Nước Cờ Của Tổng Thống Bush
Hoàng Đạo Thế Kiệt
Việc Tổng thống Bush tiếp kiến đại diện của 4 tổ chức người Mỹ gốc Việt tại Hoa kỳ đã tạo ra một sự xửng sốt lớn lao trong cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới, nhất là tại Mỹ.
Hầu như ai cũng cho rằng đây là một hành động vô cùng ngoạn mục, vô tiền khoáng hậu, bởi cuộc hội kiến đã diễn ra với một cung cách khác thường về mọi mặt, từ phía chính quyền đến phía những người được mời, từ không gian đến thời gian, từ nội dung đến hình thức. Giới quan tâm đã viết và nói nhiều về biến cố này. Người viết chỉ xin góp thêm một vài ý nghĩ về nội vụ, đặc biệt là về ý nghĩa của nó.
Trước hết xin lược duyệt lại sự vụ.Ngày 29-5-2007 gần như toàn bộ các giới chức cao cấp nhất của tòa Bạch ốc, gồm Tổng thống, Phó Tổng thống, Cố vấn An ninh Quốc gia, Chánh văn phòng Tổng thống, Tùy viên báo chí phủ Tổng thống... đã tiếp kiến 4 ông: bác sĩ Nguyễn quốc Quân, Ủy ban Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản; kỹ sư Đỗ thành Công, đảng Dân chủ Nhân dân; kỹ sư Đỗ hoàng Điềm, Việt-Nam Canh tân Cách mạng đảng, và tiến sĩ Lê minh Nguyên, Màng lưới Nhân quyền Việt-Nam. Ngoài 4 người trên tòa Bạch Ốc còn mời kỹ sư Đỗ nam Hải thuộc Khối 8406, hiện ở Việt-Nam, nhưng không tham dự được vì bị Việt cộng ngăn chặn.
Cuộc hội kiến do tòa Bạch ốc chủ động, có mục đích để Tổng thống tìm hiểu về tình hình nhân quyền và đấu tranh dân chủ tại Việt-Nam, đồng thời để ghi nhận ý kiến về những gì mà Hoa kỳ có thể làm để hỗ trợ cuộc đấu tranh đó.
Theo thuật lại, cuộc hội kiến đã diễn ra tại phòng làm việc của Tổng thống ở tòa Bạch ốc, kéo dài khoảng 45 phút, trong đó Tổng thống và những người tham dự đã tuần tự trao đổi ý kiến về vấn đề nêu ra. 4 người được mời đã nhân dịp này trình bày những thỉnh nguyện, mong Tổng thống và chính phủ Hoa kỳ thực hiện một số việc, đặc biệt là đặt Việt cộng vào lại danh sách những nước cần phải quan tâm về tôn giáo (CPC), và áp lực để Việt cộng phải trả tự do ngay cho những nhà tranh đấu đang bi gian giữ, đồng thời có các biện pháp khác để yểm trợ phong trào dân chủ trong nước. Tổng thống đã cho ghi nhận những đề nghị này để nghiên cứu.
Đây là lần đầu tiên có một cuộc hội kiến có tầm vóc đặc biệt như vậy, và trong tương lai chắc cũng khó mà có một sự kiện tương tự như thế. Điểm đáng chú ý là cuộc tiếp kiến lại diễn ra vào sau khi bạo quyền Hà-Nội ra tay đàn áp cực kỳ trắng trợn và thô bạo những nhà đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước, và trước khi chủ tịch Việt cộng Nguyễn minh Triết viếng thăm Hoa-kỳ theo lời mời của ông Bush.
Diễn biến nói trên đã làm dư luận rất xôn xao và đi tìm giải đáp cho vụ này.
Phản ứng của người Việt khắp nơi.Sau khi được biết có cuộc tiếp kiên nói trên, đã có nhiều nhận định được đưa ra, nhằm vào mấy điểm chính sau đây:
1/ Về thành phần chủ động cuộc tiếp kiến. Được biết chính Cố vấn An ninh Quốc gia đã đưa ra sáng kiến này. Điều đó không lạ, nhưng cái lạ là tại sao lại phải có cả một thành phần cao cấp như thế, gồm từ Tổng thống, Phó Tổng thống, Cố vấn An ninh Quốc gia, đến Tùy viên báo chí v.v.. dự cuộc tiếp kiến?
Tòa bạch ốc không giải thích điều này, nhưng nhìn qua thành phần đó thì ai cũng phải thấy ngay là qua vụ này ông Bush đã đánh một nước cờ rất quan trọng. Quan trọng thế nào?
Phần đông cho rằng ông muốn gỡ thể diện cho mình, đồng thời dằn mặt chủ tịch Việt cộng Nguyễn minh Triết, vì đã coi thường Mỹ, gây khó khăn cho ông, khi trắng trợn phản bội lời hứa về mở rộng nhân quyền, và thẳng tay trấn áp phong trào dân chủ trong nước.
Nhưng điều đó không đủ để biện minh cho cuộc biểu dương khác thường của ông Bush.
Muốn dằn mặt Việt cộng thì chỉ cần ngoại trưởng Rice lên tiếng là đủ, hà tất phải đưa hết cả thành phần thượng đỉnh của đại cường số 1 trên thế giới ra tiếp mấy người của một cộng đồng đã từng bị bỏ rơi trong suốt bao nhiêu năm?
2/ Về thành phần được tiếp kiến: Tại sao tòa Bạch ốc lại chọn mấy người nói trên để tiếp xúc mà không mời những người hay tổ chức khác? Nhiều người thắc mắc không biết tòa Bạch Ốc mời theo tiêu chuẩn nào?
Theo tiết lộ của ông Lê minh Nguyên thì chính quyền đã mời đích danh 4 người chứ không phải qua đoàn thể của họ hay qua cộng đồng. Ông Nguyên cũng cho rằng điều đó chứng tỏ chính quyền đã theo dõi các sinh hoạt của cộng đồng (hàm ý: nên mới biết và mời họ)
Nếu điều đó đúng thì nó lại gây nhiều dị nghị hơn nữa bởi vì rõ ràng là tiêu chuẩn mời đã không đáp ứng với mục đích mời.
Thứ nhất là: họ đi với tính cách cá nhân hay đoàn thể của họ thì tiếng nói của họ không có sức mạnh của tiếng nói cộng đồng. Thành ra nếu ý định của ông Bush là muốn thăm hỏi ý kiến của tập thể người Việt hải ngoại thì đối tượng thăm dò đã không được đúng.
Thứ hai là: hiểu biết của mấy nhân vật và tổ chức này chắc chắn không thể nào sâu rộng bằng hiểu biết của chính phủ cũng như nhiều tổ chức Nhân quyền địa phương hay quốc tế khác, nhất là những tổ chức trực diện đấu tranh dân chủ trong nước như Phật giáo, với Hòa thượng Thích quảng Độ của Giáo hội Phật giáo Thống nhất, và Công giáo với Linh mục Nguyễn văn Lý và một số giáo sĩ và giáo dân cả ở trong lẫn ngoài nước.
Và thứ ba là: định mời những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền để tìm hiểu về cuộc đấu tranh đó ở trong nước, và hỏi xem chính phủ có thể làm gì để hỗ trợ cụ thể cho công cuộc này, mà trong số 4 tổ chức được mời chỉ có 2 tổ chức thực sự có người đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước. Đó là đảng Dân chủ Nhân dân của kỹ sư Đỗ thành Công, tuy mới thành lập gần đây, nhưng vì có thành viên vừa bị bắt và bị xử tù nên được coi là có thành tích đấu tranh. Còn tổ chức kia là Cao trào Nhân bản (trong nước) của bác sĩ Nguyễn đan Quế và Ủy ban Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản của bác sĩ Nguyễn quốc Quân, ở ngoài nước. Đây là tổ chức có thế giá nhất, vì bác sĩ Quế đã kiên trì hoạt động từ lâu, bị tù và quản chế tổng cộng đến trên 20 năm, tranh đấu ôn hòa nhưng có chủ trương đường lối dứt khoát với bạo quyền cộng sản. Mặt khác, Ủy ban Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản do bào huynh của bác sĩ Quế là bác sĩ Quân cũng đã tích cực hoạt động liên tục trong nhiều năm, đạt nhiều kết quả tốt, đặc biệt đã vận động được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng Liên đoàn Lao động Mỹ, một số Dân biểu Nghị sĩ Mỹ, một số các nhà khoa học và ngay cả bộ Ngọai giao Mỹ. Ngày Nhân quyền cho Việt-Nam được quốc hội biểu quyết, chính là công trình của Ủy ban Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản.
Như thế việc chọn mời ở đây chỉ có tính cách biểu kiến mà thôi, nhất là khi nhìn vào tính cách trình diễn của cuộc hội kiến. Ý nghĩa thật sự của cuộc tiếp kiến hiển nhiên nằm ở chỗ khác chứ không như mục đích đã công bố. Cho nên tòa Bạch Ốc mới không coi tiêu chuẩn mời là vấn đề quan trọng. Có thể nói chắc đây chỉ là một cái cớ để ông Bush đánh một nước cờ chứ không phải ông thật sự cần tìm hiểu về nhân quyền để hành xử cho đúng.
Ý nghĩa của cuộc tiếp kiếnĐây là điểm quan trọng nhất mà mọi người muốn tìm hiểu. Có hai luồng dư luận chính.
Thứ nhất là, dư luận cho rằng, vì bị bẽ mặt với thế giới và vì bị áp lực của dư luận, nhất là dư luận Mỹ, ông Bush đã phải có hành động để rửa mặt mình và dằn mặt Việt cộng, mà viên
chủ tịch của chúng đang sắp sang Mỹ để hội kiến với ông. Và vì thế cuộc tiếp kiến của ông Bush với 4 nhân vật kể trên là một hành động thật lòng, vừa để giải tỏa áp lực, vừa để vuốt ve cộng đồng người Việt tại Mỹ (nay được coi như một thực thể cần phải lắng nghe), vừa để ủng hộ phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Việt-Nam, lại vừa dùng cộng đồng Việt-Nam như một đòn bảy để chống cộng.
Đứng về phía lạc quan này là ông Lê minh Nguyên của màng lưới Nhân quyền. Ông cho rằng Tổng thống Bush đã tỏ ra coi trọng cộng đồng người Việt hơn, và hy vọng sẽ có đáp ứng cụ thể trong chuyến viếng thăm sắp tới của Nguyễn minh Triết. Ông tin tưởng ở lời ông Bush, nói rằng ông rất quan tâm đến dân chủ và luôn luôn muốn Việt-Nam có dân chủ. Và ông cũng tin rằng với sự ủng hộ của chính quyền Mỹ sẽ có thay đổi ở Việt-Nam, và công cuộc đấu tranh dân chủ của đồng bào quốc nội vừa bùng lên rầm rộ sẽ không bị xẹp xuống như vụ Thiên An Môn.
Ba người được tiếp kiến kia cũng tỏ ra lạc quan, tuy có vẻ không phấn khởi bằng.
Thứ hai là, một số người bi quan, lại không tin rằng ông Bush thật lòng muốn tham khảo cộng đồng người Việt hải ngoại, và sẽ tích cực ủng hộ cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền của đồng bào trong nước. Họ bảo trong quá khứ Mỹ chưa bao giờ làm điều gì cụ thể để giúp đem lại dân chủ cho Việt-Nam. Riêng ông Bush thì có nói sẽ ủng hộ những dân tộc nào đứng lên tranh đấu cho tự do, nhưng khi hành động thì lại chỉ làm ngược lại, phản bội chính lý tưởng của ông, như trường hợp Việt-Nam.
Cho nên nay bỗng nhiên ông Bush có một hành động ngoạn mục đến thế thì chắc cũng chỉ để phục vụ cho quyền lợi của Mỹ mà thôi. Có nghĩa là cuộc hội kiến chỉ là một đòn phép, và dân chủ nhân quyền chỉ được đưa ra để mặc cả với Việt cộng, nhằm đòi những gì Mỹ muốn.
Nhưng nếu vậy thì mục tiêu mà ông Bush nhắm tới là gì? Về kinh tế thì hai bên Mỹ/Việt cộng đã đạt được mấy thành quả lớn rồi và còn đang chuẩn bị để ký kết thêm nữa vào dịp Triết tới Mỹ. Còn về an ninh thì cũng đã và đang có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai bên rồi, khó có thể tiến mạnh hơn được nữa, vì còn yếu tố Trung cộng.
Ví thế đây là điểm không thể giải thích được, nếu không đặt vấn đề từ căn bản.
Vậy căn bản của vấn đề là ở đâu?Trong một bài viết năm ngoái (sau đại hội X Việt cộng, tháng 4-2006) nhan đề “Thêm một bài học”, nói về kinh nghiệm rút ra từ đại hội X của cộng đảng, người viết bài này đã khẳng định rằng: không thể có vấn đề “dân chủ hoá”, không thể dẹp được tham nhũng, và phải có một sự đột biến, một hình thức lật đổ, mới thay đổi được hiện tình”, bởi vì “dân chủ hóa’ sẽ đưa Việt cộng đến chỗ chết, và chống tham nhũng là chống chính bọn chúng, nên không khi nào chúng chấp nhận. Chỉ có một đột biến mới giải quyết được vấn đề.
Vì vậy căn bản của vấn đề vẫn là:1/ Việt cộng độc tài dứt khoát không chấp nhận dân chủ hóa chế độ, vì nếu vậy chúng sẽ mất quyền, mất lợi, và có khi mất cả xác.
2/ Mỹ muốn kéo Việt cộng về phía mình, nhưng đồng thời lại đòi Việt cộng phải dân chủ hóa, cho nên lúc nào chúng cũng phải đề phòng “diễn biến hòa bình” của Mỹ.
3/ Trong khi đó Trung cộng không những đã không đòi Việt cộng phải dân chủ hóa mà còn cố giúp chúng tham nhũng thêm và giữ chặt lấy quyền bính, để chúng phải ngả về phía mình.
Giải đáp của bài toán đến đây đã khá rõ:- Việt cộng phải giao du thân mật với Trung cộng. Trước khi đi Mỹ hay sau khi đi Mỹ đều phải đi Tàu trình báo. Điều gì muốn làm cho Mỹ cũng phải làm cho Tàu, bằng hay hơn.
- Hoa-kỳ vẫn ở thế hạ phong. Những hứa hẹn của Việt công bị chúng dẹp bỏ. Phong trào dân chủ bị trấn áp thẳng cánh. Đã thế càng ngày chúng càng lấn tới, đòi hỏi thêm...
Nói tóm lại, Việt cộng có “theo” Mỹ thì chỉ để trục lợi chứ không bao giờ thực tâm, dù rằng Mỹ có hứa ngầm không đòi chúng phải dân chủ hóa. Nhưng sự hợp tác gượng ép giũa hai thái cực này -một bên là tư bản dân chủ, một bên là cộng sản độc tài- không thể kéo dài mãi. Đến một lúc nào đó Mỹ sẽ thấy không còn đủ kiên nhẫn để cứ bị phỉnh gạt và lợi dụng quá trắng trợn, và phải có phản ứng mạnh mẽ. Nhưng mạnh tới đâu thì còn tùy. Bởi vì áp lực của bọn con buôn và cái lý cớ về an ninh không phải là nhỏ, nếu không nói là quá lớn.
Mỹ sẽ còn phải cố bám trụ. Và hai bên sẽ còn ở trong thế giằng co thêm một thời gian nữa trước khi ngã ngũ, và có biến cố. Trong thời gian này, khi Mỹ làm mạnh thì Việt cộng nhượng bộ một chút, như chiến thuật lường gạt muôn đời là trả tự do cho vài nhà tranh đấu dân chủ mà chúng bắt để làm vốn mặc cả, hoặc ký vài đơn mua hàng v.v. để vưốt ve Mỹ, rồi lại tiếp tục lấn tới, đàn áp, lợi dụng. Điều này chỉ it lâu nữa là chúng ta sẽ thấy rõ Mỹ thật sự muốn gì và sẽ đi tới đâu, có đáp ứng được thỉnh nguyện nào của 4 nhân vật được tiếp kiến đưa ra không, và có thực sự yểm trợ phong trào tranh đấu cho dân chủ của đồng bào ta ở Việt-Nam không hay chỉ là câu chuyện đầu voi đuôi chuột.
Riêng người viết thì tin rằng, trong bối cảnh nói trên, cuộc tiếp kiến ở tòa Bạch ốc và lời tuyên bố ở Varsovie của ông Bush là một nước cờ có tính quyết định lớn. Không phải chỉ vì nhân quyền ở Việt-Nam, không phải chỉ là cộng đồng người Việt hải ngoại, không phải để tìm hiểu mà cũng chẳng phải là để ghi nhận nguyện vọng... mà là cái gì quan trọng hơn giữa Mỹ và Việt cộng, hơn nữa giữa Mỹ và Việt cộng/Trung cộng. Đó là thế đứng dứt khoát của ba bên.
Vài lời kếtTừ cuộc tiếp kiến này người viết thấy có 2 bài học lớn cho cộng đồng người Việt chúng ta.
Bài học thứ nhất là: vì thiếu đoàn kết, vì không có cơ cấu đại diện vững chắc và uy tín, tập thể người Việt hải ngoại tại Mỹ đã không được mời, do đó không có tiếng nói. Đấy là một sự thua thiệt lớn lao. Nếu may mắn những người được mời nói lên đúng nguyện của tập thể thì tốt, còn ngược lại thì sao? Thêm nữa, tiếng nói của họ làm sao có được sức mạnh của tập thể?
Vì vậy điều khẩn yếu nhất hiện nay là người người Việt Quốc gia phải bằng mọi cách tập hợp lại đặc biệt là trong lúc bọn Việt cộng ngày càng ra mặt trực diện tấn công chúng ta, về mọi mặt, nhất là văn hóa, chính trị, kinh tế.
Bài học thứ hai là về sự tự lực cánh sinh. Theo thuật lại thì trong cuộc tiếp kiến ông Bush có nói rằng: người Việt-Nam phải đi tiên phong, Mỹ chỉ yểm trợ thôi. Không biết ông nói vậy vì cho rằng trong nước chưa thực sự dấn thân tranh đấu hay ám chỉ rằng người Việt hải ngoại trông đợi ở Mỹ nhiều quá. Dù sao đây là lời nói hữu lý. Kinh nghiệm đã cho thấy là vì dựa quá nhiều vào Mỹ, trong khi họ còn có những mục tiêu khác, người Việt đã gặp nhiều thất vọng ê chề. Vì chỉ dựa vào Mỹ nên khi thấy họ cứng rắn thì vội mừng rỡ, phấn khởi, trái lại khi Mỹ đi với Việt cộng thì lại thất vọng, chán nản. Vì thế lời nhắn nhủ của ông Bush cần phải nhập tâm.
Dù sao, trên hết cả, người Việt hải ngoại không mong gì hơn là lần này, vì đã làm quá lớn chuyện,
Mỹ sẽ không thể lui bước mà không bị chê cười và mất hết uy tín... Và như thế, hy vọng rằng cuộc tiếp kiến nói trên và lời tuyên bố của ông Bush trong hội nghị Dân chủ Thế giới tại thủ đô Tiệp Khắc tuần rồi là bước đầu phản ứng dứt khoát của Mỹ.
Riêng về phía người Việt Quốc gia, chúng tôi cầu mong mọi người hãy nhân dịp này, áp dụng ngay bài học đoàn kết và tự lực, dồn mọi sức mạnh vào cuộc biểu dương chống Việt cộng Nguyễn minh Triết, bất kể ý đồ sắp tới của hai bên Mỹ / Việt cộng ra sao.
9/6/2007
http://www.vietnamexodus.org/vne/modules.php?name=News&file=article&sid=1975-----
Bush honors victims of communismMón quà tội ácTừ bịt miệng đến… bịt mắt, bịt taiCác Nạn Nhân Da Cam Việt Nam Hãy Làm Cuộc Hành Trì...Statue honors victims of communismLes vingt-et-une conditions d'admission des Partis dans l'Internationale Communiste