06 Tháng 6 2007 -
Cảm nhận từ mốc lịch sử tháng Sáu 1989
Lê Diễn Đức
Gửi đến BBC từ Warsaw
Đất nước Ba Lan trải qua nhiều biến thiên lịch sử
Ngày 04/06/2007 vừa qua mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, với tất cả các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Ba Lan, đã từ bỏ chế độ độc tài toàn trị chuyển qua hệ thống chính trị đa nguyên, dân chủ.
Những người sống ở Đông Âu, dù có quan tâm thì cũng thường lấy năm xảy ra sự kiện làm thời mốc gian, ít ai nhớ đến ngày tháng.
Hôm 04/06/2007, đúng 18 năm trước, ngày 04/06/1989, tại Ba Lan chấm dứt chế độ cộng sản.
Ba Lan đã nổ trái bom đầu tiên, tạo nên phản ứng giây chuyền làm sụp đổ các chế độ cộng sản khác tiếp theo tại nhiều nước Đông Âu khác là Tiệp Khắc (cũ), Hungary, Đông Đức, Bulgaria, Romania và sau cùng là “thành trì vững chắc của phe Xã hội Chủ nghĩa”-Liên Xô.
Vào ngày 05/04/1989, thoả thuận “Bàn Tròn” lịch sử được ký kết giữa nhà cầm quyền CS Ba Lan và phe đối lập. Quốc hội Ba Lan bổ sung các điều luật về Thượng Viện và chức danh Tổng thống, đồng thời thông qua nguyên tắc bầu cử tự do.
Hai tuần sau, Công đoàn Đoàn Kết sau nhiều năm bị đàn áp phải rút lui vào hoạt động bí mật, được toà án cho đăng ký hoạt động công khai.
Ngày 8/05/1989, tờ báo tự do ngôn luận số đầu tiên xuất hiện trước công chúng nhằm cổ vũ, quảng bá cho cuộc bầu cử tự do diễn ra vào ngày 04/06/1989. Trong hoàn cảnh giấy bị thiếu và điều kiện in ấn thô sơ, 20 nhà báo đã làm việc tích cực và cho phát hành được 150 ngàn bản. Thiếu báo. Mọi người trên khắp Ba Lan phải trao tay nhau để đọc. Điều này cho thấy, trong xã hội cộng sản bị chế độ độc quyền thông tin, người dân thèm khát những luồng thông tin tự do ra sao.
Tờ báo mang tên “Báo Bầu Cử” (Gazeta Wyborcza) và tên này được giữ luôn cho tới ngày nay. “Báo Bầu Cử” hiện giờ là sản phẩm của tập đoàn truyền thông Angora, là một trong những nhật báo lớn nhất Ba Lan với đội ngũ trên 700 ký giả, có ấn bản khoảng gần nửa triệu trên toàn Ba Lan, có uy tín cao tại quốc nội và trong giới truyền thông quốc tế, ước tính có 5,5 triệu bạn đọc.
“Báo Bầu Cử” trong suốt 18 năm qua đã tiên phong thực hiện sứ mệnh “quyền lực thứ tư” mà cơ chế dân chủ trao cho, nâng cao dân trí, phanh phui các mặt tiêu cực của chính quyền, góp phần không nhỏ trong việc lành mạnh hoá xã hội, bảo vệ, xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ non trẻ.
Tướng Jaruzelski, lãnh tụ cộng sản cuối cùng ở Ba Lan, áp đặt thiết quân luật năm 1981 để triệt hạ Công đoàn Đoàn kết nhưng thất bại
Suốt hơn 44 năm cai trị, đến thời điểm này, ngày 04/06/1989, Đảng CS Ba Lan vẫn đang có trong tay tất cả: quân đội, công an, mật vụ, tiền bạc và cả một bộ máy tuyên truyền từ trung ương xuống địa phương. Trong khi Công đoàn Đoàn Kết có thể xem như hai bàn tay trắng, sức mạnh chỉ là trái tim, tri thức, mang khát vọng dân chủ của cả dân tộc và một tờ báo vừa mới lọt lòng, với hai màu đen trắng đơn sơ.
Những người cộng sản Ba Lan lúc bấy giờ, phần thì chủ quan nghĩ rằng tư tưởng của quần chúng đã bị mình thuần phục bằng bạo lực và sự ủng hộ từ Liên Xô trong gần nửa thế kỷ nên họ tin vững chắc vào thắng lợi; phần thì quen với lối “đảng cử dân bầu”, tỷ lệ trúng cử của đảng lúc nào cũng trên 90% (giống như Việt Nam hiện nay) nên họ tổ chức tranh cử khá vụng về.
Đảng cộng sản Ba Lan đã thất bại thảm hại: Ngoài 65% số ghế của quốc hội mà họ ấn định giữ lại theo thoả thuận “Bàn Tròn”, thì trong 35% số ghế còn lại để bầu tự do, họ không chiếm được ghế nào. Tại Thượng Viện, với 100 ghế, Công Đoàn Đoàn Kết chiếm 99 ghế, 1 ghế còn lại thuộc về một ứng viên độc lập.
Và chỉ nửa năm sau đó, ngày 27/01/1990, không một ai bắt buộc, không một sức ép nào của chính phủ không cộng sản đầu tiên, họ tổ chức đại hội lần cuối và tự tuyên bố giải tán để duy trì bộ máy đảng dưới lá cờ mới của phe Xã hội Dân chủ châu Âu.
Mãi đến năm 1997, hiến pháp mới, điều 13 ra đời mới đặt chủ nghĩa cộng sản ngang hàng với chủ nghĩa phát-xít, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cấm hoạt động trên lãnh thổ Ba Lan.
Tỉnh dậy thấy mình tự do
Vào ngày thứ 7 tuần trước, 02/06/2007, báo chí Ba Lan và nước ngoài đưa tin một trường hợp hy hữu. Ông Jan Grzebski, sau 19 năm hôn mê đã… tỉnh lại! Ông không còn tin ở mắt mình là Ba Lan không còn cộng sản nữa và mọi thứ đã thay đổi khủng khiếp như thế.
Trong năm 1988, ông Jan Grzebski làm việc tại sở hoả xa. Khi lắp ghép hai toa tàu vào nhau thì tai nạn xảy ra. Người ta đưa ông vào viện trong trạng thái bất tỉnh và sau đó ông bị liệt, hỏng thị giác và hôn mê. Không một vị bác sĩ nào dám đưa ra hy vọng về sự hồi phục. Chỉ duy nhất một người trực tiếp chăm lo, săn sóc ông và tin rằng một ngày nào đó ông sẽ khoẻ mạnh, đó là vợ ông, bà Gertruda Grzebska.
Bà Gertruda kể:
“Tôi muốn mua cho chồng một chiếc áo sơ mi mới, và chồng tôi rất ngạc nhiên thấy các cửa hàng mở cửa trong ngày chủ nhật.”
Chồng tôi rất ngạc nhiên thấy các cửa hàng mở cửa trong ngày chủ nhật
Gertruda Grzebska
Với chỉ sau một ngày, ông Grzebski chưa hình dung hết được cuộc sống của Ba Lan hiện nay. Thời của ông, tất cả hàng hoá phải mua theo tiêu chuẩn phân phối bằng tem phiếu, những dòng người xếp hàng mua xăng, mua thịt, bánh mỳ, thậm chí giấy vệ sinh… nhưng chưa chắc đã có khi tới lượt mình.
Các kệ trong các cửa hàng hầu như lúc nào cũng trống rỗng. Ông kinh ngạc khi vợ cho biết rằng, giờ này hàng hoá tràn ngập mọi nơi, siêu thị mọc lên như nấm sau cơn mưa, mở cửa cả ban đêm và chủ nhật, xe hơi sang trọng chạy đầy đường và người Ba Lan tự do đi gần khắp châu Âu không cần đến passport mà chỉ cần thẻ căn cước…
Bí hiểm nhất với ông là điện thoại cầm tay, Internet và hàng trăm chương trình TV. Mọi người khuyên nhau không nên kể hết những gì diễn ra xung quanh, sợ ông bị choáng, phải để ông tiếp cận dần dần.
Ông Jan Grzebski nói trên TV Polsat:
“Tôi tỏ lòng biết ơn bệnh viện và nhiều nhất đối với vợ tôi. Vợ tôi đã bên cạnh tôi và làm tất cả, đã cứu sống tôi. Không ai có thể giúp tôi như thế. Cho đến khi chết tôi luôn biết ơn vợ mình, bởi vì ai trên đời có được lòng kiên nhẫn và tình yêu thương như thế”
Ông Jan Grzebski quả là may mắn và vô vàn hạnh phúc. Ông đã trở về với đời sống bên cạnh người vợ quả cảm, nhân ái tuyệt vời. Và ông đã ngủ một giấc dài, để khi tỉnh dậy thì… không còn chế độ cộng sản nữa.
Trong chúng ta, có ai muốn ngủ một giấc dài như thế để khi thức dậy nhìn thấy Việt Nam là một đất nước tự do, dân chủ không?
Cũng 18 năm trước ở Trung Quốc
Khi tại Ba Lan chuẩn bị chấm dứt chủ nghĩa cộng sản bằng cuộc bầu cử tự do vào ngày 04/06/1989, thì từ cuối tháng 4 và năm tuần lễ tiếp theo, tại Bắc Kinh và 400 thành phố khác trên toàn Trung Quốc, hàng triệu người đã biểu tình rầm rộ đòi cải tổ hệ thống chính trị, chống tham nhũng và tự do ngôn luận.
Cũng trong năm 1989, xảy ra cuộc biểu tình và sau đó là đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn
Đảng cộng sản Trung Quốc kinh hoàng, lo sợ trước những gì đã và đang xảy ra tại Ba Lan và Đông Âu đã quyết định dùng bạo lực.
Ngày 4/06/1989, quân đội với xe tăng và xe bọc thép được điều đến quảng trường Thiên An Môn (Tiananmen), lúc bấy giờ đang có hàng ngàn sinh viên tập trung phản đối chính quyền. Người ta ước tính có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người bị bắn và bị nghiền nát dưới xích sắt xe tăng.
Tấm ảnh một người qua đường duy nhất của hãng AFP vào ngày 05/06/1989, một ngày sau vụ thảm sát, trở thành biểu tượng rất lâu của một nhà nước cộng sản độc ác và dã man thuộc loại bậc nhất trong thế giới hiện đại.
Cho đến nay, diễn biến của vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 vẫn là đề tài bị cấm kỵ nghiêm ngặt tại Trung Quốc.
Tối ngày 04/06/2007, tại Hongkong, hàng ngàn ngọn nến đã được thắp lên để tưởng nhớ đến những nạn nhân của vụ thảm sát cách đây 18 năm mà chính quyền cộng sản Trung Quốc đã gây ra trên quảng trường Thiên An Môn.
Cũng tại Ba Lan, hàng năm, cứ đến ngày này, dù không nhiều, nhưng bao giờ người dân thủ đô Warsaw cũng thắp nến và cầu nguyện cho nạn nhân vụ thảm sát trước toà đại sứ Trung Quốc.
Suốt nhiều năm nay, tìm mọi cách xoá nhoà hình ảnh vụ thảm sát trong tâm trí quần chúng, ngoài tận dụng mọi hình thức cấm đoán nghiêm ngặt về thông tin, nhà cầm quyền Trung Quốc tận dụng phương pháp quảng cáo tối đa thành quả kinh tế, cho dù thành quả này chẳng phải của “chủ nghĩa xã hội” mà thực chất là của thuyết lý thực dụng “mèo nào cũng tốt, miễn bắt được chuột” của Đặng Tiểu Bình.
Một sự tình cờ? Đúng ngày 04 và 05/06/2007, Maria Kruczowska, phóng viên của “Báo Bầu Cử” Ba Lan, có mặt tại Bắc Kinh và viết về sự kiện này. Trong bản tin ngày 5/06/2007, bà viết:
“Một năm trước đây, khi hãng truyền hình Mỹ PBS đưa một số ảnh chụp nổi tiếng về cuộc thảm sát cho sinh viên xem, người thì nói rằng, đây là quân đội duyệt binh, người thì cho rằng foto bị dùng kỹ xảo lắp ghép”.
“Ngày hôm qua, 04/6/2007, ngày kỷ niệm vụ thảm sát, trên quảng trường Thiên An môn đầy khách du lịch và yên tĩnh. Chỉ có bà Đinh Tử Linh, người đứng đầu Hiệp hội “Những bà mẹ Thiên An Môn” đến đặt hoa không xa chỗ chết (được giả thiết) của người con trai. Các ngày lễ trước đây bị cấm tuyệt đối, bà bị quản chế tại gia không được ra ngoài. Năm nay, nhà nước nới lỏng chút đỉnh nhờ Thế Vận Hội 2008”.
“Cho đến giờ này vẫn chưa xác định được ai là người đã đứng chặn mũi xe tăng và điều gì đã xảy ra. Đây là một trong những bí mật của sự kiện cách đây 18 năm. Một tờ báo buổi chiều của miền Nam Anh quốc viết rằng, người đó tên là Vương Vệ Lâm, sinh viên 19 tuổi. Có nguồn tin nói anh ta bị bắn chết, nguồn khác thì nói anh ta đã chạy thoát và đang sống đâu đó ở Trung Quốc”.
“Con số người bị thảm sát vẫn tiếp tục là bí mật. Hội Hồng Thập Tự Trung Quốc đưa ra khoảng 2.000, còn “New York Time” thì viết là 600 - 800”.
Orville Shell, trưởng Khoa Báo chí đại học Berkeley University nhận xét rằng:
“Trung Quốc đã quay lưng lại với con đường mà các nước cộng sản khác đi qua. Một nghịch lý là Thiên An Môn gắn liền với những thành quả kinh tế chóng mặt.
Người Trung Quốc nghe đâu đây lời của Đặng TIểu Bình, đại loại: “Cánh cửa thứ nhất rộng mở và tiền bạc đang chờ đợi, có cơ hội bảo đảm cho cuộc sống gia đình và mơ ước. Cánh cửa thứ hai: Chính Trị, thì đóng chặt. Nếu các người có ý định mở nó, các người sẽ bị u đầu”.
“Ba năm sau, những người đã từng có mặt trên Thiên An Môn mở hãng làm ăn”.
“Nhưng Trung Quốc chẳng tiến thêm được chút nào trong việc chống tham nhũng, luật rừng rú, kiểm duyệt và mọi vấn đề vẫn còn nguyên thực tế như 18 năm trước đây”.
Với những người Việt yêu dân chủ tự do và mong muốn một ngày nào đó quê hương Việt Nam sẽ hội nhập vào cộng đồng các quốc gia văn minh, tiến bộ trên thế giới, hãy cố gắng đừng quên ngày 04/06/1989, để ghi nhớ cho mình một kỷ niệm, một bài học quý giá, từ Ba Lan, từ Trung Quốc.
Nhân ngày lịch sử này, người viết chỉ biết gửi gắm tất cả những gì mình muốn nói qua hàng chữ bất tử trên nghĩa trang tại Washington DC, tưởng niệm những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953: “Freedom is not free”.
Warsaw 4-5/06/2007
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/06/070606_poland_viet_freedom.shtml
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire