Tết Con Heo Nhớ Xuân Con Mèo (I)
Minh Võ
Khi chúng tôi gửi bài này tới DCV thì con chó hãy còn khóc đứng khóc ngồi, chưa nghe tiếng lợn ủn ỉn “mua hành cho tôi”, nhưng hoa mai vàng đã rực rỡ dưới trời Nam và hoa đào nhuộm thắm Hà Thành rồi. Mong rằng mấy ý kiến dưới đây, viết thêm vào một bài trước, sẽ không làm nhàm mắt bạn đọc trong dịp xuân sang.
Sau bài Hoa Đào Và Máu Đào (đăng trên Đàn Chim Việt Online các ngày 31 tháng 10, 1 tháng 11 và 2 tháng 11 năm 2006), tôi đã nhận nhiều ý kiến của độc giả liên quan đến cành đào ông Hồ tặng ông Diệm và những hệ quả của toan tính hiệp thương hai miền Nam–Bắc. Vì vậy nhân dịp Tết Đinh Hợi, nhớ lại sự việc xảy ra ngày Tết Quí Mão, chúng tôi xin được trở lại vấn đề này để bổ túc và giải thích thêm một số điểm gây tranh cãi. Chúng tôi chỉ xin nêu lên bốn ý trong số rất nhiều ý kiến của độc giả. (Vài ý khác ra ngoài đề cũng được nhắc qua và giải thích vắn tắt nơi chú thích)
Có người khẳng định là người viết bịa đặt. Họ bảo ông Hồ không đời nào hạ mình trước kẻ làm tay sai cho Mỹ như Diệm. Không hề có chuyện ông Hồ gửi tặng ông Diệm cành đào nào cả.
Người khác lại bảo ông Hồ gửi cành đào cho ông Diệm nhằm mục đích ly gián ông này với Mỹ. Ông Diệm không hiểu thâm ý đó nên đã cho trưng bày cành đào, và từ đó sóng gió nổi lên lật nhào con thuyền Đệ Nhất Cộng Hòa. Đúng như ông Hồ tiên liệu. Theo ý họ, đáng lẽ ông Diệm phải sáng suốt cho vứt cành đào vào sọt rác, hay lịch sự hơn, gửi trả lại.
Có người còn đi xa hơn nữa, bảo chính CIA Mỹ đã gửi cành đào đó để tạo bằng chứng Ngô Đình Diệm phản bội lý tưởng chống Cộng, rồi từ đó thúc giục mấy tướng lật ông Diệm. Và đồng thời dựa vào bằng chứng đó biện minh cho hành động lật đổ và sát hại anh em ông Diệm. Một sử gia tên tuổi, giáo sư ở Úc còn cho biết ông đã tìm thấy một tài liệu mật mới được giải mật ở thư viện Kennedy cho biết Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ đã có mật lệnh cho ngụy tạo (fabricate) chứng cớ ông Ngô Đình Nhu liên hệ với Bắc Việt.
Nhưng đáng chú ý hơn cả là một vài bạn bè cũng tỏ vẻ nghi kỵ người viết, cho rằng lập luận như người viết là đã coi ông Hồ như người yêu nước và đánh đổ sòng hai ông Ngô, Hồ. Viết như vậy là ngược lại công trình nghiên cứu của cuốn Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp. Một vị cựu dân biểu đệ nhị Cộng hòa ở Pháp còn bảo đã đọc Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp rồi đọc bài Hoa Đào Và Máu Đào thì thấy như có hai Minh Võ, không phải một Minh Võ.
Đáp lại những ý kiến phức tạp đa dạng đến đối chọi nhau như thế, chúng tôi xin trình bày thêm một số dữ kiện và tư liệu để bạn đọc cùng suy nghiệm.
Trước hết về ý kiến thứ nhất, chúng tôi đã kiểm tra lại cẩn thận hơn. Chẳng những ông cựu đổng lý văn phòng Quách Tòng Đức đã xác nhận với luật sư Lâm Lễ Trinh, và cựu nghị sĩ Lê Châu Lộc cũng xác nhận với tôi như vậy, như tôi đã viết ở bài trước. Sau khi hỏi lại ông Lộc một lần nữa cho chắc thì tôi được biết ông đã hỏi kỹ lại nhiều người khác như cụ Cao Xuân Vỹ khi xưa từng là phụ tá của ông Ngô Đình Nhu trong phong trào Thanh Niên Cộng Hòa, như cựu trung tá Nguyễn Cửu Đắc thời ấy cũng là tùy viên bên cạnh Tổng Thống Diệm, như cựu thiếu tướng Huỳnh Văn Lạc lúc ấy đang chỉ huy đội cận vệ, v.v... Tất cả đều nhớ là đích thực có cành đào đó tại phòng khánh tiết phủ tổng thống được trưng bày trong dịp Tết Qúi Mão. Có một điều, trong bài Hoa Đào Và Máu Đào chúng tôi đã viết sai là ở dinh Độc Lập. Đúng ra, theo các vị trên xác nhận, thì là ở dinh Gia Long. Nhân đây chúng tôi xin đính chính và cáo lỗi cùng độc giả.
Nếu với ngần ấy nhân chứng mà ai đó còn bảo bịa đặt thì chúng tôi thú thực không biết nói gì hơn. Tiếc rằng chúng tôi chưa tìm được tài liệu hay nhân chứng nào từ phía Bắc Việt liên quan đến cành đào của ông Hồ. Nếu quý vị nào có tin gì từ phía nhà cầm quyền Hà Nội về vấn đề này, xin chỉ giáo.
Về giả thuyết đây là kế ly gián của ông Hồ, chúng tôi đồng ý là con người thâm hiểm ấy có thể có nhiều mưu mô khôn lường. Nhưng trong trường hợp này, căn cứ vào những lời tường thuật của Maneli, ông Hồ, qua Phạm Văn Đồng, đã thẳng thắn đưa ra điều kiện tiên quyết và duy nhất là phải loại bỏ sự có mặt của người Mỹ tại miền Nam, sau đó “cái gì cũng có thể thương lượng được”.
Như vậy lá bài đã lật ngửa. Không có lý do để ông Hồ mưu mô đánh lừa. Có thể lúc ấy ông Hồ đã biết rõ con người Ngô Đình Diệm luôn cương trực và có tinh thần “dân tộc cực đoan”, cũng đã sẵn có ý định thoát khỏi sự kiềm tỏa của một số người Mỹ là những người chỉ dùng sự viện trợ như một ràng buộc bắt ông Diệm phải tuân phục.
Về phía ông Diệm, tuy biết ông Hồ nhiều mưu sâu thâm độc, cần cảnh giác, nhưng ông cũng đủ tự tin và hiểu đối phương để sẵn sàng đối phó với những mưu mô ấy. Những gì nhà báo Úc nổi tiếng Denis Warner viết về sự hiểu biết của ông Diệm đối với Mao Trạch Đông, Che Guevara và Hồ Chí Minh mà chúng tôi đã trưng dẫn ở bài trước chứng tỏ ông Diệm là người “tri kỷ, tri bỉ”.
Cựu đại sứ Mỹ Frederick Nolting cũng không tiếc lời ca ngợi ông Diệm về những kiến thức uyên bác: ông nói thao thao bất tuyệt trong nhiều giờ mà chẳng những không làm người đối thoại nhàm chán mà còn khiến người ta say mê theo dõi và thán phục. (1)
Ngay tướng Trần Văn Đôn, chủ chốt trong vụ đảo chính, trong cuốn Our Endless War cũng khen ông Diệm có tinh thần học hỏi, nghiên cứu, “cái gì cũng muốn am hiểu tường tận....” (2). Một người cực kỳ thông minh, 32 tuổi đã giữ chức thượng thư bộ Lại, tương đương với chức thủ tướng thời nay, lại chịu nghiên cứu tỷ mỷ đến nơi đến chốn về mọi khía cạnh của đất nước như vậy, chẳng lẽ lại là người quá kém cỏi về mưu lược so với ông Hồ.
Hơn nữa, trong dĩ vãng, ông Diệm là chính trị gia duy nhất đã không bị ông Hồ lừa vào cái thế Liên Hiệp như các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng (Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh...), Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh (Nguyễn Hải Thần...), hay các cụ Huỳnh Thúc Kháng v.v... Trong lúc như cá trốc thớt, đang bị ông Hồ giữ làm tù nhân mà ông Diệm đã dám ngang nhiên từ chối lời mời của ông Hồ giữ bộ Nội vụ là địa hạt mà “ông Diệm có tài thiên phú còn đàn em của ông Hồ quá kém cỏi”. (3)
Một người thông minh, có lập trường dân tộc, lại có kinh nghiệm với cộng sản không dễ gì bị ông Hồ đánh lừa được. Đã nhận cành đào, cho trưng bày nó tại phòng khánh tiết phủ tổng thống có nghĩa là ông Diệm đã nhận cuộc thách đấu chính trị không những của ông Hồ và phe cộng, mà còn gián tiếp của một số người Mỹ đang muốn lật ông nữa.
Nói là thách đấu, nghe có vẻ bất thân thiện, hiếu chiến. Nhưng thực ra hình thức thì lại có tính xã giao, thân tình: Một cành đào tặng trong dịp Xuân. Do đó nếu có ngồi lại thương thảo với nhau, thì thế của ông Diêm lúc ấy hơn hẳn thế của đệ nhị Cộng Hòa ở hòa đàm Paris sau này. Phe ông Hồ ở hòa đàm Paris ngay đối với Mỹ cũng không lịch thiệp nhã nhặn như đối với ông Diệm 6 năm trước.
Thay vì đi bước trước bằng cành đào, ông Hồ mặc dù sắp chết (1969), đã chẳng những không đưa tay tiếp nhận tẩu thuốc hoà bình Nixon đưa mời mà còn giật lấy tẩu thuốc, toan đánh Nixon, và đổ tàn thuốc còn nóng hổi vào bàn tay người mời như cách ví von của tướng Philip Davidson trong Vietnam At War. (4)
Cuối cùng, hơn hai năm sau khi ông Hồ đã xuôi tay, Nixon phải cho lệnh phong tỏa hải cảng Hải Phòng, oanh kích Hà Nội, Hải Phòng ròng rã 12 ngày trong dịp Giáng Sinh năm 1972, Lê Đức Thọ mới chịu tái họp nghiêm chỉnh để có thể đi đến Hiệp định Paris (27 tháng 1, 1973). Hiệp định này tuy cứu được phần nào danh dự Mỹ, nhưng đã bức tử Việt Nam Cộng Hòa.
Tất cả chỉ vì một số người Mỹ cũng như Việt lúc ấy quá tin vào biện pháp quân sự, với lực lượng hùng hậu của Hoa Kỳ có thể tiêu diệt Việt Cộng dễ dàng. Họ quên rằng đưa quân đội nước ngoài vào Việt Nam mà không có một hiệp ước song phương được quốc hội phê chuẩn (như trước kia ông Diệm, khi đàm đạo với đại sứ Frederick Nolting đã luôn nằng nặc đòi cho bằng được một hiệp ước như thế nếu cần có quân Mỹ can thiệp), thì chính nghĩa tự vệ của miền Nam sẽ mất. Quân sĩ dù thiện chiến và có tinh thần quyết chiến hy sinh đến đâu vẫn bị đối phương tuyên truyền, gọi là lính đánh thuê để lừa bịp dư luận Mỹ và thế giới. Kết quả là phong trào phản chiến nổi lên khắp nơi. Lúc ấy (trong trận chiến ý thức hệ đặc biệt) bom nguyên tử cũng thành vô dụng.
Trước khi sang ý kiến thứ 3, tưởng cũng nên có một cảnh giác bên lề. Tuy Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản có thể có nhiều mưu kế, nhưng cũng không nên huyền thoại hóa khả năng của họ về mặt này để khỏi rơi vào bẫy để họ có thể thổi phồng khả năng cài người, đặt nội gián (cỡ Phạm Xuân Ẩn, Huỳnh Văn Trọng, hay Vũ Ngọc Nhạ) vào trung tâm quyền lực của Việt Nam Cộng Hòa trước đây.
Việc CIA ngụy tạo danh thiếp của Hồ Chí Minh kèm theo cành đào, nếu chuyện đó có thực thì phải có nhiều đồng lõa, kể cả của nhân viên trong Ủy Hội Quốc tế Kiểm soát đình chiến (ICC), vì ông Lê Châu Lộc cho biết chính ông đi nhận cành đào ở Ủy Hội. Vả lại khi mà ông Nhu nói chuyện công khai với Maneli, “một thứ phái viên của Hà Nội” ngay tại buổi tiếp tân của ngoại trưởng Trương Công Cừu ngày 25 tháng 8 năm 1963 thì còn có sự hiện diện của tân đại sứ Mỹ Cabot Lodge.
Ngoài ra, theo nữ tiến sĩ Ellen Hammer thì ông Nhu còn cho ông Lodge biết chuyện Maneli nói với ông. Vậy thì đâu có cần phải ngụy tạo làm gì? Việc ngụy tạo này, nếu có sẽ vô cùng khó khăn và cực kỳ nguy hiểm, nếu bị phát giác sẽ liên hệ đến danh dự của siêu cường Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù riêng cá nhân tôi không được biết có tài liệu nào liên quan đến sự ngụy tạo nói trên, tôi cũng không có bằng chứng gì để phủ nhận một tin rất lạ lùng về việc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ chỉ thị cho CIA ngụy tạo (nguyên văn fabricate) bằng cớ về sự dính líu của bào đệ của Tổng thống Diệm với Bắc Việt.
Chúng tôi xin được giải thích kỹ hơn những nghi ngờ của một vài thân hữu về thái độ của người viết đối với ông Hồ, cho rằng chúng tôi coi ông Hồ cũng vì quyền lợi dân tộc như ông Diệm,.
Giải thích điểm này đáng lẽ phải phân tích lý thuyết Mácxít – Lêninít và nhất là chiến lược, sách lược đấu tranh chính trị của Lênin. Hay nói theo tập quán suy luận của tôi là chiến tranh (ý thức hệ) toàn bộ, toàn cầu, toàn diện, thường trực của cộng sản. Khi viết về ông Hồ, hay ông Diệm, hay cuộc chiến Việt Nam chúng tôi luôn luôn đặt đối tượng nghiên cứu vào trong bối cảnh chiến tranh ý thức hệ mà tôi coi như thế chiến III (4bis) Tuy nhiên trong cuốn Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, chương 43 của phần 3 tôi đã nói một cách hết sức tóm tắt về những điều có tính lý thuyết, trừu tượng đó. (5)
Ở đây, xin đi thẳng vào vấn đề một cách cụ thể. Ông Hồ, nhìn qua lăng kính của chiến tranh ý thức hệ toàn cầu, trong phạm vi chiến lược, là một cán bộ cao cấp của Quốc Tế Cộng Sản (QTCS) với mục tiêu tối hậu là xích hóa toàn thế giới, để cuối cùng thiết lập chế độ độc tài toàn diện chuyên chính vô sản theo đúng lý thuyết Mácxít–Lêninít.
Nhưng nhìn ông ta dưới lăng kính của chủ nghĩa dân tộc, nghĩa là trong phạm vi sách lược giai đoạn của Lênin, (muốn tới Paris phải qua ngã Bắc Kinh, vòng vo, dài dòng, lắt léo) thì trong con người Quốc tế Hồ Chí Minh, còn có con người Việt Nam Hồ Chí Minh. Con người thứ hai này lại được một số trí thức và các tầng lớp nhân dân trong nước và thế giới coi là nhà ái quốc do sự hướng dẫn sai lạc của một số nhà báo thiên tả hay kém hiểu biết, vô tình hay hữu ý không đếm xỉa đến con người quốc tế của ông ta.
Ông Diệm cũng biết rõ điều này như cựu đại sứ Frederick Nolting đã viết trong cuốn From Trust To Tragedy. Ông Diệm cũng biết sở dĩ ông Hồ được một số trí thức và một số dân chúng coi như yêu nước là vì họ không nhìn thấy chiến lược dài hạn của Lênin (trong đề cương chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa dân tộc).
Ông Diệm cũng như nhiều thành phần quốc gia am hiểu chiến lược, sách lược cộng sản đều hiểu do tuyên truyền xảo quyệt tinh vi với kỹ thuật caocộng sản đã tạo được một hình tượng, một huyền thoại HCM yêu nước với hào quang chiến thắng Điện Biên đánh thắng đoàn quân viễn chinh hùng hậu của Pháp, cộng với hào quang cách mạng tháng 8– 1945 khởi nghĩa thành công giành độc lập, đánh đổ chế độ quân chủ phong kiến.
Những thực tế đó đã làm cho ông Hồ thành đối thủ rất đáng gờm của ông Diệm. Ông Hồ, tay sai thực sự của QTCS, tức của Liên Xô, Trung Cộng, được dư luận xem là nhà ái quốc vì đã giấu kỹ được sự hiện diện của cán bộ Nga Cộng và Tàu Cộng ở Bắc Việt (do kiểm soát hoàn toàn các nguồn thông tin, bằng độc tài tuyệt đối). Trong khi đó tại miền Nam, ai cũng biết sự diện diện của các cố vấn Mỹ càng ngày càng tăng, từ vài trăm trong những năm 1954– 55 lên đến 16 ngàn vào năm cuối cùng của Đệ I Cộng Hòa là 1963.
Sự hiện diện cũng như nhịp điệu gia tăng đó được các cơ quan truyền thông, do bản chất chế độ dân chủ tự do của miền Nam lúc ấy – mặc dù chỉ tương đối – không ngừng loan truyền trên khắp thế giới. Bộ máy tuyên truyền qui mô của ông Hồ làm cho ông Diệm nhức nhối với danh từ Mỹ–Diệm hàng ngày ra rả kêu réo trên đài Hà Nội và đài bí mật của mặt trận Giải Phóng Miền Nam.
Là người thực sự yêu dân, yêu nước lại bị một cán bộ Quốc tế Cộng Sản lấn lướt trong mặt trận tuyên truyền về lòng yêu nước, ông Diệm chẳng lẽ lại muối mặt không dám bắt tay nhận cuộc thách đấu khi ông Hồ chìa tay ra với cành đào Xuân? Với cành đào này, có thể ông Hồ muốn chơi trò tháu cáy, nhắn bảo ông Diệm, “hãy đuổi Mỹ đi để chứng tỏ ông không phải tay sai của Mỹ. Có thế ông mới xứng đáng là đối thủ của tôi”.
Phe thế giới Tự Do, trong đó gồm cả Việt Nam Đệ Nhất Cộng Hòa từng thua kém phe CS về tuyên truyền (mặt tiêu cực cũng mặt tích cực) là vũ khí chủ soái của chiến tranh ý thức hệ Cộng Sản. Điều đó xin đừng vì tự ái mà phủ nhận. Nhưng nếu đề cao được chính nghĩa của cuộc chiến là chủ nghĩa dân tộc, là lòng yêu nước, thì sẽ tức khắc lấy lại được sự cân bằng, nếu không nói là thế thượng phong.. Hơn nữa mình có chính nghĩa thực sự. Còn đối phương chỉ là chính nghĩa giả tạo, vì đó chẳng qua chỉ là chính nghĩa giai đoạn sách lược, theo sách lược giai đoạn của Lênin.
Ngoài ra, tuy là ở hai chiến tuyến đối kháng trong cuộc chiến ý thức hệ, nhưng hai khối Đông Tây lúc ấy không phải đã ở trong tình trạng chiến tranh (quân sự). Liên Xô và các cường quốc Phương Tây vẫn có quan hệ ngoại giao với nhau. Vẫn có những cuộc gặp gỡ, thương thuyết, hòng giữ cho sự đối kháng không đưa tới chiến tranh gây tai họa cho cả đôi bên. Thế thì tại sao giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Việt Nam lại không có thể dần dần tiến tới một quan hệ nào đó để tránh chiến tranh mở rộng?
Ông Diệm hẳn còn nhớ hồi 1954 chính Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Cộng đã đề nghị với ông Ngô Đình Luyện, bào đệ của Thủ Tướng Diệm vừa được chỉ định, rồi lại đề nghị với ngoại trưởng Trần Văn Đỗ là “miền Nam Việt Nam nên lập bang giao với Trung Quốc”. Ba năm sau, lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev còn đề nghị cho cả hai miền Nam, Bắc vào Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù ông Diệm cũng lại hiểu đó chỉ là một hình thức đấu tranh chính trị, một mặt trận ngoại giao trong thế chiến toàn bộ, toàn diện mà thôi nhưng khi ấy ông Diệm chưa đủ sức và thấy chưa đến lúc phải thoát hẳn ra ngoài qũy đạo của Hoa Kỳ trong thế chiến lược toàn cầu đối với phe Cộng. Nhưng nay hoàn cảnh đã khác. Đã am hiểu thế nào là chiến tranh ý thức hệ, toàn cầu, toàn diện thì không thể nào không biết tiếp đòn và trả đòn đối phương.
Xét riêng về mặt quân sự, các binh thư kim cổ đều bàn về thế công và thế thủ, và cả về thoái lui có trật tự để bảo toàn lực lượng. Thì cũng tương tự như thế, xét về mặt phi quân sự, cuộc chiến ý thức hệ cũng có những giai đoạn thế công, thế thủ, và tạm rút lui, lùi một bước để tiến hai bước, thậm chí, lùi hai bước, để tiến lên một bước như Lênin đã đặt tên cho tác phẩm của ông Hai Bước Lùi Một Bước Tiến. Có khi lùi chỉ là diện để tiến về điểm. Lùi ở mặt trận này để tiến ở mặt khác v.v...
Xét tương quan lực lượng đôi bên, lúc ấy Việt Nam Cộng Hòa tuy không là thành viên SEATO (Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á) nhưng được tổ chức này bảo vệ. Nếu có một cuộc xâm lăng quy mô của Bắc Việt, thì quân các nước thành viên SEATO sẵn sàng tham chiến để đẩy lui.
Về mặt ngoại giao, tuy lúc ấy ông Diệm bị khó khăn với Mỹ nhưng được đại đa số các nước Tây Phương và một số đông các nước trong khối quốc gia không liên kết ủng hộ.
Về kinh tế, miền Nam hơn hẳn miền Bắc. Cải Cách Ruộng Đất và kế hoạch hợp tác hóa công, nông, thương nghiệp đã làm cho Bắc Việt lâm vào cảnh cha chung không ai khóc khiến đời sống nhân dân đói khổ.
Về an ninh, như chính Nguyễn Văn Linh đã thú nhận với Neil Sheehan, và sau này Văn Tiến Dũng cũng xác nhận trong hồi ký của mình, từ 75 (NVL) đến hơn 90 (VTD) phần trăm cán bộ nằm vùng đã bị mật vụ của ông Nhu, ông Cẩn phá vỡ. Chính Lê Duẩn cũng than rằng các cơ sở trong Nam bị phá hầu hết. (6)
Thế còn mối nguy Trung Cộng can thiệp giúp Bắc Việt trong khi Mỹ đã rút hết? Mặc dầu ông Hồ là cán bộ Quốc tế cộng sản, không dễ gì được tự do thương lượng với ông Diệm. Có người còn nghi rằng ông Hồ chìa cành đào ra cũng nằm trong kế sách của đàn anh, nhưng xét tình hình bang giao lúc ấy giữa hai đàn anh đang có xung đột về vấn đề biên giới, khả năng Trung Cộng giúp Bắc Việt đánh úp miền Nam sau khi Mỹ rút ít có triển vọng xảy ra. Trung Cộng cũng sợ SEATO trả đũa chứ.
Cân nhắc những yếu tố đó, cộng với sự đánh giá tác động của tuyên truyền cộng sản mà ông Diệm thấy mình khó có thể hơn, ông Diệm hẳn là phải suy tính lung lắm.
Theo thiển kiến đó là những gì quay cuồng trong đầu hai anh em ông Diệm, trước khi cho trưng bày cành đào của ông Hồ tại phòng khánh tiết dinh Gia Long, chứ không bảo đem ném nó vào thùng rác như có nhiều người muốn hai ông làm như vậy.
Tác dụng tối đa của cành đào Xuân Quý Mão, mà ông Diệm nhắm tới chỉ là mở đầu cho một giai đoạn “détente” (giảm sự căng thẳng giữa đôi bên đối kháng) chứ không phải “entente” (thỏa hiệp giữa hai bên cùng có những quyền lợi chung) giữa hai họ Hồ – Ngô.
Riêng độc giả Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, chắc đã nhận thấy là ngay ở hàng đầu của Lời Nói Đầu Minh Võ đã viết: “Trong mỗi con người đều tiềm ẩn một thiên thần và một ác quỷ”. Hơn nữa, ngay trang đầu, liền dưới nhan sách, cũng có ghi danh ngôn của Pascal, nhà toán học, khoa học gia Pháp trứ danh với nhiều phát biểu trở thành danh ngôn của nhân loại: Con người không phải thiên thần, cũng không phải thú vật.
Chúng tôi vẫn nghĩ đã là con người thì ai cũng có những ưu và khuyết điểm. Nhân vô thập toàn. Dù tài giỏi đến mấy cũng có những lúc tỏ ra kém cỏi. Dù thánh thiện đến đâu cũng có những khi phạm lỗi lầm. Ngược lại dù tàn bạo, gian ác, xảo trá đến mấy cũng có những lúc, vì hoàn cảnh, hoặc vì lý do nào khác không rõ rệt đã có những hành vi nhân đạo, lương thiện dù chỉ là nhất thời.
Dĩ nhiên chúng tôi cũng hiểu xét một người không chỉ xét một vài hành vi cá biệt mà phải xét tính tình, nghĩa là xu hướng nội tâm, cộng với tập quán, hay thói quen của con người. Một người với tính tình hay thói quen xấu cũng có thể có một vài hành vi tốt. Nhưng hành vi cá biệt tốt đó không thể là tập quán hay thói quen. Tập quán hay thói quen phải là nhiều, rất nhiều hành vi được lặp đi lặp lại một cách đều hòa, thường xuyên. Đó là một thứ bản tính tự nhiên (hay thiên nhiên) thứ hai: (L’habitude est une seconde nature)
Như vậy đã rõ chúng tôi không phải có tư tưởng cực đoan khi nghiên cứu và bày tỏ quan điểm về ông Hồ. Nhiều chỗ trong sách chúng tôi đã không ngần ngại khen ông Hồ. Tôi vẫn nghĩ nếu không có khả năng, không có tài cán ông ta đã không đánh bại được phe quốc gia và đã không làm cho đàn em của ông thống trị đất nước được cho đến ngày nay. Nhưng, dĩ nhiên, khả năng, “tài cán” không đồng nghĩa với anh hùng dân tộc, “cha già dân tộc” (7). Nếu phe quốc gia chúng ta không tự kiểm điểm để biết mình biết địch, tìm hiểu lý do thực sự của sự thất trận, cứ mãi mãi biện minh rằng ta thua vì bị Mỹ bỏ rơi, Mỹ phản bội... thì đảng cộng sản còn thống trị nhân dân ta lâu, rất lâu. Hy vọng lời nói thẳng này không làm một số vị nổi giận.
Mong rằng mấy hàng trên đã giải đáp phần nào bốn thắc mắc chính của độc giả.
(Còn tiếp)
Copyright © 2006–2007 DCVOnline
---------------------------------------------
(1) Trong hồi ký From Trust To Tragedy, (nxb Praeger, N.Y. 1988, trang 22-23) cựu đại sứ Mỹ Frederick Nolting viết: “Cuộc hội đàm của chúng tôi (giữa ông và ông Diệm) kéo dài 6 giờ. Thực sự xem ra không thấy lâu mấy. Vì tôi thấy những đề tài mà chúng tôi thảo luận vô cùng hấp dẫn. Ông (Diệm) khởi sự bằng việc giải thích lịch sử Việt Nam từ thời quá khứ xa xăm qua các cuộc chiến tranh với Trung Hoa, cuộc chiếm đóng của quân Pháp, quân Nhật và thời kỳ hỗn loạn sau thế chiến 2. Những tài liệu nghiên cứu phong phú về dân tộc Việt Nam, về nguồn gốc, văn hóa, và vận mệnh của dân tộc đó bắt đầu trước kỷ nguyên Thiên Chúa, chấm dứt không phải trong hiện tại mà mãi nhiều thế kỷ trong tương lai. (....)
“Tôi đã có đọc lịch sử Việt Nam và đã biết các cuộc chiến tranh giành độc lập của sứ sở này, và cũng đã biết là ông Diệm hiểu biết tường tận, thấu đáo vấn đề. May mắn là tôi cũng đã có một căn bản hiểu biết đáng kể về triết học và khoa tôn giáo đối chiếu. Nhưng tôi hoàn toàn không được chuẩn bị để nghe những điều như thế này. Càng nghe tôi càng thích thú. Tôi đặt những câu hỏi. Mỗi câu hỏi lại mở ra một chương mới, và sau một thời gian tôi nhận ra sự dấn thân, tận hiến và lòng say mê của con người này, một người hiến trọn đời mình để giữ cho bằng được căn cước lịch sử của dân tộc ông ta và ông ta hiểu nó, yêu nó.
(2) Trong Our Endless War (Presidio Press, 1987 trang 51) tướng Trần Văn Đôn viết: “Ông Diệm muốn học thật nhiều, học hết sức mình, về mọi khía cạnh của đất nước, chính phủ, Việt Minh, và quân đội. Ông hỏi tôi những câu hỏi rất tỷ mỷ, thấu đáo và có thể moi cho đến tận cùng tất cả những gì tôi biết lúc đó. Tôi rất cảm phục ông, coi ông là một người rất mực thông minh, cương trực và đầy lòng yêu nước.” Đọc đến đây chúng tôi lại nhớ đến lời khen của nhà cách mạng Phan Bội Châu: “Ngô Đình Diệm là chí sĩ, vĩ nhân” và của cựu hoàng Bảo Đại: “Ngô Đình Diệm nổi tiếng thông minh, liêm khiết” (Con rồng Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc, Nam Cali, 1990, trang 91)
(3) Theo Bernard Fall trong The Two Vietnams, nxb Frederick A. Praeger, USA, 1967, trang 240.
(4) Xem Vietnam At War, Presidio Press, Novato, California, 1988, trang 597...
(4bis) Trước đây ít nhất đã có bảy người sau đây gọi cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông Tây là thế chiến III. Một trong bảy người đó là Tổng Thống Richard Nixon (xin xem The Real War, chapter 2) viết rằng thế chiến III đã khởi sự kể từ khi thế chiến II chưa kết thúc. Riêng người viết đã viết trong HCM, nđth rằng thế chiến III đã nhen nhúm với Tuyên Ngôn Cộng Sản của Mác và Ăng Ghen. Và chúng tôi luôn luôn cho rằng thế chiến III không phải chỉ là cuộc chiến giữa hai khối Đông Tây mà là cuộc chiến giữa một bên là khối Cộng khai chiến, chủ chiến và một bên là toàn thể nhân loại cần phải tự vệ để sinh tồn. Theo những gì chúng tôi đã được đọc thì bốn người đầu tiên dùng những từ thế chiến III là Robert Strausz-Hupé và 3 cộng sự viên, đồng tác giả cuốn Protracted Conflict (Cuộc Xung Đột Kéo Dài, viết về những gì Mao Trạch Đông bàn trong Trì Cửu Chiến Luận, được Trường Chinh mô phỏng viết nên Trường Kỳ Kháng Chiến Nhật Định Thắng Lợi) (Harper & Brothers, NY, 1959). Người thứ 5 là Max Eastman, người giới thiệu cuốn Protracted Conflict, trong Readers’ Digest số tháng 1- 1961. Người thứ sáu là văn hào phản kháng trứ danh của Nga Alexander Solzhenitsyn viết trên tờ Le Monde 1.5.1975, ngay sau khi nghe Saigon thất thủ. Và sau cùng là cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon.
(5) Xem HCM, ndth, nxb Tủ Sách Tiếng quê hương, tái bản năm 2006, trang 479- 522.
(6) Xem When The War Was Over của Neil Sheehan, trang 77, và Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước của Văn Tiến Dũng, trang 16 phần cước chú.
(7) Sau đây là vài ví dụ về cái tài ma giáo của ông Hồ đã được trình bày chi tiết trong HCM ndth:
- Chiếm danh, chiếm luôn tổ chức và thành tích của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh hội, biến nó thành mặt trận Việt Minh;
- Xâm nhập, thao túng, lũng đoạn và biến Tâm Tâm Xã của các đồ đệ cụ Phan Bội Châu thành Việt Nam Cách Mệnh Đồng Chí Hội, cái nhân của Đông Dương Cộng Sản Đảng;
- Biến cuộc biểu tình của liên đoàn công chức chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc mít-tinh rồi biểu tình của Việt Minh, khởi đầu cái gọi là cách mạng tháng tám thành công v.v.... (Điểm này thì ông Hồ không đích thân làm nhưng đàn em ông đã theo chỉ thị của ông, hoặc học được cái tài của ông.)
Cướp công thật nhanh, thật tài tình như vậy không giỏi sao? Nhưng vì là cướp công của nhân dân, của những nhà đấu tranh vì chủ nghĩa dân tộc để rồi tự xưng là “cha già dân tộc” thì đó là ma giáo, bá đạo. Không thể là anh hùng dân tộc được. Cái tài của ông Hồ là cái tai họa của dân tộc. Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Công bình mà nói việc thống nhất đảng Cộng Sản Đông Dương vào ngày 6 tháng 1 năm 1930 (sau phải đổi thành ngày 3-2-30 theo chỉ thị của Quôc Tế 3) là nhờ khả năng lãnh đạo và uy tín của ông Hồ chẳng những đối với 3 đảng Cộng Sản ở Việt Nam lúc ấy đang tranh giành quyền lực, mà còn đối với Quốc Tế 3 là cơ quan giao trọng trách đó cho ông ta nữa. Đó là một trong những công trạng lớn khiến Hồ Chí Minh được lãnh tụ Cộng Sản Liên Xô Nikita Khrushchev mệnh danh là “Tông Đồ của chủ nghĩa Cộng Sản”
Tết Con Heo Nhớ Xuân Con Mèo (II)
Tiếp theo phần I
______
Tết Con Heo Nhớ Xuân Con Mèo (II)
Tiếp theo phần ITiếp đây chúng tôi xin dành phần chính của bài này để bàn thêm về lời của giáo sư sử học Marilyn Young mà chúng tôi đã dùng làm kết luận cho bài Hoa Đào Và Máu Đào vì có bạn hữu, kể cả một nhà báo ở Kansas, cho rằng kết luận như thế “hơi vội vã và thiếu tính thuyết phục”.Trước hết, không chỉ có bà Marilyn Young lấy làm tiếc rằng chính quyền Kennedy đã không coi chuyện ông Nhu muốn Mỹ rút bớt hay chấm dứt sự hiện diện của cố vấn Mỹ trong năm 1963 là chuyện của chính Hoa Kỳ, để sau này Hoa Kỳ khỏi phải đem đại quân vào và chiến bại với 58 ngàn tử thương và hội chứng Việt Nam v.v...Tôi chỉ xin nêu ra đây một cách hết sức tóm tắt ý kiến của một số tên tuổi quen thuộc.Stanley Karnow nổi tiếng với cuốn Vietnam, A History có cả triệu ấn bản mặc dù thiên tả và luôn ca tụng Hồ Chí Minh và phe Cộng, cũng nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm là nhà ái quốc. Ông còn viết: đến cả ông Hồ cũng phải kính trọng lòng yêu nước của ông Diệm (even Hồ Chí Minh respected Diệm’s patriotism). Sau khi thuật lại việc ông Nhu tiếp xúc với Hà Nội, Karnow cũng viết: đó là một cơ hội bị bỏ lỡ. Tuy nhiên ông lại cho rằng xét tình hình lúc ấy dầu sao Hoa Kỳ vẫn khó tránh phải tham chiến. (8)Arthur M.Schlesinger, giải Pulitzer về lịch sử, giáo sư đại học Harvard, từng là phụ tá của Tổng Thống Kennedy trong cuốn Robert Kennedy and his times đã viết: “Cuộc tiếp xúc để thương lượng giữa hai ông Hồ, Ngô đã có thể là một lối thoát để Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến Việt Nam vào năm 1963, dầu rằng rất ít hy vọng sau đó chính phủ Diệm sẽ tồn tại được lâu. Có lẽ một cơ may nào đó đã bị bỏ lỡ vào mùa thu năm 1963. (Minh Võ viết nghiêng)” (9)Thiết nghĩ khỏi cần nhắc đến ý kiến của 3 tác giả khác là William E. Colby, Nguyễn Văn Châu và Mark Moyar mà nguyên nhan sách của họ đã nói lên một cách minh thị về một cơ may chiến thắng trong hòa bình bị bỏ lỡ.
William E. Colby, Sếp CIA Sài Gòn (1959-1962), Sếp CIA Đông Nam Á (1962-1967), Điều hành Chiến dịch Phượng Hoàng (1968-1971), giám đốc Trung Ương Tình Báo Mỹ (1973-1976) Nguồn: Minh Võ
William E. Colby, cố giám đốc Trung Ương Tình Báo Mỹ, có cuốn Lost Victory (10. Nguyễn Văn Châu, cựu giám đốc Chiến Tranh Tâm Lý Việt Nam Cộng Hòa, có cuốn Ngô Đình Diệm và nỗ lực Hòa Bình Dang Dở (11).Mark Moyar, giáo sư đại học Cambridge có cuốn Triumph Forsaken (12). Nhưng không thể nào không nhấn mạnh ở đây ý kiến của 2 người một Mỹ, một Việt, mà chúng tôi cho là hết sức quan trọng: Robert McNamara và Lưu Doãn Huỳnh. Robert McNamara, cựu bộ trưởng Quốc Phòng dưới thời 2 tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson - người đã cùng với thống tướng Maxwell Taylor chống việc hạ bệ ông Diệm vì hai ông đã nhìn rõ sự việc trong chuyến cùng nhau thanh sát miền Nam vào tháng 10 năm 1963 (theo lệnh của Tổng Thống Kennedy), đã đồng lòng báo cáo là tình hình Miền Nam khả quan và sang năm tới (1964) Mỹ có thể rút 1000 cố vấn - chẳng những đồng ý với sử gia Young mà còn nói lên quan điểm của mình với những cán bộ cao cấp Việt Cộng tại hội nghị tay đôi Mỹ Việt ở Hà Nội trong những năm 1997, 1998.Trong cuốn Argument without end (13) viết chung với 4 người khác mà ông là tác giả chính, McNamara đã thuật lại nguyên văn những gì ông đã nói với đối phương gồm Nguyễn Cơ Thạch nguyên bộ trưởng ngoại giao, Võ Nguyên Giáp, đại tướng, nguyên bộ trưởng Quốc Phòng, bà Nguyễn Thị Bình, phó chủ tịch nước, Đặng Vũ Hiệp, thiếu tướng, nguyên tổng cục phó tổng cục Chính Trị Quân Đội Nhân Dân, Đinh Nho Liêm, nguyên đại sứ tại Moscow, Lưu Văn Lợi, nhà báo sử gia chuyên về liên hệ ngoại giao Mỹ Việt.... và Lưu Doãn Huỳnh, học giả, viện Bang Giao Quốc Tế.Sau đây là trích dịch một vài đoạn của McNamara và Lưu Doãn Huỳnh liên quan đến vấn đề một cơ hội để lỡ vào mùa thu năm 1963.
McNamara: “Tôi muốn trở lại vấn đề ông Diệm bị thảm sát. Trong đầu tôi không có vấn đề nào khác ngoài việc Hoa Kỳ có dính líu đến cuộc đảo chính và cuối cùng là sự thảm sát ông Diệm. Những gì tôi nói đây hoàn toàn không phải để phủ nhận sự dính líu này. Tôi nghĩ, thực sự chúng tôi có tội (I think it is a fact that we were culpable). Nhưng tôi hiểu - tôi đã được một vài vị là người Việt Nam hiện có mặt tại đây cho biết - và tôi tin rằng đã có một hồ sơ hay tài liệu ghi chép mà tôi chưa hề được nhìn thấy, một tư liệu tại Hà Nội cho thấy có một vài vị lãnh đạo miền Bắc Việt Nam, kể cả cụ Hồ đã rất lo buồn (deeply distressed) vì cuộc đảo chính và cái chết của ông Diệm. Tại sao vậy? Vì những vị đó tin rằng, dù ông ta là người như thế nào chăng nữa, ông ấy vẫn là một người yêu nước. Do đó, vì là người yêu nước, ông ấy sẽ không mong muốn để cho người Mỹ kiểm soát xứ sở này. Điều này (Hoa Kỳ nắm quyền kiểm soát Miền Nam, MV) đã thực sự xảy ra đúng như thế khi (sau này) chúng tôi đưa 500, 000 quân vào. Vì thế, xin nhắc lại một lần nữa, sự tin tưởng này - tôi chỉ được nghe trong các câu chuyện ở đây, tại Hà Nội này, chứ chưa từng bao giờ được nhìn thấy các tài liệu - sự tin tưởng rằng ông Diệm sẽ không bao giờ yêu cầu, hay chẳng bao giờ chấp nhận một con số đông đảo quân tác chiến Mỹ được tán thành bởi nhiều nhà lãnh đạo ở Hà Nội. Các nhà lãnh đạo này đã rất buồn lòng vì cuộc đảo chính và vụ giết hại ông Diệm. Tại sao? Bởi vì các nhà lãnh đạo miền Bắc đã nhìn thấy trước chuyện gì sẽ xảy ra sau đó – nghĩa là người Mỹ chúng tôi sẽ nhảy ra cầm chịch mọi thứ và rằng cuộc chiến sẽ leo thang đến mức độ vượt mọi sức tưởng tượng. Tôi hiểu rằng đã có bằng chứng trên giấy trắng mực đen về điều đó, và ở đây, tôi muốn được nghe quí vị xác nhận.”Đáp lại lời yêu cầu xác nhận, cựu bộ trưởng ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch đã tránh né. Chắc hẳn là vì ông ta không dám tự mình đưa ra lời xác nhận, khi chưa hỏi ý tập thể ban lãnh đạo trước. Ông ta nói cộc lốc:Nguyễn Cơ Thạch: “Chúng tôi đã thất vọng vì mãi đến lúc ấy ông ta mới bị giết. Quá muộn. Okay?”Còn nhiều ý kiến khác. Nhưng tựu trung phía Việt Nam không ai dám xác nhận, có lẽ vì sợ nói sai với quan điểm “chính thống” mà Nguyễn Cơ Thạch là đại diện cao nhất có mặt vừa đưa ra.
Dương Văn Minh, Robert McNamara, Hery Cabot Lodge Nguồn: Minh Võ
Nhưng vào tháng 2.1998, nghĩa là hơn nửa năm sau, cũng trong một hội nghị hỗn hợp Việt Mỹ khác tại Hà Nội mà ông McNamara tham dự, phía Việt Nam chỉ gồm có một số nhỏ cán bộ cấp thấp hơn, tác giả của quyển Argument Without End cho biết “phía Việt Nam đã trả lời một cách khác, và sự khác biệt khá quan trọng. McNamara thuật lại lời Lưu Doãn Huỳnh nói rằng đây là lịch sử và bất kể người ta nghĩ gì về ông Diệm, người ta cũng cần phải nói rõ ý nghĩ của mình về thực tế thời đại. Họ Lưu nói có thể chính phủ của anh ta không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của anh ta. Nhưng, quả thực cái chết của ông Diệm đã là một biến cố rất bất hạnh (very unfortunate event) và đã được Hà Nội coi như một sự báo động. Tại sao? Đây, xin mời đọc một đoạn lời phát biểu của họ Lưu.
Lưu Doãn Huỳnh:“Nhưng qua năm 1962... chúng tôi cũng thấy những mâu thuẫn càng ngày càng tăng giữa Diệm và người Mỹ. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy Diệm từ chối không chịu theo đường lối của Hoa Kỳ về nhiều phương diện, kể cả vấn đề sử dụng quân tác chiến Mỹ trong chiến tranh ở miền Nam. Diệm đã bác bỏ việc dùng quân tác chiến Mỹ bất chấp áp lực nặng nề của các ông.“Diệm là người rất phức tạp (14). Qua thái độ của ông ta từ 1954 đến 1960, người ta có thể thấy rằng tuy phải dựa nhiều vào Hoa Kỳ và phải chống lại cộng sản một cách không khoan nhượng, ông ta vẫn chủ yếu theo một chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi, đồng thời áp dụng chế độ chuyên quyền độc đoán, gia đình trị. Diệm ra lệnh mọi thứ trong nước cũng như trong gia đình. Kết quả là chúng tôi thấy rằng ông ta còn nắm quyền càng lâu chừng nào thì càng tốt chừng đó đối với cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Điều này chẳng những vì sự độc đoán chuyên quyền và thái độ tàn bạo của ông ta sẽ làm tăng thêm hàng ngũ cách mạng, mà còn vì ông ta bác bỏ sự can thiệp trực tiếp của người Mỹ các ông trong một thời gian dài. Điều ấy rất giúp ích cho Mặt trận Giải Phóng. Rất có lợi. Vì mục tiêu của mặt trận này là vào một lúc thuận lợi sẽ giành được thắng lợi quyết định và tránh được sự can thiệp trực tiếp bằng quân sự của các ông. Đó là mục tiêu mà ông Diệm, bằng một cách nghịch lý, sẽ giúp mặt trận Giải Phóng đạt được.“(Bây giờ là thời gian lịch sử đã ở dĩ vãng xa xăm, nên tôi có thể nói với các ông vài điều - những gì tôi biết, hay nghĩ, là những điều không nhất thiết phản ánh quan điểm của một số đồng nghiệp khác của tôi)” (Ngoặc đơn của tác giả McNamara) “Các ông có thể hỏi: Chúng tôi sẽ xử với ông Diệm ra sao nếu cảnh ngộ ấy thực sự xảy ra trong dĩ vãng? Tôi thiết tưởng nếu ông Diệm đã có thể giúp đem lại một kết quả tốt, tức một chiến thắng dần dần của cách mạng, mà không phải có chiến tranh lớn với Hoa Kỳ thì ông ta đã đóng góp một phần quan trọng. Trong trường hợp đó, tôi nghĩ ông ta sẽ được giao một địa vị trong chính phủ mới. Sự có mặt của ông ta trong chính phủ đó cũng là một cách giữ thể diện cho Hoa Kỳ. Và như vậy sẽ khiến Hoa Kỳ dễ chấp nhận một giải pháp trung lập ở Miền Nam Việt Nam. Về lâu về dài, ông Diệm có thể tiếp tục có vị trí của mình trong chính phủ tương lai nhưng sẽ không giữ vai trò quyết định trong chính phủ đó.Nhưng sự sụp đổ và cái chết của ông Diệm trong cuộc đảo chính tháng 11 năm 1963 đã làm tăng mối nguy về một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ. Mối nguy này đã được nhấn mạnh và bàn thảo trong Nghị Quyết của phiên họp kỳ 9 Trung Ương Đảng vào tháng 12 năm đó.” (Minh Võ tô đậm)
Qua lời phát biểu của hai nhân vật trên, một Mỹ một Việt Nam, ta thấy mấy điểm đáng chú ý sau đây. Trước hết ông McNamara đã thành thực thú nhận “chúng tôi đã có lỗi” (culpable). Hai từ “chúng tôi”, theo văn cảnh, được hiểu là người Mỹ. Nhưng theo người viết “chúng tôi” ở đây phải là chính quyền Kennedy thuộc đảng Dân chủ, trong đó McNamara là bộ trưởng Quốc phòng, mặc dù ông là một trong số đông bộ trưởng, tướng lãnh và giám đốc CIA (John McCone), cũng như phó tổng thống (Lyndon B. Johnson) v.v..., đã chống lại hay không tán thành việc hạ ông Diệm.Những kẻ có tội lớn nhất là thứ trưởng Ngoại Giao Averell Harriman, phụ tá bộ trưởng Ngoại Giao Roger Hillsman, phụ tá cố vấn an ninh quốc gia Michael Forrestal và mấy nhà báo trẻ như David Halberstam, Neil Sheehan, Malcolm Browne. Sáu nhân vật này nằm trong nhóm “Diem Must Go” mà Harriman là người cầm đầu. Harriman đã có mối thù với Ngô Đình Diệm nhân cuộc cãi vã kịch liệt về hiệp ước trung lập hóa Lào (tháng 7 năm 1962). Lập trường của Tống thống Ngô Đình Diệm, dầu ông không phải một tướng lãnh, lại có một ý thức chiến lược rất phù hợp với lập trường của Tổng Thống Dwight D. Eisenhower, nguyên thống tướng tư lệnh quân đồng minh trong thế chiến II. Đó là không thể để mất Lào vì Lào là cửa ngõ và là con đường dẫn quân của Bắc Việt vào Nam Việt Nam. Khi bàn giao chức vụ nguyên thủ Hoa Kỳ Eisenhower đã căn dặn Tổng thống đắc cử John F. Kennedy phải bằng mọi cách giữ Lào. Nhưng Kennedy đã khoán trắng việc này cho Harriman. Với hiệp ước trung lập, mọi phía đều rút quân chỉ trừ Bắc Việt. 7.000 quân Bắc Việt để lại không chịu rút, 10 năm sau đã lên đến 70.000. Harriman tin rằng với sự bảo đảm của Liên Xô, Bắc Việt sẽ không dám vi phạm hiệp ước. Nhưng thực tế đã không phải vậy. Có người đã nghi ngờ Harriman không ngu mà là có thâm ý.Chúng tôi không kể ông Cabot Lodge trong số những kẻ có tội (culpable) này, vì ông là người duy nhất thuộc đảng Cộng hòa thi hành lệnh của những nhân vật ngoại giao của đảng Dân chủ đương quyền thực hiện tội ác này. Về cuối đời ông Lodge đã nói lời hối hận với một người bạn là Corliss Lamont (15). Trong cuốn hồi ký The Storm Has Many Eyes, (W.W. Norton Inc., New York, 1973, trang 207-208) ông cũng phải nhận ông Diệm là người yêu nước, tuy rằng ông không dùng những từ Nationalist hay Patriot mà chỉ viết nhẹ nhàng “...He was courageous and loved his country”. Câu “chúng tôi đã có lỗi” của McNamara nhắc nhớ lại những gì ông ta đã viết trong tác phẩm trước, In Retrospect: Tragedy and Lessons From Vietnam rằng cuộc đảo chính đầu tháng 11, năm 1963 là do người Mỹ tổ chức (organize) và khởi động (set in motion) (16). Ngay Tổng Thống Richard M. Nixon, người đã tố cáo chính quyền Kennedy phạm lỗi lầm nguy kịch nhất, (the critical mistake, trong tác phẩm No More Vietnams) lỗi lầm tệ hại nhất (The worst mistake, trong tác phẩm 1999, Victory without war) của đảng Dân Chủ là chủ trương lật đổ ông Diệm, cũng chỉ dùng những động từ “encourage” (khuyến khích), support” (ủng hộ) và “Instigate” (xúi giục) (17).Còn Stanley Karnow thì chỉ dám gọi là đồng lõa (18).
Còn tiếp
Copyright © 2006–2007 DCVOnline
(8) Vietnam, a History, the Viking Press, 1991, tt 229 & 308 (9) SĐD trang 777-778. Arthur Schlesinger cũng là tác giả cuốn A Thousand Days viết về gần 3 năm cầm quyền của cố Tổng thống Kennedy. Trong tác phẩm này ông cho biết Kennedy hết sức sửng sốt bất bình và tỏ ra xúc động cực kỳ khi nghe tin Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ bị giết. Tác giả đã ghi lại nguyên văn lời Tổng thống Kennedy nói về hai nhân vật này: “They did their best they could for their country” (Hai người ấy đã làm hết sức mình cho xứ sở của họ).(Xin xem SĐD, The Riverside Press Cambridge, 1965, trang 998). Trong cuốn Lost Victory (xem chú thích (10) được xuất bản gần 20 năm sau, cựu giám đốc Trung Ương Tình Báo Mỹ, William E. Colby cũng nhắc lại lời này của cố Tổng thống Kennedy. Đồng thời ông cũng cho biết ngay hôm sau (3-11-63) khi cùng với ông McCone, lúc ấy đang là Giám đốc CIA, tới gặp TT Kennedy thì thấy Tổng thống vẫn còn ưu tư về cái chết của 2 anh em ông Diệm (SĐD trang 157) (10) Lost Victory (with James McCargar), Contemporary Books, Chicago, New York, 1989. Trong tác phẩm này tác giả cũng nói đến chuyện Việt Cộng rất ngỡ ngàng khi nghe tin ông Diệm đổ và bị giết. Ông thuật lại chuyện một nhân viên đại diện Việt nam Dân chủ cộng hòa ở Paris đã nói với một người Mỹ “họ lấy làm lạ lùng và xúc động thấy người Mỹ lại ra tay diệt trừ một đối thủ mạnh nhất và hữu hiệu nhất của họ. Sau đó lãnh tụ Mặt trận Giải Phóng gọi đó là “Của Trời cho chúng tôi (gift from Heaven for us)””. (Op.Cit. Ibid) Theo nữ ký giả năng nổ Marguerite Higgins, mà tuần báo Time mô tả là nữ ký giả tự trang điểm bằng bùn đất thay phấn son, cho biết khi nghe tin ông Diệm bị giết trong cuộc đảo chính, ông Hồ đã nói với nhà báo Úc Wilfred Burchett nổi tiếng, thân cộng: “Thật không thể ngờ người Mỹ lại có thể ngu đến thế.” (sở dĩ tờ Time có lời khen tặng này (trang điểm bằng bùn đất...) là vì cô đã đi khắp các vùng chiến thuật, các đơn vị hẻo lánh, các thôn ấp xa xôi để đích thân điều tra xem làm thế nào mà ông Diệm, “một người được thẩm phán tối cao pháp viện William O. Douglas gọi là anh hùng, lại bỗng chốc biến thành con quái vật như báo chí mô tả?”) (Xem Our Vietnam Nightmare, NXB Harper & Row, 1965, trang 302, và Time Magazine Jan-14- 1966, trang 61) Nhân giỗ thứ 42 của Tổng Thống Diệm, năm 2005, giáo sư Tôn Thất Thiện cho biết một kinh nghiệm cá nhân như sau:“Trong thời gian gần đây tôi may mắn gặp một người từ Hà Nội mà tôi quen khá thân trước năm 1954. Và cũng rất may người này là một người hiếm có đã được chính tai mình nghe ông Hồ nhận định về vụ đảo chính 1963. Người này tuyệt đối cấm tôi tiết lộ tên khi còn sống, vì đây là một “bí mật thâm cung”, nên tôi chỉ gọi y là “Cán bộ X”. Cán bộ X đã kể cho tôi nghe câu chuyện như sau: “Y là người có mặt tại phủ chủ tịch ở Hà Nội ngày xảy ra đảo chánh ở Saigon. Y thuộc một nhóm được ông Hồ cho gặp chiều ngày 2-11-63. Khi vào phủ chủ tịch thì ông Hồ đang bận tiếp một phái đoàn gì đó. Y phải đợi ngoài hành lang. Đang đợi thì thấy có người mang một bao thơ vào cho ông Hồ. Nhìn vào thấy ông mở thơ ra đọc, xong, không nói gì, bỏ thơ vào túi, rồi tiếp tục tiếp khách. Một lúc sau, khách đi rồi, ông cho gọi nhóm của cán bộ X vào và nói: “Lúc nãy người ta báo cho bác biết là ông Diệm vừa bị lật đổ. Ông Diệm là địch thủ ghê gớm nhất của Bác. Nay ông ấy bị loại rồi, thì chiến thắng chắc chắn sẽ về ta rồi”. (Trích kỷ yếu của Hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại tháng 11 năm 2006, trang 201) (11) Bản dịch của Nguyễn Vy Khanh từ nguyên tác Pháp văn Ngô Đình Diệm En 1963: Une autre paix manquée, luận án sử học, trường đại học Paris VII, 1982. Bản tiếng Việt do nxb Xuân Thu, Nam Cali, 1989. (12) Triumph forsaken, the Vietnam war 1954- 1965, do Cambridge University Press xuất bản tháng 11 năm 2006. Tác giả Mark Moyar cũng cho rằng lật ông Diệm là đã bỏ mất một cuộc khải hoàn. Tưởng cũng nên thêm rằng Moyar thuộc trường phái xét lại lịch sử, đưa ra những bằng chứng phản bác cái gọi là “trường phái chính thống” từ trước tới nay thường cho rằng Mỹ thua vì ủng hộ một chính quyền độc tài bất xứng. Những ai muốn có một cái nhìn mới về cuộc chiến và chế độ Ngô Đình Diệm nên tìm đọc tác phẩm này. (13) NXB Public Affairs, New York, 1999, các trang 198-201. Tuy có một số người, trong đó có người viết chẳng những không tán thành mà còn chê tác giả Argument Without End quá hạ mình trước kẻ chiến thắng, và quá khen ông Hồ, nhưng không thể không thán phục sự thành thực nhận lỗi của ông về việc chính quyền của đảng Dân Chủ đã “tổ chức” và “khởi động” (nguyên văn chữ ông dùng: organize và set in motion) cuộc đảo chính lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam. (14) Ngẫu nhiên mà họ Lưu cũng đồng ý với Robert McNamara là người đã từng gọi ông Diệm là con người rất phức tạp, một bí ẩn (an Enigma). Xin xem In retrospect... trang 42. Cũng như trong hồi ký Mémoire d’un Viet Cong, Trương Như Tảng, cựu bộ trưỏng tư pháp trong chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam cũng dùng y nguyên từ Enigma để chỉ ông Diệm. Còn đại sứ Nolting thì viết: He was an enigma to most Americans (đối với hầu hết người Mỹ, ông Diệm là một bí ẩn.) Nhưng rồi lại thêm: those who knew him best seemed to respect him most (Những ai biết ông ta nhất thì xem ra lại kính trọng ông ta nhất.). Xem From Trust To Tragedy, trang 16. (15) Về sự hối hận này, cựu đại sứ Fredrick Nolting đã trích dẫn Tập San Havard tháng 11 năm 1985 có đăng bức thư Cabot Lodge gửi Corliss Lamont trong đó có đoạn sau: “Dear Corliss, regarding your open letter of November 1, 1965, concerning me - you were right. We were wrong and we failed. I should have resigned sooner..." (Corliss thân, về bức thư ngỏ của anh liên quan đến tôi - anh nói đúng. Chúng ta đã lầm và đã thất bại. Đáng lẽ tôi đã phải từ chức sớm hơn mới phải... (16) SĐD, nxb Random House Inc., New York, 1995, trang 55.. (17) Riêng từ Instigate (xúi giục) này được Nixon dùng trong cuốn 1999: Victory Without War, nxb Simon and Schuster, New York, London, 1988, trang 123. (18) Xem Vietnam, a History, trang 293: His (Diem’s) collapse would have been impossible without American complicity (Ông ta không thể đổ nếu không có sự đồng lõa của Mỹ)
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire