Lịch sử chọn đường vòng (II)
Bùi Tín
DCVOnline: Bài dưới đây được Tạp chí Đàn Chim Việt (báo giấy), số 5/2000 do Cao Ngọc Quỳnh trích dẫn, biên tập với tựa đề "Lịch sử chọn đường vòng" dựa trên tác phẩm "Mặt Thật" của nhà báo Bùi Tín, nhân dịp 19/05, ngày sinh của Hồ Chí Minh. Chừng nào Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vẫn ngoan cố bám lấy tư tưởng Hồ Chí Minh, một thứ tư tưởng bịa đặt mà bản thân ông Hồ cũng xác nhận là ông chẳng có, chừng đó những bài viết để trả Hồ Chí Minh trở lại đúng với con người ông vẫn hoàn toàn có giá trị và mang tính thời sự trước sự giả dối và bưng bít thông tin của chính quyền cộng sản Việt Nam. Lẽ ra, nếu không bị lừa gạt, nhân dân Việt Nam với truyền thống nhân ái, bao dung cũng mong muốn để cho ông mồ yên mả đẹp, hồn ông được siêu thoát và các nhà làm sử sẽ phân tích con người ông khách quan như một nhân vật của quá khứ lịch sử. Thế nhưng, ông Hồ Chí Minh chết đi đã 37 năm nay mà vẫn còn bị mổ xẻ, bầm dập từ thể xác đến linh hồn là do chính ĐCSVN gây ra.
Phần 2 (*)
Chuồng cọp Côn Sơn (circa 1964-65) - Nguồn: oldspooksandspies.org
--------------------------------------------------------------------------------
Cách mạng Việt nam từ mấy chục năm trước đây có thể đi theo một con đường khác với con đường đã trải qua hay không? Đây là một giả thuyết của một số người. Con đường mà Thái Lan, Indonesia, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Singapore đã đi rất khác ta. Vậy mà họ đạt đến độc lập, phát triển thịnh vượng, tuy rằng đối với họ đang có vấn đề dân chủ được đặt ra. Chuyện đã qua rồi rất khó đặt vấn đề trở lại với chữ “nếu”.
Để mở rộng đường suy nghĩ, xin trích vài đoạn dưới đây từ bức thư của cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh gởi cho anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc ngày 18/02/1922. Lúc này cụ Phan Chu Trinh vừa 50 tuổi, hoạt động ở Marseille. Cụ từng bị tù ở Côn Đảo từ 1908 -1911, ra khỏi tù cụ sang Pháp, viết cuốn sách Đông Dương Chính Trị Luận nêu rõ đường lối đấu tranh không bạo động, tố cáo chế độ thực dân hà khắc và hệ thống quan lại tham nhũng trước dư luận Pháp. Cụ chủ trương đường lối đấu tranh lấy văn hoa, giáo dục, dân trí làm nền tảng lâu dài, theo phương châm: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, có nghĩa là mở mang sự hiểu biết của đông đảo nhân dân, làm cho khí thế khí phách của nhân dân phấn chấn lên và làm cho cuộc sống được cải thiện (hậu đây có nghĩa là làm cho dày, cho hậu, cho hùng hậu, chứ không phải là cuối cùng là dân sinh, như một số sách dịch nhầm). Chủ trương này bị NAQ cho là thủ cựu.
Cụ Phan Văn Trường - Nguồn: english.vietnamnet.vn
--------------------------------------------------------------------------------
Bức thư có đoạn viết: “Bấy lâu nay, tôi cùng anh và Phan (là Phan Văn Trường, luật sư nổi tiếng về trình độ hiểu biết và lòng yêu nước hồi ấy) đàm đạo nhiều việc; mãi tới bây giờ anh cũng không ưa gì cái phương pháp Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi. Còn tôi lại không thích cái phương pháp Ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội (ngồi ở nước ngoài kéo người tài từ trong nước ra, đợi thời cơ để trở về gấp) của anh, và cả cái dụng lý thuyết thâu nhân tâm của Phan. Bởi phương pháp bất hoà mà anh đã nói với Phan là tôi là hạng hủ nho thủ cựu. Cái điều anh gán cho tôi đó, tôi chẳng giận anh tý nào cả... Tôi tự ví tôi ngày nay như con ngựa đã hết nước tế, tôi nói thế chẳng hề dám ví anh là kẻ Tử mã lục thạch (bốn chữ này nhà học giả Hoàng Xuân hãn có ý kiến dịch là “Ngựa non háu đá”, theo cách nói ví von hóm hỉnh thường thấy ở cụ Phan Tây Hồ)”.
Bức thư còn viết thêm: “Từ xưa đến nay, từ Á sang Âu, chưa có một người nào làm cái việc như anh. Anh lấy cái lẽ ở nước mình lưới dăng tứ bề, mà về nước ắt là sa cơ, gia dĩ dân tình sĩ khí cơ hồ tan tác, bởi cái chính sách cường quyền nên sự hấp thụ lý thuyết kém cỏi, bởi thế mà anh cứ khư khư cái phương pháp Ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội; cứ như cái phương pháp ấy thời anh viết bài đăng báo trương trên đất người để mà hô hào quốc dân đồng bào bên nhà đem tinh thần nghị lực ra làm việc nước. Tôi coi lối ấy phí công mà thôi!... Anh không nghe lời tôi nói, anh ở hoài bên này, cứ cái lối đó thì tài tài năng của anh khác gì công dã tràng!”.
Cần nhớ rằng cụ Phan Chu Trinh cùng một lứa thi cử với Nguyễn Sinh Huy, thân sinh của Nguyễn Ái Quốc. Cụ Phan cũng đỗ phó bảng. Cụ hơn Nguyễn Ái Quốc 22, 23 tuổi. Trong lá thư trên, rõ ràng cụ phê phán Nguyễn Ái Quốc về phương pháp cách mạng. Tuy cụ không chấp gì việc Nguyễn Ái Quốc nhận xét cụ là bảo thủ, là thủ cựu, là hủ nho và cải lương, cụ vẫn một mực can ngăn Nguyễn Ái Quốc chớ chủ quan cho phương pháp của mình là đúng. Cụ còn phê phán Nguyễn là xưa nay, từ Á sang Âu, chưa ai làm cái việc như Nguyễn làm. Cái cách làm ấy chỉ phí công! Cụ còn ví von nói, ngựa non háu đá! Cụ một mực khẳng định con đường của cụ: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh là con đường đúng đắn cần theo.
Con đường của cụ Phan chủ trương gần giống như con đường của các ông Gandhi và Nehru ở ấn Độ. Đó là con đường bất bạo động, con đường nâng cao trình độ hiểu biết của nhân dân, mở mang học vấn, cổ động tinh thần đấu tranh, đồng thời tranh thủ các thế lực dân chủ và tiến bộ ở chính quốc. Cụ rất ưa dùng hình ảnh đông tay vỗ nên bộp , nghĩa là giác ngộ đồng bào, hướng dẫn đông đảo đồng bào đồng tâm đấu tranh, nhiều người cùng vỗ tay sẽ tạo nên cảnh hưởng ứng rộng lớn, có uy lực buộc kẻ thù nhượng bộ.
Nhiều nhà trí thức có lý khi đạt vấn đề rằng: nếu như hồi ấy đường lối đấu tranh đại loại như của cụ Phan đề xướng được chấp nhận và thành hiện thực thì đất nước ta rất cỏ thể đã khác hẳn hiện nay, vừa có độc lập thống nhất, có dân chủ và phát triển, có thể tránh được chiến tranh, và tránh bị cỗ máy nghiền mà chủ nghĩa Staline, chủ nghĩa Mao đã đưa đến thông qua đảng cộng sản với biết bao hậu quả nặng nề mà chưa biết đến bao giờ mới khắc phục được...
(Trích từ “Mặt Thật”. Nhà xuất bản Turin Press 1994).
Đôi lời kết của người dẫn chuyện
Thật đáng tiếc là lịch sử vẫn hay đi đường vòng. Đáng tiếc hơn nữa là những dự cảm xấu của cụ Phan Chu Trinh về con đường “Cách Mệnh” mà Nguyễn ái Quốc theo đuổi đã trở thành hiện thực. Con đường đó không những chỉ phí công (công dã tràng!) mà còn phí máu của nhân dân (hơn 3 triệu người chết, hàng chục triệu người bị thương, đất nước tan hoang bại hoại, nhân dân vừa được giải phóng khỏi ách ngoại xâm liền bị bắt trở lại làm nô lệ cho chính một nhóm "đồng bào ưu tú” cùng máu đỏ da vàng, nhân danh đảng và tư tưởng Mác- Lenin ngoại lai... Một phần tư thế kỷ đã trôi qua sau chiến tranh mà đất nước vẫn không ngóc đầu lên được...). Trong bối cảnh như thế việc xem xét lại tư tưởng của các nhà ái quốc tiền bối là viêïc làm có ý nghĩa trong việc gạn đục khơi trong, tìm hiểu, thảo luận thẳng thắn.. đặng góp phần tìm ra đường đi nước bước hợp lý cho dân tộc trong tương lai, tránh được những sai lầm của tiền nhân, đưa dân tộc ra khỏi vũng lầy hiện nay.
Để làm rõ hơn nữa con đường, chủ trương cách mạng duy tân của cụ Phan và các đồng chí của cụ, chủ trương cách mạng bạo động tai hại của Nguyễn Ai Quốc... cũng như tinh thần yêu nước, cách mạng và dũng khí của thế hệ cha anh ấy, xin dẫn thêm ở đây một tài liệu mới tìm thấy ở Kho lưu trữ Quốc gia Pháp (đường France Bourgeois, Paris): Báo cáo của Mật thám (của É douard, một người việt hợp tác với Pháp, trà trộn trong giới Việt kiều yêu nước. Ký hiệu lưu trữ: F7-13405) ghi lại khá chi tiết một cuộc trao đổi giữa Nguyễn ái Quốc, Phan Chu Trinh và mấy người khác tối 19/12/1919 tại Paris, 6 Villa des Gobelins, phản ánh nhận thức và quan điểm rất khác nhau của hai người.
Dưới đây là toàn văn:
BÁO CÁO MẬT
“Ngày hôm qua, thứ sáu, hồi 9 giờ tối, tôi gặp Nguyễn ái Quốc ở nhà anh ta, 6 Villa des Gobelins. Ở đó tôi đã gặp Khánh Ký, Lê Văn Sao. Sau khi nói chuyện với Quốc khoảng nửa giờ, tôi vui mừng thấy Phan Chu Trinh bước vào; ông ta từ Bordeaux về mà không báo trước cho các bạn...
Trao đổi với Phan Chu Trinh, Khánh Ký về tình hình chính trị ở VN, Nguyễn Ái Quốc nhận xét:
“Các bác nhiều tuổi hơn và từng trải hơn tôi, cả hai báo tin rằng dân An Nam sẽ có thể xin và nhận được cái gì đó ở chính phủ. Một nền giáo dục! Hẳn là các bác sẽ nói như vậy. Đồng bào ta đã từng đòi hỏi điều đó từ 60 năm nay, và họ đã nhận được gì? Quả là quá ít. Về sự tham gia của người An Nam vào việc quản lý sứ sở! Người ta sẽ nói với các bác rằng các người chưa có đủ trình độ sử dụng quyền đó. Thế đấy! Thế đấy! Vậy thì các bác còn yêu cầu gì nữa? Tại sao hai mươi triệu đồng bào chúng ta không làm gì cả để buộc chính phủ phải trả lại cho chúng ta quyền làm người. Chúng ta là người, chúng ta phải được đối xử như con người. Tất cả những ai không muốn coi chúng ta như đồng loại với họ, bình đẳng với họ, đều là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta không thể chung sống với họ trên cùng một trái đất!”
Phan Chu Trinh tiếp lời:
Người điêu khắc Nguyễn Long Bửu tạc tượng Cụ Phan Chu Trinh - Nguồn: english.vietnamnet.vn
--------------------------------------------------------------------------------
“Anh Quốc, cho phép tôi lưu ý anh rằng anh còn rất trẻ, người ta thấy rõ là anh còn sôi nổi quá. Anh muốn hai mươi triệu đồng bào ta phải làm gì khi trong tay không có vũ khí để chống lại vũ khí khủng khiếp của người Âu. Tại sao chúng ta lại tụ sát vô ích để chẳng đi đến một kết qủa nào cả. Phải chăng tốt hơn là chúng ta đòi hỏi một cách mềm mỏng nhưng rất kiên quyết với lòng kiên nhẫn, nhất là những quyền mà phẩm cách con người cho phép chúng ta đòi hỏi. Việc đầu tiên mà chúng ta đòi hỏi ở chính phủ là một nền giáo dục mạnh mẽ nâng lên trình độ cao nhất (bao gồm nền giáo dục sơ đẳng bắt buộc), vì chỉ riêng giáo dục đã có thể cho phép chúng ta vươn lên nhanh chóng ngang trình độ văn minh của các dân tộc Tây phương. Tấm gương Nhật Bản còn đó để làm hậu thuẫn cho chúng ta... Tại sao họ có thể đạt tới trình độ hùng cường đó để đặt nước Nhật ngang hàng với những cường quốc lớn nhất ở châu Âu? Thật là đơn giản, vì những người cầm đầu nước họ đã làm những việc mà họ cho là ích lợi để đẩy họ đi tới một cách tích cực trên bước đường tiến bộ. Và biện pháp họ dùng chủ yếu là phát triển nền giáo dục của dân chúng và khai hoá xã hội bằng tự do báo chí.
“Nhờ giáo dục, cùng với tự do báo chí như ở Pháp, yêu cầu chính phủ bảo hộ giúp chúng ta cải tiến càng nhanh càng tốt cách thức cai trị trên toàn cõi An Nam. Tại sao người ta lại không thể làm cho Trung Kỳ và Bắc kỳ những gì họ đã làm cho Nam Kỳ? Nghĩa là tuyên bố có thể áp dụng trong xứ đạo luật hình của Pháp có sửa đổi, tuyên bố chế độ phân quyền để cứu vớt dân chúng ra khỏi sự lộng hành và lạm quyền do sự chuyên chế của quan lại và viên chức Pháp mà họ là nạn nhân, cải tổ thôn xã làm sao ngăn ngừa được các hào lý lộng hành và lạm quyền trên lưng người dân, cuối cùng là thay thế tất cả các quan lại già bằng những người trẻ từng được tiếp thu học vấn trong các nhà trường Pháp, đồng thời lại biết chữ nho. Muốn có thể chuyển đổi tư tưởng của ất nhiên nhà vua và triều đình cũng như các quan lại chắc hẳn là sẽ phản đối những cải cách đề ra. Nhưng dân chúng thì không phải như vậy, và chính dân chúng mới cần chính phủ dân chủ của nước Pháp quan tâm hơn, chứ không phải là những người cầm đầu trong nước. Chính phủ cần hỏi ý kiến dân chúng về vấn đề này. Nếu người ta bảo rằng dân An Nam từ chối mọi cải cách thì tôi xin tự mình đi khắp nước trong một năm để tổ chức những cuộc nói chuyện, diễn thuyết về vấn đề này. Sau một năm, nếu người ta còn thấy những chướng ngại do dân chúng cản trở việc cải cách, thì tôi sẽ xin lấy đầu tôi ra để đánh cuộc”.
“Có thể để phản đối những cải cách nêu ra, người ta lại viện dẫn lý do chính phủ Pháp thấy không thể áp dụng trong một sứ bảo hộ chế độ trực trị của Nam Kỳ. Về sự phản đối này, tôi xin trả lời rằng không phải là việc áp dụng chế độ trực trị vào Trung Kỳ và Bắc Kỳ, mà là những cải cách đề ra sẽ không thay đổi hiện tình gì hết nếu như các chức năng cai trị và tư pháp vẫn tiếp tục để cho người An Nam đảm nhận. Trong mỗi tỉnh hoặc trong nhiều tỉnh hợp lại, người ta thích có một quan chức người Pháp đứng đầu bộ máy cai trị, với tư cách là người Thanh tra-Cố vấn, có nhiệm vụ dìu dắt quan chức An Nam trong việc quản lý công việc của mình. Như vậy sẽ giảm bớt quan chức người Pháp và người ta sẽ có thể trả lương cho họ tốt hơn và tuyển dụng họ cẩn thận hơn. Chỉ trong những điều kiện như vậy họ mới có thể được ưu đãi hơn quan chức An Nam. Còn đối với những người này (quan chức An Nam), phải trả lương khá cho họ để họ có thể giữ được tính liêm khiết và trung thực trong khi thực hiện chức năng của mình. Lương bổng chết đói mà người ta cấp cho họ buộc họ phải tiếp tục ngửa tay nhận quà cáp của kẻ bị trị. Đó là một gánh nặng thực sư đang tàn hại xứ sở và phải khẩn cấp xoá bỏ nó đi. Phương thuốc duy nhất để chữa ung nhọt này là phải tăng lương bổng trên quy mô lớn, làm sao có thể cho phép các đương sự giữ được vị trí của họ một cách thoả đáng, nuôi sống những gia đình thường là rất đông và có chút ít dành dụm cho những ngày già. Ngược lại sẽ cần phải trừng phạt thật nghiêm khắc những kẻ thiếu sót trong chức vụ với việc nhận quà cáp của kẻ bị trị. Ngoài điều đó, sẽ cần thiết phải thông báo rộng rãi cho dân chúng biết rằng họ không phải biếu xén gì hết cho các đại diện của nhà chức trách đã được chính phủ trả lương để làm việc cho dân không lấy tiền.
“Cuối cùng, đây là những cải cách cần thực hiện khẩn cấp nhất. Tôi không phải là nhà tiên tri. Nhưng tôi dám khẳng định rằng nếu chính phủ Pháp không thay đổi chính sách trong xứ và không tiến hành các cải cách này, thì dân chúng Đông Dương... đã mệt mỏi vì chế độ hiện hành, chắc chắn sẽ phải dùng bạo lực để buộc nhà đương cục cao cấp phải thay đổi cách cai trị trong xứ. Tôi không hề mong ước có sự cố khốn nạn đó. Nhưng tôi tiên đoán điều đó. Máu sẽ chảy. Dân An Nam sẽ chết, tôi cầm chắc điều đó. Tôi sẽ đau xót về điều đó nếu tôi còn sống đến ngày ấy, trái lại chắc hẳn tôi sẽ vui mừng được trông thấy một cuộc đổi thay có lợi cho dân chúng...”
Nguyễn Ái Quốc lưu ý rằng:
“Dân An Nam đã chờ đợi những thay đổi từ 60 năm nay. Chính phủ không làm được gì đáng kể cho họ thoả mãn. Nếu trong dân chúng có kẻ nào lên tiếng bày tỏ với nhà đương cục cao cấp những yêu cầu và nỗi thống khổ của họ và để kêu xin những phương thuốc chống đỡ nỗi khổ đau họ phải gánh chịu, thì người ta trả lời họ bằng những nhà tù, bằng lưu đày và tử hình. Nếu bác luôn tin cậy vào sự quan tâm của chính phủ để cải tiến mọi tình trạng hiện nay thì bác sẽ phải đợi đến muôn đời. Người ta không muốn đối xử với chúng ta như những con người thì thật là vô ích khi phải sống hèn hạ và bị lăng nhục trên trái đất này. Chừng nào người ta tước mất của chúng ta quyền công dân và chính trị thì người ta vẫn tiếp tục coi chúng ta như kẻ thù, như nô lệ. Trong trường hợp đó, làm sao chúng ta có thể yêu mến và tin cậy những kẻ khing bỉ chúng ta và coi chúng ta như thù địch?... Tôi đã không có lý khi tôi tố cáo tình trạng này chăng?”
Đến đây ông Phan Chu Trinh đề nghị dừng câu chuyện, đồng hồ vừa điểm 11 giờ đêm. Lê Văn Sao im lặng theo dõi câu chuyện mà không tham gia. Còn Khánh Ký thì ủng hộ những ý kiến của Phan Chu Trinh và phản bác những ý kiến của NAQ mà ông cho là quá khích, bạo động và không thể thực hiện được. Ông ta tán thành các chủ trương hoà giải...
Tôi từ biệt nhóm của Quốc hồi 11h15”
Paris, ngày 20 tháng chạp, 1919 - Ký tên: Edouard
Tư liệu trên đây thêm tư liệu cho phép ta nghĩ rằng: Phan Chu Trinh trước sau như một vẫn tin vào khả năng “đề huề” với Pháp. Điều này khá nhất quán ở Cụ từ ngày gặp Phan Bội Châu ở Nhật (1906) cho đến ngày ở Pháp về Sài Gòn diễn thuyết (1925).
Xin trích thêm một đoạn trong chương mở đầu cuốn sách Hồ Chí Minh, đồng chí của chúng ta (Ho Chi Minh, notre camarade – Introduction historique de Charles Fourniau, Editions Sociales, Paris, 1970.). Khi tác giả gặp Hồ Chí Minh lần cuối ở Hà Nội: “Trong lần gặp cuối cùng mà Chủ tịch HCM dành cho tôi, ông chỉ nói xa xôi về quan hệ với Phan Chu Trinh, giải thích rằng ở Paris ông đã thảo và phát truyền đơn, vì – theo ông nó - những người Việt Nam yêu nước có tiếng tăm hồi đó ở Paris không dám làm việc ấy. Ông không nhắc gì đến Phan Chu Trinh...”.
Lịch sử thường hay chọn... đường vòng. Lịch sử đã chọn Nguyễn Ái Quốc, không chọn Phan Chu Trinh... để đến nay sau gần một thế kỷ tranh đấu, bạo lực với bao nhiêu xương máu, đổ vỡ, mất mát... những người Việt yêu nước lại đang phải chấp nhận mọi sự đàn áp, bắt bớ, chụp mũ v.v. của chính “đồng bào” mình, của chính “chính phủ mình”, của chính “đảng mình”... để nói lại và đòi lại những điều mà cụ Phan đã nói ở trên.
May mắn thay cho những dân tộc khác, mà gần nhất là các nước trong khối ASEAN, ở đó lịch sử đã chọn con đường “cải lương” như của cụ Phan, của Gandhi,.... Nhờ thế họ đã tránh được chiến tranh mà vẫn lần lượt giành được độc lập để xây dựng đất nước phồn thịnh, để giờ đây họ có thể trở thành những ông chủ đầu tư vào Việt Nam, để có thể “cố vấn”, dạy bảo, mạt sát ..., không ít trường hợp “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” hay thậm chí bắt người Việt chui qua háng (tại nhà máy giày Nike, Đồng Nai chẳng hạn!) và cả Việt Nam ào ạt đưa người đi làm thuê cho họ với đồng lương rẻ mạt và điều kiện vô cùng kham khổ; cũng như xuất khẩu hàng chục ngàn phụ nữ qua xứ họ làm nô lệ tình dục hoặc làm kiếp tôi tớ, con ở…
Có phải chỉ vì họ thông minh hơn người Việt ta không?
Copyright © 2006 by DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------
(*): Đọc Phần I
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=1739
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire