1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

jeudi 10 mai 2007

Tứ đại chuyển biến

Tứ đại chuyển biến

Herbert E. Meyer

Nguyễn Thu dịch


Bốn chuyển biến lớn đang đương thời định hình những biến cố chính trị, kinh tế và tính toàn cầu của nhân loại. Những chuyển biến này có những quan hệ mật thiết đối với giới kinh doanh, với nền văn hóa và với lối sống của Hoa Kỳ.


1. Chiến tranh tại Iraq

Có ba tôn giáo độc thần lớn trên thế giới: Thiên chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo. Vào thế kỷ thứ 16, Do Thái giáo và Thiên chúa giáo đã hòa giải với phần nhân loại hiện đại. Các giáo sĩ, linh mục và học giả của hai tôn giáo này đã tìm cách dàn xếp các vướng mắc và mở đường tiến tới. Tôn giáo vẫn là trọng tâm cuộc sống, nhưng nhà thờ và nhà nước đã được tách bạch. Luật pháp, tư tưởng tự do kinh doanh, tất cả những điều đó đã định nghĩa quyền cá nhân của phương Tây cận đại, có thể gọi là nền văn minh nhân quyền.

Những phương cách nói trên đã xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp nhưng phải chờ đến thế kỷ 15 và 16, khi Thiên chúa giáo và Do Thái giáo hòa giải thì mới cất cánh được, và khi được thực thi thì chúng đã cởi xích cho cuộc cách mạng khoa học và đưa đến sự tuôn trào bao thành quả về nghệ thuật, văn học và âm nhạc mà thế giới chưa từng biết đến.

Đạo Hồi, một tôn giáo phát triển vào thế kỷ thứ 7, có đến hàng triệu tín đồ trên khắp thế giới, toàn là những công dân bình thường. Tuy nhiên, trong hàng ngũ Hồi giáo dân có những hệ phái cực đoan và mỗi khi họ nắm quyền lực thì thế giới Hồi giáo lại tấn công nền văn minh phương Tây. Cuộc tấn công lần đầu tiên là vào thế kỷ thứ 7, những lần sau vào thế kỷ 16 và 17. Theo sử sách thì vào năm 1683, đạo quân Hồi giáo (gồm người Thổ của đế chế Ottoman) đã đến tận cửa ô thành phố Vienna. Trận chiến cao điểm giữa Hồi giáo và văn minh phương Tây đã xẩy ra giữa thành phố này. Phương Tây thắng và tiến lên, phe Hồi giáo thua và tụt hậu. Điều kỳ thú là trận chiến nói trên đã xẩy ra vào ngày 11 tháng 9. Kể từ lúc đó, Hồi giáo chưa từng tìm cách hòa giải lại với nhân loại tiên tiến.

Phong trào khủng bố hiện nay là lần tấn công thứ ba của phái Hồi giáo cực đoan vào văn minh phương Tây. Để đối phó, Hoa Kỳ đang thực hiện hai biện pháp. Thứ nhất là điều động quân đội chúng ta tại ba mươi quốc gia trên thế giới săn lùng và xử lý các nhóm khủng bố. Việc này được thực hiện kín đáo. Thứ hai, Hoa Kỳ hành động quân sự tại Afghanistan cùng Iraq và các cuộc chiến này được giới truyền thông đeo đẳng kỹ lưỡng. Người dân thường có thể bình luận chiến tranh tại Iraq phải hay quấy, tuy nhiên chiến lược ẩn sau trận chiến là Mỹ đang sử dụng sức mạnh quân sự của mình để hất cẳng phe Hồi giáo cực đoan ra khỏi ghế quyền lực và tạo ra vận hội mới cho phái Hồi giáo ôn hòa. Chúng ta hy vọng rằng phái ôn hòa sẽ tìm được cách đưa Hồi giáo hội nhập vào thế giới thế kỷ 21, đó là tất cả mục tiêu của dính líu của chúng ta tại Afghanistan và Iraq. Bài học ngày 11 tháng 9 cho thấy, chúng ta đang sống trong một thế giới mà trong đó một nhóm nhỏ có thể trong chớp mắt tiêu diệt một khối lượng lớn thường dân. Chúng có thể sử dụng máy bay, bom, bột anthrax, vũ khí hóa học hay bom hạt nhân. Ngay cả với giàn tình báo ngoại hạng (mà bản thân Hoa Kỳ chả có) bạn cũng không thể cản phá mọi cuộc tấn công được. Điều này có nghĩa rằng sự khoan nhượng của chúng ta để chơi những “trò đùa chính trị" đã teo tóp rồi. Chúng ta không còn giỡn cợt với khủng bố hay võ khí hủy diệt hàng loạt được nữa!

Hầu hết sự bất ổn và trò đùa chánh trị đều xuất phát từ Trung Đông. Đó là lý do tại sao chúng ta nghĩ rằng nếu có thể đánh gục phái cực đoan và tạo cơ hội cho phái ôn hòa nắm quyền, thì họ mới có cơ hội mở đường cho Hồi giáo hòa giải với thế giới hiện đại.

Do đó khi nhìn vào vấn đề Afghanistan và Iraq, điều quan trọng nhất là quan sát mọi dấu hiệu hiện đại hóa tại chỗ, thí dụ việc đưa phụ nữ gia nhập lực lượng lao động và đến trường tại Afghanitan là tốt. Người dân Iraq trầy trật với hiến pháp mới cũng hay. Người ta có thể tranh luận về cái gì Hoa Kỳ đang làm và chúng ta đã làm như thế nào, nhưng mọi dấu hiệu chứng tỏ thế giới Hồi giáo đang tìm đường tiến lên nói chung đều tốt cả.


2. Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Trong hai mươi năm qua Trung Quốc đã di dời 250 triệu người dân từ các nông trại và làng mạc về đô thị. Kế hoạch của họ là di dời thêm 300 triệu nữa trong hai mươi năm tới. Khi anh nhồi thêm từng đó người về đô thị, thì anh phải kiếm việc làm cho họ. Đó là lý do tại sao Trung Quốc miệt mài sản xuất, họ bắt buộc phải đưa người mới nhập cư vào lao động.

Khi chúng ta quyết định sản xuất thứ gì tại Mỹ thì đều tính đến nhu cầu của thị trường và cơ hội sinh lợi nhuận. Bên Tầu người ta tính khác, họ quyết định sản xuất vì muốn tạo việc làm, như thế kiểu tính toán này thật rất khác!

Trong khi Tầu miệt mài sản xuất thì Mỹ lại mê giá bèo. Kết quả là giữa hai quốc gia đã nẩy sinh mô hình phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế rất độc đáo. Nếu Hoa Kỳ ngừng mua hàng Trung Quốc thì Tầu sẽ có bùng nổ chính trị, ngược lại nếu Tầu ngừng bán hàng cho Mỹ thì nền kinh tế chúng ta sẽ hứng đòn nặng vì giá cả tăng vọt.

Chúng ta đóng góp cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc, họ thì phụ trợ cho tăng trưởng của nền kinh tế chúng ta.

Vì Tầu đang tăng trưởng ghê gớm trên mặt sản xuất nên nước này đói nhiên liệu và đã đẩy giá toàn cầu tăng vọt. Họ khát dầu lửa và đó là một trong những lý do làm giá dầu thô hiện nay là US$60/ barrel. Năm 2020, Trung Quốc sẽ sản xuất nhiều xe hơi hơn số xe Mỹ đóng. Họ cũng đang mở đường vào các hạ tầng cơ sở dầu khí khắp thế giới. Quốc gia này chấp nhận giá cả sòng phẳng trên thị trường mở, nhưng hàng triệu thùng dầu đáng lẽ phải đi về phía nước Mỹ thì lại chạy sang Tầu. Việc Trung Quốc phải bảo đảm lượng dầu lửa cần thiết để bơm đủ cho nền kinh tế của họ là yếu tố chính trong chính trị và kinh tế toàn cầu. Chúng ta hiện có chiến hạm hải quân để bảo vệ các đường biển, đặc biệt để cho các tàu chở dầu dễ dàng thông thương. Chắc không còn bao lâu nữa, Tầu cũng sẽ có hàng không mẫu hạm chầu ở vịnh Ba Tư mà thôi. Câu hỏi sẽ là, các hàng không mẫu hạm Trung Quốc sẽ chĩa mũi súng theo cùng hướng, hay lại xoay sang chĩa vào ta?


3. Sự chuyển hướng cấu trúc phân bố tuổi tác ở xã hội phương Tây

Hầu hết các nước phương Tây đã giảm thiểu sinh sản, đây là điều khó hiểu đối với nền văn minh luôn bị tình dục ám ảnh. Giữ cho dân số ổn định đòi hỏi một tỷ số sinh sản là 2,1. Tại các nước Tây Âu, tỷ số này là 1,5, nghĩa là hụt 30% dưới tỷ lệ bổ sung dân số. Trong 30 năm nữa dân số châu Âu sẽ sụt khoảng 70 đến 80 triệu người so với dân số hiện nay. Tỷ lệ sinh tại Đức nay là 1,3; tại Ý và Tây Ban Nha còn thấp hơn, là 1,2. Với đà sinh sản như vậy, dân số trong tuổi lao động của các nước trên sẽ giảm 30% vào hai mươi năm tới và điều này sẽ có tác động ghê gớm đến nền kinh tế của họ.

Khi không có công nhân trẻ để thay thế loại già cỗi, anh bắt buộc phải nhập khẩu họ. Những nước Tây Âu đang nhập khẩu lao động từ các xứ Hồi giáo, hiện nay người Hồi giáo chiếm đến 10% dân số của hai nước Pháp và Đức. Tỷ lệ nói trên đang tăng nhanh vì tỷ lệ sinh của di dân Hồi giáo khá cao. Rủi thay, việc cộng đồng Hồi giáo nói trên không được hòa nhập vào nền văn hóa của các nước chủ, sẽ tạo ra thảm họa chính trị. Một trong những lý do làm cho Pháp và Đức không hỗ trợ cuộc chiến tại Iraq là vì họ sợ cộng đồng dân cư theo đạo Hồi sẽ trỗi dậy phản đối.

Một nửa số trẻ sơ sinh tại Hà Lan vào năm 2020 sẽ không thuộc chủng tộc Âu Tây.

Một điểm yếu ghê gớm của quốc gia thế tục thời hậu hiện đại là việc xã hội nhất thiết cần một tỷ lệ sinh sản kiểu tôn giáo truyền thống để chống đỡ sự sinh tồn của nó. Người Âu đơn giản không muốn có con, vì thế họ đang tuyệt vong.

Tại Nhật tỷ lệ sinh là 1,3 và do đó dân số nước Nhật sẽ giảm đi 60 triệu trong vòng 30 năm tới. Vì xã hội Nhật rất khác với Âu châu nên họ sẽ từ chối nhập khẩu lao động. Ngược lại, còn đóng cổng. Họ đã đóng cửa 2.000 trường học và còn tiếp tục đóng cửa cỡ 300 trường mỗi năm. Dân tộc Nhật cũng đang già đi cực nhanh. Vào năm 2020 cứ trên 5 người Nhật thì sẽ có một cụ trên 70 tuổi. Không ai hình dung nổi họ sẽ giữ nền kinh tế hoạt động ra sao trong tình trạng phân bố nhân khẩu như vậy.

Châu Âu và Nhật, hai trong các cỗ máy chính của nền kinh tế thế giới, không chỉ đang suy thoái mà đang trên đà sập tiệm. Điều này sẽ có tác động kinh khủng lên nền kinh tế toàn cầu, và nó đang bắt đầu.

Tại sao tỷ lệ sinh sản lại xuống thấp như thế?

Có thể thấy một tương quan trực tiếp giữa sự từ bỏ xã hội tôn giáo truyền thống và sự giảm thiểu sinh sản. Mà niềm tin Cơ đốc lại đang trở thành vô nghĩa tại Âu châu. Lý do thứ nhì mang tính kinh tế. Khi tỷ lệ sinh tụt dưới tỷ lệ cần để thay thế, dân tộc sẽ già đi. Khi số người lao động ít mà phải hỗ trợ số người về hưu cao, thì rõ ràng là ép gánh nặng thuế khóa lên thiểu số người lao động. Hệ quả là giới trẻ trì hoãn chuyện cưới hỏi và tạo dựng gia đình. Mà một khi xu thế này khởi động thì vòng xoáy nhào xuống chỉ có ngày càng xấu đi mà thôi. Những quốc gia này như thế đã từ bỏ tất cả những truyền thống lập gia đình và nuôi dậy con cái xưa kia của họ.

Hoa Kỳ có tỷ lệ sinh sản 2,0, sát nút tỷ lệ cần thay thế. Chúng ta tăng dân số nhờ di dân. Phân tích theo nhân chủng sẽ thấy tỷ lệ sinh của giống Anglo chỉ là 1,6 (bằng Pháp) trong khi tỷ lệ nòi Hispanic là 2,7.

Thế hệ ra đời tại Mỹ qua đợt bùng nổ sinh sản đã bắt đầu ào ạt về hưu và sẽ đẩy tỷ số người già phụ thuộc (elder dependency) từ 19 lên 38 trong vòng 10 đến 15 năm tới. Tại châu Âu, tuy không tệ nhưng cho thấy đang họ đang bị kẹt trong xu thế nói trên.

Văn minh phương Tây hình như quên rằng mỗi xã hội sơ cấp đều cần trẻ em để tạo dựng được một xã hội lành mạnh, trẻ em là tầng lớp tiêu thụ khổng lồ và khi trưởng thành, chúng sẽ thành người trả thuế. Xã hội loài người hoạt động như vậy nhưng các quốc gia thế tục hậu hiện đại hình như quên tịt mất. Nếu tỷ lệ sinh sản của Hoa Kỳ trong vòng 20 đến 30 năm vừa qua vẫn giữ mức của nước Mỹ thời hậu Thế chiến thì có lẽ hệ thống bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe sẽ không có vấn đề gì.

Phương tiện kiểm tra sinh sản toàn cầu tốt nhất là tiền. Khi xã hội tạo ra tầng lớp trung lưu và nữ giới gia nhập lực lượng lao động thì tỷ lệ sinh sản tuột dốc. Gia đình đông con rõ ràng không thích hợp với lối sống trung lưu và sự phát triển kinh tế ào ạt chính là lý do nhanh nhất đưa đến giảm thiểu tỷ lệ sinh sản. Sau Thế chiến Thứ nhì, Hoa Kỳ đã giảm thuế $600 cho mỗi trẻ sơ sinh. Sáng kiến này tạo điều kiện để cha mẹ có thể nuôi hẳn bốn con mà chả cần lo lắng gì về mặt thuế khóa cả. Kết quả là cuộc bùng nổ sinh đẻ 22 triệu trẻ sơ sinh mà sau này trở thành là thị trường tiêu thụ khổng lồ cũng như biến thành cơ sở đóng góp thuế khóa mạnh mẽ. Tuy vậy, muốn thực hiện sáng kiến này với trị giá đô la hiện nay, nhà nước phải chi đến $12.000 cho mỗi trẻ.

Trung Quốc và Ấn Độ không nằm trong tình trạng giảm dân số nhưng tại đây lại hiện hữu việc chuộng trai hơn gái và họ đã có công nghệ kiểm tra giới tính trước khi sinh. Nhiều gia đình Tầu và Ấn Độ đã phá thai khi biết là con gái, đưa đến hệ quả có đến 70 triệu thanh niên tại mỗi nước, khi trưởng thành sẽ không bao giờ tìm được vợ. Nếu không bị can thiệp, thiên nhiên sẽ tự sinh 103 trai cho 100 gái, thế mà tại nhiều tỉnh, tỉ lệ này lại trở thành 128/100.

Tỷ lệ sinh sản tại Nga yếu đến nỗi vào năm 2050, dân số của họ sẽ thấp hơn của Yemen. Nước Nga chiếm đến một phần sáu diện tích trái đất và cũng từng ấy tỷ lệ về dầu lửa. Anh không thể nào kiểm soát nổi khoảng đất đai rộng lớn đến vậy với dân số lèo tèo được. Ngay cửa ngõ phía Nam, lại chầu chẫu đến 70 triệu "sếnh sáng" đang lùng vợ: đúng là một kịch bản kinh hoàng có khả năng hiện thực cho nước Nga.


4. Tái cấu trúc nền kinh doanh Hoa Kỳ

Bốn chuyển biến chính bao gồm cả việc tái cấu trúc cơ bản nền kinh doanh của Hoa Kỳ. Môi trường này hiện nay rất phức tạp và mang tính cạnh tranh. Muốn thành công, phải là mũi nhọn, nghĩa là anh phải cung cấp chất lượng cao nhất với giá rẻ nhất. Mặc mức giá nào thì giá, anh cứ phải giao chất lượng tốt nhất và nhận giá bèo. Muốn dẫn đầu thì chỉ có thể tập trung vào một chuyện, anh không thể nào ôm đồm mọi thứ cho mọi người mà lại “hết sảy” được.

Cách đây một thế hệ, IBM thường sản xuất mọi chi tiết máy tính của hãng mình. Giờ đây thì công ty Intel sản xuất chips, Microsoft cung cấp phần mềm, và hãng khác nào đó thì lo modem, đĩa cứng, màn hình v.v. IBM tống cả trung tâm giao dịch qua điện thoại ra ngoài vì đã có những hãng khác cung cấp hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn khi tự làm. Rốt cuộc họ đã đẻ ra máy tính chất lượng hơn với giá mạt hơn, cái đó người ta gọi là "sự phân rã" kinh doanh. Khi một tổng công ty có thể cho ra mặt hàng tốt hơn bằng cách dựa trên những hãng khác để thực hiện chức năng kinh doanh mà chính họ thường làm, thì tổng công ty này đã tạo ra một tổ hợp hình kim tự tháp của những công ty phục vụ và hỗ trợ lẫn nhau.

Tiến trình phân rã hệ thống kinh doanh của Hoa Kỳ hiện đã sang thế hệ thứ hai. Nhiều công ty bị loại khỏi hãng mẹ, đang cung cấp cho IBM, đến lượt mình, lại thực hiện quy trình phân rã dịch vụ và sản xuất y hệt. Kết quả là họ cũng tạo ra hàng hóa ngày càng rẻ và tốt hơn. Theo thời gian, kim tự tháp này ngày càng tiếp tục phình lên. Cứ mỗi khi người ta nghĩ là nó hết phân rã nổi nữa, thì nó lại… như thế. Ngay cả một cấu trúc kinh doanh rất nhỏ cũng có thể có một kim tự tháp lớn các đơn vị tổ hợp thực hiện thay cho nó rất nhiều chức năng cần thiết. Viễn cảnh của xu thế này là nhiều công ty sẽ sử dụng ít công nhân viên đi và thay vào đó nhiều cộng tác viên hợp đồng độc lập hơn.

Bộ máy tích hợp và xu thế phân rã nói trên tạo ra hai từ mới trong cơ cấu bổ sung sản xuất. Trên đỉnh kim tự tháp, công ty IBM là phần tích hợp, hạ tầng kim tự tháp là Microsoft, Intel và các công ty khác đang hỗ trợ IBM, gọi là phần bổ sung. Tuy nhiên mỗi thành phần của bổ sung lại trở thành đỉnh tích hợp của những công ty ở dưới và điều này sinh nhiều hệ quả, trước tiên là hiện nay hiện hữu những lý giải sai lầm về kinh tế. Nhiều người trước kia là công nhân viên chức, nay trở thành cộng tác viên độc lập có cơ sở kinh doanh riêng, do đó tuy nhiều người đang lao động thuê thực sự nhưng công việc của họ không còn được xem như là việc làm thuê nữa. Kết quả thường là nền kinh tế với thực tế đang ngóc đầu lên tốt hơn là những con số thống kê mà chúng ta được biết.

Sự kiện đưa một số bộ phận công ty ra ngoài cũng làm sai lệch những con số đã đề cập. Thí dụ một tổng công ty như General Motors quyết định tống ra ngoài tất cả dịch vụ về phục vụ ăn uống sang cho công ty Marriot đảm nhiệm, GM sẽ sa thải hàng trăm công nhân viên phục vụ ăn uống của hãng. Những công nhân viên này sẽ phải đến công ty Marriot xin việc, điều thay đổi duy nhất là các nhân viên nói trên, thay vì lao động cho GM, nay lại làm cho Marriot. Tuy nhiên các tựa lớn của môi trường truyền thông lại ta thán rằng nền hinh tế Hoa Kỳ đã xóa đi nhiều việc làm trong ngành sản xuất. Thực chất là các công nhân viên này đã được xếp loại vào hàng công nhân viên của ngành dịch vụ. Như vậy là cách kiểm kê việc làm theo kiểu xưa đã góp phần làm sai lạc những lý giải kinh tế. Đến nay, chưa ai có thể hình dung được sẽ chỉnh sửa cách nào để những con số thống kê nắm bắt được sự thực của những sự thay đổi trong thế giới kinh doanh.

Hệ quả thứ hai của công cuộc tái cấu trúc khổng lồ là các công ty sẽ cho về vườn rất nhiều đơn vị cũng như công nhân viên đã từng làm việc cho họ, làm cho tổng thể nhỏ lại. Khi tổng công ty trở thành gọn hơn và hữu hiệu hơn thì doanh số sẽ giảm và lợi nhuận sẽ tăng. Kết quả là quan niệm cũ “doanh thu càng to càng sướng” không còn chính xác nữa. Các công ty ngày càng nhỏ hơn nhưng hữu hiệu và tạo nên nhiều lợi nhuận hơn trong quá trình sản kinh doanh.



*


Những hệ quả của bốn chuyển biến

1. Chiến tranh tại Iraq

Trên mặt nào đó, chiến tranh tiến hành thuận lợi. Với công cuộc xây dựng chính quyền hiện đại, Afghanistan và Iraq đã đạt những tiến bộ khổng lồ. Saudi Ả rập đã bắt đầu ngồi vào bàn để thảo luận vài điều có ý nghĩa trong khi Ai Cập cùng Lebanon bắt đầu chuyển mình đúng hướng.

Một chuỗi những cuộc cách mạng đã xẩy ra tại những xứ như Ukraine và Georgia. Sẽ còn nhiều cuộc nổi dậy như vậy vì lý do đáng quan tâm. Cuộc cách mạng nào cũng thế, sẽ đến lúc mà kẻ độc tài sẽ xoay sang các tướng lãnh và ra lệnh "bắn vào đám đông đi". Khi quân đội bắn vào dân thì cuộc nổi dậy sẽ chấm dứt. Nếu các tướng nói "không", thì cách mạng sẽ thành công. Câu trả lời "không" ngày càng nhiều vì bản thân con cháu của các tướng tá cũng nằm lẫn trong quần chúng.

Nhờ truyền hình và internet, giới trẻ trung bình 18 tuổi sống ngoài nước Mỹ rất hiểu tình hình thế giới, như một dạng văn hoá phổ thông. Đây là một ý thức mang tính toàn cầu mà giới trẻ trên khắp thế giới muốn được dự phần. Họ càng ngày càng nhận ra rằng, cái chính phủ khốn nạn mà họ đang phải chung sống chính là trở ngại duy nhất trên đường tiến của mình. Tầng lớp thanh niên có học, các con ông cháu cha và trí thức ưu tú, ngày càng nhiều, tham gia lãnh đạo các cuộc cách mạng nói trên.

Đồng thời phải thú nhận rằng không phải lúc nào chiến tranh cũng suôn sẻ cả. Mức độ tàn bạo tại Iraq càng ngày càng trầm trọng và không có dấu hiệu được cải thiện. Có thể chúng ta đã đòi hỏi quá nhiều cùng một lúc ở đạo Hồi. Chúng ta muốn vực thế giới Hồi giáo từ thế kỷ thứ 7 tức thời sang thế kỷ 21. Quá sức họ chăng? Họ có thể thực hiện được, mà cũng có thể không. Không ai khẳng định được chắc chắn. Điểm cốt tử là chúng ta không biết rồi chiến sự sẽ đi về đâu. Kẻ nào nói rằng mình tiên đoán được, là đoán mò!

Nơi cần quan tâm thật sự chính là Iran. Nếu họ đã có võ khí hạt nhân thì thật là khủng khiếp và chỉ còn hai cách để xử lý. Cách thứ nhất là tấn công quân sự Iran, là điều hết sức khó thực hiện. Iran đã phân tán những phương tiện chế tạo võ khí hạt nhân và đem giấu hết nơi những cơ sở ngầm dưới đất, Hoa Kỳ sở hữu võ khí hạt nhân xuyên sâu để phá hủy những phương tiện nói trên nhưng không muốn sử dụng. Chỉ còn cách là tách các giáo sĩ cực đoan ra khỏi chính quyền tại Iran và đó là hành động khả dĩ còn tiến hành được.

Bẩy mươi phần trăm dân số Iran dưới 30 tuổi, dân Iran theo đạo Hồi nhưng không thuộc chủng tộc Ả Rập và có khuynh hướng thân phương Tây. Nhiều chuyên gia nghĩ rằng Hoa Kỳ đã phải thông đồng với Iran trước khi tiến đánh Iraq. Vấn đề lớn chả phải là vũ khí mà nằm nơi những kẻ sẽ sử dụng chúng. Giá mà Iran có một chính quyền ôn hòa thì vấn đề vũ khí đã nhẹ đi nhiều rồi.

Chúng ta không biết được sẽ thắng hay thua tại Iraq. Rồi cũng không thắng thì thua thôi. Những gì chúng ta trông chờ là các dấu hiệu chứng tỏ thế giới Hồi giáo đang dần ổn định và tiến về phía thế kỷ 21.


2. Trung Quốc

Có lẽ Tầu đã dồn 500 triệu người từ nông thôn ra thành thị quá sớm. Tuy không rùm beng nhưng họ hiện phải đương đầu với hàng trăm cuộc biểu tình không lường trước được trên khắp lãnh thổ. Đây không phải biểu tình sinh viên kiểu Thiên An Môn mà là người dân bình thường tức giận biểu tình vì đại loại chính quyền xây những nhà máy hóa chất làm ô nhiễm nguồn nước uống hay không khí.

Người Tầu thông minh và cần cù. Họ có khả năng vượt khó và trở thành một siêu cường quân sự và kinh tế. Nếu vậy, chúng ta phải học cách sống chung với họ. Nếu họ muốn chia sẻ trách nhiệm để giữ thông những tuyến đường chuyên chở dầu trên biển, thì cũng tốt thôi. Họ hiện là chủ của 8 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng và 45 nhà máy còn nằm trong danh sách. Chả còn bao lâu nữa. Trung Quốc sẽ vượt mặt Hoa Kỳ về sản xuất điện hạt nhân.

Thế thì Trung Quốc vướng mắc những gì?

Đầu tiên là anh không thể di dời 550 triệu dân về thành phố mà không gặp những vấn đề khổng lồ. Thứ nhì, Tầu không muốn thu hồi Đài Loan vì lý do kinh tế, họ chỉ muốn chiếm đoạt đảo quốc này, thế thôi! Trung Quốc biết rằng thể chế cộng sản của họ không thể sống còn qua thế kỷ 21, và điều cuối cùng mà họ muốn thực hiện trước khi hóa thân thành ra một kiểu chính quyền đậm nét tư bản hơn, là chiếm Đài Loan.

Có khả năng chúng ta thức giấc vào một sáng nào đó và thấy Tầu bắt đầu tấn công Đài Loan. Thế thì sẽ nẩy sinh xáo trộn về cả hai mặt kinh tế và quân sự. Hoa Kỳ cam kết bảo vệ quân sự Đài Loan, nếu Tầu tấn công đảo này thì Mỹ có thực sự muốn choảng nhau với họ không? Nếu hàng tướng lãnh Tầu tin rằng câu trả lời là “không”, thì sẽ tiến công. Nếu chúng ta không bảo vệ Đài Loan thì mọi cam kết của Hoa Kỳ trên thế giới chỉ là mớ giấy lộn. Hy vọng là Trung Quốc sẽ không làm điều gì xuẩn động.


3. Vấn đề phân phối tuổi tác nhân khẩu

Châu Âu và Nhật đang chết dần vì dân số của họ đang già đi và thu nhỏ lại. Xu thế này chỉ có đảo ngược nếu thành phần dân số trẻ bắt đầu chịu sinh con. Tuy nhiên do tỷ lệ sinh sản quá thấp tại các vùng đất này, nên họ cần đến hai thế hệ để lật ngược tình thế. Hiện chưa có mô hình kinh tế nào cho phép con người sử dụng đến 50 năm để xoay trở tình thế. Vài quốc gia đã bắt đầu khuyến khích dân chúng có gia đình đông con, chẳng hạn người Ý hễ sinh con là được giảm thuế. Thế nhưng, đây là vấn đề đánh đổi lối sống lấy chút đỉnh tiền và người Âu chẳng muốn từ bỏ lối sống tiện nghi của họ để được thêm con.

Nói chung, người châu Âu chỉ muốn kéo dài lối sống nói trên thêm một thời gian nữa, họ thực có tài trong cách hưởng thụ cuộc sống và không thích nai lưng làm việc. Trung bình một công nhân châu Âu được hưởng 400 giờ nghỉ phép trong một năm nhiều hơn so với một công nhân Mỹ. Họ không "tham công tiếc việc" cũng như không ước muốn những đổi thay cần thiết để phục hồi nền kinh tế của chính họ.

Mùa hè sau biến cố 11.9, 15.000 người Pháp đã thiệt mạng qua đợt nóng hạn. Hàng năm vào tháng 8, cả nước cơ bản đóng cửa nghỉ hè. Riêng năm nói trên, đợt nóng quá khắc nghiệt đã cướp đi sinh mạng 15.000 người già yếu nơi các nhà thương và viện dưỡng lão. Thế mà chả ai trong con cháu họ đã rời bờ biển để trở về lo nhận xác. Các cơ sở y tế phải cuống cuồng tranh nhau kiếm đủ phòng lạnh ướp thi thể chờ cho đến khi con cháu các nạn nhân về lo hậu sự. Số nạn nhân này như thế là cao gấp 5 lần con số của ngày 11.9 tại Mỹ, mà không hề kích động được chút thay đổi nào trong xã hội Pháp.

Khi tỷ số sinh sản quá thấp, nó sẽ tạo gánh nặng thuế khóa khổng lồ trên giới trẻ. Trong hoàn cảnh như vậy, chăm nuôi cha mẹ chả phải là sự chọn lựa hấp dẫn gì! Điều đó giải thích tại sao việc giúp thực hiện quyết định nhẹ nhàng chết sớm đã trở thành phổ biến tại các nước châu Âu. Quốc gia duy nhất không cho phép (tuy vẫn khuyến khích) là nước Đức, chỉ vì lý do người Đức còn mang nặng di sản tinh thần của Thế chiến thứ Nhì.

Kinh tế châu Âu bắt đầu phân rã. Đồng Euro xuống giá. Các nước như Ý bắt đầu bàn chuyện rút khỏi Liên hiệp châu Âu vì cho rằng khối này đang giết họ. Tại châu Âu, khi kinh tế trở nên tồi tệ thì người ta chơi trò chính trị bẩn thỉu. Dấu hiệu là việc bài Do Thái, hễ trò này phát triển là lại sắp có chộn rộn. Hiện nay mức độ bài Do Thái lên cao hơn bao giờ hết. Tuy người Đức sẽ không khai chiến trở lại nhưng mảnh đất châu Âu có vẻ tồi tệ, nguy hiểm hơn trước và nếu sống ở đó cũng ít phần thú vị hơn.

Nhật có tỷ lệ sinh sản 1,3 nhưng không có ý định mở rộng nhập cư. Vào năm 2020, cứ mỗi 5 người Nhật thì một sẽ là người trên 70 tuổi. Trong 14 năm qua, tổng sản lượng quốc gia hàng năm của nước Nhật đều giảm, đơn giản là họ giảm tốc kiểu chuẩn bị ngừng máy.

Hoa Kỳ chúng ta cũng có tình trạng dân số già đi. Lực lượng lao động của thế hệ bùng nổ sinh sản bắt đầu nghỉ hưu từng loạt, và điều này kéo theo nhiều hệ quả lớn:

Khả năng nhà lớn bốn phòng ngủ bị ào ạt bán tống tháo, đồng thời với việc chuyển sang ở hộ.


Ngân khố nhà nước sẽ bị thất thoát kinh khủng. Thế hệ trên vẫn đi bầu và sẽ đòi hỏi nhiều quyền lợi dù rằng điều này có nghĩa là con cháu họ sẽ phải gánh nợ qua thuế khóa. Bảo hiểm xã hội trở thành vấn đề nan giải. Khi thế hệ này già đi, hệ thống bắt đầu phải xả. Mỹ là nước duy nhất trên thế giới không giới hạn tuổi tác trong khâu chăm sóc y tế.


Hệ thống chăm sóc sức khỏe phải xả tiền ghê gớm trong khi gánh nặng thuế khóa của người trẻ tăng lên đưa đến việc họ sẽ trì hoãn cưới xin và lập gia đình. Hậu quả là tỷ lệ sinh sản ngày càng xuống thấp hơn nữa.

Tuy những vấn đề trên thật kinh hoàng nhưng mặt khác chúng cũng tạo những cơ hội lớn về mặt cung cấp sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao niên. Sẽ đẻ ra một nhu cầu lớn trong vấn đề chăm sóc người già, đặc biệt cho những người già không muốn nhập viện dưỡng lão nhưng lại cần một mức độ chăm sóc nào đó. Người ta có thể kinh doanh bằng cách chăm sóc ba bốn người già trong nhà riêng. Nhu cầu về dịch vụ nói trên và về các sản phẩm chăm sóc cho người cao niên, sẽ cực lớn. Khi bạn định hướng kinh doanh nơi nhộn nhịp, cần để ý tình hình phân bố tuổi tác, tỉ dụ chắc chắn bạn sẽ không muốn trở thành nhà sản xuất thức ăn cho trẻ sơ sinh tại châu Âu hay tại Nhật. Tình hình phân bố này đã bị đánh giá quá hời hợt trong việc tìm kim chỉ nam tìm cơ hội làm ăn. Kinh doanh đương nhiên cần khách hàng. Vậy thì chỗ nào có khách là ta đến.


4. Tái cấu trúc nền kinh doanh Hoa Kỳ

Tái cấu trúc nền kinh doanh có nghĩa là sẽ chấm dứt thời đại quan hệ chủ và người làm thuê. Khi phân rã nền kinh doanh thành những đơn vị nhỏ khác nhau, người chủ không còn bảo đảm việc làm được nữa vì chính họ cũng không biết rằng công ty mình năm tới sẽ ra sao. Ai ai – mỗi người một kiểu - cũng sẽ đều trở thành mẫu người làm ăn tự lập. Hợp đồng lao động kiểu mới có thể sẽ đại loại kiểu: "Anh có mặt tại văn phòng của tui năm ngày một tuần và làm cái gì tui biểu anh, nhưng anh tự lo lấy dùm các khoản bảo hiểm, phụ cấp, chăm sóc sức khỏe và mọi thứ còn lại nhé”.

Người vợ và chồng sẽ trở thành những đơn vị kinh tế, họ làm công việc cũng như theo ca kíp khác nhau, tùy vị trí bản thân trong đời sống nghề nghiệp và gia đình. Họ sẽ thỏa thuận một khoản bù trừ để san sẻ việc chăm sóc gia đình. Trước kia, chỉ những cặp vợ chồng được đào tạo chuyên môn và hưởng lương cao mới làm thế, nhưng ngày nay nó trở thành phổ biến cả với tầng lớp công nhân đứng máy. Các cặp vợ chồng thuộc mọi tầng lớp đều phải thiết kế khoản bù trừ nói trên dựa vào nhu cầu bản thân. Lối sống như vậy sẽ chỉ ổn định khi mọi thứ đều uyển chuyển và dịch chuyển được, là một đòi hỏi thay đổi kinh khủng nơi nền kinh doanh Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đang trong quá trình xây dựng mô hình kinh tế đầu tiên của thế giới cho thế kỷ 21. Chỉ có hai quốc gia khác cũng đang làm như vậy: Anh và Úc. Mô hình mang tính linh hoạt, uyển chuyển, hiệu quả cao và bất ổn bởi phân rã và tái phân rã. Khoảng cách giữa nền kinh tế Mỹ và các nền kinh tế khác, đặc biệt là của châu Âu và Nhật, sẽ tăng cao.

Đồng thời khoảng cách về mặt quân sự cũng sẽ gia tăng. Khác với Tầu, Mỹ là quốc gia duy nhất còn tiếp tục đổ tiền vào quân sự. Thêm vào đó, Hoa Kỳ hiện là lực lượng quân sự duy nhất có kinh nghiệm về địa chiến thông qua chiến tranh Iraq. Chúng ta biết rõ vũ khí công nghệ cao nào hữu dụng và cái nào không. Hầu như không ai có khả năng chọi với ta được, về kinh tế cũng như quân sự. Cũng chưa từng có siêu cường nào trước kia đã đạt được vị trí này.

Một mặt, những điều nói trên làm Hoa Kỳ thu hút được những người tài và tham vọng. Mặt khác chúng ta lại trở thành đích bắn. Chúng ta đang chuyển mình thành một trong những căn cứ điểm sau cùng của nền văn hóa Do Thái-Thiên chúa cổ truyền.

Không có nơi nào tốt hơn Hoa Kỳ để kinh doanh và nuôi dậy con cái. Nước Mỹ tốt hơn hẳn mọi nơi khác để khai triển ý tưởng, xây dựng cơ sở kinh doanh, để rồi thâm nhập thị trường. Chúng ta thấy thế là đương nhiên, nhưng các nước khác trên thế giới làm sao tự nhiên mà có được!

Vấn đề tối hậu là văn hóa. Kẻ duy nhất có thể làm tổn thương chúng ta sẽ là chính ta, một khi đánh mất nền văn hóa của mình. Nếu bỏ rơi nền văn hóa Do Thái - Thiên chúa, chúng ta sẽ trở thành như người Âu. Cuộc chiến văn hóa chính là trận quyết chiến. Nếu thua, sẽ chẳng còn nước Mỹ nào khác cho chúng ta nữa đâu!

Aucun commentaire: