NHÌN LẠI 30 NĂM TRƯỚC
Nguyễn Khắc Toàn (tháng 4-2006)
Thấm thoát thế mà đã một phần ba thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi thế hệ chúng tôi những thanh niên Hà Nội rời ghế nhà trường vượt dãy Trương Sơn hàng ngàn cây số vào Nam chiến đấu...
Cuộc chiến tranh "Huynh đệ tương tàn - nồi da nấu thịt" ấy đã để lại trong tôi những chấn thương về cả tinh thần lẫn thể xác. Về phương diện tinh thần, tôi đã có cái nhìn rất khác so với nhiều đồng đội của mình là những người xuất phát đa phần từ nông dân, sinh trưởng từ nông thôn miền Bắc Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu.
"Rằng đây là cuộc chiến tranh cách mạng nhằm giải phóng miền Nam khỏi đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ ngụy quyền tay sai ! ! ? ? ? "
"Rằng đây là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân Miền Nam khỏi ách kìm kẹp của Mỹ Ngụy và đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thiêng liêng...", như bộ máy tuyên truyền vĩ đại ở miền Bắc hô hào ngày đêm !!!? v.v... và v.v...
Sau ngày kết thúc cuộc chiến 30-4-1975, tôi có dịp cùng đơn vị vào tiếp quản các thành phố và thị trấn như: Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Cần Thơ, Rạch Giá tận mắt chứng kiến cuộc sống của đồng bào vùng miền Tây Nam bộ trên cả mặt trái và phải. Cả ngày và đêm 30-4-1975, tôi cùng đồng đội tiến vào các thị xã, thị trấn thuộc tỉnh Long Châu Hà (là địa danh của 2 tỉnh Long Xuyên - Châu Đốc và thị trấn Hà Tiên mà quân đội miền Bắc gọi tắt).
Ngồi xuồng gắn máy đuôi tôm trên đường vào thị xã Long xuyên, tôi nhận thấy ở vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt này dấu vết chiến tranh ít hiện hữu và cuộc sống của người dân thật hiền hòa và trù phú. Dọc bờ sông Hậu Giang, cũng như trên các kênh rạch nhà cửa người dân miệt vườn san sát, cây trái sum xuê trĩu quả nào măng cụt, dừa, chôm chôm, mận, xoài… nào ghe thuyền đầy ắp hàng hóa tấp nập chạy xuôi ngược… Lác đác tôi cũng thấy những túp lều tranh của những gia đình nông dân nghèo khổ sống bên hai bờ kênh.
Tình trạng những gia đình nông dân nghèo khổ lam lũ chủ yếu tập trung ở những vùng chiến sự ác liệt. Chẳng hạn như ở nơi cơ quan chúng tôi đóng căn cứ sâu trong rừng Tràm thuộc xã Nam Thái Sơn huyện Châu Thành tỉnh An Giang là một ví dụ.
Cuối năm 1975, tôi được đưa lên Sài Gòn (lúc đó đã được chế độ mới đổi tên là TP Hồ Chí Minh) nằm chữa bệnh ở tầng 9, phòng dành riêng cho cán bộ, chiến sỹ quân đội miền Bắc bị thương tại bệnh viện Chợ Rẫy- Sài Gòn. Thời gian chữa bệnh ở thành phố hoa lệ được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông này, tôi còn choáng ngợp và sửng sốt hơn nữa về cuộc sống ở đây: cửa hàng, cửa tiệm buôn bán tấp nập nhịp sống của người dân hối hả. Ở ngoại ô thành phố, khu công nghiệp Biên Hòa của các nhà tư sản dân tộc Việt và Hoa các xí nghiệp, nhà máy san sát chạy dài hàng chục cây số. Tôi có cảm giác như lạc vào một thành phố công nghiệp sầm uất nào đó của một quốc gia tư bản ở Á châu. Tôi cũng đã tới những khu nhà ổ chuột tồi tàn của người dân nằm hai bên bờ kênh hôi thối ở Nhiêu Lộc - Quận 4, những khu lao động nghèo ở xóm Củi, ở Thị Nghè, ở Kênh Tàu Hủ ... Tôi tận mắt chứng kiến cuộc sống cơ cực, nghèo khó của người dân ở giữa đô thành Sài Gòn phồn hoa.
Nhưng tôi nghĩ, nếu đất nước này không có những cuộc chiến tranh dài hơn 30 năm vì ý thức hệ, vì dùng bạo lực nhằm thống nhất giang sơn và áp đặt lên toàn bộ đất nước: 1 chế độ chính trị XHCN vừa sơ cứng, giáo điều, vừa phản tiến hóa và lỗi thời theo học thuyết Mác-Lênin, thì chắc chắn miền Nam nói riêng và cả Việt Nam nói chung sẽ có nhiều cơ hội, điều kiện để xây dựng thành quốc gia thịnh vượng phú cường về kinh tế, dân chủ tự do về chính trị và xã hội.
Và nếu thể chế chính trị của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa tồn tại và sẽ tiếp tục là một quốc gia có chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ phù hợp với trào lưu chung của cả nhân loại ngày nay. Về phương diện kinh tế và đời sống xã hội của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, chắc chắn sẽ là một quốc gia công nghiệp phát triển và thịnh vượng nằm trong số những "Con rồng Châu Á" mà cả thế giới biết đến như các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Singapo, Thái Lan, Hồng Kông.
Mô hình chế độ chính trị Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây, khi ở miền Bắc tôi được nghe tuyên truyền rằng, đó là một loại hình chủ nghĩa “thực dân kiểu mới” do đế quốc Mỹ dựng nên làm tiền đồn và bàn đạp để tấn công miền Bắc và phe XHCN do Liên Xô và Trung Quốc là những nước anh em đứng đầu.Và các cơ quan tuyên truyền ở miền Bắc còn nói: về kinh tế, Miền Nam Việt Nam là một thị trường để tiêu thụ hàng hóa tư bản ế thừa của các nước phương Tây. Đây cũng là nơi mà bọn tư bản và đế quốc nước ngoài vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động rẻ mạt của nhân dân. Về đời sống văn hóa, xã hội, giáo dục…, thì mảnh đất màu mỡ ở miền Nam Việt Nam là nơi để gieo mầm cho văn hóa nô dịch của đế quốc, ngoại bang nảy nở, phát triển. Trên báo, đài phát thanh, sách văn học, sách giáo khoa dạy trong các trường học ở miền Bắc thì đầy dẫy những tuyên truyền về miền Nam là cả “một nhà tù lớn, một trại tập trung khổng lồ”. Ở nông thôn thì nông dân bị kìm kẹp trong các ấp chiến lược với lớp lớp hàng rào dây thép gai bao quanh, với nhiều chòi canh có lính được trang bị súng đạn tối tân canh gác đêm ngày v.v . và . v.v …
Nhưng trên thực tế, khi tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người bà con gia đình hai bên nội, ngoại di cư từ quê hương miền Bắc vào miền Nam từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Qua việc đó, giúp tôi có một nhận thức rất khác về đời sống xã hội, kinh tế và chế độ chính trị ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Đó là một xã hội mà cuộc sống nhân dân được hưởng nhiều cởi mở và tự do. Người dân từ nông thôn đến thành thị được sống tự do dân chủ, được hưởng rất nhiều quyền Con người căn bản hơn, như: Có tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do biểu tình - mít tinh, tự do hội họp, tự do sinh hoạt đảng phái chính trị, tự do xuất dương và cư trú trong nước, tự do mưu sinh, tự do ứng cử và bầu cử...
Ngay tại đô thành Sài Gòn có tới hàng chục tờ báo được tự do phát hành, những chủ báo phần lớn là của tư nhân với mọi chính kiến khác nhau kể cả chính kiến đối kháng mạnh mẽ với chính thể nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, như các báo: Đuốc Nhà Nam, Điện Tín, Hoà Bình, Sóng Thần, Tin Sáng, Đại Dân Tộc ... Trong Hạ nghị viện ( Quốc hội ) của chế độ ở Sài Gòn lúc đó có nhiều đảng phái được tham gia sinh hoạt chính trị như: Đảng Đại Việt, Đảng Quốc dân, Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa, Đảng Việt Nam Cách mạng …
Ở các vùng thôn quê thuộc đồng bằng sông Cửu Long nơi tôi công tác, tôi thấy còn rất nhiều những áp phích, bích chương và hình ảnh các ứng cử viên ra tranh cử Hội đồng chính quyền các cấp trong các cuộc bầu cử địa phương được treo, dán la liệt khắp nơi công cộng để dân chúng xem và lựa chọn. Về đời sống kinh tế, thương mại tôi thấy dân chúng được tự do buôn bán, làm ăn. Cuộc sống của họ ở cả thành thị và thôn quê rất sung túc, khung cảnh sầm uất và trù phú.
Thời còn là học sinh ở Hà Nội, tôi đã đọc trên báo chí của Đảng CS (khi đó còn gọi là Đảng lao động Việt Nam) ở miền Bắc đưa tin về các phong trào đấu tranh biểu tình của học sinh, sinh viên miền Nam chống chế độ Sài Gòn rầm rộ trên khắp các đô thị lớn lúc đó, như ở Huế, Đà Nẵng và đặc biệt ở đô thành Sài Gòn. Ấn tượng nhất là những phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe", "Nói cho đồng bào tôi nghe", các phong trào bãi khóa của sinh viên đại học Sài Gòn, của sinh viên đại học Vạn Hạnh phản đối trò bầu cử độc diễn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Các phong trào đấu tranh của các phật tử sôi sục trên các đô thị ở miền Nam, tiêu biểu như vụ tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức ở Phú Nhuận Sài Gòn chống chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Phong trào bãi thị của bà con giới tiểu thương phản đối sưu cao thuế nặng ở chợ Bến Thành Sài Gòn, chợ Đông Ba ở Huế chống chế độ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. . .
Tôi đối chiếu, so sánh với cuộc sống ở Hà nội và cả miền Bắc XHCN thì những thứ "Tự do dân chủ " và đời sống khá giả ấy quả là một sự xa xỉ và hoàn toàn xa lạ đối với người dân miền Bắc. Không bao giờ những nhà lãnh đạo Cộng Sản miền Bắc muốn xây dựng, cũng như "nhân giống" cho nảy mầm phát triển sự tự do đó trên mảnh đất phía bắc khô cằn, khổ hạnh và nghèo khổ này...
Bi kịch lớn của dân tộc ta, tổ quốc ta là ở chỗ cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” đã tốn biết bao núi xương, sông máu của nhân dân cả nước nhằm hủy diệt một chế độ đa đảng dân chủ, tự do, và một nền kinh tế thị trường đã từng tồn tại ở miền Nam VN trước năm 1975, mà giờ đây nhân dân chúng ta đang phải đấu tranh để được đi lại đúng con đường này.
NGUYỄN KHẮC TOÀN
Những ngày cuối tháng Tư 2006
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire