1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mardi 13 février 2007

Nam bo da bi dcsvn lua gat va nhuom do nhu the nao ?

Muốn biết rõ Nam Bộ đã bị đảng Cộng Sản Việt Nam lừa gạt và “nhuộm đỏ” thế nào? Cần đọc tác phẩm của Vy Thanh: Lớn Lên Với Ðất Nước

Tôn Thất Thiện

Nói lên “sự thật méo mó”


Vào khoảng năm 1990-1991, nhân dịp ghé Paris, tôi được một người cộng sản đã bỏ Ðảng giới thiệu với ông Phạm Ngọc Thuần. Ông này từng giữ chức lớn trong hàng ngũ Việt Cộng, làm đại sứ ở Ðông Ðức, nhưng sau 1975 ông bỏ cộng sản và tỵ nạn ở Pháp. Trong cuộc nói chuyện ông tỏ ra không ưa thích cộng sản, nhưng khi tôi gợi ý ông nên viết hồi ký kể lại những chuyện mà ông đã nghe tận tai, thấy tận mắt trong thời gian ông đi với cộng sản thế nào thì ông trả lời: “Mình đã đi với người ta lâu, không lẽ nay lại nói này nói nọ về họ...”


Thái độ của ông Phạm Ngọc Thuần là thái độ của rất nhiều người gốc Nam Bộ đã đi với cộng sản. Hậu quả là tuy chúng ta biết rằng người Nam Bộ, cũng như người Việt ở những vùng khác, đã bị Ðảng Cộng sản lừa gạt lợi dụng chiêu bài chống Pháp dành độc lập thế nào để thực hiện ý đồ sâu xa của họ là biến nước Việt Nam thành một quốc gia cộng sản, một “tiền đồn của khối xã hội chủ nghĩa” do Liên xô cầm đầu, chúng ta không được biết tường tận, chi tiết Nam Bộ đã bị Ðảng Cộng sản “nhuộm đỏ” thế nào. Nay, nhờ tác phẩm Lớn Lên Với Ðất Nước ta trám được một lổ hổng lớn về sự thiếu sót này. “Miền Nam bị nhuộm đỏ,” cụm từ mà Vy Thanh dùng (tr.43), cũng có thể là tít của tác phẩm có tính cách hồi ức này.

Vy Thanh là một trí thức gốc Nam Bộ đã “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu,” bỏ “thành vô bưng,” tham gia kháng chiến chống Pháp, đã được chỉ định làm công tác ở Ban tuyên huấn của Khu 9 [vùng từ Cần Thơ đến Rạch Giá và U Minh], và đã được đi học lại để làm công tác trí vận ở vùng (Ðặc Khu) Sài Gòn-Chợ Lớn. Sau khi Hiệp Ðịnh Genève được ký, anh lại được Ðảng chấp nhận cho đi Mỹ học để chuẩn bị công tác trí vận chống Mỹ trong tương lai. Nhưng những quan sát và suy tư của anh trong thời gian “ở trong bưng,” rồi “về thành,” và ở Mỹ, đã làm anh ta tỉnh ngộ. Và may cho anh ta, khi học ở Mỹ xong về lại xứ thì tổ trí vận Sài Gòn-Chợ Lớn bị vỡ, anh mất liên lạc, và cũng nhờ khi vô “vô bưng,” rồi “về thành” anh đều bị đổi tên nên không còn trong danh sách cán bộ trí vận đó nên chẳng ai biết anh còn sống hay chết, nay ở đâu, làm gì, và không bị ai móc nối nữa. Dù sao anh đã quyết định rằng tinh thần yêu nước “đi kháng chiến... giống như con nít thấy người lớn đi coi hát, chạy theo, vô rạp [như hồi đám ma Trần Văn Ơn, 1950]... giờ không còn hợp thời nữa.” Anh nói với thân phụ anh rằng “ý định của con là không muốn trở vào bưng hay ở ngoài thành hoạt động nữa. Ðối với con, mất bao nhiêu năm đó là đủ rồi.”( tr.338-339). Sau ngày cộng sản chiếm Sài Gòn, anh ta bị đi trại học tập một thời gian, nhưng sau đó anh vượt biên được với gia đình, và định cư tại Mỹ.

Trong Lớn Lên Với Ðất Nước, anh Vy Thanh đã kể lại cuộc đời của anh từ lúc anh 12 tuổi, vào lúc Thế Giới Chiến II tiếp diễn và anh mục kích cảnh người Việt bị hiếp đáp, hành hạ, chà đạp, giết chóc. Trước là người bởi ngoại quốc: Nhựt, chủ mới của Việt Nam sau khi lật đổ Pháp; rồi đến quân đội Pháp trở lại, mang theo những lính Lê Dương, gốc Ả Rập, gốc Phi; rồi người Việt nhân danh độc lập và “Cách mạng.”

Lớn Lên Với Ðất Nước chia thành 10 chương, dày 753 trang, trong đó 396 trang là bản chính, 352 trang là chú thích. Tác giả đã tham khảo 208 tài liệu, một phần lớn là tài liệu của “bên kia” (cộng sản). Ðó là chưa kể báo chí. Một điều đặc biệt, rất hiếm, mà có thể nói là chưa hề có trong các sách Việt Nam, là sách có một Danh mục (Index). Có thể nói rằng Lớn Lên Với Ðất Nước là một công cụ nghiên cứu và một kho tàng vô giá cho những nhà sưu khảo về lịch sử, cùng các môn học địa lý, xã hội, tâm lý, canh nông, tôm cua cá, cây trái, của Miền Hậu Giang.


Những chuyện đã nghe, thấy


Tác phẩm hết sức phong phú. Vy Thanh nói về những chuyện “đã nghe, thấy, hiểu biết về đất nước từ ngày lớn lên.” Những chuyện ấy “nhiều lắm.” Như đã thấy, nó chiếm 396 trang. Ở đây không thể đề cập đến hết những chuyện đó được. Ðộc giả nào nóng ruột muốn biết ngay Vy Thanh đã đề cập đến những gì, xin lật sách ngay đến những trang 393-395. Trong đó, Vy Thanh đã tóm tắt những chuyện gì anh đã đề cập đến. Ở đây chỉ có thể trích ra một vài chuyện đáng ghi nhất.


- “Những chiếc ghe hầu của cán bộ lãnh đạo... Tôi được anh liên lạc chèo ghe cho lãnh đạo mời xuống tam bản [dành riêng cho lãnh đạo] uống cà phê sữa trong khi thủ trưởng của anh đọc leo lẻo... cần kiệm liêm chính cho cán bộ huyện chép về học.”

- “Nửa đêm cô nữ sinh tốc mùng chạy, la hoảng trong rừng.” [vì bị một ông cán bộ cấp Trung ương lén mò chun vô mùng cô ta để làm chuyện đốn mạt].

- “Hơn một trăm ghe chài chở lúa đầy nhóc bị nhận chìm làm thúi khúc sông cả tháng.

Những bà già ngồi bên cạnh hai cái nong đựng đầy vịt mới nở, bóc từng con ở nong này đưa lên xem rồi đặt sang nong kia... chỉ vì Ủy ban Kháng chiến-Hành chánh biểu phải bẻ cổ hết.” [theo kế hoạch “nông thôn bao vây thành thị với chính sách ngoại bất nhập nội bất xuất”của các ông cán bộ Trung ương phái vô không biết gì về điều kiện địa phương].

- “Chương trình tiểu học năm năm dạy xong trong 18 tháng..., lên lớp Nhứt học trò làm được toán đại số, chứng minh được những định lý hình học phẳng. Nhưng anh học trò giỏi trưởng trại ở Trường trung học kháng chiến chưa học qua hàm số y = ax2 + bx + c. Cô mụ vườn học một khóa 3 tháng... đỗ bằng bác sĩ đẻ.”



- “Ngay từ ngày đầu của Nam bộ kháng chiến, “Ta” kêu gọi thầy cô giáo, sinh viên học sinh, văn nhân ký giả đóng góp cho cuộc kháng chiến thần thánh của “Ta.” Sự thật đã hiển hiện như thế nào khi nhóm Ðệ Tam triệt hết những người yêu nước như, xin kể một vài vị, các ông Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà, v.và Văn nhân như các cụ Phan Khôi, Phùng Cung cùng các bằng hữu đã làm gì đến nỗi bị tù đày? Báo Nhân Văn có tội với đất nước chẳng bằng việc vác cả bộ Das Kapital về lệnh cho dân Việt thờ phụng tụng niệm hằng ngày?

“Ta” dạy dân thù ghét thực dân Pháp. Nhưng thầy giáo của “Ta” dạy học trò phải tin yêu Liên Xô, thành trì xã hội chủ nghĩa. “Ta” mắng Lê Tắc cầu vinh phương Bắc. Nhưng “bác Sáu Lê” với y phục cổ đứng 4 túi kiểu Bắc Kinh, vào chầu “Bác” Mao trước khi tới Paris phó hội.

Cộng tác với Pháp là Việt gian, làm việc với Mỹ là Mỹ ngụy. Nhưng “Bác” Hồ sang Moscou xin Stalin viện trợ đánh Tây, “Bác” qua Bắc Kinh yêu cầu Mao Trạch Ðông và Ðảng Cộng sản Trung Quốc giúp đánh úp miền Nam là yêu nước.

- Ðấy! Ai Việt gian hơn ai? Ai ngụy chẳng thua ai?



Về tư tưởng, đã nói: “Ta” chẳng có tư tưởng gì hết. Lạt mềm buộc chặt là phương pháp “Ta” cột cái gì đó với con người. Vợ cả, vợ hai, hai ba vợ đều... là cách giải quyết thỏa đáng từng vấn đề của “Ta.” Ðạo đức cách mạng là đó.” (tr.393-395).


Tức lộn ruột

Tác giả Vy Thanh nói nhiều về TƯC (Trung ương cục) vì rất nhiều người tham gia kháng chiến chống Pháp ở vùng Hậu Giang đã là nạn nhân của một số nhân vật của cơ quan này, và trong lúc trò chuyện với nhau đã tiết lộ cho nhau biết những gì đã xảy ra cho bản thân họ. Ðoạn sau đây tóm tắt tâm trạng của họ nhân dịp bàn về hai cán bộ cao cấp của TƯC.

Câu chuyện xoay quanh vấn đề các ông “lãnh tụ” ở Trung ương được gởi vào công tác ở Khu 9 - vùng Hậu Giang - đã lớn tuổi và đã có vợ rồi, nhưng vào đây lại muốn “xây dựng” với gái sở tại, trước bằng dụ dỗ, rồi đến cách ép buộc các cô làm dưới quyền mình, và ban đêm lén vô nhà và vô mùng các cô định dở trò. Một cô tên là Thanh bị “bác Sáu” chiếu cố, một cô tên là Ðào bị “ông Chín Kỳ” chiếu cố. Hai cô này làm việc tại Văn phòng “A” của Ban Tuyên huấn. Cô Thanh bị “anh Sáu” ban đêm lén vô nhà chui vô mùng, cô hô hoán lên. Cô Ðào bị “ông Chín Kỳ” biểu xuống ghe tam bản với ông, rồi kéo níu cô, đè cô làm ẩu. Cô ta phải phóng xuống kinh lội, leo vô nhà dân trốn, kêu cứu. Kết quả là cô Thanh bị “bác Sáu” ra lệnh đuổi khỏi văn phòng, và cô Ðào bị “ông Chín Kỳ” mắng cô về tội “làm nhục cấp Trung ương trước mặt dân.”

Khi nói đến “bác Sáu” và “ông Chín Kỳ,” Vy Thanh góp phần:

“Tôi cũng rõ ‘bác Sáu’ là ai rồi. [“Bác Sáu” là Lê Ðức Thọ, Phó Bí thư TƯC Miền Nam, gốc Nam Ðịnh]. Tôi cũng rõ Lưu Quý Kỳ là người thế nào. [Lưu Quý Kỳ là Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Miền Nam, gốc Quảng Nam]. Mấy đứa bạn trai cùng trường Nguyễn Văn Tố đã về cơ quan này trước tôi một tháng, bật đèn báo động về một số nhân vật thuộc loại vừa có râu cằm lại có nanh ở đây khi tôi vào văn phòng 'A'” [thuộc TWC].

Tụi nó nói:

“Ðây là đất TƯC, đọc theo từng âm của mẫu tự thành tức. TƯC là chỗ gây ra cái tức, như tức mình vì thấy quá nhiều chuyện trái tai gai mắt, tức hộc gạch vì ức lòng quá mà nói ra không được, máu trong tim muốn ộc ra, tức lộn ruột vì đang đứng gặp chuyện ngược đời thành thử đầu dộng xuống đất cẳng chổng lên trời.” (tr.290).

“Tức hộc gạch,” “tức lộn ruột” là động lực thúc đẩy Vy Thanh viết Lớn Lên Với Ðất Nước. Nó là sợi chỉ đỏ xuyên qua suốt tác phẩm này. Như anh giải thích trong “Lời nói đầu”:

“Những trang sau đây là chuyện của bốn thế hệ sống trên hữu ngạn Sông Hậu. Bắt đầu từ khi lửa chiến tranh Thế Giới Thứ II... Trong số chuyện có cảnh tàn ác, dã man. Tôi không vì tính ác nghiệt, vô nhân đạo ghi nhẹ đi. Vì đó là cảnh thật, động tác chính xác xảy ra trước mắt tôi lúc bấy giờ. Tôi chỉ muốn trình với người đọc những gì tôi thấy nhưng người ta muốn giấu để ‘thắng’ người dân trong nước, để ‘khoe’ chế độ tiến bộ trên thế giới.

...

Tôi trích dẫn các sự kiện... nhằm giúp người đọc thấy rõ cuộc chiến giữa người trong nhà trên đất nước tôi ở góc cạnh khác, góc cạnh luôn được tô đậm là “sự thật” nhưng là “sự thật méo mó” để cùng tôi, chúng ta hỏi:

Có đáng hy sinh cả triệu người - Việt, Pháp, Mỹ - cho cuộc chiến đó? Ðáng tặng giải “Nobel Hòa bình què” năm 1973 cho hai người đã quàng khăn tang lên đầu các góa phụ và những trẻ Mỹ, Việt mồ côi cha không? (tr. xiii).

Vô chiến khu

Lớn Lên Với Ðất Nước là hồi ức của một thanh niên vùng Hậu Giang của Nam Bộ kể lại hành trình của mình từ lúc “bỏ thành vô bưng” đi kháng chiến đánh Pháp dành độc lập cho đất nước, nhưng sau một thời gian sống trong “bưng” mục kích nhiều cảnh chướng tai gai mắt, thấy mình lầm, bị cộng sản lường gạt và lợi dụng, đã rút mình ra khỏi tình trạng con chốt bị thí. Người thanh niên đó là Vy Thanh, nhưng có thể là một trong hàng ngàn hàng vạn thanh niên Nam Bộ, và có thể nói toàn quốc, đã rơi vào tình trạng đó. Nhưng khác với Vy Thanh, họ đã không gặp một số may mắn giúp họ thoát mạng lưới của cộng sản.

Vy Thanh lớn lên giữa lúc tình hình quốc tế và quốc nội chuyển biến dồn dập: Chiến Tranh Thế Giới II bùng nổ, Nhựt đưa quân vô Bắc Việt, rồi Nam Việt, đảo chính Pháp làm chủ Việt Nam, rồi bị Ðồng Minh đánh bại; Pháp mang quân định đặt lại chủ quyền trên Việt Nam. Sự kiện này phát động một phong trào kháng chiến chống Pháp. Ðồng thời Ðảng Cộng sản Việt Nam đội lốt Việt Minh, nhân danh tranh đấu dành độc lập, cướp quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Rồi cựu Hoàng Bảo Ðại tái xuất hiện và ký hiệp định nhận Việt Nam là thành phần Liên Hiệp Pháp, nghĩa là liên minh với Pháp chống Việt Minh, nghĩa là chống kháng chiến. Cộng sản có một đề tài tuyên truyền rất hữu hiệu.

Những năm 1945-1950 là những năm đời sống dân Nam Bộ xáo trộn. Một trong hậu quả của sự xáo trộn đó là một phần thì trường ốc đóng cửa, một phần thì tinh thần thanh niên giao động, và bị ảnh hưởng lớn của phong trào kháng chiến. Vy Thanh nhận xét:


“Tinh thần dao động của người quốc gia miền Nam được cộng sản khai thác. Thừa nước đục, Việt Minh quậy thêm cho đục ngầu với nhiều màn xích động. Học trò, cô giáo nhẹ dạ, bạn hàng rong ngoài chợ, các anh xe đạp xích lôi khắp các đường phố, thầy thông ông phán dễ tin trong mấy công sở ở tỉnh, hễ nghe Việt Minh xúi đi biểu tình đánh đuổi Tây thì tất cả xuống đường cái rụp.” (tr.120).

Vy Thanh cũng bị phong trào này lôi kéo. Khởi tiên, anh ta chỉ đi một tháng: “Vô bưng coi cho biết.” Nhưng rồi, sau “vụ trò Ơn,” bị kích động mạnh, lại được hứa sẽ được đi Ba Lan, Ấn Ðộ học, anh ta xin cha mẹ cho đi “vô chiến khu” luôn. Và từ đây bắt đầu một “đời sống mới,” một đời sống với tên mới, ngôn ngữ mới, sống theo tiêu chuẩn “tập thể,” biết nhận “giai cấp mới” với tiêu chuẩn “tiểu táo,” “đại táo.” Ðặc biệt là đời sống của mình do người khác quyết định. Người khác đó là “Cách mạng,” nghĩa là Ðảng Cộng sản. Và sau khi được giao công tác “những phiền phức bắt đầu” (tr.157), đặc biệt là phải “học hỏi để nắm vững đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân của Ðảng... nhiệm vụ bức thiết hàng đầu là học tập về chính trị, tư tưởng và tổ chức” (tr. 163). Vy Thanh đã bước vào một thế mà chỉ có tới không có lui.

Trong thời gian chỉ hơn nửa năm anh Vy Thanh đã ý thức được điều trên đây. Anh biết rằng “giặc Tây trước mặt không nguy hiểm bằng kẻ thù trong hàng với mình, đứng ở sau lưng!” Anh được biết rằng nhiều chiến sĩ cộng sản hoặc quốc gia có công chống Pháp đã bị loại. Anh đã thấy “mặt nhám phía sau cái huy hiệu “kháng chiến chống Pháp giành độc lập.” Mặt đó “được sơn toàn màu đỏ.” (tr.227)


Về “độc lập, tự do, dân chủ” anh nói:


“Tôi thấy thương dân nước tôi quá. Họ chiến đấu với Pháp dành lại độc lập, tự do, đặng có cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc đâu chẳng thấy, chỉ thấy bất hạnh ngay từ Tháng Tám năm xưa: Thằng chổng trôi lềnh bềnh trên sông, người bị bắn ở sân banh, đàn ông bị mổ bụng dồn trấu, bị cho mò tôm, bị bắn sau ót, đàn bà bị hiếp, chồng vắng đang đêm ngủ bị người có quyền có chức dỡ mùng chung đại vô, trẻ con đi coi hát cũng bị lựu đạn què dò, v.v... đủ cảnh!” (tr.232)

Nhưng anh Vy Thanh ý thức rằng anh chỉ là “một con chốt trên bàn cờ,” và “chốt chỉ có đi tới không có bước lùi!” Cho nên khi anh nghe trưởng cơ quan của anh đề cập đến việc kết nạp vào Ðảng, anh ù tai! Anh nói: “Tôi biết được kết nạp tức là bước vào vòng kiềm tỏa của họ.” Anh cũng ý thức được rằng “Mình đang sống chung với hổ, báo, beo... toàn thú ăn thịt, giết thú lẫn người, không từ một ai” (tr.289). Anh thấy rõ “mình hiện đang ngồi trên lưng cọp... Nếu tôi nhảy xuống dọc đường, nó sẽ nhai nát đầu tôi” (tr.304). Nhưng anh cũng quyết định rằng anh sẽ không có ngày trở về chiến khu và “Bằng mọi cách, tôi sẽ không là quân cờ người trong trận thư hùng giữa họ và Tây.” (tr.288).


Cần phải viết


Anh Vy Thanh đã thực hiện được ý nguyện trên, nhờ một sự may mắn lớn, phải nói là rất hiếm có trong đời, và nhất là trong thế giới cộng sản: Anh đã được một cán bộ cao cấp che chở, cất nhắc vì thấy khả năng của anh lớn. Ông này là ông “Chín Trản,” Bí thư Khu ủy 9, và Giám đốc trường Ðảng Khu ủy 9. Ngay từ đầu ông ta tỏ ra có cảm tình với anh Vy Thanh, và trong suốt thời gian Vy Thanh công tác trong Ban Tuyên huấn của TƯC ông ấy đề bạt anh vào những chức vụ tốt, rồi đề nghị cho anh về thành đi học xong Tú tài, rồi lại cho đi Mỹ học. Ý định nói ra của ông Chín Trản là chuẩn bị cho Vy Thanh thành một chuyên viên văn hóa cao, và lâm thời kết nạp anh ấy vô Ðảng để làm công tác trí thức vận. Nhưng, như đã thấy, sự việc đã không xảy ra như vậy. Ðó là một điều may cho anh Vy Thanh. Nhưng cũng là một điều may cho chúng ta. Nhờ anh mà nay ta biết rõ thêm được mặt thật của cộng sản ở vùng Hậu Giang thời Nam Bộ kháng chiến. Ta hy vọng rằng sẽ có người như anh Vy Thanh viết về giai đoạn đó về vùng Tiền Giang, Miền Ðông Nam Bộ.

Ðoạn kết thúc tác phẩm của anh Vy Thanh đáng được mọi người nghiền ngẫm. Anh viết:

“Tôi nghĩ, một ngày nào.

Sẽ có nhiều cây viết ghi những dòng tương tự như tôi kể trên nhắc sự kiện đã xảy ra ở khắp nước tôi như vậy đó
.

Phải có thiệt nhiều tác phẩm nói lên chuyện thật. Từng chuyện liên hệ đến một vùng trên quê hương tôi. Nhiều chuyện gom lại thành sách phản ảnh, cảnh ngộ. Từ Bắc vào Nam. Của những nạn nhân cộng sản sống lây lất từ 1930 cho đến nay. Của những người đã từng sống, đứng trong hàng ngũ kháng chiến chống Pháp. Của những gia đình đã trải qua thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Sự thật đã rõ: Dân nước tôi được dẫn đi phá đường, đắp cản, đào hầm chông, chắt mót cho đầy hũ gạo chống Mỹ, v.v... trong suốt hai thời kỳ đó để rồi ‘Ta’ cho không vùng biển đất nước, cho dời cột mốc biên giới miền Bắc về phía Nam xa hơn đặng đền đáp tình giao hảo như răng với môi.



Chuyện ngắn dài không quan trọng. Ðiều quan trọng là đừng để chuyện thật bị võ trang tuyên truyền bóp méo.

Cần phải viết, phải kể đặng các thế hệ được sinh nhưng chỉ được sống rất ngắn ngủi trên đất Việt biết thế hệ ông cha mình đã bị cộng sản sát hại, sỉ nhục, tù đày đến mức nào; đã bất chấp hiểm nguy chẳng nề mạng sống bỏ tất cả lại phía sau để cho con cháu hưởng tự do.” (tr.395).


Ottawa,


Tôn Thất Thiện

http://s152542055.onlinehome.us/xoops4/modules/news/article.php?storyid=514

Phỏng vấn: 19-8 Là Ngày Gì
Phỏng vấn: Lớn Lên Với Đất Nước - phần 3
Phỏng vấn: Lốn Lên Vối Đất Nước - phần 2
Phỏng vấn: Lớn Lên Với Đất Nước - phần 1

· Hãy Trả Lại Sự Thật Cho Lịch Sử
· Văn Hóa và Đạo Đức Xã Hội Chủ Nghĩa

Aucun commentaire: