1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 21 février 2007

Muc thu nhap cua nguoi Viet tai My

MỨC THU NHẬP Của Một Người Mỹ Gốc Việt Tại Hoa Kỳ
Nguyễn Văn Thành


Theo tin tức trong mục tình hình kinh tế thế giới (The World FactBook) thì Tổng Sản Lượng (GDP) trong năm 2005 của toàn thế giới là 59380 tỷ đô-la (USD). Tổng Sản Lượng này là số thu nhập của trên 6 tỷ dân trên toàn thế giới trong đó riêng Hoa Kỳ có gần 300 triệu dân với số thu nhập khoảng 12370 tỷ đô-la. Như vậy, bình quân (per capita) mà nói thì số thu nhập của mỗi người Mỹ khoảng 41800 đô-la/năm. Tuy vậy chỉ có khoảng 3% dân Mỹ là giàu có có mức thu nhập nhiều triệu đô-la mỗi năm, còn đại đa số nhân dân lao động của Mỹ có số thu nhập không được cao lắm, đôi khi không đủ miếng ăn hàng ngày.
Như chúng ta đã biết cho đến năm 2005 số người Việt Nam ở Mỹ (thường được gọi là người Mỹ gốc Việt) ước lượng khoảng chừng 1 triệu 300 ngàn người. Trong đó có nhiều trẻ em Việt Nam có cha mẹ là người Việt hay có cha hoặc mẹ là người Mỹ địa phương, không nói được tiếng Việt hoặc gần như chắc chắn không đọc được tiếng Việt. Duy chỉ có những gia đình nào hết lòng quan tâm bảo vệ tiếng mẹ đẻ thì may ra mới nói hoặc viết được tiếng Việt, và điều này chắc chắn không quá 10%. Đại đa số các người Việt Nam thường tập trung sinh sống tại các vùng nắng ấm như miền Nam và Bắc California, Texas, Arizona, Florida,...nhưng trên khắp các tiểu bang ở Mỹ không nhiều thì ít đều có người Việt trú ngụ.
Dân số Mỹ được thống kê (census bureau) mỗi 10 năm một lần, và theo thống kê năm 2000 thì số người Việt Nam tại Mỹ tốt nghiệp Đại học khoảng 16% và như vậy tổng số người tị nạn tại Mỹ cho đến ngày nay tốt nghiệp Đại học không quá 200 ngàn người.

Riêng ngành Y Khoa, mỗi năm tổng số sinh viên được nhập học trên toàn nước Mỹ khoảng 16500 người và vì dân số Việt Nam khoảng 1 triệu 300 ngàn cho nên số sinh viên Việt Nam được nhập học trường Y Khoa mỗi năm chỉ khoảng 70 người. Do đó suốt 30 năm qua, tổng số sinh viên Việt Nam tốt nghiệp Y khoa chưa quá 2000 người với lý do là năm 1975 số dân Việt Nam tới Mỹ dưới 100 ngàn người, mãi đến nay số dân Việt Nam ở Mỹ tăng dần lên 1 triệu 300 ngàn, cho nên trong những thập niên 1970, 1980, 1990 số sinh viên Việt Nam tốt nghiệp từ trường Y Khoa không nhiều.

Còn ngành Dược khoa, số người tốt nghiệp Dược khoa cũng tương đương như vậy.
Trong cuộc di tản sang Mỹ có khoảng 500 Dược sĩ và 500 Bác sĩ rời Việt Nam nhưng sau 30 năm hành nghề, nhiều vị đã về hưu trí. Hiện nay, tổng số Bác sĩ, Nha sĩ và Dược sĩ Việt Nam hành nghề tại Hoa Kỳ phỏng chừng trên dưới 4000 người.
Đặc biệt các Bác sĩ thần kinh, gây mê, ung thư, giải phẫu có lương cao còn phần lớn các Bác sĩ khác thường được trả lương trên dưới 200 ngàn đô-la/năm nhưng phải đóng thuế bảo hiểm nghề nghiệp rất cao. Điều này làm cho nhiều vị Bác sĩ lúc về già không còn muốn mở phòng mạch vì tiền bảo hiểm quá nặng đôi khi còn vượt hơn số tiền thu nhập được từ các bệnh nhân.

Đối với các vị Dược sĩ thì mức thu nhập cũng khoảng trên dưới 100 ngàn đô-la/năm.
Như vậy khoảng 4000 người Việt Nam tại Mỹ quốc tương đối có lương cao, ổn định và đủ sống còn đại đa số các vị tốt nghiệp với các ngành như Kỹ sư, Quản trị Xí nghiệp, Giáo chức và các ngành khác có mức lương trung bình cũng khoảng 40 tới 80 ngàn đô-la/năm. Những dân lao động Việt Nam khác thì thường rất thiếu thốn, ấy là chưa kể những người không có nghề chuyên môn hay trong giai đoạn bị mất việc (vì các công việc bị mang sang các nước có đồng lương rẻ tiền như Ấn Độ, Singapore,...) phải làm với mức lương tối thiểu để sống qua ngày với số lương tối thiểu thấp nhất kiếm được mỗi giờ khoảng 5 đô-la 15 xu (US$5.15/giờ) và số lương tối thiểu cao nhất khoảng 7 đô-la 35 xu/giờ (US$7.35/giờ).

Sau đây là một vài thí dụ tiền lương tối thiểu trả cho công nhân của một số tiểu bang ở Mỹ:
Alaska: 7.25 đô-la/giờ (7 đô-la 25 xu một giờ)
California: 6.15 đô-la/giờ
Connecticut: 7.10 đô-la/giờ
Washington DC: 6.60 đô-la/giờ
Florida: 6.15 đô-la/giờ
Hawaii: 6.25 đô-la/giờ
Illinois: 6.50 đô-la/giờ
Maine: 6.35 đô-la/giờ
Massachusetts: 6.75 đô-la/giờ
Minnesota: 5.15 đô-la/giờ
New Jersey: 5.15 đô-la/giờ
New York: 6.00 đô-la/giờ
Oregon: 7.25 đô-la/giờ
Vermont: 7.00 đô-la/giờ
Washington: 7.35 đô-la/giờ
Wisconsin: 5.15 đô-la/giờ

Ta thấy rằng tiền lương tối thiểu của mỗi công nhân kiếm được thay đổi theo từng tiểu bang. Tiểu bang có mức lương thấp nhất cho 4 tuần là 828 đô-la và cao nhất là 1176 đô-la Mỹ. Xem như vậy, nếu 2 vợ chồng đều đi làm thì tiền lương tối thiểu chưa bị thuế chỉ được khoảng 2000 đô-la một tháng. Với đồng lương tối thiểu như vậy, những người này có cuộc sống chắt chiu tiết kiệm vì không đủ trả góp tiền nhà mỗi tháng khoảng 1000-1500 đô-la (Mortgage) hoặc trả tiền thuê nhà/phòng và phải chi linh tinh trăm món.

Một vài tiểu bang nắng ấm, vật giá cao, tiền thuê phòng hoặc chia phòng lại mắc. Một số người Việt độc thân đi làm với đồng lương tối thiểu không đủ tiền thuê phòng trọ, thường dùng xe của mình làm phương tiện tạm nghỉ ngơi qua đêm ở các bãi đậu xe.

Đối với gia đình người Việt, lấy một thí dụ cả 2 vợ chồng đi làm có mức lương tương đối khá kiếm khoảng trên dưới 80 ngàn đô-la một năm chưa bị đánh thuế. Sau khi trừ tiền thuế tiểu bang (state) và liên bang (federal) khoảng gần 30% còn phải bị đánh thuế an sinh xã hội khoảng 7.5%, ngoài ra còn đóng thêm tiền 401K (tức là tiền để dành đến khi già lấy ra thì mới chịu thuế), tổng cộng còn 50%. Như vậy mỗi gia đình có 2 vợ chồng đi làm sau khi trừ các khoản thuế má linh tinh (khoảng 50% số lương) thì mang về nhà trên dưới 4000 đô-la/tháng. Tuy nhiên, số tiền đem về này còn phải chi phí trả tiền thuê nhà hoặc tiền trả góp nhà (mortgage) khoảng 1000-1200 đô-la mỗi tháng (trong 30 năm) cho cỡ nhà nhỏ 2 phòng ngủ (town home), tiền bảo hiểm xe 200 đô-la mỗi tháng cho hai xe, tiền bảo hiểm sức khỏe 2 vợ chồng và 2 con dưới 25 tuổi là 450 đô-la một tháng cộng thêm tiền túi phụ trả mỗi lần đi thăm Bác sĩ là 20 đô-la. Tiền toa Bác sĩ mua thuốc 20 đô-la (co-payment), tiền điện khoảng 100 đô-la, tiền gas sưởi ấm và nước nóng khoảng 180 đô-la một tháng, tiên nước khoảng 200 đô-la/3 tháng, tiền xăng 2 xe nhỏ 200 đô-la một tháng,..v.v...

Ấy là chưa kể các khoản tiền khác như tiền mua xe (trung bình mỗi 10 năm mua một chiếc), sửa xe, bảo trì nhà cửa, tiền điện thoại, tiền nối mạng nếu có, tiền mua dụng cụ linh tinh trong nhà như máy hút bụi, máy giặt, máy sấy, máy lọc nước, tủ lạnh, lò nấu nướng, TV, vật dụng cá nhân, v.v....

Số tiền còn lại dùng để mua thức ăn ở nhà, ở sở làm, ở trường học của con cái, trả tiền học phí, tiền sách vở cho con, chắt chiu lắm mới còn một phần rất nhỏ để dành khi thất nghiệp chi dùng trong khi kiếm việc khác.

Thêm vào đó, đại đa số các người Việt Nam tại Mỹ còn có thân nhân ở Việt Nam như cha mẹ, anh em ruột thịt, con cái hoặc đôi khi còn vợ chưa cưới thì cũng phải gửi về để giúp đỡ thân nhân. Do vậy, nếu như người Việt có về thăm gia đình tại Việt Nam chỉ vì chữ hiếu với cha mẹ, lòng thương yêu các anh chị em ruột hay các con cái, thì cũng phải để dành. Nội một gia đình gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con trong cuộc du ngoạn về Việt Nam phải chuẩn bị trên dưới 10 ngàn đô-la, với tiền vé tàu bay không thôi cũng khoảng trên dưới 4000 đô-la/4 người.

Ấy là chưa kể chi phí quà cáp, biếu xén, du lịch...

Những người nào đã sống ở bên Mỹ đều biết rằng một gia đình Việt Nam trung bình để dành 10 ngàn đô-la một năm không phải là chuyện dễ. Do đó, nếu các người sống tại Việt Nam tưởng rằng anh chị em mình sống ở Mỹ mỗi năm kiếm 7, 8 chục ngàn đô-la, và yêu cầu thân nhân tại Mỹ gửi về cho mình 5 hoặc 10 ngàn đô-la thì thật là một chuyện mà người bên Mỹ khó thể nào thỏa mãn được.

Kết quả, người ở Việt Nam lại trách anh chị em mình tại Mỹ không thương yêu các người sống tại Việt Nam mà không hiểu được muôn vàn khó khăn mà các họ hàng của mình tại Mỹ gặp phải, nhất là các gia đình tại Mỹ có con đang học Đại học. Nội tiền lo cho con đóng tiền trường cũng đủ “méo mặt” rồi còn đâu tài chính cưu mang họ hàng mình tại Việt Nam theo đúng yêu sách.

Chúng tôi viết bài này đây căn cứ vào tình trạng thực sự tại Mỹ quốc ngày hôm nay mong rằng các bạn tại Mỹ và Việt Nam và thân nhân của các bạn cả 2 nơi, hiểu được rằng đời sống nhân dân lao động dù sống tại Việt Nam hay ở Mỹ đều có các khoản khó khăn như nhau. Nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa việc làm càng ngày càng di chuyển sang Á đông thì tình trạng tài chính của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ càng ngày càng gặp nhiều khó khăn. Chỉ việc cố gắng chăm chỉ làm việc, học tập kỹ thuật mới để khỏi bị thất nghiệp cũng là mục tiêu hàng đầu của các người Việt Nam chân chính sống tại Mỹ Quốc vậy.

(Đọc bài minh họa thứ nhất:
"Gánh Nặng Quằn Vai" và bài minh họa thứ nhì: "Bên Lề Cuộc Sống"


Nguyễn Văn ThànhNgày 9 tháng 3, 2006

Aucun commentaire: