1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

jeudi 31 mai 2007

Rất Đáng Bị Lên Án


Rất Đáng Bị Lên Án
Phạm Hồng Sơn - VN

“… mọi âm mưu hay thủ đoạn nhằm ức chế, triệt tiêu quyền tự do hay lương tâm của đảng viên muốn hành động vì lợi ích dân tộc đều rất đáng bị lên án …”



Báo Nhân dân ( cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt nam) ngày 25/05/2007 đã đăng một tư liệu trong chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tư liệu đó nguyên văn như sau:

“Phải giữ kỷ luật
Hồ Chí Minh

Lợi ích của dân tộc, gồm có lợi ích của Đảng. Lợi ích của Đảng, gồm có lợi ích của đảng viên. Vì vậy, sự phát triển và thành công của Đảng, một mặt tức là thành công của dân tộc, một mặt tức là thành công của đảng viên. Vì vậy, chỉ có khi Đảng thành công và thắng lợi, thì đảng viên mới có thể thành công và thắng lợi. Chính vì vậy mà đảng viên cần phải hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích chung của Đảng.

Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sỹ xung phong. Đó là do sự “ tự giác”, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sỹ xung phong. Đã vậy, thì mỗi người đảng viên phải cố gắng cho xứng đáng là một người trong những người đại biểu của dân tộc.

Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo.
Cũng vì lợi ích của dân tộc, mà Đảng cần phải khuyến khích và khen thưởng những ưu điểm và tài năng của đảng viên. Cần phải giúp cho họ học hành, giúp cho họ làm việc và tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ về mặt sinh hoạt, trong lúc ốm đau. Khiến cho họ ham làm việc, vui làm việc. Nói tóm lại: mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải hoàn toàn phục tùng lợi ích của Đảng. Không nên có mục đích cá nhân. Không nên vì cá nhân mà yêu cầu Đảng cái này cái khác, hoặc trách móc Đảng không giúp đỡ mình, không khen thưởng mình.

Đồng thời, bất kỳ hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, trí thức và chính trị của mình. Luôn luôn giữ kỷ luật. Luôn luôn xứng đáng một người cán bộ, một người đảng viên.”

Trích: Hố Chí Minh toàn tập t. 5, Nxb. Chính trị quốc gia Hà nội, 1995, trang 253.

Trong bài viết này, Hồ Chí Minh, ngay từ đầu đã đưa ra mối liên hệ có tính lô-gíc nhân quả một chiều giữa 03 chủ thể (Dân tộc, Đảng, Đảng viên) làm cơ sở cho những lập luận và kiến giải tiếp theo, đó là “Lợi ích của dân tộc, gồm có lợi ích của Đảng. Lợi ích của Đảng, gồm có lợi ích của đảng viên“ lợi ích từ cái toàn cục (dân tộc) đến cái bộ phận lớn( đảng), từ cái bộ phận lớn (đảng) đến cái bộ phận nhỏ hơn (đảng viên). Nhưng, tiếp theo Hồ Chí Minh kết luận “Vì vậy, sự phát triển và thành công của Đảng, một mặt tức là thành công của dân tộc, một mặt tức là thành công của đảng viên“, trong kết luận này, Hồ Chí Minh đã đi ngược trật tự lô-gíc ban đầu giữa chủ thể 1 (Dân tộc) và chủ thể 2 (Đảng) khi cho rằng lợi ích (sự phát triển và thành công) của cái bộ phận lớn (đảng) là lợi ích của cái toàn cục (dân tộc).

Như thế, rõ ràng Hồ Chí Minh đã nhầm lẫn lớn hoặc đã cố tình đánh tráo trật tự lô-gíc cơ sở ban đầu để đi đến một kết luận sai lầm “Vì vậy, sự phát triển và thành công của Đảng, một mặt tức là thành công của dân tộc”. Kết luận này chỉ có thể là một khả năng chứ không thể là một hệ quả tất yếu. Có thể tài sản và quyền lực của đảng cộng sản ngày càng gia tăng nhưng dân tộc lại chịu thất bại với những vấn đề nan giải ( tài nguyên và ngân sách quốc gia bị đục khoét, môi sinh bị hủy hoại, bất công xã hội gia tăng, giá trị đạo đức xã hội bị đảo ngược,…).

Đến kết luận thứ hai “Vì vậy, chỉ có khi Đảng thành công và thắng lợi, thì đảng viên mới có thể thành công và thắng lợi”, thì Hồ Chí Minh đã loại bỏ hoàn toàn chủ thể 01 (Dân tộc, chủ thể bao trùm toàn bộ) bằng cụm từ khẳng định “, chỉ có khi Đảng…” và cũng là sự phủ nhận tác động của chủ thể 01 (dân tộc) với chủ thể 03 (đảng viên) để chỉ nói đến mối liên quan lô-gíc thứ hai giữa chủ thể 02 (đảng, cái bộ phận lớn) và 03 (đảng viên, cái bộ phận nhỏ hơn) và từ đó đi ngay đến kết luận cuối cùng “Chính vì vậy mà đảng viên cần phải hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích chung của Đảng.” Cách lý luận có hình thức lô-gíc nhưng sai lầm này, thường được các nhà học thuật gọi là sự ngụy biện hay thuật ngụy biện.

Kết luận cuối cùng vừa dẫn dễ làm cho người đọc hoặc đảng viên (cộng sản) ngộ nhận rằng sự hy sinh cho đảng cộng sản cũng tức là hy sinh cho dân tộc. Đây là một sự ngộ nhận vô cùng nguy hiểm cho dân tộc. Khi bị ngộ nhận như thế, các đảng viên và dân chúng dễ dàng trở thành các tín đồ xả thân cho mọi tham vọng của đảng với một niềm tự hào nhầm lẫn “vì dân tộc”, bất chấp các hậu quả khôn lường cho xã hội, dân tộc. Thuật ngụy biện thường được áp dụng trong tuyên truyền của các đảng phái cực đoan trên thế giới đã gây hậu quả thảm khốc cho dân tộc đó hoặc nhân loại như đảng Quốc xã của Hitler (nạn diệt chủng Do thái, gây chiến thế giới), đảng cộng sản Khmer đỏ (nạn diệt chủng tại Cam-pu-chia), đảng cộng sản Trung quốc (thảm họa trong Cách mạng Văn hóa, Chương trình đại nhảy vọt,…)

Quyền lợi hay lợi ích của một đảng phái không và không bao giờ đồng nhất hoàn toàn với quyền lợi và lợi ích của cả một dân tộc, do đảng phái đó chỉ là tập hợp của một số người, trong khi toàn thể dân tộc là tập hợp của rất nhiều cá nhân khác, các nhóm người khác, các hội đoàn, đảng phái khác có quan điểm và lợi ích hoàn toàn khác với đảng phái đó. Cho dù đảng đó có tuyên ngôn, tuyên bố là “chỉ vì lợi ích của dân tộc” hay “ngoài lợi ích dân tộc, không có lợi ích gì khác” thì cái thực tế đa nguyên sống động của xã hội loài người (thế giới tự nhiên) cũng không thể đồng nhất được với bất kỳ một đảng phái “tốt đẹp” nào.

Phần tiếp theo của tư liệu kể trên chỉ là sự diễn giải tiếp nối 03 kết luận sai lầm đã dẫn, có mục đích rõ ràng là làm cho người đảng viên cộng sản Việt nam “cần phải hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích chung của Đảng” và “không nên vì cá nhân mà yêu cầu Đảng cái này, cái khác, hoặc trách móc Đảng không giúp đỡ mình, không khen thưởng mình”.

Với tư cách là người sáng lập ra đảng cộng sản và là chủ tịch đảng lúc đó, Hồ Chí Minh cố gắng lý luận, kể cả ngụy biện như trên để thuyết phục, kêu gọi sự trung thành, hy sinh của các đảng viên của ông cũng là điều dễ hiểu. Nhưng với tư cách là một chủ tịch nước, sự lập luận và kêu gọi đó của Hồ Chí Minh đã là sự tổn hại đến lợi ích của Dân tộc, điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận.

Ngay cả đã vào đảng, mỗi đảng viên cộng sản, trước hết, cũng đều là một công dân của nước Việt nam, là con của dân tộc Việt nam, vì vậy sự trung thành hay hy sinh cho đảng của các đảng viên cộng sản chỉ đúng đắn khi sự trung thành, hy sinh đó phù hợp với quyền lợi và lợi ích của dân tộc. Mỗi đảng viên cộng sản cho dù phải tuyên thệ và bị ràng buộc vào điều lệ đảng thì họ vẫn luôn còn đầy đủ quyền tự do của một công dân, vẫn luôn còn lương tâm của một con người để dám khước từ những hành động có lợi cho đảng nhưng có hại cho dân tộc và sẵn sàng đảm nhận hành động có lợi cho dân tộc cho dù ảnh hưởng tới đảng.

Trong đêm trường phong kiến của phương Đông trước đây, các bậc sĩ phu cũng đã tự răn mình “Tòng đạo bất tòng quân” (làm theo đạo lý, lẽ phải chứ không làm theo vua). Chính vì vậy mà mọi âm mưu hay thủ đoạn nhằm ức chế, triệt tiêu quyền tự do hay lương tâm của đảng viên muốn hành động vì lợi ích dân tộc đều rất đáng bị lên án.

Phạm Hồng Sơn
28/05/2007

Aucun commentaire: