Lại phải « cảnh-giác Bắc Triều » !
Trương Nhân Tuấn
Ngày 11 tháng 11 vừa qua, Đường Gia Triền, Ủy-Viên Quốc-Vụ Viện Trung Quốc sang « thăm » Việt-Nam và được các lãnh-đạo cao nhất của Việt-Nam, đảng cũng như nhà-nước, tiếp đón một cách trọng-thể. Ông Triền đã được các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng tiếp-đón. Mục-đích chuyến đi « thăm » Việt-Nam của ông Đường Gia Triền được báo-chí trong nước ghi lại : « nhằm triển khai thực hiện các thoả thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đồng thời chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào sắp tới ».
Người ta có quyền đặt nghi-vấn về mục-tiêu chuyến đi của ông Triền vì tự nó thể-hiện nhiều uẩn-khúc.
« Các thỏa-thuận đã đạt được giữa lãnh-đạo cấp cao hai nước » là các thỏa-thuận nào và liên-quan đến các việc gì ? Lãnh-đạo cấp cao là ai ? Cấp nào ? Không lẽ bộ Ngoại-Giao Việt-Nam đã bị bãi bỏ ?
Quan-hệ giữa hai nước, về mọi phương-diện, phải được xác-định qua các Công-Ước hay Hiệp-Ước v.v… và các điều ước này phải được Quốc-Hội thông-qua. Ông Triền sang Việt-Nam để « triển-khai » và « thực-hiện » các thỏa-thuận này. Ông Triền là cái ông kẹ nào mà quyền-hạn lắm như vậy ? Tin vắn-tắt do báo-chí trong nước ghi lại làm người ta nghĩ rằng quí ông lãnh-đạo Việt-Nam đã đi quá quyền-hạn do Hiến-Pháp qui-định. Nào ai biết các « thỏa-thuận » đó nội-dung ra sao, ký khi nào, ai ký kết với ai ? vai trò Quốc-Hội xem như không có. Lý ra, mọi quan-hệ hai nước Việt-Trung phải được bàn-thảo trung-thực và rốt-ráo trước Quốc-Hội. Nội-dung các điều-ước sau đó phải được báo-chí công-bố đầy-đủ.
Ông Triền sang « thăm » Việt-Nam cũng nhằm mục-đích « chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào sắp tới ». Không thấy quí ông sứ-giả của TT G.W. Bush, V. Putin hay của lãnh-đạo các nước khác, sang « chuẩn-bị » cho các vị này, mặc dầu quí-vị này cũng như Hồ Cẩm Đào, sẽ sang Việt-Nam tham-dự Hội-Nghị Thượng-Đỉnh APEC trong vài ngày tới. Hay nếu có, không có sứ-giả nào được tiếp-đón bằng thể-thức « quốc-khách », trên cả sự long-trọng, như ông Đường Gia Triền.
Trong cuốn hồi-ký «Hồi Ức và Suy Nghĩ» của Trần Quang Cơ, nguyên Thứ-Trưởng Bộ Ngoại-Giao, đăng trên trang nhà www.thongluan.org , có đoạn chỉ-trích thái-độ làm nhục « quốc-thể », « thần-phục » đảng CS Trung-Quốc của lãnh-đạo đảng CSVN như sau : « Sau Đại hội VII, mọi vấn đề quan trọng về đối ngoại của Nhà nước đều do Hồng Hà, bí thư TƯ, phụ trách đối ngoại, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lê Đức Anh và tất nhiên được sự tán thưởng của TBT Đỗ Mười, quyết định. Những phần công việc xưa nay vốn do Bộ Ngoại giao đảm nhiệm nay đều do Hồng Hà và Ban Đối ngoại chủ trì. Một thí dụ điển hình về vì ý đồ cá nhân họ sẵn sàng bỏ qua danh dự và quốc thể: Ngày 5.8.91, tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, Hồng Hà tuyên bố: ‘Từ nay trong quan hệ với Trung Quốc các ngành cứ tập trung ở chỗ anh Trương Đức Duy (Đại sứ Trung Quốc), không cần qua sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh’. Lê Đức Anh cho biết khi ở Trung Quốc, Phó ban Đối ngoại Trung Quốc Chu Lương có đề nghị: vì lý do kỹ thuật, quan hệ giữa hai Đảng xin làm qua Trương Đức Duy.. »
Vai trò của Đường Gia Triền hiện nay không khác Trương Đức Duy, nếu không nói có phần mạnh hơn. Nhiều người thông-thạo tình-hình Việt-Nam cho rằng đường lối chính-trị của hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh vẫn còn đang được tiếp-nối hiện nay. Rõ-ràng sự có mặt của ông Đường Gia Triền tại Việt-Nam đã làm cho giả-thuyết này thêm phần thuyết-phục. Người ta nghi-ngờ rằng ông Triền sang thăm Việt-Nam với vai-trò của một « thái-thú ». Mục-tiêu của ông Triền nhằm kiểm-soát lại và sắp xếp mọi việc trong đảng CSVN trước Hội-Nghị Thượng-Đỉnh APEC.
Nếu thật sự là vậy thì tình hữu-nghị Việt-Trung ngoài 16 chữ vàng và 4 tốt còn có thêm hai chữ vệ-tinh. Việt-Nam là vệ-tinh của Trung-Quốc. Tình hữu-nghị Việt-Trung là hấp-lực hỗ-tương giữa hai đảng không thể tách rời. Có điều Trung-Quốc đi đâu thì Việt-Nam theo đó, Trung-Quốc làm gì thì Việt-Nam làm cái đó. Điều này cho thấy Việt-Nam không thực sự độc-lập và tự-chủ.
Kết-quả, đường-lối chính-trị vệ-tinh của cấp lãnh-đạo Việt-Nam những năm qua đã biến thác Bản-Giốc của Việt-Nam thành ra « Đức Thiên Bộc Bố 德 天 瀑 布» của Tàu. Mười một ngàn cây-số vuông lãnh-hải của Việt-Nam trong Vịnh Bắc-Bộ cũng trở thành vùng biển của Tàu. Nhiều vùng đất khác trên vùng biên-giới thuộc Việt-Nam cũng ra như vậy. Ông Trần Quang Cơ có tố cáo việc này trong cuốn hồi-ký ghi trên như sau : « trong khi trên bộ, Trung Quốc không có dấu hiệu nào muốn giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lại còn làm xấu thêm tình hình (xâm canh xâm cư, xây kè cống làm thay đổi dòng chảy các sông suối biên giới có lợi cho Trung Quốc, lấn sang phía ta) thì trên biển Trung Quốc liên tiếp có những bước leo thang nghiêm trọng từ tranh chấp ngoài biển Đông, Trung Quốc đã từng bước ngày càng lấn sâu vào thềm lục địa…».
Kết-quả của công-trình nghiên-cứu về biên-giới của người Việt sống ở nước ngoài đã cho thấy các việc Trung-Quốc lấn đất, lấn biển của Việt-Nam là việc có thật.
Không người Việt-Nam nào không cảm thấy danh-dự bị xúc-phạm vì đất-đai của tổ-tiên bị lấn chiếm một cách ngang-ngược như thế. Vì danh-dự quốc-gia, vì bổn-phận phải giữ nước của mỗi người dân, sĩ-phu Việt-Nam không được quyền im-lặng. Nhưng sự lên tiếng phê-bình việc này của một số người hiếm-hoi trong nước đã bị trù-dập, bắt-bớ, tù-đày. Quí anh Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình là các thí dụ cụ-thể. Nhưng sự dũng-cảm của họ là điểm son cho giới sĩ-phu hôm nay.
“Hãy cảnh-giác Bắc-Triều” là tựa đề một bài viết của Lê Chí Quang vào khoảng tháng 9 năm 2001. Vì bài này anh Quang bị đi tù cho đến tháng 6 năm 2004. Anh Nguyễn Vũ Bình, bị bắt từ năm 2003, hiện nay vẫn đang trong vòng tù-tội, cũng do một bài viết về vấn-đề biên-gới Việt-Trung. Tôi nghĩ rằng anh Quang cũng như anh Bình không bao giờ hối-hận việc này. Lịch-sử sẽ có lời phán-xét cuối cùng.
Chuyến đi thăm Việt-Nam của Đường Gia Triền, qua báo-chí đăng-tải, cho ta thấy mục-tiêu chuyến đi này có nhiều điều mờ-ám, không bình-thường. Hai hiệp-ước về biên-giới mà Việt-Nam đã ký với Trung-Quốc cũng đã xảy ra dưới những điều-kiện không bình-thường. Việc ký-kết không có một người dân nào biết, thậm-chí đến cả các đại-biểu Quốc-Hội. Dân biết, dân bàn, dân kiểm-tra, thực ra chỉ là những khẩu-hiệu trống-rỗng.
Vì vậy chúng ta lại phải cảnh-giác Bắc-Triều.
Lần này ta phải theo dõi sát tất cả các diễn-biến, chính-trị hay kinh-tế, xảy ra giữa Việt-Nam và Trung-Quốc. Chưa hề thấy trong lịch-sử quan-hệ giữa hai nước này mà phía Việt-Nam một lần có lợi.
Chỉ khi nào chúng ta biết rõ sự việc, nắm chắc những bằng-chứng không ai có thể phản-biện được, việc lên tiếng của chúng ta mới có hiệu-quả. Có thế chúng ta mới có thể bảo-vệ lãnh-thổ, lãnh-hải cũng như quyền-lợi chính-đáng của dân-tộc mình một cách hữu-hiệu.
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire