1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

jeudi 29 mars 2007

Đường lối chính trị và ngoại giao của Bắc Việt trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968

Liên Hằng T. Nguyễn
Bộ Chính trị chiến tranh: Đường lối chính trị và ngoại giao của Bắc Việt trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968
Vy Huyền dịch
1 2 3

Đôi nét về tác giả: Liên Hằng T. Nguyễn là Phó giáo sư (Assistant Professor) khoa Sử, Trường Ðại học Kentucky, Hoa Kỳ. Bài viết này dựa theo một chương trong luận án tiến sĩ của tác giả, "Giữa những cơn bão: Lịch sử thế giới về Chiến tranh Việt Nam 1968-1973" (Đại học Yale). Tác giả chân thành cảm ơn Larry Berman, David Elliott, John Lewis Gaddis, Christopher Goscha, Jim Hershberg, Duy Hoàng, David Hunt, Edward Miller, Lorraine Paterson, Julie Phạm, Andrew Preston, Samuel Popkin, Sophie Quinn-Judge, Balasz Szalontai, và Peter Zinnoman, những người đã góp ý và cung cấp những tài liệu quan trọng cho tác giả trong thời gian nghiên cứu và viết nên bài viết này. Tác giả đặc biệt cảm ơn ông Hoàng Minh Chính đã dành cho tác giả buổi gặp gỡ trong chuyến đi Hoa Kỳ ngắn ngủi của ông.


Trích yếu:
Bài viết này nghiên cứu về tranh cãi chiến lược đưa Hà Nội đến quyết định chiến tranh năm 1959, gia tăng chiến tranh năm 1963 và cuộc tấn công Tết Mậu Thân (TMT) 1968. Phe chủ chiến nắm bộ máy lãnh đạo Đảng đã thúc đẩy quá trình đấu tranh vũ trang ở miền Nam thay cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Bên cạnh những tranh giành trong nội bộ, phe này còn phải luồn lách giữa mâu thuẫn của Liên Xô và Trung Quốc để có thể tiến hành chương trình chiến tranh của mình. Bài viết chứng minh TMT là dấu hiệu cho thấy phe chủ chiến đã loại được những kẻ chống đối bên trong và bên ngoài bằng việc thanh trừng hàng loạt các đảng viên trong Vụ án xét lại chống Ðảng (VAXLCÐ).

Dù cuộc tấn công TMT 1968 tạo ra bước ngoặt then chốt trong cuộc chiến thứ hai ở Đông Dương, nhưng những tiến triển trong quá trình chuẩn bị và những quyết định của Bắc Việt liên quan đến cuộc tấn công này vẫn chưa được làm sáng tỏ. Chiến lược thận trọng của Hà Nội trong khoảng thời gian từ mùa xuân năm 1967 đến đầu năm 1968 vẫn còn nằm trong vòng bí mật. [1] Thiếu những tài liệu chính thức liên quan đến TMT, đã có rất nhiều những cuộc tranh luận nổ ra về nguyên căn, mục đích, và thời điểm của những quyết định then chốt của cuộc tấn công mà những lãnh đạo Bắc Việt gọi là "Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa." Những sử sách của Việt Nam và phương Tây hiện thời chỉ đưa ra những câu trả lời hạn chế. [2] Theo sử gia David Elliot, “đã bao thập niên trôi qua từ TMT, Ðảng và những sử gia quân đội vẫn hết sức kín đáo về quá trình quyết định dẫn đến cuộc tấn công năm 1968.” [3]

Những nghiên cứu đương thời và sau cuộc chiến ở Việt Nam cho rằng những thất bại quân sự và chính trị của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà (VNCH) trong hai năm 1966-1967 đã tạo nên cơ hội then chốt cho quân đội cộng sản tiến hành cuộc tổng công kích 1968. [4] Thật vậy, theo giới nghiên cứu ở Việt Nam, việc Mỹ bất lực trong việc giành chiến thắng chớp nhoáng trước quân nổi dậy là nhân tố duy nhất dẫn đến quyết định TMT. [5] Thất bại trong chiến tranh tiêu hao [6] và các chiến dịch oanh tạc [7] , cộng với phong trào chống chiến tranh ngày càng lan nhanh ở Hoa Kỳ, là lý do thúc đẩy những lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐVN) đưa "cuộc cách mạng sang một giai đoạn mới, dẫn đến chiến thắng quyết định.” [8] Lợi dụng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968, mùa xuân 1967 Hà Nội quyết định "chuẩn bị nhanh chóng trên mọi mặt trận để nắm lấy cơ hội giành thắng lợi lớn và buộc người Mỹ chấp nhận thất bại về mặt quân sự.” [9] Theo những nhà nghiên cứu Việt Nam, lúc bấy giờ, TMT hoàn toàn là một quyết định sáng suốt của những người lãnh đạo Ðảng, họ biết khai thác những điều kiện thuận lợi cả về quân sự và chính trị xuất phát từ những nỗ lực không thành của đối phương. [10]

Một thiếu vắng dễ nhận ra trong những tài liệu nói trên là chúng hoàn toàn không đề cập đến hoàn cảnh nội bộ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) trong quá trình cân nhắc chiến lược TMT. Những quyết định chiến lược lớn của Hà Nội trong cuộc chiến thứ hai ở Đông Dương bao gồm việc cân nhắc nhiều nhân tố, lắm khi xung đột nhau, để duy trì tính cân bằng trong chính sách đối nội và đối ngoại - một sự cân bằng thiết yếu để tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh cách mạng trong lòng một cuộc chiến tranh lạnh rộng lớn hơn. [11] Với những người đang nắm quyền trong Ðảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, mục đích chính của họ là [cần có] một phương hướng rõ ràng cho cuộc đấu tranh ở miền Nam, nắm vững quyền lực trong giai đoạn phát triển miền Bắc và sau cùng là làm chủ tình hình trên toàn lãnh thổ qua từng giai đoạn của cuộc chiến. Những quan điểm đối nghịch nhau trong nội bộ và những ủng hộ mang tính trục lợi từ phía bên ngoài luôn là mối đe doạ đến những cá nhân nắm quyền trong đảng. Mặc dù các lãnh đạo Hà Nội dựng nên hình ảnh họ luôn đưa ra những quyết định tập thể, nhưng thực chất có sự phân rẽ về tư tưởng và sự ganh đua giữa những cá nhân trong nội bộ ĐLĐVN, trùng hợp với những những cuộc tranh cãi rộng lớn hơn trong thế giới cộng sản.

Khi cuộc chiến thứ hai ở Đông Dương vừa bắt đầu, trong nội bộ Đảng nổi lên những phe phái chống đối nhau, có thể tạm chia thành hai phe đối lập, nhưng không đồng nhất, như sau: Phe thứ nhất gồm những người muốn tập trung xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và phe thứ hai gồm những người muốn tiến hành chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Ở bộ phận cao nhất trong đảng, sự chia rẽ này vô cùng hỗn tạp, trong khi đó những đảng viên cấp trung kiên định hơn với lập trường của mình. Mặc dù các “phe phái” lỏng lẻo này nhất trí với mục đích cơ bản là thống nhất đất nước, họ bất đồng trong quan điểm về sự cân bằng thích đáng giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao để đi đến chiến thắng cuối cùng. [12] Phe “ôn hoà” hay còn gọi là phe những người chủ trương xây dựng miền Bắc (PXDMB) muốn ưu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, với mục tiêu đánh bại miền Nam bằng kinh tế và ngoại giao; phe “chủ chiến” hay còn gọi là phe ủng hộ chiến tranh ở miền Nam tin tưởng rằng vũ lực là cách duy nhất để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. [13] Vào những năm 1960, các cuộc tranh cãi không chỉ nằm trong giới hạn ở Việt Nam mà còn lan rộng hơn, liên quan cả đến mối bất hoà trong mối quan hệ Nga-Trung. Phe ôn hoà muốn áp dụng chính sách cùng tồn tại trong hoà bình của Moscow, trong khi đó phe chủ chiến muốn thúc đẩy chủ trương dùng vũ lực của Bắc Kinh. Cuộc tấn công TMT là dấu hiệu chấm dứt những cuộc tranh cãi gay gắt gần một thập niên trong nội bộ ĐLĐVN.

Trong bài viết này, tôi muốn phân tích những hoạt động chính trị nội bộ và quan hệ ngoại giao của nước VNDCCH thời bấy giờ để đưa đến chiến lược lớn có hệ thống TMT, xoay quanh ba thời điểm quyết định quan trọng sau đây: quyết định tiến tới chiến tranh vũ lực ở miền Nam năm 1959-1960; quyết định bắt tay vào một “cuộc chiến lớn hơn” năm 1963-1964; và cuộc tấn công TMT 1967-1968. Giữa cuộc chiến thứ nhất và cuộc chiến thứ hai ở Đông Dương, những trở ngại trong quá trình chuyển đổi lên chủ nghĩa xã hội và tính sơ khai trong cơ cấu quyền lực của nước VNDCCH tạo điều kiện cho những người thuộc phe “diều hâu” trong BCT đề xướng việc sử dụng vũ lực song song với đấu tranh chính trị ở miền Nam. Tuy nhiên, tình hình chính trị trong đảng và tình trạng quan hệ Nga-Trung những năm 1959-1960 đã ngăn chặn phe chủ chiến thực thi việc này. Đến năm 1963, nhờ vào tình hình biến động ở Sài Gòn và Bắc Kinh, phe chủ chiến có cơ hội đẩy mạnh chiến tranh. Với mối rạn nứt ngày càng lớn trong quan hệ Nga-Trung, khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vạch ra một đường phân rõ ràng trong thế giới cộng sản, phe chủ chiến nhân cơ hội đó tăng cường chiến tranh tại miền Nam đang ngày một nóng bỏng. Trong nội bộ nước VNDCCH, quyết định đẩy nhanh cuộc chiến ở miền Nam đồng nghĩa với việc phải thanh trừng những kẻ theo phe ôn hoà, ủng hộ đường lối của Liên bang Xô Viết. Phe ôn hoà, với phương sách ủng hộ việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc hơn là tiến hành chiến tranh ở miền Nam, ngày càng mất dần thế đứng. Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ can thiệp quân sự làm phe chủ chiến miền Bắc chịu những chỉ trích dữ dội: Phe chủ hoà cùng với những tiếng nói ôn hoà khác trong đảng và trong quân đội kêu gọi đàm phán để Hoa Kỳ ngừng những cuộc oanh tạc tại miền Bắc và đồng thời xem xét lại cuộc chiến hao phí trên bộ đang diễn ra ở miền Nam. Ngoài ra, Hà Nội còn chịu áp lực từ các đồng minh lớn, những kẻ cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế [mà Bắc Việt] tối cần, kèm với những lời khuyên, thường đầy mâu thuẫn, [mà Bắc Việt] không cần, khiến cho, vào năm 1967, “BCT chiến tranh” đứng tại ngã tư đường. Kết quả là chiến dịch "lớn, gây nhiều tranh cãi và đầy tính ứng biến" TMT được đưa ra bàn cãi, trong đó không những tính đến những nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ và VNCH, mà còn cả tình hình chính trị trong nội bộ Đảng và sự rạn nứt trong mối quan hệ Nga-Trung. [14]


1955-1959: Chiến tranh hay hoà bình

Xây dựng đất nước và cuộc cách mạng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Hiệp định Geneva 1954 chấm dứt công cuộc tái đô hộ của Pháp, đồng thời tạm chia đôi Việt Nam thành hai nhà nước có chủ quyền ở vĩ tuyến 17. Ở miền Bắc, ĐLĐVN dưới quyền lãnh đạo của Hồ Chí Minh nắm chính quyền của nước VNDCCH; còn ở miền Nam, nước VNCH cuối cùng nằm dưới quyền của chính phủ Ngô Đình Diệm. Trong bản Tuyên ngôn Cuối mà các bên chưa ký tại Hội nghị Geneva 1954, cuộc tổng tuyển cử phải được tổ chức vào tháng 7 năm 1956, với những trao đổi sơ bộ giữa hai miền Nam Bắc sẽ bắt đầu vào một năm trước đó. Nhưng thay vì hoà giải và hợp nhất, sự căng thẳng giữa hai miền ngày càng tăng cao, vì cả hai miền đều cho rằng phía bên kia vĩ tuyến là kẻ thù của họ về mặt ý thức hệ. Vào thời điểm này, cả hai miền Bắc và Nam đều không thực hiện tuyển cử tự do và công bằng trong lãnh thổ đã được vạch rõ của mình. Nhưng nếu như có một cuộc tổng tuyển cử năm 1956 thì phe cộng sản của Hồ Chí Minh hẳn đã thắng cử. [15]

Quá trình xây dựng quốc gia ở miền Nam dưới thời Ngô Đình Diệm đã được viết đến nhiều; trong khi đó, dưới quyền của Hồ Chí Minh, quá trình xây dựng miền Bắc rất ít được nhắc tới. Những nỗ lực xây dựng VNDCCH sau cuộc chiến Thứ nhất ở Đông Dương gặp nhiều thử thách và khó khăn. Đa số những trở ngại cho công cuộc phát triển ở miền Bắc bắt nguồn từ quá trình chuyển đổi từ thời chiến qua thời bình, từ một nước bảo hộ thuộc địa qua một nước độc lập. Bên cạnh đó, đảng thi hành nhiều chính sách gây thiệt hại cho một đất nước đang hãy còn non trẻ. [16] Tiêu biểu là việc ĐLĐVN sai lầm trong việc chỉ đạo cuộc cải cách ruộng đất đầy thảm khốc, chiến dịch chỉnh huấn tổ chức, đàn áp tự do trí thức và chính trị trong vụ mà sau này được biết đến với cái tên Nhân văn–Giai phẩm [NVGP] và thực thi những dự án không tưởng như tập thể hoá và công nghiệp hoá để đẩy nhanh cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. [17]

Việc xây dựng đất nước của nước VNDCCH diễn ra trong hoàn cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp. Trong thời gian Chiến tranh Lạnh, số phận của những nước hậu thuộc địa liên quan chặt chẽ không chỉ đến cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản dân chủ và chủ nghĩa Marx-Lenin, mà còn cả sự chia rẽ tồn tại trong lòng hai khối này. Đối với ĐLĐVN, sự chia rẽ trong mối quan hệ Nga-Trung làm phức tạp hoá quá trình tái thiết, xây dựng chủ nghĩa xã hội và ảnh hưởng đến con đường thống nhất đất nước. Vào những năm 1950, Hà Nội phải đương đầu với hai phương thức cách mạng khi Moscow và Bắc Kinh đưa ra lập trường riêng rẽ: phương thức hợp nhất hoà giải bằng việc tập trung xây dựng miền Bắc hoặc dùng vũ lực để đấu tranh giải phóng miền Nam.

Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên bang Xô Viết (ĐCSLBXV) diễn ra đầu năm 1956 đã xuất hiện vết rạn nứt đầu tiên trong phong trào quốc tế vô sản khi Nikita Khrushchev lên án những tội ác của Stalin và tệ sùng bái cá nhân. Sau kỳ đại hội lịch sử đó, LBXV quyết định theo đuổi chính sách "cùng tồn tại trong hoà bình" trong cuộc cạnh tranh với thế giới tư bản. Lập trường của Khrushchev là mối đe doạ trực tiếp đến Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cả về ý thức hệ lẫn địa lý chiến lược, vì trong thời gian này, Mao đang liên tục tiến hành những cuộc cách mạng cả bên trong lẫn bên ngoài, nhằm củng cố quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). [18] Với mong muốn được coi là đối tác bình đẳng trong liên minh Nga-Trung, ÐCSTQ phản pháo lại những hành động mà Bắc Kinh cho rằng Moscow làm để duy trì một mối quan hệ bất bình đẳng. Đặc biệt, việc Moscow phản đối cách Mao giải quyết khủng hoảng Quemoy-Matsu, việc Moscow đặt Trung Quốc vô thế phụ thuộc khi đề ra thoả thuận chung về hải quân năm 1958, và thái độ trung lập của Moscow khi Trung Quốc và Ấn Độ bất đồng về vấn đề Tây Tạng năm 1959 càng làm cho Bắc Kinh mong muốn thoát khỏi mối quan hệ kiềm kẹp này. [19]

Đối với ĐLĐVN, vào nửa cuối thập niên 1950, con đường đi tới việc thống nhất đất nước và đường hướng của cuộc cách mạng ngày càng liên quan chặt chẽ đến mối quan hệ Nga-Trung đang ngày càng tồi tệ hơn. Vì cộng sản Việt Nam gần gũi hơn với ĐCSTQ cả về địa lý, văn hoá và lịch sử nên Bắc Kinh ảnh hưởng nhiều đến chính sách của Hà Nội hơn Moscow. Tuy vậy, những người CSVN vẫn tiếp tục coi LBXV là trung tâm ý thức hệ của phong trào cộng sản quốc tế. [20] Trong thời gian xây dựng nước VNDCCH, mối quan hệ Nga-Trung tuy căng thẳng nhưng sự rạn nứt chưa sâu sắc. Vì vậy, sau khi cuộc tổng tuyển cử năm 1956 bị huỷ bỏ, cả Bắc Kinh và Moscow ủng hộ quyết định của Hà Nội tập trung vô khích động chính trị thay vì dùng vũ lực chống lại VNCH. Chiến lược Bandung của Trung Quốc và chính sách của LBXV ở châu Á đều có điểm chung: ủng hộ thái độ trung lập thay vì cách mạng ở những nước hậu thuộc địa và những nước theo chủ nghĩa dân tộc. [21] Cả hai cường quốc khuyến khích Hà Nội tiếp tục đấu tranh chính trị, với ngụ ý chấp nhận thực tế là tiếp tục chia rẽ hai miền Nam Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1950, khi LBXV và Trung Quốc bắt đầu tách ly về hệ tư tưởng, những kháng cự ở miền Nam trở nên cấp bách hơn ước lượng của miền Bắc. Trong khi Bắc Kinh ra mặt ủng hộ chiến tranh giải phóng dân tộc, thì Moscow lại không muốn những cuộc đấu tranh vũ trang xảy ra.


Hệ thống quyền lực của nước VNDCCH: “Phe” đang lên

Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc còn đang xa vời và việc thế giới cộng sản tập trung vào sự rạn nứt của mối quan hệ Nga-Trung tạo cơ hội cho một nhóm lãnh đạo trong BCT thay đổi chính sách của Hà Nội. [22] Ngay từ ban đầu, lãnh đạo của ĐCSVN đã gắng xây dựng hình ảnh một nội bộ đoàn kết, vững chắc, trong đó các khu vực trách nhiệm được chia đều cho mọi thành viên. Nhưng trên thực tế, trong nội bộ lãnh đạo xảy ra đầy dẫy chuyện tranh giành quyền lực, cạnh tranh giữa [các phe nhóm thuộc] các miền, ganh đua giữa các tổ chức và thậm chí cả những mối tư thù. [23] Trong thời gian giữa hai cuộc chiến, từ 1955 đến 1958, cơ cấu quyền lực ở miền Bắc Việt Nam không được định hình rõ rệt. [24] Mặc dù Đảng không có đối thủ, nhưng câu hỏi được đặt ra trong thời gian này là phe nào sẽ chiếm ưu thế trong nội bộ ĐLĐVN? Về cơ bản, những thành viên trong BCT tranh giành quyền lực bằng việc giành sự ủng hộ từ bốn cơ cấu: bộ máy Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cùng các tổ chức quần chúng trực thuộc, và quân đội. [25] Trong giai đoạn này, những thành viên BCT hoạt động trong bộ máy của Đảng giành được nhiều quyền lực ở miền Bắc Việt Nam hơn những người mà quyền lực và trách nhiệm gắn với chính quyền dân sự, MTTQ cùng các tổ chức quần chúng trực thuộc, và quân đội. Sau này, đến lượt các nhà lãnh đạo hành chính này, dưới quyền lãnh đạo của một Tổng bí thư chủ chiến, đã giành ưu thế để lãnh đạo ÐLÐVN và cả dân tộc bước vào chiến tranh.

Nguyên nhân chính cho sự chuyển đổi quyền lực trong BCT phát xuất từ những thất bại của cuộc cải cách ruộng đất (CCRĐ) và chiến dịch chỉnh huấn tổ chức, tiếp theo là vụ NVGP bên cạnh những bất lực trong việc vận động toàn dân miền Bắc tham gia cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sau cuộc chiến thứ nhất ở Đông Dương, Tổng Bí thư ĐLĐVN Trường Chinh lãnh đạo phong trào CCRĐ và chiến dịch chỉnh huấn tổ chức, với mục đích xoá bỏ chế độ địa chủ, lấy đất chia cho tá điền, đồng thời nâng cao vị trí của giai cấp nông dân trong nội bộ đảng. Trường Chinh muốn các tổ chức quần chúng nắm quyền kiểm soát những vấn đề liên quan đến ruộng đất thay vì cơ quan hành chính của chính phủ. Tuy nhiên, chiến dịch “sửa sai”, xuất phát từ những sai lầm trong cuộc cải cách do ảnh hưởng của Trung Quốc, làm suy giảm thế lực của Trường Chinh và các tổ chức quần chúng, đồng thời gây ra một vết nhơ cho chính phủ (Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng) và quân đội (Võ Nguyên Giáp). [26] Cuối tháng 9 năm 1956, trong phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Uỷ ban Trung ương (UBTƯ) ĐLĐVN, Trường Chinh từ chức TBT, mặc dù không bị hất khỏi BCT. [27] Quyền lực chuyển sang tay Lê Duẩn, người cổ vũ hăng hái nhất cho chiến tranh miền Nam; khi chiến dịch cải cách ruộng đất xảy ra, Duẩn đang có mặt ở nửa bên kia của vĩ tuyến mười bảy. Kế đến là Lê Đức Thọ, người có nhiệm vụ bảo đảm bộ máy của Đảng, giành được quyền lực tối thượng ở miền Bắc. [28] Trong suốt thời gian xảy ra phong trào NVGP, phe chủ chiến, phe đã tận dụng bộ máy đảng để bành trướng quyền lực, tiếp tục phát triển thành nhóm lãnh đạo, đã đàn áp những bất hoà trong nội bộ quân đội và những nhà trí thức bằng cách kiểm soát những hoạt động và lòng trung thành của họ với chủ nghĩa Mác-Lê. [29]

Bất kể phe phái nào giành uy thế ở BCT, tình trạng khó khăn của công cuộc phát triển xã hội chủ nghĩa - qua những thất bại của các dự án tập thể hoá và công nghiệp hoá trên qui mô lớn với việc công bố Kế hoạch ba năm (1958-1960) [30] – đã làm đảng kiệt quệ. Vì vậy, chiến dịch ủng hộ kháng chiến Nam bộ của Lê Duẩn trong thời điểm này hiển nhiên trở thành lối thoát cho những vấn đề của BCT. Sau khi các cuộc bầu cử bị huỷ bỏ, Lê Duẩn đã viết Con đường cách mạng miền Nam; đây là bản tuyên bố đầu tiên khẳng định việc thống nhất đất nước là kế hoạch lâu dài. [31] Tuy vậy, đường lối chính thức của đảng vẫn tiếp tục ủng hộ phương sách khích động chính trị, ngược lại với mong muốn của Lê Duẩn và các nhà cách mạng miền Nam, những người hy vọng được [đảng] phê chuẩn việc tiến tới giai đoạn mới - đấu tranh vũ trang. [32] Việc Lê Duẩn được bổ nhiệm chức Tổng Bí thư lâm thời khẳng định vị trí quyền lực đang lên của Duẩn ở BCT, nhưng đường lối của ông vẫn chưa hoàn toàn được đảng thông qua. [33]

Kết quả là hai “phe phái” ganh nhau bắt đầu xuất hiện trong nội bộ ĐLĐVN; điều này càng làm phức tạp thêm những tranh giành quyền lực vốn đã sẵn có trong BCT. "Phe miền Bắc" muốn tiếp tục tập trung tất cả tiềm lực của VNDCCH để xây dựng đất nước: phát triển nền kinh tế XHCN để cạnh tranh và cuối cùng là đánh bại miền Nam. Trong khi đó, "Phe miền Nam" lại muốn dùng toàn lực của VNDCCH vô cuộc kháng chiến ở miền Nam: thống nhất đất nước bằng chiến tranh. Những cuộc tranh luận tập trung vào tốc độ và phương thức cải cách nông nghiệp ở miền Bắc, nhưng lại có liên quan chặt chẽ tới sự nổi dậy ở miền Nam. Khi những bất hoà trong mối quan hệ Nga-Trung ngày càng lớn và xung đột ở miền Nam ngày càng gia tăng, các phe phái đối lập dùng chủ trương cùng tồn tại trong hoà bình của Krushchev hoặc chủ trương chống đế quốc của Mao để bảo vệ cho lý lẽ của phe phái mình.

Tháng 1 năm 1959, trước phiên họp toàn thể lần thứ 15, số phận của cuộc kháng chiến miền Nam và tương lai của việc xây dựng miền Bắc đều rất bấp bênh. Theo các học giả, quyết định tiến hành chiến tranh của Hà Nội, ẩn mã trong Nghị quyết 15, là một biện pháp nhằm cứu vãn cuộc kháng chiến ở miền Nam. Nhưng ta chỉ có thể hiểu được rất nhiều vấn đề liên quan đến việc phê chuẩn sơ khởi và sự do dự trong quá trình chuyển giao Nghị quyết này khi đặt chúng vào hoàn cảnh chính trị trong nội bộ nước VNDCCH bên cạnh những rạn nứt trong mối quan hệ Nga-Trung. [34] Cuộc nổi dậy ở miền Nam buộc phía Hà Nội phải tiến hành chiến tranh, nhưng chúng ta cũng cần phải hiểu những bất đồng trong nội bộ Đảng và vị trí của VNDCCH trong mối quan hệ Nga-Trung mới có thể hiểu được vì sao Nghị quyết 15 gần như không có được sự hưởng ứng nào.

Trong nội bộ, tuy cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc không được tiến hành như hoạch định, nhưng phe chủ chiến vẫn chưa thâu tóm được toàn bộ quyền lực trong ĐLĐVN và BCT. Lê Duẩn cùng các nhà cách mạng miền Nam và phe quân sự trong đảng dù đã giành được ưu thế trong những cuộc tranh luận vòng đầu, nhưng thắng lợi của họ mới chỉ là sơ khởi: Nghị quyết 15 chỉ chấp thuận sử dụng vũ lực với mục đích tự vệ. [35] Bên ngoài, sự mập mờ trong quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh càng làm chậm lại quá trình chuyển giao và thực hiện Nghị quyết 15. Mặc dù việc Trung Quốc tăng cường hỗ trợ những nước thứ ba tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc tạo điều kiện cho giới lãnh đạo thuộc phe chủ chiến tiến gần hơn tới mục đích lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm bằng vũ lực, cả Moscow và Bắc Kinh đều khuyên Hà Nội nên chú trọng tới đấu tranh chính trị. [36] Vì vậy, mãi đến tận năm sau, khi lập trường cấp tiến của Bắc Kinh trở nên rõ ràng hơn, Nghị quyết 15 mới được thi hành ở mặt trận miền Nam. [37] Chiến lược thận trọng của Hà Nội đối với cuộc chiến ở miền Nam phản ánh rõ những chia rẽ đang nổi lên cả ở bên trong và bên ngoài, và không chỉ đơn thuần là phản ứng do những khủng hoảng ở miền Nam gây ra.


1960-1963 Cuộc chiến hay một cuộc chiến rộng lớn hơn?
Hệ thống quyền lực của nước VNDCCH - Thắng lợi của phe chủ chiến.

Tại Đại hội Đảng lần 3 của ĐLĐVN vào tháng 9 năm 1960, Hồ Chí Minh chấp thuận kế hoạch chiến tranh của Hà Nội và ủng hộ việc khuyếch trương, xây dựng mới BCT và UBTƯ Đảng dưới quyền của TBT mới Lê Duẩn. [38] Mặc dù việc xây dựng miền Bắc vẫn là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong kỳ đại hội này, nhưng những đảo lộn quyền lực ở những vị trí cao nhất của đảng là bước khởi đầu việc ưu tiên đấu tranh vũ trang ở miền Nam sau này. [39] Để chính thức hoá cuộc chiến ở miền Nam, đại hội đặt nền tảng cho việc thiết lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP). Tuy nhiên, sau việc tái thiết Trung ương Cục miền Nam, quyền điều hành chiến tranh vẫn nằm trọn ở miền Bắc. [40]

Hơn nữa, trật tự quyền lực được củng cố với việc đại hội thông qua “Quy chế của ĐLĐVN.” [41] Quy chế này đặt BCT lên hàng đầu và củng cố quyền lợi của TBT và Ban bí thư, những người cầm quyền chịu trách nhiệm “[giải quyết] những vấn đề thường nhật và [kiểm soát] việc thực hiện những quyết định của BCT." [42] Ban bí thư gồm bảy thành viên, các nhân vật này là những người có quyền lực trong bộ máy của Đảng và thuộc phe có liên quan đến những hoạt động của Lê Duẩn ở miền Nam, bao gồm Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Tố Hữu và tướng Nguyễn Chí Thanh. Những nhân vật trong Ban bí thư có quyền lực trong ÐLÐVN và nước VNDCCH ngang ngửa với các uỷ viên BCT, những người nắm giữ các vị trí quan trọng chẳng hạn như chủ tịch Uỷ ban Thường trực Hội đồng Nhà nước (Trường Chinh), Thủ tướng (Phạm Văn Đồng) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (Võ Nguyên Giáp).

Bằng cách tăng trách nhiệm (cũng đồng nghĩa với việc gia tăng mức độ quan trọng) cho Tổng Bí thư và Ban Bí thư, quy chế đã trao quyền tối thượng vô tay những người đứng đầu phe chủ chiến trong bộ máy ĐLĐVN. Lê Đức Thọ, trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản, tiếp tục nắm giữ vị trí ngày càng quan trọng này. [43] Ở vị trí này, Lê Ðức Thọ toàn quyền trong việc bổ nhiệm những chức vụ chính trị, đề bạt, di chuyển và thanh trừng những đảng viên. Bên cạnh đó, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (TCCTQĐND) dưới quyền của Tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong số rất ít những cục được quy chế thiết lập vĩnh viễn. [44] Tổng cục Chính trị (TCCT) có nhiệm vụ bảo đảm quân đội miền Bắc nằm dưới sự chỉ huy của Dảng, chứ không phải là một lực lượng tách rời độc lập và đối lập. Quan trọng hơn, chức chủ nhiệm TCCT mà Nguyễn Chí Thanh nắm giữ đối trọng với vị trí lãnh đạo quân đội của Võ Nguyên Giáp. [45] Còn Tố Hữu, người cầm đầu chiến dịch chống lại phong trào NVGP, giữ chức Trưởng ban Khoa giáo và Tuyên huấn Trung Ương (TBKGTHTƯ), một chức vụ rất quan trọng; nó cho phép Tố Hữu tiếp tục giám sát và đàn áp giới trí thức. Sau khi đã củng cố được vị trí quyền lực của mình, những người cầm đầu của phe chủ chiến nghiễm nhiên giành quyền kiểm soát phương hướng của cuộc chiến chống miền Nam và điều khiển bộ máy của đảng ở miền Bắc.



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Để có cái nhìn toàn diện hơn về những tranh cãi đương thời và sau cuộc chiến về chiến lược TMT của Hà Nội, xem David Elliott, The Vietnamese War: Revolution and Social Change in the Mekong Delta, 1930–1975, 2 vols. (Armonk, NY: M.E. Sharpe, 2003), 2:1054–1062. Và xem Ngô Vĩnh Long, “The Tết Offensive and Its Aftermath,” Indochina Newsletter, Issue 49 (Jan-Feb 1988): 1–5. Theo sử gia Hồ Khang, "TMT vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Từ một góc độ nào đó, có người sẽ nghĩ là họ đã có cái nhìn toàn diện về TMT, nhưng ở một góc độ khác, nhiều người sẽ vẫn không thể hiểu và giải thích được sự kiện này." (Hồ Khang, The Tết Mậu Thân 1968 Event in South Vietnam [Hà Nội: Thế Giới, 2001], 1).
[2]Phần lớn các xuất bản phương Tây nói về TMT đều chú ý nhiều đến những tác động quân sự, chính trị và tâm lý của cuộc tấn công đối với nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ. Nếu nói về động cơ của TMT, những nghiên cứu của phương Tây chỉ lặp lại [những gì mà] lịch sử [cộng sản] Việt Nam đã nói. Thiếu những tài liệu chính thức cũng như những bằng chứng từ phía Việt Nam, đây cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vẫn có những nghiên cứu ngoại lệ. Xem Elliott, The Vietnamese War, 2:1036–1125; Robert Brigham, “The NLF and the Tết Offensive,” in The Tet Offensive, eds. Marc Jason Gilbert and William Head (Westport, CT: Praeger, 1996), 63–69; William Duiker, The Communist Road to Power in Vietnam, 2nd ed. (Boulder, CO: Westview Press, 1996), 255–299; Ang Cheng Guan, “Decision-Making Leading to the Tet Offensive (1968): The Vietnamese Communist Perspective,” Journal of Contemporary History 33, no. 3 (July 1998): 341–353.
[3]Xem Elliott, The Vietnamese War, 2:1055.
[4]Ví dụ, chiến dịch Attleboro, Cedar Falls, và Junction City không tiêu diệt được quân nổi dậy trong khi Quân Lực VNCH không thành công trong nỗ lực bình định tình hình và chỉ kiểm soát được 13% vùng nông thôn. Xem Hồ Khang, The Tết Mậu Thân 1968, 13–19.
[5]Xem Bộ Quốc Phòng, Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam [Ministry of Defense, Institute of Military History] (BQP-VLSQSVN), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954–1975 (Lịch sử kháng chiến chống Mỹ), vol. 5, Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 [The History of the Anti-American Resistance for National Salvation; General Offensive-General Uprising 1968] (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2001), 29. Xem thêm Hồ Khang, The Tết Mậu Thân 1968, 23.
[6]Xem Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, 9–28.
[7]Xem Lịch sử quân chủng phòng không [The History of the Anti-Aircraft Defense], vol. 2 (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 1993), 77–126.
[8]Trần Văn Trà, “Tết: The 1968 General Offensive and General Uprising,” in The Vietnam War: Vietnamese and American Perspectives, eds. Jayne S. Werner and Lưu Đoàn Huỳnh (Armonk, NY: M.E. Sharpe, 1993), 39.
[9]BQP-VLSQSVN, Hướng tiến công và nổi dậy: Tết Mậu Thân ở Trị-Thiên-Huế (Năm 1968) [Direction of the General Offensive and General Uprising: The Lunar New Year in Trị-Thiên-Huế], Lưu hành nội bộ [Internal Distribution] (Hà Nội, 1988), 5. Bản dịch tiếng Anh, xem Robert J. Destatte and Merle L. Pribbenow for the United States Army Center for Military History, Histories Division, The 1968 Tết Offensive and Uprising in the Trị-Thiên-Huế Theater (Fort Nair, Washington, DC: 2001), i.
[10]Theo các sử liệu chính thức, TCKTKN chia làm ba giai đoạn, xảy ra trong mùa đông đến mùa thu 1968. Xem BQP-VLSQSVN, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, 7.
[11]Cố sử gia Ralph B. Smith, trong lời mở đầu của tập thứ nhất trong bộ sử ba tập về Chiến Tranh Việt Nam trong lịch sử thế giới, đã viết: "Quả thật, Việt Nam là trường hợp đặc biệt quan trọng để liên hệ những chuyển động chính trị cấp cơ sở đến những quyết định trong hành lang chính trị thế giới." Smith chỉ ra rằng cần gắn cuộc chiến tranh ở Việt Nam và cuộc Chiến Tranh Lạnh trên thế giới. Xem Ralph B. Smith, An International History of the Vietnam War, vol. 1, Revolution Versus Containment, 1955–1961 (London: MacMillan Press, 1983), 9; Ibid., vol. 2, The Struggle for South-East Asia, 1961–1965 (1985); and Ibid., vol. 3, The Making of a Limited War, 1965–1966 (1991).
[12]Xem Nguyễn Vũ Tùng, “Hà Nội’s Search for an Effective Strategy,” in The Vietnam War, ed. Peter Lowe (London: MacMillan Press, 1998), 45. Xem Pierre Asselin, “Hà Nội and the Americanization of the Vietnam War” (paper presented at Society for Historians of American Foreign Relations annual meeting, George Washington University, June 6–8, 2003), 3–4.
[13]Những báo cáo đương thời của phương Tây nói về sự chia rẽ trong nội bộ ĐLĐVN ở những cấp độ khác nhau: giữa "phe chủ chiến" và "phe ôn hoà", giữa phe "ủng hộ xây dựng miền Bắc" và phe "ủng hộ chiến tranh ở miền Nam" và cả giữa "phe thân Liên Xô" và "phe thân Trung Quốc." Những cặp chống đối nhau này, mặc dù không sai, không đưa ra lời giải thích thoả đáng về những sắc thái giữa những phe phái với nhau cũng như không xét đến bản chất dễ thay đổi của những chia rẽ này.
[14]Xem Elliott, The Vietnamese War, 2:1056.
[15]Trong giai đoạn tự do tái định cư như thoả thuận trong hoà ước Geneva, gần một triệu người Bắc, đa số là người Công Giáo di cư vô miền Nam, trong khi chỉ có một phần nhỏ đi theo hướng ngược lại. Khoảng tám chín chục ngàn quân cộng sản tập kết ra Bắc, trong khi đó, có khoảng từ năm đến mười ngàn cán bộ ở lại miền Nam. Sau giai đoạn tái định cư, dân số miền Bắc nhỉnh hơn miền Nam một chút. Cả hai miền, như tất cả những nước mới được độc lập [thoát khỏi ách thuộc địa] khác, mới bắt đầu những thử nghiệm dân chủ và vì vậy, cả hai miền đều không có khái niệm về một cuộc tuyển cử tự do và công bằng: ở miền Nam, Ngô Đình Diệm và Đảng Cần Lao của em ông là Ngô Đình Nhu nắm quyền trong những cuộc bầu cử của Hội Đồng Lập Hiến trong khi ở miền Bắc, ĐLĐVN nắm quyền trong những cuộc bầu cử Hội Đồng Nhà Nước. Xem Smith, An International History of the Vietnam War, 1:50–51.
[16]Xem William S. Turley, “Urbanization in War: Hà Nội, 1946–1973,” Pacific Affairs 48, no. 3 (Autumn 1975): 375–376.
[17]Về cải cách ruộng đất, xem Edwin Moise, “Land Reform and Land Reform Errors in North Vietnam,” Pacific Affairs 49 (1976): 70–92. Về phong trào NVGP, xem Georges Boudarel, Cent Fleur ecloses dans la nuit du Vietnam: Communisme and Dissidence, 1954–1956 [One Hundred Flowers Blooming in the Night in Vietnam: Communism and Dissidence, 1954–1956] (Paris: Jacques Bertoin, 1991); Kim Ninh, A World Transformed: The Politics of Culture in Revolutionary Vietnam, 1945–1965 (Ann Arbor: The University of Michigan Press, 2002), 121–163; Neil Jamieson, Understanding Vietnam (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1993), 257–284; Minh Võ, Phản Tỉnh Phản Kháng [Self Criticism - Protest] (Southern California: Thông Vũ Tái Bản, 2004). Về những thất bại của tập thể hoá, công nghiệp hoá và những dự án được nhà nước tài trợ nói chung, xem Balasz Szalontai, “Political and Economic Crisis in North Vietnam, 1955–1956,” Journal of Cold War History 5, issue 4 (November/December 2005): 395–426; Benedict J. Tria Kierkvliet, The Power of Everyday Politics: How Vietnamese Peasants Transformed National Policy (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2005); Ken MacLean, “The Bắc Hưng Hải Irrigation Project: Making Socialism Manifest in the Democratic Republic of Vietnam” (paper presented at Association for Asian Studies Annual Conference, San Francisco, April 6–9, 2006).
[18]Xem Chen Jian, Mao’s China and the Cold War (Chapel Hill: The University of North Carolina Press, 2001).
[19]Như trên, 74–84.
[20]Xem Tường Vũ, “From Cheering to Volunteering: Vietnamese Communists and the Coming of the Cold War, 1940–1951,” (bài viết trình bày ở Hội Nghị Thường Niên Cộng Đồng Các Sử Gia Nghiên Cứu Về Quan Hệ Quốc Tế Của Hoa Kỳ ở Lawrence, Kansas từ 23 đến 25 tháng 6 năm 2006).
[21]Xem Smith, An International History of the Vietnam War, 1:103.
[22]Điều đáng nói là trong thời gian này không thấy sự nổi lên của một nhóm lãnh đạo mới nào; quyền lực chỉ thay đổi trong nội bộ giữa những nhóm lãnh đạo ở BCT, là những người nắm quyền ít nhất là từ Ðại hội Đảng lần 2 năm 1951, khai sinh ĐLĐVN.
[23]Con đường đi đến quyền lực của những người cách mạng trong nội bộ VNDCCH đa số giống nhau, như việc bị giam giữ ở Côn Đảo (trừ Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp). Đồng thời, việc bị giam (hoặc không) ở Côn Đảo, có thể đã nảy sinh ra những thù địch lâu dài giữa một số các nhà cách mạng. Xem Peter Zinoman, Colonial Bastille: A History of Imprisonment, 1862–1940 (Berkeley and Los Angeles: The University of California Press, 2001). Và xem Smith, An International History of the Vietnam War, 1:89–92.
[24]Xem Tai Sung An, The Vietnam War (Cranbury, NJ: Associated University Presses, 1998), 69–82.
[25]Smith, An International History of the Vietnam War, 1:91. Smith phân biệt ra ba phe phái khác nhau, bao gồm phe của Hồ Chí Minh cùng với Hoàng Văn Hoan, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp, là những người có trách nhiệm về chính phủ, ngoại giao và quân đội. Phe thứ hai là phe của Trường Chinh, gồm những đảng viên người Bắc nắm chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và các tổ chức quần chúng. Phe thứ ba là phe Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và những người ủng hộ giải phóng miền Nam.
[26]Tháng 8 1956, Hồ Chí Minh công khai thừa nhận những sai lầm của chiến dịch, nhưng bất lực với những cuộc nổi dậy kéo dài cho đến hết năm này ở Bắc Việt. Cuối tháng 10, tướng Võ Nguyên Giáp đọc một diễn văn rất dài thừa nhận những sai lầm cụ thể mà đảng đã phạm phải. Xem Nhân Dân [The People], October 31, 1956.
[27]Xem Smith, (An International History of the Vietnam War, 1:89–95) để biết những lời bàn đầy thuyết phục về những chia rẽ giữa các phe phái của BCT Hà Nội và sự thay đổi quyền lực sau Đại Hội 10 của ĐLĐVN, sau cải cách ruộng đất. Xem Carlyle Thayer,
“Origins of the National Liberation Front for the Liberation of South Viet-Nam, 1954–1960: Debate on Unification Within the Viet-Nam Workers’ Party” (paper presented at Sixteenth Conference of the Australasian Political Studies Association, July 1974, Brisbane, Australia). Mặc dù Đại Hội 10 đánh dấu sự thay đổi quyền lực của các phe phái, tôi cho rằng những kẻ hiếu chiến cần tiếp tục sử dụng bộ máy của đảng để củng cố quyền lực ở BCT cả sau đại hội 1956 vì quyền lực vẫn chưa chắc chắn.
[28]Dù Hồ Chí Minh chính thức giữ chức tổng bí thư vào kỳ đại hội năm 1956, nhưng Hồ trao hết mọi quyền lực cho Lê Duẩn sau khi Lê Duẩn quay về từ miền Nam vào cuối 1956, đầu 1957.
[29]Tháng 2 1955, Trần Dần, một trong những nhân vật chủ chốt trong vụ NVGP, dẫn đầu một nhóm những nhà văn quân đội bất mãn về sự thiếu tự do và sáng tạo trong văn học và nghệ thuật đến phàn nàn với Nguyễn Chí Thanh, lúc này là chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tướng Nguyễn Chí Thanh bác bỏ những lời phàn nàn của nhóm này và cho là nhóm đã bị tư tưởng của chủ nghĩa tư bản ngấm vào ý thức. Xem Nguyễn Chí Thanh “Vài kinh nghiệm về lãnh đạo tư tưởng,” trong Nguyễn Chí Thanh, Đảng ta lãnh đạo tài tình chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân (Hà Nội: Sự Thật, 1970). Tuy nhiên, Tố Hữu mới chính là kẻ đứng sau những phong trào đàn áp trí thức và bắt họ phải tham gia những buổi tự kiểm cũng như bắt họ đi lao động cải tạo.
[30]Việc đảng lo lắng về "sự suy giảm của tinh thần cách mạng" có thể thấy ngay từ những năm 1957. Xem Trần Huy Liệu, “Điểm lại thuyết ‘ba giai đoạn’ của chúng ta [Reanalysis of Our Three-Stage Theory],” Nghiên Cứu Lịch Sử [Historical Research] (NCLS) 34, (November 1957): 1–5. Các bài viết của Trần Huy Liệu lý luận rằng việc Việt Minh chống thực dân Pháp trong cuộc chiến thứ nhất ở Đông Dương đã không được chuyển thành cuộc tổng phản công và vì vậy đã không thể giành được độc lập hoàn toàn. Là một đảng viên kỳ cựu và nguyên là Bộ Trưởng Bộ Tuyên Truyền, những bài viết của Trần Huy Liệu là lời ủng hộ mạnh mẽ cho chiến dịch dùng vũ lực giải phóng miền Nam của Lê Duẩn. Xem Liên-Hằng T. Nguyễn, “Vietnamese Historians and the First Indochina War,” in eds. Mark Lawrence and Fredrik Logevall, The First Vietnam War: Colonial Conflict and Cold War Crisis (Cambridge, MA: Harvard University Press, forthcoming).
[31]Xem Smith, An International History of the Vietnam War, 1:69.
[32]Xem Thomas Latimer, “Hà Nội’s Leaders and the Policies of War,” pp. 2–4, n.d., Folder 18, Box 01, John Donnell Collection (JD), The Vietnam Archive (VA), Texas Tech University. See also Elliott, The Vietnamese War, 1:216–224.
[33]Ví dụ, xem báo cáo của Phạm Văn Đồng ở cuộc họp Hội đồng Nhà nước lần thứ 8. Báo cáo này nhấn mạnh sự cần kíp của việc theo đuổi thống nhất bằng con đường hoà bình. Nhân Dân, April 18, 1958. Thêm vào đó, Lê Duẩn không có mặt khi đại hội thông qua Kế hoạch ba năm ở Kỳ họp 14 tháng 11, 1958 vì BCT gửi Lê Duẩn đi đánh giá tình hình miền Nam. Lê Duẩn quay lại Hà Nội tháng 1 năm 1959, kịp để dự phiên họp 15.
[34]Xem Carlyle Thayer, War by Other Means: National Liberation and Revolution in Vietnam, 1954–1960 (Sydney: Allen & Urwin, 1989); Robert Brigham, Guerilla Diplomacy: The NLF’s Foreign Relations and the Vietnam War (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1998), 1–18. Và xem Elliott, The Vietnamese War, 1:289–349; Duiker, The Communist Road to Power in Vietnam, 179–214. Đa số những giải thích việc Hà Nội tiến hành chiến tranh, cả trong thời gian xảy ra cuộc chiến và bây giờ, cho rằng mục đích chính để cứu những quân nổi dậy khỏi sự tiêu diệt của chính quyền Ngô Đình Diệm, đặc biệt sau khi đạo luật 10/59 được ban hành tháng 5, đồng thời giữ phương hướng của cuộc cách mạng để khỏi rơi vào tay những phe phái khác khi đảng còn rất yếu ở miền Nam.
[35]Xem Elliott, The Vietnamese War, 1:215. Thành viên BCT và những đảng viên, bao gồm Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, và cả Trường Chinh (trong một giai đoạn) không tin rằng tất cả những phương án khác đã được dùng đến, và họ tin rằng vũ lực chỉ được dùng đến như là phương án cuối cùng.
[36]Việc Mao mạnh miệng ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc sau năm 1958 không tức thời được chuyển thành những hỗ trợ cụ thể với cuộc chiến ở miền Nam.
[37]Ở một số vùng ở miền Nam, cho đến mùa thu năm 1959, nhiều câu hỏi được đặt ra về sự cân bằng giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Elliott, The Vietnamese War, 1:215. Xem thêm Smith, An International History of the Vietnam War, 1:157: “Cho đến khi quan hệ Nga-Trung được sáng tỏ, các lãnh đạo Bắc Việt tránh có lập trường rõ ràng và trì hoãn việc xuất bản Nghị quyết ‘bảo thủ’ của Đại Hội 15.”
[38]Việc Lê Duẩn được bầu làm tổng bí thư (tên chính thức là bí thư thứ nhất) trong Đại Hội Đảng lần 3 thay vì Võ Nguyên Giáp hoặc Trường Chinh là nhờ vào những hoạt động cách mạng của Lê Duẩn (bị tù), những kinh nghiệm lâu dài ở miền Nam và khả năng làm cầu nối cho những rạn nứt trong nội bộ Đảng. Theo Lưu Đoàn Huỳnh, Hồ Chí Minh chọn Lê Duẩn năm 1958 vì những hoạt động ở miền Nam; Lê Duẩn trở thành nhân vật số một để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Lưu Đoàn Huỳnh (giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế) nói với tác giả bài viết này như vậy vào ngày 21 tháng 6 năm 2005 ở Philadelphia.
[39]Hồ Chí Minh gọi Đại hội Đảng lần 3 là "Đại hội Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và Đấu tranh cho việc Thống nhất Ðất nước bằng con đường Hoà bình." Xem “World Situation and Our Party’s International Missions – As Seen From Hà Nội, 1960–1964,” December 1963, Folder 02, Box 08, Douglas Pike Collection (DP): Unit 06, “Democratic Republic of Vietnam,” VA.
[40]Xem Trương Như Tảng, với David Chanoff và Đoàn Văn Toại, A Vietcong Memoir (New York: Vintage Books); and Christopher E. Goscha, “Réflexions sur la guerre du Viet Minh dans le Sud-Vietnam de 1945 à 1951 [War by Other Means: Reflections on the Viet Minh’s War in Southern Vietnam between 1945 and 1951],” in Guerres mondiales et conflits contemporains 206 (2002): 29–57. Xem thêm Thayer, War by Other Means, and Brigham, Guerilla Diplomacy; cả hai đều lý luận rằng Quân Giải Phóng không phải là đám quân bù nhìn hay một tổ chức tự trị.
[41]Bản tiếng Việt, xem Nhân Dân, September 15, 1960, và bản Anh Ngữ, xem “Statute of the Vietnam Workers’ Party,” September 15, 1960, Folder 29, Box 07, DP: Unit 06, VA. Hiến pháp VNDCCH được Hội đồng Nhà nước thông qua tháng 12 1959, đã lập ra cơ cấu quyền lực ở Bắc Việt, nhưng kém quan trọng hơn Quy Chế Đảng 1960. Và xem Robert Brigham, “Revolutionary Heroism and Politics in Postwar Vietnam,” in After Vietnam: Legacies of a Lost War, ed. Charles H. Neu (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 2000), 86. Brigham lý luận rằng tại Ðại hội 1960, đảng thông qua nguyên tắc quyết định tập thể để tránh trường hợp các phe phái tranh giành quyền lực sau khi Hồ Chí Minh chết đi. Vì vậy, sau Đại Hội 3, rất khó thấy được vị trí rõ ràng của những thành viên ở BCT, nhưng điều đó không có nghĩa là ở BCT không xảy ra những cuộc tranh cãi và sự chia rẽ trong nội bộ sau Ðại hội 1960.
[42]“Statute of the Vietnam Workers’ Party,” September 15, 1960, Folder 29, Box 07, DP: Unit 06, VA.
[43]Tôi cảm ơn David Marr, đã góp ý về bài viết này khi nó mới ở giai đoạn sơ khởi và chỉ ra phạm vi quyền lực của vị trí này. Xem thêm Thomas Latimer, “Hà Nội’s Leaders and the Policies of War,” p. 8, n.d., Folder 18, Box 01, JD, VA.
[44]Xem “Statute of the Vietnam Workers’ Party,” 14.
[45]Việc Nguyễn Chí Thanh được thăng chức đại tướng tháng 9 năm 1959 đưa ông lên ngang hàng với Võ Nguyễn Giáp.


Nguồn: Vol. 1, No. 1-2. Journal of Vietnamese Studies, published by University of California Press

---


13.2.2007 Christopher E. Goscha“Tai bay vạ gió” trong ngoại giao? Những nỗi truân chuyên của Việt Nam trên con đường hội nhập Phong trào Quốc tế Cộng sản (1945–1950)

13.2.2007 Christopher E. Goscha“Tai bay vạ gió” trong ngoại giao? Những nỗi truân chuyên của Việt Nam trên con đường hội nhập Phong trào Quốc tế Cộng sản (1945–1950)

Aucun commentaire: