Dân Chủ Giả Vờ
Minh Ðức
Tạp Chí Ðàn Chim Việt, 1/2003
Mọi người thường nghe các chế độ CS tại Việt Nam và Trung Quốc nói rằng nhân quyền cũng như dân chủ là sản phẩm của chế độ Tây phương rồi từ đó ngụy biện rằng một số quan niệm dân chủ chỉ là đặc thù của Tây phương, còn xã hội Á Ðông thì không thích hợp với các quan niệm đó. Thật ra trên lý thuyết, chế độ tại Việt Nam cũng mặc nhiên thừa nhận một số những nguyên tắc dân chủ mà họ gọi là của Tây phương, ví dụ như:
· Người cầm quyền phải do dân bầu lên .
· Nguyên tắc ‘balance and check’, quân bằng và kiểm tra .
· Quan niệm về xã hội dân sự .
Nhưng vì Hiến Pháp và mô hình hành chính cốt chỉ để trưng bày, trình diễn nên có nhiều lắt léo trong cách nói cũng như cách thi hành.
Nguyên tắc nhà cầm quyền phải do dân bầu lên
Nói về nguyên tắc nhà cầm quyền phải do dân bầu lên. Chế độ tại Việt Nam hiện nay cũng nói rằng chính quyền hiện nay là do nhân dân bầu lên. Cụ thể là Thủ Tướng và Chủ Tịch nước là do quốc hội bầu ra. Mà quốc hội gồm các dân biểu do dân bầu lên. Vậy thì Thủ Tướng và Chủ Tịch Nước do các dân biểu cử ra thì chính là do dân bầu lên vậy. Tại Anh và Canada thì Thủ Tướng cũng do người đứng đầu đảng nắm đa số trong quốc hội, mà dân biểu trong quốc hội thì do dân bầu lên.
Cái lắt léo thứ nhất trong cách lý luận của CS là mặc dù dân biểu tại Việt Nam do dân bầu lên, nhưng dân biểu thì lại phải do Mặt Trận Tổ Quốc sàng lọc. Mà Mặt Trận Tổ Quốc thì lại do đảng CSVN chỉ đạo. Như vậy là dân biểu do đảng CS chọn chứ không phải là do dân chọn.
Cái lắt léo thứ hai là giữa chế độ dân chủ khác và chế độ tại Việt Nam có sự khác nhau là tại các chế độ dân chủ khác, Thủ Tướng hay Tổng Thống là người lãnh đạo tối cao trong nước. Còn ở Việt Nam hay Trung Quốc thì Thủ Tướng hay Chủ Tịch nước chưa phải là người lãnh đạo tối cao trong nước mà ông Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản mới là người lãnh đạo tối cao. Vậy thì ông Tổng Bí Thư Ðảng CS có do dân bầu lên không? Ông Tổng Bí Thư Ðảng CS do các đảng viên trong đảng của ông ta bầu lên. Mà đảng viên thì cũng chẳng do dân bầu lên. Ðảng viên là do ông Tổng Bí Thư lựa chọn và kết nạp vào. Thế là trong quá trình chọn người lãnh đạo tối cao của đất nước, tức là ông Tổng Bí Thư, người dân bị gạt ra ngoài, chỉ có các ông bà đảng viên bầu với nhau mà thôi. Nhân dân chỉ được nghe đài, xem báo để biết ông nào được làm Tổng Bí Thư chứ không được cầm lá phiếu để bầu cho ông Tổng Bí Thư.
Như vậy nguyên tắc nhà cầm quyền phải do dân bầu lên không được thi hành thật sự ở Việt Nam, chuyện đi bầu chỉ là màn kịch bề ngoài, một mà biểu diễn dân chủ, còn mọi sự đều do các đảng viên định đoạt.
Nếu ai cả gan dám đề cập đến sự khác nhau này thì ắt là sẽ được người ta nói rằng dân chủ mà các nước dân chủ kia có là dân chủ kiểu Tây phương, còn dân chủ theo lối Á Ðông thì khác. Cái khác ở đây nó lớn đến nỗi mọi thứ đều thu vào một mối do đảng nắm cả, dân chẳng có quyền gì cả .
Nguyên tắc Quân Bằng và Kiểm Tra
Ðối với nguyên tắc ‘balance and check’, quân bằng và kiểm tra, thì nhà nước tại Việt Nam cũng cho rằng chế độ tại Việt Nam cũng có. Về balance, quân bằng, thì Tạp Chí Cộng Sản từng có bài viết về sự quân bằng giữa nhân dân và chính quyền. Còn về ‘check’, kiểm tra, thì rõ ràng là nhà nước có đề ra khẩu hiệu ‘Dân nói, dân làm, dân kiểm tra’.
Tạp Chí Cộng Sản từng có bài viết nói là tại Việt Nam cũng có sự quân bằng giữa nhân dân và chính quyền. Bài báo đưa ra thí dụ là dân biểu là do dân bầu lên. Và quốc hội có quyền bãi chức một số viên chức chính quyền. Dân biểu do dân bầu lên tức là dân có quyền bất tín nhiệm dân biểu nếu dân biểu không làm tròn nhiệm vụ đại diện cho dân. Như thế là dân có quyền lực đối với dân biểu, tức là với quốc hội, tức là có sự quân bằng quyền lực. Rồi quốc hội có quyền bãi chức viên chức chính quyền. Quốc hội đại diện cho dân, quốc hội có quyền bãi chức tức là dân có quyền bãi chức viên chức chính quyền. Như thế tức là có sự quân bằng quyền lực vì dân cũng có quyền bãi chức.
Trên thực tế, dân biểu thì do Mặt Trận Tổ Quốc chọn, tức là do Ðảng CS chọn. Những người nào có thể gây phiền nhiễu cho Ðảng thì Ðảng bảo Mặt Trận Tổ Quốc gạt ra ngoài. Thế thì dân chẳng còn quyền lực chọn dân biểu hay bất tín nhiệm nữa mà cái quyền đó nằm trong tay Ðảng CS.
Hiện tay tuy quốc hội có quyền bãi chức một số viên chức chính quyền nhưng mới đây khi quốc hội bàn đến việc có để cho quốc hội bãi chức Thủ Tưởng và Chủ Tịch Nước hay không thì Bộ Chính Trị gạt phăng đi bắt chỉ có Ðảng mới có quyền bãi chức Thủ Tướng và Chủ tịch nước. Nếu thế thì không có cân bằng quyền lực giữa nhân dân và chính quyền rồi.
Mà ngay như nếu để cho quốc hội có quyền bãi chức Thủ Tướng hay Chủ Tịch nước thì hành động này cũng không tương đương với hành động quốc hội bãi chức Tổng Thống hay Thủ tướng tại các nước dân chủ khác.
Tại các nước dân chủ khác, Tổng Thống hay Thủ Tướng là người lãnh đạo tối cao của nước, trên đầu các ông này không còn ai khác. Còn tại Việt Nam hay Trung Quốc, Thủ Tướng hay Chủ Tịch Nước vẫn chưa phải là người lãnh đạo tối cao của nước, mà người lãnh đạo tối cao thực sự là ông Tổng Bí Thư Ðảng CS. Quốc hội không có quyền bãi chức ông Tổng Bí Thư. Nghĩa là nhân dân không có cách nào bãi chức ông Tổng Bí Thư cả. Thế là không có sự quân bằng về quyền lực giữa nhân dân và đảng. Bài báo của Tạp Chí Cộng Sản đã dùng lối lý luận mập mờ để người dân có cảm tưởng là Việt Nam cũng có sự quân bình giữa nhân dân và chính quyền như các nước dân chủ khác. Vì chính quyền độc quyền thông tin nên dù cho có người dân nào nhìn ra chỗ ngụy biện của Tạp Chí Cộng Sản thì cũng không có phương tiện mà lên tiếng bác bỏ, dù có cả gan dám lên tiếng thì cũng sẽ bị nhà nước trừng phạt bắt phải im miệng.
Còn về khẩu hiệu ‘dân nói, dân làm, dân kiểm tra’ thì chỉ có ‘dân làm’ là được thi hành.
Về ‘dân nói’ thì dân không được quyền ra báo, mọi cơ quan truyền thông đều do nhà nước nắm thì dân chỉ nói được cái gì nhà nước cho phép nói mà thôi. Những gì nhà nước không cho nói dù cho có đúng sự thật, có lý mà nhà nước không cho nói thì dân cũng không được nói.
Về ‘dân kiểm tra’ thì tại các nước dân chủ , việc kiểm tra do quốc hội, báo chí và dư luận quần chúng. Quốc hội tại Việt Nam thì do Ðảng chọn qua bàn tay của Mặt Trận Tổ Quốc, nên quốc hội không còn có tính cách độc lập, không còn là cơ quan đại diện cho dân nữa. Quốc hội không được độc lập, không thực sự đại diện cho dân thì việc kiểm tra của quốc hội rất là hạn chế. Dân biểu do Ðảng chọn thì dân biểu sợ Ðảng, không dám nói gì đụng chạm đến Ðảng, thế thì việc kiểm tra rất khó khăn. Báo chí thì đều do nhà nước nắm cả .
Những năm gần đây tuy báo chí có nêu lên một số vấn đề và phê phán nhưng những việc liên quan đến lãnh đạo cấp cao thì báo chí không được đụng đến. Thiếu tự do báo chí thì công việc kiểm tra cũng bị hạn chế. Còn việc kiểm tra bằng dư luận quần chúng thì dân không được biểu tình. Một số người biểu tình bị công an bắt giam, trù dập. Chẳng những thế ông Tổng Bí Thư lại có lần nói những người biểu tình là lạm dụng dân chủ .
Như vậy là nhà nước ra khẩu hiệu ‘dân kiểm tra’ nhưng lại không có cơ chế để cho dân có thể làm việc kiểm tra một cách hữu hiệu. Thế thì có khác gì bảo một người đi cày mà không đưa cho cày, không đưa cho trâu, với hai bàn tay không mà bảo đi cày.
Tại một số nước dân chủ, người ta còn ra luật cho phép công dân được lục giấy tờ, hồ sơ của cơ quan nhà nước để bảo đảm cho dân làm công việc kiểm tra hữu hiệu hơn. Nhờ vậy tại các nước đó, nhiều nhà báo có thể lục hồ sơ của cơ quan nha ønuớc để làm các phóng sự về các vụ lem nhem của chính quyền. Còn tại Việt Nam, có bao nhiêu người dân dám đòi cơ quan nhà nước trình giấy tờ, hồ sơ để mình kiểm tra?
Quan niệm về xã hội dân sự
Những năm sau này, có một số tác giả tại các nước dân chủ ra sách nói về quan niệm xã hội dân sự, nghĩa là một xã hội trong đó người dân tự lập ra các tổ chức, tự điều hành các tổ chức của mình để giải quyết các vấn đề của mình. Một số nhà tranh đấu cho dân chủ ở hải ngoại bàn về việc thành lập xã hội dân sự để thay thế cho xã hội hiện nay tại Việt Nam, là một xã hội trong đó mọi tổ chức đều do chính quyền và đảng CS đặt ra và chi phối. Trong khi đó thì báo chí trong nước, cụ thể là báo Tuổi Tre,û cũng từng có bài giới thiệu sách của một tác giả nói về xã hội dân sự . Mục đích của bài báo là khuyến khích thanh niên tham gia các tổ chức của quần chúng mà làm các công tác xã hội.
Nhưng xã hội Việt Nam hiện nay khác với xã hội các nước dân chủ khác là các tổ chức gọi là của quần chúng tại Việt Nam thì do chính quyền lập ra và kiểm soát, nói chính xác hơn là do Ðảng lập ra và lãnh đạo, còn tại các nước dân chủ có một xã hội dân sự thật sự thì tổ chức quần chúng là do quần chúng lập ra thật, nó không bị chính quyền chi phối hay đảng cầm quyền chi phối.
Xét bề ngoài, sự khác nhau kể trên có vẻ như không đáng kể . Người ta có thể nói thì: tổ chức mang danh là của ‘quần chúng’ do chính quyền lập ra hay tổ chức quần chúng thực sự cùng đều làm việc xã hội cả . Người dân tham gia tổ chức ‘quần chúng’ của chính quyền hay tổ chức quần chúng của quần chúng đều làm công tác xã hội cả . Có gì khác nhau đâu. Trên thực tế sự khác nhau này đưa đến một số hậu quả cho xã hội.
Tổ chức mang danh quần chúng do đảng cầm quyền lập ra không phải luôn luôn phát xuất từ quyền lợi của quần chúng mà thường phát xuất từ quyền lợi của chính quyền, hay của đảng cầm quyền. Tổ chức quần chúng do quần chúng lập ra phát xuất từ việc quần chúng nhìn thấy mình có nhu cầu, có các vấn đề cần giải quyết nên các tổ chức này đi sát với nhu cầu của quần chúng và giải quyết các nhu cầu của quần chúng một cách hữu hiệu. Còn tổ chức ‘quần chúng’ do chính quyền lập ra thì đôi khi chỉ lo phục vụ cho nhu cầu của chính quyền, trong khi nhu cầu của dân thì có thể bị lơ là.
Các tổ chức do quần chúng lập ra có tính cách tự nguyện, người ta gia nhập các tổ chức này phần lớn phát xuất từ thiện chí, muốn vào để giải quyết các nhu cầu và vấn đề của xã hội chứ không phải vì danh lợi , vì các tổ chức kiểu này chẳng có mấy danh lợi để mà ban phát . Còn tổ chức mang danh ‘quần chúng’ do chính quyền lập ra thì luôn luôn đi liền với danh, lợi, và quyền. Người gia nhập các tổ chức ‘quần chúng’ do chính quyền lập ra không hẳn chỉ thuần là do thiện chí muốn đóng góp cho xã hội mà còn có thể do lý do quyền lợi bản thân, họ có thể coi việc phục vụ là việc làm cốt để lấy thành tích với mục đích được thăng thưởng trong tổ chức.
Nếu chính quyền dành độc quyền chỉ có mình mới được thành lập và điều hành các tổ chức mang danh ‘quần chúng’ thì sẽ làm nảy sinh ra hiện tượng tiêu cực trong quần chúng. Quần chúng sẽ thấy trong khi xã hội đầy rẫy vấn đề mà mình không được quyền tự do thành lập tổ chức để giải quyết mà bắt buộc phải gia nhập tổ chức của chính quyền, rồi lại thấy trong tổ chức của chính quyền lập ra nhiều người chỉ gia nhập với ý đồ tự tư tự lợi thì những người có thiện chí sẽ sinh ra chán nản, quay lưng với xã hội, chỉ lo thu vén cho cá nhân. Trong xã hội mà chính quyền dành độc quyền nắm các tổ chức ‘quần chúng' sinh ra hiện tượng chính quyền luôn luôn kêu gọi dân nên đóng góp cho xã hội trong khi đó thì dân tỏ ra ù lì, bất cần.
Nói tóm lại, chế độ CS tại Việt Nam thấy ở các nước dân chủ thật sự có món gì hay ho đều cho nhà báo của mình viết những bài lý luận nói rằng chế độ của đảng CS cũng có những món hay ho đó mặc dù cơ chế chính quyền và xã hội tại Việt Nam từ hàng chục năm nay chẳng có gì thay đổi, vẫn chỉ là cơ chế của một chế độ độc tài, quyền hành tập trung vào một đảng. Các nhà lý luận của chế độ dùng lối hành văn mập mờ, ngụy biện để làm cho dân Việt tưởng là chế độ tại Việt Nam có đầy đủ những gì các nước dân chủ thật sự khác đang có.
Nếu ai tinh ý thấy có những điểm khác nhau giữa các nước dân chủ thật sự và chế độ ở Việt Nam mà nêu lên thắc mắc thì lại được nghe câu thần chú là quan niệm đó là quan niệm dân chủ Tây phương không thích hợp với Á Ðông. Chỉ một câu như vậy là đủ đem tất cả các cái hay của dân chủ đổ xuống sông xuống biển cả , không còn tác dụng gì ở Việt Nam nữa. Trong khi họ cứ cố bám theo ‘định hướng XHCN’, không lẽ họ không còn nhớ chủ nghĩa Mác - Lê là từ đâu ra? Phương Ðông hay phương Tây?
Minh Ðức
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire