1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

lundi 28 mai 2007

Những thước phim mạnh hơn lời nói

Những thước phim mạnh hơn lời nói

27 Tháng 5 2007 - Cập nhật 19h39 GMT

Lê Quỳnh
BBC Việt ngữ, London


Mao tuyển trở thành sách đọc bắt buộc thời Cách mạng Văn hóa

Hôm 24-5 kênh Five ở Anh chiếu phim tài liệu dài gần hai tiếng, Mao’s Bloody Revolution, kể lại thời kì Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc.

Người viết kịch bản và dẫn chuyện, Philip Short, là phóng viên của BBC trong 30 năm, cũng là người đầu tiên được cử về Bắc Kinh trong bốn năm khi đài này được phép mở văn phòng tại đó năm 1977.

Sau khi thôi làm nhà báo, ông chuyển sang nghiên cứu và viết sách, nổi tiếng nhất với quyển sách 800 trang về Mao Trạch Đông, Mao: A Life, rồi sau đó ra sách về Pol Pot (2005).

Cách mạng đẫm máu

Mao’s Bloody Revolution không có tiết lộ nào ghê gớm, có lẽ vì Cách mạng Văn hóa tai hại thế nào ai cũng biết cả, và chủ đề này đã được bàn nhiều. Mới nhất, một tác phẩm tiếng Anh liên quan, Mao’s Last Revolution, của Roderick MacFarquhar and Michael Schoenhals, do Harvard in năm 2006, dài gần 800 trang.

Ưu điểm của bộ phim là tiếp cận được nhiều nhân chứng: bác sĩ, cận vệ, cô giáo tiếng Anh của Mao, con gái Lưu Thiếu Kỳ, con trai Đặng Tiểu Bình người bị tật sau khi phải nhảy lầu vì bị Hồng vệ binh hành hạ…

Nhưng khi xem phim này, điều làm tôi suy nghĩ là những tư liệu lịch sử có thể được giữ lại cho mai sau thế nào.

Điều kỳ thú nhất khi xem một phim tài liệu, và Mao’s Bloody Revolution làm được, là nó sử dụng rất nhiều hình ảnh tư liệu quay vào thời điểm sự kiện xảy ra.

Hầu hết thời gian của 2 tiếng là các thước phim tư liệu. Ví dụ các cảnh đấu tố cựu chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, cảnh Hồng vệ binh lục soát các nhà trí thức và phú gia, cảnh 100.000 người đọc Mao tuyển trong sân vận động, cảnh thanh thiếu niên chỉ tay lên án và đánh các ông già giữa đường, thậm chí cả giờ phút đập phá đền chùa, phá tượng Phật.

Dù đã đọc nhiều trang viết, nhưng không thể không sốc khi xem cảnh tượng các nữ sinh cầm gậy gộc đánh giáo viên, người già. Hay cảnh đám đông sinh viên chất từng đống sách vào nồi lửa hừng hực khói.

Hiệu ứng thị giác

Những thước phim như thế, khi chiếu lại cho các thế hệ đi sau, có lẽ có sức mạnh hơn nhiều các trang viết.


Nhiều phút giây lịch sử trong thế kỷ 20 chưa được người Việt kịp ghi lại bằng hình ảnh

Lại tự hỏi Việt Nam có còn các đoạn phim gốc như thế về những chương lịch sử gây tranh cãi hay không, ngoài những phim tư liệu ca ngợi chủ nghĩa anh hùng vẫn chiếu trên tivi?

Khi xem Mao’s Bloody Revolution chiếu cảnh Hồng vệ binh đập đổ đền chùa, lại nhớ rằng giai đoạn cải cách ruộng đất ở miền Bắc cũng đã chứng kiến việc dỡ bỏ các đình, chùa ở nông thôn.

Trong tác phẩm Culture, Ritual and Revolution in Vietnam (NXB Đại học Hawaii, 2002), về “cuộc đời” ba chìm bảy nổi của một xã có tên Thịnh Liệt, Shaun Malarney kể lại hành động “giải thiêng” ngôi đình ở một ngôi làng trong xã khoảng năm 1956-57:

"Nhiều dân làng cảm nhận rõ tầng tầng lớp lớp bất bình đẳng và sỉ nhục mà họ đã từng chịu trong các buổi lễ ở đình làng. Giới tinh hoa có học ở địa phương nắm quyền điều khiển các buổi lễ; những người vai vế thấp hơn bị buộc ngồi ở những chỗ thấp kém cách xa bàn thờ [...]"

"Vì vậy khi các cán bộ cho họ cơ hội phá hủy những công trình này, nhiều người hưởng ứng vô cùng hăng hái, đặc biệt ở làng Giáp Nhị. Nhiều dân làng sốt sắng pháo dỡ nhiều biểu tượng của trật tự cũ."

Tự hỏi ở những khoảnh khắc như thế, có đoàn phim nhà nước nào quay lại không nhỉ? Tôi đem câu hỏi này hỏi một người, thì người ấy nói e là không, vì rằng thời đó, “Việt Nam không có phương tiện quay, tầm nhìn cũng hạn hẹp, không biết ghi lại những giờ khắc lịch sử.”

Chưa kịp ghi ngay thì dựng lại vậy. Thế nên có chuyện là hình ảnh biểu tượng của chiến thắng Điện Biên Phủ, cảnh chiến sĩ phất cờ trên nóc hầm tướng De Castries, chỉ là dựng lại, chứ không có thực. Đạo diễn Nga Roman Karmen phối hợp với Việt Nam dựng lại để quay phim, chụp hình. Chuyện này chỉ đến vài năm gần đây người ta mới được nói công khai.

Cho đến gần đây hơn, hình ảnh chiếc xe tăng của quân đội miền Bắc húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 hóa ra cũng chỉ duy nhất do một phóng viên Tây quay được. Như đạo diễn Đặng Nhật Minh viết trong một bài báo: “Không một phóng viên nhiếp ảnh quay phim nào của ta ghi được giây phút có một không hai đó, cho dù quay từ xa, từ phía sau lưng tới.” Các đoạn phim tài liệu trong nước ghi cảnh xe tăng húc đổ cánh cổng, rồi cảnh kéo cờ trên nóc dinh, nếu không phải là mua lại của nước ngoài thì đều chỉ là dựng lại.

Về cải cách ruộng đất, Việt Nam có một số đoạn phim quay cảnh nông dân hớn hở nhận ruộng, mà không chiếu những cảnh đấu tố. Không biết còn những thước phim nào nằm trong kho, hay chưa từng ai quay?

Hiệu ứng thị giác của phim ảnh có tác động lớn thế nào, ai cũng biết. Nhiều phim như Pearl Harbor, Saving Private Ryan bị phê phán là chứa đựng nhiều tình tiết lịch sử không chính xác, nhưng tác động của chúng đến suy nghĩ của khán giả có khi còn sâu sắc hơn nhiều các nghiên cứu “nghiêm túc.”

Đã, đang và sẽ còn những cuộc bút chiến giữa người Việt về nhiều vấn đề lịch sử. Không nói về sự bổ ích, mà chỉ bàn về tác động, thì e rằng tác động của chúng chỉ giới hạn trong một bộ phận có quan tâm trong xã hội. Có nên kêu lên một tiếng “Phim ơi, ngươi ở đâu?” chăng?

dt

Aucun commentaire: