1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 14 février 2007

Dcsvn va luat phap VN (HHM)

Đảng cộng sản Việt Nam và Luật pháp Việt Nam
Hoàng Hiếu Minh

"...Quốc nạn tham nhũng đã huỷ hoại phần còn lại tư cách, đạo đức của những vị nắm giữ cán cân công lý sau khi nơi đào tạo ra họ đã huỷ hoại phần đầu..."

Dưới thời phong kiến, bộ luật hoàn chỉnh, tiến bộ nhất của nước ta là Bộ Luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông. Vì vậy các triều đại sau chỉ căn cứ vào đó để trị nước chứ không có gì thay đổi, sửa sang đáng kể. Đời Nguyễn, vua Gia Long có làm một bộ luật mới, nhưng thực tế chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong bộ luật Hồng Đức cho hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, chính trị… của thời đại mà thôi. Bộ luật này được thực hiện cho đến thời vua Bảo Đại. Sau đó được thay thế bằng bộ luật mới vào năm 1946 khi chính thể “dân chủ cộng hoà” của ông Hồ Chí Minh ra đời. Nhìn vào mỹ từ “ Dân chủ cộng hoà” và có Hiến Pháp gần giống như hiến pháp của các quốc gia dân chủ trên thế giới, giới trí thức, giới văn nghệ sỹ, các tầng lớp người Việt có tri thức cả trong và ngoài nước rất tin tưởng vào một chế độ lấy Pháp luật trị nước tại Việt Nam trong tương lai không xa.Vì thế bao nhiêu trí thức là người Việt đang sinh sống yên ổn ở nước ngoài rủ nhau hồi hương, đặng đem tri thức học được ở các thể chế dân chủ Pháp quyền phụng sự quốc gia. Nhưng tất cả đều vỡ mộng. Đặc biệt vào năm 1953 khi chủ tịch nước Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 153/SL, điều 6; luật này đã giết oan hàng vạn công dân vô tội trong cải cách ruộng đất tại miền Bắc. Giai đoạn này, nhà nước CSVN đã bắt chước Trung Quốc tiến hành xử án đối với công dân đất nước là nông dân không theo một trình tự nào cả. Đó là những vụ án có một không hai trên thế giới văn minh. Từ chánh án đến uỷ viên công tố đều có xuất xứ từ du kích hoặc bộ đội, văn hoá chưa qua bậc tiểu học, không qua đào tạo luật pháp, chỉ được “bồi dưỡng” về chủ trương, chính sách của đảng đối với nông thôn, đáo chuyển từ người địa phương này sang địa phương khác để xử án. Đó là những phiên toà đặc biệt không có luật sư cho bị cáo; quan toà không cho phép bị cáo tự bào chữa, chỉ được nhận tội chứ không được chối tội. Không cho bị cáo nói lời cuối cùng, tuyên án tử hình và thi hành bản án ngay trong một buổi. Sau khi Chánh án tuyên án cũng là lúc dân quân, du kích xông vào tử tội, nhét giẻ vào mồm, lôi xềnh xệch tử tội ra pháp trường là một bãi cỏ gần đấy, trói vào cọc đã chôn sẵn, dân quân du kích lùi lại chục bước, giương súng và “đòm”. Điều luật này còn áp dụng đối với cả những người bất đồng chính kiến kéo dài đến năm 1968 mới có điều luật khác thay thế.Nếu nghe theo quan điểm của đảng “Khép lại quá khứ, hướng đến tương lai” thì ta thấy hiện nay trên toàn quốc, những đơn từ khiếu kiện, khiếu nại của công dân đối với các vụ án oan sai hình sự lẫn dân sự trong các cơ quan công quyền chất cao như núi.

Những buổi tiếp dân kêu oan tại văn phòng Quốc Hội, văn phòng trung ương đảng, Chính phủ chưa bao giờ lại “đông vui” như bây giờ. Ra vườn hoa Mai Xuân Thưởng, nơi tiếp dân oan của các cơ quan công quyền cao nhất nước, ta bắt gặp hàng ngàn công dân từ đủ 64 tỉnh thành trong cả nước. Có những công dân bị oan sai đã viết tới 2.000 lá đơn, theo kiện hàng chục năm, nằm trên ghế đá Hồ Tây cạnh vườn hoa Mai Xuân Thưởng 4-5 năm mà vụ việc vẫn không cơ quan nào soi xét đến. Trong Hiến Pháp và Luật Pháp không có điều nào nói công dân không được khiếu kiện vượt cấp, không được khiếu kiện tập thể, đảng viên đảng cầm quyền không được khiếu kiện, nhưng ĐCSVN đã vượt trên tất cả với những chỉ thị vi hiến và vi luật. Thử hỏi khi quyền lợi đụng chạm đến một tập thể công dân lẽ nào tập thể công dân kia không khiếu kiện? Khi cấp dưới không chịu giải quyết, hoặc vì tham nhũng hoặc vì bè phái bao che xử không thoả đáng lẽ nào công dân không có quyền khiếu kiện lên cấp cao hơn để đề nghị xem xét lại?. Đảng viên trước hết có là công dân không? Lẽ nào công dân không được khiếu kiện khi gặp oan sai? Những câu hỏi đó chỉ có thể trả lời là:

ĐCSVN đã “ ngồi xổm” trên Hiến Pháp và Luật pháp (lời của nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi, kỹ sư Bạch Ngọc Dương) để giữ cho bộ mặt đã quá nhem nhuốc của mình không nhem nhuốc thêm nữa. Tuy vậy, ĐCSVN vẫn không ngăn được các phương tiện thông tin đại chúng (của đảng) hàng ngày thông tin đến dân chúng mặt sau tấm huân chương “công bằng, dân chủ văn minh” mà đảng tự trao cho đảng. Vụ án đất đai ở Đồ Sơn, Hải Phòng hai năm rõ mười như thế, ảnh hưởng đến uy tín của đảng và chính quyền một thành phố lớn như thế, lại trong thời điểm đảng hứa hẹn với nhân dân đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng mà khi xử cả 3 bị cáo quan tham chỉ bị phạt cảnh cáo và đóng 50.000đ án phí. Tôi cứ phân vân, tại sao cả một bộ máy luật pháp Hải Phòng gồm hàng trăm người, hàng chục cơ quan ăn lương của nhân dân lại ngớ ngẩn đến thế nhỉ? Đây chỉ là một vụ án điển hình nằm trong hàng trăm vụ điển hình khác xảy ra vài ba năm gần đây. Còn kể đủ thì không biết bao nhiêu. Tất cả các vụ án phường chèo như vậy chẳng qua là cán cân công lý đã bị các cấp của đảng bẻ cong. Cho nên chúng ta không lạ gì vụ án Tổng Cục 2 (dù xâm phạm nghiêm trọng đến uy tín của chính ĐCSVN và an ninh quốc gia mà vẫn được ém nhẹm “ngon lành”). Lại có những vụ án nếu đảng không “ngồi xổm” trên pháp luật thì đồng tiền hoặc ô dù “ngồi xổm”. Ta biết, khi xét xử một vụ án bao giờ cũng có 3 cơ quan vào cuộc: a/ cơ quan xét hỏi, hoàn chỉnh chứng cứ, hồ sơ và khởi tố; b/ Viện Kiểm Sát phê chuẩn cáo trạng của cơ quan điều tra; c/ Toà Án xét xử.

Song nhiều vụ án, ngay từ đầu cơ quan điều tra đã làm sai lệch hồ sơ, viện Kiểm Sát cứ thế phê chuẩn, Toà Án cứ thế xử và quyết; hoặc cơ quan điều tra đúng, viện kiểm sát đúng, nhưng quan toà xử sai dẫn đến bản án không thuyết phục được đương sự, thân nhân đương sự, không thuyết phục được công luận; rồi nhân chứng, vật chứng, tình tiết mới lại xuất hiện… Thế là cả một hệ thống luật pháp phải làm lại từ đầu, tốn bao nhiêu tiền của của nhân dân. May mắn là nếu được xử lại, người bị oan còn được minh oan hoặc nhẹ tội, còn không mối hận oan ức đến hết đời không hoá giải được. Vụ tai nạn giao thông tại đường Láng – Hoà Lạc xử đi, xử lại đã 5 năm, hết sơ thẩm lại phúc thẩm mà vẫn dậm chân tại chỗ. Lý do là vì ngay từ đầu cơ quan điều tra đã không làm đúng chức năng của mình, hoặc do kém năng lực luật pháp, hoặc do “phong bao, phong bì” gây nên.Nguyên nhân thì nhiều. Theo tôi nó có hai nguyên nhân ở tầm vi mô. Đó là:

Trách nhiệm của bộ Giáo Dục - Đào Tạo, nơi quản lý các trường đại học, đào tạo ra những cán bộ nắm cán cân luật pháp. Ta nên biết rằng dưới các triều đại phong kiến, bộ Giáo Dục là bộ Lễ. Nó được tôn vinh vào bậc nhất trong các bộ. Ai đã đến Quốc Tử Giám, Văn Miếu thì biết. Song bây giờ “Bộ Lễ” của chế độ CSVN lại là bộ tồi tệ nhất. Tôi xin trích nguyên văn mục chuyện thời sự của tác giả Xuân Hoa, đăng trên báo Pháp Luật, ra ngày 22/9/2006: “Thời gian gần đây nền giáo dục nước nhà có quá nhiều chuyện lùm xùm. Chỗ này giáo viên gạ tình đổi điểm. Chỗ kia hiệu trưởng lại là người cầm cờ cho cuộc thi “chạy trường” vô tiền khoáng hậu. Trường mẫu giáo anh hùng, các cô giáo “mẹ hiền” ăn bớt khẩu phần ăn của trẻ. Chỉ khổ cho vị tân Bộ trưởng chưa kịp xử lý chỗ này đã bục chỗ khác. Thậm chí còn bục ngay nơi cách phòng Bộ Trưởng vài bước chân...” Các vị Chánh Án, Công Tố, Thẩm Phán… đều ở nơi này mà ra. Nơi đào tạo mà còn thế huống hồ ra xã hội tiếp xúc với nhiều cám dỗ. Quốc nạn tham nhũng đã huỷ hoại phần còn lại tư cách, đạo đức của những vị nắm giữ cán cân công lý sau khi nơi đào tạo ra họ đã huỷ hoại phần đầu. Vì thế mà Phạm Sỹ Chiến, phó viện trưởng viện Kiểm Sát tối cao, Bùi Quốc Huy, trung tướng thứ trưởng bộ Công An, Dương Minh Ngọc, trưởng phòng cảnh sát hình sự công an Tp H CM, Trần Trường Sơn, thẩm phán toà án tỉnh Bình Dương… đều vì đồng tiền mà từ vai trò người đi trị tội người khác đã trở thành kẻ bị trị tội.

Nhưng có một nguyên nhân chính để chúng ta kết thúc bài viết này. Từ khi lập nước, không chỉ nước ta mà đa số các quốc gia trên thế giới, dù là chế độ phong kiến thực dân, đế quốc… chưa có thể chế nào lấy nghị quyết, chỉ thị, công văn, giấy viết tay… của đảng và của các cán bộ đảng để trị nước thay cho pháp luật như ở Việt Nam ngày nay! Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quốc luật hỗn loạn, là nỗi nhục của luật pháp, của những người soạn thảo và thông qua các bộ luật nước ta dưới chế độ độc tài đảng trị.

Hoàng Hiếu Minh

Nguồn: báo Tổ Quốc số 10, ra ngày 01/02//2007

Aucun commentaire: