Chiến Sĩ Dân Chủ, Nhà Báo Tự Do NGUYỄN KHẮC TOÀN: Bạo Lực Độc Tài Không Thắng Được Nhân Dân Việt Nam!
Lời giới thiệu của VNN: Điều không thể ngờ là sau hơn 30 năm quê hương ngừng tiếng súng, vẫn còn những thanh niên Việt Nam bỏ lại sau lưng mọi hạnh phúc cá nhân để đứng lên đáp lời sông núi. Càng không thể ngờ hơn nữa là sau hơn 30 năm chấm dứt chiến tranh lại có rất nhiều Cựu Chiến binh của hai bờ chiến tuyến thù nghịch trước đây đang kề vai sát cánh bên nhau trên cùng một chiến tuyến mới chống lại kẻ thù chung của dân tộc: tập đoàn đầu lãnh CSVN độc tài hung ác. Bạo lực độc tài với dồi dào phương tiện và kinh nghiệm đàn áp nhân dân liệu có thể đương đầu nỗi với cuộc kháng chiến mới hiện nay của nhân dân Việt Nam không? Ai sẽ thắng ai?... Thông tấn VNN chúng tôi đã rất hân hạnh được Cựu Chiến binh Nguyễn Khắc Toàn, một Chiến Sĩ Dân Chủ can trường trong nước, một Nhà Báo Tự Do, từ nơi quản thúc Anh tại Hà Nội, dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây do phóng viên Võ Triều Sơn thực hiện.
Thêm một bất ngờ nữa là bài phỏng vấn nầy đã được Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn đang viết ra trước khi bị đàn áp và bị công an CSVN khám nhà tịch thu máy vi tính và tài liệu nên không thể hoàn thành kịp trong suốt thời gian từ ngày 12/08/06 cho đến nay. Hoàn cảnh khắc nghiệt của Chiến Sĩ Dân Chủ Nguyễn Khắc Toàn từ ngày 12/08/2006 đến nay là do việc công an CSVN đàn áp, thu giữ bản thảo và đem bản thảo lên báo cáo với lãnh đạo tối cáo của Bộ Chính Trị, Bộ Công An và Tổng Cục An Ninh của CSVN để nghiên cứu và có thể CSVN cho đây là những câu trả lời rất nguy hiểm cho chế độ do đảng CSVN toàn trị. Tuy nhiên, Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn vẫn kiên trì và nỗ lực vượt qua được những khó khăn do công an CSVN gây ra hơn một tháng qua, để chuyển được bài trả lời phỏng vấn cho VNN vào ngày 15/09/06. Vì vậy, chúng tôi rất cảm kích lòng dũng cãm khả tín và tinh thần kiên gan bền chí của Chiến Sĩ Dân Chủ Nguyễn Khắc Toàn để những tư tưởng trung thực và bất khuất nầy của Anh đến được với dư luận tự do. Và giờ nầy, Chiến Sĩ Dân Chủ Nguyễn Khắc Toàn vẫn còn đang chịu đựng cuộc đấu tố dã man của công an CSVN...
Xin kính mời quý vị theo dõi.
VNN: Kính chào Anh Nguyễn Khắc Toàn, trước hết, xin Anh cho biết tình trạng sức khoẻ và cuộc sống của Anh hiện nay như thế nào?
Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn: Trước hết, tôi xin cám ơn tất cả các quí vị, các bạn và cá nhân phóng viên Võ Triều Sơn của hãng thông tấn VNN đã quan tâm đến tình trạng sức khỏe và cuộc sống hiện nay của tôi. Như các bạn đã biết do hoàn cảnh phải chịu cảnh đày đoạ trong lao tù mấy năm liền mà hoàn cảnh sống rất khắc nghiệt, thiếu thốn mọi bề, nên sức khoẻ của tôi cũng giảm sút và mắc nhiều bệnh. Hiện nay hàng tháng tôi vẫn phải vào bệnh viện làm xét nghiệm máu và nhiều xét nghiệm sinh hoá khác để theo dõi bệnh tình, tôi vẫn đang dùng thuốc thường xuyên và điều trị nội trú tại nhà. Tôi vẫn chịu cảnh quản chế tại nhà theo nghị định 53/CP của nhà nước CSVN rất nghiệt ngã. Từ sau khi tôi viết thư góp ý với Đại hội X Đảng CSVN về cải cách chính trị và đòi dân chủ hóa đất nước, cũng như rất nhiều những hoạt động khác nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hóa và cởi mở mọi mặt đời sống xã hội, đã tiếp xúc nhiều với các chính khách quốc tế, trả lời phỏng vấn nhiều đài và báo chí bên ngoài, bầy tỏ những quan điểm chính trị ôn hòa về tình hình đất nước. Thì ngay sau đó Đảng, Nhà nước CSVN chỉ đạo Bộ Công an càng ngày càng siết chặt vòng vây đối với tôi như cắt điện thoại cố định, cắt đường kết nối internet, cắt simcard điện thoại mobile tới 11 lần, tiếp tục nghe trộm điện thoại và khống chế các cuộc gọi hiện nay. Thời kỳ căng thẳng và ngay hiện nay công an VN lập tới 3 trạm gác kéo dài trong mấy tháng liền để chặn các lối ra vào, cổng ngõ nhằm kiểm soát chặt chẽ mọi sự động tĩnh trong nhà tôi. Tôi thường xuyên bị từ 4-6 công an bao vây quanh nhà, có những lúc họ đã xông thẳng vào nhà tôi lấy cớ thăm sức khoẻ gia đình cùng với gần chục công an của Tổng cục an ninh, cục A42, công an Hà nội mà tôi vừa tố cáo gần đây. Hàng mấy tháng liền và hiện nay, từ tháng 3/2006 đến đầu tháng 9/2006 tôi không thể ra khỏi nhà, đi ra khỏi địa bàn phường cả ban ngày cũng như ban đêm. Nhà tôi thật sự trở thành một trong những nhà tù ngay giữa thủ đô, không khí vô cùng ngột ngạt và căng thẳng. Hiện nay, hàng tháng tôi vẫn phải đến công an phường Tràng Tiền nơi gia đình tôi đang ở để tường trình về những việc làm của mình trong tháng đó. Mỗi khi tôi rời khỏi nhà, đi ăn sáng hay vào bệnh viện để khám sức khoẻ hoặc đến các nhà chị, em ruột của mình, hay đến thăm nhà bà con họ hàng đều có 2-3 công an đi kèm. Và sau khi tôi rời khỏi nhà đó, thì các chị, em ruột của tôi đều bị công an đến hạch hỏi, đe doạ, uy hiếp và nạt nộ! Có những trường hợp nghiêm trọng đến mức các sĩ quan An ninh nhà nước CSVN đã đe dọa đàn áp đuổi việc chú em họ tôi là kỹ sư Dương Minh Nghĩa đang làm việc tại trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội chỉ vì chú em này ký tên ủng hộ Tuyên Ngôn Dân Chủ Tự Do 8406. Còn cô em họ Dương Thị Xuân, chị ruột Dương Minh Nghĩa cũng là một trí thức nguyên là cán bộ trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Xuân Hòa cũng chỉ vì ủng hộ Dân chủ hóa đất nước và sắp tới sẽ ký tên ủng hộ Tuyên ngôn 8406, gia nhập Đảng Dân Chủ Việt Nam XXI do Cụ Hoàng Minh Chính đứng đầu làm Tổng Thư Ký đã liên tục bị bắt giữ, khám xét trái phép, bị đe dọa bắt giam bỏ tù lâu dài. Càng sống trong tình trạng bị vây hãm, khủng bố, hăm dọa như vậy, tôi càng thấy đất nước ta càng cần phải đẩy nhanh sự thay đổi thể chế chính trị độc đoán đang tồn tại hiện nay.Và đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đòi dân chủ hoá để đưa cả dân tộc chúng ta sớm thoát khỏi cảnh ngục tù mà tôi chỉ là một trong muôn vàn cảnh ngộ bi thảm đó!
Từ gần giữa tháng 7/2006 đến nay, việc canh gác bao vây quanh nhà, theo dõi từng bước di chuyển nhằm ngăn cản các sinh hoạt bình thường của tôi, do công an VN duy trì từ suốt mấy tháng qua, càng ngày càng gay gắt hơn truớc. Phía công an VN đã tăng cường lực lượng vây hãm quanh nhà tôi 24/24 giờ rất chặt chẽ, hà khắc. Điện thoại cố định, internet vẫn bị cắt phi pháp, mobi vẫn bị theo dõi ghi âm không bỏ sót một giây. Điện thoại riêng của mẹ tôi, bà cụ đã ngoài 80 tuổi cũng bị công an VN vô cớ cắt thẳng tay một cách vô nhân đạo làm cho bà cụ nhà tôi không thể gọi điện hỏi thăm con cháu cũng như gọi cấp cứu y tế lúc ốm đau. Một số các bạn trí thức trẻ trong phong trào dân chủ như LS Nguyễn Văn Đài, nhà báo Phan Thế Hải, KS Bạch Ngọc Dương... chỉ có thể đến thăm tôi, chứ tôi không thể thăm họ được vì cái lệnh quản chế phi pháp và man rợ mà tôi đang phải chịu đựng. Các vị khách quốc tế đến thăm Hà Nội có nhã ý mời gặp tôi, buộc lòng tôi đã phải xé rào bất chấp quản chế để gặp mặt và trao đổi với họ. Nhà nước và Công an CSVN đã có quyết tâm rất cao nhằm biến nhà tôi cũng như tư gia của các nhà bất đồng chính kiến nổi bật khác trở thành một ngục tù thực sự giữa thủ đô Hà Nội.
VNN: Rất cảm ơn Anh đã cho biết rõ. Chúng tôi được biết, Anh là người đã có mặt tại miền Nam Việt Nam nhiều tháng ngày trước và sau 30.4.1975 và Anh cũng đã đứng lên tranh đấu cho nền Dân chủ Việt Nam từ rất sớm, ngay sau khi Anh vừa giải ngũ. Xin Anh cho biết những gì Anh hiểu được về thực tế của miền Nam Việt Nam lúc ấy đã ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc đấu tranh của Anh ngày hôm nay?
Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn: Vào những năm thập niên đầu 1970, lúc ấy chúng tôi là những thanh niên tuổi mười tám đôi mươi, còn rất trẻ, chúng tôi được học tập và tuyên truyền một chiều dưới mái trường ở miền Bắc là chế độ XHCN có nhiều ưu việt hơn tư bản chủ nghĩa. Rằng hệ thống Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) do Liên xô, Trung Quốc đứng đầu rồi đây sẽ phát triển và lớn mạnh ra khắp thế giới từ châu Âu, châu Á, châu Phi đến Mỹ La tinh... Còn hệ thống chủ nghĩa tư bản đang thời kỳ dãy chết và sẽ đi đến diệt vong hoàn toàn trên phạm vi toàn cầu. Các nước Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, Cu ba, Bắc Triều Tiên, Mông cổ... nhân dân có cuộc sống vô cùng hạnh phúc ấm no, thịnh vượng, con người được tôn trọng nhân phẩm, được sống trong hòa bình và tự do thật sự... Đó là những thiên đường XHCN mà dân tộc Việt Nam, đất nước ta sẽ phấn đấu phải vươn tới. Còn ở các nước tư bản do Mỹ, Nhật, Pháp, Anh đứng đầu thì ở đó nhân dân đang sống trong cảnh lầm than rên siết, bị chủ tư bản bóc lột đến tận xương tuỷ, bị đày đoạ đến cùng cực... Vì thế nhân dân phải xuống đường biểu tình, người lao động phải đình công, bãi công với giới chủ và chính phủ tư sản. Đấy quả là những địa ngục trần gian ghê tởm của nhân dân các nước Âu, Á, Mỹ, La tinh trong thế giới tư bản chủ nghĩa!!!...vv và vv...
Lớp thanh niên miền Bắc chúng tôi lúc đó bị tuyên truyền nhồi nhét mụ mẫm và cuồng tín, họ bị lợi dụng lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Nhiều thanh niên đã tự nguyện không ra nước ngoài học tập, không vào đại học, lấy máu của chính mình để viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Nam chiến đấu giải phóng đồng bào miền Nam khỏi ách kìm kẹp của "Mỹ Nguỵ" đang áp đặt chủ nghĩa thực dân mới lên nửa nước thân yêu của chúng ta!!!
Ngay khi trên đường vượt dãy Trường Sơn vào Nam, chúng tôi đã gặp những đoàn thương binh, bộ đội nhiều tuổi hơn và cả trẻ tuổi nữa đã nhiều năm lăn lộn trong chiến trường nói về thực tế cuộc chiến ở trong đó. Rồi chúng tôi mở lén dấu các cấp sĩ quan chỉ huy trong đơn vị để được nghe đài phát thanh của phía chính quyền VNCH, được nghe họ nói về bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam hiện nay là do ai? Vì sao cuộc chiến tranh này lại diễn ra? Và khi vào sâu các tỉnh miền Tây Nam bộ hơn nữa, được tiếp xúc với người dân ở những vùng chúng tôi đóng quân, thì chúng tôi càng biết rõ hơn nữa bản chất thật của cuộc chiến tranh Việt Nam này. Sau ngày kết thúc chiến tranh ở miền Nam 30-4-1975, tôi có dịp được vào tiếp quản các thành phố, thị xã, thị trấn ở miền Tây Nam bộ như Long Xuyên, Cần Thơ, Châu Đốc, Hà Tiên thì cuộc sống thật sự của đồng bào Nam bộ đã tác động thật sự và mạnh mẽ vào suy nghĩ của tôi, so với sự tuyên truyền nhồi sọ ở miền Bắc thì hoàn toàn trái ngược với những lời lẽ tuyên truyền đó. Tôi đã tận mắt thấy được cả những cảnh sống giầu sang phú quý của giới thượng lưu, giới buôn bán ở các thị xã, thị trấn, thành phố vùng đồng bằng sông nước Nam bộ này. Tôi cũng đã tận mắt chứng kiến những lớp người nghèo khổ nhất sống dưới đáy cùng của xã hội miền Nam ở Châu Đốc, Cần Thơ, ở Long Xuyên, Hà Tiên và ở cả Sài Gòn nữa. Nhưng nhìn chung, xã hội miền Nam lúc đó dưới mắt tôi là một cuộc sống cởi mở dễ chịu hơn rất nhiều cuộc sống ở miền Bắc. Nhân dân miền Nam dưới chế độ cũ được hưởng nhiều quyền Con Người cơ bản hơn dân chúng ở miền Bắc như có tự do báo chí, tự do biểu tình meeting, tự do ngôn luận, tự do sinh hoạt đảng phái, tự do ứng cử và bầu cử, tự do hội họp, tự do đi ra nước ngoài và trở về trong nước, tự do kinh doanh và mưu sinh....
Về đời sống kinh tế thì hàng hóa tiêu dùng tràn ngập, con người sống thoải mái, khung cảnh rất thanh bình, yên ả. Ngay lúc đó tôi cũng đã nghĩ nếu không có cuộc chiến tranh này, chắc cả miền Nam sẽ có đời sống kinh tế khấm khá hơn rất nhiều và nhân dân có cuộc sống hạnh phúc đầy đủ hơn, cảnh nghèo đói chắc sẽ ít đi. Khi tôi đến Sài Gòn chữa bệnh và vết thương cũ trước đây do đã bị thương hồi cuối năm 1974, chính là dịp tôi được tiếp xúc với bà con họ hàng là những người nhà thân thuộc di cư từ Bắc vào Nam 1954. Tôi đã thấy cuộc sống ở miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng càng lúc càng rõ hơn tính hơn hẳn về nhiều mặt so với Hà Nội và cả miền Bắc còn lam lũ, tăm tối và đói nghèo. Tại Sài Gòn, lúc đó vào khoảng tháng 9 năm 1975, tôi đã gặp rất nhiều bà con cả bên nội và bên ngoại từng là binh sĩ, sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, hoặc là nhân viên, quan chức của chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam. Và suy nghĩ trong tôi hoàn toàn thay đổi, rằng đó là một cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" giữa những người anh em trong nhà, cùng một dân tộc, trong cùng một đất nước. Mà nói cho đúng hơn đó là người dân miền Bắc Việt Nam phải buộc cầm vũ khí chém giết đồng bào ruột thịt miền Nam Việt Nam, chỉ vì tham vọng của những nhà lãnh đạo cộng sản miền Bắc muốn cưỡng chế cả nước, tức là phần miền Nam còn lại theo con đường XHCN và cộng sản mà họ đã lựa chọn. Còn người dân miền Nam Việt Nam lại buộc phải cầm vũ khí để tự vệ, bảo vệ chế độ chính trị và lãnh thổ quốc gia của mình.
Sau ngày kết thúc cuộc chiến ở miền Nam tôi đã từng sống ngay trong cơ quan ở Thị xã Long Xuyên tận mắt chứng kiến thấy cảnh các cán bộ người Nam bộ từ trong căn cứ bưng biền ra tiếp thu các công sở của chế độ cũ để lại, họ đã kèn cựa ganh ghét, tranh chấp từ chỗ ở đến địa vị, quyền lực với số cán bộ vừa từ miền Bắc vào rất sống sượng và gay gắt. Cũng ngay sau ngày kết thúc chiến tranh, tôi đã cùng đồng đội tham gia các chiến dịch gọi là "cải tạo tư sản mại bản", "chiến dịch đổi tiền" từ chế độ cũ Việt Nam Cộng Hòa sang tiền đồng của chế độ "cộng sản giải phóng", tịch thu nhiều nhà cửa, công xưởng, cửa hàng, cửa tiệm của những chủ doanh nghiệp giầu có và trung lưu tại các thị xã Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên... Chính lúc này tôi bắt đầu thấy những nhà lãnh đạo cộng sản miền Bắc đã bê nguyên xi những chính sách đã từng bị phá sản làm tàn hại, huỷ diệt nền kinh tế tư nhân ở miền Bắc trước đây thời kỳ hoà bình sau 1954 lập lại đem vào áp dụng cho cả miền Nam. Và chinh sách, chủ trương ấy chắc chắn chỉ dẫn cả xã hội miền Nam tới đói nghèo, lầm than, lạc hậu và tăm tối giống như những gì mà nhân dân miền Bắc đã phải chịu đựng mấy mươi năm trước mà thôi...
Vậy thì làm gì có cái gọi là giải phóng đồng bào miền Nam khỏi ách kìm kẹp của "Mỹ Nguỵ" và tay sai!!!??? Làm sao mà có thể gọi là giải phóng khi cuộc chiến vừa tắt tiếng súng thì những nhà lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội đã chỉ đạo thanh trừng, khám xét, tịch thu tài sản, bắt bớ các nhà tư sản dân tộc, các nhà doanh nghiệp giàu có và giỏi giang, đàn áp lan tràn giới trí thức trung lưu ở các đô thị miền Nam.!!!??? Làm sao có thể gọi là được "giải phóng, cách mạng và tự do" khi ở miền Nam trước đây những gì nhân dân được hưởng dân chủ tự do thì nay bị bóp nghẹt, bị tước đoạt thẳng tay, tuyệt đối và trắng trợn!!!???... Và cũng chính sau khi cuộc chiến tranh kết thúc chưa được bao lâu hàng triệu người đã phải liều mình vượt biển khơi, rừng thẳm, núi cao chịu nạn cướp biển, cướp cạn và biết bao gian khó khác, trốn chạy khỏi cái đất nước được gọi là "giải phóng" để sống kiếp lưu vong, nơi đất khách quê người. Trong số đó hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng làm mồi cho cá giữa biển sâu v.v... Tôi cảm thấy chán chường, thất vọng, hoàn toàn mất hết niềm tin và bắt đầu nghĩ đến phải nhanh chóng rời bỏ đội ngũ này không thể kéo dài tiếp tục đứng trong hàng ngũ đó được nữa. Phải trở về nhà để tiếp tục theo học đại học và chấm dứt cuộc đời gắn với bộ máy đàn áp, áp bức nhân dân. Và trong tôi lúc đó đã hình thành một nhận thức rằng cái mô hình gọi là XHCN ưu việt hơn TBCN chỉ là một sự tuyên truyền bịp bợm, xảo trá và dối lừa. Và cuộc sống của đồng bào miền Nam ở đây trước năm 1975 là bị kìm kẹp, là bị khủng bố bởi chế độ VNCH chỉ là một sự tuyên truyền nhồi nhét xằng bậy và bóp méo sự thật mà thôi v.v...và vv... Ngay thời gian đó tôi đã nghĩ rằng cả đất nước đã rơi vào cạm bẫy và ngõ cụt bế tắc, tương lai ảm đạm đen tối đó sẽ chờ sẵn tất cả ở phía trước. Thời kỳ năm 1976-1980, theo học khoa Toán trong trường Đại học ở Hà Nội, tôi đã công khai tranh luận với bạn bè cùng lớp, cùng khoa rất sôi nổi và quyết liệt rằng chủ nghĩa XHCN Mác-Lênin chỉ là cái bánh vẽ đầy rẫy những bất công và nghịch lý. Vì thế, các sinh viên cùng lớp đã vui đùa đặt cho biệt hiệu là nhà Triết gia Tư sản chống chủ nghĩa Mác-Lênin, tôi bị điểm rất kém về môn Kinh Tế Triết học Mác-Lênin còn toàn bộ các môn chuyên ngành khác về bộ môn Toán thì đều đạt loại khá trở lên! Và dĩ nhiên hệ thống tổ chức, an ninh tư tưởng và quản lý sinh viên trong trường Đại học Sư Phạm chuyên trách theo dõi sinh viên đã ghi tên tôi vào "Sổ Đen " để đề phòng, ngăn ngừa và lưu ý đặc biệt.
VNN: Điều thật hiển nhiên là ngày hôm nay đang có nhiều Cựu Chiến binh của cả hai bờ chiến tuyến thù nghịch trước đây đang kề vai sát cánh bên nhau để cùng tranh đấu chống lại kẻ thù chung của dân tộc, đó là tập đoàn đầu lãnh CSVN độc tài hung ác. Xin Anh cho biết cảm xúc và suy nghĩ như thế nào khi đấu tranh trên cùng một chiến tuyến mới như thế?
Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn: Như các bạn đã biết cuộc chiến tranh dùng bạo lực để thống nhất đất nước và cưỡng bức cả nước vào chế độ XHCN - một loại nhà tù trá hình khổng lồ - là một cuộc chiến đáng buồn và vô nghĩa làm tốn kém biết bao nhiêu xương máu của nhân dân cả hai miền Nam, Bắc. Đó là một cuộc chiến "huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt" gây biết bao nhiêu đau thương tang tóc cho nhân dân và để lại một hậu quả vô cùng nặng nề đến nay vẫn chưa khắc phục hết. Cuộc chiến ấy đã đẩy những thanh niên miền Bắc như chúng tôi và những thanh niên miền Nam trở thành những kẻ thù của nhau, giết hại nhau, anh em trong một nhà, người dân trong một nước mà trở thành đối địch bên hai bờ chiến tuyến chỉ do một cuộc chiến vì ý thức hệ ngoại lai và lỗi thời. Đấy là một bi kịch đáng buồn và đáng xấu hổ nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam. Hôm nay, thời đại đã thay đổi hoàn toàn, tất cả những người cựu chiến binh từ binh sĩ cho tới vị tướng của cả hai bên đều đã lần lượt đứng lên cất tiếng nói đòi tự do cho cả dân tộc, mà đối tượng chung để đấu tranh chính là những kẻ bảo thủ, ngoan cố giáo điều quyết tâm bám giữ đặc quyền, đặc lợi đến cùng trong Đảng và Nhà nước CSVN hiện nay. Đó cũng là một hình ảnh rất đẹp, rất thú vị. Ấy là những người cựu chiến binh năm xưa, trước đây ở hai hàng ngũ đối đầu nhau sống còn, thì nay lại đứng bên nhau trong một chiến hào, trên cùng một mặt trận vì lý tưởng cao cả và sự nghiệp chính nghĩa cũng như tương lai sáng lạn của đất nước chúng ta. Chúng ta cần phải củng cố và phát huy sự liên kết, nắm tay nhau chặt chẽ để đưa cuộc tranh đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Đó còn là biểu tượng tuyệt vời, nêu lên một chân lý sáng ngời, cao cả là Chính Nghĩa và Đại Nghĩa dân tộc bao giờ cũng chiến thắng vẻ vang, gian manh xảo trá chỉ có thể tạm thời giành lợi thế hoặc đạt được một vài thành công trong một giai đoạn nhất định chứ không thể bền vững và vĩnh viễn. Câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln thật đúng trong lúc này và có ý nghĩa thực tiễn với hoàn cảnh Việt Nam: "Người ta có thể lừa dối một con người trong cả một đời người, nhưng người ta không thể lừa dối được cả một dân tộc mãi mãi!!!"
VNN: Rất cảm ơn Anh. Có quan điểm cho rằng sự gặp nhau và đồng hành nầy của hai thành phần Cựu Chiến binh không phải là tình cờ mà là một tất yếu lịch sử, anh nghĩ thế nào về nhận định này?
Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn: Đây quả là một tất yếu lịch sử. Bởi lẽ dù sớm hay muộn ý nghĩa và bản chất thực của cuộc chiến tranh đau thương và vô cùng lãng phí vừa qua, thì nhân dân cả nước nói chung và cựu chiến binh miền Bắc Việt Nam nói riêng cũng sẽ sớm nhận ra những sai lầm của cuộc chiến tranh không đáng có và rất đáng tiếc này. Mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ những sai lầm cơ bản của lãnh đạo Đảng CSVN trong đường lối cai trị đất nước của họ đã dẫn dắt dân tộc đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, đưa đất nước vào ngõ cụt, cả xã hội chìm đắm trong tình trạng thê thảm và khủng hoảng triền miên. Một nguyên nhân nữa là trong đầu óc được trang bị chủ nghĩa Mác-Lênin của các lãnh đạo Đảng CSVN, một học thuyết giáo điều lỗi thời lạc hậu và mang tầm văn hoá thấp, thói kiêu căng và ngạo mạn cộng sản, cách hành xử độc đoán, chuyên quyền của một nhóm thiểu số có quyền lực tuyệt đối trong ban lãnh đạo tối cao của Trung ương Đảng CSVN đã quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, liên quan đến vận mệnh của toàn dân tộc một cách ĐộC ĐOÁN, MÙ QUÁNG và R- DẠI!!! Cho nên, tôi nghĩ rằng vấn đề nhận ra những sai lầm nghiêm trọng đó trong nội bộ hàng ngũ những người Cộng sản và trong lòng dân tộc chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn mà thôi. Nếu không có lớp nhân sĩ trí thức, cựu chiến binh và nhiều tầng lớp nhân dân trong đó không ít những người là cán bộ Đảng Cộng sản cao cấp khác tỉnh ngộ sớm trước đây lên tiếng phản tỉnh, thì muộn hơn cũng vẫn phải xuất hiện những tiếng nói khác. Vì lương tri và lương tâm sẽ thúc giục họ dũng cảm đứng lên phát biểu vì lợi ích của cả dân tộc, của cả đất nước chúng ta. Bởi vậy, sự gặp nhau và đồng hành nầy của hai thành phần Cựu Chiến binh không phải là tình cờ, không phải là sự ngẫu nhiên, mà chính là một tất yếu của lịch sử. Ngày hôm nay, sự lên tiếng đấu tranh của cả 2 lực lượng Cựu Chiến binh trước đây là đối địch nay đã hoà thành một khối, đứng chung cùng một mặt trận chống một kẻ thù chung là giặc nội xâm, vì sự nghiệp dân chủ hóa đất nước và canh tân xứ sở.
VNN: Kính thưa Anh, trong Bài viết về Người Tù Trương Văn Sương, một Nelson Mandela của Việt Nam, Anh có nói rằng: "Cuộc tranh đấu mới ngày hôm nay là cuộc Kháng chiến mới cùng cả dân tộc đòi tự do, dân chủ...". Xin Anh nói rõ thêm về ý nghĩa của cuộc Kháng chiến mới nầy và Anh có những so sánh như thế nào với những cuộc Kháng chiến chống ngoại xâm của toàn dân ta trước đây? Có thể tin được không là cuộc Kháng chiến hiện nay cũng sẽ kết thúc lẫy lừng như những cuộc Kháng chiến chống ngoại xâm trước đây của nhân đân ta? Tại sao?
Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn: Quả đúng vậy, cuộc tranh đấu đòi tự do dân chủ và thực thi các giá trị quyền làm người thực sự cũng như đòi hỏi xây dựng một xã hội công dân, mà cả dân tộc chúng ta trong đó có các phong trào đang diễn ra trong nước và đồng bào hải ngoại cộng với sự ủng hộ của lương tri văn minh quốc tế, là một cuộc kháng chiến mới thiêng liêng, thần thánh và chính nghĩa. Có thể ví cuộc tranh đấu này của khối đại dân tộc ngày càng toả sáng lan rộng và lan xa như một cuộc chiến đấu mới, cuộc kháng chiến mới là hoàn toàn xứng đáng. Bởi vì mục tiêu của cuộc tranh đấu là đòi dân chủ hoá thực sự hoàn toàn trong đời sống mọi mặt của đất nước từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... Đối thủ của cả dân tộc tranh đấu ngày hôm nay là các thế lực bảo thủ, giáo điều đang ngoan cố bám giữ đến cùng quyền lực đang nắm chặt trong tay, cũng như các quyền lợi béo bở độc chiếm bao nhiêu năm nay của thiểu số Đảng CSVN. Những cuộc kháng chiến trước đây trong lịch sử dân tộc ta là chống giặc ngoại xâm, còn cuộc kháng chiến mới ngày hôm nay là chúng ta chống giặc nội xâm, chống lại thảm họa độc tài toàn trị do Đảng CSVN áp đặt lên cả dân tộc. Thảm họa này, dân tộc chúng ta đã chịu quá lâu, quá nặng nề với rất nhiều những hậu quả đau buồn, mà ở đó nhân dân đã bị tước đoạt tất cả những quyền con người cơ bản suốt mấy chục năm qua. Tình cảnh nhân dân không khác mấy, thậm chí còn tệ hại hơn rất nhiều so với dưới thời vua chúa phong kiến hủ lậu xưa kia cai trị, hay phải chịu cảnh sống rên xiết dưới gót giầy xâm lược của thời thực dân đế quốc đô hộ. Vì thế, chúng ta phải có quyết tâm cao bằng mọi hình thức ôn hòa, bằng mọi phương thức hòa bình để xiết chặt đội ngũ đấu tranh giải phóng khỏi ách nô dịch của thảm hoạ độc tài ngày nay. Cuộc kháng chiến này vì có chính nghĩa rạng ngời, hợp với lòng dân, phù hợp với xu thế văn minh của thời đại được nhân dân trong và ngoài nước tham gia ngày càng đông đảo, được cộng đồng quốc tế ủng hộ ngay càng mạnh mẽ và kiên quyết. Cho nên, chắc chắn cuộc kháng chiến này sẽ kết thúc thắng lợi lẫy lừng, và chiến thắng này cuối cùng cũng thuộc về nhân dân ta. Trên thế giới chưa có một chế độ độc tài nào dù là hình thức độc tài tôn giáo thần quyền, độc tài gia đình trị, độc tài quân phiệt, độc tài tư bản phát xít hay kể cả độc tài cộng sản toàn trị v.v... đều không thể tồn tại lâu dài vĩnh viễn. Sự sụp đổ của chế độ độc tài cộng sản toàn trị ở Liên Xô cũ trước đây đã từng tồn tại hơn 74 năm và hàng loạt những nước chư hầu của chế độ Xô Viết ở Đông Âu, ở châu Phi, ở Trung Mỹ... do Liên Xô hậu thuẫn đềư đã lần lượt bị sụp đổ thảm khốc.
Nền dân chủ ở các nước đó đã được thiết lập gần 20 năm qua ngày càng được củng cố vững chắc, cũng như sự phát triển ổn định và bền vững của các quốc gia này sau những sự kiện sụp đổ của khối cộng sản trên là những minh chứng hùng hồn, rõ ràng cho những nước được hưởng các lợi ích tiến bộ và tích cực của Tự do dân chủ. Còn những quốc gia hiện phải đang chịu ách độc tài thì cũng là những phản chứng đanh thép rằng, hậu quả của chế độ độc tài để lại là vô cùng bi thảm, mà nước Việt Nam ta cũng đang nằm trong số đó.
VNN: Kính thưa Anh, chiến tuyến ngày hôm nay cũng đã thật rõ rang: một bên là thiểu số độc tài, phản quốc, hại dân một bên là đại khối nhân dân Việt Nam đang bị đàn áp, đang bị cướp đoạt quyền lợi và tài sản một cách trắng trợn. Điều cần nói ở đây là thiểu số độc tài hung ác nầy lại có trong tay dồi dào phương tiện và kinh nghiệm đàn áp nhân dân. Anh nhận định như thế nào về tương quan lực lượng của cuộc đối đầu nầy? Ai sẽ thắng ai? Tại sao?
Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn: Đúng vậy, cuộc đấu này không hề cân sức. Tương quan lực lượng tạm thời hiện nay giữa hai bên trong cuộc kháng chiến mới này là:
Một bên là thiểu số độc tài, hung hiểm, có bề dày về kinh nghiệm về cai trị đất nước và nhân dân dưới một thể chế chuyên chế quá lâu, đè nén cả xã hội bị tê liệt ý chí phản kháng, đàn áp đại đa số dân chúng sống trong nỗi sợ hãi và khiếp nhược, thể hiện một tình trạng đất nước bị lâm vào khủng hoảng và suy vong nghiêm trọng.
Một bên là đại đa số nhân dân hơn 80 triệu đồng bào bị đặt dưới sự cai trị của thiểu số nói trên ở trong nước và hơn 3 triệu đồng bào phải bỏ nước ra đi sống lưu vong ở rải rác hàng chục nước trên thế giới trong tâm trạng và tình cảnh của những người dân như bị vĩnh viễn mất tổ quốc, mất quê hương và tất cả đồng bào ta ở hải ngoại đang khao khát muốn nhìn thấy cả dân tộc Việt Nam được hưởng một nền tự do dân chủ thực sự. Và khối đồng bào hải ngoại này, ngày đêm mong ngóng được trở về quê hương, đất nước góp tay xây dựng lại giang sơn sau mấy chục năm phải ly tán, phải tha hương nhằm cùng đồng bào trong nước đưa dân tộc, đất nước sớm ra khỏi cảnh tối tăm, nghèo nàn và lạc hậu. Khi ấy đồng bào trong nước và hải ngoại sẽ được hưởng tự do chân chính, thực sự ngay trên mảnh đất quê hương mình, đất nước của mình.
Vấn đề cốt yếu là, thiểu số cai trị độc tài trong nước hiện nay thì lại nắm toàn bộ hệ thống sức mạnh của bộ máy chuyên chế như quân đội, công an, hệ thống tư pháp độc đoán, hệ thống nhà tù dày đặc, bộ máy tuyên truyền khổng lồ bao trùm hết tất cả mọi đời sống xã hội của đất nước ta. Cộng với đó, họ thâu tóm tất cả nguồn tài lực vật chất như ngân sách quốc gia, tiền thuế của nhân dân, tài nguyên của đất nước, nguồn vốn vay của nước ngoài và kể cả sức lao động đóng góp của hàng chục triệu nhân dân lao động để phục vụ bộ máy đảng trị độc tài và nuôi dưỡng toàn bộ hệ thống chính trị ăn bám của thể chế độc đoán này.
Trong khi đó số đông đồng bào trong nước đang tranh đấu chỉ có tay không, chỉ có sức mạnh của lương tri, có hoài bão và khao khát cuộc sống dân chủ tự do, có trái tim nhiệt huyết yêu nước và thương dân... Bởi thế, tương quan lực lượng này cũng có thể coi là một bi kịch hay một nghịch lý tạm thời trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng, như trên tôi đã nói, lịch sử và thực tế cuộc sống đã chứng minh dù lực lượng cai trị có nắm quyền lực tuyệt đối đến bao nhiêu, có dùng mọi hình thức bạo tàn, hoặc những tuyên truyền gian trá, lừa bịp đến bao nhiêu đi chăng nữa cuối cùng cũng không thể tồn tại lâu dài hơn được nữa. Bởi vì họ đã đi trái quy luật phát triển, học thuyết mà họ bám giữ và làm nền tảng cho chính hệ thống chính trị của họ là phản tiến hóa, phản cách mạng, phản lại lợi ích của dân tộc và đất nước. Do đó, sớm hay muộn cũng sẽ bị quy luật của lịch sử đào thải và chính nhân dân là người sẽ đào huyệt chôn vùi vĩnh viễn. Người xưa đã có câu: "Chở thuyền là nước, lật thuyền cũng là nước" là như vậy. Đó là niềm tin sắt đá của tôi cũng như của đa số những người có lương tri đối với đất nước hiện nay.
VNN: Rất cảm ơn Anh. Thực tế cho thấy là hiện có 3 thành phần đang chi phối tình hình Việt Nam: Một, chế độ CSVN với guồng máy thống trị độc tài, Hai, các thế lực tư bản nước ngoài đang làm ăn buôn bán tại Việt Nam với chủ trương lợi nhuận là trên hết, Ba là quần chúng nhân dân Việt Nam đang khao khát dân sinh, dân quyền và các đảng phái, lực lượng dân tộc dân chủ đang đấu tranh. Tất cả chúng ta, ai cũng đều mong muốn thành phần thứ Ba sẽ thống lĩnh tình hình và đất nước Việt Nam, thế nhưng, qua kinh nghiệm của các cuộc Cách mạng Dân chủ tại Đông Âu và Liên Xô cũ trước đây, sự cộng tác và hậu thuẫn mạnh mẽ của các đảng viên Cộng sản cao cấp đã giác ngộ của Đông Âu và Liên Xô cũ là một yếu tố hết sức quan trọng cho thắng lợi của những cuộc Cách mạng Dân chủ nầy. Từ những thực tế và kinh nghiệm đó, Anh nhận định như thế nào về cuộc Cách mạng Dân chủ ở nước ta trong tương lai sắp tới?
Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn: Tôi rất tâm đắc với anh Võ Triều Sơn của hãng thông tấn VNN đặt ra câu hỏi thú vị tinh tế này và anh quả là một người có nhãn quan chính trị khá sắc sảo. Chứng tỏ anh theo dõi tình hình trong nước và bối cảnh thế giới rất sát sao, rất thực tiễn. Để trả lời vấn đề anh đưa ra, thì chúng ta thấy chắc chắn là lực lượng thứ ba như câu hỏi này nêu lên cuối cùng sẽ thống lĩnh tình hình đất nước. Tuy nhiên, trong hiện tình của nước ta hiện nay có hiện tượng tích cực là, Đảng CSVN đã và đang tiếp tục phân hóa, chia rẽ sâu sắc như trong suốt mấy chục năm tồn tại. Trong nội bộ Đảng CSVN luôn luôn có sự đấu tranh giữa các thế lực cấp tiến và bảo thủ, giữa cởi mở và giáo điều. Chẳng hạn như hiện tượng nhóm cộng sản tiêu biểu trước đây vào những thập niên 40-50 của thế kỷ trước theo chủ trương Trost-kit là các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm... sau đó đều bị thủ tiêu. Tiếp theo những năm đầu thập niên 1960, đã xuất hiện nhóm bất đồng chính kiến của cái gọi là "Vụ án xét lại hiện đại chống Đảng", điển hình là các ông Hoàng Minh Chính, Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Vũ Đình Huỳnh, Dương Bạch Mai, Đặng Kim Giang, Bùi Công Trừng, Nguyễn Vịnh... Cuối những năm 1980 đầu thập niên 1990, có nhóm cấp tiến trong tổ chức "Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến" ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ gồm các ông Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn, Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu... Gần đây nữa vào đầu những năm 1990 đến 1995 và đến nay là xuất hiện các nhân vật có khuynh hướng dân chủ, cởi mở, cải cách như các ông: cựu Trung tướng Trần Độ, Trần Xuân Bách, Hoàng Hữu Nhân, Nguyễn Trung Thành, Lê Hồng Hà, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Duy Thành...Kể cả cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Tướng Nguyễn Nam Khánh...
Trước đây và hiện nay ở các cấp cán bộ của Đảng CS còn có nhiều người có tư tưởng tiến bộ và mong muốn dân chủ hóa đất nước như nhà thơ Bùi Minh Quốc, cựu Đại tá Phạm Quế Dương, nữ Văn sĩ Dương Thu Hương, các Tiến sĩ Phan Đình Diệu, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A, các Cựu Chiến binh Phạm Vũ Sơn, Vũ Cao Quận, Trần Bá, Trần Đình Bá, các Luật sư Trần Lâm, Đàm Văn Hiếu, Đặng Văn Việt, Lê Tiến... Đó là những ví dụ minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này. Tuy rằng chính kiến và tư tưỏng của một số người trong những nhóm này chỉ là đấu tranh nhằm làm trong sạch, lành mạnh bộ máy Đảng và Nhà nước, kiện toàn và củng cố chế độ CS +XHCN hiện nay mà thôi. Một số vị trước đây tham gia Đảng CS ở những nhóm trên đã có một nhận thức rõ ràng, sâu sắc hơn là chế độ CS giáo điều, tàn hại hiện nay phải bị thay thế triệt để chứ không thể sửa chữa, chắp vá vụn vặt. Đương nhiên, họ đã trở thành những nhà dân chủ chân chính và vẫn đang dẫn đầu cuộc tranh đấu quyết liệt vì mục tiêu chung của dân tộc như Tướng Trần Độ, ông Nguyễn Hộ, ông Hoàng Minh Chính, ông Nguyễn Văn Trấn, ông Lê Hồng Hà, ông Bùi Minh Quốc... Còn một số vị tuy vẫn đứng trong hàng ngũ Đảng CSVN ở cấp cao nhưng đã có những tiếng nói tỏ ra tiến bộ, tích cực, cởi mở, dám nói ra một phần sự thật mà điển hình như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đoàn Duy Thành, Trương Đình Tuyển... Cuộc kháng chiến mới hiện nay không thể thiếu được những tiếng nói và sự đóng góp tích cực của những người cộng sản tiến bộ nêu trên. Họ sẽ là cái gạch nối, là bước đệm, là giai đoạn chuyển tiếp từ thể chế độc tài toàn trị khắc nghiệt sang thể chế dân chủ đa nguyên, đa đảng cởi mở và dân chủ triệt để hoàn toàn. Những thực tế đã diễn ra qua các cuộc cách mạng dân chủ và sắc màu ở các nước Đông Âu, Liên Xô, Mông Cổ, Nicaragoa, một số nước thuộc Trung Á, kể cả nước sát nách Việt Nam là quốc gia Chùa Tháp Campuchia, cùng một số nước ở châu Phi như Ethopia, Angola, Modambích... Chúng ta vẫn thấy vai trò những nhân vật cấp tiến của chế độ Cộng sản cũ lên nắm quyền trong giai đoạn giao thời hay chuyển tiếp sang chế độ mới có nền dân chủ tự do thực sự. Đó chính là những bài học và minh chứng hùng hồn cho luận điểm đó.
Tình hình Việt Nam, tôi nghĩ rằng nếu có một sự chuyển hóa thể chế chính trị sẽ có thể lặp lại hiện tượng này khi điều kiện đã chín muồi đẩy tới một cao trào mãnh liệt của quần chúng nhân dân đòi hỏi một thể chế tự do dân chủ cho toàn dân. Trước và trong khi Đại hội X của Đảng CSVN diễn ra, ở Hà Nội và trong nước, người ta rộ lên sự đồn đoán là có khả năng ông Võ Văn Kiệt tuy tuổi rất cao nhưng sẽ được đưa ra làm Tổng bí thư của Đảng CSVN. Chúng tôi là những người quan tâm đến thời cuộc và đại đa số nhân dân theo dõi sát tình hình đều rất phấn khởi về tin đồn đoán đó nếu trở thành sự thật. Bởi vì, khi ông Võ Văn Kiệt nắm giữ vị trí này thì đồng nghĩa với việc ông sẽ là người chủ động đẩy mạnh quá trình cải cách chính trị đưa đất nước sang đa nguyên, đa đảng, dân chủ hóa và hoà hợp hòa giải dân tộc thật sự. Dĩ nhiên điều đó cũng đồng nghĩa với việc thể chế độc đoán toàn trị sẽ dần dần biến mất nhường chỗ cho một nền chính trị mới văn minh cởi mở và nhân bản hơn. Và như thế, ông Võ Văn Kiệt sẽ là Tổng bí thư cuối cùng của Đảng CSVN. Ông sẽ cũng là người khép lại những trang sử đau buồn và bi thảm nhất mà dân tộc ta phải chịu đựng 60-70 năm qua. Ông sẽ là một người đi vào lịch sử vẻ vang như những nhà cải cách vĩ đại trên thế giới như Gocbachov, Borit Elsin, Sevacnatze, Yacoplep... của Liên Xô cũ và kể cả những phần vai trò tích cực của ông Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc. Nhưng thật đáng tiếc, tình huống đó không diễn ra. Tôi nghĩ tương lai sắp tới của cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam cũng không thể thiếu vắng vai trò tích cực của những nhân vật cộng sản tiến bộ và thức thời hiện đang trong nội bộ đảng CSVN mà bối cảnh hiện nay họ chưa thể lộ diện..
VNN: Rất cảm ơn Anh. Một yêu cầu hết sức quan trọng là làm sao sau khi giải quyết được thảm họa độc tài, chúng ta giữ được sự đoàn kết toàn dân, triệt tiêu được mọi nghi kỵ, hận thù để huy động được tối đa tiềm năng của mọi thành phần dân tộc cho công cuộc canh tân đất nước vốn đã lụn bại quá nhiều dưới chế độ độc tài. Để đạt được mục tiêu thiết yếu đó, theo Anh nhận định, chúng ta cần phải làm những gì ngay trong giai đoạn đấu tranh chấm dứt độc tài hiện nay?
Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn: Như các bạn đã biết, trong những quốc gia phải chịu ách độc tài thì ách độc tài cộng sản toàn trị là tệ hại nhất, tàn độc nhất, nguy hiểm nhất và nghiêm trọng nhất bởi vì loại chế độ độc tài này nó tước đoạt tuyệt đối mọi quyền con người, các quyền tự do dân chủ cơ bản của người dân sống trong các quốc gia đó. Các thể chế chính trị đó rất man trá, nó nhân danh nhân dân, nhân danh cách mạng, nhân danh học thuyết khoa học, văn minh tiến bộ, tự gắn cho mình là "đỉnh cao trí tuệ loài người" để áp đặt bằng bạo lực lên toàn xã hội một mô hình chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa tư tưởng cực kỳ phản tiến hóa, phản dân chủ và làm tàn hại đất nước. Những cuộc thanh trừng khủng khiếp đã giết hại hàng loạt, đàn áp, khủng bố, áp bức, trù dập những trí thức, và cả những người lương thiện ngay thẳng dưới thời Lênin, Sitalin, Brêgiơnhep ở Liên Xô cũ trước đây vẫn còn làm chúng ta rùng rợn. Tình cảnh bi thảm đẫm máu tương tự cũng đã xảy ra ở Trung Quốc. Các phong trào như "Đại Nhảy Vọt", "Sắt Thép Toàn Dân", "Trăm Hoa Đua Nở"... Và đỉnh cao của các cuộc tàn sát này được gọi dưới cái tên rất mỹ miều là "Cách Mạng Văn Hóa" dưới thời Mao Trạch Đông và bè lũ tay sai nhóm 4 tên "Tứ nhân bang" đã giết hại hàng chục triệu người, làm tan nát hàng trăm triệu gia đình, tàn phá tan hoang đất nước Trung Hoa cổ kính với bề dày văn hóa hàng ngàn năm. Rồi gần đây nhất là vụ thảm sát hàng ngàn sinh viên biểu tình đòi dân chủ ngày 4-6-1989 tại quảng trường Thiên An Môn, những vụ tàn sát giáo phái Pháp Luân Công hiện vẫn đang diễn ra trên phạm vi rộng lớn trên cả Trung Hoa lục địa rất ghê rợn là những tội ác ghê tởm, là nỗi nhục nhã không bao giờ có thể rửa sạch vết nhơ này đối với lịch sử loài người!!! Sát cạnh nước ta đã từng xảy ra thảm hoạ diệt chủng dân tộc do Đảng cộng sản Campuchia mà những tên trùm đao phủ như Tổng bí thư Pôn Pốt, Khiêu Săm Phon, Yêng Sa Ri, Tà Mốc... cầm đầu đã giết hại gần 3 triệu người dân xứ sở Khơ me này. Điều đó cũng góp phần làm dày thêm hồ sơ tội ác của chủ nghĩa cộng sản toàn trị mà không gì có thể chối cãi được trước dư luận rộng rãi trên thế giới. Tội ác của các nhà lãnh đạo cộng sản ở Đông Âu trước đây như vợ chồng TBT Nicolai Ceaucescu ở Rumani, TBT Hôneckơ ở Đông Đức cũ... vẫn là những minh chứng còn nguyên giá trị mãi mãi với lịch sử.
Hiện nay nhân dân các nước như Cuba, Bắc Triều Tiên, Miến Điện, kể cả Trung Quốc và Lào vẫn đang quằn quại rên siết dưới ách chế độ độc tài cộng sản và quân phiệt phản động, phản cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại và lịch sử chính các quốc gia đó. Ở đó ngày nay cuộc sống nhân dân tồi tệ đến mức cả nước trở thành một nhà tù, một trại tập trung trá hình khổng lồ giữa lòng thế giới văn minh, tiến bộ với nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển rực rỡ. Đó là những bảo tàng sống và đanh thép nhất về tội ác của chủ nghĩa cộng sản toàn trị Mác-Lênin, cũng như các chế độ độc tài quân phiệt khác mà không gì biện minh được.
Tại Việt Nam, nhân dân ta đã, đang phải chịu đựng ách độc tài toàn trị cộng sản đối với miền Bắc là hơn 50-60 năm, đối với miền Nam là hơn 30 năm đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề trên mọi mặt đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng... Điển hình là chính sách đàn áp, khủng bố vừa trắng trợn, vừa tinh vi liên tục, đường lối thực thi chính sách ngu dân nặng nề, là áp đặt chủ trương bưng bít thông tin, tuyên truyền lừa bịp, thể hiện một chính sách nô dịch về văn hóa Cộng sản Mác xít ngoại lai, lỗi thời hoàn toàn trái với truyền thống văn hiến đậm đà bản sắc dân tộc có từ ngàn xưa của đất nước Việt Nam ta. Vì thế, cả xã hội bị tê liệt ý chí đấu tranh và phản kháng, là điều rất cần thiết nhằm tranh đấu để lành mạnh hóa đời sống xã hội. Cho nên, điều quan trọng nhất hiện nay chính là nâng cao dân trí trong mọi tầng lớp nhân dân trong đó có cả quần chúng lao động bị đè nén và áp bức, tầng lớp trí thức, thế hệ trẻ, giai cấp nông dân, công nhân và nhiều thành phần khác trong xã hội và cả những số đông đảng viên CS lương thiện có lương tâm, có lòng yêu nước và thương dân thực sự. Đặc biệt phải kể đến cả lực lượng đang nằm trong bộ máy sức mạnh của nhà cầm quyền hiện nay, như quân đội, công an, nhân viên và cán bộ của bộ máy tư pháp, đội ngũ cán bộ viên chức có lương tri đang phục vụ hệ thống công quyền hiện nay v.v... Tóm lại, là toàn bộ xã hội phải được thấm nhuần mục tiêu dân chủ hóa và canh tân đất nước mà cuộc cách mạng văn hóa và tư tưởng mới là chủ đạo. Chúng ta cần đẩy mạnh việc tuyên truyền tư tưởng dân chủ tự do trên cả bề rộng và chiều sâu nhằm nâng cao trình độ nhận thức chính trị cho toàn dân. Do đó, vấn đề bức bách hiện nay không phải là sự thay thế ngay tức khắc và tuyệt đối thể chế chính trị, càng không phải là đòi hỏi nắm quyền lực ngay tức thì và chắc chắn điều này cũng không khả thi. Mà vấn đề then chốt hiện nay là mặt trận văn hóa và tuyên truyền phải đi trước một bước mạnh mẽ, phải có sự giao lưu văn hóa qua lại giữa đồng bào trong và ngoài nước, cũng như với quốc tế. Vì thế, chúng ta phải đòi bằng được các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do hội họp, tự do phát biểu ý kiến, tự do sinh hoạt đảng phái chính trị, tự do lập hội... Đồng thời sách báo hải ngoại và quốc tế phải được lưu thông về nước để chúng ta cùng hiểu nhau, cùng thảo luận, trao đổi để tìm ra tiếng nói chung và sự đồng thuận cao trong công cuộc thiết lập nền dân chủ và tái thiết đất nước... Đấu tranh để giành thắng lợi được những mục tiêu trên chính là đột phá vào thành luỹ của thể chế độc tài và bảo thủ trì trệ vây hãm kìm kẹp đất nước ta mấy chục năm qua. Bước tiếp theo của cuộc cách mạng dân chủ là đòi tiến hành Tổng tuyển cử tự do có quốc tế giám sát, xây dựng hệ thống chính trị đa nguyên đa đảng, thiết lập hệ thống tam quyền phân lập trong bộ máy phục vụ nhân dân toàn xã hội đạt hiệu quả nhất... Song song với vấn đề đó là phải giải quyết triệt để vấn đề hoà giải và hoà hợp dân tộc với hàng triệu đồng bào Việt Nam ở hải ngoại, để đồng bào hải ngoại yêu nước có cơ hội trở về cùng chung tay xây dựng nước đất nước sau bao nhiêu năm chia rẽ và hận thù. Có được như vậy thì công cuộc xây dựng xã hội mới, dân chủ tự do của chúng ta mới vững bền và có nền tảng chắc chắn!
VNN: Kính thưa Anh, trong yêu cầu đó, Anh nhận định như thế nào về vai trò của Tuyên Ngôn Dân Chủ 8406?
Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn: Như các bạn đã biết, vấn đề này tôi đã trả lời phỏng vấn trên đài Radio Hoa Mai rất rõ ràng, cũng như trong thời gian gần đây tôi đã tham dự các buổi hội thảo trên Paltalk, tôi đều đề cập đến sự ra đời, hình thành và hoàn thiện bản Tuyên Ngôn Dân Chủ Tự Do được công bố vào ngày 8-4-2006 mà gọi tắt là Tuyên Ngôn 8406. Tôi cũng nói rõ vai trò quan trọng có ý nghĩa lịch sử của Bản Tuyên Ngôn 8406 trong công cuộc đấu tranh đối với chế độ độc tài đảng trị mà lãnh đạo Đảng CSVN ngoan cố áp đặt lên đất nước ta suốt mấy mươi năm qua, nhằm đòi dân chủ hóa toàn diện đời sống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, tư tưởng... hiện nay của Nhân dân ta. Tuyên Ngôn 8406 được công bố trước Đại hội Đảng CSVN lần thứ X chưa đầy 10 ngày, với 118 công dân đợt đầu đã tham gia ký tên ủng hộ văn bản này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chế độ độc tài CSVN, 118 công dân có tên tuổi, địa chỉ cụ thể đã công khai tán thành toàn văn nội dung, tinh thần Bản Tuyên Ngôn lịch sử. Đó là thông điệp quan trọng gửi đến giới cầm quyền CSVN đang cai trị đất nước hiện nay. Đó còn là tiếng nói khát vọng tự do và dân chủ của hơn 80 triệu đồng bào trong và ngoài nước đang quằn quại và rên siết dưới ách thống trị độc đoán và chuyên chế được thiết lập nên đối với miền Bắc là hơn nửa thế kỷ, đối với miền Nam là hơn 30 năm qua. Bản Tuyên Ngôn 8406 ra đời là một đòn giáng mạnh vào thế độc tôn nắm giữ quyền sinh sát của một thiểu số rất nhỏ trong bộ máy trung ương tập quyền của Đảng và Nhà nước CSVN.
Đến thời điểm này đã có trên 2000 công dân trên mọi miền đất nước, gồm đủ mọi thành phần giai cấp trong xã hội, từ nông dân, công nhân, dân nghèo, đến các vị chức sắc trong các tôn giáo Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Phật giáo, đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài... đến các nhân sĩ trí thứccó tên tuổi, đủ mọi lứa tuổi, nam nữ, đại diện một số đồng bào dân tộc ít người. Đó là một biểu hiện đanh thép và hùng hồn phản ánh nỗi chán ghét của đại đa số nhân dân với chế độ chính trị độc đoán, hoàn toàn trái ngược với truyền thống nhân đạo, văn hiến của dân tộc. Bộ mặt của một chế độ lạc hậu và lỗi thời đối lập hoàn toàn với lợi ích của Nhân dân và đất nước đã lộ diện rất rõ từ lâu. Với tất cả thái độ ôn hòa và khiêm nhường, chúng ta vô cùng tự hào và vững tin rằng cuộc tranh đấu hiện nay là hoàn toàn chính nghĩa. Và cũng tính đến nay, Bản Tuyên Ngôn 8406 lịch sử này đã được sự ủng hộ của gần 140 các vị dân biểu, nghị sĩ, các chính khách, các nhà hoạt động chính trị, xã hội, nhân quyền, các tổ chức bảo vệ nhân quyền nổi tiếng trên toàn cầu. Mà trong đó có nhiều vị cựu Tổng thống, cựu Bộ trưởng của nhiều chính phủ, nhiều quốc hội thuộc nhiều quốc gia trên khắp thế giới từ Hoa Kỳ, Canada, Liên Minh châu Âu, Úc châu...đã nhiệt thành lên tiếng ủng hộ. Đồng bào ta ở hải ngoại đã tham gia ký tên ủng hộ lên tới hàng chục, hàng trăm ngàn người. Như vậy là, tiếng thét đòi Tự Do của một dân tộc uất hận và đau thương đã vang lên mạnh mẽ, đẩy nhà cầm quyền CSVN vào trong tình thế lúng túng, cô lập, bối rối và buộc phải có những đối sách, biện pháp tỏ ra uyển chuyển, có dấu hiệu tỏ ra thức thời hơn trước đây. Bản Tuyên Ngôn 8406 ra đời là một mốc quan trọng trong công cuộc tranh đấu đòi tự do dân chủ. Vì nó đánh dấu giai đoạn đấu tranh mang tính bước ngoặt mới, có tính quyết định và đang đi dần đến hồi kết. Một mặt trận tranh đấu công khai, trực diện với nhà cầm quyền đã được mở ra chính thức ngay trong lòng chế độ, ngay trong lòng đất nước để đòi hỏi thực thi các quyền căn bản của con người, của công dân và đòi thay thế một chế độ chính trị đã lỗi thời, thấp kém về văn minh chính trị. Mà nền tảng, cơ cấu của hệ thống chính trị ấy được xây dựng nên không phải từ ý nguyện của nhân dân cả nước. Trong mấy tháng qua, phong trào tranh đấu dân chủ trong nước đã nở rộ. Lần đầu tiên suốt mấy chục năm qua, hàng trăm, hàng ngàn công dân khắp trong nước đã nắm tay nhau, suốt từ Nam chí Bắc, đã tập hợp cùng nhau trong cùng một chiến tuyến chống lại nền độc tài bạo quyền, mục ruỗng. Tuyên Ngôn Dân Chủ 8406 ra đời đã ngày càng lôi cuốn được đông đảo quần chúng nhân dân lao khổ bị áp bức, bóc lột, bị tước đoạt nhân phẩm, bị tước đoạt các quyền làm người sơ đẳng, cơ bản nhất hưởng ứng và nô nức tham gia. Hiện nay, làn sóng tham gia ký tên ủng hộ Tuyên Ngôn 8406 vẫn tiếp tục dâng cao, danh sách ký tên ủng hộ ngày càng dài thêm, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Nhân dân trong nước đã dần dần thức tỉnh về ý thức, về trách nhiệm chính trị đối với dân tộc và Tổ quốc sau bao nhiêu đêm dài tăm tối. Chắc chắn thời gian tới, trào lưu ủng hộ đông đảo này của quần chúng sẽ trở thành một cao trào cách mạng mạnh mẽ, rộng lớn hơn nữa ngay trong lòng đất nước chúng ta. Nó sẽ xô đẩy thế cai trị độc quyền của Đảng và nhà nước CSVN vào tình thế hiểm nghèo với chồng chất thêm nhiều khó khăn, nhiều thách thức hơn nữa. Và nhà nước CSVN dù vẫn còn nắm trong tay đầy đủ, nguyên vẹn, tuyệt đối bộ máy sức mạnh như hàng triệu công an, quân đội, dân phòng, bộ máy tư pháp và hệ thống nhà tù dày đặc. Chắc chắn rằng cũng không thể trắng trợn đàn áp, đẩy lùi, dập tắt được khát vọng tự do và cao trào cách mạng dân chủ này của quần chúng yêu nước.
VNN: Kính thưa Anh, là một người tranh đấu dũng cảm trong nước phải chịu đựng thường xuyên những áp bức, khủng bố kể cả tù đày của chế độ độc tài, Anh nhận định như thế nào về những đấu tranh hỗ trợ của đồng bào hải ngoại cùng những nỗ lực can thiêp của Quốc tế cho các Chiến sĩ Dân chủ trong nước?
Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn: Cuộc đấu tranh vì sự nghiệp dân chủ hóa đất nước chúng ta hiện nay là một cuộc tranh đấu mang tính chất sống còn của cả dân tộc Việt Nam. Công cuộc đấu tranh này diễn ra trên 3 mặt trận cơ bản sau đây:
1-Mặt trận đấu tranh đòi Dân chủ tự do, đòi các quyền dân sinh và công bằng xã hội trong nước.
2-Mặt trận đấu tranh đòi Dân chủ tự do hóa triệt để của Đồng bào Việt Nam ở hải ngoại hỗ trợ cho phong trào quốc nội.
3-Mặt trận đấu tranh trên trường quốc tế đó là sự yểm trợ của bạn bè, lương tri tiến bộ trên khắp thế giới bao gồm các Chính phủ, Quốc hội, các lực lượng dân chủ văn minh, các tổ chức, hội đoàn phi chính phủ, các tổ chức nhân đạo và bảo vệ quyền con người, bảo vệ tự do báo chí và thông tin...
Ba mặt trận này cũng hỗ trợ nhau, phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ với nhau cùng tiến công vào dinh luỹ của chế độ nhằm cô lập, bao vây vô hiệu hóa bộ máy khủng bố đàn áp...của nền độc tài, chuyên chế.
Đồng bào trong nước đang là nạn nhân, đồng bào hải ngoại cũng là nạn nhân phải bỏ đất nước ra đi, sống lưu vong mấy chục năm qua nơi đất khách quê người. Dù cuộc sống của đồng bào Việt Nam hải ngoại có đủ đầy, sung túc phong lưu đến bao nhiêu cũng chỉ là kiếp người dân mất nước, kiếp người vong quốc thời hiện đại mà thôi. Hơn ba triệu đồng bào Việt Nam hải ngoại sống trên khắp thế giới mà tập trung chủ yếu sống ở các quốc gia thuộc cộng đồng dân chủ văn minh như Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc... Ở đó đồng bào ngày đêm vẫn đau đáu xót xa, thương cảm với hoàn cảnh của nhân dân trong nước đang chịu đoạ đày. Họ càng thấu hiểu ý nghĩa được hưởng quyền con người, quyền được sống trong dân chủ tự do thực sự. Đồng bào cũng chỉ có mong muốn tột cùng và hoài bão lớn lao là ước ao sao cho nhân dân và đất nước sớm được thoát khỏi ách độc tài toàn trị hiện đang tròng lên đầu lên cổ cả dân tộc. Vì thế, cũng suốt mấy chục năm qua ở hải ngoại luôn luôn dấy lên phong trào tranh đấu với chế độ và nhà nước CSVN. Hiện nay, cuộc đấu tranh đang đi vào giai đoạn quyết định, thì vai trò hỗ trợ mà đồng bào hải ngoại phối hợp cùng với phong trào đấu tranh ở trong nước là không thể thiếu vắng. Ngược lại, sự yểm trợ đó là vô cùng cần thiết, quý giá và có ý nghĩa to lớn. Mặt trận tranh đấu ở trong nước được mặt trận tranh đấu của đồng bào hải ngoại hỗ trợ nhịp nhàng và từ bao lâu nay đã kết thành một sức mạnh chung của cả dân tộc. Đó chính là biểu hiện của khối đại đoàn kết, là sự tương thân tương ái, gắn bó hữu cơ mật thiết trong sự nghiệp chung đấu tranh vì mục tiêu cao cả, thiêng liêng cho tương lai sáng lạn của Dân tộc và Tổ quốc.
Bên cạnh đó, chúng ta không thể không nói đến vai trò, ảnh hưởng to lớn mà sự ủng hộ của quốc tế, của lương tri bạn bè trên khắp thế giới dành cho nhân dân ta. Sự quan tâm đặc biệt này của các chính phủ, các quốc hội, các chính khách, dân biểu, nghị sĩ, các nhà hoạt động chính trị và xã hội, văn hóa... các tổ chức phi chính phủ hoạt động nhân đạo, nhân quyền, bảo vệ người lao động, bảo vệ tự do báo chí, thông tin... thuộc nhiều quốc gia dân chủ văn minh và tiến bộ trên khắp thế giới đã và đang thường xuyên theo dõi và dành nhiều tình cảm cho sự nghiệp tranh đấu của nhân dân ta. Sự ủng hộ đó rất to lớn, kịp thời và có hiệu quả. Chính điều này đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào tranh đấu vì dân chủ, tự do của cả dân tộc ta ở trong cũng như ngoài nước. Và cũng chính điều này đã góp phần to lớn cùng với các mặt trận trên đã đẩy chế độ chuyên chế, cực quyền, phản dân của nhà cầm quyền CSVN vào tình thế ngày càng bị cô lập thảm hại. Với ba mặt trận trên phối hợp tiến công nhịp nhàng và hậu thuẫn cho nhau chắc chắn công cuộc tranh đấu của chúng ta sẽ đạt được thắng lợi vẻ vang!
VNN: Rất cảm ơn Anh. Xin Anh một câu hỏi cuối: Là một người đã dấn thân vào con đường tranh đấu từ khi còn trai trẻ và phải chịu đựng liên tục nhiều gian nguy, thử thách cho mãi đến hôm nay, qua diễn đàn nầy, Anh có điều gì muốn chia sẻ thêm cùng các bạn Trẻ Việt Nam không?
Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn: Đây là một câu hỏi khá lý thú và có ý nghĩa trong giai đoạn này. Cách đây hơn 14 năm, khi ấy tôi bắt đầu chính thức tham gia hoạt động dân chủ. Mặc dù thời kỳ ấy chỉ là một nhóm nhỏ những thanh niên quan tâm đến chính trị, thời cuộc và vận mệnh đất nước. Chúng tôi truyền tay nhau những bài viết về dân chủ, tự do, về nhân quyền của các tác giả nổi tiếng trong nước như cụ Hoàng Minh Chính, cụ Trần Độ, Nguyễn Hộ, Nguyễn Hữu Đang, Lê Hồng Hà, một số trí thức văn nghệ sỹ khác như: Lữ Phương, Phùng Quán, Dương Thu Hương, Hà Sỹ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hồ Hiếu, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến... Giai đoạn sau này còn rất nhiều tác giả khác nữa. Lúc đó, bản thân tôi vì vừa phải bươn trải kiếm sống trong xã hội, cho nên việc truyền bá những tư tưởng trong các tác phẩm, bài viết trên chỉ trong một phạm vi rất hẹp. Cũng một phần vì lúc đó đa phần trong xã hội, nhân dân và thanh niên chưa có mấy ai quan tâm và đó là một công việc hết sức nguy hiểm. Khi ấy, tuổi đời tôi còn khá trẻ chỉ trạc tuổi những thanh niên mến yêu dân chủ ngày nay đã có tiếng tăm như luật sư Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn... Còn những trí thức dân chủ trẻ tuổi hơn như lớp kỹ sư Bạch Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh, Lương Duy Phương, Lê Trí Tuệ, Trương Quốc Huy, Trương Quốc Tuấn, Quỳnh Trâm, Trần Đình Nguyên, Phạm Bá Hải, Nguyễn Ngọc Quang, Vũ Hoàng Hải... thì hầu như lúc đó không có ai. Lớp những người quan tâm đến vận mệnh nước nhà và đấu tranh dân chủ lúc đó phần lớn là những người cao tuổi. Còn những người dấn thân đấu tranh quyết liệt, một mất một còn chống chế độ độc tài đảng trị CSVN phần lớn là những nhân sĩ trí thức, chức sắc hầu hết là người ở trong miền Nam. Những thông tin ít ỏi về họ tôi chỉ được theo dõi và nghe qua các đài phát thanh như RFI, VOA, BBC, Chân Trời Mới, sau này thêm RFA và một số ít báo chí hải ngoại lọt được vào trong nước. Tất nhiên, ý thức dân chủ và nhận thức chính trị của tôi đã có từ khá lâu nhất là sau khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc ngày 30-4-1975 như đã nói ở phần trên.
Nhưng những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước mới đánh dấu sự dấn thân hoàn toàn vì dân chủ tự do, công bằng xã hội và các quyền con người đối với cuộc đời tôi. Sau này, tôi đã được gặp các nhà tranh đấu tên tuổi như cụ Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Hữu Đang, Phạm Thị Tề, Nguyễn Khắc Viện, Lê Hồng Hà, Lê Hồng Ngọc... Thời gian tiếp theo là gặp các trí thức dân chủ như Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Bùi Minh Quốc, Hà Sỹ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh... thì nhận thức càng thêm rõ ràng, bản lĩnh chính trị của tôi được trau dồi và nâng lên rất nhiều.
Ngày nay, lớp thanh niên trẻ đã chính thức xung vào mặt trận tranh đấu dân chủ khá đông đảo, lứa tuổi ngày một trẻ hơn, phần lớn là trí thức, có trình độ văn hóa cao, có trình độ kỹ thuật tin học điêu luyện rất xứng đáng kế tiếp sự nghiệp mà những lớp cha anh đã đi trước dẫn đường. Cùng với đó là chúng ta đang được sống trong kỷ nguyên của khoa học, công nghệ thông tin kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ như vũ bão trên toàn cầu. Những thành tựu tiến bộ đó của nhân loại đã góp phần to lớn thúc đẩy mạnh mẽ ánh sáng văn minh của loài người tiến bộ xé tan màn đêm tối tăm lạc hậu mà các chế độ độc tài, phản động cố duy trì để bám giữ quyền lực thống trị của mình đối với đại bộ phận nhân dân và cả đất nước.
Hậu quả của chế độ độc tài toàn trị để lại đối với đất nước ta là vô cùng nặng nề và nghiêm trọng. Ngoài việc làm cho đất nước tụt hậu và lụn bại, nhân dân sống trong bần hàn, nghèo đói, thì di sản nguy hiểm còn để lại khá lâu dài đó là tình trạng trong xã hội bị tê liệt ý chí phản kháng, quần chúng sống trong nỗi khiếp đảm, hãi hùng, nhụt ý chí đấu tranh. Điều đáng buồn là trong khối quần chúng nhân dân đó thì đáng kể la đa số thanh niên, thế hệ trẻ thờ ơ và lãnh đạm với vận mệnh của đất nước, của dân tộc. Trong hoàn cảnh hiện nay số đông đó có lối sống ích kỷ, vô trách nhiệm với cộng đồng, với tổ quốc, sống với não trạng cam chịu như số phận của một thứ thần dân tôi mọi chịu ách cai trị của tầng lớp vua chúa phong kiến thủa trước. Mặt khác, cùng với sự xô bồ, cám dỗ của xã hội hiện đại, họ lao vào lo kiếm tiền, lo ăn chơi phè phỡn, lo hưởng thụ, bon chen nhau để tiến thân trong xã hội, ngoảnh mặt làm ngơ không hề đếm xỉa gì đến nỗi đau, nỗi nhục của cả dân tộc. Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm thức tỉnh khối thanh niên, các bạn thuộc thế hệ trẻ này để khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, sống có hoài bão, có lý tưởng để sao cho trong thời gian ngắn nhất thế hệ những công dân trẻ đáng quí đó sẽ hòa mình vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc nhằm giành lại tự do dân chủ, các quyền con người và canh tân lại xứ sở đất nước sau bao nhiêu năm lầm than, nghèo đói và lạc hậu. Được như vậy tôi tin rằng các bạn trẻ Việt Nam sẽ được sống cuộc đời đầy ý nghĩa hơn, sống với niềm tự hào chính đáng vì đã mang trong mình dòng máu Con Hồng Cháu Lạc rất xứng danh với kỳ vọng của cả dân tộc. Và chỉ có như vậy mới chấm dứt những năm tháng dài sống trong tủi nhục, phi hoai và hổ thẹn trước đây.
Cuối cùng tôi xin chúc cá nhân anh Võ Triều Sơn đạt được nhiều thành tựu trong vị trí công tác của mình và góp phần vào sự nghiệp thiêng liêng của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Võ Triều Sơn: Đại diện cho thông tấn VNN, tôi xin cảm ơn Nhà Báo Tự Do Nguyễn Khắc Toàn đã dành nhiều suy nghĩ và thì giờ quý báu để chân thành chia sẻ cùng quý độc giả của VNN nhiều vấn đề quan trọng của đất nước hôm nay. Riêng cá nhân tôi, xin nguyện được sống xứng đáng với lời chúc của Anh. Xin kính chúc Anh cùng quý quyến và tất cả quý Chiến Hữu Dân Chủ luôn được nhiều sức khoẻ và thành công như ước nguyện.
***
Hà nội từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 8 năm 2006.
Nhà Báo Tự Do, Cựu Tù Nhân Chính Trị Và Lương Tâm
NGUYỄN KHẮC TO?N
Số nhà 11 ngõ Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà nội.
Email: gopydtbcct2006@yahoo.com và trannguyenchiviet2006@gmail.com
Mobile bao gồm các số sau: 0902-139934, 0904-665439, 0906-524544, 0917-372313, 0936-084 993, 0903-541990... đều đã bị công an VN chỉ đạo Bưu điện VN vô cớ cắt phá nhằm cô lập, bóp nghẹt quyền tự do thông tin và ngôn luận cá nhân, một việc làm vô cùng phi pháp và vô nhân đạo của công an VN.
Ghi chú: Điện thoại cố định của tôi và gia đình, đường kết nối internet vẫn bị Bộ công an VN chỉ đạo Bưu điện Hà nội cắt vô cớ, nhằm ngăn chặn quyền tự do thông tin, bao vây, giam hãm, cô lập tôi với thế giới xung quanh sau khi tôi có những ý kiến đóng góp cho đại hội X ĐCSVN.
http://www.danchu2006.com/PageHtm/ThanhVien/NguyenKhacToan.htm
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire