1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

vendredi 30 mars 2007

Hội thảo về Chiến tranh Việt Nam

Hội thảo về Chiến tranh Việt Nam
Michael Mathes

30/03/2007
Bấm vào đây để nghe
Nghe trực tiếp trên mạng Bấm vào đây để nghe
Bấm vào đây để tải xuống
Nghe trực tiếp trên mạng Bấm vào đây để tải xuống

Tuy đã kết thúc cách nay gần 32 năm nhưng cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn thu hút sự chú tâm của rất nhiều học giả và các cựu chiến binh ở Mỹ. Mới đây, một cuộc hội thảo về Chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức ở tiểu bang Texas, và nhiều người vẫn hăng say thảo luận về những kinh nghiệm của giai đoạn lịch sử này và hy vọng rằng có thể rút tỉa những bài học để ứng dụng cho hiện tại. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết về cuộc hội thảo này qua bài tường thuật của trưởng ban Việt Ngữ Michael Mathes:

http://www.voanews.com/vietnamese/images/mm_conf_taylor_31307_210.jpg
Chuyên gia về vấn đề Việt Nam của đại học Cornell, giáo sư Keith Taylor(phải), và ông Larry Berman, tác giả một quyển sách mới xuất bản nói về điệp viên Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn

Chủ đề của cuộc hội thảo diễn ra hồi cuối tuần qua tại Trung tâm Việt Nam của Đại học Công nghệ Texas ở thành phố Lubbock là tác động của văn hóa, sắc tộc và tôn giáo đối với chiến tranh Việt Nam. Một trong số những kết luận nổi bật của những cuộc thảo luận trong hai ngày này là: Sự thiếu hiểu biết của Hoa Kỳ về văn hóa, lịch sử và dân tộc Việt Nam đã góp phần mang đến thất bại của nước Mỹ ở Đông Nam Á.

Nhiều học giả tham dự hội nghị cho rằng: trong lúc các quân nhân Mỹ đang hy sinh chiến đấu ở Iraq, những bài học của cuộc chiến Việt Nam lại không được giới hữu trách ở Washington chú tâm học hỏi.

Học giả James Bruton phát biểu như sau về vấn đề này:

Những nỗ lực của Hoa Kỳ ở Việt Nam phản ánh sự thiếu chuẩn bị về văn hóa cho chiến trường. Đây chính là một phần của văn hóa Mỹ, vốn không chú trọng tới yếu tố văn hóa trong các cuộc xung đột quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ có xu hướng xem mọi vấn đề như là những vấn đề kỹ thuật. Xu hướng này có thể nhìn thấy rất rõ trong tình thế hiện nay.

Ông Bruton rõ ràng là muốn đề cập tới cuộc chiến tranh đang kéo dài sang năm thứ 5 ở Iraq, cuộc chiến tranh mà ngày càng có nhiều người mang ra so sánh với cuộc chiến tranh Việt Nam diễn ra cách nay hơn 4 thập niên.

Cũng tương tự như tình trạng hiện nay ở Iraq, Hoa Kỳ đã ồ ạt đưa quân sang miền Nam Việt Nam trong những năm của thập niên 1960 trong lúc chỉ chú trọng tới những vấn đề có tính chất kỹ thuật như hiệu năng tổ chức, phương cách đạt được mục tiêu, và làm thế nào để đánh bại kẻ thù. Cái nhìn thuần kỹ thuật này đã khiến cho người Mỹ không mấy chú trọng tới Khổng Giáo, một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam. Theo giáo sư Bruton, sự thiếu hiểu biết của người Mỹ đối với những giá trị truyền thống của Á Châu đã gây ra sự xung đột giữa người Mỹ và người Việt ngay từ lúc đầu. Ông Bruton nói tiếp:

http://www.voanews.com/vietnamese/images/mm_vn_conf_bruton_210.jpg
Học giả James Bruton phát biểu tại buổi hội thảo ở Trung tâm Việt Nam của Đại học Công nghệ Texas tại Lubbock, nói Hoa Kỳ thiếu hiểu biết về văn hóa, lịch sử và dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến

Một vụ xung đột giữa các nền văn minh đã xảy ra giữa người Mỹ và đồng minh của Mỹ ở miền nam Việt Nam. Nền văn hóa thiên về kinh tế của chúng ta đã va chạm với văn hóa chú trọng về các mối tương quan cá nhân của Việt Nam. Cả đôi bên không ai hiểu nhau. Văn hóa tổ chức của Mỹ, một bộ phận nhỏ của văn hóa kinh tế, khác xa với hệ thống mang tính chất quan lại khoa bảng của Việt Nam.

Theo Giáo sư Tạ Văn Tài của Đại học Luật khoa Harvard, một sai lầm quan trọng của Washington là không nhận thức được rằng tinh thần dân tộc đã bị các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam lợi dụng để kêu gọi dân chúng tham gia chiến đấu.

Tiến sĩ Richard Verrone cũng tán đồng nhận xét của giáo sư Tạ Văn Tài. Ông Verrone nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hiểu rõ đối thủ và nói thêm rằng chính phủ Mỹ hiện nay vẫn chưa chú tâm đầy đủ tới việc này.

Hiện nay, công tác giáo dục về văn hóa vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Điều này rất rõ ràng. Về phần cuộc chiến Việt Nam, tôi nghĩ rằng một trong những bài học quí giá mà chúng ta có thể học là cần phải hiểu rõ kẻ thù của mình. Phải hiểu một cách thấu đáo kẻ thù của mình. Điều đó chúng ta đã không làm được ở Việt Nam và do đó chúng ta đã phải gánh chịu nhiều thương tổn.

Ông James Donovan là một cựu binh sĩ thủy quân lục chiến từng phục vụ ở Việt Nam trong chương trình CAP (Combined Action Platoons), là chương trình được các cựu quân nhân mô tả là một một trong những chương trình gặt hái nhiều thành công nhất trong thời chiến tranh Việt Nam. Hai năm trước đây, các giới chức bộ quốc phòng Mỹ đã tham khảo ý kiến của ông Donovan và các cựu chiến binh khác về cách đối phó với cuộc nổi dậy ở Iraq. Ông Donovan thuật lại như sau về những gì mà ông đề nghị:

Đề nghị số một mà chúng tôi đưa ra là phải học hỏi về văn hóa. Ngôn ngữ chỉ là việc phụ. Việc chính là học về văn hóa và tín ngưỡng. Sau đó tôi nhận được hồi đáp từ Căn cứ Riley. Họ cho tôi biết rằng có một viên trung đoàn trưởng nói rằng “tôi không cần biết văn hóa của họ. Tôi chỉ cần biết phải giết ai mà thôi.”

Giết ai đã trở thành một vấn đề cực kỳ phức tạp ở Iraq, nơi mà nhiều phe phái không rõ phe ta hay phe địch đang giao tranh với nhau trong một cuộc chiến tranh phi qui ước. Nhiều bài học từ cuộc chiến Việt Nam có thể áp dụng cho cuộc chiến Iraq có liên hệ tới những nhóm dân quân như Bình Xuyên và những lực lượng của các giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo vốn có nhiều ảnh hưởng ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những năm của thập niên 1940 và 1950.

http://www.voanews.com/vietnamese/images/mm_conf_reckner_210.jpg
Tiến sĩ James Reckner, người sáng lập Trung tâm Việt Nam tại Đại học Công nghệ Texas

Theo nhà nghiên cứu quân sự Carmen Steigman, các viên chỉ huy quân đội Mỹ ở Iraq nên tìm hiểu về vai trò của những lực lượng không thuộc nhà nước ở Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng các học giả đương đại và các nhà phân tích quân sự có thể nhìn lại lịch sử của các giáo phái ở Việt Nam trong thập niên 1940, 1950 và học hỏi về cách hành xử của họ để hiểu được họ làm thế nào để có thể hoạt động có hiệu quả, có sức mạnh, và có thể tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng. Tôi cũng nghĩ rằng chúng ta có thể nhìn lại để tìm hiểu xem chúng ta có thể giải thể những nhóm này bằng cách nào, vì ông Ngô Đình Diệm đã có thể phá vỡ các nhóm vũ trang này trong năm 1955. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể học hỏi về những cách mà ông Diệm đã dùng.

Một chuyên gia nổi tiếng về vấn đề Việt Nam của đại học Cornell là giáo sư Keith Taylor. Ông đã học tiếng Việt một năm trước khi sang phục vụ tại Việt Nam và so với các quân nhân Mỹ lúc đó, ông là người có chút ít kiến thức về văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng những khác biệt về văn hóa không có tầm quan trọng cao như nhiều người vẫn thường nêu lên.

Tôi không nghĩ rằng yếu tố văn hóa có vai trò thật sự quan trọng trong tình hình chiến tranh. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta có được sự rõ ràng về chiến lược đối với những gì mà chúng ta đã làm ở Việt Nam thì vấn đề văn hóa đã không khiến chúng ta gặp nhiều trở ngại như vậy. Theo tôi, các đồng minh trong thời chiến có thể gác qua một bên những sự khác biệt về văn hóa, với điều kiện là giới lãnh đạo cuộc chiến có khả năng xác định mục tiêu và giành được chiến thắng.

(VOA)

Aucun commentaire: