SỰ THẬT VỀ ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH
Biên khảo: Mường Giang
Báo PNDĐ, số 164, năm 1997
...Những sự kiện xảy ra trên con đường mòn Hồ Chí Minh (HCM), hành lang xâm nhập người và tiếp liên từ miền Bắc vào Nam của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV), không phải là những huyền thoại hay bí mật ghê gớm đối với Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Có điều lạ lùng là dù Mỹ đã biết rõ chiến lanh ác liệt trên lãnh thổ miền Nam Việt đều bắt nguồn từ Bắc Việt chứ không phải nội loạn và cuộc xâm lược quy mô đều khởi xuất tiếp diễn đều đặng trên hành lang Trường Sơn, vậy mà quân đội Mỹ, đồng minh và ngay cả quân lực VNCH đều bị giới hạn trong lúc chiến đấu với CSBV ở nhiều điểm gọi là Luật Chiến Đấu (Rules of Engagement) mà năm 1985, tức là 10 năm sau khi chiến tranh Đông Dương lần thứ 2 chấm dứt, Bộ Quốc Phòng Mỹ mới cho giải mật. Tài liệu phổ biến này được hạn chế bởi Congressional Record gồm 26 trang, tóm tắc những luật chiến đấu của Mỹ tại Nam Việt Nam, trong đó có liên quan tới đường mòn Hồ Chí Minh; chẳng hạn như Điều Số 3 cấm Mỹ không được phép dội bom các quân xa của Bắc Việt nếu những xe này di chuyển cách đường mòn 200 mét, nghĩa là khi nghe máy bay Mỹ tới oanh tạc, các tài xế Bắc Việt chỉ cần lái xe vào các con đường gánh, tránh xa đường mòn là an toàn. Riêng Điều Số 6 thì cấm quân Mỹ truy kích quân đội Bắc Việt khi họ đã rút sang Lào hoặc Cam Bốt. Bởi vậy, phía bên Bắc Việt đã cho thiết lập các căn cứ hậu-cần ngay trong lãnh thổ của các quốc gia láng giềng này.
Cũng do sự cấm đoán trên, khi Tổng Thống Richard Nixon tổ chức các cuộc hành quân hỗn hợp Việt Mỹ, gọi là Toàn Thắng năm1970, để căt đứt sự tiếp vận trên đường mòn Sihanouk của Cộng Sản Bắc Việt tại Cam Bốt, thì đã bị dư luận Mỹ nhao nhao phản đối và Quốc Hội Mỹ biểu quyết bắt Mỹ rút quân ngay tức khắc.
Những sự việc nêu trên là một trong những bí mật và lý do khiến cho Mỹ cũng như Việt Nam Cộng Hòa dù đã tạo nhiều nỗ lực cũng như hao tốn thật nhiều xương máu, tiền bạc, bom đạn để làm đường dây liên lạc của Hà Nội từ hậu phương ra tiền tuyến bị cắt đứt, nhưng trong suốt cuộc chiến, Bắt Việt vẫn thành công trong việc chuyển quân và tiếp vận trên đường mòn Hồ Chí Minh cho nhóm cò mồi tại miền Nam Việt Nam. Theo tài liệu của Ngũ Giác Đài, thì từ lúc khởi chiến (1959) cho tới khi kết thúc chiến tranh năm 1975, Bắc Việt đã chuyển vào Nam hơn 2 triệu người gồm bộ đội, cán bộ, hàng triệu quân dụng lương thực để chi viện cho chiến trường Miền Nam.
ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN
Hầu hết con đường chiến lược Hồ Chí Minh đều nằm trên Rặng Trường Sơn, kể cả tuyến xuất phát tại Vinh (tỉnh Nghệ An, Bắc Việt), cho tới đoạn cuối cùng rẽ vào Phước Long. Rặng Trường Sơn là xương sống của miền Trung, khởi đầu từ Sông Cả tới sông Bông (tỉnh Quảng Nam) dọc theo biên giới Việt-Lào, trên có nhiều đỉnh núi cao tới 2,500 mét, như đỉnh Pu Xai Lai Leng ở tỉnh Nghệ An cao 2711 mét, Vụ Quang ở tỉnh Hà Tĩnh cao 2,286 mét, A Tuất ở tỉnh Thừa Thiên cao 2,550 mét. Có nhiều đèo dùng làm đường thông thương giữa Việt Nam và Lào như đèo Keo Nưa trên núi Bà Mụ, Đèo Mụ Già từ Hà Tĩnh sang Lào, Đèo Lao Bảo trên Quốc Lộ 9. Đây là những huyết lộ chính mà Cộng Sản Bắc Việt đã tận dụng để nối liền con đường Đông Trường Sơn (Việt Nam) sang đường Tây Trường Sơn trên đất Lào.
Rặng Trường Sơn từ phía Nam sông Bông tới miền Đông Nam phần được gọi là Cao Nguyên Nam Trung phần với độ cao trung bình 1,000 mét, ngoại trừ miền Bắc tỉnh Kontum, cửa ngõ của đường Trường Sơn xâm nhập vào Vùng 2 Chiến Thuật của Việt Nam Cộng Hòa có rất nhiều rặng núi cao đồ sộ và hiểm trở như Ngọc Lĩnh (2,598 mét), Mô Via (2,338 mét), Ngok Krin (2,215 mét). Trong tỉnh Pleiku, Cao Nguyên Nam Trung Phần hơi cao ở phía đông vùng giáp giới tỉnh Phú Bổn, Bình Định, nhưng lại thấp dần ở Miền Ba Biên Giới. Cộng Sản Bắc Việt cũng đã làm một nhánh rẽ từ Đức Cơ, Pleime để xâm nhập Pleiku, xuống miền duyên hải Trung phần.
Khởi đầu từ năm 1959, đường mòn Hồ Chí Minh do Hai Xe Ngựa (tức Đại Tá Võ Bẫm) sáng tạo chỉ là một tuyến đường gùi, đi không để dấu, nấu không để khói, nói không thành tiếng. Sau đó, theo nhu cầu của chiến cuộc, phát triển dần dần thành đường xe với đường dây điện thoại và hệ thống ống dẫn dầu chạy song song với đường mòn. Có hàng trăm, hàng ngàn chi nhánh chạy chi chít dọc ngang từ đông sang tây, từ bắc xuống nam dãy Trường Sơn. Sau năm 1973 khi hiệp định Paris được ký kết, Mỹ chấm dứt can thiệp vào Việt Nam, CSBV tiếp tục xây dựng hệ-thống đường mòn thành một xa lộ đất. Năm 1974, Fidel Castro của Cuba đã tặng cho Hà Nội một dàn thiết bị máy móc làm đường của Nhật. Đoàn công binh của Cuba đã tới tận Trường Sơn để hướng dẫn công chính Bắc Việt sử dụng máy móc, làm chiếc cầu treo Dakrong ở Tchépone (khu vực Nam Lào).
Hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, chạy dài từ Trung Lào tới Cam Bốt được xâm nhập vào lãnh thổ Nam Việt Nam bởi 5 nhánh rẽ với 21 trục giao liên, có chiều dài tổng cộng hơn 12,000 dặm Anh với các danh xưng khác nhau: Đoạn đường trên đất Bắc Việt được gọi là đường Hồ Chí Minh, còn các chặng đường khác gọi là đường Thống Nhất, đường Dân Tộc Giải Phóng, đường Xã Hội Chủ Nghĩa, v.v. Riêng khúc đường chạy trên đất Cam Bốt được gọi là đường mòn Sihanouk.
Hàng hóa, đạn dược, bộ đội sau khi xuất phát từ ga Hàng Cỏ (ở Hà Nội) hay Vinh (ở Nghệ An), Quán Trại (Đức Thọ, Hà Tĩnh) trước khi vào Quảng Bình, Quảng Trị phải qua thung lũng tử thần Đồng Lộc, một bên là dãy núi cao mang tên Rú Mòi, bên kia là núi Sọ Vôi, con đường nối liền Bắc Việt Nam và Lào, khởi đầu của con đường Trường Sơn cho tới Khâm Muôn (Lào) thì gặp Đường 20 Quyết Thắng từ Phong Nha (Quảng Bình, Bắc Việt) sang. Đường này dài 127 km, chạy len lỏi giữa khu rừng gìa Kẽ Bàng và miền hoang địa Bulapha của Lào.
Theo báo Aux Ecoutes du Monde thì yết hầu của đường mòn Hồ Chí Minh nằm tại hải cảng Vinh, Nghệ An. Con đường cũng từ đó phân nhánh vượt Trường Sơn sang đất Lào để tránh sự oanh tạc của máy bay Mỹ. Đường chạy trên khu tam giác của các thị trấn Napé, Kamkeut, Kanmon, dọc theo con sông Nampao, nơi đóng tổng hành dinh của Đoàn 559A, một quân chủng đặc biệt của Bắc Việt, gồm có công binh và vận tải với trách nhiệm bảo trì, sửa chữa con đường, đồng thời quản trị, phân phối đoàn dân công, xe tải chuyển vận bộ đội, tiếp liên từ Bắc vào chiến trường miền Nam.
Sau khi qua khỏi ngã ba đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình), đường mòn chung giữa khu rừng già Hạ Lào, song song với con sông Nạm Cà Dinh, tới đỉnh dốc đứng 1001 trên núi Răng Cọp. Đường bắt đầu vượt qua Vĩ Tuyến 17 để tới thị trấn Tchepone (Muang Xepon), nằm trên Đường Số 9. Đây cũng là con đường phân nhánh đầu tiên để bộ đội Bắc Việt xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, tấn công các căn cứ quân sự Lao Bảo, Khe Sanh, Làng Vei, Cà Lu, Quảng Trị.
Con đường mòn tiếp tục tới núi Ấp Bia cao 937 mét mà một ký giả ngoại quốc khi chứng kiến cảnh đẫm máu tại đây bởi đạn bom do các phi vụ và phi pháo, nên đặt tên là Hamburger Hill (trận đánh này xảy ra vào tháng 5 năm 1969), thì phân nhánh chạy vào các thung lũng A Lưới, Tà Bạt và A Shau để từ đó tấn công Huế, Đà Nẵng.
Về phía Nam, gần khu vực Tam Biên, đường mòn sau khi vượt qua cao nguyên Boloven trên đất Lào lại phân thành 2 nhánh khác đâm vào lãnh thổ Nam Việt Nam. Một nhánh từ Saravane tới Dakto, Tân Cảnh, Kontum ngang qua các trại Lực Lượng Đặc Biệt của Việt Nam Cộng Hòa tại Bến Het, Dakto. Nhánh khác phát xuất từ Attopeu (bên Lào) vào Pleiku ngang qua các trại Lực Lượng Đặc Biệt Đức Cơ và Pleime.
Nằm giữa 2 nhánh đường rẽ này là Mật Khu 609 của Bắc Việt gần khu vực Tam Biên. Đường Mòn Hồ Chí Minh từ đây chạy trong đất Cam Bốt và được gọi là đường mòn Sihanouk. Tại đây Bắc Việt cho thiết lập nhiều mật khu như 702, 701, 740, 203, 351, 350, 400, v.v. Trên đất Cam Bốt, đường mòn rẽ vào Chiến Khu D trong tỉnh Phước Long, phần còn lại chạy xuống tận hải cảng Kampong Som (Sihanouk Ville) của Cam Bốt, để nhận trực tiếp hàng hóa của Nga, Tàu, hoặc khối Đông Âu (đến năm 1970 thì chấm dứt khi hoàng thân Sihanouk bị Đại Tá Lonnol lật đổ và tất cả các mật khu của Bắc Việt trên đất Cam Bốt bị liên quân Việt-Mỹ càn quét trong các cuộc hành quân Cửu Long và Toàn Thắng.
Suốt cuộc chiến, ngoài số người chết bởi bom đạn, giao tranh, phần lớn cán binh, bộ đội gục ngã trên đường Trường Sơn vì trăm ngàn nỗi gian lao, cực nhọc và bệnh tật. Hàng vạn nấm mồ hoang lạnh được vùi lấp vội vã trên con đường dài heo hút, chỉ một thời gian ngắn đã biến thành phân mục bón xanh tươi thêm cho cây lá rừng hoang như Quang Dũng năm nào viết:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Sông núi gầm vang khói độc hành...
Hoặc dòng thơ của Trần Xuân Lợi, một bộ đội Bắc Việt ghi như sau:
Những hồi mưa ngớt,
Tựa nghỉ gốc cây
Nhìn cây không nói
Nhìn mây chẳng thấy
Chỉ thấy núi đèo
Kế nhau nối tiếp
Ôi là khủng khiếp
Cho cảnh Trường Sơn
Hoặc những dòng thơ của Hoàng Phong Linh:
Đỉnh núi cao mây vờn
Đá nghìn năm quên tuổi
Ta lạc loài như dã thú không tên
Qua Tchepone, Boloven
Về Hạ Lào thăm thẳm
Atopeu đường xa muôn dặm
Rừng Tây nguyên heo hút trong tim...
Trên đường mòn, có nhiều đoạn chạy giữ rừng già bất tận, phi cơ kể cả không ảnh cũng bó tay ngoại trừ sự xâm nhập của các toán Lực Lượng Đặc Biệt VNCH hay Hoa Kỳ. Nhiệm vụ chính bảo vệ con đường được giao cho Đoàn 559A với nhiều binh trạm có quân số tương đương một trung đoàn, giữa 2 binh trạm là toán giao liên và khu vực tiếp tế. Vùng nào lo nhiệm vụ nấy, không ai được biết gì tới vùng lân cận. Đoàn 559A chỉ có trách nhiệm tới bên kia Vĩ Tuyến 17 mà thôi. Riêng trong lãnh thổ Bắc Việt, bổn phận tái tạo và giữ tốt các lộ giao thông tiếp vận cho chiến trường miền Nam được giao cho hàng vạn thanh niên nam nữ trong 3 tổng đội Thanh Niên Xung Phong (TNXP) miền Bắc. Biết bao nhiêu người tuổi trẻ đã gục chết giữa bom đạn khi họ bị bắt buộc bám trụ trên mặt đường để mỗi lần phi cơ Mỹ oanh tạc xong thì họ với sức người, cuốc, xẻng ào ra chiến trường để lấp hố bom, tái tạo mặt đường vừa bị cày nát, cho gia thông không bao giờ bị gián đoạn.
BỘ ĐỘI BẮC VIỆT TRÊN ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH
Với mục đích lừa gạt dư luận thế giới để chối bỏ công cuộc xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa bằng võ lực, Hà Nội lúc nào cũng tổ chức việc chuyển quân thật vô cùng bí mật và chu đáo. Đầu cuộc chiến, việc di chuyển từ Bắc vào Nam thật khó khăn, nguy hiểm và chỉ có quân bộ-chiến xâm nhập mà thôi, còn vũ khí, đạn dược, quân dụng được chuyển vận bằng con đường biển 559B do Tướng Đồng Văn Cống phụ trách.
Trước Tết Mậu Thân năm 1968, bộ đội miền Bắc vào Nam được bồi dưỡng và huấn luyện trong thời gian 8 tháng với tiêu chuẩn 2 đồng 40 xu tiền Hà Nội mỗi ngày. Trước khi lên đường "sanh Bắc tử Nam" mỗi cán binh được cấp 5 ngày phép về thăm gia đình. Trên đường tiến quân trong lãnh thổ Bắc Việt, các đơn vị chính quy Bắc Việt vẫn sử dụng quân phục bằng vải khaki Nam Định với mũ bầu có bọc vải, màu xanh lá cây. Quân xa sẽ chở họ tới đất Lào hoặc bằng đường Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Phong Nha (Quảng Bình), Vĩnh Linh (Quảng Trị). Từ đó, đi bộ tới vùng biên giới Việt Nam Cộng Hòa thì tất cả đều cải dạng thành những cán binh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN). Sau đó họ phải giao lại cho cán bộ chính trị trong đơn vị những thứ dính dáng tới Bắc Việt, rồi tất cả đều mặc quần áo bà ba đen, mang dép râu, đội mũ tai bèo trông y như những cán binh Việt Cộng ở miền Nam. Các cờ hiệu đều dùng cờ MTGPMN và hát bản Giải Phóng Miền Nam.
Trước Hiệp Định Paris 1973 được ký kết, sự di chuyển trên đường mòn khó khăn nguy hiểm, kể cả con đường ở Trung Lào vì Không Quân Hoa Kỳ oanh tạc liên tục ngày đêm. Chỉ riêng đoạn đường từ Vinh tới thị trấn Tchepone ở Nam Lào cũng phải mất 2 đến 3 tháng. Sau đó, bộ đội Bắc Việt được giao-liên hướng dẫn theo các nhánh rẽ xâm nhập vào lãnh thổ Nam Việt Nam để hoạt động.
Năm 1973, Hiệp Định Paris được ký kết, Hoa Kỳ không còn can thiệp vào Việt Nam nên Bắc Việt tiến hành công khai, không còn che đậy như trước. Hệ thống Đường Mòn Hồ Chí Minh được tu bổ thành một xa lộ đất với nhiều địa điểm tiếp vận, khu dưỡng quân và bệnh xá dọc theo con đường. Một hệ thống dẫn dầu và đường dây điện thoại cũng được thiết kế chạy song song với con đường chính. Tại các mật khu, những địa điểm trọng yếu, quân Bắc Việt đặt một màng lưới phòng không dày đặt với các loại súng tầm-ngắn tầm-cao đủ cở.
Từ năm 1965-1967, mỗi tháng ước lượng 7,000 bộ đội chính qui Bắc Việt xâm nhập vào Nam và tính tới năm 1968, khi Bắc Việt gây cuộc tổng công kích trong những ngày Tết Mậu Thân, thì quân số chính qui Hà Nội có mặt tại Miền Nam đã hơn 100,000 người. Để chuyên chở, tiếp vận người và vũ khí, vật dụng vào lãnh thổ Nam Việt Nam, Bắc Việt đã huy động từ 1,250 đến 1,700 chiếc xe vận tải. Những xe này, như loại ZILS hoặc Molotova, đều có trọng tải từ 4 đến 6 tấn, và hầu hết do Liên Xô và Trung Cộng viện trợ. Ngoài ra còn có một binh đoàn dân-công khổng lồ chuyên lo về di chuyển hàng hóa bằng xe đạp và voi.
Sau chiến tranh, nhiều sự kiện lịch sử được bật mí từ các phe nhóm tham chiến, trong đó có sự thất bại của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa về việc ngăn chận, phá vỡ hệ thống Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhưng ngược lại cũng phơi bày ra ánh sáng sự chết chóc của hàng trăm ngàn cán binh Bắc Việt trên đường Trường Sơn qua các trận đánh, hoặc bị máy bay oanh tạc. Đồng thời, nhiều mật khu như 604 tại yết hầu Tchepone và 611 trong thung lũng Ashau cùng với nhiều binh trạm, hậu cần, ống dẫn dầu trên đường mòn bị phá hủy.
Lane Rogers, một Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ, viết như sau: "Để bảo vệ và hoạt động liên tục trên đường mòn, Hà Nội thí quân bất chấp lòng nhân đạo, do đó nhiều lúc con đường chính và 5 nhánh rẽ bị ngăn chận, đoàn kiến người vẫn có những ngõ ngách khác để tiếp tục vào Nam." Riêng Đại Tướng Westmoreland (cựu tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam) thì giải thích lý do sự thất bại của Mỹ khi muốn hủy diệt hệ thống Đường Mòn Hồ Chí Minh là trở ngại thiên nhiên, là chốn ma thiêng nước độc, là gây sự sợ hãi chết chóc nhất trên thế giới.
MÁU ĐẪM TRƯỜNG SƠN
Hai mươi (20) năm chiến cuộc trên đất nước Việt Nam đã cướp mất đi hàng triệu thanh niên nam nữ và đồng bào vô tội, nhưng sự thật tàn bạo và man trá của cuộc chiến chỉ có người trong cuộc, những nạn nhân mới thấu hiểu, còn đại đa số đồng bào Miền Nam nơi các đô thị chỉ hiểu mù mờ qua tài liệu, báo chí. Họ đâu biết rằng trong suốt cuộc chiến, Bắc Việt, Việt Nam Cộng Hòa, và Hoa Kỳ đã giành giựt từng thước đất trên đỉnh Trường Sơn. Một bên thì quyết lòng, coi mạng người như cỏ rác, dùng máu xương để xây huyết lộ, quyết đem chủ nghĩa Cộng Sản áp đặt cho phần đất còn lại. Còn một phía thì dùng bom đạn, sức người, để phá hủy, cắt đứt, ngăn chận sự xâm nhập của kẻ áp đặt điên cuồng, say máu.
Kể từ ngày Thủ tướng Nga Nikita Kruschev phát pháo mở màn cuộc chiến gọi là "giải phóng toàn cầu" 6 tháng 1/1961, cũng là ngày Hà Nội chính thức tấn công Việt Nam Cộng Hòa cho tới 30 tháng 4/1975. Không ai biết rõ (ngoại trừ những người lãnh đạo Bắc Việt) có bao nhiêu cán binh, dân công, Thanh Niên Xung Phong và dân chúng đã thương vong vì cuộc chiến, bởi vì phía Bắc Việt luôn luôn bưng bít, che đậy và tuyên truyền. Nhưng hiện nay dẫu sau cũng còn rất nhiều nhân chứng vẫn còn nhớ và biết rõ về các trận đánh kinh hồn trên hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, đó là những người bộ đội, những giao liên, hoặc những dân công Bắc Việt đã từng tham gia trong cuộc chiến.
Trên đất Bắc, trực diện với bom đạn hàng ngày là những nam nữ thanh niên trong các tổng đội Thanh Niên Xung Phong. Nhiều người đã chết tức tưởi ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Hưng Hóa (Quảng Trị) khi thi hành công tác. Họ chết đơn độc khi thi hành nhiệm vụ giao-liên, làm mốc hướng dẫn xe. Như một trường hợp đáng tiếc (theo nghĩa chiến tranh qui ước) đã xảy ra khi phi cơ Mỹ dội bom tiêu diệt tập thể một lúc 10 cô gái Thanh Niên Xung Phong của Tiểu Đội 4, Tổng Đội 53 TNXP Hà Tĩnh, tại ngã ba Đồng Lộc ngày 24 tháng 7 năm 1968 vì hầm trúng bom bị sập, hoặc như trường hợp 4 cặp thanh niên nam nữ TNXP và công binh bị chôn sống trong một hang núi ở Kẽ Bàng (Quảng Bình). Nhưng đây chỉ là những hạt muối bỏ biển, nếu đem so sánh với cái chết hàng trăm, hàng ngàn trên các tuyến đường mòn rẽ vào lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
HẾT
History of the Vietnam War 1954-75 - SỰ THẬT VỀ ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH
Từ đó, đi bộ tới vùng biên giới Việt Nam Cộng Hòa thì tất cả đều cải dạng thành những cán binh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN). ...vietnam.ictglobal.net/modules.php?name=News&file=article&sid=96
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire