Mao và Hồ
Ngô Nhân Dụng
Có thể coi Hitler và Stalin là những kiểu mẫu, proto-type, của các nhà độc tài thuộc thế hệ đầu thế kỷ 20; một ông cực hữu, một ông cực tả. Hitler lên cầm quyền nhờ đảng ông thắng phiếu trong một cuộc bầu cử dân chủ. Nhưng sau đó ông biết cách huyễn hoặc quần chúng bằng thủ đoạn tuyên truyền, lần lần độc chiếm uy quyền. Ông hành động tàn ác bất nhân, nhưng vẫn được các đảng viên tôn phục và dân chúng nghe theo hàng chục năm. Khi dân hết tin ông thì quá trễ. Ông Stalin lên ngôi nhờ vận dụng guồng máy đảng Cộng Sản Liên Xô, rồi ông giết hết những đồng chí đã ủng hộ đưa ông lên, sau cùng biến cả guồng máy đảng thành dụng cụ thống trị của riêng mình. Stalin học của Hitler cách sử dụng bộ máy tuyên truyền để suy tôn chính họ; Hitler đánh lừa cả một nước, Stalin đánh lừa được một nửa nhân loại. Một văn hào, là Bernard Shaw nếu tôi nhớ không lầm, đã từng đề nghị tặng giải Nobel Hòa Bình cho Stalin. Hai người cùng hiếu sát, ông Hitler gây chiến tranh làm chết vài chục triệu nhân mạng, ông Stalin tập thể hóa nông nghiệp làm dân chết đói, con số lên 30 triệu, nhiều hơn số nạn nhân của Hitler. Khi Krushchev lo lắng vì mấy triệu nông dân đang chết đói ở Ukraine, bị Stalin mắng vào mặt là quá mềm yếu. Hitler và Stalin cùng thích đóng vai “người hùng,” họ thường mặc quân phục. Nhưng họ cũng đều muốn đóng vai “cha già dân tộc.” Guồng máy tuyên truyền của họ trưng bay những hình ảnh nhà lãnh tụ đứng giữa quần chúng, chung quanh đầy những bộ mặt tươi cười hân hoan. Họ đều biết lợi dụng những truyền thống lịch sử trong quê hương họ. Ông Hitler thích được gọi là Fuhrer, Lãnh Tụ, đóng vai một Kaiser, như Hoàng Dế Wilhelm I từng thống nhất và canh tân nước Ðức. Ông Stalin ngồi vào chỗ các vị Tsars, những hoàng đế độc tôn với uy lực huyền bí được dân chúng tôn thờ. Stalin có nhiều danh hiệu: Cha già dân tộc, Lương tâm của Nhân loại, Ðầu máy xe lửa lịch sử, hay như ông Tố Hữu ca ngợi, “Hoan hô Stalin! Ðời đời cây đại thọ!” Ông trở thành một vị thánh sống; Hồ Chí Minh khi muốn trấn áp những ý kiến trong đảng Cộng Sản Việt Nam, chỉ cần nói: “Ðồng chí Stalin nói rằng...” là đủ. Ông Hồ bảo các đàn em: “Bác cháu chúng ta có thể nhầm chứ đồng chí Stalin không thể nhầm được,” thế là xong.
Hai người khác cũng biết sử dụng truyền thống văn hóa, phong tục trong nước họ để tự suy tôn thành các lãnh tụ huyền bí, là Mao Trạch Ðông và Hồ Chí Minh. Hai ông này không đóng vai thống chế như ông Stalin bên Nga, không mặc binh phục khi chụp hình như Hitler, tại sao? Vì họ biết là dân Trung Hoa và dân Việt Nam vốn trọng văn, khinh võ. Nhất là sau những năm loạn lạc, các lãnh tụ võ biền ở Trung Quốc phần lớn là những tướng quân xuất thân thảo khấu. Ðóng vai mặc binh phục không thích hợp với những dân tộc sống trong nền văn hóa Khổng Mạnh (Nhật Bản và Hàn Quốc là những ngoại lệ, trong một giai đoạn lịch sử). Ngay trong những thời loạn lạc, người dân vẫn ngưỡng mộ các ông Lã Vọng, Tôn Tẫn, Khổng Minh chứ không phải các võ tướng cầm gươm vác giáo. Các “quân sư” cầm quạt ngồi trong trướng được nể vì hơn các ông tướng cưỡi ngựa ngoài mặt trận. Người dân Á Ðông vẫn kính trọng các nhà hiền triết, những vị “minh quân” như Trần Nhân Tông cũng viết giảng về Phật Giáo, Lê Thánh Tông thường cầm bút làm thơ và viết những điều huấn dụ day dân ăn ở theo đạo Thánh hiền. Vì vậy, cả ông Mao và ông Hồ đều làm thơ. Riêng ông Mao thì viết ra những sách lý thuyết, cả về triết lý, chính trị lẫn binh pháp. Ông Hồ thì khiêm tốn tự nhận là mình không cần viết sách, vì có bao nhiêu điều cần viết đã có ông Mao viết hết rồi, chỉ cần học ông Mao là đủ. Nhưng ông Hồ cũng xuất bản các tập thơ văn, gom góp các bài báo in lại, chứng tỏ ông là con cháu nhà Nho chứ không phải là người vô học. Thế hệ những người cùng tuổi Hồ Chí Minh đều được học chữ Hán và nghe day các sách của Nho gia. Cho nên, khi ông nói đến những khẩu hiệu như “cần kiệm liêm chính,” hoặc “bất hoạn quả nhi hoạn bất quân,” thì người dân các làng các xóm hiểu ngay. Nhiều người ít học còn cho là chính ông là người sáng tác ra những châm ngôn chính trị đó.
Tới đây, tưởng cũng nên minh oan cho ông Hồ. Nhiều người tố cáo là ông “đạo văn,” nêu thí dụ ông đã lấy một câu của Quản Trọng nhận làm của mình. Nhưng khi ông Hồ nói “kế hoạch trăm năm không gì bằng trồng người,” mà không nói rõ tác giả là ai, thì điều này cũng không nên coi là ông cố ý nhận vơ. Vì có rất nhiều câu nói nổi tiếng như vậy, ai cũng biết, ít nhất là những người có học ai cũng biết, mỗi khi nói “Bách niên chi kế mạc như thụ nhân” người có học không thấy nhu cầu chú thích câu này do ai đã nói. Chẳng hạn, nếu có ai lên diễn đàn mà cao hứng khuyên người khác rằng “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân,” thì ai cũng biết đó là lời Khổng Tử. Nêu danh Khổng Tử ra có khi bị thiên hạ chê là coi thường người nghe, cho là người ta dốt. Nay có một người khuyên các cháu, “Cái gì mình không thích thì đừng làm cho người khác” mà không nói tên tác giả, đó cũng là một thói quen bình thường, không đáng trách. Nếu có trách là trách bọn con cháu dốt nát, cứ tưởng ông bác mình nghĩ ra những lời khuyên đáng giá đó.
Cả Mao Trạch Ðông và Hồ Chí Minh đều tự tạo cho mình những hình ảnh lãnh tụ xuất phát từ trong lòng dân tộc họ, khác kiểu Stalin hay Hitler, cho nên có thể coi đó là một kiểu lãnh tụ độc tài riêng trong thế giới cộng sản. Riêng Mao Trạch Ðông, ông cũng có ý hướng giống ông Hussein, là so sánh mình với các nhân vật lịch sử. Ông Hussein muốn trở thành người kế tục sự nghiệp của Saladin, vị lãnh tụ Hồi Giáo đã đánh đuổi các đoàn Thập Tự Quân ra khỏi thánh địa Jerusalem năm 1187, nhưng Hussein chưa dám tự coi mình là ngang hàng. Mao ngược lại, ông từng ví mình tạo nên sự nghiệp thống nhất và cải cách nước Trung Hoa không thua Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Ðế từ 2 ngàn năm trước; tuy nhiên ông lại coi là hai người đó còn kém mình, vì họ có tài vũ dũng nhưng không có vẻ văn chương. Mao thấy mình đóng một lúc hai vai, hoàng đế nhà Tần và “vua không ngai” Khổng Tử. Cho nên ông viết sách triết lý Mác Xít mà lại dùng ngôn ngữ của tư tưởng Trung Quốc cổ truyền, như khi viết về Mâu Thuẫn Luận. Ông rất ham đọc sách, khi ngồi trên xe vào chính thức chiếm Bắc Kinh, ông vẫn cầm trên tay bộ Tư Trị Thông Giám, một bộ lịch sử các triều đại Trung Hoa, với đủ những thuật trị nước. Cuốn sách đỏ của ông là một thứ mô phỏng “Luận ngữ.” Ông muốn người Trung Hoa sẽ tôn thờ ông như một minh quân và như một thánh hiền. Hiện nay ở nhiều ngôi chùa tại Trung Quốc có thờ cả hình ông Mao! Có những tài xế taxi treo hình ông Mao trên xe, tin rằng như vậy sẽ được bác Mao phù hộ đỡ bị tai nạn! Bộ máy tuyên truyền cố tạo ra niềm tin đó. Chưa hết, bộ máy công an tiêu diệt tất cả những ai bị ông Mao nghi ngờ, nhất là các đồng chí như Bành Ðức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ.
Hồ Chí Minh không có tham vọng như Mao Trạch Ðông, mặc dù ông thường ví mình như kế nghiệp các vua Hùng. Ông thường nói đến “Các vua Hùng dựng nước, bác cháu mình giữ nước.” Trong câu nói đó ngầm chứa một niềm tự kiêu, nối mình liền tới các vị vua khai sáng ra nước Việt, mà không kể tới anh hùng các triều đại khác. Có lẽ ông không coi các vị anh hùng đời xưa có gì đáng phải học. Trong một bài thơ viết khi đến thăm Ðền Kiếp Bạc, ông tự so sánh với Ðức Trần Hưng Ðạo, “Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng.” Nhưng ông lại coi là Hưng Ðạo Vương còn thua ông, (chắc vì chưa “giác ngộ chủ nghĩa cộng sản,”) chỉ cứu được một nước qua cơn giông tố, còn chính ông, Hồ Chí Minh thì “Tôi dẫn năm châu đến đại đồng.” Nhưng khi dùng hai chữ “Ðại đồng,” ông Hồ cũng đánh thức một hình ảnh lý tưởng của các nhà Nho suốt mấy ngàn năm, còn nằm sâu trong tiềm thức dân Việt Nam. Khổng Tử đã mô tả thế giới đại đồng: “Ðại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công.” Ông Hồ chỉ giải thích chủ nghĩa cộng sản cũng muốn đạt mục đích “thiên hạ vi công” là tự nhiên thu hút được bao nhiêu con cháu nhà Nho. Những người thiếu hiểu biết về chủ nghĩa Cộng Sản sẽ thấy ông có vẻ như một nhà Nho đáng kính.
Saddam Hussein cũng theo con đường đó, nhưng hơi trễ. Sau khi thua trận năm 1991, Hussein mới “trở lại đạo,” bắt đầu dùng Hồi Giáo, để tấn công vào tâm lý người dân Iraq và các nước Á Rập khác. Ông bắt đầu đọc kinh Kuran trước công chúng, cũng đi lễ đền thờ Hồi Giáo, giống như ông Hồ Chí Minh đi thăm Ðền Hùng (thăm, nhưng không lễ). Khi lên đài treo cổ, tay ông Hussein cầm cuốn kinh Kuran, cũng cốt chứng tỏ ông là người thừa kế Saladin. Và những lời sau cùng ông nói là câu kinh quen thuộc, “Thượng đế vĩ đại! Và Thánh Mohammed là sứ giả tiên tri của Ngài!” Người có mặt cho biết đúng lúc ông phát âm tên Thánh Mohammed thì thân thể ông bị rớt xuống, dây thắt lại nghẹn lời. Thế nào những đồ đệ của ông cũng coi đó là một điềm lạ, điềm cho thấy ông đi lên thẳng thiên đường, thành một vị thánh.
Ông Hồ Chí Minh lúc lâm chung không để lại những “điềm lạ” như vậy. Có một điều đặc biệt, là trước khi chết ông Hồ Chí Minh lại chỉ nói rằng ông sắp đi gặp các ông Mác, Lê nin, mà không đóng trò nói mình sẽ về gặp các vua Hùng. Bài di chúc của ông được viết đi viết lại nhiều lần, cho thấy tác giả đã suy nghĩ rất kỹ. Có lẽ khi biết mình sắp chết, Hồ Chí Minh vẫn coi sự nghiệp lớn nhất trong đời ông là phát triển chủ nghĩa cộng sản trên thế giới, góp phần vào việc bành trướng chủ nghĩa đó ở Việt Nam và Á Châu. Tức là vẫn ước mong mình “dẫn năm châu tới đại đồng,” chứ không chịu giam mình chỉ làm người hùng trong một quốc gia nhỏ như nước Việt Nam.
[Bài trên trích từ một chương sách của tác giả, tạm đăng trong thời gian ông không viết bài thường xuyên thuộc mục này. Xin quý vị độc giả lượng thứ.]
Ngô Nhân Dụng
Thursday, February 08, 2007( http://www.nguoi-viet.com/ )
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire