1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 17 mars 2007

Anh quốc và đại-nghị chế

Anh quốc và đại-nghị chế

- NGUYỄN HỌC TẬP -



Nói đến Anh Quốc, về tổ chức chính trị, là nói đến quê cha đất tổ của Đại nghị Chế (Parliamentary Governmen t), khuôn mẫu của hầu hết các phương thức tổ chức Chính Quyền Tây Âu, cũng như Hoa Kỳ là nơi chôn nhau cắt rún của TổngThống Chế, khuôn mẫu tổ chức hành pháp của một số lớn quốc gia trên thế giới, chúng tôi đã có dịp đề cập đến trong bài Tổng Thống Chế Hoa kỳ vừa rồi.

Nhưng từ ngày Quốc Hội Anh đặt viên đá góc tường, nền tảng cho Đại nghị Chế với câu
Nhà Vua ở trong Quốc Hội ( The King in Parliament ), chúng tôi đã có dịp nhắc đền trong bài Quốc Hội, phương thức tổ chức Hành Pháp ở Anh có nhiều diễn biến.
Do đó, một số nhà chính trị học đề nghị thay từ ngữ Đại Nghị Chế bằng Nội Các Chế ( Cabinet Government), một số khác bằng Thủ Tướng Chế ( Prime Government).
Sau đây chúng ta cùng nhau tìm hiểu về thể thức tổ chức Hành Pháp tại Anh Quốc cũng như lý do của những từ ngữ được đề nghị trên.





I . SƠ LƯỢC VỀ QUỐC HỘI LƯỠNG VIỆN.

Năm 1066 hoàng tộc Norman từ lục địa Âu Châu , vượt eo biển Manche qua chiếm hòn đảo Anh Quốc.( Taswell Langsmead, English Constitutional History, II ed., London, Plucknett 1960).

Vua đặt quyền bính cai trị và luật lệ trên khắp tân vương quốc.

Các lãnh chúa hàng năm phải nộp thuế cho vua.

Không đầy hai thế kỷ sau đó, năm 1215, các lãnh chúa trong vương quốc, các nam tước ( baron) hợp nhau tại Runnynmede, gần Windsor, cùng đồng ý ký Bản Đại Tuyên Ngôn các Quyền Tự Do ( Magna Charta Libertatum) để đặt yêu sách đối với vua:

- Nếu vua muốn lấy thuế nhiều hơn đã được quy định trong những điều khoản được ký kết,vua cần phải được sự thỏa thuận của Đại Hội Đồng (Magnum Consilium).
- Các nam tước cũng như những người dân tự do khác ( tức không phải dân nô lệ), vua không được đem ra xét xử bằng thẩm phám đoàn gồm toàn quan chức của vua, mà phải được thẩm phán đoàn dân sự xét hỏi, thẩm định và tuyên án.

Nếu chúng ta có thể xem Bản Đại Tuyên ngôn các Quyền Tự Do năm 1215 là tài liệu đầu tiên được viết ra, khởi điểm cho những điều khoản khác sẽ được ghi vào Hiến Pháp Anh Quốc, (có người còn đi xa hơn cho rằng Bản Tuyên Ngôn Tự Do trên dựa vào tinh thần tự do của Bản Tổng Kết Luật Lệ và Phong Tục của Anh Quốc (Tractatus de legibus et Consuetudinibus Angliae của Glan Will khoản năm 1189), thì trái lại Đại Hội Đồng không thể được coi là khởi điểm cho Quốc Hội Anh.
Các thành viên của Đại Hội Đồng là những nhân vật do vua trực tiếp chỉ định ( gồm những lãnh chúa cao cấp và những đấng bậc cao trọng trong giáo quyền).Như vậy Đại Hội Đồng không có tính cách đại diện dân cử của Quốc Hội, một trong ba điều kiện tiên quyết mà chúng tôi đã có dịp nói đến trong bài Quốc Hội .

Đại Hội Đồng chỉ là Hội Đồng Tư Vấn của vua, có đặc tính như các tổ chức của thời các lãnh chúa, kiểu Hội Đồng Thượng Thẩm của Pháp ( Etats Généraux de Paris) hay các tổ chức Quốc Hội Âu Châu trong thời Quân Chủ Chuyên Chế lúc đó.
Đại Hội Đồng của Anh Quốc lúc bấy giờ là tổ chức tư vấn của vua, để góp ý kiến với vua trong nhiều việc như:
- Bàn cãi những vấn đề quốc sự như đối ngoại, lập pháp, thuế má hay phụ cấp, cứu xét các đơn từ thỉnh nguyện, xét xử các vấn đề kiện tụng dân luật cũng như hình luật ( Mailand, The Functions of Parliaments, Origins of the English Parliament, Longmans, London 1969, 145-210) .
- Một mặt , kể từ ngày Bản Đại Tuyên Ngôn các Quyền Tự Do ra đời, quyền hành của vua dần dà bắt đầu bị đặt điều kiện , mặt khác một vài lãnh chúa uy quyền rất ương ngạnh lắm khi hành động bất cần được sự chấp thuận của vua, như vụ lãnh chúa Simon de Monfort, vào năm 1265 bất cần vua đã tự ý đứng ra triệu tập hai kỵ mã và hai thường dân ở mỗi thôn ấp ( borough) để thành lập Quốc Hội.
Trước tình trạng không mấy sáng sủa đó, nhà vua thấy thay vì mỗi năm phải ngửa tay ăn xin ngân sách từ các lãnh chúa, vua có thể liên lạc trực tiếp với các cộng đồng địa phương, có nguồn lợi đồi dào và bảo đảm hơn lãnh chúa ( Mitchell, Taxation in Medieval England, Yale University Press, New Haven 1951).

- Nhưng với sáng kiến vừa kể, một viễn ảnh mới được phát hiện.Các cộng đồng địa phương, làng xã, thôn ấp một mặt tuyên hứa bảo đảm ngân sách cho hoàng gia khỏi thiếu hụt, nhưng với điều kiện phải được cử người đại diện trực tiếp của họ trước hoàng gia để đạo đạt yêu sách và nhu cầu của họ.Cộng đoàn đại diện của các làng xã , thôn ấp tạo thành Hội Đồng có tính cách đại diện , được dân cử, khác với Đại Hội Đồng của vua cũng như nhiều hình thức Quốc Hội thời Trung Cỗ ( Richardson, Parliament and great Councils in Meideval England, Stevens, London 1961).

Như vậy sự liên hệ giữa vua và làng xã thôn ấp đã được bắt đầu vào thế kỷ 13.

Làng xã thôn ấp tại địa phương là những đơn vị động lực phát triển kinh tế, bảo đảm liên tục cho ngân sách hoàng gia, với tổ chức tự trị về hành chánh.Và như vậy là đại diện của họ là Hội Đồng Đại Diện bên cạnh vua ở Westminster. Nói cách khác, từ thế kỷ 13 như vừa nói, họ đã cữ người vào Quốc Hội với ý nghĩa hiện đại của chúng ta ( Postan, The Medieval Economy and Society. An Economic History of Britain in the Miđle Ages, Harmondsworth, Penguin Books 1972, p. 263s).

Còn nữa, theo gương của Simon de Monfort, năm 1295 vua Edward I, muốn cho Quốc Hội có nhiều đại diện của mọi tầng lớp quần chúng, đứng ra triệu tập Quốc Hội Kiểu Mẫåu, gồm- thành phần các huân tước ( Lords),- các đấng bậc cao trọng trong tôn giáo (hai thành phần nầy được vua đứng ra chỉ định),- hai kỵ mã cho mỗi làng xã,- hai người dân tự do ( không phải dân nô lệ) cho mỗi thôn xóm hoàng gia và đại diện các giáo sĩ hạ cấp ( Treharne, The Kings in the Periođ of Reform and Rebellion 1258-67: A Critical Phase in the Rise of a new Class, in Bulletin of the Institute of Historical Research, 1946, p.2ss)

Nhưng Quốc Hội Kiểu Mẫu của vua Edward I kéo dài không được bao lâu.Bởi lẽ từ nửa thế kỷ 14 trở đi, hai nhóm quân tước và đấng bậc cao trọng giáo sĩ bắt đầu có những cuộc hợp riêng rẽ, vì có nhu cầu và lợi thú riêng thuộc giai cấp và giới chức của họ, tách rời nhóm đại diện làng xã thôn ấp, vì quyền lợi và nhu cầu của các nhóm khác biệt nhau.
Như vậy Quốc Hội Kiểu Mẩu tự chia thành hai nhóm, nhóm Thượng Viện và nhóm Hạ Viện.
Sự việc Quốc Hội trở thành Lưỡng Viện do những cuộc nhóm hợp riêng như vừa kể bắt đầu từ năm 1351.

Khác với hình ảnh thông thường mà chúng ta thấy tại Quốc Hội các nước, Quốc Hội nhóm trong một thính phòng hình bán nguyệt, ở Quốc Hội Anh quốc Quốc Hội nhóm trong một thính phòng hình chữ nhật.Ở phía cuối phòng trên bậc cao là bàn của vị Xướng Ngôn Viên ( Speaker), phía dưới, thấp hơn là bàn của các vị Thư Ký.Bên phải của vị Xướng ngôn Viên là những dãy bàn của các vị đại biểu phe thân chính phủ.Dãy bàn thứ nhất dành cho các Bộ Trưởng hay nhân viên chính phủ.
Phía trái của Xướng Ngôn Viên là những dãy ban dành cho những vị lãnh đạo các chính đảng đối lập.
Theo ngôn ngữ của người Anh, nếu đương kim chính phủ được gọi là Chính Phủ Hành Quyền ( Executive Government) , thì thành phần đối lập được gọi là Chính Phủ Trong Bóng Tối ( Shadow Government).
Trong Quốc Hội Chính Phủ Hành Quyền có nhiệm vụ đưa ra đường lối, chương trình chính trị cho đất nước, thì Chính Phủ Trong Bóng Tối cũng có nhiệm vụ phê phán và đưa ra những đường lối , dự án mới cho Chính Phủ trong tương lai để dân chọn lựa trong kỳ bầu cử tới.
Do đó trong tinh thần dân chủ của người Anh, thành phần đối lập cũng cần thiết cho dân chủ không kém gì thành phần chính phủ đương nhiệm.
Vì thế, phe đối lập luôn luôn được phe đương quyền kêu gọi đối thoại một cách kính cẩn: Các Ngài Phe Đối Lập ( Her Majesty Opposition).
Trước nhiều vấn đề hệ trọng, việc Thủ Tướng Chính Phủ đương quyền tham khảo ý kiến phe đối lập trước khi quyết định là thể thức hành pháp dường như bắt buộc.

Trong các phiên hợp tranh cải tại Quốc Hội, vị đại biểu phát biểu ý kiến không trực tiếp nói thẳng với phía bên kia hay với một vị đại biểu khác đồng đảng với mình, mà luôn luôn quay về nói với vị Xướng Ngôn Viên, để vị nầy , sau khi thấu hiểu và thâu thập ý kiến của Quốc Hội, sẽ đến trình bày lại với vua.
Và có lẽ do vị trí của phe thân chính phủ và phe đối lập ở bên phải và bên trái vị Xướng Ngôn Viên, mà từ ngữ hữu phái và tả phái phát xuất từ đó ( vì tầm hiểu biết về lịch sữ của chúng tôi có hạn, mong các bạn độc giả , nhứt là các bậc đàng anh dạy bảo thêm cho, xin cám ơn).

Theo tục lệ, kể từ ngày các làng xã, thôn ấp cử người vào Quốc Hội, xác thực hơn kể từ ngày Simon de Monfort gọi dân chúng ở thôn ấp ngồi vào Quốc Hội năm 1265, hay xác thực hơn nữa từ ngày Hạ Viện bắt đầu hoạt động, giữ vai trò chính yếu ( tính đến 1965 là đúng 700 năm), mọi dựï án được đem ra bàn thảo trong Quốc Hội phải được đọc đi đọc lại đến 3 lần.Sỡ dĩ phải đọc lại đến 3 lần là vì các đại diện của Quốc Hội Simon de Monfort phần lớn là dân quê, nông dân mù chữ được chọn từ các thôn ấp.Thói quen đọc 3 lần đó, Quốc Hội Anh vẫn còn giữ đến ngày nay, mặc dù mục đích cũng như hoàn cảnh đã thay đổi:- Lần thứ 1: Tường trình các dự án.

- Lần thứ 2: Quốc Hội bàn thảo chung sau khi nghe đọc lại, sau đó tùy theo lãnh vực của vấn đề, dự án sẽ được giao cho các Ủy Ban Chuyên Môn(Select Committees) cứ xét.
- Lần thứ 3: Sau khi Ủûy Ban liên hệ xem xét tường tận các dự án, Quốc Hội sẽ nhóm hợp phiên khoáng đại, trong đó Ủy Ban Chuyên Môn sẽ đọc lại một lần nữa nguyên bản của dự án cùng với những ý kiến và phương thức thực hiện để Quốc Hội biểu quyết.


II - QUỐC HỘI, HIẾN PHÁP VÀ BẦU CỬ.

Trong bài nói về Hiến Pháp, có lần chúng tôi đã trình bày : Nếu Anh Quốc là Quốc Gia tiền phong đặt khuôn mẫu và thể thức cho cả toà nhà Quốc Hội Dân Chủ cho các nước Tây Âu, thì đối với Hiến Pháp Anh quốc không phải là mẫu mực để các nước dân chủ Tây Âu bắt chước.Bởi lẽ Anh Quốc không có một Hiến Pháp được viết ra trên giấy trắng mực đen tất cả những điều khoản, nguyên tắt nền tảng và thể thức tổ chức cho cơ cấu quốc gia như Hiến Pháp của các nước Tây Âu , kể cả Hoa Kỳ.
Nói như vậy không có nghĩa là Anh Quốc không có Hiến Pháp.Nói cách khác, các điều khoản của Hiến Pháp Anh Quốc không được ghi chép vào một bản văn duy nhứt, mà hàm chứa trong các văn bản được viết trải qua dòng lịch sữ thăng trầm của chính trị, xã hội , kinh tế của xứ sở:
- hàm chứa trong các điều khoản luật pháp của làng xã, thôn ấp, ngay cả trước khi hoàng gia Norman đến chiếm hòn đảo Anh, được gọi là Luật Pháp Thông Thường (Common Law),- hàm chứa trong các lời tuyên án của các vị thẩm phán ( Cases),- hàm chứa trong các cư xử theo thói quen, tập quán của dân chúng (consuetudinary law).

Như trên chúng ta đã đề cập là văn bản đầu tiên được viết ra một cách rõû rệt , khởi đầu cho một vài nguyên tắc của Hiến Pháp Anh là Bản Đại Tuyên Ngôn các Quyền Tự Do ( Magna Charta Libertatum), từ giữa thế kỷ 13, lúc các làng xã, thôn ấp bắt đầu có đại diện trực tiếp với vua.Nói cách khác Hạ Viện bắt đầøu mặc cả , đăït điều kiện với vua, biến những lời thỉnh nguyện thành những đòi hỏi , những dự án luật , những đòi hỏi dân có quyền mà nhà vua phải nhượng bộ ( Bill of Rights):

..nếu nhà vua không ra sắc luật cho dân được quyền .., Quốc Hội sẽ không phê chuẩn dự khoản thuế mà vua dự liệu cho ngân sách .

Trong hai thế kỷ 15 và 16, nhiều cuộc chạm trán giữa Quốc Hội và Hoàng Gia đã đến độ căng thẳng, nhứt kà đối với Hoàng Gia Tudor.Sau cùng, căng thẳng đến độ các vị vua của Hoàng Gia Stewart nhiều lần định phủ quyết các quyết định của Quốc Hội, dựa vào truyền thống cố hữu
- Vua thay Trời trị dân ,- luật của vua là ý muốn của Trời ,- vua không bị luật lệ nào ràng buộc ( legibus solutus).

Cuộc chạm trán còn kéo dài đến thế kỷ 17.- Năm 1628 vua Charles I đã phải chấp nhận Bản Văn Đòi Hỏi Các Quyền Lợi ( Bill of Rights),
- và năm 1679 Sắc Luật Bảo Vệ Cơ Thể (Habeas Corpus Act) cũng được vua phê chuẩn , trong đó có điều khoản luật cấm bắt bớ giam cầm một cách vô cớ ( nói theo ngôn ngữ đỉnh cao trí tuệ của nước CHXHCNVN công an mời đi làm việc bất cứ lúc nào cũng được , phải có trát của toà thì nhân viên công lực mới được bắt giữ và sau đó phải đưa bị cáo ra tòa xét xử để biện bạch nguyên cớ cho việc bắt giữ.- Ngoài ra trong Bản Văn Đòi Hỏi Các Quyền Lợi được vua William và Hoàng Hậu Marie d'Orange ấn ký, vua và hoàng gia đều phải tuân giữ luật lệ như mọi người dân.
Với hai sắc luật vừa kể, chúng ta có thể coi là Quốc Hội chiếm lấy quyền thượng đẳng của Quốc Gia trên cả Vua và Hoàng Hậu.
Với Sắc Luật về Quyền Kế Vị (Act of Settlement) năm 1701, quyền thừa kế của Hoàng Gia không phải do thần quyền , mà do Quốc Hội quyết định.
Bắt đầu từ thế kỷ 18 trở đi, nhà vua không còn được quyền phủ quyết các quyết định của Quốc Hội nữa.
Các dự án luật được đệ trình lên vua để vua ấn ký và trở thành luật đều được vua chuẩn y bằng những thành ngữ theo pháp ngữ cỗ, nói lên nguồn gốc Pháp Quốc Norman của Hoàng Gia:

- Nhà vua đồng ý ( le roy le veut)
- « Hãy thi hành như dự án luật muốn » ( soit fait come il est desiré).

Và nếu những dự án luật về ngân sách cho vua, thì vua sẽ phê chuẩn như sau :

- « Vua cám ơn các con dân tốt lành của Ngài, chấp nhận lòng tốt của họ và như vậy Ngài chấp nhận »( Le Roy remercie Ses bons sujets, accepte leur bénévolence, et ainsi le veut).

Ngoài ra những bản văn được viết ra một cách rỏ rệt như vừa trích dẫn kể trên với ngày tháng, Hiến Pháp Anh Quốc cũng hàm chứa nhiều bản tuyên án của các phiên tòa ( Cases).

- Bản Tuyên Án về Đặc Quyền của Hoàng Gia ( Case of Proclamations) năm 1611- hay Bản Tuyên Án Chống Lại Ngân Hàng Anh Quốc ( Bowles v. Bank ofEngland) về vấn đề tài chánh,- cũng như nhiều Bản Án về dân luật cũng như hình luật được người dân Anh coi là những điều khoản nguyên tắc của Hiến Pháp.
Do đó, một cách nào đó, các vị thẩm phán được coi là những vị cố vấn cho Quốc Hội Lập Hiến , cũng như Quốc Hội Thường Nhiệm trong việc soạn thảo ra dự án cũng như trong việc quyết định luật pháp ( Van Caenegem. Judges Legislators and Professors. Chapters in european Legal History, Cambridge, C.U.P.,1987).

Và sau cùng, những cách hành xử trong dân chúng theo tập tục, truyền thống cũng được người Anh coi là những điều khoản của Hiến Pháp để tổ chức xã hội của họ ( Sir. Erskine May, Treatise on the Law Privileeges, Procedings and Usage of Parliament, London, Butterworth 1957, XVI ed.).

Việt Nam chúng ta có câu : Phép vua thua lệ làng hoặc

Quan có cần nhưng dân không vội,
Quan có vội, quan lội quan đi .


Ở phần trên, chúng ta có đề cập đến việc các làng xã, thôn ấp ngay tư thế kỷ 13 đã bắt đầu cử người đại diện trực tiếp và thường trực của mình trước hoàng gia, nếu vua muốn được dân chúng trả thuếù để bảo đảm cho ngân sách hoàng gia khỏi thiếu hụt.
Điều kiện của dân chúng là: Không cho dân chúng có đại diện, thì không trả thuế (no taxation without representation).Và nhà vua vì nhu cầu tài chính đã phải chiều ý dân.Từ đó làng xã thôn ấp có quyền cử người đại diện trực diện với vua.Các người đại diện của dân , cùng với các huân tước, các đấng bậc cao trọng trong tôn giáo ( do vua chỉ định) hợp thành Quốc Hội. Rồi vì nhu cầu và quyền lợi khác biệt, Quốc Hội duy nhứt lúc đầu đã tách ra thành Lưỡng Viện Quốc Hội.

Nhưng chúng ta sẽ vấp phải lỗi lầm lớn, nếu chúng ta nghĩ rằng việc tuyển cử các đại biểu từ làng xã, thôn ấp có tính cách bầu cử đại chúng ( universal suffrage) như hiện nay.Trên thực tế, lúc đó các ứng viên cũng như cử tri đều bị giới hạn bởi nhiều khó khăn.
Theo ước tính, lúc đầu những người có quyền bầu cử và ứng cử không quá 4% dân số.Đểû giới hạn quyền bầu cử, vua lật ngược lại câu đòi hỏi trên của dân: Không đóng thuế thì không có quyền được đại diện ( no representation without taxation).
Và những ai được coi là bảo đảm có khả năng đóng thuế, là những địa chủ, có đất đai ( theo quan niệm sở hữu thời trung cỗ) .
Bởi vì chỉ có địa chủ ( theo quan niệm vừa kể) mới có đất đai, có lợi tức hàng năm vững chắc, đáng được tin cậy để giao cho việc quản trị hành chánh địa phương, có khả năng vô tư để xử những vụ kiện tụng nhỏ tại địa phương ( process by jury) và hành xử quyền đại diện của mình tại Quốc Hội Wesminster một cách vô vị lợi.
Nhiều người có những nguồn lợi khác, nhứt là trong thời gian kỹ nghệ Anh Quốc phát triển, không thiếu người đã trở thành giàu có gấp mấy lần địa chủ nhờ những nguồn lợi về thương mãi và kỹ nghệ, vẫn không được quyền tuyển cữ và còn bị nghi ngờ là làm giàu bất chính, nếu nguồng tài lực của họ không biến thành sự giàu có cụ thể bằng việc mua lấy đất đai ( landed property) ( Thommpson, English Landed Society in 19th Century, Routledge and Kegan Paul 1963).

Và cũng vì phát triển kỹ nghệ mà một số thôn ấp bị dân chúng bỏ trống hay Thôn ấp hôi thối ( Rotten Boroughs), nhưng vẫn được có đại diện ở Quốc Hội, trong khi đó thì nhiều khu vực mới, nhứt là những làng mạc đông đúc dân cư chung quanh khu kỹ nghệ vẫn không được có đại diện.Một trong những Thôn ấp hôi thối được huân tước Russell, đại diện cho nhóm cải cách Quốc Hội đưa ra, đó là trường hợp Old Sarum, chỉ còn có 3 địa chủ , vậy mà cũng có đại diện ở Quốc Hội.Nhiều trường hợp như vậy đã được đem ra bàn cải ở Quốc Hội để sữa đổi.Với Sắc Luật Bảy Năm , năm 1715, rồi đến Sắc Luật về Quốc Hội năm 1911, nhiệm kỳ Quốc Hội được thu ngắn lại 5 năm ( Thommpson, English Landed Society in 19th Century, Routledge and Kegan Paul 1963) .

Với Sắc Luật Cải Tổ Qui Mô ( Great Reform Act) năm 1911, Quốc Hội phân chia lại lãnh thổ Anh Quốc thành nhiều đơn vị bầu cữ mới, sau khi đã loại bỏ 56 Thôn ấp hôi thối được kiểm chứng ( Baker, Political Ideas in Modern Britain, London, Methuen 1978)
Đối với phụ nữ, cho mãi đến năm 1832, thể chế tuyển cử Anh quốc vẫn còn giữ thái độ nam tôn nữ ty.
Năm 1832, với Sắc Luật Đại Cải Cách trước đó vẫn chưa cho phép phái nữ Anh Quốc được bỏ phiếu. Phái nữ phải chờ mãi đến năm 1918, với Sắc Luật Đại Diện Dân Chúng (Representation of the People Act) mới được đi bỏ phiếu, nếu họ có trên 30 tuổi.

Và năm 1928, với Đạo luật Nội Quy các cô 21 tuổi lần đầu tiên mới được đi bỏ phiếu ( Liddington Norris, One Hand Tied Behind Us. The Rise of the Women's Suffrage Movement, London, Virago 1978 ).

III - HOÀNG GIA, CHÍNH PHỦ VÀ DÂN CHÚNG.

Qua những dòng lịch sử vừa trình bày trên, chúng ta thấy rằng quyền thế của vua càng ngày càng bị giảm bớt đi song song và ngược chiều với tiến trình lớn mạnh quyền lực của Quốc Hội.

So với uy quyền của các Vị Nguyên Thủ Quốc Gia tại các nước theo Đại Nghị Chế, quyền hành của vua ( hiện nay , của Nữ Hoàng Elisabeth) Anh Quốc bị thu gọn lại rất nhiều, nhưng uy thế của vua được dân chúng rất kính nể và thương mến.

Nhà vua hiện là biểu tượng cho sự đoàn kết quốc gia, cũng như tượng trưng cho sự hợp tác trong khối Thịnh Vượng Chung( Commonwealth).

Đặc quyền mà Hiến Pháp qui định cho vua hiện nay được ghi như sau:

Quyền được hỏi ý kiến, quyền kích lệ, cảnh giác những mối nguy hiểm đối với bất cứ quyết định nào ( The right to be consulted, the right to encourage, the right to warn).

Hiện nay Hoàng Gia vẫn có một Hội Đồng Tư Vấn ( Privacy Council) gồm 300 thành viên.Nhưng trừ những cuộc Đại Lễ hoặc các cơ hội đặc biệt, ít khi Hội Đồng hội hợp đủ mặt.Trong các thành viên Hội Đồng Tư Vấn, một số người giữ chức vự tương đương với nhiệm vụ của các Bộ Trưởng Chính Phủ.Hội Đồng Tư Vấn đã bắt đầu làm việc bên cạnh vua từ khoảng năm 1600 trở đi.
Năm 1701 Sắc Luật về Quyền Kế Vị cấm không cho vua chọn thành viên của Hội Đồng Tư Vấn từ các đại diện dân cử làng xã thôn ấp.Nói cách khác, chọn từ các đại biểu của Hạ Viện, sợ vua có thể mua chuộc họ để thao túng, lũng đoạn Quốc Hội.Một tu chính án cho sắc luật trên được biểu quyết năm 1707 đồng thuận cho vua được chọn thành viên của Hội Đồng Tư Vấn giữa các Hạ Nghị Sĩ, nhưng những người được chọn đương nhiên ( ipso facto) sẽ bị mất chức Dân Biểu Quốc Hội.
Muốn trở thành Nghị Sĩ lại, họ phải trãi qua một cuộc bầu cử trở khác.Và những sắc luật tu chính kế tiếp năm 1919, 1926 và 1936 ( Reelection of Ministers Act) bãi bỏ điều khoản bó buộc vừa được nêu lên.Các vị Bộ trưởng cũng như các nhân vật trong Chính Phủ vẫn là Nghị Sĩ của Hạ Viện ( một đặc tính của Đại nghị Chế, ngược với nguyên tắc phân chia quyền lực trong Tổng Thống Chế Hoa kỳ).
Trong quá khứ, từ ngày bắt đằu có Hội Đồng Tư Vấn ( từ năm 1600 trở đi), các vị đặc trách cơ quan mình ấn ký các quyết định của cơ quan bên cạnh con dấu và chữ ký của vua (cùng với những công thức bằng pháp ngữ cỗ chúng ta đã thấy ở trên) để xác nhận với vua rằng việc thực hiên quyết định vừa kể, vị Bộ trưởng đặc trách chịu trách nhiệm trước mặt vua.Bởi lẽ theo truyền thống Anh,

- Nhà Vua không bao giờ sai lầm hay làm sai ( The King can do no wrong),
- Nhà Vua không thể tự mình làm lấy ( The King can not act alone).

Nhưng dần dần với các tiến trình song song và ngược chiều về các lãnh vực quyền hành giữa vua và Quốc Hội , như đã nói, ấn ký của Vị Bộ Trưởng có nghĩa là trong trường hợp hành động sai lầm hay bất chính, Bộ trưởng có thể bị Hạ Viện truy tố và Thượng Viện xét xử.

Từ thế kỷ 18 trở đi, nhà vua càng ngày càng ý thức rằng Hội Đồng Tư Vấn, nhứt là các Vị Bộ Trưởng có nhiệm vụ hành pháp trực tiếp.Nhưng muốn thực hiện nhiệm vụ của mình, tức là cai trị đất nước một cách có hiệu quả, cần được sự đồng thuận và tín nhiệm của quốc Hội.Dần dần Quốc Hội bỏ đi thói quen truy tố ( Bill of Attainder) sau khi xét hành động của Vị Bộ Trưởng hay thành viên của Chính Phủ.
Thay vào đó Quốc Hội tỏ thái độ cho vua biết Vị Bộ trưởng hay thành viên liên hệ có được Quốc Hội tín nhiệm hay không.Trong trường hợp bị Quốc Hội bất tín nhiệm , vị Bộ trưởng liên hệ phải từ chức (trường hợp của Lord North, Thủ Tướùng Chính Phủ dưới thời vua George III , năm 1782). Đặc tính của Đại Nghị Chế hiện hành.

Như chúng ta vừa nói, Hội Đồng Tư Vấn của vua gồm khoảng 300 thành viên để giúp vua trị nước.Nhưng trên thực tế, chỉ có một số thành viên của Hội Đồng giữ những chức tương đương với các Bộ Trưởng Chính Quyền hiện hữu.
Những thành viên Bộ trưởng nầy thường được vua gọi riêng thành một Hội Đồng Thân Tín ( Inner Council).Và vì lý do quan trọng và bí mật của nhiều vấn đề Hội Đồng Thân Tín thường được vua gọi đến hợp riêng với vua trong một căn nhỏ phòng dành riêng (Cabinet).Do danh từ căn phòng nhỏ dành riêng đó , mà những Chính Phủ có thể chế Hành Pháp gồm các Bộ Trưởng đồng hợp nhau để quyết định, được các nhà chính trị học tạm gọi là Nội Các Chế (Hood Philips, Constitutional Law of Britain and the Commonwealth, London, 1952, p. 227).

Sau khi Nữ Hoàng Anne Tudor mất đi, năm 1714 vua George Tudor, dòng dõi người Đức, sinh trưởng ở Hannover, sang Anh kế vị.
Vua George không biết tiếng Anh, chỉ nói được một cách không trôi chảy tiếng La Tinh, nên dần dần không mấy thích thú chủ toạ các buổi hợp của Hội Đồng Tư Vấn, nhứt là các buổi hợp của Hội Đồng Thân Tín hay Hội Đồng Nội Các (Jellinek, Die Entwicklung des Ministerium in der Konstitutionellen Monarchie, in Ausgeweahlte Schifeten und Rechtnen, II, Berlin, 1911,p.117).

Từ đó, cần có một vị trong các Bộ trưởng tham dự các buổi họp của Hội Đồng Thân Tín hay Hội Đồng Nội Các, sau các buổi họp , đến tường trình lên vua những điều Nội Các quyết định.

Thường Vị Bộ trưởng được chọn giữ nhiệm vụ nầy là Bộ trưởng Tài Chánh hay ngân Khố ( Treasure Lord).
Việc vua không còn tham dự trực tiếp các phiên họp của Hội Đồng Nội Các, đưa đến sự kiện trên thực tế chỉ có Nội Các quyết định và hành xử quyền bính: Vua chỉ có quyền hành theo hình thức ( formalis) trên giấy tờ mà thôi.

Qua hai sự kiện vừa kể, Hội Đồng Tư Vấn và Hội Đồng Thân Tín hay Nội Các phải được Quốc Hội tín nhiệm mới hành xử quyền bính giúp vua trị nuớc một cách hữu hiệu và việc Nội Các tự nhóm họp và quyết định lấy mọi vấn đề hành quyền, quyền Hành Pháp của thể chế quân chủ độc tôn trong quá khứ dần dà được chuyển qua Quốc Hội và rồi Quốc Hội, với quyền chuẩn y hay bác bỏ ( xem bài Quốc Hội ) và qua thể thức tín nhiệm hay bất tín nhiệm , còn cầm giữ cả quyền hành pháp trong tay.
Nói cách khác Quốc Hội, cơ quan dân cử, là tiếng nói của dân, đại diện cho lý tưởng, nhu cầu và ước vọng của dân, là cơ quan định chế, hướng dẫn và kiểm soát cho thực hiện đường lối chính trị Quốc Gia.
Đó là đặc tính then chốt của Đại Nghị Chế.

Nhưng trên thực tế Nội Các hay Hành Pháp mới là cơ quan hành xử quyền hành để thực hiện, mà Quốc Hội đồng thuận hay bác bỏ đó, theo thể thức Đại Nghi Chế.
Do đó mà câu hỏi được đặt ra, chúng tôi nêu lên ở phần đầu bài, thể chế trong đó Quốc Hội có quyền ( thực sự) chuẩn y hay bác bỏ đối với luật lệ , tín nhiệm hay bất tín nhiệm đối với Chính Phủ, còn việc hành xử quyền bính trong công việcthường nhật là do Chính Phủ thi hành, thể chế đó nên gọi là Đại nghị Chế (Parlamentarism Government) hay Nội Các Chế ( Cabinet Government).

Kế đến, với sự kiện một trong các Vị Bộ Trưởng của Hội Đồng Nội Các được lựa chọn với nhiệm vụ thân hành đến tường trình lại với vua những quyết định của phiên họp, dần dần các Vị Bộ Trưởng trong Nội Các xem Vị Bộ trưởng được tuyển chọn như là Thủ Lãnh của Nội Các, nhứt là vào năm 1721 Sir Robert Walpole được tuyển cử như là Vị Lãnh Đạo của Hội Đồng, Vị Bộ Trưởng trên các Bộ Trưởng hay Vị Thủ Tướng lãnh đạo Hội Đồng Nội Các. Tư tưởng Thủ Tướng là Vị Lãnh Đạo Tối Cao của Hội Đồng Nội Các được nhà chính trị học Jenning ghi lại như sau:
Ngài là Vị Thủ Tướng, bởi vì trổi vượt hơn các Vị Bộ trưởng khác, chứ không phải trổi vượt vì ngài lá Thủ Tướng ( He is Prime Minister , because he is supremen, not supremen because he is Prime Minister). ( Jenning , The Constitution under Strain, in Political Quart., 1932,p.198).

Điều đó nới lên tài năng và đức độ của Vị Bộ trưởng sẽ được chọn lên làm Thủ Tướng để hướng dẫn Nội Các.
Hình ảnh của Vị Thủ Tướng thể hiện càng ngày càng rõ rệt cho việc hành xữ quyền hành và bảo đảm tình trạng vững chắc cho Chính Phủ hay Nội Các do ông lãnh đạo.Hình ảnh của Vị Thủ Tướng lâu bền , trong Chính Phủ do Robert Walpole đảm nhiệm ( 1721-1742) vẫn được xem là tiêu biểu cho Chính Phủ Đại Nghị Chế, Nội Các Chế hay Thủ Tướng Chế của Anh Quốc.Hiện nay theo thông lệ, Thủ Tướng được vua ( hay Nữ Hoàng) chỉ định là người lãnh đạo của chính đảng chiếm đa số ghế trong Quốc Hội.Rồi chính Thủ Tướng đứng ra chọn các Bộ Trưởng cho Nội Các của ông trong số các nghị Sĩ trong quốc Hội ( Carter, The Office of the Prime Minister, London, Faber and Faber 1955).

Nói cách khác, trong Đại Nghị Chế hiện nay, Thủ Tướng Chính Phủ là người được Quốc Hội tuyển chọn và Tổng Thống, vị Nguyên Thủ Quốc Gia bổ nhiệm.
Đó cũng là một đặc tính nữa của Đại Nghị Chế.

Và như trên đã nói, các Bộ Trưởng được chọn giữa các Nghị Sĩ ( nhờ các Sắc Luật Tu Chính Án năm 1919, 1926 và 1936) vẫn không mất quyền đại biểu của họ ở Quốc Hội.Họ vừa là Dân Biểu trong Quốc Hội, vừa là Bộ trưởng trong Chính Phủ ( lằn mức phân quyền trong Đại Nghị Chế không xác định rỏ rệt như trong Tổng Thống Chế là vậy.Thể thức phân quyền , kiểm soát và cân bằng trong Đại nghị Chế được tổ chức ngay trong lòng Quốc Hội, giữa thành phần đa số ủng hộ Chính Phủ đương quyền và thành phần thiểu số đối lập, một đặc tính nữa của Đại Nghị Chế, mà chúng tôi đã có dịp đề cập đến trong bài Thiểu Số Đối Lập, Hiến Pháp Cộng Hoà Liên Bang Đức ).

Vị Thủ Tướng được chỉ định là người lãnh đạo chính đảng chiếm đa số trong Quốc Hội.Để bảo đảm cho Nội Các do mình lãnh đạo được vững mạnh, ông chọn lựa các Bộ trưởng từ các Dân Biểu cùng đảng phái đa số của ông để tham gia vào Nội Các Chính Phủ trong suốt nhiệm kỳ hành pháp do luật pháp quy định. Ngoại trừ vì lý do nào khác, với các Dân Biểu đồng đảng của Thủ Tướng khó mà xảy ra chuyện giữa đường gảy gánh tương tư , không ủng hộ ông nữa, bắt buộc ông phải từ chức.
Quốc Hội có quyền bất tín nhiệm bắt buộc Chính Phủ phải từ chức.
Ngược lại Chính Phủ cũng có quyền yêu cầu Tổng Thống ( nhứt là khi có sự đồng thuận của Tổng Thống và Thượng Viện, như Hiến Pháp Cộng Hoà Liên Bang Đức xác nhận, chúng tôi sẽ đề cập đến trong bài CHÍNH QUYỀN CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC, CƠ CHẾ ĐƯỢC NGHĨ RA CHỐNG ĐỘC TÀI VÀ BẤT ỔN, giải tán Quốc Hội trong trường hợp những xung khắc giữa Quốc Hội và Chính Phủ không còn cách nào giải quyết được.
Như vậy việc Chính Phủ có quyền yêu cầu giải tán Quốc Hội là việc làm để tránh cho quyền hành của Quốc Gia bị tê liệt và trao trả quyền quyết định lại cho toàn dân qua cuộc tuyển cữ mới ( Costanzo, Lo Scioglimento delle Assemblee Parlamentari, I, Milano, 1984, p.180s).


Nhưng việc giải tán Quốc Hội không được các nhà chính trị học Anh Quốc coi như là quyền hạn của Hành Pháp ( Chính Phủ) đứng ra thi hành, mà là qua vị Thủ Tướng truất phế Quốc Hội.Thủ Tướng là người hiểu rỏ tình trạng đất nước, do việc hành xử quyền hành của ông. Đàng khác ông cũng là thành viên của Quốc Hội ( Thủ Tướng cũng như các Vị Bộ Trưởng trong Nội Các Chính Phủ là những Dân Biểu Quốc Hội), nhận thấy thành phần và đường hướng Quốc Hội như hiện thời không thể đáp ứng được nhu cầu của đất nước. Ông đệ trình lên vua, Vị nguyên Thủ Quốc Gia, để ngài giải tán Quốc Hội mà luật pháp đã quy định cho ngài ( Laski, Le Gouvernement Parlementaire en Engleterre, Paris, 1950, p.278).

Nhiều người bi quan cho rằng quyền yêu cầu giải tán Quốc Hội được giao cho Thủ Tướng như vừa kể có thể đi đến lạm dụng.
Thủ Tướng có thể nhận thấy tình hình chính trị, thực trạng xã hội có thể đem lại cho chính đảng ông nhiều phiếu hơn, nếu Quốc Hội bị giải tán và tổ chức lại bầu cử sau đó. Tư tưởng không mấy sáng sủa trên bị Thủ Tướng Disraeli đối chất. Ông đã không nghe theo lời các quân sư quạt mo xúi bậy giải tán Quốc Hội với mưu đồ vừa kể. Và sau đây là lý do của ông:

Một vị Thủ Tướng với đa số rộng lớn ở Quốc Hội ( Hạ Viện) không có lợi gì tự nhiên đứùng ra giải tán Quốc Hội với mục đích để đạt được thắng lợi ở những cuộc đấu sức dựa vào những hoàn cảnh tạm bợ hiện tại ( A Minister with a large majority in the House of Commons has no businessto disolve merely with the object gaining an advantage at the polls due the transitory circumstances) ( Lucy, A Diary of the Unionist Parliament, Bristol, 1901,p.394).
Trong tâm thức và ngôn ngữ của ngưới Anh, Quốc Hội ( như trong thành ngữ Nhà Vua ở trong Quốc Hội ) , gồm có Vua và Quốc Hội Lưỡng Viện để quyết định và hành xử quyền bính quốc gia.Trên thực tế và qua các diển biến lịch sử mà chúng tôi có dịp nhắc đến ở trên, quyền lực quốc gia được Quốc Hội hành xử chỉ là Quốc Hội Hạ Viện. Do đó để nói đến Quốc Hội, nhiều lúc thay vì dùng danh từ Parliament, người Anh thường dùng Tòa Nhà của các Đại Diện Xã Ấp ( House of Commons) .

Như chúng ta đã có dịp đề cập đến, từ thế kỷ 18 trở đi, dường như nhà vua không bao giờ từ chối chẩn y các quyết định do Quốc Hội đã biểu quyết ( bằng những thành ngữ của pháp văn cỗ ).Do đó quyền lực quản trị Quốc Gia chỉ còn thu gọn vào Quốc Hội Lưỡng Viện ( Đại Nghị Chế hay Quốc Hội Chế , Parliamentarism, là vậy).

Thượng Viện ( Chamber of Lords) được đặt dưới quyền chủ toạ của Vị Huân Tước Chưởng Án ( Chanceller of Lords).

Cho đến thế kỷ 18, phần lớn các ghế trong Hạ Viện, được ủy thác cho các Dân Biểu, đại diện làng xã, thôn ấp và phải được Thượng Viện đồng thuận.Điều kiện vừa kể, hiện nay, không được Quốc Hội đặt ra nữa. Và Thượng Viện chỉ còn quyền hành rất hạn hẹp.Nói đúng hơn, Thượng Viện Anh Quốc hiện nay là viện để các quyết định Quốc Hội được suy nghĩ thêm cặn kẽ hoặc là cơ quan để trì hoản thêm thời gian để vấn đề được chín mùi trước khi thực hiện.

Thành viên của Thượng Viện cho đến nay vẫn không thay đổi, có khoảng 1200 người
,- trong đó có 800 Huân Tước được giữ chức cha truyền con nối,
- 26 của tôn giáo gồm 2 Tổng Giám Mục và 24 Giám Mục.
- Kế đến 21 Huân Tước Luật Pháp, là những Vi Thẩm Phán có nhiều công trạng được vua chỉ định có giá trị suốt đời.
-Và với SắcLuật Quý Tộc Suốt Đời năm 1958 ( Life Peerage Act ) khoảng 330 nhân vật có công được vua phong lên hàng quý tộc sẽ là thành viên của Thượng Viện.

Nhiều vấn đề được Thượng Viện đem ra cứu xét, Hạ Viện và Chính Phủ quan tâm theo dõi. Nhưng trên thực tế, Thượng Viện không có quyền quyết định để luật lệ có hiêu quả.Với sắc luật về Quốc Hội năm 1911 và 1944, những đạo luật về ngân sách (Money Bills), một khi được Hạ Viện chuẩn y và được Xướng Ngôn Viên tuyên bố, sẽ đương nhiên trở thành luật, sau khi được vua ấn ký, có hay không có sự đồng thuận của Thượng Viện cũng vậy.Nhiều dự án luật khác cũng vậy, sau khi Hạ Viện chấp thuận 2 lần trong 2 phiên họp khác nhau và trải qua thời gian một năm, cho dù Thượng Viện bác bỏ, dự án đương nhiên trở thành luật do hiệu lực của Sắc Luật về quốc Hội năm 1944.

Ai trong chúng ta có được trong tay quyển Tự Điển Anh Ngữ Oxford English Dictionary, thử tìm các danh từ sau đây: Hiến Pháp, Đơn Vị Bầu Cử và Cử Tri. Chúng ta sẽ ngạc nhiên thấy rằng cả ba danh từ trên đều phát xuất từ một nguyên ngữ độc nhứt Constituere của La ngữ và có nghĩa là xây dựng, đặt nền tảng.
Không phải vô tình hay do thiếu từ ngữ mà người Anh chỉ dùng một từ ngữ để chỉ ba thực thể chính trị khác biệt trong nhiều ngôn ngữ khác, kể cả Việt ngữ. Nếu- Hiến Pháp được người Anh định nghĩa bằng Constitution ,- thì Đơn Vị Bầu Cử được ho gọi bằng Constituency ( đôi khi họ cũng đùng College).- Và Cử Tri được họ định nghĩa bằng Constituent ( bên cạnh những từ ngữ như Voter, Elector ..).

Suy nghĩ chính chắn hơn sự liên lạc giữa ba danh từ vừa kể, chúng ta sẽ thấy rằng tinh thần dân chủ của người anh rất sâu sắc khi họ định nghĩa ba danh từ liên hệ trên bằng một nguyên ngữ La Tinh duy nhứt Constituere. -Nếu Constitution là Hiến Pháp, văn kiện cơ bản ghi lại những nguyên tắc nền tảng trên đó một quốc gia trong tương lai sẽ được xây dựng .Nhứt là đối với một nước dân chủ, Hiến Pháp là văn kiện cơ bản xác định những quyền dân chủ và bình đẳng của người dân chung sống trong một Quốc Gia ( xem bài Hiến Pháp),
- thì Cử Tri , Constituent, là người dân đi bỏ phiếu là người đứng ra xây dựng, đặt nền tảng cho thể chế dân chủ của mình, ghi những quyền, tự do và nhiệm vụ của mình vào Hiến Pháp ( Constitution) . Bằng lá phiếu mình chọn lựa những điều khoản mà mình muốn cho mình và đồng bào mình cùng chung sống hạnh phúc và xứng đáng với nhân phẩm con người trong một Quốc Gia với mình.
Nới cách khác, cử tri hay người dân đi bỏ phiều trong thể chế dân chủ là nguyên tố tiên khởi để xây dựng nền dân chủ cho Quốc Gia. Tư tưởng vừa được đề cập có lẽ còn sâu sắc hơn cả tư tưởng Demokratía ( Dân Chủ) của Hy Lạp ( do Demos : dân chúng, và Krátos : quyền hành) ( xem bài Dân Chủ).

Cũng vậy, trong cuộc sống thường nhật, mặc dầu quyền lực Quốc Gia nằm- trong tay Quốc Hội ( Đại Nghị Chế),- hay quyền bính đó được thi hành xử do Hội Đồng Bộ trưởng ( Nội Các Chế ),- hay các Bộ Trưởng trong Chính Phủ hành quyền dưới sự hướng dẩn của Thủ Tướng ( Thủ Tướng Chế ),
nhưng chính Cử Tri, người dân đi bầu đứng ra « thiết lập nền tảng » và « xây dựng » ra Quốc Hội và Chính Phủ dưới những hình thức vừa kể qua lá phiếu của mình trong kỳ bầu cử Quốc Hội vừa qua.Quốc Hội và Chính Phủ hiện hữu có lẽ đã được « thiết lập » bằng những vi Đại Biểu khác, cũng như những vị Bộ Trưởng và Thủ Tướng khác, với đường lối chính trị, kinh tế và xã hội klhác, nếu người Cử Tri đã đứng ra « thiết lập và xây dưng » một cách khác ( Creve, « MPS and their Constituents in Britain : How strong are the Links ? Representatives of the People? Parlamentarians and Constituents in Western Europe, Aldershot, Gower 1985 ).

Cùng trong tinh thần vừa kể, Đơn Vị Bầu Cử được người Anh gọi là Constituency (đôi khi bằng College). Với Sắc Luật về thể thức phân chia lại số ghế trong Hạ Viện(House of Commons - Redistribution of Seats Act) năm 1948, Đơn Vị Bầu Cử được coi là
một lãnh thổ có đại diện riêng biệt tại Hạ Viện (An area having separate representation in the House of Commons).
Với thể thức bầu cữ đơn danh cho mỗi đơn vị, mỗi lãnh thổ được coi là cơ thể của những cử tri ( Body of voters) kết hợp nhau để xây dựng, thiết lập tòa nhà Quốc Hội.Mỗi Đơn Vị Bầu Cử sẽ được Vị Đại Diện mình ở toà nhà Quốc Hội nói lên tiếâng nói và nguyện vọng của mình để cùng chung xây dựng nên Quốc Hội, cơ quan điều khiển Quốc Gia ( Louise and Ahondt , Society and ist Institutions , The Corporatist Theory in suffort ( ed), Origins of the English Parliament, London, Longmans 1969,p.43s).
Hay nói như Gs Blondel,
Đơn Vị Bầu cử là hảng xưởng tại địa phương chế tạo ra nền chính trị cho toàn quốc ( Louise and Ahondt , Society and ist Institutions , The Corporatist Theory in suffort ( ed), Origins of the English Parliament, London, Longmans 1969,p.43s).
Bởi vì, mặc dầu Vị Dân Biểu của Đơn Vị Bầu Cử do địa phương bầu ra, nhưng một khi ngồi vào chiếc ghế của Toà Nhà Quốc Hội, Vị Dân Biểu không còn là kỵ mã xông xáo bênh vực cho quyền lợi phe nhóm, địa phương , mà là Vị Đại Diện nói lên tiếng nói và ước vọng cho cả Quốc Gia, nói như tư tưởng lỗi lạc của Edmund Burke, mà có lần chúng tôi đã trích dẩn trong bài Dân Biểu ( Ayling, Edmund Burke, His Life and Opinions, London, John Murray, 1988).

So với Tổng Thống Chế Hoa kỳ, trong đó hai mấu chốt của tổ chức quyền lực Quốc Gia là nguyên tắc phân quyền và nguyên tắc kiểm soát và cân bằng , trong Đại Nghị Chế của Anh Quốc, nguyên tắc phân quyền không được nhấn mạnh môt cách tuyệt đối.Thay vì quyền lực Quốc Gia bị phân chia cách biệt giữa lập pháp và hành pháp, trong Đại nghị Chế phương thức cộng tác hổ tương giữa các quyền lực Quốc Gia được nhấn mạnh một cách nổi bậc hơn.

Mặc dầu khi thực thi, Lập Pháp và Hành Pháp có thể thức và lãnh vực hành động khác nhau. Nhưng về cơ cấu quốc gia, Hành Pháp muốn có tư cách chính danh để hành quyền một cách hữu hiệu , phải được sự tín nhiệm của đa số Nghị Sĩ trong Quốc Hội, nếu ngược lại một Chính Phủ bị Quốc Hội bất tín nhiệm sẽ mất đi tư cách danh chính ngôn thuận để tiếp tục cai trị đất nước.
Về phía Quốc Hội cũng vậy, Quốc Hội hành xử quyền lực Quốc Gia một cách vô trách nhiệm, có thể bị Chính Phủ đề nghị Vua giải tán.

Trong thể thức thực thi quyền hành cũng vậy, các dự án luật cũng như chương trình chính trị để điều khiển Quốc Gia, Chính Phủ phải được Quốc Hội tín nhiệm , và ngược lại, do việc các Bộ trưởng và Thủ Tướng cũng như nhân viên cao cấp trong Chính quyền là những vị Nghị Sĩ trong Quốc Hội, các dự án luật cũng như việc hướng dẫn đường lối chính trị của Chính Quyền được Quốc Hội cùng bàn thảo với sự hiện diện và góp ý của các thành viên Chính Phủ.
Như vậy kết quả của các cuộc tranh luận ở Quốc Hội có kết quả và càng theo sát chương trình của Chính Phủ, cũng như chương trình và đạo luật của Chính Phủ không đi ra ngoài đường hướng của Quốc Hội hoặc ngược lại ý muốn của dân chúng, mà thành viên của Quốc Hội là những người đại diện.Đó cũng là ý nghĩa của sự liên hệ giữa ba từ ngữ Constittution-Constituency-Constituent , cùng phát xuất từ một danh từ La- ngữ độc nhứt Constituere mà chúng ta đã xét qua ý nghĩa trên.

IV - MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH.
Qua hai bài Tổng Thống Chế Hoa kỳ và Anh Quốc và Đại nghị Chế chúng ta có thể rút được một vài nhận xét sau đây:

- a) Hoa Kỳ:
Đọc lai những Điều Khoản Thỏa Ước Liên Bang cũng như thành quả của Hiến Pháp Philadelphia, chúng ta đã xác định rằng mặc dầu 13 Tiểu Bang, cựu thuộc địa Anh Quốc, của Hoa Kỳ đồng ý với nhau hợp thành Quốc Gia Liên Bang, nhưng mỗi Tiểu bang vẫn giữ quyền tôái thượng của mình, mà họ đã phải trả đắc giá trong chiến cuộc chống lại mẩu quốc Anh để được độc lập. Tinh thần yêu chuộng tự do đó, chống lại mọi hình thức chuyên chế độc tài bất cứ từ đâu đến, họ luôn nắm chặt lấy bằng mọi cách.
- b)Anh quốc:
Nhờ hoàn cảnh thuận lợi đưa đẩy, tức là vua cần ngân sách phải nhượng bộ dân để được dân trả thuế, nhưng cũng nhờ trí óc sáng suốt, người Anh biết lợi dụng thời thế chiếm lấy dần dần quyền bính từ tay của thể chế quân chủ chuyên chế, biến Anh quốc thành một quốc gia dân chủ ( mặc dầu dưới hình thức Quân Chủ Lập Hiến).

- c) Nếu ở Hoa kỳ , người Mỹ đã biết bảo đảm tự do, dân chủ của họ - không những bằng cách phân chia quyền lực Quốc Gia theo chiều ngang : lập pháp, hành pháp, tư pháp cùng với hệ thống kiểm soát và cân bằng , - cũng nhu theo chiều dọc: quyền lực được phân tán từ Chính Phủ và Quốc Hội Liên Bang đến Tiểu Bang, Tỉnh , Quận, Làng Xã .. .để khỏi rơi vào tay những kẻ bất chính có mưu đồ đen tối nào đó, thì ở Anh dân chúng chỉ thấy an tâm khi giao quyền lực Quốc Gia cho Quốc Hội , một cơ chế gồm những vị Đại Diện cho chính dân bầu ra, hay do chính người dân đứng ra định đoạt, đặt nền tảng, xây dựng, thiết lập .

d) Cũng vậy, - nếu dân chúng Hoa Kỳ thấy cần có vị lãnh đạo hành pháp có nhiều quyền lực, để bảo đảm cho sự hợp nhất Quốc Gia Liên Bang ( gồm các Tiểu Bang độc lập), cũng như để tổ chức Quốc Gia Liên bang vững mạnh về chính trị, kinh tế và quân sự đối đầu lại các cường quốc quân sự khổng lồ lúc bấy giờ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, nên đã chọn Tổng Thồng Chế làm tổ chức hành chánh , - thì ở Âu Châu , Anh, Pháp, Đức , Ý, Tây ban Nha và hầu hết các quốc gia Tây Âu khác, nếu không muốn nói là tất cả, đều chọn Đại Nghị Chế làm thể chế tổ chức Quốc Gia, sau những kinh nghiệm ê chề về độc tài của họ.

a) Người Anh đã phải dành lại từ tay vua từng mãnh đất của quyền lực và tự do qua gần 6 thế kỷ ( kể từ thế kỷ 13) với nhiều chiến lợi phẩm được ghi lại trong các Sắc Luật.
b) Người Pháp đã phải trả giá bằng xương máu cho các cuộc khởi xướng tự do dân chủ từ Cuộc Cách Mạng 1789.
c) Người Đức với vết thương Đức Quốc Xã và Cộng Sản, lãnh thổ bị chia đôi như Việt Nam.
d) Người Ý với kinh nghiệm độc tài đẩm máu của Phát Xít ( Fascismo) còn in đậm trên dưới 50 năm qua với Mussolini.
e)Người Tây Ban Nha với quyền lực hét ra lửa của Generalissimo Franco..

Đại Nghị Chế là phương thức các quốc gia Tây Âu ủy thác lối sống dân chủ và tự do của họ.
- Pháp với BánTổng Thống Chế;
- Anh, Đức, Ý, Tây ban Nha với Đại nghị Chế .
- Bán Tổng Thống Chế, Thủ Tướng Chế, Nội Các Chế tựu trung cũng chỉ là Đại Nghị Chế hay Đại Nghị Chế biến thể.

Tất cả đều đặt lối sống dân chủ, tự do của mình ở Toà Nhà Quốc Hội để được ngủ yên giấc, chống lại các cơn ác mộng độc tài , bạo chúa lúc nào cũng đội lốt dưới mọi hình thức sẳn sàng trở lại.

Aucun commentaire: