU, trang 128)
c) Giới truyền thông và trí thức quốc tế thiên vị. Tại Hoa Kỳ, bằng những bài điều tra và bình luận, các tờ báo lớn như The New York Times, the Washington Post... chỉ trích dài dài chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon, đả phá vai trò của Quân đội Mỹ và không bỏ qua dịp bôi nhọ chính phủ Sài gòn. Thí dụ, nhà báo Don Luce được NGUYễN THị BỉNH ca tụng như người đã góp phần quan trọng vào việc phanh phui tội ác của Mỹ và chính quyền Saigon đối với những người yêu nước bị nhốt trong các chuồng cọp Côn Ðảo và sau đó, ông lại cùng một người bạn dịch và in một tuyển tập thơ Việt Nam, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du.. đến Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Huy Cận, Giang Nam... (HU,trang 118). Jane Fonda, Barbara Dane và Joan Baez ra tận Bắc Việt viết bài về những vụ dội bom của Mỹ và ủy lạo chiến sĩ CS. Phóng viên Seymour Hersh, cuối 1969, công bố trong New York Times một loạt ảnh chụp cuộc thảm sát tù Mỹ Lai tại Quảng Ngải ngày 16.3.1968. Giáo sư sử học Gabriel Kolko phân tách tỉ mỉ sự tất thắng của CS và sự tất bại của Hoa Kỳ trong tác phẩm Giải phẫu một cuộc chiến tranh (được dịch ra tiếng Việt). Dave Dillinger và Cora Weiss họp báo ở New York ủng hộ kế hoạch 7 điểm của MTGPMN đòi Mỹ rút quân.
Tại Âu châu, U¨c châu và Phi châu, hoạt động phản chiến của giới trí thức và truyền thông như Jean Paul Sartre, Madeleine Riffaud, Sara Lidman, Jean Lartéguy, Léopold Senghor, Geneviève Tabouis, Wilfred Burchett cũng tai hại không ít. Ðầu năm 1966, học giả Huân tước Bertrand Russell gởi thơ cho Hội nghị đoàn kết A¨-Phi-Mỹ Latinh ở La Havane ca ngợi MTGPMN và kêu gọi thành lập Tòa án Quốc tế xử tội ác chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Tháng 5.1967, Tòa án này họp phiên đầu ở Stockhom gồm 15 thẩm phán Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Philippines..vv... Tháng 11.1968, tại Roskilde, Ðan Mạch, Tòa án tuyên Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh xâm lược và ném bom hủy diệt các mục tiêu dân sự (HU,trang 32). Vụ kiện củ khoai này tuy không đi đến đâu về pháp lý nhưng tạo cơ hội tốt cho Hà nội tuyên truyền rậm đám.
Một hành động phản chiến ồn ào khác - lần này phát động từ khối Bắc Âu - là việc Bertil Svanstrom, chủ tịch Việt Nam - Swedish Committee tổ chức Hội nghị Stockhom về Việt Nam với sự tham dự của lối 300 cơ quan và ủy ban đoàn kết ủng hộ MTGPMN. (HU,trang 30). Và một Trung tâm quốc tế tố cáo tội ác chiến tranh ra đời ở Paris 6.
*
Phê bình đối phương Mỹ và đại diện của Việt Nam Cộng Hòa
Hòa đàm Paris bắt đầu ngày 13.5.1968 và kết thúc thực tế ngày 23.1.1973, khi Cố vấn đặc biệt Lê Ðức Thọ cùng Cố vấn Henry Kissinger ký tắt vào văn bản Hiệp định. Lễ ký kết chính thức được tổ chức vào ngày 27.1.1973 tại hội trường Kléber. Trên 6 năm thương thuyết, các phái đoàn trao đổi nhiều đề nghị và phản đề nghị, mặc cả sít sao về nhiều điểm: rút quân, đình chiến, buộc ê kíp Thiệu-Kỳ-Khiêm ra đi.v..v. Ngày 8.1.1973, Hà nội bỏ điều kiện vừa kể vì Hoa Kỳ hủy việc đòi Mỹ và CS cùng rút binh.... Nối tiếp là Hội nghị hiệp thương La Celle-Saint-Cloud, từ đầu năm 1973 đến giữa 1975.
Theo Nguyễn Thị Bình, Nixon là một con người mưu lược, tráo trở, ngoan cố, điêu ngoa, lật lọng - đủ thứ danh từ! - và luôn luôn hù dọa ỏỏdội bom rải thảmõõ Bắc Việt nhưng Bác Hồ sẵn sàng đáp ứng (Từ đầu năm 1968, Bác Hồ đã dặn: Sớm muộn gì thì đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà nội, rồi có thua nó mới chịu thua, HU, trang 100).. Nguyễn Thị Bình ví von: Ngày 19.12.1972, nhận tin Hà nội hạ được chiếc B52 đầu tiên, chúng tôi đều reo mừng sung sướng đến khóc lên được... Rồi liên tiếp được biết ta hạ chiếc thứ hai, thứ ba đến chiếc thứ 33... Chiến thắng lớn trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ trên không kéo dài 12 ngày đêm, từ 18 đến 30.12. 1973 ở Hà nội đã tạo thế vững mạnh cho hai đoàn đàm phán của ta. (HU,trg 103). Nhắc đến vụ Nixon viếng Mao tháng 2. và Liên Xô tháng 5.1972 để cầu cứu, Nguyễn Thị Bình viết: Ðiều này không ngăn được bước tiến của các lực lương kháng chiến Việt, Lào, Miên... Ông ta (Nixon) càng cay cú, tuyên bố: Thà thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ còn hơn thua cuộc chiến tranh Việt Nam. Dù sao, - Nguyễn Thị Bình thú nhận - chiến thuật vừa bom vừa xoa của Nixon có lúc đã gây nản chí cho nhiều người phản chiến đấu tranh ở Mỹ (HU, trg 83). May thay, ngày 9.8.1974, Nixon từ chức vì vụ Watergate.
Nguyễn Thị Bình nói: Lê Ðức Thọ và Xuân Thủy đã gặp Kissinger 24 lần. Kissinger tỏ ra mềm dẻo, rất ngán Lê Ðức Thọ, coi thường Chính phủ Saigon, luôn luôn lo ngại dàm phán tan vỡ và biết xã giao nịnh đầm. Khi báo phỏng vấn nghĩ sao về bà Bình tại hòa đàm, Kissinger trả lời tán tỉnh Tôi ớn bà ấy!. (HU, trg 89).
Ðối với các nhân vật trong chính quyền miền Nam, NGUYễN THị BỉNH nhận xét như sau:
TT Nguyễn Văn Thiệu "gian ác, lì lợm, luôn luôn thọc gậy bánh xe và tìm cách cản chân Nixon..., có lúc (Thiệu) đã tuyên bố với Kissinger " đồng ý từ chức và tiên đoán với báo giới "Việt Nam sẽ tắm máu khi CS chiếm Saigon". Rốt cuộc, trong giờ phút hấp hối của Saigon, (Thiệu) mau chân rút chạy và không tiếc lời nguyền rủa Mỹ bỏ rơi (HU,trg 88, 93, 135). Còn Ngoại trưởng Trần Văn Lắm thì lúc nào cũng... tròn vo, khi thì chối không vi phạm Hiệp định, khi lại tố đối phương vi phạm 4.595 lần, và trong buổi tiệc rượu mừng Hiệp định ký kết, đã nhờ Nguyễn Thị Bình chuyển lời thăm anh Phát, tức Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời.(HU,trg 112). Ðại sứ Phạm Ðăng Lâm, trưởng đoàn VNCH, được bà Bình xem như có tật nói dai, trả lời lúng búng lúc kẹt lý hay bị đồng minh Kissinger gài vào thế khó. Nguyễn Triệu Ðan, phát ngôn viên bao sân cho đoàn VNCH, nói năng nhỏ nhẹ nhưng bị nhà báo Richard Eder quạt (một cách thiên vị) như sau, ngày 10.11.1972 trên tờ New York Times: Trong phần lớn thời gian 4 năm qua, có mấy ai để ý đến ông này đâu, có cần biết ông ta nói gì đâu, trừ cái lần ông ta vừa mở miệng định nói gì đó thì nhân viên kỹ thuật truyền hình đã gỡ mất cái micro trước mặt (HU, trang 522)
Nhận xét về Dương Văn Minh,Thành phần thứ ba và các chuyên viên đi đêm
Ðây là phần tiết lộ khá thích thú, cho thấy bộ mặt thật của một số nhân vật dưới vĩ tuyến 17. Sẽ trở lại để phân tích trong một bài riêng. Nhiều đoạn của quyển hồi ức, dưới ngòi bút của Nguyễn Thị Bình và đặc biệt, của hai đại diện khác của MTGPMN: Phạm Văn Ba (tác giả bài Nước mắt của Niềm vui và Hạnh phúc), và Phan Nhẫn (trong bài Thêm vài hiểu biết về hoạt động của Ðoàn), bật mí các chính khách này tìm cách móc nối với MTGP khi tình thế xoay chiều, trước và sau hòa đàm Paris. Thành phần nhân vật vừa nói gồm có:
a) các tai to mặt lớn lưu vong tại Pháp như Âu Trường Thanh, Hồ Thông Minh, Nguyễn Hữu Châu, Bửu Hội, Bửu Lộc, Trần Văn Hữu, tướng Nguyễn Khánh...
b) nhóm cựu sĩ quan Pháp hay Quốc gia phản thùng: Trần Ðình Lan, Ðỗ Khắc Mai, Nguyễn Hữu Khương, Nguyễn Văn Châu, Vương Văn Ðông,...
c) nhóm tôn giáo thân cộng tại Âu châu và Việt Nam: Thượng tọa Thích Thiện Châu, Linh mục Nguyễn Ðình Thi, Lm Trương Bá Cần, Lm Vương Ðình Bích (tây Ðức), Lm Trần Tam Tỉnh (Canada), Ni sư Mạn Ðà La, TT Thích Thiện Hoa, TT Thích Thiện Hào, Thích Ðôn Hậu, Ni sư Huỳnh Liên,..
d) nhóm tự xưng đứng giữa hay Lực lượng thứ ba, đa số là dân biểu khối xã hội tại Hạ viện Saigon quan hệ mật thiết với tướng Dương Văn Minh: Ngô Công Ðức, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung, Nguyễn Văn Bình...
e) Văn phòng đại diện tại Paris của Dương Văn Minh do người con trai là Dương Minh Ðức đảm nhiệm.
f) một nhóm khác, tại Việt Nam, gồm có Ls Trần Ngọc Liễng, Châu Tâm Luân, Lý Chánh Trung, Lm Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Ðinh Văn Ðệ, tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Ls Triệu Quốc Mạnh, Nguyễn Ðình Ðầu.., từng cộng tác với Mặt trận trước 1975 mặc dù sống trong vùng quốc gia.
CS cho rằng việc lập một Hội đồng hòa giải hòa hợp ba thành phần không còn có lý do. Chính phủ Cách mạng Lâm thời ngưng nhóm ngày 15.5.1974, sau 47 phiên, tại La Celle- Saint - Cloud vì Bắc Việt quyết định tổng tấn công bằng chiến dịch Hồ Chí Minh để nuốt trọn miền Nam.
*
Kết luận:
Ngày 27.3.1973, lúc 17 giờ 45, tại sân bay Tân Sơn Nhất, các sĩ quan Mỹ cuối cùng rời Việt Nam duới sự giám sát của Tổ Liên hợp quân sự bốn bên và Ủy ban quốc tế. TT Thiệu ra đi cuối tháng 4.1975. Trần Văn Hương nhậm chức Tổng thống được 5 bữa thì giải pháp Dương Văn Minh thành hình. Ðể tồn tại không đầy hai hôm! Qua trung gian Bộ Ngoại giao Pháp, Ðại sứ Mỹ tại Paris đến gặp Phạm Văn Ba, giám đốc Thông tin của chính phủ cách mạng lâm thời, tại Văn phòng, nhờ can thiệp ngưng bắn mấy hôm để Hoa Kỳ rút hết quân khỏi Việt Nam.
Trưa 29.4.1975, Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền gởi ba lần liên tiếp - lần chót lúc 14 giờ 30, mới được tiếp - một phái doàn gồm có Trần Ngọc Liễng, Châu Tâm Luân và Lm Chân Tín vào trại Davis, Tân Sơn Nhất, để cầu khẩn phái đoàn CS trong Ban Liên hợp quân sự dàn xếp cho việc đánh chiếm Saigon không đổ máu và bớt tổn hại vật chất. Ngày 30.4.75, lúc 11 giờ 30, xe tăng và bộ binh Bắc Việt tiến chiếm Dinh Ðộc Lập.
CS Việt Nam thành công vì biết đấu tranh trực diện trên bàn đàm phán và biết hoạt động nhiều phương diện trên mặt trận dư luận, báo chí. Nói cách khác, họ đã kết hợp tốt đấu tranh ngoại giao, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, Trong khi đó, Hoa Kỳ bị áp lực nội bộ và quốc tế kết thúc bằng mọi giá một cuộc chiến dằng dai, không quyết thắng.
Nguyễn Thị Bình nhắc lại lời của cố Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ CMLT, để kết thúc hồi ức: Lịch sử của MTDTGPMN là lịch sử một giai đoạn hợp thành của toàn bộ lịch sử dân tộc, quốc gia. Ðúng ra, Thọ và Nguyễn Thị Bình phải nói một giai đoạn lót đường để nô lệ hóa đất nước. Ðúng vậy, MTGPMN chỉ là công cụ xích hóa Việt Nam. Nguyễn Thị Bình dư biết Thọ đã bị thất sủng và chết trong tâm trạng ngao ngán xã hội chủ nghĩa, qua những lời than trách đắng cay của Thọ, khi bị đẩy ra khỏi Mặt trận Tổ quốc, nơi dung thân cuối cùng. Nguyễn Thị Bình cháu ngoại của Phan Chu Trinh - hiện là Phó Chủ tịch Nhà nước, một hư vị do CS ban bố để thưởng công đã để cho chúng dùng tên tuổi và giựt dây tại Hòa đàm Paris. Bà là nhân vật chót của MTGPMN còn lạc lõng ở lại - vì cái bả danh lợi - để làm kiểng cho guồng máy tuyên truyền Hà nội. Nhiều người hẳn còn nhớ tại Paris, bà từng dõng dạc tuyên bố với báo giới bà chỉ là một người yêu nước, không chính thức gia nhập Ðảng CS. Sự thật ra sao? Ðiều này lại càng làm tủi hổ thêm vong linh của nhà cách mạng quốc gia Phan Chu Trinh!
Trong số cựu thành viên đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời cùng chung viết trong quyển hồi ức được bình phẩm, có lẽ Lê Mai, tác giả bài "Những kỷ niệm không bao giờ quên", là người duy nhất có nhận xét khách quan khi y phát biểu nơi trang 479: Chúng ta đều biết rằng các thế hệ cầm quyền ở Mỹ không dễ dàng quên đi thất bại trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Rồi đây, họ sẽ còn gây nhiều trở ngại trong quan hệ về thương mại; họ còn tiếp tục xử dụng con bài nhân quyền, đặc biệt là chiến lược diễn biến hòa bình để ít nhất cũng làm chậm trễ sự phát triển của đất nước ta. Dẫu sao, thiết lập được quan hệ ngoại giao là một thắng lợi quan trọng.
Nhóm cầm quyền trong Chính trị bộ Hà nội có ý thức được chăng điều này để sửa đổi kịp thời trước khi bị Lịch sử đào thải?
LÂM LE‚ TRINH
Ngày 18.8.2001
Thủy Hoa Trang,
Huntington Beach, Californie
VietBao Daily Online
Hoa kỳ đã phủ nhâïn MTGPMN tám năm nhưng cuối cùng, do thủ đọan ma giáo của Hồ và vì nhu cầu chấm dứt chiến cuộc, phải chấp nhận tập đoàn cò mồi này ngồi ...
http://ttntt.free.fr/archive/
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire