Việt Nam xếp thứ 145 về dân chủ
12.12.2006 15:24
Hình ảnh và bài của BBC
Việt Nam xếp thứ 145 trong tổng số 167 quốc gia, và bị xem là thuộc dạng chính thể chuyên chế, trong một bảng xếp hạng mới về các nền dân chủ.
Chỉ số Dân chủ 2006 được thu thập và xếp loại bởi Economist Intelligence Unit (EIU), nhánh thông tin kinh doanh của tạp chí The Economist của Anh.
Chỉ số Dân chủ (Democracy Index) được công bố trong ấn bản hàng năm của tạp chí Economist, The World in 2007.
Bốn loại chính thể
Nó chấm điểm 167 quốc gia trong số 192 nước độc lập, dựa trên mức độ dân chủ.
Có 28 nước được EIU gọi là nền dân chủ đầy đủ, mà đứng đầu là Thụy Điển, theo sau là Iceland, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch.
Thụy Điển có điểm trung bình 9.88 trên 10.
Có 54 nước được EIU xếp là nền dân chủ khiếm khuyết, 30 chính thể nửa tốt nửa xấu (hybrid) và 55 chính thể chuyên chế.
Trong khi Thụy Điển đứng nhất, Bắc Hàn xếp chót.
Mỹ xếp thứ 17, với 8.22 điểm, Anh xếp thứ 23 với 8.03 điểm.
Trong vùng Đông Nam Á, Indonesia xếp thứ 65, Malaysia 81, trong hạng mục 'nền dân chủ khiếm khuyết'. Thái Lan xếp thứ 90, thuộc hạng chính thể nửa tốt nửa xấu.
Singapore xếp thứ 84. EIU nói nước này xếp sau Malaysia vì chỉ có báo in bị kiểm duyệt ở Malaysia, trong khi kiểm duyệt ở Singapore ngặt nghèo hơn.
Các chính phủ của Malaysia cũng được EIU đánh giá là được bầu lên dân chủ hơn so với Singapore hay Thái Lan.
Việt Nam bị xếp thứ 145 với điểm trung bình 2.75, trong khi nước láng giềng Trung Quốc xếp thứ 138.
Có năm hạng mục được EIU xếp hạng: về bầu cử và đa nguyên, Việt Nam được 0.83 điểm.
Việt Nam nhận 4.29 điểm về hoạt động của chính phủ, 2.78 về sự tham gia chính trị, 4.38 về văn hóa chính trị, và 1.47 về tự do dân sự.
EIU nói tiến bộ về dân chủ ở châu Á gây thất vọng, khi chỉ có Nhật Bản được xem là 'nền dân chủ đầy đủ', trong khi Pakistan, Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Miến Điện đều là 'chính thể chuyên chế'.
Các tác giả ghi nhận chỉ có 13% dân số thế giới đang sống trong các nền dân chủ đầy đủ, trong khi 40% là cư dân của các chính thể chuyên chế.
Kinh tế có dẫn tới dân chủ không?
Báo cáo nói quan hệ giữa mức độ phát triển (thu nhập đầu người) và dân chủ là không rõ ràng.
Có vẻ như có một sự liên quan, mặc dù ngay trong hạng mục dân chủ đầy đủ, vẫn có một số nước không giàu có. Trong 28 nền dân chủ đầy đủ, đa số là các nước giàu của khối OECD, nhưng cũng có hai nước châu Mỹ Latin (Costa Rica và Uruguay), một châu Phi (Mauritius) và hai nước mới vào EU (Czech và Slovenia).
Thêm một nhận xét nữa: có thể tranh cãi về quan hệ nhân quả giữa dân chủ và thu nhập.
Một lý thuyết nổi bật trong mấy thập niên qua là phát triển kinh tế dẫn tới - và là điều kiện cần cho - dân chủ, nhưng lý thuyết này bây giờ không còn được tất cả chấp nhận. Nhiều người nay lý luận rằng hướng đi chính lại là đi từ dân chủ đến thu nhập.
Mỹ và Anh xếp gần cuối trong hạng mục dân chủ đầy đủ, nhưng lý do thì hơi khác nhau.
Mỹ xếp thấp điểm về hiệu năng của chính phủ và tự do dân sự, nhưng sự tham gia chính trị ở nước này là tương đối cao.
Anh là nước có sự tham gia chính trị thấp nhất trong các nước phát triển, và tự do dân sự phần nào đang sa sút.
Italy còn tệ hơn, bị xếp vào hạng dân chủ khiếm khuyết.
Theo EIU, những kết quả này có vẻ ủng hộ giả thuyết rằng các nước lớn thường có khuynh hướng ít dân chủ hơn. Nhưng điều này có vẻ chỉ đúng trong các nước phát triển mà thôi, vì không thấy có quan hệ giữa điểm số dân chủ và tỉ lệ dân số ở 167 quốc gia nói chung.
BBC (Theo Theo BBC)
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire