1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

jeudi 10 mai 2007

Sự thành lập đảng Cộng sản Đông Dương

Sự thành lập đảng Cộng sản Đông Dương

Bài 1: CON ĐƯỜNG DU NHẬP CỘNG SẢN VÀO VIỆT NAM

Tuy nắm quyền từ 1917, đảng Cộng Sản Nga còn phải tiêu diệt nhóm Bạch Nga bảo hoàng, ổn định tình hình nội bộ, nắm quyền thật vững chắc, mới thành lập Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô) ngày 30-12-1922. Từ đây, Liên Xô bắt đầu kiếm cách bành trướng thế lực ra nước ngoài, tiến đến thành lập một khối chính trị thường được gọi là khối Xã hội chủ nghĩa, do Liên Xô cầm đầu.


Nhắm cạnh tranh với các cường quốc Âu Mỹ đã chiếm thuộc địa từ thế kỷ 19, Liên Xô đưa ra chiêu bài giải phóng dân tộc, khuyến khích các nước bị đô hộ (thuộc địa) nổi lên chống các cường quốc thực dân Âu Mỹ, giành độc lập, rồi gia nhập vào khối Liên Xô. Trong bản “Cương lĩnh về vấn để Dân tộc và Thuộc địa” (Thesis on the National and Colonial Questions), Đại hội kỳ 2 của Đệ tam Quốc tế Cộng Sản (ĐTQTCS) họp tại Petrograd từ 19-7-1920 đến 23-7, và sau đó tiếp tục họp tại Moscow từ 24 đến 7-8-1920, quy định rằng: “Các chính đảng muốn gia nhập Cộng sản Quốc tế, phải từ bỏ tất cả những gì mà chủ nghĩa đế quốc của chính nước họ thực thi tại nước thuộc địa. Không những dùng ngôn ngữ để ủng hộ mà họ phải có hành động thực tế để thúc đẩy cho cuộc vận động giải phóng tại nước thuộc địa. Phải đánh đuổi các phần tử chủ nghĩa đế quốc của chính nước mình ra khỏi nước thuộc địa.”(1)


Để truyền bá chủ nghĩa cộng sản đến những khu vực chưa có các chính đảng theo khuynh hướng cộng sản, thì ĐTQTCS huấn luyện, đào tạo cán bộ, rồi tìm cách gởi họ về địa phương họat động, thực hiện nhiệm vụ quốc tế, như trường hợp Nguyễn Ái Quốc ở Đông Dương.

Nguyễn Ái Quốc tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sinh tại Nghệ An, con ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Sau nhiều lần thi hội bị hỏng, ông Nguyễn Sinh Sắc đổi tên thành Nguyễn Sinh Huy. Trong kỳ thi hội và thi đình năm 1901, ông Huy đậu phó bảng cùng một lần với Phan Châu Trinh. Có thể lúc người cha đổi tên, thì Nguyễn Sinh Cung cũng được đổi tên thành Nguyễn Tất Thành. [Về sau, Nguyễn Tất Thành còn đổi rất nhiều tên khác nhau, có thể cả vài chục tên, trước khi ông đổi tên lần cuối là Hồ Chí Minh (1890?-1969).]

Lúc nhỏ, Nguyễn Tất Thành học chữ Nho, rồi chuyển qua tân học, theo chương trình Pháp. Sau khi đậu tiểu học khoảng năm 17 tuổi, Nguyễn Tất Thành vào học lớp nhất niên (năm thứ nhất trung học tức lớp 6 ngày nay) trường Quốc Học (Huế) năm 1907. Đang học lớp nhất niên, ông tham gia cuộc biểu tình xin giảm xâu hạ thuế (Trung Kỳ dân biến) tại Huế tháng 4-1908, nên ông bị Pháp truy nã, phải bỏ trốn.(2) Trên đường vào nam, ông làm giáo viên dạy Quốc ngữ và chữ Pháp ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) trong 5 tháng vào năm 1910.(3)

Trong thời gian nầy, phụ thân của Nguyễn Tất Thành là Nguyễn Sinh Huy (tên cũ là Nguyễn Sinh Sắc) đang giữ chức vụ thừa biện [thư ký] bộ Lễ (ở Huế), được bổ làm tri huyện Bình Khê (Bình Định) tháng 5-1909, tức được thăng quan tiến chức. Điều nầy chứng tỏ Pháp và triều đình lúc bấy giờ chẳng mấy quan tâm đến hoạt động của cậu học trò Nguyễn Tất Thành, mới cho phụ thân của Thành thăng quan.

Trong một cơn say rượu, Nguyễn Sinh Huy dùng roi đánh chết một người tù vào tháng 1-1910. Gia đình người nầy kiện lên cấp trên. Ông Huy bị triều đình ra sắc chỉ ngày 17-9-1910 phạt đánh 100 trượng. Hình phạt nầy được chuyển đổi qua hạ bốn cấp quan lại và sa thải. Ngày 26-2-1911, Nguyễn Sinh Huy (Sắc) xuống tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, bắt đầu cuộc sống lang thang ở miền Nam.(4)


Trong lúc bản thân bỏ học, gia đình gặp khó khăn, Nguyễn Tất Thành đến dạy ở trường Dục Thanh vào năm 1910, thì trường nầy sửa soạn đóng cửa (1911). Nguyễn Tất Thành tiếp tục xuôi nam, đến Sài Gòn. Tại đây, lấy tên là Ba, ông xin làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche-Tréville và theo tàu nầy rời Sài Gòn đi Pháp ngày 5-6-1911. Ông đặt chân đến Marseille (hải cảng miền Nam nước Pháp) khoảng từ 5 đến 10-7-1911.


Sau hơn hai tháng đến Pháp, Nguyễn Tất Thành viết tay hai lá đơn đề ngày 15-9-1911; một gởi cho tổng thống Pháp, một gởi cho bộ trưởng bộ Thuộc địa Pháp, xin vào học trường Thuộc địa (Ecole Coloniale) ở Paris, nơi đào tạo những quan chức cho các nước thuộc địa Pháp. Ông bị từ chối, nên tiếp tục đi tàu biển một thời gian. Sau đó, ông cư trú ở Luân Đôn (London), thủ đô của Anh. Tại đây, năm 1915, Nguyễn Tất Thành xin vào học việc ở công ty Igranic Electric, nhưng rồi cũng thất bại. Ông sống bằng nghề phụ bếp ở Anh trong thế chiến thứ nhất (1914-1918).


Giữa năm 1919, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp, tiếp xúc với nhóm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền. Phan Châu Trinh đậu phó bảng cùng khóa với Nguyễn Sinh Huy, phụ thân của Nguyễn Tất Thành. Nhờ ba người nầy, Thành bắt đầu làm quen với giới chính trị Paris, nhất là giới chính trị đối lập với chính phủ Pháp. Cả bốn ông (Trinh, Trường, Truyền, Thành) cùng ký một biệt hiệu chung là Nguyễn Ái Quốc,(5) đồng gởi bản “Revendications du peuple annamite” [Thỉnh nguyện thư của dân tộc Việt], viết bằng Pháp văn, cho các cường quốc trên thế giới, đang họp Hội nghị Versailles sau thế chiến thứ nhất. Hội nghị nầy bắt đầu từ 18-1-1919. Thỉnh nguyện thư của các ông xuất hiện lần đầu trên báo L'Humanité [Nhân Đạo] của đảng Xã Hội Pháp ngày 18-6-1919. Trong bốn người cùng dùng biệt hiệu chung là Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tất Thành là người trẻ nhất, thuộc hàng cháu hay em, chưa thành danh ở Paris, thường lấy tên Nguyễn Ái Quốc để liên lạc với báo chí hay chính giới, nên dần dần Nguyễn Tất Thành chiếm dụng luôn tên Nguyễn Ái Quốc làm tên riêng của ông.

Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng Xã Hội Pháp, xa dần các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền. Lúc bấy giờ, ở Moscow, Lenin thành lập Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS) năm 1919. Đảng Xã Hội Pháp đứng giữa hai khuynh hướng: nên theo Đệ nhị hay ĐTQTCS? Tại Hội nghị Tours từ 26 đến 31-12-1920 của đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tham gia ĐTQTCS. Cuối Hội nghị Tours đảng Cộng Sản Pháp được thành lập.

Theo tài liệu của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), từ năm 1921, Nguyễn Ái Quốc khởi viết Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản ở Pháp năm 1925).(6) Tuy nhiên, có tài liệu cho rằng Nguyễn Ái Quốc không viết được sách nầy, vì lúc đó ông ta không đủ trình độ Pháp văn để viết sách.(7) Về nội dung, ông ta đã cóp bài "Đông Dương chính trị luận" của Phan Châu Trinh (đã được Jules Roux, bạn của Phan Châu Trinh, dịch ra tiếng Pháp để gởi cho chính phủ Pháp và gởi cho Albert Sarraut sắp qua làm toàn quyền Đông Dương). "Bài nầy Quốc chỉ sửa chút ít, viết lại đề tựa khác "Bản án chế độ thực dân Pháp", nhờ luật sư Phan Văn Trường sửa chữa, viết lại nhiều trang, viết lời tựa trước khi in và phổ biến."(8)


Nguyễn Ái Quốc hoạt động khá tích cực, vào Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa (L'Union Intercoloniale) (1921) của đảng CS Pháp, giúp việc phát hành báo Le Paria (Người cùng khổ) năm 1922 do hội nầy xuất bản. Điểm đặc biệt, cũng trong năm 1922, tuy là một đảng viên cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc tuyên thệ gia nhập tổ chức Franc-Maçonnerie (Tam Điểm) ngày 14-6-1922, nhưng không bao lâu sau đó, lại ra khỏi hội nầy.(9) Nguyễn Ái Quốc suốt đời đã giấu kín việc ông gia nhập Hội Tam Điểm, hoàn toàn không đề cập gì đến hội nầy trong các sách của ông.


Tháng 10-1922, đại diện ĐTQTCS là D. D. Manuilsky qua Paris tham dự Đại hội kỳ 2 đảng CS Pháp, đã mời Nguyễn Ái Quốc sang Moscow tham dự Hội nghị Quốc tế Nông dân vào năm 1923,(10) thực chất là QTCS chọn Nguyễn Ái Quốc để thực hiện kế hoạch bành trướng chủ nghĩa CS sang Đông Dương.

Ở đây xin trở lại với kinh nghiệm của Phan Bội Châu. Trong hồi ký của mình, Phan Bội Châu kể rằng năm 1920, ông muốn nhờ Liên Xô giúp đỡ, thì đại diện của Liên Xô đưa ra điều kiện là ông phải chấp nhận "...tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản, học thành rồi về nước tất phải gánh lấy những việc tuyên truyền chủ nghĩa Lao Nông ... ra sức làm những sự nghiệp cách mạng." Ông Phan đã kín đáo từ chối.(11)

Nếu viên đại diện Liên Xô tại Bắc Kinh đưa ra cho Phan Bội Châu điều kiện như thế, thì chắc chắn Nguyễn Ái Quốc cũng phải theo những điều kiện như thế, có nghĩa là ngay từ khi được tuyển chọn qua Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc tự nguyện chấp nhận chủ nghĩa cộng sản và hứa sẽ ra sức thực hiện nhiệm vụ quốc tế cho Liên Xô, bành trướng thế lực cộng sản.


Có như thế, đại diện Liên Xô mới tổ chức giả mạo giấy tờ, đưa Nguyễn Ái Quốc rời Pháp đi Liên Xô ngày 13-6-1923. Ông đến Moscow ngày 30-6-1923. Đại hội Quốc tế Nông dân diễn ra vào tháng 10 năm đó. Nguyễn Ái Quốc lên diễn đàn Hội nghị nầy ngày 13-10 và được bầu vào Đoàn Chủ Tịch Quốc tế Nông Dân vào ngày bế mạc (15-10-1923). Trong thời gian ở Moscow, Nguyễn Ái Quốc vào thụ huấn ở Học Viện Thợ Thuyền Đông Phương (Université des travailleurs d'Orient).


Cần ghi nhận thêm là lúc Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô vào giữa năm 1923. Tại Liên Xô sau một thời gian nội chiến và nhất là áp dụng chính sách kinh tế chỉ huy, nền kinh tế Liên Xô suy sụp thảm hại. Hối suất đồng Mỹ kim là 2 rúp năm 1914, thành 1200 rúp năm 1921. Từ năm 1921, nạn đói lần thứ nhất xảy ra, 30 triệu dân Nga lâm vào tình trạng đói kém, 5 triệu người bị chết đói. Hoa Kỳ phải viện trợ thực phẩm cho Liên Xô. Công nhân cũng như nông dân khắp nơi nổi dậy. Lenin liền ban hành chính sách kinh tế mới (New Economic Policy gọi tắt là NEP), lùi lại một bước để qua cơn hoạn nạn. Sau khi Lenin từ trần ngày 21-1-1924, tại Đại hội QTCS kỳ 5 từ 17-6 đến 7-7-1924, Nguyễn Ái Quốc được cử làm Uỷ viên Đông phương bộ, phụ trách Cục phương nam. Với tư cách nầy, Nguyễn Ái Quốc được ĐTQTCS gởi qua Trung Hoa. Sau Đại hội QTCS kỳ 5 năm 1924, đến Đại hội 6 đảng Cộng Sản Nga vào tháng 12-1925. Trong Đại hội nầy, đảng Cộng Sản Nga mới được cải danh thành đảng Cộng Sản Liên Xô (CSLX).


TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, Canada)


CHÚ THÍCH

1. Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, Đài Bắc: Nxb. Truyện Ký Văn Học, 1972, bản dịch của Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, California: Nxb. Văn Nghệ, 1999, tr. 42.

2. Lê Thanh Cảnh, tạp chí Hoài niệm Quốc Học, Huế: 1956, tr. 37-39. Lê Thanh Cảnh là bạn học cùng lớp với Nguyễn Sinh Cung.

3. Hồ Tá Khanh, Thông sử công ty Liên Thành, Paris: 1983, tr. 34.

4. Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l ' Indochine au Vietnam [Hồ chí Minh, từ Đông Dương đến Việt Nam], Paris: Nxb. Gallimard, 1990, tt. 133-134. Theo ông Bùi Tín, nguyên đại tá Quân đội CSVN, trong sách Mặt Thật, Paris: Saigon Press, 1993, tr. 95, thì nạn nhân tên là Tạ Đức Quang.

5. Daniel Hémery, sđd. tr. 44.

6. Ban Nghiên cứu Lịch sử đảng trung ương (BNCLSĐ), Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ tư (có xem lại và bổ sung), Nxb. Sự Thật, Hà Nội 1975, tr. 29.

7. Tờ trình của viên chánh kiểm soát quân đội và người Đông Dương tại Pháp, gởi toàn quyền ngày 12-9-1923, nói về việc Nguyễn Ái Quốc viết và nói tiếng Pháp như sau: "...Những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc không phải do ông ta viết... Người Việt Nam ấy [Nguyễn Ái Quốc] chưa đủ khả năng nói và viết tiếng Pháp trôi chảy..." (Hứa Hoành, Những phú hộ lừng danh, Nxb. Văn Hóa, Houston, TX, 1999, tr. 226, trích dẫn tài liệu của Đặng Hữu Thụ, Nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, tr. 124.) Điều nầy hữu lý, vì Nguyễn Ái Quốc tức Nguyễn Sinh Cung (hay Côn) học chưa hết năm thứ nhất (nhất niên) trường Cao đẳng tiểu học Quốc Học (tương đương với lớp 6 Trung học đệ nhất cấp ngày nay) thì đã bỏ học vào tháng 4-1908 sau vụ dân chúng biểu tình tại Huế đòi giảm sưu thuế năm 1908. Ngoài ra, trong sách Những mẩu chuyện về đời họat động của Hồ chủ tịch, Hà Nội, Nxb. Sự Thật, 1976, tr.35, Hồ Chí Minh lấy tên là Trần Dân Tiên đã viết rằng khi đến Paris năm 1919: “…Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yên cầu ông Phan Văn Trường viết thay…” Năm 1919, Nguyễn Tất Thành phải làm việc để mưu sinh, học lóm thêm tiếng Pháp với những người chung quanh, làm sao chỉ hai năm sau, tức năm 1921, có thể viết được sách tiếng Pháp?

8. Hứa Hoành, sđd. tr. 224.

9. Thu Trang Gaspard, Hồ Chí Minh à Paris (1917-1923), Paris, L’Harmattan, 1992, pp. 160-161. Đường lối Hội Tam Điểm khác với đường lối của đảng Cộng Sản. Có thể do được tuyển chọn đi Nga, Nguyễn Ái Quốc ra khỏi Tam Điểm.

10. Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại 1892-1924, tập 1: 1892-1924, in lần thứ hai, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 224.

11. Phan Bội Châu, Tự phán, hay Phan Bội Châu niên biểu, trong Phan Bội Châu toàn tập tập 6 của Chương Thâu, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 272.


Bài 2 - VIẸT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN HỘI

Xin bấm vào chữ NEXT ở dưới
Prev - Next >>

Nguyên vào tháng 4-1921, tại Trung Hoa, Tôn Văn lên làm tổng thống chính phủ cách mạng miền Nam ở Quảng Đông. Vì các nước Tây phương đã thừa nhận chính phủ Trung Hoa ở Bắc Kinh, nên không ủng hộ chính phủ Tôn Văn. Tôn Văn quay qua tìm sự giúp đỡ của Liên Xô. Năm 1923, sau cuộc thương thuyết giữa Tôn Văn và đại diện Liên Xô là Adolphe Joffe, hai bên đưa ra thông cáo chung tại Quảng Đông ngày 21-1-1923, theo đó Tôn Văn đồng ý để cho đảng Cộng Sản Trung Hoa (CSTH) vừa mới thành lập tháng 7-1921, được tự do hoạt động, trong khi Liên Xô sẵn sàng giúp đỡ chính phủ cách mạng dân tộc Trung Hoa, tổ chức quân đội, đào tạo cán bộ tuyên truyền.(1)

Sau sự thỏa thuận trên đây, vào giữa năm 1923 đại tá Tưởng Giới Thạch được gởi qua Liên Xô tu nghiệp 6 tháng. Khi trở về nước, Tưởng tổ chức và làm hiệu trưởng trường lục quân Hoàng Phố, gần Quảng Châu. Tháng 9-1923, Liên Xô gởi qua Trung Hoa phái bộ cố vấn cho chính phủ Tôn Văn, do Mikhail Borodine làm trưởng đoàn. Nguyễn Ái Quốc rời Moscow tháng 10-1924, đi Vladivostok (Hải Sâm Uy), hải cảng cực đông Liên Xô, trên bờ biển Thái Bình Dương. Từ đây, ông đáp tàu thủy, xuống tới Quảng Châu khoảng giữa tháng 11-1924, với bí danh Lý Thụy, một công dân Trung Hoa, làm thư ký kiêm thông ngôn cho Borodine.

Vừa đến Quảng Châu, nhờ tình báo Liên Xô, Lý Thụy móc nối ngay với nhóm Tâm Tâm Xã và Phan Bội Châu. Lúc đó, Phan Bội Châu mới cải tổ Việt Nam Quang Phục Hội và biến thành Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1924. Nhiều lần, Lý Thụy để nghị Phan Bội Châu sửa đổi lại cương lĩnh và chương trình VNQDĐ, nhưng ông Phan chưa chịu.(2) Lý Thụy cùng một người cộng sự là Lâm Đức Thụ, bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu, khi Phan Bội Châu từ Hàng Châu đến ga Thượng Hải trưa ngày 11 tháng 5 năm ất dậu (1-7-1925).(3) Nhiều sách viết rằng Lý Thụy bán Phan Bội Châu cho Pháp vừa để lãnh thưởng, vừa để loại bỏ nhà lãnh đạo cách mạng uy tín nhất ở hải ngoại và giành lấy tổ chức của Phan Bội Châu.

Ở Trung Hoa, chức vụ thư ký kiêm thông ngôn cho Borodin chỉ là cái vỏ bọc, thực chất Lý Thụy là một cán bộ chuyên nghiệp của ĐTQTCS, lo báo cáo thường xuyên tình hình Đông Dương cho Đông phương bộ ĐTQTCS, đào tạo cán bộ CS cho Đông Nam Á và thành lập tổ chức CS tại các nước trong vùng nầy.

Về mặt quốc tế, vào đầu năm 1925, Lý Thụy cùng một nhà chính trị thiên tả Trung Hoa là Liêu Trọng Khải thành lập tại Quảng Châu tổ chức Á Tế Á Bị Áp Bức Dân Tộc Liên Hiệp Hội. Hội nầy do Liêu Trọng Khải làm chủ tịch, Lý Thụy làm bí thư, gồm một số người Trung Hoa, Việt Nam, Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, Xiêm La, Mã Lai.

Lúc đó, tổng thống chính phủ miền Nam Trung Hoa là Tôn Văn từ trần ngày 12-3-1925. Các lãnh tụ chính trị tranh giành quyền lực liên tục, gây tình hình xáo trộn. Tháng 8-1925, Liêu Trọng Khải bị ám sát. Đến năm 1929, Á Tế Á Bị Áp Bức Dân Tộc Liên Hiệp Hội cải danh thành Đông Phương Phản Đế Đồng Minh Hội.

Riêng về Việt Nam, Lý Thụy thành lập một nhóm thanh niên gọi là Cộng Sản Đoàn, làm nòng cốt cho các tổ chức cộng sản về sau. Trong báo cáo từ Quảng Châu ngày 19-2-1927 gởi về ĐTQTCS, Lý Thụy trình rằng ông đã tuyển chọn được 9 người, trong đó 5 người là đảng viên dự bị đảng CS, 2 người là đoàn viên dự bị của Đoàn Thanh Niên CS Lenin.(4)

Tháng 6-1925, Lý Thụy thành lập một tổ chức mới là Việt Nam Cách Mệnh Thanh Niên Hội (VNCMTNH), do ông làm bí thư. Trong lúc nầy, những người sát cánh với ông là Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ, Trương Văn Lễnh, Lê Quảng Đạt, Vương Thúc Oánh (con rể Phan Bội Châu),

Trong các năm kế tiếp, VNCMTNH tuyển được nhiều thanh niên từ Việt Nam và Xiêm La (Thái Lan), huấn luyện rồi gởi họ về nước hoạt động. Những người xuất sắc được hội gởi vào học quân trường Hoàng Phố (Trung Hoa) như Lê Quảng Hùng, Lê Quảng Đạt, Trương Văn Lễnh, hoặc gởi qua Liên Xô như Lê Hồng Sơn, Hà Huy Tập, Trần Phú (Lý Quý)... Một số người lãnh đạo cộng sản sau nầy ở trong nước đã xuất thân từ các khóa huấn luyện của VNCMTNH ở Quảng Châu.

Cơ quan ngôn luận chính của VNCMTNH là tờ Thanh Niên, ra số đầu ngày 21-6-1925. Báo nầy chủ trương truyền bá tư tưởng Mác-Lê, lý thuyết cách mạng, kêu gọi dân chúng “thức tỉnh”, “đồng tâm hiệp lực”, “vùng dậy”, để “cứu giống nòi” (những từ ngữ trong các bài báo của Thanh Niên), yểm trợ Liên Xô chống lại đế quốc.

Như thế, VNCMTNH do Lý Thụy, tức Nguyễn Ái Quốc, uỷ viên Đông phương bộ ĐTQRCS lập ra, tuy chưa chính danh là một tổ chức cộng sản, nhưng rõ ràng mục đích, chương trình hành động theo đúng đường lối của ĐTQTCS. Tổ chức nầy nhắm lót đường cho việc thành lập đảng CSVN sau nầy.

Việt Nam Cách Mệnh Thanh Niên Hội gồm 5 cấp: tổng bộ, kỳ bộ, tỉnh bộ, huyện bộ và chi bộ. Tổng bộ đặt ở Quảng Châu, chỉ huy tổng quát và phụ trách thêm những tổ chức ngoại vi như Thiếu niên cách mệnh, Phụ nữ cách mệnh, Lao động cách mệnh... Ở trong nước, các kỳ bộ Bắc, Trung và Nam đều hoạt động, nhưng không được mạnh lắm, vì sự cạnh tranh của các đảng phái khác như VNQDĐ, Tân Việt Cách Mạng Đảng.

Riêng nhà lãnh đạo VNCMTNH, ông Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc), Uỷ viên Đông phương bộ của ĐTQTCS, trong lúc lưu trú ở Quảng Châu, đã kết hôn với một nữ đảng viên CSTH là Tăng Tuyết Minh (1905-1991) vào tháng 10-1926. Lễ kết hôn diễn ra tại nhà hàng Thái Bình ở trung tâm thành phố Quảng Châu với sự hiện diện của các bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ ông Chu Ân Lai), Bào La Đình, Thái Sướng. Hai người chia tay khi chiến tranh Quốc Cộng bùng nổ ngày 12-4-1927.(5)

Sau khi cuộc liên minh Quốc Cộng lần thứ nhất ở Trung Hoa tan vỡ, Tưởng Giới Thạch tấn công chẳng những đảng CSTH, mà cả những nhóm cộng sản các nước khác. Borodin phải về Liên Xô. Lý Thụy cũng bỏ trốn đi Vũ Hán, đến Thượng Hải, theo đường biển lên Vladivostok (Hải Sâm Uy), qua Moscow khoảng giữa tháng 6 năm 1927.

Cũng từ năm 1927, ở trong nước Việt Nam, Pháp đàn áp mạnh các đảng phái, nên nhiều lãnh tụ của VNCMTNH bỏ trốn qua Xiêm La. Những người còn lại đều bị bắt giam và tù đày. Tại phiên tòa ngày 11-10-1929 ở Vinh (Nghệ An), 50 thành viên VNCMTNH bị kết án, trong đó Lý Thụy tức Nguyễn Ái Quốc bị án tử hình khiếm diện.(6)

Cuối năm 1927, Nguyễn Ái Quốc được ĐTQTCS chuyển qua Đức, Pháp, Bỉ hoạt động một thời gian ngắn, rồi đến Ý. Tại đây, ông xuống tàu ở hải cảng Naples, qua Xiêm La. Ông đến Xiêm tháng 8-1928, lập tỉnh uỷ U-đon, thống nhất việc lãnh đạo VNCMTNH ở Xiêm. Đang hoạt động ở Xiêm, ngày 27-10-1929 Nguyễn Ái Quốc được lệnh ĐTQTCS qua Trung Hoa, giải quyết những tranh chấp giữa các kỳ bộ VNCMTNH ở trong nước Việt Nam.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, Canada)

CHÚ THÍCH

1. Daniel Hémery, sđd. tr. 50. Xem thêm: Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc tập 3 [in chung với tập 2], Hà Nội: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 36.

2. Phan Bội Châu, Tự phán hay Phan Bội Châu niên biểu, trong Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, của Chương Thâu, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 288.

3. Tưởng Vĩnh Kính, sđd. tt. 84-85.

4. Trung ương đảng CSVN, Báo điện tử, http://www.cpv.org.vn, mục “Văn kiện đảng toàn tập”, trích ngày 19-7-2006.

5.Hoàng Tranh (Huang Zheng), “Hồ Chí Minh với bà vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, đăng trên tạp chí Đông Nam Á Tung Hoành (Trung Hoa) tháng 11-2001. Báo Diễn Đàn, Paris, số 121, tháng 9-2002 dịch đăng lại, tt. 17-20. Trong thời gian đến Xiêm La vào tháng 8-1928, Lý Thụy có gởi cho Tăng Tuyết Minh một lá thư bằng chữ Nho, bị mật thám Pháp phát hiện ngày 14-8-1928. (Daniel Hémery, sđd. tr. 145.) Theo tác giả Hoàng Tranh, vào tháng 5-1950, nhìn thấy hình Hồ Chí Minh trên Nhân Dân Nhật Báo (Trung Hoa), bà Tăng Tuyết Minh gởi nhiều lá thư cho ông Hồ, thông qua đại sứ Việt Minh ở Bắc Kinh là Hoàng Văn Hoan, nhưng đều không được trả lời. Sau năm 1954, bà Tăng Tuyết Minh xin gặp Hồ Chí Minh nhưng bị từ chối.

6. Chính Đạo, sđd. tập 2, tr. 83.

Aucun commentaire: