1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

jeudi 29 mars 2007

Góp ý với ông Võ Văn Kiệt về hòa giải dân tộc và khép lại quá khứ

Trần Trung Đạo
Góp ý với ông Võ Văn Kiệt về hòa giải dân tộc và khép lại quá khứ

Trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, các ý kiến của ông Võ Văn Kiệt, thông qua các bài viết nhân dịp ba mươi năm nhìn lại cuộc chiến, trước ngày đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ mười, những lời phát biểu, những câu trả lời phỏng vấn dành cho các đài phát thanh và báo chí trong cũng như ngoài nước đã tạo ra nhiều chú ý trong số những người quan tâm đến vận mệnh đất nước.

Trong đêm tối trời oi bức của lịch sử dân tộc đã có những ngọn gió tư duy tương đối cởi mở thổi từ hướng những người đã từng đóng vai trò quan trọng trong chính trường Việt Nam sau 1975. Đó là một điều tốt. Rất tốt. Không giống như các bài diễn văn dài lòng thòng chứa toàn những lời tuyên truyền sáo rỗng của các lãnh đạo đảng, qua tuổi tác, văn phong và thái độ của ông Võ Văn Kiệt, tôi tin những bài viết, những lời phát biểu của ông thể hiện sự chân thành nhất định và là kết quả của nhiều đêm trăn trở.

Tôi vui mừng bởi vì ông đã góp phần tạo nên một môi trường thảo luận những vấn đề sinh tử của đất nước mà trước đây không có được. Các thế hệ trẻ Việt Nam, qua những lời phát biểu của ông, có cơ hội biết đến một quãng lịch sử dân tộc đen tối do chính một trong những người chịu trách nhiệm lớn nhất của đảng và nhà nước trong giai đoạn đó kể ra. Con đường mà dân tộc đã trải qua trong suốt hơn 30 năm không phải là “con đường vinh quang” như các em đang học ở trường, những ngày mà cha chú các em đã sống không phải là “những ngày đẹp nhất dù mai sau đời vạn lần hơn”, nhưng là con đường nhuộm bằng máu và nước mắt, trong đó, “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” như ông Võ Văn Kiệt đã nhắc lại.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc nhân hậu và đầy lòng tha thứ. Câu nói của ông, tuy muộn màng nhưng còn hơn là không nói. Tôi tin nhiều người dân Sài Gòn nhìn ông Võ Văn Việt hôm nay khác nhiều so với một ông Võ Văn Kiệt bí thư thành ủy trước đây, người đã đày một triệu người dân Sài Gòn đến các vùng rừng núi miền Đông hoang vu chưa ai từng đặt chân đến trước. Tôi tin trong mắt nhiều người dân Sài Gòn, hình ảnh ông Võ Văn Kiệt hôm nay khác với ông Võ Văn Kiệt, người thay mặt đảng chủ trì hàng loạt các chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa vô cùng tàn bạo đối với người dân miền Nam ngay những ngày sau 30 tháng 4, bao gồm các chiến dịch “bài trừ tư sản mại bản”, “cải tạo công thương nghiệp”, “bài trừ văn hóa đồi trụy”.

Tôi vui mừng vì một số bài viết phê bình các cấp lãnh đạo đảng, dù để cứu đảng, đã được đăng trên một số báo chí tại Việt Nam. Hẳn nhiên không phải ai viết, ai phát biểu cũng được đăng báo. Có những bài phê bình khá gay gắt, thậm chí châm biếm các cấp lãnh đạo như của ông Lê Đăng Doanh, Nguyễn Trung, Võ Văn Kiệt được phổ biến trong lúc những những đề nghị khác mang một tinh thần xây dựng thì chẳng những không được phổ biến mà tác giả của chúng còn bị cô lập, bị “mời làm việc” ngày này sang ngày khác. Tóm lại, vấn đề không phải chỉ là nội dung bài viết mà còn tác giả của chúng là ai. Cuốn tự điển mà đảng phát cho mỗi người dân tại Việt Nam, từ một em sinh viên 20 tuổi đang ngồi trong trường luật cho đến cựu thủ tướng 80 tuổi, có độ dày mỏng khác nhau. Dù sao, không khí sinh hoạt chính trị tại Việt Nam đã khác nhiều so với 30 năm trước. Những khái niệm “dân chủ”, “nhân quyền” không còn là ngôn ngữ quốc cấm hay độc quyền của đảng, và trong chừng mực nào đó đảng đã chấp nhận “chịu đấm ăn xôi”. Vấn đề là các tầng lớp nhân dân có dám đấm hay không.

Tôi vui mừng bởi vì các lời phát biểu của ông Võ Văn Kiệt nhắm đến một hướng đi chung: con đường dân tộc là lối thoát cho đất nước. Trong phần trả lời phỏng vấn dành cho báo Viet Weekly ở Mỹ, ông Võ Văn Kiệt nói rằng: “Chúng ta phải hết sức quan tâm đến sự hòa hợp, chúng ta phải đặt dân tộc là tối thượng. Cho dù chính kiến, tôn giáo, quan điểm có khác nhau, nhưng lợi ích dân tộc phải được đặt lên trên hết”, và ông cũng nhìn nhận những phân chia, ngăn cách sau chiến tranh như “là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.”

Những điều ông nói về mặt tình cảm không sai chút nào cả. Truyền thống của dân tộc Việt Nam là "nhiễu điều phủ lấy giá gương", là "lá lành đùm lá rách", là "một giọt máu đào hơn ao nước lã" chứ không phải độc tài hay thù hận. Ngày tổ tiên chúng ta vượt sông Dương Tử cho đến bây giờ đã hơn bốn ngàn năm. Thân hình nhỏ nhoi, mái tóc đen, chiếc mũi tẹt, màu da vàng mỗi người Việt đang có là sự tích lũy của bao nhiêu máu xương, mồ hôi, nước mắt trong suốt bốn ngàn năm di truyền của giòng giống Lạc Long. Thế hệ của cha chú chúng tôi, của tôi, các em tôi, đã không chỉ vượt qua sông mà còn vượt qua cả một Thái Bình Dương bao la sóng gió để tìm đất sống. Nhưng dù ở lại hay ra đi, rồi chúng ta cũng sẽ trở về với sông Dương Tử, về với quê hương Việt Nam thân yêu. Dân tộc Việt Nam, bao gồm các giá trị vật chất và tinh thần, là một thực thể thống nhất và không một thế lực nào, một ý thức hệ ngoại lai vong bản nào có thể làm phân ly chia cách. Tiếc thay, sau 32 năm, ý nghĩa của khái niệm dân tộc vô cùng thiêng liêng quý giá đó vẫn chưa là thực tế. Dân tộc Việt Nam đến nay vẫn còn một đoàn người nối đuôi nhau làm nô lệ cho đảng Cộng sản, nhận sự ban phát từ chức tước bổng lộc đến chén cơm manh áo từ tay giới lãnh đạo đảng không khác gì thời vua chúa phong kiến. Sinh mệnh của họ và tương lai của con cháu họ vẫn còn trong tay một nhóm người rất nhỏ nhen, ích kỷ và vô cùng lạc hậu.

Nhắc đến đoàn kết dân tộc, tôi còn nhớ khoảng tháng 6 năm 2006, nhà sử học Dương Trung Quốc viết một bài gợi ý trên báo Thanh Niên “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?”, trong đó ông nhấn mạnh đến năm thách thức lớn cho đất nước từ bang giao quốc tế đến tình trạng phụ nữ Việt Nam làm dâu xứ người và đề nghị “phải tìm cho ra những lý do của sự tụt hậu mới mong thoát được nguy cơ tụt hậu.” Ông Dương Trung Quốc cũng tế nhị chỉ nhắc đến 100 năm chống thực dân Pháp mà không đụng đến cuộc chiến tranh gọi là “chống đế quốc Mỹ” vừa qua. Báo Thanh Niên đã dùng tựa bài viết để phát động một diễn đàn thảo luận công khai. Thế nhưng trong suốt hội nghị tổng kết, các tham luận viên đã không hiểu hay cố tình không hiểu các gợi ý của ông Dương Trung Quốc. Các ông bà hoặc đã lặp lại những lời tuyên truyền sáo rỗng như trường hợp bà Nguyễn Thị Bình “nhân dân ta phải phấn đấu rất nhiều nữa, phải có quyết tâm lớn, đồng thời có trí tuệ cao mới có thể khắc phục những yếu kém và khó khăn, tận dụng cơ hội đưa đất nước tiếp tục đi lên để ‘Nước Việt Nam ta không nhỏ’ và có vị trí xứng đáng trên thế giới" hoặc nói đến những hiện tượng quá tiểu tiết như trường hợp ông Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân cho rằng “điều đầu tiên chúng ta có thể làm vào lúc này là tuyên chiến với gian lận thi cử, bệnh thành tích.” Nếu để vượt qua nguy cơ tụt hậu mà bắt đầu bằng chống gian lận thi cử thì bốn ngàn năm nữa Việt Nam cũng chưa trở thành nước lớn được. Cũng trong hội nghị này, tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng, một Việt kiều Nhật, hỏi ông Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển một câu mà báo Thanh Niên gọi là “hóc búa”: "Trong khi đi tìm kiếm nhân tài, người Việt đang bỏ lỡ một nguồn nhân tài đáng quý là 3 triệu kiều bào sống khắp nơi trên thế giới, mà nguồn thu nhập của họ ngang ngửa với tổng số GDP của cả nước", ông Bộ trưởng trả lời như học thuộc từ một nghị quyết nào đó: “Tư duy của những người Việt Nam sống trong nước, từ tầng lớp mang tính nhạy cảm cao nhất đến người dân bình thường là: người Việt Nam sống ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Điểm thứ hai là bất cứ một chính sách nào, dù hay đến bao nhiêu, muốn vào cuộc sống cũng phải có thời gian. Chúng tôi tin tưởng rằng, với tinh thần đổi mới, đặc biệt là tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ X, thì những chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng người VN ở nước ngoài sẽ được triển khai một cách hiệu quả.” Tôi không hiểu “cũng phải có thời gian” đối với ông Trương Đình Tuyển là bao lâu? 32 năm chịu đựng của cả dân tộc chưa đủ dài sao?

Giống như trường hợp một con người bình thường phải vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt để tiến thân, một dân tộc chỉ có thể đuổi kịp đà tiến của nhân loại nếu dân tộc đó vượt qua được những bất hạnh của chính mình và vận động được sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Do Thái chỉ vỏn vẹn hơn 6 triệu dân, sống trong một diện tích 20 ngàn cây số vuông, và bị các quốc gia thù địch bao vây ngay từ ngày lập quốc, nhưng họ đã tồn tại và vươn lên nhờ sự vận dụng sức mạnh dân tộc rộng lớn khắp thế giới. Trong nhiệm kỳ quốc hội thứ 101 của Mỹ đầu năm nay đã có tới 30 nghị sĩ và dân biểu là gốc Do Thái mặc dù tổng số người Mỹ gốc Do Thái chỉ chiếm hai phần trăm dân số Mỹ. Thượng nghị sĩ Joe Lieberman chống lại tổng thống George W. Bush gần như tất cả mọi chính sách ngoại trừ việc xâm lăng Iraq đơn giản bởi vì ông là người Mỹ gốc Do Thái. Vì điều kiện lịch sử, chất xám Việt Nam cũng trải rộng khắp năm châu, tinh hoa Việt Nam có mặt trong mọi ngành khoa học kỹ thuật của nhân loại và đang dấn bước vào chính trường của các quốc gia họ định cư. Thế nhưng cho đến nay, tuyệt đại đa số trong số 300 ngàn trí thức Việt Nam hải ngoại, như nhiều nguồn ước lượng, vẫn không hợp tác với đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam. Họ chẳng phải thuộc thành phần “bám theo chân đế quốc” hay “chống Cộng tới cùng” gì đâu, mà là những người thật sự quan tâm cho tương lai dân tộc. Ngọn núi cách ngăn giữa họ và quê cha đất tổ chính là cơ chế chính trị tại Việt Nam. Việc bất hợp tác của họ với nhà nước Việt Nam không phải phát xuất từ những cách ngăn quá khứ, mà là vì những dị biệt khi nhìn về tương lai dân tộc. Mối lo mất quyền lực đã làm cho giới lãnh đạo đảng hoài nghi trước mọi đóng góp của trí thức hải ngoại dù là những đề án hoàn toàn không liên hệ gì đến chính trị. Không một người Việt Nam có lương tâm nào mà không khỏi đau lòng khi nhìn lại đất nước sau 32 năm chấm dứt chiến tranh nhưng lòng người vẫn còn ngăn cách, anh em nhìn nhau thù hằn xa lạ. Một ông thủ tướng đi thăm nước ngoài mà bị chính dân nước mình biểu tình phản đối, phải đi vào cửa trước và đi ra cửa sau thì có gì để đáng hãnh diện. Phân tích điều đó để thấy nước mình chẳng những nhỏ mà còn bị phân hóa đến dường nào. Bất hạnh hay tụt hậu, nói theo ngôn ngữ của ông Dương Trung Quốc, của Việt Nam hôm nay dĩ nhiên có nguyên nhân sâu xa của nó, nhưng nguyên nhân đó là gì thì không ai trong hội nghị tổng kết dám nói đến.

Ông Võ Văn Kiệt nói nhiều về hòa giải, hòa hợp dân tộc: “Nếu đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, dẫu trước đây là kẻ thù của nhau vẫn có thể khép lại quá khứ để hoà bình hữu nghị, để cùng phát triển. Bởi vậy không lý nào người Việt Nam với nhau lại không thể khép lại quá khứ. Đây là vận hội, cơ hội cho sự hòa thuận. Đối với người ngoài còn bỏ qua được không lẽ người Việt Nam với nhau không bỏ qua được hay sao! Nếu cứ cố chấp với nhau, dân tộc không lớn mạnh lên được.”

Tôi xin chia sẻ tâm tình của ông. Đúng vậy, dù bị lợi dụng hay xuyên tạc, vo tròn hay bóp méo bao nhiêu thì hòa hợp hòa giải vẫn là khát vọng của dân tộc.

Lịch sử nhân loại đã để lại nhiều bài học quý giá về hòa giải.

Hãy tưởng tượng nếu tổng thống Abraham Lincoln thay vì nói “không ác tâm nhắm vào ai, với lòng nhân ái dành cho mọi người” (With malice toward none, with charity for all) trong phần kết luận diễn văn nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai vào những ngày cuối của nội chiến Mỹ, mà kêu gọi “máu kêu trả máu đầu kêu trả đầu” thì nước Mỹ liệu có là một cường quốc hàng đầu thế giới và có diện tích trải rộng trên 9 triệu cây số vuông như ngày nay không? Câu trả lời hiển nhiên là không. Hãy tưởng tượng khi Nelson Mandela, người bị tù suốt 27 năm ngoài hoang đảo và đã có thời gian nghiêng về phương pháp đấu tranh bằng võ lực, không chủ trương hòa giải mà nhất định trả thù cho bằng được thiểu số da trắng đã một thời đã áp đặt những đối xử bất công, phân biệt chủng tộc lên trên số phận của đa số người da đen thì nước Cộng hòa Nam Phi ngày nay liệu có còn là quốc gia ổn định và phát triển nhất Châu Phi với lợi tức bình quân đầu người 12 nghìn Mỹ kim một năm không? Câu trả lời hiển nhiên là không. Hai nhà lãnh đạo quốc gia, tuy sinh ra và lớn lên trong những thời điểm lịch sử và hoàn cảnh bản thân khác nhau, nhưng đều sở hữu giống nhau ba đặc tính mà một lãnh tụ sáng suốt nào cũng cần phải có: kiên nhẫn, khôn ngoan và biết nhìn xa trông rộng.

Đất nước Việt Nam thời buổi này không có may mắn đó. Một trong những điều bất hạnh dễ nhận ra nhất là các nhà lãnh đạo Việt Nam không những thiếu ba đặc tính kiên nhẫn, khôn ngoan và nhìn xa thấy rộng đó, nhưng đáng buồn hơn họ lại mang trong người ba căn bịnh trái ngược với các đặc tính vừa nêu. Thay vì kiên nhẫn trong từng bước đổi thay của đất nước bằng tinh thần hòa giải bao dung dân tộc, họ đã bắt nhân dân thắt lưng buộc bụng để “tiến nhanh, tiến mạnh” lên chế độ xã hội mà chính họ cũng chỉ mới được nghe qua hay đọc đâu đó trong các tài liệu tuyên truyền của đảng; thay vì áp dụng một cách khôn ngoan các chính sách đối ngoại thận trọng với những người từng là bạn cũng như rộng lượng ngay cả với những kẻ vốn là thù, họ đã chứng tỏ vô cùng thiếu khôn ngoan, kiêu căng vô lối trong bang giao quốc tế, để rồi dẫn đất nước vào vòng cô lập trong nghèo nàn lạc hậu suốt mấy mươi năm; thay vì nối lại nhịp cầu dân tộc mà trước đây các dã tâm thực dân đế quốc đã làm ngăn cách tình đồng bào ruột thịt, hay lót những viên gạch rắn chắc trên con đường dẫn đến tương lai hạnh phúc cho con cháu khi còn có quyền lực trong tay thì họ chỉ biết đợi đến cuối đời để ngậm ngùi nhìn lại.

Ông Võ Văn Kiệt nhấn mạnh “Đã đến lúc mọi người Việt Nam gạt bỏ những phân biệt, chia rẽ do quá khứ để lại”, nhưng ông quên rằng “gạt bỏ những phân biệt, chia rẽ quá khứ” là khái niệm cụ thể chứ không chỉ là khẩu hiệu. Thủ tướng Konrad Adenauer, chính trị gia thân Mỹ hàng đầu tại Châu Âu sau thế chiến thứ hai, mặc dù lo tái thiết Tây Đức hoang tàn đổ nát bằng tiền của Mỹ, nhưng cũng không quên kín đáo tiếp xúc với Stalin để cứu những tù binh Đức bị tù trên lãnh thổ Liên-Xô dù trước đây chế độ Đức Quốc Xã đã từng bỏ tù ông ta. Tương tự, những gì Nelson Mandela đã cống hiến cho đất nước ông không phải vì nhờ ông đã quên quá khứ hay gác quá khứ qua một bên, nhưng nhờ ông đã sống rất trọn vẹn trong quá khứ, đã chiêm nghiệm và chuyển hóa những những vinh quang và chịu đựng, thành công và thất bại, hy vọng và tuyệt vọng của quá khứ thành nhựa nguyên, nhựa luyện cho những hàng cây xanh tốt tươi và hy vọng ở tương lai. Nelson Mandela là tổng thống da đen đầu tiên của Cộng hòa Nam Phi, nhưng không ít phụ tá của ông, chuyên viên cao cấp trong chính phủ là những người da trắng. Họ không phải chỉ được dựng lên để làm cảnh như Mặt trận Giải phóng, Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hòa bình tại Việt Nam trước đây, nhưng là những người có thực quyền. Ngoài ra, một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Nelson Mandela là thành lập ủy ban Sự thật và Hòa giải để điều tra các tội ác của chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi và thực thi chính sách hòa giải của ông.

Hòa giải chỉ có giá trị vĩnh cửu nếu hòa giải đó dựa trên sự thật và sự thật chỉ là viên ngọc quý khi nào nó được dùng để soi sáng công lý, xoa dịu khổ đau, chứ không phải để đào sâu thêm thù hận.

Các lãnh đạo đảng nói về hòa giải chắc là nhiều hơn cả Abraham Lincoln, Nelson Mandela và Konrad Adenauer cộng lại. Nhưng trong suốt 32 năm cai trị đất nước bằng nhà tù và súng đạn, họ chưa làm được một điều gì căn bản để thể hiện tinh thần đó. Tệ hại hơn nữa, họ đã sử dụng hòa giải như là chiếc bẫy để lừa gạt những người dễ tin hay quá thật tâm đi tìm một con đường sống cho dân tộc. Đừng nói gì đến các chính sách đất nước đa màu (Rainbow Nation) nhìn xa thấy rộng như Nelson Mandela, hay hành động can đảm cứu người như của Konrad Adenauer, chỉ đơn giản sửa sang, tu bổ các ngôi mộ của những người lính miền Nam ở nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngoại ô Sài Gòn, giúp đỡ các thương phế binh miền Nam đang lay lắt trên đường phố, họ cũng không làm.

Có nhiều lý do đã làm cho giới lãnh đạo đảng không thực tâm hòa giải và một trong những lý do đó là vì họ sợ sự thật. Nhiều người cho rằng nhân dân Việt Nam quá sợ đảng Cộng sản, nhưng đừng quên giới lãnh đạo đảng cũng luôn bị ám ảnh bởi sự thật. Trong hơn ba chục năm qua, họ đã làm tất cả những gì có thể làm được để che giấu sự thật. Một tấm bia nhỏ để tưởng nhớ những đồng bào bỏ thây trên biển cả cũng làm họ run sợ. Một bức tượng người lính Việt Nam Cộng Hòa tuy gãy đổ cũng làm họ ăn ngủ không yên. Các lãnh đạo đảng hẳn đang trách nhau tại sao ba mươi năm trước họ đã không san bằng nghĩa trang quân đội Biên Hòa cho rồi, để đến hôm nay, khi con dao chuyên chính vô sản không còn bén nữa, và trước mắt của cả thế giới khi vừa bước chân vào ngưỡng cửa WTO, họ không thể ra tay được.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn dành cho Viet Weekly, ông Võ Văn kiệt nói về vai trò lãnh đạo của đảng, “Nói công bằng, cuộc chiến đấu của Việt Nam do Đảng Cộng sản, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, vì lợi ích của dân tộc nhiều hơn hay vì thiên hạ nhiều hơn? Họ đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc này chứ! Vậy thì ít nhất phải để cho ba triệu đảng viên phải có chỗ đứng yêu nước trong dân tộc chứ, nếu phủ nhận, thật là quá đáng.”

Sinh viên Việt Nam nào cũng được dạy đảng là tổ chức anh minh, sáng suốt và lãnh đạo thành công mọi cuộc cách mạng, từ cách mạng dân tộc dân chủ trước đây cho đến cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Nếu các em chịu khó vào trang mạng của đảng Cộng sản Việt Nam để đọc mục đích của đảng là gì, các em sẽ nhận thức ngay được tính mâu thuẫn đối kháng giữa nhu cầu của đất nước Việt Nam và quyền lợi của đảng. Như một sinh viên, em muốn gì cho đất nước? Phải chăng đó là một Việt Nam hội nhập vào dòng thác cách mạng dân chủ, khoa học kỹ thuật, văn minh hiện đại của nhân loại bằng sức mạnh tổng hợp và đa diện của người Việt, không chỉ người Việt trong nước, mà cho dù họ đang định cư bất cứ nơi nào trên thế giới? Vâng, nhưng điều đó sẽ không thể thành sự thật khi đảng Cộng Sản Việt Nam cho đến hôm nay vẫn bám vào hệ thống giáo điều lạc hậu, cơ chế độc tài mà hầu hết các quốc gia, từ dân chủ Tây phương cho đến các nước chậm tiến ở núi rừng Châu Phi khinh rẻ. Thế giới đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba rồi mà ngay trong trang mạng chính thức của đảng vẫn còn viết được những câu đầy tính lừa bịp như thế này: “Lý luận tập trung dân chủ là một bộ phận quan trọng của học thuyết Mác-Lênin về Đảng Cộng sản, là cơ sở lý luận và kim chỉ nam cho các chính đảng của giai cấp công nhân thực hiện phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất trong Đảng.”

Ông Võ Văn Kiệt lo lắng cho chỗ đứng của ba triệu đảng viên vì theo ông “nếu phủ nhận, thật là quá đáng”, thế nhưng 80 triệu người còn lại không có chỗ đứng ông có lo dùm không? Nhiều người chủ thật sự của đất nước hôm nay là những kẻ sống không nhà để ở, chết không có đất để chôn, tha phương cầu thực trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ông có gọi đó là “quá đáng” hay không? Nếu ba triệu đảng viên Cộng sản, mặc dù phần lớn trong số này cũng là nạn nhân của thiểu số có quyền lực, chịu đứng đúng chỗ dành cho họ trong xã hội, trong cộng đồng dân tộc thì đất nước đâu đến nỗi tụt hậu như hôm nay. Không ai giành giật chỗ đứng của đảng Cộng sản cả. Ngày nay, tại Nga và các nước Đông Âu vẫn còn đảng Cộng sản. Mỗi năm nhân dịp đánh dấu Cách mạng tháng Mười vẫn còn nhiều cụ già 70, 80 tuổi, những ông cựu ủy viên trung ương, cựu bí thư đảng, bí thư đoàn, ngực đeo rủng rỉnh huân chương tuần hành trên đường phố Moscova. Họ hô lớn “Chủ nghĩa Cộng sản muôn năm”, “Vladimir Lênin muôn năm”, “Nguyên soái Stalin vĩ đại muôn năm”, nhưng không ai đàn áp, bắt bớ hay bỏ tù họ, đơn giản vì họ không còn khả năng tác hại cho người khác nữa. Giống như con rắn độc, đảng Cộng sản chỉ có khả năng giết ngưòi khi còn nọc độc, lấy nọc độc ra, con rắn cũng bình thường như hàng nghìn con vật khác. Nọc độc đó chính là cơ chế chính trị đang khống chế đất nước hiện nay.

Ông Võ Văn Kiệt tin rằng đảng đã đóng vai trò lãnh đạo và do đó họ sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước như trong bài trả lời tạp chí Cộng sản mới đây: “Đảng sẽ tăng cường sự lãnh đạo của mình bằng quyền lực hiện có hay bằng khả năng thể hiện vai trò tiên phong của chính mình vì lợi ích tối cao của dân tộc.”

Giả thiết cho dù đảng Cộng sản đã đóng vai trò lãnh đạo trong chiến tranh đi nữa, sau 32 năm đưa đất nước vào con đường tụt hậu so với đà tiến văn minh của nhân loại hôm nay thì theo ông Võ Văn Kiệt, liệu họ có xứng đáng tiếp tục lãnh đạo đất nước hay phải bước xuống trả lại quyền quyết định tương lai đất nước cho nhân dân Việt Nam?

Giả thiết cho dù chuyện công hay tội của đảng Cộng sản trong chiến tranh có thể còn là vấn đề đang tranh luận, thì trong 32 năm cầm quyền với những tộc ác không thể nào chối cãi khiến hàng triệu gia đình ly tán, hàng trăm ngàn đồng bào chết thảm thương trong rừng sâu nước độc, ngoài biển khơi, trong trại tập trung, thì theo ông Võ Văn Kiệt, nhân dân Việt Nam có nên để đảng Cộng sản tiếp tục đè đầu cưỡi cổ nữa hay không?

Ông Võ Văn Kiệt nhắc đến ba triệu đảng viên yêu nước, tôi nghĩ điều đó [cả ba triệu đảng viên đều yêu nước] chắc chắn là không có. Nhưng, như một lần đã viết, tôi tin trong hàng ngũ những người Cộng sản trước 1954 có rất nhiều người yêu nước. Họ gia nhập đảng Cộng sản chỉ vì nhu cầu đoàn ngũ hóa, tổ chức hóa và hợp đồng chiến đấu trước một kẻ thù hung bạo và vượt trội về võ khí như thực dân Pháp. Nếu sinh ra ở Quảng Trị, họ sẽ tham gia Đại Việt Cách mạng Đảng; sinh ra tại Quảng Nam họ sẽ tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng; sinh ra ở An Giang họ sẽ tham gia Dân xã Đảng; và tương tự, sinh ra ở Nghệ An, Thanh Hóa họ có nhiều khả năng tham gia đảng Cộng sản. Đó là điều tự nhiên và dễ hiểu, vì không ai có thể đánh thực dân Pháp một cách đơn độc. Từ khi viên đại bác đầu tiên do thực dân bắn vào cửa biển Đà Nẵng năm 1847 cho đến năm 1954, máu của hàng triệu người Việt yêu nước đã đổ xuống vì độc lập, tự do của tổ quốc. Dân tộc Việt Nam nhớ ơn họ và các thế hệ Việt Nam tương lai sẽ cúi đầu mỗi khi nghĩ về họ. Mặc dù trong hàng ngũ đảng Cộng sản có những người bắt đầu hành trình bằng lòng yêu nước, bản thân đảng Cộng sản, ngay từ ngày thành lập cho đến nay chưa bao giờ là một đảng yêu nước.

Qua các bài viết, phát biểu, nhất là bài trả lời phỏng vấn của tạp chí Cộng sản, ông Võ Văn Kiệt trong lúc phác họa hình ảnh một căn nhà chung đoàn kết dân tộc, cũng đã vẽ thêm bên cạnh một con đường thoát cho đảng. Trong tác phẩm hội họa đó của ông, những hung thần đã và đang đày đọa dân tộc Việt Nam bỗng biến thành những thiên thần hiền hòa nhân hậu “biết vì lợi ích của dân tộc mà dám nhìn thẳng vào sự thật, nhận lấy khuyết điểm, bắt đúng thời cơ, nắm lấy cơ hội, đưa đất nước thoát dần ra khỏi nghèo đói, lạc hậu và bắt đầu phát triển.” Ông Võ Văn Kiệt quên rằng thời điểm mà ông đang nói là 2007, và đa số người trong tập thể ông đang nói đến không phải là những người “gác bút nghiên lên đường tranh đấu”, mà là những kẻ gia nhập đảng chỉ vì danh lợi và quyền lực. Đảng Cộng sản đối với họ không phải là lý tưởng của đời người, không phải là nơi họ hợp đồng chiến đấu chống nghèo nàn lạc hậu, mà là chiếc thang xã hội họ phải leo, càng cao càng tốt và nếu cần đạp nhau, giết nhau, để trèo lên, họ cũng không ngần ngại như ông đã nhiều lần chứng kiến. Những thiên thần mà ông nói đến là những “đồng chí chưa bị lộ” đang nắm trong tay các ngân sách lớn, những đề án kinh tế quan trọng của nhà nước, toa rập nhau để làm giàu trên xương máu nhân dân, và năm 2006 đã giúp cho Việt Nam được tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng 113 (trong tổng số 163 nước được khảo sát) về tham nhũng nhất thế giới. Ông thật sự tin rằng những người như thế có khả năng xây dựng một hệ thống chính trị dựa “trên cơ sở phát huy tối đa mọi nguồn lực của dân tộc, của người Việt cho một mục tiêu duy nhất là phát triển”?

Tôi chia sẻ với ông Võ Văn Kiệt nhiều điểm, nhưng chỉ mong ông Võ Văn Kiệt chia sẻ với tôi một điểm rất hiển nhiên rằng Đảng Cộng sản đã thống trị dân tộc Việt Nam 32 năm và có thể còn thống trị một thời gian ngắn nữa, nhưng không thể thống trị dân tộc này mãi mãi. Sự thật rồi sẽ trả về cho lịch sử. Tôi tin sẽ có một ngày các sinh viên học sinh Việt Nam ngồi đọc lại những chương buồn của lịch sử dân tộc với Nhân văn-Giai phẩm, với Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, với Tết Mậu Thân ở Huế, với Cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, với Trại cải tạo khắp ba miền, với Kinh tế mới, với Thảm cảnh biển Đông, và hẳn họ sẽ rơi nước mắt cảm thông cho sự chịu đựng vô bờ bến của ông bà mình.

© 2007 talawas

8.3.2007 Trần Trung Đạo: Tương lai bắt đầu từ quá khứ

Aucun commentaire: