1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 5 mai 2007

Hãy nhắm trúng tâm điểm (Kết) - MV

Hãy nhắm trúng tâm điểm (Kết)


Minh Võ


Tiếp theo phần I

Tóm lại, với cái nhìn phiến diện của một sử gia thuần túy, không thể nào phá vỡ được huyền thoại hay thần tượng Hồ Chí Minh. Vậy phải có cái nhìn như thế nào?

Như chúng tôi đã từng trình bày nhiều lần trên mạng và trên sách báo, muốn đánh đổ thần tuợng Hồ Chí Minh, phải đặt ông ta và cuộc chiến Việt Nam vào trong bối cảnh chiến tranh ý thức hệ cộng sản có tính toàn cầu toàn diện, thường trực.(7)

Trước thời Copernicus (thế kỷ 16) và Galileo (thế kỷ 17) loài người, trong số đó không thiếu nhà khoa học, nhìn lên bầu trời thì thấy mặt trời xoay quanh trái đất. Dù họ đứng ở một bãi biển, hay trên nóc nhà, hoặc ngay trên đỉnh núi Everest. Họ không thể thấy được rằng trái đất xoay quanh mặt trời. Chỉ cho đến khi Galileo tìm ra qũy đạo của trái đất, và chứng minh bằng toán học thiên văn, người ta mới tin là trái đất xoay quanh mặt trời. Nếu Galileo cũng chỉ đứng nguyên tại chỗ trên mặt đất, dù là trên đỉnh núi cao nhất, mà không cố, bằng những phương trình phức tạp của toán học, và bằng óc tưởng tượng phi thường của một nhà bác học thiên văn, “bay” ra ngoài trái đất hàng vạn dặm để từ ngoài nhìn vào thái dương hệ, thì ông cũng sẽ chỉ thấy mặt trời xoay quanh trái đất như mọi người đồng thời mà thôi. Nhưng ông đã tìm ra qũy đạo của trái đất và biết, và chứng minh được rằng trái đất xoay chung quanh mình và quay chung quanh mặt trời.

Theo chúng tôi, cũng tương tự như vậy, bao lâu chúng ta chưa đặt cuộc chiến Việt Nam vào trong khuôn khổ (hay qũy đạo) cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu của Cộng Sản, và nắm vững các nguyên lý và quy luật của cuộc chiến đó thì chúng ta vẫn thấy cuộc chiến mà ông Hồ và đảng cộng sản Việt Nam thi hành là một cuộc chiến vì chủ nghĩa dân tộc, và vì thế ông có công giành độc lập, thống nhất cho tổ quốc.

Trong những tác phẩm trước đây, nhất là cuốn Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp (777 trang) chúng tôi đã cố làm công việc đó. Ở đây chỉ xin tóm tắt trong vài trang.


Hồ Chí Minh tiếp tướng Leclerc (18 tháng 3 năm 1946, Hà Nội)
Nguồn: hqvnch.net
--------------------------------------------------------------------------------

Trước hết xin hãy nhìn cuộc chiến Việt Nam là một điểm nóng trong cái gọi là chiến tranh lạnh. Cái chiến tranh gọi là lạnh này thực ra là thế chiến 3. Thế chiến 3 này khởi sự quy mô ngay khi thế chiến 2 chưa kết thúc (trước 1945). Nhưng nó đã nhen nhúm từ khi Truyên Ngôn Cộng Sản ra đời (đầu năm 1848). Với thuyết duy vật biện chứng và duy vật sử quan của Mác và Ăng Ghen nó là cuộc chiến tranh giai cấp. Giai cấp thì ở nước nào cũng có. Vậy nó là toàn cầu. Nó chủ trương tiêu diệt mọi giai cấp để cuối cùng đưa giai cấp vô sản lên nắm quyền chuyên chính. Lúc ấy thế giới sẽ là thế giới đại đồng, một thứ thiên đường ngay ở trần gian. Với chủ trương đó kèm theo chủ trương phá bỏ quyền tư hữu, là quyền bẩm sinh thiên nhiên và linh thiêng của con người, các ông tổ thuyết Cộng Sản đã ngang nhiên tuyên chiến với toàn thể nhân loại.

Đến khi chủ trương này được Liên Xô phát động công khai qua các cuộc xát nhập, thôn tính và xâm nhâp các nước Đông Âu, rồi dùng các chi bộ cộng sản, các đảng cộng sản dưới quyền chỉ huy của Đệ Tam Quốc Tế, tức của Liên Xô, để xâm chiếm nhiều quốc gia khác, thì các cường quốc Tây Phương mới nhìn thấy mối nguy của họa cộng sản. Và tìm cách đối phó, ngăn chặn. Lúc ấy không chỉ có các cường quốc Tây Phương, mà hầu như toàn thể thế giới đều được đặt trong tình trạng chiến tranh với cộng sản. Cộng sản chủ chiến, khai chiến trưóc. Thế giới Tự Do chỉ tự vệ.

Nói đến đây không thể không nói đến chiến lược sách lược Lênin qua đề cương về chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa dân tộc. Theo đó, để tiến hành thế chiến 3, nhằm đi tới mục tiêu hủy diệt mọi giai cấp, thiết lập chuyên chính vô sản, cần phải chia cuộc chiến ra nhiều giai đoạn sách lược. Trong đó sách lưọc dùng phong trào dân tộc tại các nước bị trị, để tỉa dần lực lượng của các cường quốc dân chủ trên thế giới mà Cộng Sản mệnh danh là bọn đế quốc, thực dân. Sách lược này đã đánh lừa và thu hút được một số lãnh tụ các nước thuộc địa.

Đặc biệt ở Việt Nam, người thực hiện sách lược này lại là một cán bộ quan trọng của Quốc Tế 3 là Hồ Chí Minh. Ông này theo lệnh quốc tế 3 thành lập đảng cộng sản Đông Dương để chống Pháp. Mục tiêu gần là giành độc lập. Nhưng mục tiêu xa và cũng là mục tiêu tối hậu là tiến tới thế giới đại đồng vói chuyên chính vô sản. Chỉ nhìn mục tiêu gần, không thấy mục tiêu tối hậu, thì sẽ không thể nào hiểu được cuộc chiến Việt Nam

Tuy ngày nay chủ nghĩa Cộng sản đã phá sản, và trên thực tế không còn ảnh hưởng gì. Nhưng muốn tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam nói riêng và cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu nói chung, không thể nào không ôn lại một cách tóm tắt đại cương của thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đầu mối của chiến tranh ý thức hệ toàn cầu.

Cộng Sản chủ nghĩa của Mác, qua tuyên ngôn cộng sản, chủ yếu tấn công quyền tư hữu là quyền căn bản của con người. Tức của mọi người trên khắp trái đất. Cuộc chiến toàn cầu đã nhen nhúm từ đo..

Duy vật lịch sử và duy vật biện chứng của Mác chủ trương đấu tranh giai cấp. Giai cấp là một yếu tố phổ quát. Mọi nước trên thế giới đều có giai cấp.

Duy vật lịch sử cho rằng lịch sử loài người bắt đầu bằng chế độ cộng sản nguyên thủy, qua các chế độ nô lệ, phong kiến đến chế độ tư bản, rồi tất yếu phải đến chế độ cộng sản, là chế độ cuối cùng, trong đó giới vô sản trên toàn thế giới, sau khi xóa bỏ mọi giai cấp khác sẽ lên nắm quyền chuyên chính. Lúc ấy sẽ không còn chính phủ. Mọi tài sản sẽ thành của chung. Thế giới sẽ thành thế giới đại đồng.

Trong tất cả những điều đó, chỉ cần nắm vững 3 yếu tố căn bản là quyền tư hữu, chiến tranh giai cấp, chế độ đại đồng với chuyên chính vô sản, là chúng ta sẽ thấy cuộc chiến tranh mà Cộng sản tiến hành là cuộc chiến toàn cầu, toàn diện thường trực và trường kỳ. Chỉ khi nào thế giới không còn giai cấp nào khác giai cấp vô sản, nghĩa là chỉ sau khi phe cộng sản toàn thắng mọi đế quốc, làm bá chủ hoàn cầu, lúc ấy mới hết chiến tranh.

Như vậy rõ ràng khái niệm chế độ đại đồng với chuyên chính vô sản hoàn toàn loại bỏ khái niệm dân tộc. Thế thì tại sao Lênin sau khi đã thành công trơng “cách mạng tháng 10” lại đưa ra đề cương chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực dân?

Lênin không bao giờ dám làm ngược giáo điều của Mác. Ông ta cũng chủ trương thế giới đại đồng và chuyên chính vô sản, sau khi khối cộng toàn thắng. Ông ta không thể cổ võ cho chủ nghĩa dân tộc vì chủ nghĩa dân tộc được. Mà chỉ dùng chủ nghĩa dân tộc, chống thực dân đế quốc, hòng làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc, được ông ta coi như giai đoạn cuối cùng của tư bản chủ nghĩa mà thôi. Nói cách khác chủ nghĩa dân tộc chỉ là sách lược giai đoạn nhằm tiến tới một thế giói đại đồng phi chính phủ, phi dân tộc.

Hồ Chí Minh khi đọc được đề cương về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực dân đã la lớn lên rằng ông ta đã tìm thấy cẩm nang, ánh sáng, vì lúc đó có thể ông ta chưa hiểu ý nghĩa sách lược của đề cương đó.

Nhưng về sau, sau khi đã được đào tạo kỹ để trở thành cán bộ cao cấp của Quốc Tế Cộng Sản, được bầu vào ủy ban trung ương (Quốc Tế Nông Dân) quốc Tế 3 ở đại hội V, rồi được trao phó một nhiệm vụ quan trọng bí mật, dưới tấm bình phong là thông ngôn cho phái đoàn (Nga lãnh đạo bởi) Borodin cạnh Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tôn Dật Tiên, nhất là sau khi đã được cử làm đại diện của Quốc Tế 3, chủ trì việc thống nhất 3 đảng cộng sản ở Đông Dương để thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng, thì không thể bảo ông ta còn ngây thơ tin vào “chủ trương dân tộc vì chủ nghĩa dân tộc” của Lênin nữa.

Tất cả những gì chúng tôi vừa trình bày một cách tóm lược tối đa về lý thuyết và chiến lược, sách lược giai đoạn của Cộng Sản đã được trình bày một cách chi tiết hơn, trong cuốn Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp. Nếu cần tham khảo thêm xin mời đọc tác phẩm nói trên (từ trang 479 đên trang 502).

Nhân đây chúng tôi cũng xin mở một dấu ngoặc để có đôi lời giải thích tại sao đã nhắc đến đại danh của nhà bác học Ý Galileo của thế kỷ 17. Khi nêu danh nhà bác học này, chúng tôi chỉ muốn dùng một hình ảnh để làm tỷ dụ cho dễ hiểu một vấn đề phức tạp. Sự so sánh là một hình thức suy loại, trên hai bình diện khác nhau: Vấn đề Cộng sản, với chiến tranh ý thức hệ, là môt vấn đề nhân văn, xã hội học. Còn vấn đề quả đất xoay quanh mặt trời là một vấn đề khoa học tự nhiên chính xác. Xin nhắc lại, đây là một sự so sánh suy loại (analogy) trên hai bình diện khác nhau.

Nhân sự so sánh này có một vị độc giả Đàn Chim Việt (với bút danh Lê Duy Khoa) đã hiểu lầm, cho rằng chúng tôi dám tự ví mình với Galileo. Để trả lời ông, tôi đã dẫn chứng lời của tôi trả lời phỏng vấn của bà Ngô thị Hiền, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo cho Việt Nam. Trong bài phỏng vấn trên đài tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại ngày 15/ tháng 9 năm 2003, bà Ngô Thị Hiền đã hỏi: tác giả có ý muốn so sánh mình với nhà bác học Galileo chăng, thì chúng tôi đã thưa rằng chúng tôi không có ý dám lấy ngọn dèn dầu mà ví với ngọn đèn pha. Chúng tôi cũng nói rõ rằng không chỉ có mình tôi biết đặt ông Hồ vào trong bối cảnh chiến tranh ý thực hệ toàn cầu của Cộng Sản. Trước tôi, đã có nhiều người làm việc đó. Và những người đó đã không lầm như một số sử gia, nhà báo ngoại quốc, mà cho rằng ông Hồ là anh hùng ái quốc, cha già dân tộc. Và phần đông những người biết làm như vậy đều là những nạn nhân của cộng sản hoặc đã từng chung đụng với cộng sản và chứng kiến tận mắt những việc làm tàn bạo theo chủ trương duy vật vô thần vô tôn giáo, vô tổ quốc của cộng sản.

Ngoài 2 vấn đề về lý thuyết Mác-xít về quyền tư hữu, chiến tranh giai cấp và chuyên chính vô sản và về chiến lược, sách lược đấu tranh của Lênin qua đề cương về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực dân vừa nêu còn ba vấn đề nữa cũng cần nghiên cứu. Một là vai trò lãnh đạo phong trào Cộng Sản thế giới của Quốc Tế 3 tức Quốc Tế Cộng Sản. Hai là nghệ thuật tuyên truyền của Cộng Sản được coi là vũ khí chủ soái trong chiến tranh ý thức hệ. Ba là vai trò của Hồ Chí Minh trong việc vẽ kiểu đồng thời đúc cốt cho bức tượng “cha già dân tộc”.

Bốn trong năm vấn đề vừa nêu đã được trình bày tóm tắt (nhưng tương đối đầy đủ hơn) trong chương 43 của cuốn Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp.


Trần Dân Tiên đang đọc lại bản thảo “bốc” Hồ Chi' Minh
Nguồn: hanoi.vnn.vn
--------------------------------------------------------------------------------

Ở đây chúng tôi xin nói riêng một cách hết sức tóm tắt về vấn đề cuối cùng là vai trò tự vẽ kiểu và đúc cốt tượng của chính ông Hồ. (**) Từ khi đảng cộng sản xác nhận: Trần Dân Tiên, tác giả cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh, dưới nhan đề Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch chính là “bác Hồ”, thì việc phá vỡ huyền thoại và đánh đổ thần tượng Hồ Chí Minh trở nên dễ dàng hơn.

Cuốn sách này được ông Hồ viết trong năm 1947, hoàn tất vào đầu năm 1948. Liền sau đó nó được dịch ra tiếng Pháp mang sang Ngưỡng Quảng, thủ đô Miến điện dịch ra tiếng Anh và nhiều tiếng khác để tung ra khắp nơi. Nó có trước bất cứ cuốn tiểu sử nào của Hồ Chí Minh. Vì vậy nó là cái mô hình nguyên thủy và là cái cốt lõi của huyền thoại “Cha già dân tộc”. Vì trong cuốn sách đó lần đầu tiên độc giả được thấy những chữ “Cha già dân tộc”. Xin trích lại hai đoạn vắn đã được trích dẫn trong chương sách thượng dẫn:

Trần Dân Tiên, tức Hồ Chí Minh, viết:


Nhân dân Việt Nam muôn người như một, nghe theo lời Hồ Chủ Tịch vì họ hoàn toàn tin tưởng ở Hồ Chủ Tịch, họ hoàn toàn kính yêu Hồ Chủ Tịch. Không có gì so sánh được với lòng dân Việt Nam kính mến tin tưởng lãnh tụ Hồ Chí Minh...Nhiều nhà báo và người ngoại quốc rất ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị Cha già Hồ Chí Minh... Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng yêu nước, yêu nhân dân của Hồ Chủ Tịch ... Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng hy sinh và lòng nhân từ của Người... Chủ tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân... (8) Mọi người kính mến Hồ chủ tịch, nhất là thanh niên và nhi đồng. Ở ngoài mặt trận khi xung phong các chiến sĩ hô lớn: Vì tổ quốc, vì Bác Hồ tiến lên! Vì Bác Hồ mà những người lao động trong nhà máy và trên đồng ruộng tăng thêm năng suất. Đối với nhi đồng tên bác Hồ như là một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn... Nhân dân gọi chủ tịch là Cha Già của dân tộc, vì Hồ chủ tịch là người con trung thành nhất của Tổ Quốc Việt Nam”. (9)



Dĩ nhiên trong cuốn sách của Trần Dân Tiên, những chữ “cha già dân tộc” còn được nhắc đến nhiều lần nữa.

Những ai không nghiên cứu về khoa tuyên truyền, và không biết sự quan trọng của cuốn sách về mặt tuyên truyền, dĩ nhiên chỉ thấy đây là một việc làm ngớ ngẩn đáng đem ra chế diễu, hoặc đả kích sự tự đề cao đến lố bịch trơ trẻn của Hồ Chí Minh.

Nhưng nếu lấy tư cách một chuyên viên về tuyên truyền chính trị, nhìn vào lịch sử chiến tranh vào năm 1946-47, là lúc Việt Minh cộng sản đang xính vính vì các cuộc tấn công của quân Pháp, thì mới thấy đưọc lý do vì sao trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nguy hiểm ấy, mà lãnh tụ Việt Minh lại chịu để nhiều thì giờ viết tự truyện, tự đề cao mình một cách “khôi hài” như vậy. Đó không phải là tự khoe để phỉ chí tự mãn. Đó là một kiệt tác về tuyên truyền để phác họa nên những nét chính của một thần tượng, làm chất liệu phong phú cho công tác tuyên truyền, hòng thúc đẩy bộ đội, nhân dân lăn xả vào cuộc chiến và bắt nhân dân thế giới phải nể phục, lên tiếng ủng hộ.

Chính tuyệt tác tuyên truyền này đã cứu vãn sinh mạng chính trị của ông Hồ và đưa mặt trận Việt Minh ra khỏi ngỏ bí. Cho đến khi mọi sự đã xong xuôi, Cộng sản đã toàn thắng thì thần tượng Hồ Chí Minh đã hoàn thành và càng ngày càng vững vàng hơn suốt thời gian 60 năm qua. Đến lúc đó thì chuyện đập sập thần tượng đó đã trở nên vô cùng khó khăn. Ngày nay có mấy nhà báo, sử gia nào đã trót bị lừa mà ca ngợi họ Hồ theo đúng ý muốn của ông ta dám can đảm nói lên rằng mình bị lầm? Họ vẫn im thin thít một cách đáng khinh. Cho nên việc vạch trần bộ mặt thật của Hồ Chí Minh phải là của người Quốc gia, chứ không có ai khác.

Khi đã biết chế độ cộng sản mà Mác tiên đoán, sau khi diệt xong Tư Bản, xóa sạch mọi giai cấp để chỉ còn giai cấp vô sản lên nắm quyền chuyên chính, tức độc tài toàn diện, chính là chế độ đại đồng, thì sẽ hiểu tại sao trong bài thơ thất ngôn bát cú Hồ Chí Minh viết đề tặng Đức Trần Hưng Đạo tại đền Kiếp Bạc lại có hai câu:

Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu tới đại đồng. (10)


Đền Kiếp Bạc (Hải Dương) — (P) Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
(T) Lục Đầu vô thủy bất thu thanh (Câu đối của Nhất giáp Tam nguyên triều Nguyễn Vũ Phạm Hàm, 1864-1906)
Nguồn: wikipedia.org
--------------------------------------------------------------------------------

Lời lẽ này chẳng những chứng tỏ ông ta là con người vô cùng kiêu ngạo, xấc láo, mà còn cho thấy cái mộng hão huyền của một con người cuồng tín. Họ Hồ mơ mơ màng màng tưởng như chế độ đại đồng mà Mác hứa đã tới rồi. Nhưng không biết đó chỉ là ảo mộng. Vì mục đích muốn cùng với những lãnh tụ cộng sản thế giới dắt nhân loại trong năm châu bốn biển tới cái ảo ảnh (thế giới đại đồng) đó mà ông đưa toàn dân ta vào cuộc chiến khốc liệt suốt ba chục năm. Chứ tuyệt nhiên không phải vì ông muốn đưa dân tộc tới độc lập, thống nhất. Độc lập, thống nhất đạt được chỉ nhằm củng cố quyền lực của đảng Cộng sản hòng tiếp tục con đường dẫn tới ảo mộng thế giới đại đồng theo gót Liên Xô và Trung Cộng.

Chúng tôi chỉ nêu lên ở đây một trong nhiều chứng liệu, tiềm ẩn trong lý thuyết Mác/xít, có thể dùng để đả phá huyền thoại “cha già dân tộc” hay “anh hùng yêu nước” Hồ Chí Minh. (11)

Tóm lại tâm điểm của huyền thoại Hồ Chí Minh chính là huyền thoại “cha già dân tộc”. Nó nằm chính giữa và được vây phủ bởi hàng tá huyền thoại khác (như huyền thoại mắt có hai con ngươi, huyền thoại về đôi dép râu, huyền thoại lá gói bánh chưng cho dân, huyền thoại chiếc áo ấm cho bộ đội, huyền thoại cuộc sống giản dị, hy sinh hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình để hết tâm sức vào việc cứu nước v.v....) để tạo nên cái hào quang xung quanh thần tượng Hồ Chí Minh đến nay đã được cộng sản nâng lên hàng “Bồ Tát”. Muốn đánh đổ thần tượng Hồ Chí Minh, phải nhắm đúng tâm điểm. Đừng để bị lạc vào khu rừng rậm các huyền thoại khác.

Huyền thoại “cha già dân tộc”, nếu nhìn một cách phiến diện theo sử liệu về cuộc chiến Việt Nam thì hầu không thể chứng minh với thế giới rằng nó sai. Phải tìm hiểu nguồn gốc của chiến tranh Việt Nam, bắt nguồn từ cuộc chiến ý thức hệ cộng sản. Rồi đặt ông Hồ và cuộc chiến Việt Nam vào trong bối cảnh (qũy đạo) chiến tranh ý thức hệ toàn cầu.

Muốn tìm hiểu nguồn gốc này không thể không nghiên cứu về (i) lý thuyết chủ nghĩa Cộng Sản: duy vật biện chứng, duy vật sử quan, tuyên ngôn Cộng Sản, lịch sử 4 quốc tế cộng sản, trong đó Quốc Tế 3 là quan trọng nhất, lịch sử Liên Xô; (ii) sách lược giai đoạn của Lênin nhằm lợi dụng chủ nghĩa dân tộc chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trong chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh giai cấp; (iii) vai trò lãnh đạo quyết định của Quốc Tế 3, tức Quốc Tế Cộng Sản (mà thực tế là Liên Xô) trong cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu, toàn diện; (iv) vũ khí chủ soái cuả chiến tranh ý thức hệ là khoa tuyên truyền; và sau cùng (v) kiệt tác (tuyên truyền) “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” do chính ông Hồ trước tác dưới bút hiệu Trần Dân Tiên.

Mục đích bài này không phải là phá vỡ huyền thoại hay đánh sập thần tượng “cha già dân tộc”. Chúng tôi chỉ nêu lên tâm điểm và những khó khăn rồi tạm đưa ra một phương pháp chung cho công việc đó.

Qúy độc giả nào muốn biết chúng tôi đã áp dụng những phương pháp cụ thể nào, lập luận ra sao và sử dụng những tài liệu nào nhằm khôi phục lại bộ mặt thật của nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh xin mời đọc cuốn Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp thượng dẫn. (12)

Trước khi chấm hết, tưởng cũng cần nêu lên một thực tại lịch sử thế giới đáng chú ý. Với sự sụp đổ của các nước Cộng Sản Đông Âu cuối thập niên 80 và sự tan rã của Liên Xô đầu thập niên 90 thế kỷ trước, cái gọi là thế giới đại đồng mà Mác đoán mò và hứa hão đã hiển nhiên biến mất như một ảo ảnh. Không còn ai tin nữa, kể cả những người Cộng sản Việt Nam. Vì thế Cộng sản Việt Nam có thể chối phăng: Chúng tôi có theo Liên Xô đi tìm thế giới đại đồng đâu. Chúng tôi chỉ tranh đấu giành độc lập thống nhất cho Tổ Quốc. Nhiều người có thể tin. Vì nay làm gì còn Liên Xô. Còn Liên Bang Nga ngày nay đâu có dẫn giắt Cộng sản Việt Nam đi tìm thế giới đại đồng.

Nhưng bao lâu họ còn nhân danh đảng Cộng Sản, một tổ chức theo thuyết Mác-xít, để thống trị nhân dân ta một cách (chuyên chính) độc tài, áp bức như hiện nay, thì bấy lâu còn chứng tỏ họ chưa từ bỏ cái ảo tưởng về một thế giới đại đồng của một học thuyết đã hết thời.

Sự ngoan cố, cố đấm ăn xôi, bằng mọi cách, duy trì cái chính thể độc tài toàn diện hiện nay, theo mô hình “chuyên chính vô sản” (13) của thuyết Mác-xít hoang tưởng, vẫn còn đang chứng minh một cách hùng hồn rằng Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản của ông ta không hề chiến đấu vì chủ nghĩa dân tộc, mà vì một chủ nghĩa ngoại lai hão huyền, mặc dù cái chủ thuyết đó đã phá sản.


Nam Cali 24/4/2007


© DCVOnline



--------------------------------------------------------------------------------
(7) Vấn đề khá tộng lớn và nghiêu khê này đã được nêu lên và giải đáp trong cuốn Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, dầy 777 trang, do Tủ Sách Tiếng Quên Hương, Virginia xuất bản năm 2003 va tái bản năm 2006. cũng thưòng được gọi là Đệ Tam Quốc Tế.
(**) Muốn biết đầy đủ chi tiết xin mời xem chương 9 về Trần Dân Tiên trong cuốn HCM, nđth nói trên (từ trang 163-180).
(8) Sách đã dẫn trang 62.
(9) SĐD trang 165/166.
(10) Nguyên văn toàn bài thơ như sau:
Vịnh đền Kiếp Bạc
Cũng tai cũng mắt, cũng anh hùng,
Tôi, bác cùng chung chí kiếm cung,
Bác phá quân Nguyên thanh kiếm bạc,
Tôi trừ giặc Pháp lá cờ hồng
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu tới đại đồng (MV viết chữ đậm)
Bác có khôn thiêng cười một tiếng
Rằng tôi cách mệnh đã thành công.
(11) Khi đã am tường về chủ nghĩa Mác/xít thì sẽ hiểu mục đích của ông Hồ và đồng đảng nhắm khi cho làm cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, rồi sau đó áp dụng chế độ hợp tác hóa công nông thương nghiệp, cho thi hành chiến dịch đánh tư sản và thiết lập chuyên chính (tức nền độc tài toàn diện) vô sản. Không nhìn những sự việc đó dưới lăng kính chủ nghĩa Mác Lê thì sẽ lầm tưởng đó là những việc chính đáng cần làm để thu phục đại chúng hòng tiến hành thắng lợi cuộc chiến chống thực dân, đế quốc, đem lại độc lập thống nhất tổ quốc, rồi sau đó lãnh đạo toàn dân xây dựng một nước Việt Nam giầu mạnh.
(12) Cuốn Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp có 52 chương chia làm 3 phần, dầy 777 trang khổ lớn, bìa cứng, giá 32 MK (lần tái bản năm 2006).
(13) Nhiều lần chúng tôi đã nhấn mạnh, chuyên chính (vô sản), từ nguyên tự (Dictature, dictatorship...) chỉ có nghĩa đơn giản là độc tài (của giai cấp vô sản). Và vô sản ở đây thực tế chỉ là đảng Cộng sản, hay một nhóm người lãnh đạo đảng Cộng sản. Chuyên chính vô sản là cứu cánh và trung tâm điểm của thuyết Mác/xít. Vì thế mà tất cả các chế độ Cộng Sản (được mệnh danh là xã hội chủ nghĩa, xhcn) trên thế giới từ trước tới nay đều áp dụng một chế độ độc tài (chuyên chính), dù rằng đáng lý ra chuyên chính vô sản chỉ nên được đưa ra áp dụng khi đã bá chủ thế giới, mới đúng chủ trương của Mác.

http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3345

Aucun commentaire: