1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

vendredi 2 mars 2007

Saigon, niem tin


SÀI GÒN, NIỀM TIN
Trần Gia Phụng


1.- SÀI GÒN, THÀNH PHỐ TRẺ TRUNG

So với Hà Nội hay với Huế, Sài Gòn trẻ trung hơn. Hà Nội tức cố đô Thăng Long, do vua Lý Thái Tổ lập ra năm 1010, cho đến nay gần một ngàn năm. Huế được vua Chăm là Chế Mân tặng Đại Việt làm sính lễ năm 1306 trong cuộc hôn nhân với công chúa Huyền Trân, vừa đúng bảy trăm năm. Còn Sài Gòn chỉ mới nhập Việt tịch hơn 300 năm, cùng một lần với đợt Nam tiến cuối cùng của dân tộc Việt, bắt đầu từ thời các chúa Nguyễn, vào thế kỷ 17 trở đi..

Người dẫn đường cho dân Việt đến Sài Gòn và vào miền Nam là bà Nguyễn Phúc Ngọc Vạn. Bà là con gái thứ hai Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (cai trị Đàng Trong từ năm 1613 đến năm 1635). Năm 1620, bà kết hôn với vua Chey-Chetta II (trị vì 1618-1628) và trở thành hoàng hậu Cambodia. Ba năm sau, tức năm 1623, do sự vận động của bà Ngọc Vạn, vua Chey-Chetta II thuận theo lời yêu cầu của Sãi Vương, để cho người Việt đến định cư và canh tác tại khu dinh điền Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay. Như thế bà Ngọc Vạn đưa người Việt vào Sài Gòn một cách êm thắm, giống bà Huyền Trân đưa người Việt đến Huế trên ba trăm năm trước đó.




Sau khi vua Chey-Chetta từ trần năm 1628, vương triều Cambodia thường xảy ra tranh chấp ngôi báu. Các hoàng thân tranh giành địa vị, liền nhờ Xiêm La (tức Thái Lan) hay Đại Việt giúp đỡ. Sau mỗi lần được ngọai bang đặt lên ngôi, các vua Cambodia lại tặng đất làm quà tạ lễ.

Lý do vương triều Cambodia dễ dàng nhượng vùng hạ lưu sông Cửu Long, vì nguyên thủy vùng đất nầy không phải là đất của Cambodia, mà là nước Phù Nam (Funan) cũ. Vì không phải là đất của mình, lại ít dân sinh sống, vua chúa Cambodia dễ dàng dùng đất nầy làm quà tạ lễ các chúa Nguyễn đã giúp họ lên ngôi, hoặc giúp họ chống lại Xiêm La.

Như thế có nghĩa là người Việt không xâm lăng Cambodia mà chỉ đến thay thế người Cambodia, trên vùng đất nguyên thủy của nước Phù Nam, với sự thỏa thuận của các vương triều Cambodia. Người Việt dần dần tiến xuống tới mũi Cà Mau một cách ôn hòa và chỉ đánh trả những khi bị khiêu khích hay tấn công.

Trong khi đó, năm 1698, Sài Gòn chính thức trở thành đơn vị hành chánh của Đại Việt, khi kinh lược sứ Nguyễn Hữu Cảnh (hay Kính) lấy đất Đồng Nai đặt thành huyện Phước Long, lấy đất Sài Gòn đặt thành huyện Tân Bình. Hai huyện nầy họp lại thành phủ Gia Định.

Tuy nhập vào gia đình nước Việt khá trễ, nhưng nhờ vị trí trung tâm, thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông và đường biển, và nhất là nhờ hoàn cảnh lịch sử, Sài Gòn phát triển nhanh chóng, và sớm trở thành thủ phủ miền Nam năm 1731. Vào năm nầy, chúa Nguyễn lập Sở Điều Khiển tại Gia Định (trung tâm là Sài Gòn), để chỉ huy toàn bộ lực lượng quân sự tại miền Nam. Từ đó, vai trò của Sài Gòn càng ngày càng quan trọng, nhất là sau khi Nguyễn Phúc Ánh tái chiếm Gia Định năm 1787. Ông xây dựng thành Sài Gòn theo kiểu thức Tây phương năm 1790.

Đến thời Pháp thuộc, Sài Gòn trở thành thủ đô của Liên Bang Đông Dương năm 1887, nơi đặt trụ sở viên toàn quyền (gouverneur général). Sài Gòn tiếp tục giữ vai trò thủ đô Việt Nam dưới chính thể quốc gia, do Quốc trưởng Bảo Đại thành lập sau hiệp định Élysée ngày 8-3-1949, và dưới chính thể Cộng hòa từ 1955 đến 1975.

2.- SÀI GÒN THÀNH PHỐ ĐA DẠNG

Ngay từ đầu, Sài Gòn đã mang tính chất đa dạng. Sài Gòn vốn là nước Phù Nam. Vương quốc nầy hiện diện từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ sáu, đã triều cống Trung Hoa trong khoảng thời gian từ năm 253 đến năm 519, và là một vương quốc độc lập, theo văn minh Ấn Độ. Vào giữa thế kỷ thứ 6, nước Cambodia xâm lăng và sáp nhập nước Phù Nam. Địa bàn gốc của Cambodia cao, nên gọi là Lục Chân Lạp. Nước Phù Nam thấp, hay bị ngập lụt, nay nhập vào Cambodia, được gọi là Thủy Chân Lạp.

Sau hai nền văn minh Phù Nam và Cambodia (đều dựa trên nền tảng văn hóa Ấn Độ), Sài Gòn tiếp thu nền văn hóa bản địa Việt và cả văn hóa Trung Hoa. Văn hóa Trung Hoa được tô đậm do sự xuất hiện của hai nhóm người Hoa từ giữa thế kỷ 17. Nhóm thứ nhất là Mạc Cửu ở Hà Tiên, và nhóm thứ hai là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên ở Biên Hòa và Mỹ Tho. Sự hiện diện của người Hoa làm cho thương cảng Sài Gòn thêm nhộn nhịp. Nhiều thương thuyền Trung Hoa, Nhật Bản, và các nước Đông Nam Á thường cập bến Sài Gòn để trao đổi hàng hóa.

Vào thế kỷ 19, Pháp đến chiếm Sài Gòn. Pháp phát triển Sài Gòn theo mô thức đô thị Tây phương. Sài Gòn là cánh cửa Việt Nam mở rộng sớm nhất đón luồng văn hóa Tây phương. Thương thuyền các nước Tây phương, nhất là Pháp, ra vào đông đúc ngay khi người Pháp mới chiếm Sài Gòn. Pháp tự động biến Sài Gòn thành hải cảng thương mại tự do ngày 22-2-1860. Trong bốn tháng đầu tiên, 60,000 tấn gạo đã được xuất cảng; đến cuối năm thì có 111 tàu Âu Châu, 140 thuyền buồm Trung Hoa và gần 100,000 tấn hàng xuất cảng. Sự lui tới của thương nhân nước ngoài làm cho sự giao thoa văn hóa càng phong phú đa dạng.

Như thế, tại Sài Gòn, cùng hiện diện các nền văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, và Tây phương, cùng bổ túc vào nền văn hóa Việt. Đây là điểm khác biệt giữa Sài Gòn với Hà Nội và Huế. Hà Nội và Huế lớn lên trong không khí văn hóa cổ truyền Việt, chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, và theo tam giáo cổ điển Phật Nho Lão. Trong khi đó, tuy mới nhập Việt tịch, Sài Gòn ngay từ đầu đã có nền văn hóa đa nguyên (nhiều nguồn), và theo nhiều tôn giáo, vì ngoài tam giáo cũ, còn có thêm Hồi giáo của người Chăm và đạo Thiên Chúa phát triển tại đây khá sớm. Điều nầy góp phần giải thích sự xuất hiện của ĐẠO CAO ĐÀI ở Tây Ninh và Sài Gòn năm 1925, là tôn giáo tổng hợp tất cả các đạo giáo lớn trên thế giới. Không khí đa văn hóa rất phù hợp với xã hội di dân và giúp cho xã hội di dân thêm sinh động, chóng phát triển. Xã hội di dân là môi trường thuận tiện cho không khí đa văn hóa.

Sắc thái đa văn hóa thể hiện rõ nơi đặc tính của người Sài Gòn. Trước hết, cần chú ý, lúc đầu, Sài Gòn là nơi quy tụ những di dân, đa số từ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam), hoặc xa hơn, từ Thanh Nghệ (Thanh Hóa, Nghệ An) trở vào. Di dân thường là những người can đảm, mạo hiểm, sáng tạo, tự lập, bình dân, cởi mở, ưa hòa đồng, và thích xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và khai phóng. Với những đặc tính đó, khi vào miền Nam, nơi có khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu, di dân Nam bộ thành công nhanh chóng trong việc xây dựng đời sống kinh tế, tương đối sung túc so với nguyên quán ở phía bắc. Bên cạnh đó, di dân thường không phải là dân khoa bảng, vì dân khoa bảng, có địa vị, thì không di dân. Tới vùng đất mới, lúc đầu di dân ít có điều kiện học hành, lại tách ra khỏi xã hội khuôn phép Nho giáo của hai cựu đô Thăng Long và Phú Xuân (Huế), nên phóng khoáng, thực tế, ít thích chuyện lý thuyết dông dài và thường hành động theo trái tim nồng ấm của mình. Có thể vì những đặc tính trên, cộng với sự thành công nơi vùng đất mới, người miền Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng, nổi tiếng phóng khoáng, hào hiệp, và hảo hán.

Điểm đáng chú ý, tuy tính tình cởi mở, phóng khoáng, tiếp xúc rộng rãi với nhiều nền văn hóa khác nhau, người miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng vẫn luôn luôn giữ gìn nguồn cội và cương quyết bảo vệ nguồn cội của mình, kể cả khi Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp từ 1874. Pháp chủ trương tách Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam, nhưng những cuộc kháng chiến chống Pháp không ngừng xảy ra. Sau thế chiến thứ hai, tuy Pháp tái chiếm Nam Kỳ, chính phủ Lâm thời Trung ương Việt Nam do ông Nguyễn Văn Xuân thành lập ngày 23-5-1948 trên đất Sài Gòn, đã chọn lá Cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ ngày 2-6-1948. Ba sọc đỏ tượng trưng cho sự thống nhất ba miền Bắc, Trung, và Nam của đất nước, trên nền vàng tượng trưng căn bản của quốc gia. Lá quốc kỳ nầy được sử dụng cho đến khi Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam năm 1975.

3.- SÀI GÒN, NIỀM TIN

Sau năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản tổ chức bầu cử quốc hội ngày 25-4-1976 trên cả nước. Theo lệnh của đảng Lao Động, tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), tân quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chọn Hà Nội làm thủ đô, và đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh (TpHCM) trong phiên họp ngày 2-7-1976 tại Hà Nội.

Việc CSVN đổi tên Sài Gòn thành TpHCM có thể nhắm ba mục tiêu chính: Thứ nhất vinh danh ông Hồ, lãnh tụ sáng lập đảng CSVN. Thứ hai, CSVN muốn xóa bỏ luôn lịch sử và văn hóa đa nguyên của Sài Gòn, để thay thế bằng văn hóa Mác-xít ngọai lai. Theo CSVN, Hồ Chí Minh là “một người học trò trung thành của Các Mác và V. I. Lê-nin” và là người “vận động sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta...”(“Lời kêu gọi” của Ban chấp hành trung ương đảng Lao Động sau khi Hồ Chí Minh chết năm 1969.) Thứ ba, xóa bỏ tên Sài Gòn để xóa bỏ vết tích của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mà CSVN thường gọi là “tàn dư Mỹ Ngụy”.

Sau ba mươi năm đổi tên thành phố (2.7.1976 – 2.7.2006), chúng ta thử xét CSVN có thực hiện được ba mục tiêu trên hay không?

Thứ nhất, khi vinh danh ông Hồ, CSVN muốn vinh danh luôn chính họ, những người thừa kế ông Hồ. Trong thời gian chiến tranh, do bộ máy tuyên truyền tinh xảo của CSVN, nhiều người lầm hiểu về Hồ Chí Minh và về CSVN. Tuy nhiên, về lâu về dài, những tài liệu về Hồ Chí Minh, về CSVN, về cuộc chiến Việt Nam, do văn khố các nước công bố, cộng thêm tài liệu do chính những đảng viên CS cũ đã từng sống trong lòng của chế độ cộng sản viết ra, cho thấy Hồ Chí Minh và CSVN chỉ là tay sai của Cộng sản Quốc tế, bản chất vong bản, phi dân tộc, độc tài, tàn ác, gian manh, tráo trở. Đảng CSVN luôn luôn kiếm cách bảo vệ hình tượng Hồ Chí Minh, để tự bảo vệ mình, là việc làm vô ích, vì những vụ án như “Cải cách ruộng đất”, “Nhân văn Giai phẩm”, và nhất là vụ Nông Thị Xuân, vợ của Hồ Chí Minh, cho mọi người thấy rõ bộ mặt thật của Hồ Chí Minh. Có lẽ cần nhắc lại vài câu thơ của Tố Hữu để dễ thấy tính khát máu và tay sai ngọai bang của Hồ Chí Minh và đảng CSVN:


“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin … bất diệt.”
(Chữ Đảng do Tố Hữu viết hoa)

Tuy là thơ của Tố Hữu, nhưng Tố Hữu là một lãnh tụ văn hóa cao cấp CSVN, viết vớI sự đồng ý của Hồ Chí Minh, và được đảng CSVN tuyên truyền rầm rộ, bắt toàn thể cán bộ đảng viên phải học tập. Trong lịch sử Việt Nam, chưa có một tên Việt gian nào dám ngông nghênh tuyên bố giết người Việt để thờ những lãnh tụ ngoại quốc như trường hợp CSVN.

Từ khi người Việt biết đặt tên đường theo kiểu Âu Châu, hầu như chưa có thành phố nào trên toàn cõi Việt Nam, lấy tên Trần Thủ Độ để đặt tên đường. Trần Thủ Độ (? – 1264) là một nhân vật chính trị lớn, xây dựng một triều đại lớn, và chính bản thân ông đã góp công đẩy lui quân Mông Cổ lần thứ nhất (1258), nhưng vì năm 1232 ông đã ra lệnh tàn sát hoàng tộc nhà Lý một cách tàn ác, nên chẳng ai lấy tên ông để đặt tên đường. Vậy làm thế nào, một người Việt chủ trương giết người Việt, để “Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin … bất diệt”, như Hồ Chí Minh và đảng CSVN, mà có thể lấy tên ông Hồ để đặt tên cho một thành phố? Trong thực tế, ai cũng biết ông Hồ là tác giả chính trong các vụ giết người tập thể từ 1945 cho đến khi ông chết năm 1969, ví dụ các cuộc thủ tiêu năm 1945, các cuộc Cải cách ruộng đất từ 1949 đến 1956, cuộc tiêu diệt trí thức trong vụ Nhân văn Giai phẩm năm 1956, và đặc biệt vụ Tết Mậu Thân năm 1968.

Thứ hai, dùng tên ông Hồ để thay tên Sài Gòn, CSVN muốn xóa bỏ luôn sự nghiệp lịch sử của tiền nhân và văn hóa đa nguyên của Sài Gòn, để thay thế bằng văn hóa Mác-xít.

Lịch sử là những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Không ai có thể xóa bỏ những sự kiện lịch sử. Cũng không ai có thể đi ngược lại thời gian để sửa đổi quá khứ. Dù bị CSVN gán ghép cho cái tên gọi là TpHCM, ai cũng biết Sài Gòn là kết quả công sức, xương máu, trí tuệ của tổ tiên từ thế kỷ 17, chứ không phải là công sức của Hồ Chí Minh hay đảng CSVN. Địa danh Sài Gòn đã vang lừng trên 3 thế kỷ cũng không thể bị thay thế trong trái tim dân tộc Việt.

Việc dùng văn hóa Mác xít để thay thế văn hóa đa nguyên nhân bản của dân tộc mà Sài Gòn tượng trưng, là việc làm không tưởng. Ai cũng biết văn hóa Mác xít có tính cách ngọai lai, dựa trên nền tảng đấu tranh giai cấp, chẳng những đánh đổ những giá trị nhân bản dân tộc cổ truyền, mà còn khuyến khích bạo lực, đấu tranh tận diệt những giai cấp khác để độc quyền xã hội, độc quyền chính trị, độc quyền kinh tế... Qua tay Lenin và Stalin, văn hóa Mác-xít trở thành văn hóa tuyên truyền, xách động cho nhu cầu tranh giành quyền lực của các đảng cộng sản. Điểm đáng nói là sau khi khôn khéo lừa gạt dân chúng để chiếm được quyền lực, CSVN đã phản bội lại dân chúng, nhất là nông dân, những người góp công rất nhiều trong sự thành công của CSVN.

Bạo lực cộng sản có thể làm cho người ta khiếp sợ, nhưng bạo lực cộng sản không thể mở được trái tim con người, nhất là người Việt Nam vốn thấm nhuần tinh thần đạo giáo của nhiều tôn giáo khác nhau. Hơn nữa, như trên đã viết, di dân Nam bộ thường không thích lý luận dông dài, không thích triết lý trừu tượng, mà thích hành động thực tiển, nên người Nam bộ không thích hợp với văn hóa tuyên truyền của cộng sản.

Do đó, văn hóa Mác-xít vào đến Sài Gòn, phải nhường bước trước nền văn hóa đa nguyên của miền Nam mà Sài Gòn tượng trưng. Chẳng những thế, người cộng sản Mác-xít lại bị thu hút và đồng hóa vào văn hóa Sài Gòn. Điều nầy không cần chứng minh. Nhìn vào những thay đổi của người cộng sản sau 1975 thì rõ.

Ở đây, xin nhắc lại một chút kinh nghiệm lịch sử. Vào thế kỷ 13, người Mông Cổ thường tự hào rằng họ tung vó ngựa đến đâu, thì nơi đó cỏ không thể mọc nữa. Tuy nhiên, khi người Mông Cổ vào đến Bắc Kinh thì bị Bắc Kinh đồng hóa. Vào thế kỷ 17, người Mãn Châu tràn xuống Bắc Kinh, cũng bị Bắc Kinh đồng hóa. Vì nền văn hóa trung nguyên Trung Hoa cao hơn nền văn hóa hai nước kia.

Năm 1975 cũng vậy. Những người tự hào là “loài người tiến bộ”, trang bị bằng “chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng”, khi vào đến Sài Gòn thì hoàn toàn bị đồng hóa theo văn hóa Sài Gòn. Người CSVN chỉ còn giữ lại cái guồng máy đảng trị độc tài để độc quyền lãnh đạo đất nước, bóc lột dân chúng. Từ 1975 cho đến nay, CSVN đi theo một vòng tròn lịch sử, như con kiến bò quanh miệng chén. CSVN phá phách, đập bỏ mọi cơ cấu tổ chức của miền Nam, rồi bây giờ đi theo con đường miền Nam trước đây. Do đó, có thể nói khi CSVN vào đến miền Nam, uống nước sông Cửu Long, thì màu đỏ cộng sản bạc dần theo sóng nước Cửu Long; cộng sản sẽ dần dần tự tan biến mất, chỉ còn lại cái tổ chức đảng trị độc tài và độc ác.

Nói cách khác, dầu tự ý đổi tên Sài Gòn thành TpHCM, CSVN vẫn xem Sài Gòn là chuẩn mực lý tưởng để phát triển, chứ không phải cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” chẳng qua là một sản phẩm tưởng tượng của CSVN, để trang sức cho chế độ Hà Nội trước những bế tắc của chủ nghĩa cộng sản, sau khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào đầu thập niên 90 thế kỷ qua. Đây cũng là sáng kiến của CSVN. Chính Hồ Chí Minh tự xác nhận: “Tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin.”(Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội, California: Nxb. Văn Nghệ, 1995, tr. 150.)

Thứ ba, dùng tên Hồ Chí Minh để thay tên Sài Gòn, CSVN còn muốn xóa bỏ luôn vết tích của thủ đô Việt Nam từ 1949 đến 1954 và thủ đô Việt Nam Cộng Hòa từ 1954 đến 1975. Làm như thế, CSVN tưởng rằng có thể đánh tan luôn điểm tựa tinh thần, văn hóa và chính trị của người miền Nam, những người đã chọn Sài Gòn làm thủ đô.

Tuy nhiên, ngoại trừ những văn thư hành chánh liên hệ đến nhà nước CS, mọi người ở trong cũng như ngoài nước, kể cả người ngoại quốc, đều dùng tên Sài Gòn, chỉ dùng tên Sài Gòn, chứ không ai muốn nhắc đến tên của kẻ sáng lập đảng CSVN. Nói cách khác, địa danh Sài Gòn vẫn hiện diện dầu bị CSVN áp đặt một cái tên gọi là TpHCM.

Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Dầu trong quá khứ, chế độ Cộng Hòa ở miền Nam chưa hoàn thiện, vẫn còn nhiều khuyết điểm, nhưng là một chế độ tự do dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Chỉ cần so sánh sơ lược vài sinh họat ở Sài Gòn trước và sau năm 1975 thì thấy rõ điều nầy. Trước năm 1975, Sài gòn có rất nhiều đảng phái chính trị khác nhau. Sau năm 1975, chỉ có một đảng CSVN. Trước năm 1975, báo chí Sài Gòn nằm trong tay tư nhân, tự do bình luận, vẽ hình biếm họa chính trị… Sau năm 1975, báo chí nằm trong tay đảng CSVN và các cơ quan nhà nước, chỉ dám tố tham nhũng cấp nhỏ, không dám đụng đến cấp cao…

Tóm lại, CSVN hoàn toàn thất bại trong ba mục tiêu chính, khi đổi tên Sài Gòn thành TpHCM. Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là cái tên hành chánh do bạo lực CSVN áp đặt, và CSVN không thể tiêu diệt được địa danh Sài Gòn. Sài Gòn vẫn luôn luôn hiện diện trong lòng dân Việt.

Sự tồn tại của địa danh Sài Gòn trong lòng dân chúng là tín hiệu cho biết, chính nghĩa nhân bản, dân tộc chắc chắn cuối cùng sẽ chiến thắng chủ nghĩa cộng sản ngoại lai vô thần. Niềm tin vào chính nghĩa nhân bản, dân tộc là điểm tựa tinh thần, giúp người Việt đứng vững trước bạo quyền, tiếp tục con đường tranh đấu trường kỳ chống chế độ cộng sản độc tài đảng trị. Người Việt trong nước thụ động trước những cuộc tuyên truyền của nhà cầm quyến cũng là một cách phản kháng kín đáo đảng CSVN.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, những chế độ độc tài đảng trị dựa trên bạo lực, chứ không dựa trên lòng dân, không thể tồn tại lâu dài. Chắc chắn tự do dân chủ sẽ trở lại Việt Nam trong một ngày không xa, phù hợp với khuynh hướng dân chủ hóa toàn cầu hiện nay trên thế giới.

Trước khi kết thúc, có lẽ nên nhắc lại một kinh nghiệm lịch sử ở Nga. Trong thời kỳ cộng sản, hai thành phố St. Petersburg và Volgograd bị đổi tên thành Leningrad và Stalingrad. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, hai thành phố nầy tự động trở lại tên cũ.

Gần đây, thêm một câu chuyện xảy ra tại thành phố Drancy (hạt Seine-Saint-Denis) ở nước Pháp. Thành phố nầy do đảng Cộng Sản Pháp chiếm giữ ghế thị trưởng từ năm 1935, có một con đường mang tên Lénine. Khi đắc cử thị trưởng thành phố Drancy năm 2001, ông Jean-Christophe Lagarde thuộc đảng UDF (Union pour la Démocratie Française = Liên minh Dân chủ Pháp), đã đổi lại tên đường nầy, vì theo ông Lagarde, Lénine là một tên tội phạm. (Nguyên văn lời Lagarde: J’ai changé le nom de la rue, car Lénine est un criminel.) (Nguồn: Le Figaro, Paris: 20-6-2006, Guillaume Perrault, “Des députés veulent un hommage aux victimes du communisme”)

Ông thầy Lenin là một tên tội phạm, thì Hồ Chí Minh, gã “học trò trung thành của Các Mác và V. I. Lê-nin” ở Việt Nam, cũng thuộc nòi tội phạm. Khi không còn bạo lực độc tài toàn trị, chuyện gì sẽ xảy đến với thành phố bị áp đặt tên gã học trò nầy, hẳn mọi người đều biết.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 25-6-2006)

Aucun commentaire: